(Thư gửi báo KHPT, đăng trên số 4, 16.10.1934)
Vài lời giới thiệu.
Chúng ta đều biết, Phan Bội Châu là một nhân vật lịch sử kiệt xuất của Việt Nam trong 40 năm đầu của thế kỷ 20 : một nhà yêu nước lớn với hàng loạt những lời hiệu triệu đồng bào đứng lên giải phóng dân tộc, khơi dậy được nỗi nhục mất nước và kích động được những xúc cảm sâu xa của tình tự dân tộc, như nhà sử học Vính Sính đã nhắc lại trong bài viết Thử nhìn lại vị trí của Phan Bội Châu trên mặt báo này ; bên cạnh đó PBC cũng là một nhà nho học thâm sâu, với hàng ngàn trang sách nghiên cứu, biên khảo về Chu dịch hay Khổng học.
Tuy nhiên, cũng rất dễ hiểu là, PBC cũng như hầu hết những nhà nho yêu nước đầu thế kỉ 20 chưa thể thoát khỏi những ràng buộc về văn hoá, tư tưởng của xã hội cũ. Sự phân tích những yếu kém của xã hội Việt Nam lúc đó, ngõ hầu tìm ra con đường xây dựng đất nước giàu mạnh để có thể giành lại và giữ gìn độc lập, khó có thể đủ sâu để nhìn ra sự vắng bóng của những tư duy khoa học và phong cách lao động đã trải qua một thế kỉ cách mạng công nghiệp của châu Âu, giúp cho các nước này có sức mạnh đi chinh phục thế giới. Huống hồ, trái với Phan Châu Trinh, PBC đã dành ưu tiên cho việc chống Pháp để giành độc lập bằng con đường bạo động, dù phải trả giá rất đắt, trước khi thực sự nghĩ tới những nội dung xã hội của việc canh tân đất nước. Những nội dung về "dân khí, dân trí, dân sinh" mà Phan Châu Trinh đã đề ra ngay từ những năm 1907-08. Khác biệt hiển nhiên khi ta biết rằng, ngay cả những thanh niên được PBC và các đồng chí chiêu mộ trong phong trào Đông Du, hầu hết đã được gửi tới học ở các trường quân sự của Nhật (xem Vĩnh Sính, bài đã dẫn) thay vì chia nhau đi học hỏi, tìm hiểu những lý do sâu xa của sự thành công của Nhật trong quá trình cải cách thời Minh Trị, trong đó việc tổ chức đưa người sang Âu Mỹ học hỏi các khoa học của phương Tây, bao gồm khoa học tự nhiên và xã hội, là một yếu tố hàng đầu.
Vì thế, phải nói là chúng tôi đã ngạc nhiên thích thú khi bắt gặp bài viết này của Phan Bội Châu đăng trong tạp chí Khoa học Phổ thông số 4, đề ngày 16.10.1934 với nhan đề : "Cụ Phan Sào Nam với vấn đề Khoa học". Xem lại Phan Bội Châu toàn tập, Tập 4 (Văn xuôi 1925-1940), do Chương Thâu sưu tập và biên soạn, nxb Thuận Hoá 1990, không tìm thấy bài viết.
Phải chăng, bài viết này là một minh chứng cho luận điểm rằng trong tư tưởng PBC đã có những biến chuyển nhất định vào những năm cuối đời, ở Huế ? Ít ra, nó cho thấy PBC đã ý thức được vai trò của khoa học trong việc duy tân đất nước, tuy chắc hẳn chưa sâu sắc như những nhà cải cách Nhật Bản thời Minh Trị. Việc bài viết nhắc tới "ba điều cần thiết nhứt cho một nước" là "dân sinh, dân trí, dân khí", cũng chứng tỏ sự biến chuyển đó.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết này với bạn đọc Diễn Đàn nói riêng, và chung hơn, với mọi người quan tâm tới lịch sử Việt Nam.
Hà Dương Tường
Về văn bản và chú thích:
Bản in của Khoa học Phổ thông với kỹ thuật thời ấy hiển nhiên là do được sắp chữ lại từ lá Thư viết tay của PBC (hay đúng hơn, của một học trò của cụ ở Huế năm 1934), có những sai sót (xem các chú thích (8) và (13)). Ngoài ra, có một số từ ngữ hiển nhiên viết theo phát âm của xứ Nghệ. Khi đánh máy lại, chúng tôi đã gõ theo chính tả thống nhất hiện nay (chủ yếu, bỏ gạch nối trong những từ kép, nhất là khi các gạch nối đó cũng không được dùng một cách nhất quán -- chẳng hạn, "lạc quan", thì không có gạch nối, trong khi "bi quan" lại có). Bạn đọc có thể bấm vào đường dẫn cuối bài để xem bản chụp nguyên bản của Thư viện Quốc gia Pháp.
Ngoài một vài từ xứ Nghệ, tác giả còn dùng một số thành ngữ Hán Việt khá khó đối với người đọc không chuyên (như người viết Lời giới thiệu này!), chúng tôi đã viết thư hỏi PGS Hoàng Dũng, chuyên gia ngôn ngữ học thuộc Đại học Sư phạm, TP HCM. PGS Hoàng Dũng lại hỏi thêm GS Nguyễn Huệ Chi và nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công (tác giả tập Phê bình và khảo cứu về cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân) những chỗ còn hồ nghi. Tất cả 13 chú thích dưới đây là của tập thể 3 nhà nghiên cứu này.
Người viết xin trân trọng cảm ơn PGS Hoàng Dũng, GS Nguyễn Huệ Chi và nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công.
Tôi bấy lâu nay, ma sầu thường vấn vít ở xung quanh, mà ma bịnh lại còn ân cần với tôi lắm, khiến cho tôi tay rung không viết được chữ, mắt loáng (1) không xem được văn, muôn việc ở nhân gian, tôi đã gạt hết ở ngoài tai, chỉ mong cho tới ngày "lịnh bằng xuất dương" (2) là rồi việc.
Người đời xưa có câu thơ :
"Bất tài minh chúa khí, đa bịnh cố nhân sơ" (3)
Tôi muốn thay rằng :
"Bất tài xã hội khí, đa bịnh đồng bào sơ"
Tình cảnh hiện tại của tôi là như thế, mà ai dè cách đây gần vài hôm, tiếp được long tong (4) nhà dây thép đưa tới cho tôi một tập báo, tôi vội vàng bảo thằng bé hầu đọc cho tôi nghe thấy nhan đề là "Khoa học Phổ thông", mà là báo quý biên tập bộ làm ra ; đồng bào quá thương nhớ tôi mà cho tôi được xem, tôi cám ơn vạn bội. Đa tạ. Đa tạ.
Nhưng tôi vì thế mà phát sinh ra hai mối cảm tưởng.
1. Tập báo này ra đời, mà trong tai trước mắt người nước ta được nghe thấy đến hai chữ "Khoa học", trong óc người nước ta biết chứa trữ những tư tưởng khoa học, thời tiền đồ lạc quan chắc còn nhiều.
2. Trái lại, dầu có tập báo này ra đời, mà bên tai trước mắt người nước ta, chỉ xem bằng đồ giấy loại, trong óc người nước ta cho khoa học chỉ là đồ giết người, mà chẳng ai thèm nghĩ tới nơi, thế thời hột mộng (5) khoa học chẳng bao giờ trồng ở trên mặt đất Đông Dương này.
Thiệt như thế thì tiền đồ bi quan của nước ta càng ghê gớm lắm. Vì hai mối cảm tưởng kể như trên kia, xung đột với nhau bắt buộc cho tôi phải miễn cưỡng viết liều mấy lời như sau này để thỉnh giáo với liệt vị độc giả.
Tây triết có câu rằng : "Vật cạnh thiên trạch, thích giả sinh tồn" (6) nghĩa là : "Nhất thiết loài người tranh đua với nhau, nhưng đã có ông chủ tể tự nhiên lựa lọc kén chọn, hễ ai thích hợp với lẽ tự nhiên ấy mới sống còn được".
Có như thế thiệt. Ở thời đại bây giờ mà muốn cầu cho thích hợp với cái lẽ sinh tồn, tất cần phải có trí thức Khoa học và công dụng Khoa học.
Vì sao vậy?
Hễ trong một nước cần thiết nhứt chỉ có ba điều :
1. Dân sinh, là đường sự sống cho dân ta.
2. Dân trí, là óc khôn của dân một nước.
3. Dân khí, là sức mạnh của dân một nước.
Dân sinh có giàu no đầy đủ, mới có thể bay nhảy theo đuổi được với loài người ở thế kỷ này.
Dân trí có giàu no đầy đủ, mới có thể đua bay học nhảy với loài người ở thế kỷ này.
Dân khí có mạnh mẽ hùng cường mới có thể chống chọi được với hoàn cảnh ác liệt ở thế kỷ đời nay.
Nhưng sở dĩ ba điều ấy mỹ mãn hoàn toàn, tất phải nhờ Khoa học làm mẹ để cha nuôi thầy dạy. Nếu dân trong nước mà không đứng vững được ở trên nền tảng Khoa học, thế là dân không mẹ, không cha, không thầy dầu có quốc dân mà có để làm gì quốc dân ấy.
Khoa học ở Tây phương, gió chuyển sóng vỗ đến nước ta đã biết bao nhiêu năm lâu, mà trong óc dân nước ta chỉ y nhiên là loài hạ ngu cực liệt (7), hỏi đến tư tưởng khoa học, thiệt tình không chút đỉnh mảy may. Bánh mì tây, đồ ăn tây biết là ngon, mà hỏi đến cách trồng mì, làm ruộng, sao tẩm thuốc men, thời không biết. Áo mũ giày thức tây biết là đẹp mà hỏi đến cách chế tạo công nghệ, thời không biết. Xe ô tô, tàu thuỷ, xe lửa, tàu bay, và những các thức cơ khí cho đến các món máy móc thần kỳ của tây, ai cũng trầm mua chuốc (8), mà hỏi đến phương pháp làm sao nên?, thời tất thấy trả lời rằng : Không biết ! Lập bập mấy chữ : a, b, c. Ôn đi ôn lại được mấy tiếng : vous, moi, non, oui, chỉ thế là "khoa" của người nước ta, chỉ thế là học của người nước ta.
Ôi thôi ! Trình độ của dân nước ta mà như thế mãi, tất nhiên dân sinh ngày càng khổ kiệt, dân trí ngày càng mê đặc, dân khí ngày càng hao mòn, thế mà muốn sinh tồn với ai, mà ai cho sinh tồn, e có một ngày kia muốn làm trâu người mà người không cho làm, ngựa người mà người không cho làm ngựa. Loài người cố hữu ở xứ Đông Dương này, chắc chẳng bao lâu mà đến nỗi phải tiêu diệt.
Tuy nhiên, cái tội lỗi ấy, chẳng trách gì những hạng người u mê ám chướng đáy giếng xem trời làm gì?
Chỉ trách những hạng thông minh tài ngọ (9), mà xã hội nêu làm thượng lưu, mắt vẫn có thấy khoa học, tai vẫn có nghe khoa học, óc vẫn có chứa khoa học, mà nỡ lòng bỏ lửng làm ngơ, không kẻ dắt đường mở lối, dắt đem đồng báo ta vào cửa khoa học. Ai mù mặc ai, ai điếc mặc ai, ai đau què mẻ sứt mặc ai, đó thiệt là một việc rất nên đau đớn. Tôi thường tự hỏi trong mình tôi, dở mang lấy tiếng một con nhà có học, nhưng tôi rất lấy làm bực bội thẹn thùng là vì cớ ấy, ai đem khoa học hỏi tôi, tôi chỉ là một người miệng câm tai điếc. Bây giờ thấy tập báo "Khoa học Phổ thông" ra đời, tôi dám chắc người nước ta từ đây sắp lên, từ một tới mười, mười tới trăm, trăm tới ngàn, ngàn tới vạn, ai có tai, tai nghe khoa học, ai có mắt, mắt thấy khoa học, ai có miệng, miệng nói khoa học, ai có óc, óc nghĩ khoa học, ai có tay chơn, tay chơn hết sức với khoa học. Bốn chữ "Khoa học Phổ thông" có một ngày hoàn toàn thực hiện ở trên mặt đất Đông Dương này, thế là tiền đồ hạnh phúc của quốc dân ta, hy vọng phú cường của quốc dân ta, chưa biết ngàn nào mà kể.
Nếu được như thế, là mối cảm tưởng lạc quan của tôi đó vậy.
Trái lại từ có bản "Khoa học Phổ thông" ra đời, mà nước ta còn u mê ám chướng như xưa kia mãi, thời trái với nghĩa thích giả sinh tồn (10), đã không thể nào chối cãi được. Hễ ở vào thời đại thế kỷ hai mươi này, đã không thể thích hợp, tất nhiên không sinh tồn, đã không sinh tồn, thời chẳng tự tuyệt (11) mà chi.
Tôi viết tới đây óc tôi vang, tay tôi chết tươi không thể nào viết được nữa, chỉ có bấy nhiêu lời tạ ơn quí báo cho tôi báo, và kính chúc tập báo này phong hành lôi động (12).
Lại chúc cho liệt vị đồng nghiệp kháng (13) kiện luôn luôn.
SÀO NAM
Chú thích:
(1) mắt loáng: mắt nhìn không rõ
(2) “Lịnh bằng” 令堋 là lệnh hạ quan tài xuống, còn “xuất dương” 出陽 là rời bỏ dương thế. Cũng như nói “nhắm mắt xuôi tay”. Cụ Phan có bài thơ nổi tiếng "Xuất dương lưu biệt" 出洋留別. Rất có thể cụ chơi chữ, lần này cố tình dùng chữ "xuất dương" đồng âm, để đùa cợt về cái chết của mình.
(3) Bất tài thì chúa sáng suốt sẽ vứt bỏ, bệnh tật nhiều thì bạn bè cũng thưa vắng.
Lưu ý: chữ chúa là cách đọc nôm của chữ chủ.
Hai câu này chữ Hán là
不才明主棄
多病故人疏
Bất tài minh chủ khí,
Đa bệnh cố nhân sơ
Vốn trong bài Tuế mộ quy Nam Sơn (歲暮歸南山 – Tuổi già về núi Chung Nam) của Mạnh Hạo Nhiên đời Đường.
(4) Long tong: từ tiếng Pháp "planton", tuỳ phái.
(5) Mộng là mầm mới nhú. Hột mộng là hạt mới nảy mầm.
(6) Vật cạnh thiên trạch, thích giả sinh tồn 物竞天择 适者生存. Câu này vốn trong cuốn Thiên diễn luận, là bản Trung văn do Nghiêm Phục dịch từ Evolution and Ethics của Thomas Henry Huxley. Đây là lần đầu tiên chúng ta có chứng cứ nhà nho thế hệ Phan Bội Châu đã đọc Thiên diễn luận (in năm 1898).
(7) Hạ ngu cực liệt 下愚极烈 ngu xuẩn bậc nhất.
(8) Chắc là sót chữ trồ: "trầm trồ mua chuốc" – khen ngợi và mua sắm. Thứ thì khen ngợi (xe ô tô, tàu thuỷ, xe lửa, tàu bay), thứ thì mua sắm (các thức cơ khí, các món máy móc thần kỳ).
(9) (cũng nói là tài ngõ): có tài và khôn ngoan, hiểu biết nhiều.
(10) Xem chú thích (6).
(11) Tự tuyệt : tự mình diệt mình.
(12) Phong hành lôi động : Chữ Hán là 風行雷 動, lan truyền nhanh như gió thổi, vang động như sấm nổ.
(13) "kháng kiện", chắc là viết nhầm từ "khang kiện" (yên vui, khoẻ mạnh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét