1) Ngày 22/08: Mỹ đổ thêm dầu vào chảo lửa Đài Loan
Nữ Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn tiếp Thống Đốc tiểu bang Indiana và phái đoàn viếng thăm ngày 22/08/2022.
Bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, Bắc Kinh tức cành hông. Sau khi bà ra về, Trung Cộng cho tập trận 6 vị trí bao vây Đài Loan. Vừa mới tuyên bố ngưng tập trận, tức thì một phái đoàn do Thượng Nghị Sĩ Mỹ Ed Markey (D. Massachusetts) dẫn đầu lại đến thăm Đài Loan, làm cho Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ rồi tuyên bố tập trận tiếp. Mỹ không lùi bước, vào đầu tuần này ngày 22/08, chú Sam đổi tông từ đánh trống sang thổi kèn, Thống Đốc Eric Holcomb (Đảng Cộng Hòa) tiểu bang Indiana tiếp tục thăm Đài Loan, được nữ Tổng Thống Thái Anh Văn tiếp đón niềm nở vào thứ Hai (22/08). Nhìn thái độ tiếp đón thân mật trên TV, chắc Bắc Kinh tức giận đến thổ huyết như Chu Du tức Gia cát Lượng trong Tam Quốc Chí đời nhà Hán!
Cuộc viếng thăm của Thống Đốc Holcomb dài 4 ngày sẽ tập trung vào trao đổi kinh tế và làm ăn buôn bán dài hạn với nhau.
Indiana đất rộng (94,321 km2), người thưa (6.8 triệu). So với Đài Loan đất hẹp (36,197 km2) người đông (23 triệu). Việc Thống Đốc Indiana đến Đài Loan như một lời mời các công ty bán dẫn và các công ty kỹ thuật công nghệ khác có thể đặt cơ sở làm ăn lâu dài ở tiểu bang Indiana. Đây là cách Mỹ gián tiếp bảo vệ Đài Loan mạnh nhất vì khi làm ăn với nhau thì đồng tiền hai bên gắn bó keo sơn – Thế gian cho rằng “đồng tiền gắn liền khúc ruột” – có ai bỏ được khúc ruột của mình.
Thống đốc Holcomb nhấn mạnh sự quan trọng của chuyến thăm là kinh tế, ông tuyên bố rằng tiểu bang Indiana nằm trong các tiểu bang đứng đầu ở Mỹ về đầu tư trực tiếp và là nơi đặt trụ sở của 10 công ty Đài Loan. “Cả hai chúng tôi [Đài Loan và Indiana] đều tìm cách làm sâu sắc hơn và nâng cao mối quan hệ hợp tác vốn đã tuyệt vời mà chúng tôi đã thiết lập trong nhiều năm”.
Thống Đốc Holcomb cũng gặp gỡ các đại diện của ngành kỹ thuật công nghệ bán dẫn và dự kiến sẽ thúc đẩy hợp tác khoa học kỹ thuật và công nghệ giữa Đài Loan và Indiana. Phái đoàn của ông đã gặp gỡ Đại Học Quốc Gia Yang-Ming và Đại học Quốc gia Cheng Kung để trao đổi.
Ông đang đi cùng các giới chức của hội đồng phát triển kinh tế của tiểu bang, và các trưởng khoa của Đại học Purdue (Đại Học nổi tiếng miền Trung nước Mỹ), nơi vừa thành lập một môn học để cấp bằng kỹ thuật bán dẫn.
Hôm nay Thống Đốc Indiana, ngày mai thống đốc tiểu bang khác đến để bắt tay ký hiệp ước thương mại lâu dài… Trong khi Washington thì giữ sự im lặng. Dù tiểu bang hay liên bang, trò chơi này cùng chung một canh bạc “quyền lợi của Mỹ”. Nước cầm đầu chủ nghĩa tư bản (capitalism), chính phủ Mỹ luôn luôn sống chết với các nhà tư bản và bảo vệ họ như bảo vệ sự sống còn của nước Mỹ. Như vậy, dân tư bản của tiểu bang Indiana hay tiểu bang nào hễ ai đụng tới là bom đạn của Mỹ xúc kích ngay để bảo vệ những báu vật mà Mỹ xem như linh hồn của họ.
2) Hết Mỹ đến Nhật làm cho Bắc Kinh tức giận vì giới lập pháp Nhật thăm Đài Loan:
Nữ tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tiếp hai dân biểu Nhật Furuya và Kihara đến thăm Đài Loan.
Thống đốc Holcomb của Indiana chưa rời Đài Loan, thì vào đầu tuần ngày 22/08/2022, hai dân biểu Nhật Keiji Furuya – Chủ Tịch Ủy Ban An Toàn Công Cộng Quốc Gia, và Dân Biểu Minoru Kihara – Chủ tịch một nhóm các Dân Biểu lưỡng đảng thúc đẩy trao đổi với Đài Loan, đã đến thăm Đài Loan gặp nữ Tổng Thống Thái Anh Văn vào sáng thứ Ba (23/08). Cả hai dân cử này cùng gặp gỡ thảo luận với lãnh đạo ngành hành pháp và lập pháp Đài Loan.
Hai Dân Biểu Nhật Furuya và Kihara đã gặp Phó Tổng Thống Lai Ching-te, Thủ tướng Su Tseng-chang, Chủ Tịch Ngành Lập Pháp You Hsi-kun, Bộ Trưởng Ngoại Giao Joseph Wu, và Chủ Tịch Hiệp Hội Quan Hệ Nhật-Đài Su Jia-chyuan. Cả hai dân biểu Nhật cũng sẽ ghé thăm Nghĩa Trang Quân Đội Núi Wuzhi để bày tỏ lòng kính trọng đối với cố Chủ tịch Đảng Dân Tiến (DDP) Lý Đăng Huy. Đảng của bà Tổng Thống đương nhiệm Thái Anh Văn.
Hai dân biểu Nhật tuyên bố: “Vào thời điểm các quốc gia độc tài có ý định xâm lược và bành trướng ra nước ngoài, gây căng thẳng khu vực và thách thức trật tự quốc tế cơ bản, các nền dân chủ nên đoàn kết để bảo vệ các giá trị chung của tự do và dân chủ”.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết Đài Loan và Nhật Bản đều thuộc phe dân chủ toàn cầu và có mối quan hệ hữu nghị thân thiết, đồng thời cho biết thêm rằng chuyến thăm của hai dân biểu Furuya và Kihara sẽ giúp làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác thực chất giữa Nhật-Đài.
Những tuyên bố này được phổ biến rộng rãi trên các cơ quan truyền thông Đài-Nhật làm cho Trung Cộng tức giận. Chỉ biết hăm dọa Nhật và Đài Loan cùng những bài nói trên truyền hình Trung Cộng bới móc và xỉa xói của bầy sói lang.
3) Con gái nhà triết học “quốc gia cực đoan” Nga bị giết:
Cô Darya Dugina, con gái nhà tư tưởng ” quốc gia cực Đoan” Nga – Alexander Dugina bị ám sát chết ngày 22/08/2022.
Cô Darya Dugina, con gái nhà triết học “quốc gia cực đoan” Nga Alexander Dugina đã bị chết do một quả bom cài ở xe cô lái ngày 22/08. Trước cái chết này, Putin tuyên bố “Đây là một tội ác hèn hạ và tàn bạo”, đó chính là lời mà Putin xử dụng trong một thông cáo mà điện Kremlin đăng tải không lâu trước khi những kết luận chi tiết của cuộc điều tra của FSB được công bố. Putin cũng đã bày tỏ niềm thương tiếc đối với gia đình nạn nhân cô Darya Dugina và nhận xét cô Darya là một người “xuất sắc, tài năng và đã chứng minh được thế nào là một người yêu nước Nga”.
Theo kết quả của cuộc điều tra của cơ quan tình báo Nga FSB (Federal Security Service), thì người gây ra vụ nổ giết chết cô Darya Dugina là một phụ nữ Ukraine tên Natalia Vok đã chạy trốn sang Estonia ngay sau khi gây án mạng. Người phụ nữ này đến Nga cùng với đứa con gái nhỏ, thuê nhà ở gần nhà cô Darya để tiện việc chuẩn bị vụ ám sát. Darya Dugina đã chết vì chất nổ gài ở xe, đám tang của cô được tổ chức tại thủ đô Nga, Moscow vào thứ Ba (23/08/2022).
Cố vấn tổng thống Ukraine, ông Mikhailo Podoliak khẳng định chính phủ Ukraine không liên quan gì đến cái chết của cô Darya Dugina vì Ukraine không phải là “nhà nước tội phạm”.
Nghị sĩ Ukraine Oleksyi Goncharenko tại Hội Đồng Châu Âu nói rằng vụ nổ có thể là do nội bộ Nga bị chia rẽ. Việc điều tra của cơ quan FSB xác nhận Ukraine có liên quan đến vụ nổ như là ngầm khẳng định cuộc chiến ở Ukraine để lại hậu quả trực tiếp đối với dân Nga.
Theo nhật báo Washington Post, trước cáo buộc thủ phạm gây án mạng đã bỏ trốn sang Estonia, làm cho nhiều người Nga có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đã kêu gọi điện Kremlin gia tăng trừng phạt nước Baltic. Đáp lại, Ngoại Trưởng Estonia phát biểu trên truyền hình với nhận định rằng đây là “một trong những chuỗi hành động khiêu khích của Nga” đối với các nước vùng Baltic.
Cô Darya Dugina là con gái của ông Alexander Dugina, một nhà triết học, dịch giả, nhà tư tưởng chính trị người Nga. Đặc biệt Alexander Dugina chủ trương chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chuyên tâm thúc đẩy tư tưởng tân Âu-Á, ông tự cho mình là thân cận với điện Kremlin và lèo lái Putin đánh Ukraine.
Báo chí cho hay chiếc xe bị cài chất nổ mà con gái Alexander lái và bị giết, đáng lý ra Alexander là ngươi cầm lái, nhưng “thiên tào” chưa gọi tên “Alexander”, nên phút chót Alexander đã trao chìa khóa xe cho con gái ông lái một mình. Sự việc này như là sát thủ có ý định giết chết 2 cha con Alexander Dugina.
Cô Darya Dugina là người có tư tưởng giống cha mình, trên đài truyền hình Nga, cô thường có những buổi nói chuyện thiên về trường phái quốc gia cực đoan bênh vực cho Putin xâm lăng Ukraine.
Trên căn bản, khi chưa truy ra bằng chứng đích thực thì kẻ bị tình nghi là do phía Ukraine thực hiện, vì nó hợp tính logic. Tuy nhiên nếu suy nghĩ xa hơn thì việc ám sát hai cha con ông Alexander Dugina có giải quyết được gì cho cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay không? Vì cuộc chiến bây giờ Putin “đâm lao phải theo lao”.
Do đó cho rằng Ukraine là chủ mưu vụ ám sát này, có thể là một dàn dựng để Kremlin lấy cớ leo thang chiến tranh các nước thuộc vùng Baltic.
4) Mỹ ra lệnh cho công dân Mỹ rời khỏi Ukraine:
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ra lệnh cho công dân Hoa Kỳ rời khỏi Ukraine.
Hoa Kỳ ra lệnh công dân của mình rời khỏi Ukraine, Mỹ tin rằng Nga đang chuẩn bị nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự, nguy hiểm nhất là nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia và nhiều nơi trong vài ngày tới khi cuộc chiến đạt mốc 6 tháng (24/02 – 24/8). Cảnh báo này của Washington được đưa ra sau lệnh cấm của chính phủ Ukraine đối việc làm lễ Quốc Khánh tụ tập đông người ở thủ đô Kyiv vào ngày độc lập thứ 31, ngày mà Ukraine thoát khỏi sự cai trị của độc tài của Cộng Sản Liên Xô.
Nói về nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia dù cách đây mấy ngày, Putin hứa qua điện thoại với TT Pháp Macron là sẽ để cho phái đoàn của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) đến thanh tra. Nhưng đến nay, gần một tuần mà IAEA chưa nhận được một thông báo chính thức bằng “giấy trắng mục đen” từ Nga, cho nên nhân viên của IAEA chưa dám đi đến vùng do quân Nga chiếm đóng để làm nhiệm vụ thanh tra.
Theo tin chiến sự thì hôm 23/08 chung quanh nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia, hai bên vẫn nã đạn pháo liên tục. Nhiều hỏa tiễn nổ ở những nơi giao tranh gần nhà máy điện nguyên tử đang diễn ra ác liệt giữa hai bên.
5) Ngày Quốc Khánh Ukraine (24/08), nước này nhận quà “viện trợ vũ khí” chưa từng thấy:
NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine trong ngày Quốc Khánh nước này (24/08).
Trong cuộc chiến Ukraine chống lại quân xâm lược Nga, Hoa Kỳ là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine lên đến 40 tỷ USD. Tuần trước ngày 19/08, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã xuất 775 triệu USD để viện trợ thêm hỏa tiễn và hệ thống HIMARS cho quân đội Ukraine. Theo hãng tin AFP (Agency French Press) qua sự tiết lộ ẩn danh của một nhân vật tại Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, chính quyền Hoa Kỳ sẽ có một viện trợ quân sự khác rất lớn trị giá 3 tỉ USD. Khoản viện trợ này được xuất từ ngân sách của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và có thể được sử dụng cho những chiến dịch trực tiếp hoặc mua vũ khí. Khoản viện trợ này khác với ngân sách cho phép của tổng thống Joe Biden ra lệnh xuất kho vũ khí ngay lập tức để chuyển giao cho Kyiv.
Điện Kremlin, nhất là Putin, luôn cho rằng cuộc chiến Ukraine do Mỹ chủ trương. Sở dĩ Putin đổ lỗi cho Mỹ để một ngày nào có “thua trận” ở Ukraine thì Nga thua Mỹ chứ không phải thua Ukraine, nói như vậy đỡ mất mặt hơn nhiều. Còn không, mang nhãn cường quốc quân sự số 2 mà đánh thua nước Ukraine đứng thứ 22 thì còn mặt mũi nào mà lên mặt với đời!
Nói đi phải nói lại, trong cuộc chiến Ukraine, Mỹ không những viện trợ quân sự, nhân đạo mà còn về nhiều mặt khác như tin học, tình báo, v.v… và nhất là vận động các nước tây Phương đồng loạt trừng phạt kinh tế, tài chánh của Nga.
6) Putin ký sắc lệnh tăng quân số:
Putin ký sắc lệnh tăng quân.
Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh tăng quân số của các lực lượng vũ trang Nga lên 1,15 triệu người, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Ước tính hiện tại có nhiều lính chết và bị thương sau 6 tháng chiến sự ở Ukraine.
Trong một diễn biến khác, Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu (EU) lên án vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào ga xe lửa ở miền Đông Ukraine hôm thứ Tư (24/08) khiến ít nhất 25 người thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em. Bộ Quốc Phòng Nga đã xác nhận vụ tấn công, nhưng tuyên bố chỉ nhắm vào các đoàn tàu quân sự hoạt động trong ngày lễ Độc Lập của Ukraine.
Việc bắn vào dân chúng để máu đổ loang lổ, chết ghê rợn không toàn thây làm cho đối phương sợ hãi phải lùi bước trước cuộc chiến, đó là chiến thuật của Cộng Sản từ trước đến nay. Ngày trước quân Cộng Sản Bắc Việt pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy giết chết nhiều trẻ em tiểu học. Năm 1979, sau khi đánh qua biên giới Việt-Trung, Trung Cộng giết đàn bà trẻ em đôi xác xuống giếng dã man như thế nào? Ngày nay Putin cũng dùng thủ đoạn độc ác tương tự như vậy, chúng ta không lạ gì?
Ngày 27/08/2022
Lê Thành Nhân biên soạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét