Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

Phan Nhật Nam - Lịch sử Tháng Tám, Tháng Chín năm 1945 phải được viết lại

Viết lại sau 77 năm (1945-2022)

Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tại Phủ Toàn quyền Hà Nội năm 1950 

Phần I

Dẫn Nhập.

Bắt đầu từ mùa Hè năm 1945, Thế Chiến Thứ Hai khởi động từ 1939 đi vào giai đoạn kết thúc. Tại Âu châu, nước Đức dần lâm thế bị động do cùng một lúc phải hứng chịu hai mặt giáp công. Cuộc tiến công từ hướng Tây gồm liên quân Hoa Kỳ, Anh, Pháp và đồng minh Tây Âu khởi sự từ lần đỗ bộ vĩ đại lên đất Pháp ở bãi biển Normandie vào ngày 6 Tháng Sáu của năm trước. Đồng thời Hồng quân Liên Xô sau khi kết thúc chiến tranh ở châu Âu với Đức đã xé bỏ Hiệp Ước Bất Tương Xâm ký với Nhật trước kia và tấn công đạo quân Quan Đông của nước nầy nhằm chiếm đóng vùng Mãn Châu ở Bắc Á. 


Ngày 6 và 9 Tháng Tám Mỹ quyết định thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố kỹ nghệ Hiroshima và Nagasaki; thấy rõ không thể cứu vãn được tình thế, ngày 15 Tháng Tám, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Hậu quả của tình thế chung tác động trực tiếp đến các nước trong vùng Đông-Nam Á trong đó có Việt Nam. Và khi thế giới dần ra khỏi cơn ác mộng chiến tranh thì trên đất Việt lại bắt đầu dậy cơn lửa đạn với một lực lượng gọi là Mặt Trận Việt Minh do Đảng Cộng Sản Đông Dương làm hạt nhân tổ chức và chỉ đạo. 

Ðây là một chặng đường lịch sử vô cùng quan trọng vì đã tạo nên những biến động quyết định liên quan trực tiếp đến vận mệnh của đất nước và dân tộc Việt. Dẫu chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi của hai tháng Tám và Chín năm 1945, tuy nhiên từ yêu cầu khách quan và sự thật của lịch sử đã đến lúc cần viết lại để giải thích hiện tình Việt Nam ở thế kỷ 21 nầy. 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/japan-surrenders-end-of-wwii-gettyimages-50370225.jpg

Đại diện Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng Đồng Minh trên chiến hạm Missouri ngày 2/9/1945 

1.1- 

Để hiểu rõ tình thế của Việt Nam vào những ngày Tháng Tám, 1945 chúng ta cần tìm hiểu Mặt Trận Việt Minh là gì, do ai lãnh đạo và lực lượng nầy đã đưa đất nước đi về đâu..? Câu trả lời đầu tiên cần nói rõ là: Mặt Trận Việt Minh là tổ chức chính trị bạo lực đã cướp chính quyền hợp pháp của Vua Bảo Đại tại Hà Nội vào những ngày Tháng Tám, 1945 cách đây đúng 77 năm. 

Trước tiên cần nhắc lại những sự kiện chính trị liên quan đến tình thế Việt Nam. Do nhu cầu liên kết những nhà hoạt động cách mạng người Việt ở Trung Hoa trong thập niên 30-40 của thế kỷ trước với mục tiêu giành độc lập từ tay người Pháp, các ông Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần với sự giúp đỡ của Quốc Dân Đảng Trung Hoa đã thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Minh Hội tại Nam Kinh vào tháng 1 năm 1936. Nhờ sự giới thiệu và uy tín của ông Hồ Học Lãm đối với nhà cầm quyền Trung Hoa Dân Quốc, vào gần cuối năm 1940 một số cán bộ cộng sản người Việt gồm Lâm Bá Kiệt được giới thiệu đến nhà cầm quyền Trung Hoa. 

Lâm Bá Kiệt là bí danh của ông Phạm Văn Đồng là người sau nầy giữ chức thủ tướng của chế độ mới tại Hà Nội kể từ 1955. Thủ tướng Đồng cũng là người ký công hàm thuận nhượng Hoàng-Trường Sa cho Trung cộng từ 14 Tháng Chín, 1958 mà hậu quả di hại với thực trạng Biển Đông tại hôm nay. 

1.2-

Vào đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh từ Trung Hoa về nước đặt căn cứ ở hang Pắc Bó, Châu Hà Quảng, Tỉnh Cao Bằng để trực tiếp chỉ huy lực lượng cộng sản đang hoạt động ở ba nước Việt, Miên và Lào. Sau khi củng cố nội bộ, huấn luyện đảng viên, phát triển cơ sở, Nguyễn Ái Quốc tổ chức Hội nghị Trung ương đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 vào Tháng 5 năm 1941 đưa Trường Chinh Đặng Xuân Khu lên làm Tổng bí thư đảng chuẩn bị cho lần cướp chính quyền vào Tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội. 

Ngày 19 Tháng Năm, 1941 Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội gọi tắt là Mặt Trận Việt Minh ra mắt công khai tại Cao Bằng (Lưu ý, thời điểm 19 Tháng 5 vào năm 1946 được xử dụng làm ngày sinh của HCM với một mục đích chính trị khác). Kể từ đó, những đảng viên cộng sản Việt Nam, nhân viên của Quốc tế Cộng sản Nga-Hoa, hoạt động ở Trung Hoa cũng như ở trong nước Việt Nam đều núp dưới danh xưng Việt Minh nên đã đánh lừa được giới quan sát viên quốc tế cũng như tại Việt Nam. 

Hồ Chí Minh và Mặt Trận Việt Minh mới gồm đa số là đảng viên cộng sản, nắm rõ được biến chuyển của tình hình thế giới nhờ thông tin của Đệ Tam Quốc tế Cộng Sản và của cả OSS (Office of Strategic Services) tức là tổ chức tình báo của Hoa Kỳ, tiền thân của CIA (Central Intelligence Agency) ngày nay. Cũng do Việt Minh đã hợp tác với và cung cấp tin tức cho OSS về những hoạt động của quân đội Nhật Bản ở Đông Dương. 

Từ Tháng Tư năm 1945, ban lãnh đạo Việt Minh bắt đầu tổ chức Uỷ Ban Giải Phóng tại các vùng họ hoạt động, thống nhất các lực lượng võ trang thành Việt Nam Giải Phóng Quân đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Võ Nguyên Giáp, đồng thời thành lập các Uỷ ban Dân tộc Giải phóng từ Tháng Bảy của năm 1945 đầy biến động nầy. Vì vậy ngay khi Nhật đầu hàng Mỹ vào ngày 14 Tháng Tám năm 1945, trong lúc lãnh tụ các đảng phái quốc gia chưa trở tay kịp vì thiếu thông tin liên lạc quốc tế và thiếu chuẩn bị khởi nghĩa trong nước thì Việt Minh ra lệnh cướp chính quyền ở khắp các tỉnh thuộc lãnh thổ Việt Nam.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/12087753966_01ae493bee_b.jpg

Vua Bảo Đại giữa các sĩ quan Pháp và quan lại triều đình, năm 1945 

1.3- 

Trở lại với Triều đình Huế với Vua Bảo Đại cùng lần thành hình của Đế Quốc Việt Nam. Đế Quốc Việt Nam là một chính thể chỉ tồn tại từ 11 Tháng Ba đến 23 Tháng Tám của năm 1945; tuy  nhiên chỉ trong 5 tháng ngắn ngủi nầy, Nội các của Hoàng Đế Bảo Đại đã thực hiện được một sự việc vô cùng quan trọng đối với lịch sử mà hôm nay cần nhận định lại để xét xem “Lý Chính Danh” thuộc về ai. Sự kiện quan trọng ấy là lần Tuyên bố Độc lập và Thống nhất qua việc tái nhập xứ Nam Kỳ vào lãnh thổ Việt Nam trên danh nghĩa. Chúng ta hôm nay có bổn phận nói rõ về biến cố lịch sử vô cùng quan trọng nầy mà hầu như số đông nhiều thế hệ người Việt đã không biết đến. 

Cần nhắc lại những sự kiện quan trọng xẩy ra trong những năm từ 1939 đến 1945 của Đệ Nhị Thế Chiến. Sau khi chính phủ Pháp ở Ba Lê đầu hàng quân Đức vào năm 1940 thì quân đội Pháp mất quyền kiểm soát Đông Dương và quyền này rơi vào tay người Nhật. Tuy nhiên người Nhật vẫn giữ lại những viên chức người Pháp và chỉ điều khiển sau hậu trường. Nhưng do yêu cầu của tình thế nên ngày 9 Tháng Ba, 1945, Nhật đổi chính sách và thực hiện cuộc đảo chính ở Việt Nam nhằm bắt giam các tướng lãnh và tước khí giới của quân đội Pháp. Đại sứ Nhật ở Đông Dương là Matsumoto Shunichi giao cho đại diện Pháp là Đô đốc Jean Decoux tối hậu thư buộc người Pháp phải chấp nhận vô điều kiện quyền chỉ huy của Nhật trên mọi phương diện. 

Ở Huế, Đại úy Kanebo Noburu vào trình báo Vua Bảo Đại quyền lực của Pháp đã bị loại bỏ. Hiện thực tình thế nầy giới chức lãnh đạo Nhật ở Đông Dương thỏa thuận trao trả độc lập cho Việt Nam trên danh nghĩa. Hai ngày sau, 11 Tháng Ba vua Bảo Đại triệu cố vấn tối cao của Nhật là Đại sứ Yokoyama Masayuki vào điện Kiến Trung để tuyên bố nước Việt Nam Độc Lập. Bản tuyên ngôn độc lập này có chữ ký của sáu vị thượng thư trong Cơ Mật Viện là cơ quan hành pháp tối cao của Vương triều Bảo Đại. Đấy là các Thượng thư Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Ưng Úy, Bùi Bằng Đoàn, Trần Thanh Đạt, và Trương Như Đính. Vua Bảo Đại công bố một chiếu chỉ đề ngày 27 Tháng Giêng ta tức năm thứ 20 niên hiệu Bảo Đại đến với Quốc Dân Việt Nam báo hiệu thời kỳ tự chủ, độc lập của đất nước. Nhà vua lên ngôi từ năm 1926 lúc mới 13 tuổi lúc còn đang du học ở Pháp.

1.4 – 

Nhắc lại những sự kiện quan yếu kể trên để hiểu rõ hơn nội dung và tinh thần của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ bị người Pháp đô hộ kể từ năm 1884 trên toàn cõi nước Việt. Chiếu chỉ của Vua Bảo Đại có nội dung như sau: 

“Theo tình hình thế giới nói chung và hiện tình Á châu, chính phủ Việt Nam long trọng công bố rằng: “Kể từ ngày hôm nay, Hòa Ước Bảo Hộ ký kết với nước Pháp được hủy bỏ và vô hiệu hóa. Việt Nam thu hồi hoàn toàn chủ quyền của một Quốc gia Độc lập.”

Với Dụ số 1 ra Ngày 17 Tháng Ba nhà vua nêu khẩu hiệu “Dân Vi Quý” có nghĩa lấy Dân Làm Quý là phương châm trị nước. 

Nhà sử học Trần Trọng Kim được bổ làm Nội các Tổng trưởng thời kỳ mới, giao nhiệm vụ thành lập nội các vào ngày 17 Tháng Tư. Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Độc Lập và ông Trần Trọng Kim trở thành vị Thủ tướng đầu tiên của lịch sử dân chủ của quốc gia Việt Nam. Với tập hợp được những trí thức có danh tiếng lúc bấy giờ, thành phần nội các ra mắt quốc dân Ngày 19 Tháng Tư gồm các vị: 

-Tổng trưởng Nội các hay Thủ tướng Giáo sư Sử học Trần Trọng Kim. Phó Tổng trưởng Nội các hay là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Luật sư Trần Văn Chương. Ông Trần Văn Chương chính là thân phụ của Bà Ngô Đình Nhu, mà sau nầy ông giữ chức Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ cho đến biến cố Phật Giáo năm 1963 xẩy ra ở trong nước. 

-Bộ trưởng Nội vụ là Bác sĩ Trần Đình Nam là nhân vật sau nầy giữ nhiệm vụ Niên trưởng Giám sát Viện nền Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam (từ 1963 đến 1975). 

-Bộ trưởng Tư pháp Luật sư Trịnh Đình Thảo sau năm 1960 giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam tức là tổ chức chính trị do nhà nước Hà Nội dựng nên từ 1960 để làm bình phong che giấu âm mưu lấn chiếm miền Nam của Bộ Chính trị Trung ương đảng Cộng sản… 

Với những thành phần có thể gọi là ưu tú nhất của xã hội Việt Nam thời bấy giờ mà cũng là hôm nay… Tiếc thay Nội các của Thủ tướng Trần lại không có được bản lãnh mưu thuật chính trị để đối đầu với sách lược xảo trá cộng sản do Hồ Chí Minh chỉ đạo. Thế nên vận nước dần chuyển theo một tình thế nguy nan do mưu đồ cướp chính quyền bằng bạo lực qua những nguyên nhân và diễn tiến liên tục xẩy ra trong những ngày của Tháng Tám năm 1945.    

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/ttk-1.jpg

Thủ tướng Trần Trọng Kim 

1.5-

Tháng Sáu năm 1945 Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim đặt Quốc hiệu là Đế Quốc Việt Nam; lấy Quốc ca là bài Đăng Đàn Cung; Quốc kỳ có “Nền Vàng Hình Chữ Nhật giữa có Hình Quẻ Ly gồm Ba Vạch Màu Đỏ thẫm”. Cần phải mở một dấu ngoặc ở đây để thấy rằng như thế Cờ Quẻ Ly của Đế Quốc Việt Nam đã là tiền thân của Quốc kỳ Quốc Gia Việt Nam (1948-1955) và Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975). Đây là cờ biểu tượng chính thống xuất hiện trên toàn lãnh thổ Việt Nam trước khi có lá cờ đỏ sao vàng của Chính phủ Lâm thời do Mặt Trận Việt Minh cướp được từ chính quyền của Thủ tướng Trần Trọng Kim theo một biến cố sẽ trình bày trong phần tiếp theo sau. 

Cũng cần nói thêm để biết được rằng: Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ sau nhiều vận động chính trị giữa cựu hoàng Bảo Đại và giới chức cao cấp của Pháp đã trở nên là một Biểu tượng Quốc gia chính thống cụ thể qua những biến cố sau đây: 

Ngày 7 Tháng Mười Hai năm 1947, tại cuộc họp trên tàu chiến Pháp ở Vịnh Hạ Long, cựu hoàng Bảo Đại và Pháp đã đàm phán và ký kết Hiệp Ước Vịnh Hạ Long. Hiệp ước nầy thể hiện sự đồng thuận của hai bên về việc thành lập Quốc Gia Việt Nam trên cơ sở nguyên tắc độc lập và thống nhất của Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp. Chính phủ quốc gia hoạt động dưới một hiến chương lâm thời, chọn Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ làm Quốc Kỳ và bản “Thanh Niên Hành Khúc” với lời nhạc được sửa đổi làm quốc ca. Ngày 5 Tháng Sáu năm sau, 1948, Quốc Gia Việt Nam ký kết với Pháp một Hiệp ước Vịnh Hạ Long khác, với nội dung Pháp công khai và trọng thể công nhận nền độc lập của Việt Nam.

1.6- 

Cuối cùng, Tháng Một năm 1949, chính phủ Pháp thỏa thuận chấp nhận yêu cầu của Quốc trưởng Bảo Đại là miền đất Nam Kỳ phải trở lại với Quốc Gia Việt Nam. Ngày 8 Tháng Ba năm 1949 sau nhiều kỳ đàm phán, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã thuận ký kết Hiệp ước Elysée xác nhận nền độc lập của Việt Nam, chính thức thành lập Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại trước diễn trường chính trị thế giới. Điển hình cho sự xác nhận nầy là sự kiện liên quan đến vấn đề hôm nay: 

Tại Hoà Hội San Francisco Tháng Chín năm 1951, trước sự hiện diện của 51 quốc gia trên toàn thế giới, đại diện Quốc Gia Việt Nam là Thủ tướng Trần Văn Hữu đã đọc bản tuyên bố xác định chủ quyền đã có từ lâu đời của Quốc gia Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với những lời lẽ hàm xúc và chứng cớ lịch sử chính xác, Thủ tướng Hữu đã long trọng tuyên cáo trước công luận thế giới chủ quyền toàn diện và tuyệt đối của Quốc Gia Việt Nam đối với vùng quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Hoá ra trong trận chiến giữ nước lực lượng quốc gia dân tộc luôn là những người bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hơn hẳn phía cộng sản. 

Nay chúng ta nhắc lại lời của Thủ tướng Trần Văn Hữu như một chứng cớ hùng hồn nhất để nói cùng Bắc Kinh và Hà Nội quyết tâm sắt son của người Việt quốc gia: 

“Thật là nghiêm trọng và cảm kích cho Việt Nam được đến San Francisco tham dự công việc của hội nghị hòa bình. Sở dĩ phái đoàn Việt Nam được hiện diện tại đây là nhờ các tử sĩ của nước Việt và lòng hy sinh vô bờ bến của dân tộc Việt Nam. Là một dân tộc đã chịu đựng biết bao đau khổ để được sống còn và giành sự trường tồn cho một nòi giống đã có hơn 4 ngàn năm lịch sử.”

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/15-ky-ket_lyxw.jpg

Hội nghị San Francisco đã chính thức công nhận việc Quốc Gia Việt Nam khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa 

1.7- 

Cho dù không đứng vững được bao lâu, nhưng Nội các Trần Trọng Kim đã cố gắng đặt nền móng xây dựng một thể chế độc lập và tự chủ đầu tiên không lệ thuộc người Pháp. Tuy không được chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như thiếu rất nhiều về nhân sự và vật lực để điều hành một quốc gia vừa mới thành hình. Trong khi đó công tác đối ngoại thì phải cố gắng dung hòa giữa các thế lực quốc tế và chủ thuyết Đại Đông Á của Nhật, đối nội thì có nhiều phe phái muốn giành chính quyền, chính phủ mới vẫn đạt được một số điều kiện căn bản, nhóm lên nhiều hy vọng độc lập và tự chủ cho đất nước. 

Trong những bước đầu tiên, Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Đình Thảo ra lệnh thả hàng ngàn tù nhân chính trị bị Pháp giam giữ từ trước trong đó có rất nhiều cán bộ cộng sản như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng. Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim còn thành lập Hội đồng Cải cách cai trị, tư pháp và tài chính gồm 16 nhân sĩ nổi danh được giao nhiệm vụ xúc tiến việc soạn thảo cơ cấu mới cho quốc gia. 

Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh giữ nhiệm vụ tổ chức Đội Thanh niên Tiền tuyến theo tinh thần quốc gia để huy động quốc dân giữ an ninh vì không có bộ quốc phòng. Bộ trưởng Phan Anh lại là một trong những nhân vật đầu tiên có mặt trong Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến với chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng do ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch vào năm sau, 1946. Sau khi Việt Minh buộc Hoàng đế Bảo Đại thoái vị trong ngày 23 Tháng Tám, Đội Thanh niên Tiền tuyến dưới quyền lãnh đạo của Phan Anh đi theo hẳn cộng sản, khởi đầu bi kịch Tháng Tám, và sự kiện Ngày 2 Tháng Chín, 1945 tại Hà Nội.

_______________

Phần II 

2.1-

Sau 77 năm chúng ta hẳn có đủ yếu tố để biết đâu là sự thật về ngày 19 Tháng Tám, 1945 mà phía cộng sản kể cho đến hôm nay luôn gọi là ngày “cướp chính quyền”. Để tìm hiểu nguyên nhân và diễn tiến về ngày biến cố kia xẩy ra như thế nào trong thực tế, chúng ta hãy trở lại từ đầu với những chứng cứ đã được lịch sử minh xác đồng nghĩa với sự thật. 

Bởi cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài trong chín năm từ 1946 đến 1954 là của chung xương máu của toàn thể quốc dân Việt Nam chứ không riêng của đảng Cộng sản Việt Nam với những luận điệu chỉ có tính cách tuyên truyền trong quần chúng như: “Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam, hay cách mạng Tháng Mười Nga của Liên Xô”. Tuy nhiên vì đây là một dấu mốc vô cùng quan trọng quyết định nên vận mệnh của đất nước và dân tộc kéo dài trong một giai đoạn ngắn ngủi chỉ từ ngày 9 Tháng Ba đến ngày 2 Tháng Chín xuyên qua thời điểm 19 Tháng Tám, 1945. 

2.2-

Cần trở lại thời điểm: Bắt đầu từ năm 1940, một năm sau lần khởi cuộc Ðệ nhị Thế Chiến, chính phủ Pháp ở Ba Lê đầu hàng quân Đức nên thuận nhường cho Nhật chủ trị Đông Dương vì lúc ấy Nhật là đồng minh gánh chịu nhiệm vụ chiến lược yểm trợ Đức ở mặt trận châu Á. Vì lý do nầy, Toàn quyền Pháp ở Ðông Dương là Decoux thuận để cho quân Nhật vào Bắc Kỳ, Hải quân Nhật sử dụng hải cảng Hải Phòng, còn không quân Nhật được quyền chiếm đóng các phi trường Gia Lâm (Hà Nội), Lào Kay, Phủ Lạng Thương. 

Cũng vì vậy máy bay và chiến hạm của Đồng minh (chủ yếu là Mỹ) đã tấn công các vị trí đóng quân của Nhật đóng trên lãnh thổ Việt Nam khiến cho đồng bào người Việt phải chịu nạn bom đạn chung với hai lực lượng quân sự Pháp và Nhật. Nhưng rồi sự hợp tác bất đắc dĩ giữa chính quyền bảo hộ của Thực dân Pháp và Phát-Xít Nhật trên đất nước ta phải đến lúc chấm dứt. Do đó vào đêm 9 Tháng Ba, 1945 Ðại sứ Nhật là Matsumoto Shunichi đã chính thức trao tối hậu thư cho Toàn quyền Jean Decoux, ra lệnh cho quân viễn chinh Pháp trên toàn cõi Việt Nam phải buông súng đầu hàng Nhật vô điều kiện.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/RE-OCCUPATION_OF_FRENCH_INDO-CHINA.jpg

Giải giới vũ khí quân đội Nhật tại Sài Gòn 1945 

2.3- 

Cuộc đảo chính quân sự ngắn ngủi của quân đội Nhật trong đêm 9 Tháng Ba, 1945 chấm dứt 80 năm đô hộ của Thực dân Pháp trên toàn cõi Ðông Dương. Nhưng chỉ sau một thời hạn ngắn, vì buộc phải ký hiệp ước đầu hàng đồng minh với Tướng McArthur đại diện Mỹ giữ vai chủ tọa ngày 2 Tháng Chín, 1945 trên chiến hạm Missouri, quyền lực Nhật ở Đông Dương thật sự cáo chung khiến tạo nên một khoảng trống về quyền lực. 

Do quân Đồng minh gồm liên quân Anh-Ấn chưa vào miền Nam (dưới vĩ tuyến 16), và quân Trung Hoa Dân Quốc chưa vào miền Bắc (trên vĩ tuyến 16) để giải giới quân Nhật theo như thỏa thuận của các cường quốc vừa thắng trận gồm Anh, Mỹ, Pháp, Liên Xô và Trung Hoa Dân Quốc nên tình thế Việt Nam rơi vào tình trạng một quốc gia vô chủ quyền. Sự kiện cũng có nguyên nhân do hậu quả của việc Nội các của Thủ tướng Trần Trọng Kim tuyên bố giải nhiệm và Vua Bảo Đại thoái vị vì xúi dục có tính đe dọa của Phạm Khắc Hòe là cán bộ cộng sản giữ chức Chánh văn phòng nằm vùng bên cạnh nhà vua, và áp lực quần chúng do cán bộ cộng sản trong Mặt Trận Việt Minh vận động, tổ chức.

2.4- 

Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim là một yếu tố chẳng đặng đừng của lịch sử được khai sinh do nhu cầu quân sự-chính trị của Nhật tại Đông Dương trong lúc quốc gia  nầy đang bị đồng minh bao vây khẩn cấp như đã trình bày ở phần I, Chính phủ Trần Trọng Kim cũng có đủ đại diện ba miền gồm Phó Thủ tướng Trần Văn Chương gốc miền Nam; hai bộ trưởng Hồ Tá Khanh và Trịnh Đình Thảo sinh tại Trung và Bắc nhưng sống tại Sài Gòn khi được mời tham gia chính phủ. Trong khi đó tại miền Nam các giáo phái và phe nhóm chính trị từ đệ Tam tới đệ Tứ cộng sản, lực lượng võ trang Bình Xuyên, các giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài đồng loạt xuất hiện trên sân khấu hội trường và đường phố trong một tình hình hỗn loạn vì không có chính phủ trung ương thực quyền kiểm soát. 

Xứ ủy Nam Kỳ của Cộng sản Ðông Dương lại chia làm hai, nhóm thứ nhất gồm Trần Văn Giàu, Bùi Công Trừng, Lý Chính Thắng với các tổ chức gồm công đoàn, hiệp hội nông dân, Thanh Niên Tiền Phong sử dụng cờ vàng sao đỏ, báo Tiền Phong làm cơ quan ngôn luận. Nhóm khác gồm Phạm Văn Vi, Nguyễn Thị Thập lập nên một xứ ủy Cộng sản Ðông Dương khác thuộc Mặt Trận Việt Minh với kỳ hiệu cờ đỏ sao vàng có báo Giải Phóng chống lại nhóm của Trần Văn Giàu. 

Sử sách của cộng sản và các học giả thiên tả thường hạ thấp giá trị những kế hoạch của chính phủ Trần Trọng Kim qua đánh giá chỉ là cải cách trên giấy tờ, thuần túy những tuyên cáo rất ít ảnh hưởng đến đám đông. Tuy nhiên các kế hoạch của chính phủ Trần Trọng Kim hiện nay cần được nghiên cứu đầy đủ hơn bởi kế hoạch ấy phản ảnh quan điểm tổng quát của giới thượng lưu trí thức người Việt thời bấy giờ về một nước Việt Nam không ảnh hưởng Pháp với tinh thần quốc gia dân tộc. 

2.5- 

Cũng cần nêu rõ sự khác biệt giữa Chính phủ Trần Trọng Kim và Chính phủ Lâm Thời do Hồ Chí Minh thành lập vào ngày 2 Tháng Chín năm 1945. Cũng bởi trong Tháng Ba của năm 1945 kia, giới lãnh đạo miền Bắc chỉ sử dụng danh xưng Ðại Việt, trong khi ở miền Nam lại thích dùng từ “Việt Nam” và tại miền Trung thì dùng danh xưng “An Nam” hay “Ðại Nam.” Tưởng cũng nên ghi nhận kể từ năm 1925, Nguyễn Sinh Côn hay Hồ Chí Minh mới “Việt Nam hóa” tổ chức thanh niên cộng sản do ông thành lập qua danh xưng Việt Nam Thanh Niên Kách Mệnh Ðồng Chí Hội. 

Trước đó trong Thỉnh nguyện Thư 8 Điều gởi Tổng thống Wilson của Mỹ vào năm 1919 thì tên gọi của đảng chính trị đầu tiên do ông Côn đặt ra là An Nam Quốc Dân Hội. Năm 1930, ông Côn bị thất sủng với Ban Phương Ðông của Quốc tế Cộng sản vì tự động thống nhất các chi phái cộng sản thành Việt Nam Cộng Sản Ðảng! Vì bị kết án là có khuynh hướng quốc gia dân tộc nên Nguyễn Sinh Côn tức Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh đã bị Mạc Tư Khoa thay thế bởi Trần Phú. Ông Phú được chỉ định trách nhiệm triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ nhất ở Ma Cao để cải danh thành Ðông Dương Cộng Sản Ðảng.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/P14-Edward-Lengel.jpg

Sĩ quan OSS của Mỹ huấn luyện quân sự cho Việt Minh 

2.6- 

Nhắc lại những điều kể trên không phải là vô ích, với kinh nghiệm của những năm 30, 40 nên khi thành lập chính phủ trong ngày 2 Tháng Chín, 1945 tại Hà Nội, ông Hồ tuyệt đối che giấu nguồn gốc cộng sản của bản thân và các thành viên trong Mặt Trận Việt Minh. Sự che giấu toàn hảo đến nỗi không những chỉ quần chúng bị nhầm lẫn mà ngay những nhân viên tình báo Mỹ trong tổ chức OSS tiền thân của CIA sau nầy có thể cũng không khám phá ra tính chất và nguồn gốc cộng sản của những nhân vật gọi là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng v.v. 

Quá trình và hậu quả của mưu đồ ngụy trang, che giấu nầy hiện thực cụ thể với hoạt cảnh như sau qua lời kể của nhân chứng Tô Hải viết lại trong hồi ký xuất bản tại hải ngoại (Hồi Ký của Một Thằng Hèn-Tô Hải, NXB Tiếng Quê Hương, 2009): 

“Đúng Ngày 17 Tháng 8, 1945, đồng bào kéo nhau đến quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội họp mít-tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc mít-tinh bắt đầu được mấy phút bỗng hàng loạt cờ đỏ sao vàng được tung ra, cờ Quẻ Ly bị giật xuống và trên bục diễn giả xuất hiện một người đeo súng ngắn, đăng đàn diễn thuyết kêu gọi đồng bào đi theo Việt Minh đánh Pháp, đuổi Nhật đòi lại áo cơm, tự do, xóa bỏ gông xiềng… 

Cuộc mít-tinh của các ông bà công chức quốc gia với Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ bỗng nhiên bị thay thế bởi một lá Cờ Đỏ Sao Vàng rất lớn thả từ bao lơn của nhà hát xuống, rồi một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu yểm trợ Việt Minh và hát bài Tiến Quân Ca của Văn Cao. Thế là cuộc biểu tình của Tổng Đoàn Công Chức bỗng nhiên biến thành cuộc biểu tình của Mặt Trận Việt Minh…

Những khẩu hiệu vừa phát ra đã có hàng ngàn người không biết từ đâu đến hô to hưởng ứng. Không một tiếng súng. Không một sự phản kháng từ ai, từ đâu dù trại lính Nhật ở cách đó chỉ khoảng 300 mét!” 

2.7- 

Diễn tiến thật sự của cuộc chính biến gọi là “Cách mạng Tháng Tám” nhanh chóng thành công ở Hà Nội như vừa kể ra. Tuy nhiên, sau nầy các nhà viết sử cộng sản luôn giấu kín sự thật của biến cố Mặt Trận Việt Minh “cướp chính quyền” từ chính phủ quân chủ lập hiến hợp pháp của Thủ tướng Trần Trọng Kim diễn ra trong những ngày của Tháng Tám và Chín năm 1945 tại Hà Nội. Biến cố Tháng Tám, và Chín, 1945 ở Việt Nam tương tự như lần lật đổ chính phủ Thủ tướng Kerensky ở nước Nga trong lúc nội tình nước này đang rối loạn vào năm 1917 do vận động khuynh đảo của đảng cộng sản dưới quyền lãnh đạo của Lenin. 

Các nhà viết sử cộng sản cũng luôn giấu kín sự kiện ông Hồ đóng kịch hay cố tình bộc lộ tinh thần khâm phục đối với nước Mỹ khi soạn thảo văn kiện gọi là Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Công trường Ba Đình, Hà Nội vào ngày 2 Tháng Chín, 1945. Ngày 1 Tháng Chín, trong vòng thân mật ông Hồ đã kín đáo hỏi ý kiến viên Thiếu tá OSS Archimedes Patti về việc lặp lại lời mở đầu “Con Người sinh ra vốn bình đẵng…” của Tuyên Ngôn Độc Lập 1776 của Hoa Kỳ. 

Không hiểu ông Hồ có thực lòng phục Mỹ hay không nhưng chắc một điều ông đã cố giấu kín nguồn gốc cộng sản của bản thân đối với người Mỹ và điều nầy ông đã thành công trong một mức độ khả thể khiến sách sử báo chí Âu Mỹ hiện tại vẫn gọi cán bộ cộng sản quốc tế Nguyễn Sinh Côn, Linov, Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc, hay cuối cùng Hồ Chí Minh là một “nhà cách mạng quốc gia, dân tộc”. Lịch sử hôm nay còn nhiều điều cần phải được soi sáng giải thích đúng với sự thật. 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/96723626_0000273792013.jpg

Nội các Chính Phủ Bảo Lộc, 1954 

2.8- 

Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi (17/4 – 25/8 năm 1945) giữa một tình thế vô cùng rối ren nên Nội các Trần Trọng Kim thường bị các nhà biên khảo đánh giá không chính xác, nhất là qua cách xuyên tạc vì mục tiêu chính trị của đảng cộng sản. Nhưng ngày nay nhiều sử gia với lăng kính vô tư đã phải công nhận rằng Nội các Trần Trọng Kim đã đề ra một sách lược phản ảnh đúng đắn về một nước Việt Nam độc lập không chịu ảnh hưởng của người Pháp. 

Do nội các cụ Trần đã tập họp được một thành phần ưu tú nhất của đất nước như các vị Nguyễn Xuân Chữ, Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam… Kể cả những giới chức sau nầy theo cộng sản như các luật sư Trịnh Đình Thảo, Phan Anh. Tất cả đã tạo nên một chính phủ với những nhân sự có thể gọi là ưu tú nhất của xã hội Việt Nam thời bấy giờ mà cũng là hôm nay. Tiếc thay Nội các của Thủ tướng Trần lại không có được bản lãnh mưu thuật chính trị để đối đầu với sách lược xảo trá cộng sản do Hồ Chí Minh chỉ đạo. Thế nên vận nước dần chuyển theo một tình thế nguy nan do mưu đồ cướp chính quyền bằng bạo lực như trên đã trình bày.     

2.9- 

Những yếu tố góp phần làm sụp đổ Nội các Trần Trọng Kim cũng có thể kể đến việc những cán bộ cộng sản như Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Minh Giám, Tôn Quang Phiệt, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Bạch v.v. đã trà trộn vào đủ mọi cơ quan từ trung ương ở Huế cho tới tận Nam Kỳ. Và việc nội các sụp đổ vào những ngày quân Nhật đầu hàng Ðồng Minh (15 Tháng Chín, 1945) đã tạo nên một khoảng trống quyền lực khiến cộng sản dễ bề thao túng. Cụ thể về ngân quỹ dự trữ của Việt Nam tại Ngân hàng Ðông Dương, Nhật chẳng những rút hết số tiền đã có do Pháp ký thác hơn 800 triệu Phật Lăng mà còn in thêm tiền không bảo chứng, tạo tình trạng lạm phát, góp phần cho nạn đói và trộm cướp khắp nơi. 

Mặc dù bị thành phần cộng sản trong Mặt Trận Việt Minh phá hoại, xúi dục dân chúng đánh cướp các kho gạo dự trữ công cộng, hành hung cản trở viên chức phát gạo chẩn bần; hoặc bất nhơn hơn là bán tin, chỉ điểm cho máy bay Hoa Kỳ đánh phá các trục giao thông, tàu thuyền chở gạo từ Nam ra Bắc khiến làm trầm trọng thêm nạn đói với hơn một triệu người chết đói, tuy nhiên, từ Tháng Sáu năm 1945, Chính phủ Trần Trọng Kim cũng đã ngăn được một phần nạn đói do trúng mùa chiêm và nhất là gạo trong Nam đã chở ra được ngoài Bắc dù Mỹ đã đặt mìn phong tỏa Hải Phòng cùng các hải cảng lớn. 

Trong vấn đề cải cách, chính phủ đã ban hành lệnh giảm hay bỏ hẳn nhiều loại thuế bất công và bóc lột người dân nghèo có từ thời Pháp, nhất là loại thuế thân đánh vào mỗi thân phận người dân thuộc địa. Về giáo dục lấy chữ Quốc Ngữ làm ngôn ngữ chính trong các chương trình giảng dạy, tổ chức khóa thi tiểu học đầu tiên bằng chữ Việt mới vừa cải cách. Chính phủ Trần Trọng Kim cũng lập ra một Ủy Ban Quốc Gia phụ trách nền quốc học. 

Ðể chứng tỏ sự tự cường, tự do, chính phủ đã công bố nhiều buổi lễ, hồi phục và vinh danh các anh hùng liệt nữ mọi thời từ Hùng Vương Quốc Tổ cho tới những nam nữ liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chống Pháp xâm lăng. Tất cả tên các đường phố đều được đặt lại với tên các anh hùng của lịch sử Việt Nam như Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Thái Học. Báo chí cũng được dịp nở rộ và tự do phát triển. 

2.10 – 

Tuy nhiên, công lao lớn nhất của chính phủ Trần Trọng Kim đáng được nhắc nhớ trong dòng lịch sử dân tộc là đã tranh đấu với chính phủ Nhật lấy lại tất cả lãnh thổ Việt Nam. Thật vậy tương tự như Pháp, ban đầu người Nhật cũng chỉ hứa suông trả nước lại cho người Việt Nam, nhưng thực tế là chỉ nói miệng. Cũng nhờ chính phủ Trần Trọng Kim mềm mỏng dùng ngoại giao lần hồi chẳng những thu hồi được ba kỳ, mà còn lấy lại những thành phố nhượng địa cho Pháp như Hà Nội, Hải Phòng, và Ðà Nẵng vào Tháng Bảy cùng năm 1945. 

Từ những thành quả như vừa kể ra, Vua Bảo Ðại mới ban hành 4 Ðạo Dụ thành lập Hội Ðồng Tư Vấn Quốc Gia để chuẩn bị soạn thảo Hiến pháp. Nhiều lãnh tụ chính trị miền Nam như Hồ Văn Ngà, Trần Văn Ân đều được tham dự trong Ủy ban của Chính phủ. Nhưng giữa lúc hòa bình đang hé lộ trên quê hương thì Nhật Bản đầu hàng, Thủ tướng Trần Trọng Kim từ chức và Vua Bảo Đại chưa kịp lập nội các mới. Tất cả tạo nên biến động chính trị làm thay đổi tất cả vận mệnh Việt Nam. 

Nguyên ông Phạm Khắc Hòe lúc ấy giữ chức Ngự Tiền Đổng Lý được gần gũi với Vua Bảo Đại nhưng lại làm nội ứng cho cộng sản, ông nầy gièm pha, kiếm chuyện ngăn cản không cho phái đoàn của Thủ tướng Trần Trọng Kim từ Huế vào Sài Gòn tiếp nhận chính quyền do Nhật giao lại. Tất cả đã tạo nên khoảng trống khiến nhóm hung thần cộng sản Nam Kỳ gồm Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Trấn dễ dàng tổ chức chiếm đoạt một chính quyền bỏ trống.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/su-luu-lac-ky-la-cua-bo-an-kiem-gan-voi-vi-vua-cuoi-cung-trieu-nguyen-1.jpeg

Lính ngự lâm dâng ấn kiếm trong lễ trao lại ấn kiếm cho Cựu hoàng Bảo Đại. 

2.11 – 

Khắp nơi những đảng phái và người quốc gia đều đứng lên chống Việt Minh. Tại Nam Kỳ, nhóm Cộng sản Ðệ Tứ liên hợp với hai giáo phái Cao Ðài và Hòa Hảo thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất. Khâm sai Nam Kỳ Nguyễn Văn Sâm trước họng súng, cũng giao quyền cho Việt Minh. Cụ thể điển hình phải kể đến biến cố trong ngày 17 Tháng Tám, lực lượng Việt Minh đã đàn áp phong trào ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim do công chức Bắc Kỳ tổ chức tại Hà Nội, khiến cụ Nguyễn Xuân Chữ, Chủ tịch Ủy ban Chính trị tại Bắc Kỳ phải giao quyền cho cán bộ cộng sản, kéo theo sự sụp đổ hoàn toàn của Chính phủ Quốc gia. 

Và cuối cùng, ngày 23 Tháng Tám năm 1945, Vua Bảo Ðại nghe theo lời xúi giục o ép của viên cán bộ cộng sản nằm vùng Phạm Khắc Hoè nên thoái vị trao ấn kiếm Vương triều Nguyễn cho đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu và Tôn Quang Phiệt. Cả hai thực chất là cán bộ cộng sản thuộc Đệ Tam Quốc Tế do Hồ Chí Minh chỉ đạo. 

Một ánh lửa nhỏ cũng có thể gây nên một đám cháy rừng. Trong đêm đen thăm thẳm Việt Nam tám-mươi năm nô lệ, những đốm lửa từ que diêm nội các Trần Trọng Kim vừa thắp sáng niềm hy vọng của một đất nước sắp có Tự Do-Độc Lập-Thống Nhất thì giông tố cộng sản đã chuyển đến, đẩy vận mệnh dân tộc rơi vào một địa ngục tối tăm. 

Kết Từ.

Ngày 13 Tháng Bảy, 2010, Giáo sư người Pháp Philippe Devilliers 90 tuổi, cựu phóng viên tờ Le Monde người có mặt tại Việt Nam vào những ngày của năm 1945, đã trao tặng cho cá nhân giáo sư Phan Huy Lê ở Hà Nội 203 tấm ảnh gọi những “tấm ảnh lịch sử”. 

Cụ thể theo báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn số ngày 19 Tháng Tám 2010, để kỷ niệm biến cố gọi là Cách Mạng Tháng Tám là tấm ảnh chụp cuộc biểu tình của “Tổng hội Công chức” trong ngày 17 Tháng Tám, 1945 ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim với Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của công chức Hà Nội. Việt Nam đã được hai lần trao trả độc lập từ chính quyền Nhật và Pháp qua Vua Bảo Đại. 

Cả hai lần độc lập Quốc gia đều bị Hồ Chí Minh và tổ chức cộng sản phá hỏng, đẩy đất nước vào hai cuộc chiến gọi là đuổi Pháp đánh Mỹ đẫm máu hoàn toàn không cần thiết. Đấy là những cuộc chiến được quyết định từ Châu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông với sự đồng thuận sau nầy từ Nixon, Kissinger là những người không hề biết đến Mối Đau Việt Nam.

Viết lại sau 77 năm (1945-2022)

https://saigonnhonews.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét