Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2022

Cuộc chiến Ukraina: Sau sáu tháng chiến tranh, đôi bên đều hụt hơi

Điểm báo RFI

Cuộc xâm lăng Ukraina tưởng chừng chớp nhoáng nhưng đã kéo dài được sáu tháng, báo chí Pháp hôm nay có rất nhiều bài viết sơ kết cuộc chiến về nhiều khía cạnh.

Sau sáu tháng chiến tranh, đôi bên đều hụt hơi

Le Figaro nhìn lại : cách đây đúng sáu tháng, Vladimir Putin đưa quân sang Ukraina trước sự ngạc nhiên của hầu hết các nước châu Âu, dự tính chiếm Kiev trong vòng ba ngày và dựng lên một chính phủ bù nhìn. Nhưng CIA đã phát hiện bí mật của Bộ tổng tham mưu Nga và chuyển giao kế hoạch hành động cho quân đội Ukraina, khiến họ chuẩn bị hỏa lực sẵn sàng đón tiếp lực lượng Nga nhảy dù xuống sân bay Antonov. Những đoàn xe tăng hùng hậu của Nga bị những toán quân can đảm Ukraina tấn công bằng rốc-kết. Bị phá hủy hơn một ngàn chiếc xe bọc thép và thiệt mất nhiều lính, Nga đành từ bỏ mục tiêu chiếm thủ đô Kiev.

 

Ở miền đông, quân Nga tiến một cách chậm chạp, chiếm được một ít địa điểm không có lợi ích chiến lược. Thành công chính của Nga là ở miền nam. Quân của Putin giành được ba điểm quan trọng : thành phố Kherson, nơi cung cấp nguồn nước cho Crimée; nhà máy điện nguyên tử Zaporijia lớn nhất châu Âu, bảo đảm được nguồn điện cho toàn bộ các vùng chiếm đóng; và duyên hải biển Azov, biến biển này thành ao nhà của Nga.

Sáu tháng chiến tranh đã loại ít nhất 100.000 quân của mỗi bên ra khỏi vòng chiến. Các đơn vị tác chiến kiệt sức. Không làm chủ được bầu trời, hạm đội không dám phiêu lưu sang phía đông Hắc Hải, Nga tạm từ bỏ mục tiêu chiếm Odessa để nối liền với Transnistria. Phía Ukraina cách đây một tháng rưỡi loan báo sẽ phản công quy mô, chừng như đã hoãn lại không biết đến khi nào.

Putin bị dồn vào chân tường

Mặt trận dừng lại với những cuộc đấu pháo, trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Putin đã chiếm được 1/5 lãnh thổ Ukraina, nhưng không hề thực hiện được hai mục tiêu đã định là « phi quốc xã hóa » (có nghĩa là lật đổ chế độ) và phi quân sự hóa Ukraina.

« Chiến tranh là hành động bạo lực mà mục tiêu là buộc đối thủ phải thực hiện ý định của mình » - nhà chiến lược quân sự Clausewitz đã viết từ năm 1832. Nhưng Putin không buộc được gì, người Ukraina không hề nhượng bộ về chính trị hay lãnh thổ trước kẻ xâm lăng. Chính phủ Ukraina trước đây mang tiếng tham nhũng, bị tài phiệt thao túng, đã tạo được uy tín lớn sau sáu tháng chiến tranh. Dù thiệt hại nhiều nhân mạng, bị phá hủy nhiều tài sản, nhưng Ukraina có thể hãnh diện là đã chống chọi được trước một trong những đội quân mạnh nhất thế giới. Chính trong thử thách mà các quốc gia trở nên vĩ đại. Nhờ vũ khí phương Tây, Ukraina trở thành sức mạnh quân sự lớn ở Đông Âu bên cạnh Ba Lan. Ukraina thành công trong việc chính thức trở thành ứng cử viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, có một tương lai rạng rỡ trước mặt, tiềm tàng khả năng thành một Ba Lan mới.

Đối với Nga, viễn cảnh u ám hơn. Danh tiếng về quân sự bị bào mòn trước những chiến dịch thất bại và các tội ác chiến tranh. Về nội bộ, Nga lại trở thành một Nhà nước công an. Để chiếm được một vài mảnh đất nhỏ mà Nga không hề thiếu thốn, Vladimir Putin đã hủy hoại quan hệ kinh tế với châu Âu vốn rất có lợi cho Nga. Giới trí thức và tinh hoa công nghệ Nga, trong đó 3 triệu người đã bỏ ra nước ngoài sinh sống, không hề hào hứng trước ý tưởng trở thành chư hầu kinh tế của Trung Quốc. Bi kịch là chiến tranh sẽ còn kéo dài, vì Putin không thể thối lui. Ông ta biết rằng các chế độ độc tài hiếm khi sống sót trước các thất bại quân sự. Về chiến lược, Putin đã bị dồn vào chân tường.

Ukraina, bóng ma một cuộc chiến tranh hao mòn

Le Monde chạy tựa trang nhất « Ukraina, bóng ma một cuộc chiến tiêu hao ». Trong bài xã luận, tờ báo nhận định sáu tháng sau khi quân đội Nga đơn phương tấn công một quốc gia có chủ quyền là Ukraina, giờ đây là thời điểm của « thách thức hao mòn » đối với cả hai bên.

Giới tuyến đang đứng yên, cho dù Kiev đã thành công trong việc đưa chiến tranh sang đến Crimée, bán đảo bị Nga sáp nhập năm 2014. Nguy cơ leo thang cũng hiển hiện ở các « mặt trận » khác như nhà máy điện nguyên tử Zaporijia. Lỡ huênh hoang từ đầu, nếu lùi dù một bước nhỏ sẽ là sự sỉ nhục cho Vladimir Putin. Sự tàn bạo của quân Nga cũng hạn chế mọi giải pháp ngoại giao của tổng thống Volodymyr Zelensky. Cuộc chiến kéo dài tám năm này, nếu tính từ lúc Nga chiếm Crimée, như vậy đang là ngõ cụt.

Tác động của nó đã thấy rõ : căng thẳng về năng lượng và thực phẩm, Nga bị tách rời khỏi châu Âu, rạn nứt ngày càng tăng giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới. Tổng thống Emmanuel Macron có lý khi trịnh trọng cảnh báo người dân hôm 19/08 về « cái giá của tự do » mà nước Pháp phải trả trong những tháng tới. Các đồng minh châu Âu của Ukraina cũng phải đối mặt với thách thức của cuộc chiến tiêu hao. Sản xuất vũ khí không đáp ứng được nhu cầu của chiến tranh quy ước, chủ quyền năng lượng lâu nay phó mặc cho Nga. Riêng người Ukraina phải trả cái giá đắt nhất một cách bất công nhưng họ không hề lùi bước, và các đồng minh của Kiev cũng nên noi theo, trước những đảo lộn sắp tới.

Đức cần một cuộc cách mạng

Xã luận của Le Figaro ví von, Kremlin đang đùa giỡn với rô-bi-nê khí đốt như con mèo vờn cuộn len. Vladimir Putin tính toán rằng với sự lệ thuộc năng lượng Nga, gây bất ổn cho mắt xích yếu nhất là Đức sẽ phá tan được sự đoàn kết phương Tây.

Tờ báo cho rằng cần có một « cuộc cách mạng Đức ». Berlin đã bắt đầu giảm tiêu thụ khí đốt của Nga, thay bằng các nhà cung cấp Qatar, Na Uy, Canada ; nhưng còn cần phải từ bỏ chủ trương xóa điện nguyên tử, giữ lại ba lò phản ứng cuối cùng. Đồng thời chỉnh đốn những điểm yếu trong cơ cấu – lệ thuộc thương mại với Trung Quốc, chậm số hóa nền kinh tế, dân số giảm sút, và nên xây dựng quân đội xứng tầm.


Nga có nguy cơ thụt lùi 30 năm

Kinh tế Nga vẫn đứng vững, nhưng sau nửa năm bắt đầu thấm đòn cấm vận – theo Le Monde và Le Figaro. Hàng nhập khẩu ít hẳn, vật giá tăng 13,4 %, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn nhất là với giới trung lưu. Kỹ nghệ hàng không, xe hơi phải tìm cách xoay sở. Đội máy bay của hãng Aeroflot có đến 80 % là Boeing và Airbus, có 80 chiếc Sukhoi Super Jet 100 tự sản xuất nhưng một phần động cơ là của phương Tây. Theo Reuters, có ít nhất một chiếc Airbus A350 của Aeroflot đang bị « xẻ thịt » để lấy phụ tùng lắp cho những chiếc Boeing 737 và Airbus A320.

Hãng xe hơi hàng đầu Avtovaz với nhãn hiệu Lada cố khởi động lại sau khi hãng Renault của Pháp đã bán lại phần vốn (68 %) với cái giá tượng trưng là 1 rúp. Nhưng thị trường suy sụp hẳn, trong tháng Sáu chỉ bán được 27.000 xe so với bình thường là 100.000. Một model từ 2010 là Logan MCV được tái sinh nhưng không có airbag và hệ thống chống trượt ABS. Lãnh vực chiến lược là năng lượng đang thiếu một số thiết bị, công nghệ mà chỉ Mỹ và Đức mới có. Ngay cả lãnh vực nguyên tử dân dụng tuy không bị trừng phạt nhưng không còn nhận được tài liệu kỹ thuật về tua-bin cho các nhà máy tương lai.

Trung Quốc : Khủng hoảng địa ốc, khủng hoảng lòng tin

Về phía đồng minh « vững như bàn thạch » của Matxcơva là Bắc Kinh, Libération nhận thấyTrung Quốc không chận nổi cuộc khủng hoảng địa ốc :năm ngoáicòn tồn 30 triệu căn nhà không có người mua. Giữa tháng Tám, Ngân hàng Trung ương đã hạ lãi suất chỉ đạo, các công ty địa ốc tặng đủ loại quà từ xe hơi đến… heo cho khách, nhưng tình trạng tẩy chay vẫn diễn ra với 320 dự án tại khoảng 100 thành phố. Bên cạnh nhà đất còn có những dấu hiệu đáng ngại khác : tiêu thụ giảm, sản xuất chựng lại, doanh nghiệp tư nhân không hoạt động được vì zero Covid, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên 18-24 tuổi lên đến 20 %.

Xã luận của Les Echos nhấn mạnh « Trung Quốc : Cuộc khủng hoảng lòng tin ». Hàng trăm ngàn người từ chối trả món nợ vay mua nhà cho dù có thể bị chính quyền phạt nặng, chứng tỏ bất bình đang tăng cao. Cần biết rằng địa ốc chiếm 1/3 nền kinh tế và 70 % tài sản người dân. Thế nên khủng hoảng lòng tin ở Hoa lục là trầm trọng, là cái gai nhọn cho Tập Cận Bình trước Đại hội Đảng. Chính quyền Bắc Kinh chừng như khó tái lập được sự tin cậy – một đòn bẩy kinh tế không thể thực hiện được bằng mệnh lệnh, kể cả trong một nền kinh tế chỉ huy như Trung Quốc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét