Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

Khủng hoảng việc làm và cuộc “Đại nhảy lùi” của Tập Cận Bình

Nguồn: Craig Singleton, “Xi’s Great Leap Backward”, Foreign Policy, 04/08/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

23/8/2022

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/08/Xis-Great-Leap-Backward.jpg

Bắc Kinh hiện đã chẳng còn lý lẽ nào để bào chữa cho cuộc khủng hoảng việc làm tiềm tàng – và việc tái sinh các chính sách thời Mao.

Trung Quốc, thường được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, chiếm khoảng 30% sản lượng sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, có một mặt hàng mà Trung Quốc không thể sản xuất đủ nhanh: việc làm cho hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, gần 1/5 số người ở Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 hiện đang thất nghiệp, và hàng triệu người khác đang trong cảnh ‘bán thất nghiệp.’ Một khảo sát cho thấy trong số 11 triệu sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học vào mùa hè này, chưa đến 15% đã nhận được lời mời làm việc vào giữa tháng 4. Trong khi tiền lương của các công nhân người Mỹ hoặc châu Âu tăng vọt, sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc năm nay có lẽ sẽ kiếm được ít hơn 12% so với nhóm tốt nghiệp năm 2021. Thậm chí, nhiều người trong số này có thể còn kiếm được ít hơn các tài xế xe tải – đấy là nếu họ đủ may mắn tìm được việc làm.


Nói một cách đơn giản, Trung Quốc đang có nguy cơ rơi vào khủng hoảng việc làm. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rõ điều đó – và đã tìm cách ứng phó bằng các đề xuất chính sách gợi nhớ về quá khứ, như gửi sinh viên thành thị đến làm việc ở nông thôn. Vấn đề đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày nay là những phương sách từ quá khứ sẽ chẳng còn mấy tác dụng, dù cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có sửa chữa các chính sách gây ra cuộc khủng hoảng tài khóa của đất nước ông nhanh đến mức nào.

Những rủi ro từ cuộc khủng hoảng việc làm hiện hữu đang ở mức cao nhất đối với Tập, người đang muốn tiếp tục giữ chiếc ghế tổng bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào mùa thu năm nay. Nó cũng là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng hệ thống kế hoạch hóa tập trung của Trung Quốc hoàn toàn không được trang bị đủ để nuôi dưỡng, tuyển dụng, và giữ chân những nhân tài hàng đầu, ngay cả khi Trung Quốc đã tăng tốc đổi mới công nghệ để cố gắng vượt qua Mỹ.

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với chu kỳ tăng trưởng và suy thoái việc làm. Trong nhiều thập niên, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã chứng tỏ khả năng vượt trội trong việc đánh bại các mối đe dọa thất nghiệp từ rất lâu trước khi chúng lộ diện. Một vài trong số những mối nguy này là do các chính sách kinh tế của ĐCSTQ, chẳng hạn như cuộc đàn áp ngành công nghiệp giáo dục trị giá hàng tỷ đô la. Các đợt khủng hoảng khác bắt nguồn từ các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh, như khủng hoảng tài chính phương Tây 2008-2009 và theo sau là sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu. Nhận thức được mối đe dọa đối với sự ổn định của chế độ do tình trạng thất nghiệp hàng loạt ở thành thị gây ra, ĐCSTQ đã liên tục tìm cách giải quyết sớm những thách thức này, thường đưa ra những thỏa thuận lớn với người dân Trung Quốc để ngăn chặn thảm họa chính trị.

Chẳng hạn, sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ĐCSTQ đã khích lệ giới trẻ bằng cách hứa hẹn những cơ hội gần như vô hạn trong bối cảnh của đợt bùng nổ kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nước này. Những lo ngại của ĐCSTQ về tình trạng bất ổn xã hội không dẫn tới việc hình thành một mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ, mà tạo ra một hệ thống giáo dục đại học có giá cả phải chăng, đến nỗi nợ sinh viên hầu như không tồn tại ở Trung Quốc. Tính đến năm 2020, sinh viên tại 10 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc chỉ phải trả khoảng 800 đô la học phí hàng năm, so với mức 50.000 đô la tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Một thập niên sau cú sốc Thiên An Môn, khi Trung Quốc đang đối mặt với thị trường việc làm thắt chặt và chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, ĐCSTQ đã tiến xa hơn, luật hóa một chương trình mở rộng tuyển sinh đại học dài hạn được thiết kế để kích thích nền kinh tế Trung Quốc. Kết quả: tỷ lệ nhập học đại học tăng vọt 47% trong năm đầu tiên triển khai chương trình.

Nhưng cuộc khủng hoảng việc làm hiện tại lại khác. Nó không có nhiều điểm chung với thời điểm lạc quan năm 1990, mà có sự tương đồng với thời kỳ Đại Nhảy vọt của Mao Trạch Đông, lần cuối cùng nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Hồi đó, khi công chúng ngày càng chỉ trích các chính sách kinh tế của ông, Mao đã triển khai chiến dịch hạ phóng (hsia-fang) khét tiếng nhằm giảm bớt nạn thất nghiệp ở thành thị bằng cách cưỡng chế, buộc hàng chục triệu thanh niên chuyển từ các thành phố đông đúc của Trung Quốc về vùng nông thôn. Chiến lược của Mao bắt nguồn từ thực tế rằng mỗi năm hàng triệu học sinh tốt nghiệp trung học sẽ đến tuổi đi làm ở các thành phố lớn nhất của Trung Quốc, nhưng số lượng công việc chỉ bằng một nửa số lượng người tốt nghiệp. Hạ phóng cũng cung cấp cho Mao một vỏ bọc rất cần thiết để chia tách những kẻ chống đối tư tưởng của ông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để tách thanh niên Trung Quốc khỏi gia đình của họ, mà về bản chất là ràng buộc họ với đảng. Tập, cùng với hàng triệu đồng niên của mình, đã trải qua nhiều năm vất vả ở vùng nông thôn – mãi cho đến khi Mao qua đời, và sự phản đối kịch liệt của công chúng dẫn đến việc chấm dứt chiến dịch hạ phóng vào năm 1980.

ĐCSTQ sau đó đã coi các chính sách hạ phóng của Mao là một “thảm họa,” một lời chỉ trích hiếm hoi trong lịch sử. Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn được Tập làm sống lại các thành tố chính sách thời Mao. Cách đây vài năm, Tập đã công bố các chương trình mới nhằm khuyến khích học sinh ở thành thị đến làm tình nguyện ở các vùng nông thôn trong kỳ nghỉ hè. Các chương trình tương tự dành cho sinh viên đại học cũng sớm được thực hiện, đỉnh điểm là một nghị quyết của ĐCSTQ mới ban hành gần đây, trong đó đề cập đến các khoản trợ cấp khởi nghiệp hưởng một lần, các khoản vay do chính phủ hậu thuẫn, cùng nhiều ưu đãi thuế khác dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học khởi nghiệp kinh doanh tại nông thôn Trung Quốc. Công bằng mà nói, những chương trình này vẫn chưa mang tính bắt buộc. Nhưng các chương trình của Mao cũng không bắt buộc, chí ít là ở giai đoạn đầu.

Một điểm tương đồng khác với thời Mao đó là Tập đã nhận ra quy mô của cuộc khủng hoảng việc làm hiện nay của Trung Quốc quá trễ. Suốt nhiều năm, Tập vẫn hy vọng rằng việc tăng cường đô thị hóa, tăng chi tiêu (bằng nợ vay) để xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, và các cải cách cơ cấu ít ỏi sẽ giúp hồi sinh sự tăng trưởng đang suy yếu của Trung Quốc. Giờ đây, sau nhiều thập niên xây dựng hệ thống giáo dục đại học nhằm đáp ứng nhu cầu chính trị thay vì nhu cầu thị trường, theo lời đối thủ chính trị của Tập đồng thời cũng là Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường, Trung Quốc phải đối mặt với một thị trường việc làm “phức tạp và nghiêm trọng”, dường như đang có nguy cơ sụp đổ dưới sức nặng của các cuộc phong tỏa zero-Covid không hồi kết của Tập.

Cuộc khủng hoảng việc làm của Tập đã trở nên tồi tệ hơn do cuộc đàn áp mạnh tay của ông đối với những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, dẫn đến tình trạng sa thải hàng loạt trong chính ngành công nghiệp mà Tập tuyên bố sẽ thúc đẩy giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Những người tìm việc cũng sẽ không lựa chọn lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, vốn cũng đang là ngành sa thải hàng loạt nhân công, khi các tập đoàn xây dựng của Trung Quốc tính đến số nợ ngày càng tăng và việc không ai muốn mua các trái phiếu doanh nghiệp đầy rủi ro của họ. Sau khi nhận ra rằng việc làm ở các nhà máy Trung Quốc đã đạt đỉnh từ nhiều năm trước, những người lao động nhập cư không có tay nghề đã dần chuyển sang các công việc thuộc khu vực dịch vụ cấp thấp, chủ yếu là trong nền kinh tế hợp đồng thời vụ. Do các vị trí tuyển dụng trong nhà máy có lẽ sẽ không thể phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, tình trạng thất nghiệp trầm trọng nhiều khả năng sẽ khiến tiền lương sụt giảm, trong lúc các công nhân đang tuyệt vọng cố gắng cạnh tranh để giành lấy những công việc cần ít hoặc không cần kỹ năng.

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy người dân Trung Quốc đang đạt đến ngưỡng chịu đựng của mình. Tháng 7 năm nay, các cuộc biểu tình bạo lực đã nổ ra bên ngoài nhiều ngân hàng Trung Quốc sau khi các tài khoản bị đóng băng mà không có lời giải thích. Cùng tháng đó, các gia đình ở 24 trong số 31 tỉnh của Trung Quốc đã tẩy chay việc thanh toán thế chấp cho các dự án căn hộ chưa hoàn thành. Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 10.000 người Trung Quốc giàu có, với khối tài sản khoảng 48 tỷ đô la, đang tìm cách rời khỏi nước này. ĐCSTQ đã lựa chọn một phản ứng nửa vời đối với loạt khủng hoảng này, cho tiến hành một số cải cách. Nhưng rõ ràng là tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn, và niềm tin mong manh giữa ĐCSTQ và người dân sẽ còn rạn nứt.

Lịch sử cho thấy rằng Tập rất có thể sẽ có một lựa chọn chính sách bất ngờ, dù những thay đổi lớn trước đại hội đảng vào mùa thu năm nay có lẽ khó xảy ra. Về lý thuyết, và tương tự như việc Mao củng cố ảnh hưởng của đảng-nhà nước trong cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc, Tập có thể ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước tiến hành các chiến dịch tuyển dụng khổng lồ, tốn kém, và không hiệu quả nhằm giải quyết bất ổn chính trị gây ra bởi đám đông sinh viên ra trường đang thất nghiệp. Ông có thể sẽ đưa hàng trăm nghìn công nhân vào tổ hợp công nghiệp-quân sự rộng lớn của Trung Quốc, dù việc điều chỉnh các kỹ năng không phù hợp của nhóm công nhân mới tuyển dụng này sẽ tốn kém về thời gian và tiền bạc. Tập cũng đã cử các phái viên cải thiện các mối quan hệ bị tổn hại nặng nề của Trung Quốc với Liên minh châu Âu và Australia, một phần nhằm củng cố cơ sở sản xuất của Trung Quốc, nhưng những nỗ lực như vậy khó có thể thành công nếu Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.

Vẫn chưa rõ liệu Mỹ và các quốc gia khác có thể tận dụng cơ hội này để biến thặng dư chất xám của Trung Quốc thành lợi thế cho mình hay không, có thể bằng cách sửa đổi các quy định về di cư để thu hút những cá nhân xuất sắc nhất của Trung Quốc đến định cư lâu dài ở phương Tây. Trong Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh, các chương trình tương tự đã làm suy yếu các đối thủ của phương Tây bằng cách thu hút những bộ óc hàng đầu tìm kiếm nơi ẩn náu khỏi sự áp bức của Đức Quốc Xã và Liên Xô, dù các chương trình và quy trình kiểm tra lý lịch mới sẽ cần được cập nhật để đối phó với bộ máy gián điệp của Trung Quốc.

Trong khi đó, Tập có thể sẽ sớm phải đối mặt với những giới hạn thực tế trong nỗ lực tôn vinh di sản của Mao. Dù quan điểm chính thức của ĐCSTQ nói rằng trải nghiệm thời kỳ hạ phóng của Tập giúp ông lưu tâm nhiều hơn đến những lo ngại của dân thường và giúp thế hệ của ông trở thành xương sống của một nước “Trung Quốc mới”, điều đó không chắc sẽ có thể xoa dịu giới trẻ ngày nay, khi họ phải đối đầu với cuộc “đại nhảy lùi’ sắp tới của chính họ.

Craig Singleton là nghiên cứu viên cấp cao về Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ các Nền dân chủ và là một cựu quan chức ngoại giao Mỹ. 

https://nghiencuuquocte.org/2022/08/23


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét