Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Nguy cơ Lào vỡ nợ, Việt Nam lo


Ảnh minh họa tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, trong khuôn khổ dự án BRI, băng qua một cây cầu sông Dương Tử (Yuanjiang), tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh do Tân Hoa Xã đăng ngày 03/12/2021.

Ảnh minh họa tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, trong khuôn khổ dự án BRI, băng qua một cây cầu sông Dương Tử (Yuanjiang), tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh do Tân Hoa Xã đăng ngày 03/12/2021. AP - Wang Guansen


Trong chuyến công du từ ngày 24-29/07/2022, bộ trưởng Tài Chính Lào đã “đề nghị Việt Nam cử chuyên gia sang giúp Lào tháo gỡ khó khăn về tài chính, tiền tệ và cải cách doanh nghiệp”. Cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại Lào đang khiến Việt Nam lo lắng vào lúc trong năm 2022, hai nước kỉ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (05/09/1962) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/07/1977).

Lào đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất từ nhiều năm qua : Lạm phát tăng 23,6% trong tháng 6, mức tăng cao nhất từ 22 năm qua ; các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt đều tăng thêm ít nhất gần 70%. Trung Quốc là chủ nợ chính của Lào, chiếm gần một nửa khối nợ nước ngoài 14,5 tỉ đô la (chiếm 66% GDP), theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới vào tháng 04/2022.

Với nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường (BRI), Lào đang ngả theo Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam luôn cố gắng duy trì ảnh hưởng tại nước láng giềng vì những lý do kinh tế và địa chính trị. Trên đây là nhận định của nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, trường Đại học Boston (Boston College, Hoa Kỳ), khi trả lời RFI Tiếng Việt ngày 04/08/2022.

*******

RFI : Trang Facebook Thông tin Chính phủ Việt Nam ngày 26/07/2022 cho biết là bộ trưởng Tài Chính Lào, nhân chuyến công du Việt Nam, đã đề nghị Việt Nam cử chuyên gia sang giúp Lào tháo gỡ những khó khăn về tài chính, tiền tệ. Xin anh giải thích một chút về cuộc khủng hoảng mà Lào đang trải qua hiện nay. Cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào ?  

Vũ Xuân Khang : Theo tôi, cuộc khủng hoảng này có hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất là do những biến động về kinh tế và chính trị toàn cầu hiện nay, tức là do cuộc chiến ở Ukraina và việc Mỹ nâng lãi suất chỉ đạo rất lớn trong thời gian vừa rồi. Điều này đã khiến giá xăng dầu tăng lên trên toàn cầu. Đồng kip của Lào đã rớt giá rất nhiều, đặc biệt khi so sánh tháng 09/2021, 9.300 kip Lào đổi được một đô la Mỹ thì bây giờ là 15.000 kip Lào mới đổi được một đô la Mỹ. Chính việc đồng kip Lào bị rớt giá khiến cho khủng hoảng nợ công trầm trọng thêm rất nhiều bởi vì nước này nợ đô la, riêng với Trung Quốc là 6 tỉ đô la.

Nếu nhìn xa hơn, nguyên nhân thứ hai là do chính quyền Lào, trong những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2010 đến 2016, đã sử dụng và vay nợ rất nhiều từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc để xây dựng cơ sở vật chất trong nước. Dù vay rất nhiều, nhưng chính việc xử lý các khoản tiền và tham nhũng trong chính quyền Lào đã khiến những khoản nợ này không được tính toán cẩn thận và dẫn tới việc Lào có nguy cơ vỡ nợ.

Các chuyên gia quốc tế đánh giá rằng Lào phải trả nợ mỗi năm 1,3 tỉ đô la Mỹ, từ giờ cho đến năm 2025, trong khi dự trữ ngoại hối của nước này chỉ còn hơn 1,2 tỉ đô la. Do đó, có thể thấy rằng việc Lào vỡ nợ chỉ còn là vấn đề thời gian nếu nước này không có những cải thiện về kinh tế hoặc xin Trung Quốc gia hạn gói nợ hoặc có những biện pháp giảm thiểu tham nhũng, cũng như quản lý những khoản vay nợ một cách hợp lý.

Chính cuộc khủng hoảng này ở Lào ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Cần phải nói rằng Lào cũng là một nước nằm dưới sự lãnh đạo của một đảng Cộng sản. Việt Nam thì không muốn "đồng chí" của mình gặp khó khăn kinh tế vì những khó khăn kinh tế này có thể gây ảnh hưởng về sự ổn định chính trị-kinh tế của Lào. Gần đây những nhà nghiên cứu về Lào đã quan tâm xem thái độ của người dân đối với chính quyền Lào như thế nào. Họ nhận thấy rằng cuộc khủng hoảng lần này đã tạo ra rất nhiều phẫn nộ trong công chúng Lào khi mà nhiều người dân không còn che giấu sự bất mãn đối với chính quyền, họ thẳng tay lên mạng phê phán chính quyền.

RFI : Tại sao Lào cần đến sự hỗ trợ của Việt Nam ? Thông qua việc này, Hà Nội có lấy lại được phần nào ảnh hưởng tại nước láng giềng không, trong khi Vientiane dường như ngả theo Trung Quốc trong những năm gần đây trong khuôn khổ Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường (BRI) ? 

Vũ Xuân Khang : Việc Lào cần đến sự hỗ trợ của Việt Nam chính là một điều rất bình thường. Tại vì trước đây, sau khi chính quyền Pathet Lào giành được chính quyền đất nước sau năm 1975, Việt Nam đã luôn luôn là một đồng minh rất thân cận, kể cả về kinh tế, chính trị cho Lào. Khủng hoảng lần này, nhờ cậy đến sự giúp đỡ của Việt Nam như là một thói quen đối với đất nước Lào. Chắc chắn rằng Việt Nam cũng mong muốn Lào không bị lung lay, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ Cộng sản. Lào cũng hiểu rất rõ điều này. Chính vì vậy Lào biết là Việt Nam luôn chống lưng cho Lào.

Tuy nhiên, có một điều cần phải nói rõ, đấy là khả năng của Việt Nam giúp đỡ Lào không phải là nhiều. Nếu nhìn vào cân bằng kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, có thể thấy rõ là Việt Nam hoàn toàn không có cơ hội để có thể thực sự cạnh tranh sòng phẳng với Trung Quốc về mặt kinh tế. Việt Nam cũng hiểu rõ rằng những đồng tiền của Việt Nam hỗ trợ Lào, nhưng nếu nước bạn láng giềng không giải quyết được vấn đề tham nhũng và kiểm soát các nguồn tiền từ nước ngoài một cách hiệu quả, cho dù Việt Nam có ủng hộ Lào bao nhiêu tiền đi chăng nữa thì những đồng tiền đấy cũng sẽ chưa chắc giúp Lào vượt qua được khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Một điều nữa cần phải xem xét kỹ hơn, đó là chính Trung Quốc mới là chủ nợ của Lào. Việt Nam, suy cho cùng mặc dù là đồng minh thì cũng chỉ là một nước có thể hỗ trợ Lào, chứ không phải là người nắm chìa khóa để giải quyết được vấn đề kinh tế cho Lào 100%. Những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng tại Lào với Sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường thì việc sớm hay muộn Trung Quốc có thể khiến Lào phụ thuộc nhiều hơn về kinh tế là một điều mà Việt Nam không thể nào mà có thể ngăn chặn được.

Theo tôi nghĩ, Việt Nam có thể trợ giúp Lào về mặt kinh tế nhưng sự trợ giúp đó có thể giúp Lào tiếp tục trở thành đồng minh thân cận của Việt Nam hay không thì việc đó còn chưa rõ, tại vì phụ thuộc rất nhiều vào việc Trung Quốc có sẵn lòng hỗ trợ Lào hay không. Nếu Trung Quốc hỗ trợ Lào, chắc chắn là Việt Nam sẽ không có khả năng để cạnh tranh với Trung Quốc ở Lào về mặt kinh tế.

RFI : Tuy nhiên, Việt Nam có sẵn sàng cạnh tranh ảnh hưởng đến cùng với Trung Quốc ở Lào không ?  

Vũ Xuân Khang : Theo tôi nghĩ, thực ra Việt Nam không có lựa chọn nào khác cả. Nguyên nhân thứ nhất, đó là địa-chính trị Việt Nam không cho phép Lào hay Cam Bốt thuộc về Trung Quốc.

Có thể thấy là ở Việt Nam, phần miền Trung rất hẹp và Lào đã nằm sát biên giới với miền trung của Việt Nam. Chỉ cần Lào thuộc về một nước nào khác, đặc biệt như là Trung Quốc, nếu có chiến tranh xảy ra thì Việt Nam hoàn toàn có thể bị tấn công từ mạn sườn và có thể bị chia cắt đất nước ra làm hai như thời Chiến tranh Việt Nam. Chính y thế, dù không có chút khả năng nào để cạnh tranh với Trung Quốc về kinh tế nhưng Việt Nam không cho phép là Lào có thể ngả theo phía Trung Quốc. Do đó, mặc dù biết là về lâu về dài, ảnh hưởng của Việt Nam tại Lào có thể sẽ suy yếu nhưng mà Việt Nam bắt buộc vẫn sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc. Đặc biệt nhìn trong 2 năm gần đây, Việt Nam đã tặng Lào một nhà Quốc Hội rất mới, hơn 100 triệu đô la Mỹ và đã giúp Lào xây dựng một số tuyến đường để nối từ Lào đến cảng Vũng Áng hay nối từ Vientiane với thủ đô Hà Nội.

Nhưng những sự trợ giúp về kinh tế này cũng chỉ thể hiện là Hà Nội vẫn mong muốn Lào tiếp tục là một đồng minh thân cận của Việt Nam. Nhưng về lâu về dài, có thể thấy những sự trợ giúp này hoàn toàn không thể nào cạnh tranh được với ảnh hưởng kinh tế đang lên của Trung Quốc tại Lào.

RFI : Năm 2022, hai nước kỉ niệm 60 năm thiệt lập quan hệ ngoại giao, truyền thông Việt Nam vẫn nói là “an ninh của Lào là an ninh của Việt Nam”. Xin anh giải thích mối quan hệ hợp tác đặc biệt về mặt quốc phòng giữa hai nước ?  

Vũ Xuân Khang : Theo tôi nhận thấy, quan hệ Việt Nam với Lào về căn bản là để bảo vệ an ninh cho Việt Nam, như câu mà chính phủ Việt Nam hay nói là “an ninh của bạn cũng là an ninh của mình” hay là “an ninh của Lào cũng là an ninh của Việt Nam”. Điều này thể hiện Việt Nam mong muốn không có một quốc gia nào có thể sử dụng Lào làm bàn đạp tấn công Việt Nam.

Nếu nhìn rộng hơn, thực ra từ thời Chiến tranh Việt Nam, chính quyền Hà Nội đã trực tiếp cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Lào rồi. Và Việt Nam cũng đã hỗ trợ chính quyền Pathet Lào rất nhiều trong thời gian chống lại chính quyền Vương quốc Lào với mục tiêu cuối cùng là để sử dụng được Lào như là một phần của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính quan hệ thân mật về quốc phòng từ trước năm 1975 này đã tạo tiền đề để hai nước ký Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác năm 1977, qua đó Việt Nam có thể giúp Lào trở thành một đồng minh thân cận và trực tiếp bảo vệ Lào khỏi những cuộc tấn công của Trung Quốc.

Cần lưu ý rằng vào năm 1979, khi Trung Quốc tấn công biên giới của Việt Nam vào tháng 2 thì Trung Quốc cũng đã tấn công biên giới của Lào. Mặc dù Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi vừa phải tấn công Khmer Đỏ ở Cam Bốt, vừa phải phòng thủ Trung Quốc ở biên giới phía bắc, Việt Nam vẫn sẵn lòng gửi hơn 40.000 quân bảo vệ Lào khỏi sự đe dọa từ các phần tử chống Cộng sản ở trong nước và Trung Quốc.

Chính sự hợp tác về quốc phòng lâu năm này đã tạo ra một sự tin cậy chính trị rất vững chắc với nhau. Và cần phải lưu ý rằng Việt Nam bảo vệ Lào, không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Nhà nước Lào mà còn bảo vệ cho sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Lào khi mà đảng Cộng sản Việt Nam và đảng Cách mạng Nhân dân Lào là hai đảng anh em đã có truyền thống lâu đời để hỗ trợ lẫn nhau.

Chính tầm quan trọng về địa-chính trị của Lào đối với Việt Nam khiến Việt Nam ưu tiên Lào là nước đồng minh duy nhất mà Việt Nam ký hiệp định. Mặc dù chính quyền Hà Nội đã nói rất nhiều lần là Việt Nam hoàn toàn không muốn tham gia liên minh nào hoặc là dùng lãnh thổ của nước này để tấn công chống lại nước khác, nhưng mà trong trường hợp của Lào, có thể thấy là Việt Nam đã hoàn toàn tạo ra một ngoại lệ cho chính sách “4 Không” của Việt Nam.

Và cần phải nói rõ hơn là so với Biển Đông thì Lào quan trọng hơn những đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa tại vì, mặc dù Hoàng Sa và Trường Sa có thể quan trọng với Việt Nam nhưng hai quần đảo này hoàn toàn không có ảnh hưởng đối với sự tồn vong của đất nước. Trái với Lào, đất nước này hoàn toàn có thể quyết định đến vận mệnh tồn tại của Việt Nam trong tương lai. Điều này có thể thấy là Việt Nam sẵn sàng ưu tiên Lào là một đồng minh quân sự và sẵn sàng ủng hộ Lào bằng tất cả những gì ở Việt Nam có thể ủng hộ.

RFI Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, Đại học Boston (Boston College), Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét