Thương lái Trung Quốc sang đây mua nông sản của Việt Nam đều mang động cơ tiêu cực, và chỉ hướng vào Việt Nam
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hối thúc các tỉnh giàu nhất Trung Quốc “mạnh dạn đi đầu” để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy bức tranh ảm đạm với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Chúng ta đang ở vào giai đoạn khó khăn nhất của ổn định kinh tế, cần cấp thiết củng cố cơ sở phát triển và hồi phục kinh tế vì thời gian không chờ đợi chúng ta”, Thủ tướng Lý nói trong lúc có mặt tại Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) hôm 16-8, theo Tân Hoa xã.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đột xuất đến thăm Thâm Quyến, trung tâm công nghệ của Trung Quốc, và gặp gỡ quan chức cấp cao từ 6 tỉnh có nền kinh tế lớn. Ông kêu gọi tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp địa phương và mở cửa đón thêm nhiều khoản đầu tư và giao thương nước ngoài.
Lời kêu gọi trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi quan chức tỉnh Tứ Xuyên yêu cầu các nhà máy tại tỉnh này đóng cửa trong một tuần để duy trì nguồn điện cho các khu dân cư. Tứ Xuyên là trung tâm khai thác lithium và sản xuất đồ điện tử lớn của Trung Quốc.
Hôm 15-8, Cục Thống kê Trung Quốc cho biết, doanh số bán lẻ tại nước này tăng 2,7% trong tháng 7 so với một năm trước, nhưng chậm lại so với mức tăng 3,1% của tháng 6. Sản xuất công nghiệp đã tăng 3,8% trong tháng 7 so với một năm trước đó, nhưng giảm so với mức tăng 3,9% trong tháng 6.
Sự sụt giảm này được cho là chủ yếu do ảnh hưởng còn rơi rớt lại của các đợt phong toả chống Covid-19 ở Trung Quốc. Chính sách chống dịch Zero Covid khắc nghiệt đã ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này.
Chiến lược Vành đai và Con đường khiến các quốc gia phát triển gánh một khoản nợ 385 tỷ USD, theo báo cáo năm 2021 của AidData, viện nghiên cứu phát triển quốc tế trực thuộc trường Đại học William and Mary, bang Virginia. Trung Quốc còn phải đối diện với ba rủi ro chính là khả năng vỡ nợ; nợ xấu ngày một tăng tại nhiều ngân hàng lớn và định chế Nhà nước; cũng như căng thẳng ngoại giao, xung đột địa chính trị liên quan đến các tài sản trong hợp đồng vay.
Tính đến hiện tại thì dường như lãnh đạo Trung Quốc đã buộc phải thừa nhận bài học là cho vay không phải lúc nào cũng là một chiến lược thông minh. Trung Quốc cần những đối tác có khả năng thanh toán nợ, những khách hàng và đồng minh thân thiện, thay vì đẩy các quốc gia đó vào cảnh mất khả năng thanh toán, vỡ nợ và gây phẫn nộ cho người dân.
Không chỉ vậy, dưới các áp lực của đại dịch và cuộc chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, động lực chính của kinh tế Trung Quốc là toàn cầu hóa càng thêm nguy cơ bị đình trệ và rạn nứt. Với chuỗi cung ứng cũ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và thậm chí bị ngừng lại từ chính sách Zero Covid, yêu cầu tái thiết lập hoặc làm mới các liên kết càng trở nên cấp bách hơn hết, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển dịch về địa chính trị.
Trong bối cảnh nền kinh tế bản địa như trên, liệu sắp tới đây lại xảy ra chuyện thương lái Trung Quốc “bom hàng” của nhà nông Việt Nam?
Một khảo sát của nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết tại Việt Nam, thương lái Trung Quốc từng thu mua hàng loạt nông sản giá cao với động cơ không rõ ràng, sau đó “bom hàng”. Cái khó hiểu ở đây, “Tôi chưa nghe thấy trường hợp này ở Campuchia” – tiến sĩ (TS) Nguyễn Thành Văn, trưởng phòng nghiên cứu Campuchia khẳng định.
TS Trương Duy Hòa, trưởng phòng nghiên cứu Lào nói: “Ở Lào không có tình trạng thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua các loại nông sản như ở Việt Nam. Theo tôi, thương lái Trung Quốc sang đây mua nông sản của Việt Nam đều mang động cơ tiêu cực, và chỉ hướng vào Việt Nam”.
Còn theo TS Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng nghiên cứu Thái Lan – Myanmar, thì tại Thái Lan cũng không diễn ra tình trạng như Việt Nam. TS Nguyễn Hồng Quang lý giải, do Thái Lan có chính sách về nông nghiệp rất rõ ràng, chặt chẽ, họ đến từng thôn, xã giao từng sản phẩm, định hướng rõ từng sản phẩm, không có tình trạng sản xuất ồ ạt như ở Việt Nam, và cũng không có chuyện người nước ngoài vào kinh doanh một cách dễ dàng như ở Việt Nam.
“Tôi không hiểu vì sao Việt Nam lại để thương lái vào và làm những việc như vậy? Tại sao để họ vào tận khu vực thu mua, không có chính ngạch, hay hợp đồng ký kết?”, TS Nguyễn Hồng Quang đặt câu hỏi.
Hồi tháng 7, Trung Quốc đã từ bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 5,5% trong năm nay, thay vào đó sẽ “cố gắng đạt kết quả tốt nhất” trong phần còn lại của năm 2022. Như vậy, xem ra nhà quản lý của Việt Nam cần gia tăng “gác cổng” để tránh việc nông dân xứ mình bị thương lái Trung Quốc “bom hàng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét