Võ Thái Hà tổng hợp
Trung Quốc cảnh báo Mỹ không đi qua eo biển Đài Loan
Khu trục hạm USS Benfold (DDG-65) tuần tra qua eo biển Đài Loan hồi tháng Bảy 2022 Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tiếp tục đi qua eo biển Đài Loan và thực hiện các chiến dịch bảo vệ tự do hải hành (FONOPs) bất chấp căng thẳng với Trung Quốc. Ảnh US Navy.
Trung Quốc kêu gọi Mỹ không điều động tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh sẽ có hành động mạnh hơn sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Bắc.
Hãng tin Bloomberg tường thuật, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Tần Cương (Qin Gang) cho biết hôm thứ Ba 16 Tháng Tám rằng Trung Quốc coi việc đi qua eo biển Đài Loan là một hành động leo thang của Mỹ trong nỗ lực hỗ trợ chính phủ “ly khai” ở Đài Bắc. Ông ta đưa ra lời cảnh báo như vậy sau khi Thượng nghị sĩ Edward Markey, một nghị sĩ Dân Chủ tiểu bang Massachusetts, kết thúc chuyến đi thứ hai đến đảo quốc của một phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ trong vòng chưa đầy hai tuần.
Trung Quốc đe dọa
“Phía Hoa Kỳ đã làm quá nhiều và đi quá xa trong khu vực này”, Tần nói khi trả lời câu hỏi về các cuộc tuần tra hải hành sắp diễn ra của hải quân Hoa Kỳ. “Tôi kêu gọi các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi kiềm chế, thực sự kiềm chế, không làm bất cứ điều gì làm leo thang căng thẳng. Vì vậy, nếu có bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ đáp trả. Trung Quốc sẽ đáp trả”, ông Tần nói.
Nên để ý, việc hải quân và không quân Hoa Kỳ đi qua, bay qua eo biển Đài Loan là việc làm thường xuyên, đã diễn ra đều đặn hàng chục năm nay, không phải mới có từ sau chuyến thăm của bà Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi.
Chính quyền Biden cho biết quân đội Mỹ vẫn sẽ tiến hành các cuộc tuần tra đường hàng không và hàng hải qua eo biển Đài Loan – một hải lộ quan trọng của thương mại quốc tế – sau khi Trung Quốc đáp lại chuyến đi của Pelosi bằng một loạt cuộc tập trận quân sự xung quanh hòn đảo, bao gồm cả việc bắn tên lửa đạn đạo qua Đài Bắc. Từ lâu, Mỹ cho rằng những chuyến thăm Đài Loan của các nghị sĩ quốc hội, là nhất quán với chính sách “một Trung Quốc” của Washington là không chính thức công nhận chính phủ được bầu cử dân chủ ở Đài Bắc.
Theo dữ liệu của Bloomberg, trong thập niên qua, Hải quân Mỹ đã thực hiện trung bình khoảng 9 chuyến đi qua eo biển này mỗi năm, ít hơn nhiều so với con số “100 chuyến hải hành” mà ông Tần nêu ra. Chuyến đi gần đây nhất là vào ngày 19 Tháng Bảy, khi tàu khu trục USS Benfold đi qua eo biển này.
Tương tự, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi không phải không có tiền lệ; bà chỉ là người cao cấp nhất trong số 149 thành viên Quốc hội Mỹ đã đến thăm Đài Loan trong mười năm qua, trong số này có 33 nghị sĩ đến Đài Loan từ khi Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền. Trung Quốc càng ngày càng khó chịu với các chuyến viếng thăm như vậy, coi đó là mối đe dọa cho yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan.
Ông Tần cảnh báo, Hoa Kỳ không nên đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc trong vấn đề các chuyến thăm của Quốc hội Hoa Kỳ tới Đài Loan, bác bỏ lập luận của Tòa Bạch Ốc rằng các nhà lập pháp có quyền hành động độc lập với hành pháp. “Quốc hội là một phần của chính phủ Hoa Kỳ – nó không phải là một chi nhánh độc lập, không thể kiểm soát. Quốc hội có nghĩa vụ tuân thủ chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao chúng tôi cảm thấy rất thất vọng và không hài lòng với chuyến thăm Đài Loan của Thượng nghị sĩ Markey. Nó khiêu khích, nó vô ích,” ông Tần nói.
Trong một diễn biến liên quan, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Nhật Bản có kế hoạch thăm Đài Loan vào tuần tới, hãng Kyodo News đưa tin hôm thứ Ba. Bộ Quốc phòng ở Tokyo trước đó đã nói hỏa tiễn đạn đạo của Trung Quốc đã rơi xuống một khu vực mà Nhật Bản coi là vùng đặc quyền kinh tế của họ sau chuyến đi của bà Pelosi.
Quốc hội Canada cũng có kế hoạch cử một phái đoàn nghị sĩ đến thăm Đài Loan trong vài ngày tới.
Đại sứ Tần bảo vệ phản ứng của quân đội Trung Quốc đối với chuyến đi, nói rằng các cuộc tập trận là “công khai, minh bạch và chuyên nghiệp.” “Chúng tôi đang xử lý một sự cố nghiêm trọng từ chuyến thăm của Pelosi” và cảnh báo Mỹ không nên “đánh giá thấp quyết tâm mạnh mẽ, quyết tâm và khả năng của chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”, ông Tần nói với các phóng viên ở Washington.
Chính quyền Biden khó xử
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang trong tình thế khó xử giữa một bên là nhu cầu duy trì quan hệ hợp tác với Trung Quốc, một bên là áp lực của Quốc hội đòi phải cứng rắn với Bắc Kinh, vạch ra lằn ranh đỏ để ngăn chặn việc Trung Quốc thâu tóm eo biển Đài Loan và biến thành vùng biển riêng của mình.
Sau chuyến đi thăm Đài Loan hồi Tháng Tư, hai thượng nghị sĩ có ảnh hưởng lớn là ông Bob Menendez, (Dân Chủ – New Jersey), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện và ông Lindsey Graham (Cộng Hòa – South Carolina) đã trình ra dự luật Chính sách Đài Loan (Taiwan Policy Act of 2022) nhằm thay thế cho đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 đã lỗi thời. Dự luật của hai thượng nghị sĩ này có điều khoản chính là cung cấp hỗ trợ quốc phòng cho Đài Loan $4.5 tỷ trong vòng bốn năm tới, công nhận Đài Loan là “đồng minh quan trọng ngoài NATO” (major non-NATO ally) và đặt ra cơ chế trừng phạt các hành vi thù địch của Trung Quốc đối với Đài Loan. Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện sẽ đem dự luật này ra thảo luận và bỏ phiếu khi các nghị sĩ quay lại làm việc sau kỳ nghỉ hè tháng Tám.
Tòa Bạch Ốc lo ngại việc thông qua dự luật Chính sách Đài Loan sẽ gây khó khăn cho chính sách “mơ hồ chiến lược” hiện thời, trái với nguyên tắc “một Trung Quốc” và gây bất lợi cho nhiều lĩnh vực hợp tác Mỹ-Trung. Các thượng nghị sĩ Dân Chủ được yêu cầu điều chỉnh nội dung của dự luật trước khi Thượng Viện biểu quyết.
Đại sứ Tần cũng hạ thấp mối đe dọa về một cuộc tấn công sắp xảy ra của Trung Quốc xâm lược Đài Loan, nói rằng ông ta không biết một mốc thời gian cụ thể. “Mọi người đang quá lo lắng về điều đó,” ông nói và nói thêm rằng suy đoán về một cuộc xâm lược của Trung Quốc là “vô căn cứ”.
Lạm phát phi mã, hàng ngàn người Anh đình công, kêu gọi không trả tiền điện
Ảnh minh họa : Nhà ga Waterloo vào ngày đầu tiên của cuộc đình công đường sắt quốc gia ở Luân Đôn, Anh, ngày 21/06/2022. REUTERS - HENRY NICHOLLS
Ngày 18/08 và 20/08/2022, hàng chục ngàn lao động Anh, trong các lĩnh vực đường sắt, bưu điện, bốc dỡ tàu biển, được kêu gọi đình công để phản đối tình trạng lạm phát gia tăng. ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Đây là phong trào đình công lớn nhất từ nhiều thập kỷ qua tại Anh.
Hệ thống giao thông công cộng có nguy cơ bị tê liệt, các cảng thương mại không có người dỡ hàng, hay người dân Anh có thể không nhận được thư trong những ngày tới vì nhân viên bưu điện đình công. Trong tất cả các lĩnh vực, người lao động đòi tăng lương, tương ứng với tỷ lệ lạm phát, lên đến hơn 10 % trong vòng một năm và có thể lên đến 13 % vào tháng 10. Đối mặt với tình trạng sức mua suy giảm, nhiều người dân Anh cũng tham gia vào một phong trào không thanh toán tiền điện, với tên gọi “Don’t Pay”, nếu chính phủ không đưa ra biện pháp xử lý nào vào mùa thu này. Thông tín viên RFI Sidonie Gaucher từ Luân Đôn cho biết thêm :
“ Tôi làm theo đạo lý”. “Đơn giản là vì tôi không có tiền”. “Ngay cả khi tôi có tiền để trả, nhưng giá tăng cao như vậy thật là không công bằng”. “Tôi sẽ trả tiền điện nếu có giải pháp được đưa ra”. Vì nhiều lý do khác nhau, ngày càng có nhiều người tham gia vào chiến dịch “ Don’t Pay” có nghĩa là “Không trả tiền”.
Hơn 107 000 người dự trù hủy việc thanh toán tự động tiền điện để phản đối tình trạng giá năng lượng tăng cao.
Một mặt, các tổ chức từ thiện lo lắng về viễn cảnh nợ nần chồng chất. Tình trạng thiếu năng lượng có thể trầm trọng hơn gấp đôi và ảnh hưởng tới 12 triệu gia đình. Mặt khác, tổ chức về quản lý năng lượng OFGME cảnh báo về nguy cơ cắt điện và cắt ga.
Hóa đơn năng lượng có thể lên đến 3500 bảng Anh vào mùa thu mỗi năm đối với một hộ gia đình tầm trung. Con số này tăng 300 % so với tháng 10 năm ngoái. Sang tháng Giêng, hóa đơn tiền điện có thể lên tới 5 000 bảng Anh, tương đương gần 6000 euro. Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất tại Anh từ 40 năm qua. Cựu thủ tướng Anh Gordon Brown đã đăng một bài trên báo The Guardian, đề nghị là các công ty năng lượng tạm thời quay trở lại quy chế dịch vụ công nếu không thể giảm giá.”
Erdogan thăm Ukraine
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực can dự vào tình hình Ukraine trong vai trò hòa giải. Nhưng vào thứ Năm, Recep Tayyip Erdogan mới lần đầu tiên đến thăm Ukraine kể từ khi Nga xâm lược. Ông sẽ gặp người đồng cấp Volodymyr Zelensky ở Lviv, một thành phố nằm cách xa chiến tuyến. Ngoài ra tham dự cuộc họp còn có tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres.
Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đã được nhiều người hoan nghênh cho các nỗ lực hòa giải của họ, vốn đưa đến thỏa thuận mở lại xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen giữa Ukraine và Nga. Máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất cũng đã giúp quân đội Ukraine đẩy lùi quân Nga. Nhưng ông Erdogan muốn cân bằng giữa hai bên. Hôm 5 tháng 8, ông đã gặp Vladimir Putin và ra chỉ dấu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ chào đón doanh nghiệp Nga.
Về phần Zelensky, ông sẽ muốn thăm dò các vị khách của mình về khả năng mở rộng thỏa thuận ngũ cốc thành một cuộc đàm phán chấm dứt xung đột. Ông cũng sẽ thảo luận về giao tranh tại Zaporizhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, vốn đang làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân.
Serbia và Kosovo lại căng thẳng
Vào thứ Năm, tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và thủ tướng Kosovo Albin Kurti sẽ gặp Josep Borrell, ủy viên chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, tại Brussels. Đứng đầu chương trình thảo luận là một đề xuất gây tranh cãi mà nếu được thông qua có thể trao một số quyền tự trị cho các thành phố với đa số người Serbia bên trong Kosovo.
Căng thẳng lại một lần nữa gia tăng giữa Serbia và tỉnh cũ của nước này, Kosovo. Một trong những nguyên nhân là việc chính phủ Kosovo vào tháng trước quyết định bắt buộc công dân Serbia đến Kosovo phải nhận thẻ căn cước tạm thời thay cho hộ chiếu. Giới chức Serbia phản đối chính sách này và cuối cùng khiến nó bị hoãn — nhưng mạng xã hội đã nhanh chóng bùng nổ các tin đồn về một cuộc xâm lược của người Serbia.
Các binh sĩ NATO ở Kosovo có nhiệm vụ bảo vệ đất nước, khiến cho một cuộc xâm lược rất khó xảy ra. Nhưng tiến bộ chính trị cũng vậy. Hai ông Kurti và Vucic không ưa nhau, trong khi tiến trình đàm phán kéo dài 10 năm qua do EU bảo trợ đã không còn mang lại kết quả. Lần này có lẽ sẽ không khá hơn.
Xác định niên đại bằng đồng vị phóng xạ mất chính xác vì hoạt động của con người
Khi xác định niên đại bằng carbon được nghĩ ra vào năm 1946, nó đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành khảo cổ học. Nguyên tắc của kỹ thuật này đến từ việc các sinh vật hấp thụ carbon trong khí quyển, bao gồm carbon-14, một đồng vị phóng xạ. Khi một sinh vật chết đi, mức carbon-14 của nó sẽ giảm khi đồng vị phân hủy. Nhờ đó, lượng đồng vị còn lại – sau khi đã tính đến nồng độ trong khí quyển – sẽ giúp ta ước tính được thời gian đã trôi qua.
Nhưng hoạt động của con người đang làm cho phương pháp này trở nên vô dụng. Hiện nồng độ carbon-14 trong khí quyển không còn ở mức cao đột biến như trong chiến tranh lạnh, sau khi các nước chấm dứt thử nghiệm vũ khí nguyên tử trên mặt đất. Đồng thời, lượng khí thải carbon-dioxide tăng cao làm loãng nồng độ của carbon-14, khiến cho các vật thể hiện đại mang cùng nồng độ so với các vật thể 100 năm trước. Điều này làm cho việc xác định niên đại khó khăn hơn, bất kể vật thể đó là xác người hay rượu whisky lâu năm. Các nhà khoa học cho rằng đến năm 2050 một món đồ hiện đại sẽ có dấu thời gian carbon ngang với một đồ vật của thời Trung cổ. Do đó, kỹ thuật đồng vị carbon sẽ sớm bị loại bỏ. Trước mắt, để thay thế nó người ta sẽ chỉ đơn giản là phỏng đoán.
Apple sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam
CEO của tập đoan Apple, Tim Cook, xem một máy tinh MacBook kiêu mới được giới thiệu cho các nhà lập trình tại hội thảo WWDC22 ở trụ sở của tập đoàn Apple ở Cupertino, California hôm 6 Tháng Sáu 2022. Ảnh Justin Sullivan/Getty Images.
Tập đoàn Apple của Mỹ đang đàm phán để lần đầu tiên lắp ráp đồng hồ Apple Watch và máy tính xách tay MacBook ở Việt Nam trong nỗ lực đa dạng hóa sản xuất ngoài Trung Quốc
Theo tin của Nikkei Asia, hai nhà cung cấp chính của Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn (Đài Loan) đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở miền Bắc Việt Nam, lần đầu tiên loại sản phẩm cao cấp này được sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Trước đó, Việt Nam đã là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc, sản xuất một loạt sản phẩm của Apple, bao gồm máy tính bảng iPad và tai nghe AirPods.
Theo các chuyên gia trong ngành, Apple Watch thậm chí còn tinh vi hơn, việc ép nhiều linh kiện vào một chiếc vỏ nhỏ như vậy đòi hỏi công nhân có kỹ năng công nghệ cao. Sản xuất thiết bị được này sẽ là một thắng lợi cho Việt Nam trong tiến trình nâng cấp lĩnh vực sản xuất hàng công nghệ.
Apple gần đây đã tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam sau khi thành phố Thượng Hải của Trung Quốc bị phong tỏa để ngăn COVID gây ra sự gián đoạn trầm trọng trong chuỗi cung ứng. Apple cũng đang đàm phán với các nhà cung cấp để xây dựng dây chuyền sản xuất thử nghiệm cho sản phẩm loa thông minh HomePod tại Việt Nam.
Đối với máy tính MacBook, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp thiết lập dây chuyền sản xuất thử nghiệm tại Việt Nam nhưng việc chuyển sản xuất hàng loạt sang nước này diễn ra chậm chạp, một phần do sự gián đoạn liên quan đến đại dịch, một phần do việc sản xuất máy tính xách tay có chuỗi cung ứng lớn hơn. Chuỗi cung ứng linh kiện đó hiện tập trung tại Trung Quốc và có chi phí rất cạnh tranh.
Apple đã bắt đầu chuyển việc sản xuất tai nghe AirPods sang Việt Nam vào năm 2020, sau khi cuộc thương chiến giữa Washington và Bắc Kinh nổ ra dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là sản phẩm đầu tiên của Apple chuyển ra khỏi Trung Quốc, nơi Apple đã xây dựng cơ sở sản xuất trong nhiều thập niên và sản xuất hầu hết sản phẩm của mình.
Đối với Việt Nam, sự thay đổi của Apple – và căng thẳng Mỹ-Trung nói chung – là một lợi ích. Theo phân tích của Nikkei Asia, số lượng nhà cung cấp linh kiện cho Apple có cơ sở tại Việt Nam đã tăng lên 22 cơ sở, từ 14 cơ sở vào năm 2018. Nhiều nhà sản xuất điện tử lớn khác như Google, Dell và Amazon cũng đã thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam để đa dạng hóa ngoài Trung Quốc nhằm đạt được sự cân bằng trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gia tăng.
Nguy cơ chiến tranh Mỹ – Trung khiến giới doanh nhân quốc tế cân nhắc rời Trung Quốc
Trong bối cảnh mới đây Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động các cuộc tập trận chưa có tiền lệ xung quanh Đài Loan, nhiều công ty đa quốc gia tại Trung Quốc đang lên kế hoạch dự phòng để đối phó với khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 4/8/2022, ĐCSTQ đã bắn thử nghiệm 11 tên lửa xung quanh eo biển Đài Loan, 5 trong số đó rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản (CSIS).
Tờ Financial Times ngày 17/8 đưa tin, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở nhiều nước như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… “đã tăng cường kế hoạch”, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tin khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan đang gia tăng chứ không còn là rủi ro “thiên nga Đen” với xác suất nhỏ.
Gần đây, ĐCSTQ đã phát hành Sách Trắng thứ ba về chính sách Đài Loan sau các phiên bản trước đó vào năm 1993 và 2000, theo đó phiên bản mới này đã xóa bỏ “hai cam kết” trước đó là “không có quân nhân và nhân viên hành chính đồn trú tại Đài Loan” và “giải quyết vấn đề Đài Loan xuyên eo biển thông qua đàm phán”. Có bình luận rằng những động thái mới là bước đệm để ĐCSTQ từ bỏ chính sách đàm phán hòa bình, qua đó lựa chọn duy nhất còn lại là “thống nhất”.
Chủ tịch Jörg Wuttke của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc (EU Chamber of Commerce in China) nói rằng nhiều công ty tại Trung Quốc đang cân nhắc về các khả năng biến động có thể và cách đối phó. Ông chia sẻ: “Nên làm gì trong trường hợp xảy ra chiến tranh? Có nên đóng cửa hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc? Nếu duy trì hoạt động kinh doanh thì làm sao vượt qua những bất ổn có thể xảy ra?”; “Hòn đảo nhỏ (Đài Loan) đang bất ổn (dưới đe dọa từ ĐCSTQ). Trong tình trạng này, nhiều trụ sở chính của các tập đoàn quốc tế đang tính toán khả năng đó sẽ là một Ukraina thứ hai”.
Trước căng thẳng leo thang trầm trọng ở eo biển Đài Loan trong tháng này, các công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Trung Quốc cũng phải đối mặt với rủi ro ngày càng tăng do áp lực từ Mỹ và các đồng minh, vì vậy tất cả đang tìm cách chuyển trọng tâm từ thị trường Trung Quốc sang các nước khác.
Tờ Financial Times đưa tin, dù lãnh đạo doanh nghiệp nhiều nước chia sẻ rằng không có xu thế di cư lớn nào của các công ty nước ngoài, tuy nhiên một số công ty Mỹ đang xem xét chuyển một số hoạt động của họ ra khỏi Trung Quốc Đại Lục.
Chuyên gia Eric Zheng thuộc Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết, đối với nhiều nhà sản xuất Mỹ có chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc khủng hoảng Đài Loan đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đang không ngừng xấu đi, gây một số tác động “đáng kể” như thuế quan thương mại, buộc họ phải nghiêm túc xem xét việc thiết lập các nhà máy ở các nước khác.
Hôm thứ Ba, hãng tin Nhật Bản Nikkei dẫn nguồn tin cho biết các nhà cung cấp Trung Quốc của Apple như Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch và máy tính xách tay ở đâu đó tại miền Bắc Việt Nam.
Eric Zheng nói rằng “ý tưởng phổ biến của giới kinh doanh hiện nay là ‘Trung Quốc + 1’ hoặc thậm chí là ‘Trung Quốc + 2’, tức là Trung Quốc vẫn sẽ là chính nhưng cần có một quốc gia Đông Nam Á thay thế, đề phòng (chiến tranh)”.
Luật sư James Zimmerman tại văn phòng Bắc Kinh của Công ty Luật Perkins chỉ ra rằng vấn đề các công ty đa quốc gia có giảm quy mô hoạt động ở Trung Quốc Đại Lục hay không phụ thuộc vào Đại hội 20 của ĐCSTQ, nếu ông Tập Cận Bình tái đắc cử và tiếp tục chống dịch kiểu ‘Zero-COVID’ cũng như không thay đổi các chính sách như đàn áp nhân quyền và bạo lực đối với eo biển Đài Loan thì có thể đẩy nhanh dòng chảy của các doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc.
Zimmerman nói: “Nếu không có sự thay đổi nào về chính sách – khả năng này là cao – thì có thể thấy sự thay đổi trong giới doanh nhân hướng tới một quốc gia thân thiện hơn”.
Do hệ thống kiểm duyệt nghiêm ngặt của ĐCSTQ và chính sách ‘Zero-COVID’, nhiều công ty quốc tế đang rút hoặc chuyển một số dây chuyền sản xuất ra khỏi thị trường Trung Quốc. Ví dụ vào đầu tháng Sáu, trang web Amazon của Mỹ cho biết họ sẽ ngừng dịch vụ cửa hàng sách điện tử Kindle ở Trung Quốc, trong khi công ty cho thuê nhà trọ của Mỹ Airbnb thông báo vào cuối tháng Năm rằng họ có kế hoạch đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Tháng Mười năm ngoái, LinkedIn, mạng xã hội duy nhất của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, đã rút khỏi Trung Quốc.
Từ Giản, Epoch Times
Nhập khẩu thuốc từ Hoa Kỳ tăng mạnh
18/8/2022
Một cảng biển ở Việt Nam.
Hoa Kỳ đã vượt qua Pháp, trở thành thị trường nhập khẩu thuốc lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.
Trang tin Hải quan Online dẫn số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết rằng trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 1,93 tỷ USD nhập khẩu dược phẩm, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, tin cho hay, cũng 7 tháng đầu năm, Việt Nam chi gần 254 triệu USD nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2021.
Theo trang tin của Tổng cục Hải quan, Hoa Kỳ đạt 242,6 triệu USD, tăng 173,2% so với cùng kỳ năm ngoái, và đã giúp Hoa Kỳ “soán ngôi” của Pháp để trở thành thị trường nhập khẩu thuốc số 1 của Việt Nam trong 7 tháng qua.
Theo Hải quan Online, thị trường Pháp đứng thứ hai với 222,5 triệu USD, giảm 18,5 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, tin cho hay, còn 4 thị trường khác đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên gồm: Đức đạt 214,15; Bỉ gần 155 triệu USD; Ấn Độ đạt 147,27 triệu USD; Hàn Quốc 135,1 triệu USD.
Trang tin của Tổng cục Hải quan nói rằng cả 4 thị trường lớn này “đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái”.
Bên cạnh Hàn Quốc, tin cho hay, các thị trường lớn khác ở châu Á còn có Thái Lan đạt 51,2 triệu USD; Nhật Bản đạt 49,77 triệu USD; Trung Quốc đạt 41,22 triệu USD.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin hồi tháng Sáu, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá ước đạt 55,9 tỉ đô la sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022, duy trì vị trí của Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của quốc gia ở Đông Nam Á, theo số liệu do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố hôm 29/6.
Theo tìm hiểu của VOA, trong 20 năm nay, Mỹ luôn là thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu ngày càng tăng lên của Việt Nam.
Gần đây nhất, Việt Nam xuất sang Mỹ hơn 96 tỉ đô la vào năm ngoái, hưởng xuất siêu hơn 81 tỉ đô la. Trước đó, trong hai năm 2020 và 2019, Việt Nam xuất sang Mỹ lần lượt là hơn 77 tỉ và hơn 61 tỉ đô la, với các mức xuất siêu lần lượt là hơn 63 tỉ và gần 47 tỉ đô la.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét