Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi bao trùm cuộc họp ASEAN

AFP 

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi rời Đài Loan ngày 3/8/2022.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi rời Đài Loan ngày 3/8/2022. 

Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á ngày 3/8 tìm cách xoa dịu cơn bão ngoại giao về Đài Loan tại cuộc họp ASEAN sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan khiến Trung Quốc phẫn nộ.

Chuyến thăm đầy kịch tính của bà Pelosi đến thủ đô Đài Bắc của Đài Loan, bất chấp đe dọa trả đũa của Bắc Kinh, dường như bao phủ cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Phnom Penh, vốn dự kiến sẽ bàn cách ngăn chặn cuộc khủng hoảng đẫm máu ở Myanmar.

Thay vào đó, sự chú ý sẽ tập trung vào Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, cả hai đều đang bay tới thủ đô Campuchia để tham dự các cuộc đàm phán an ninh khu vực với khối 10 nước thành viên vào ngày 4 và 5/8.


Phát ngôn viên ASEAN Kung Phoak, cũng là Thứ trưởng Ngoại giao Campuchia, tuyên bố cuộc họp lần này sẽ tìm cách xoa dịu tình hình.

Ông nói với các phóng viên rằng các Ngoại trưởng sẽ cố gắng tìm cách để ASEAN có thể giúp “để tình hình ở Đài Loan sẽ ổn định, không dẫn đến xung đột và không làm leo thang sức nóng chính trị giữa tất cả các bên liên quan.”

Vào tối ngày 2/8, Trung Quốc tuyên bố sẽ có “hành động quân sự có mục tiêu” đáp lại việc bà Pelosi đến thăm hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ của họ.

ASEAN bị chia rẽ giữa các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, chẳng hạn như Myanmar, Campuchia và Lào, và những quốc gia khác cảnh giác hơn với Bắc Kinh và sự quyết đoán quốc tế ngày càng tăng của nước này.

Nhưng không thành viên ASEAN nào chính thức công nhận Đài Loan và không rõ khối này có thể làm gì để xoa dịu cuộc khủng hoảng giữa hai siêu cường.

Cảnh báo về các vụ xử tử tại Myanmar

Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người khai mạc cuộc họp với tư cách là chủ tịch ASEAN, lên án Myanmar vì xử tử 4 tù nhân - bao gồm một cựu nghị sĩ từ đảng Liên đoàn Toàn quốc vì Dân chủ của bà Aung Sang Suu Kyi và một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng - vào cuối tháng 7 bất chấp sự phản đối rộng rãi của quốc tế yêu cầu khoan hồng cho họ.

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn dữ dội khi quân đội nắm quyền vào năm ngoái, lật đổ chính phủ dân sự của khôi nguyên giải Nobel Hòa bình Aung Sang Suu Kyi. Số người chết từ cuộc đàn áp của quân đội đã vượt qua 2.100 người, theo các nhà giám sát địa phương.

ASEAN, từ lâu bị chế giễu như một tổ chức nói suông, giúp che đậy chính trị cho các chế độ đàn áp, cho đến nay đã dẫn đầu những nỗ lực không có kết quả để khôi phục hòa bình tại Myanmar và lên tiếng bày tỏ phẫn nộ về việc chính quyền quân sự tại đây xử tử các nhà hoạt động.

Ông Hun Sen nói khối “thất vọng và lo lắng” trước các vụ xử tử và cảnh báo rằng việc sử dụng thêm hình phạt tử hình sẽ khiến ASEAN “suy nghĩ lại” về kế hoạch hòa bình 5 điểm đã thống nhất với Myanmar vào năm ngoái.

Kế hoạch đó kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực và đối thoại giữa quân đội và những người phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2/2021.

Nhưng các Bộ trưởng Ngoại giao tại cuộc họp này dự kiến sẽ than phiền về sự thiếu tiến bộ tại Myanmar, và Malaysia cho biết họ sẽ đưa ra một khuôn khổ để thực hiện kế hoạch hoà bình.

Bản thân Myanmar cũng không có đại diện tham dự cuộc họp sau khi các thành viên ASEAN nói họ sẽ không chấp nhận một bộ trưởng của chính quyền quân sự Myanmar và các tướng lĩnh Myanmar từ chối cử một quan chức khác thay thế.

Trong một thái độ lạnh nhạt rõ rệt, một vị trí đã được dành cho phái đoàn Myanmar tại bàn đàm phán với cờ nước này và một chiếc ghế trống.

Một số thành viên, dẫn đầu là Malaysia và Philippines, đang thúc đẩy chính quyền quân sự Myanmar chớ cử các bộ trưởng tham dự bất kỳ cuộc họp nào của ASEAN - bao gồm cả hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 - cho đến khi có tiến bộ về kế hoạch 5 điểm.

Biển Đông

Ngoài Đài Loan, căng thẳng Biển Đông đang diễn ra sẽ là một vấn đề nóng khác trong chương trình nghị sự của nhóm.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại hầu hết vùng biển này.

Campuchia - đồng minh chủ chốt của Bắc Kinh – nước tổ chức ASEAN lần cuối vào năm 2012 và bị cáo buộc đứng về phía Trung Quốc dẫn đến không có thông cáo chung nào được đưa ra.

Ngoài Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc, cuộc họp tại Campuchia còn có sự tham dự của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov - người đã đến Myanmar để đàm phán với quân đội nước này trước khi tới Campuchia tham dự cuộc họp. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu Josep Borrell sẽ tham dự các cuộc họp với những người đồng cấp Đông Nam Á vào cuối tuần này.

Các bộ trưởng dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ việc Nga xâm lược Ukraine đến các vụ thử phi đạn của Triều Tiên và những lo ngại về an ninh khu vực.

https://www.voatiengviet.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét