Quê Hương tổng hợp
Tấm lòng người miền Nam với ký ức VNCH vẫn âm ỉ sục sôi
Phương Quý/SGN
14/02/2023
Ngôi miếu vừa được dựng lại ngày 11 Tháng Hai 2023.
Ngay sau khi có tin ngôi miếu nhỏ thờ các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa trên đồi Charlie bị phá hỏng, rồi đến ngày 11 Tháng Hai được người của chính quyền huyện Sa Thầy, Kontum đến kiểm tra và cho dựng lại, số người đi đến đồi Charlie để viếng tăng đột ngột.
Bà chủ quán nước, đối diện với đường vào đồi Charlie cũng ngạc nhiên và nói số người đi lên đồi bằng xe máy nhiều đến bất thường. “Người đi viếng nhiều, thường là vào Tháng Tư, nhưng không hiểu sao từ đầu Tháng Hai, đã có rất nhiều nhóm đi viếng chỗ thờ ông Bảo”, bà nói.
Đường đi phức tạp. Mùa khô dẫn lên núi có nhiều đoạn cát trượt, ngoằn ngoèo, xe chạy không quen là dễ té và gây tai nạn. Nhiều khách đi viếng phải nhờ đến các thanh niên người Sedan, vốn vẫn lên núi làm rẫy, phát hoang cho chủ đất chở lên giùm. Dù những thanh niên sắc tộc thiểu số này chạy đã quen tay, thì lên đến nơi có miếu, cũng mất gần một tiếng rưỡi.
Thông tin từ phía các viên chức địa phương lên kiểm tra chỗ miếu bị hư hại, chỉ nói đơn giản là do xe chở keo đi qua, quẹt vào miếu thờ và làm gãy đổ. Theo giải thích là khi quẹt đổ, những người làm công có xếp các mảnh vỡ lại và đặt vào trong mé đất sâu. Tuy nhiên, thông tin này chỉ là truyền miệng, không có thông báo chính thức của huyện nên người quan tâm cũng còn vài thắc mắc là “xe keo” – xe chở cây keo hay xe chở các loại keo dán công nghiệp (?) – và vì sao chính quyền điều tra được chính xác như vậy, bởi đường lên các miếu thờ rất heo hút, khó đoán được điều gì xảy ra.
Chính quyền huyện Sa Thầy cho chở lên bốn miếng gạch lớn, cùng loại với miếu thờ đã có, và dựng lại. Dĩ nhiên, biểu tượng của Lữ đoàn Dù và tiêu ngữ Vị quốc vong thân trước đây không còn nữa. Tượng Phật Thích Ca đứng chung với Mẹ Quan Âm trên đồi, cạnh miếu thờ cũng bị lấy đi, chỉ còn lại một tượng.
Sự kiện miếu thờ bị đập phá đã làm dấy động sự quan tâm khắp nơi. Đặc biệt là ở Việt Nam, nhiều người lâu nay vẫn im lặng hay không bày tỏ chính kiến đã không kềm chế được, buông ra rất nhiều lời chỉ trích chính quyền hiện tại. Trên các trang Facebook cá nhân và diễn đàn khép kín, hàng ngàn biểu tượng ủng hộ bản tin xuất hiện cùng hàng trăm bình luận. Trong đó, có những người của thế hệ tiếp nối, năm nay mới chỉ chừng hơn 30-40 tuổi, nói họ đã khóc khi thấy cảnh ấy.
Cô Lina Phan, một người Úc gốc Việt về thăm quê, nhờ một người dân địa phương chở lên thắp hương, khi chứng kiến miếu không còn, mảnh vỡ xếp chồng một góc đã vừa đi nhặt lại, khóc và nói: “Ác quá, sao người chết rồi mà còn bị như vậy”. Bản video của cô quay lại cảnh tượng miếu đổ đã trở thành tin tức lan đi khắp nơi vào đầu Tháng Hai này.
“Nếu biểu tượng Dù hay chữ Vị Quốc Vong Thân không còn nữa, thì chẳng lẽ là người chết hoang, vô chủ?”, một người dùng Facebook bình luận. Ý tưởng này đã khiến một số nhóm người trẻ, thế hệ thứ ba của miền Nam VNCH bàn với nhau trên Facebook rằng họ sẽ sớm trở lại đó, mang theo hình ảnh và tiêu ngữ in sẵn và dán lại trong miếu thờ để mọi thứ được chính danh.
Trên đồi Charlie, nhà cầm quyền hiện nay cũng cho xây một nhà tưởng niệm rộng và quy mô, dành cho quân đội Bắc Việt, nhưng đìu hiu vì ít người viếng. Thỉnh thoảng các nhóm leo núi chọn ở đó làm chỗ cắm trại qua đêm vì bằng phẳng. Ấn tượng về những người lính VNCH ở đồi Charlie rất lớn, đến mức khi hỏi đường đến chỗ thờ ông Bảo, hầu như người dân địa phương nào – kể cả người sắc tộc thiểu số – đều biết. Điều lạ là nơi thờ không đề rõ tên Đại tá Nguyễn Đình Bảo bao giờ (nhiều người vẫn gọi là Trung tá Nguyễn Đình Bảo, tuy nhiên, sau trận Charlie anh dũng đó, lễ truy điệu đã phong Đại tá cho vị sĩ quan chỉ huy Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù được mệnh danh là Song Kiếm Trấn Ải).
Một người may mắn chứng kiến buổi dựng lại miếu, nghe một viên chức của huyện Sa Thầy nói “làm lại cho nhanh, chứ ngày nào cũng nghe điện thoại gọi hỏi miết mà phát mệt”. Sự quan tâm của người dân ở mọi nơi thật sự là một áp lực với những người cầm quyền địa phương.
Có sự kiện miếu đổ, mới thấy tấm lòng người dân miền Nam tự do dành cho chế độ VNCH vẫn luôn âm ỉ. Người dân luôn theo dõi, tìm đến và cùng nhau âm thầm bảo vệ những gì còn lại của nước Việt Nam tự do hôm qua. Chế độ đã mất, nhưng con người vẫn còn, và dường như truyền qua các thế hệ, niềm kiêu hãnh và gìn giữ các giá trị của Việt Nam Cộng Hòa, là điều vẫn được nuôi giữ.
Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lo lắng bị Mỹ cấm vận vì sử dụng nguyên liệu từ Tân Cương
14/02/2023
Các tấm pin năng lượng mặt trời ở Bình Thuận (minh họa) /AFP
Các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên liệu bị cáo buộc là do các lao động cưỡng bức ở Tân Cương (Trung Quốc), làm có thể phải đối mặt với những cấm vận từ Mỹ vào khi Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đến thăm Việt Nam vào tuần này.
Hãng tin Reuters vào ngày 14/2 có bài viết cho biết hiện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vẫn chưa cho biết liệu vấn đề này có nằm trong danh sách thảo luận giữa Đại diện Thương mại Mỹ và Chính phủ Việt Nam hay không.
Hồi tháng sáu năm ngoái, Đạo luật Chống Lao động Cưỡng bức người Uyghur của Mỹ đã bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, hơn 1,500 chuyến hàng vận chuyển hàng xuất khẩu vào Mỹ trị giá khoảng 500 triệu đô la đã phải ngưng lại, theo số liệu thống kê của Hải quan Hoa Kỳ.
Theo Reuters, các tấm pin năng lương mặt trời của Việt Nam hiện đang đặc biệt có nguy cơ ở thị trường Mỹ vì bị phụ thuộc rất nhiều vào vật liệu silicon đa tinh thể vốn được sản xuất chủ yếu ở Tân Cương. Việt Nam và một số các quốc gia Đông Nam Á khác hiện cung cấp khoảng 80% tấm pin năng lượng mặt trời tại Mỹ, trị giá khoảng 3,4 tỷ đô la vào năm 2020.
Ông Kheng Joo Ung – Giám đốc điều hành công ty First Solar Inc, một trong các nhà xuất xuất tấm phin năng lượng mặt trời hàng đầu vào Mỹ, nói với Reuters rằng hãng này không sử dụng vật liệu silicon đa tinh thể nhưng các công ty khác ở Việt Nam đã dùng vật liệu này. Tuy nhiên, ông này không cho biết tên cụ thể của các tên công ty này.
Ngoài First Solar, các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hàng đầu ở Việt Nam chủ yếu là các công ty Trung Quốc, theo thông tin từ hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira.
Ngoài ra, các công ty cung ứng vật liệu và dịch vụ khác của Trung Quốc trong các lĩnh vực như khuôn nhựa, đúc khuôn cũng đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam để cung cấp cho các nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Reuters trích dẫn nguồn từ hai chuyên gia giấu tên cho biết như vậy.
Hiện vẫn chưa có bằng chứng được công bố chính thức về việc các công ty Việt Nam sử dụng vật liệu silicon đa tinh thể.
Chính phủ Việt Nam hiện cũng chưa đưa ra bình luận gì với Reuters về thông tin này.
Nhiều giám đốc ra tòa vì giúp “chuyên gia dỏm” nhập cảnh trái phép
RFA
14/02/2023
Các bị cáo tại phiên tòa chiều 13/2.
CAND
Hai mươi bốn người Hàn Quốc và Việt Nam bị truy tố về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Tờ Công an nhân dân điện tử loan tin trên trong ngày 13/2 ngay khi Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng mở phiên xử sơ thẩm đường dây tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào VN dưới vỏ bọc “chuyên gia”.
Trong số 24 người bị truy tố có ba người bị truy tố về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Cơ quan công an xác định đây là đường dây tổ chức nhập cảnh trái phép cho các công dân Hàn Quốc do Lee Kwan Young (quốc tịch Hàn Quốc và là Phó chủ tịch Hội người Hàn miền Trung, giám đốc Công ty Eyelux) và Seo Young Jin giám đốc Công ty Mai KT chủ mưu, cầm đầu.
Cũng theo Công an, hai ông Young và Jin đã cùng hàng loạt Giám đốc các doanh nghiệp nhỏ do người Việt Nam đứng tên (không nêu cụ thể có bao nhiêu doanh nghiệp) đứng ra bảo lãnh cho hàng trăm người Hàn Quốc nhập cảnh dưới hình thức “chuyên gia” hoặc “nhà đầu tư” để thu lợi bất chính.
Những người tham gia giúp đường dây đưa người sang VN trái phép được trả công 200USD cho một trường hợp nhập cảnh. Phiên tòa đang diễn ra và dự kiến kéo dài trong ba ngày, từ 13 đến 15/2.
Tình trạng người nước ngoài trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc…nhập cảnh trái phép vào Việt Nam khá nhiều nhất là trong các năm 2020 đến 2022. Riêng trong năm 2022, Đà Nẵng đã khởi tố nhiều người trong đường dây đưa người nhập cảnh trái phép vào VN. Riêng trong vụ do Lee Kwan Young cầm đầu, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Đà Nẵng xác định Lee Kwan Young và các đồng phạm đã tổ chức cho khoảng 300 người Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.
Tàu Tuần duyên Nhật Bản thăm Đà Nẵng
12/02/2023
Minh họa: Một tàu Tuần duyên Nhật đang diễn tập tại Philippines /AP
Tàu Tuần duyên Settsu của Nhật Bản vào ngày 13/2 đến Đà Nẵng trong nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Hãng NHK loan tin trong cùng ngày. Đây là lần đầu tiên trong bốn năm một tàu Tuần duyên Nhật Bản đến thăm Việt Nam.
Theo kế hoạch khi có mặt tại Đà Nẵng, tàu Tuần duyên Settsu sẽ có cuộc diễn tập với Cảnh sát Biển Việt Nam vào ngày thứ Bảy 18/2 tới đây.
Thông cáo của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nêu rõ chuyến thăm của Tàu Tuần duyên Settsu diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Tàu Tuần duyên Settsu là chiếc thứ sáu thuộc lớp Tsugaru do Công ty Uraga đóng vào đầu thập niên 1980. Tàu Settsu đi vào hoạt động từ tháng 9/1984. Trọng tải tối đa của tàu hơn 4.000 tấn, thủy thủ đoàn có 69 người.
Vào tháng 7/2019, Tàu huấn luyện Kojima của Lực lượng Bảo vệ Bờ Biển Nhật Bản cập cảng Đà Nẵng thực hiện chuyến thăm xã giao trong bốn ngày.
Đó là lần thăm thứ tư của tàu Kojima đến Đà Nẵng kể từ năm 2013.
Trước đó vào tháng 3/2019, hai tàu huấn luyện Setoyuki và Shimayuki cũng có chuyến thăm Đà Nẵng trong bốn ngày.
Bảo hiểm nhân thọ liên kết với nhà băng, ép người vay tiền
An Vui / SGN
13 tháng 2, 2023
Khách hàng tụ tập trước ngân hàng SCB đòi trả lại tiền gửi ngân hàng bị dụ thành mua bảo hiểm nhân thọ – Ảnh: Công An Nhân Dân
Hiện nay, dân Sài Gòn đến ngân hàng gửi tiền thường bị nhân viên “dụ” mua bảo hiểm nhân thọ.
Gần như 100% nhà băng ở Việt Nam hiện nay đều buộc nhân viên bán thêm bảo hiểm nhân thọ. Bài điều tra hôm 13 Tháng Hai 2023 của Tuổi Trẻ tiến hành trong 6 tháng, khi cho phóng viên đi cùng khách hàng…. đã hé lộ nhiều góc khuất của nhà băng Việt Nam. Bất chấp lệnh cấm nhà băng ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ từ ngân hàng nhà nước, khi khó “dụ” người gửi tiền, nhà băng và công ty bảo hiểm quay qua ép người vay tiền.
Vài trường hợp cụ thể của khách hàng đi vay bị nhà băng ép mua bảo hiểm nhân thọ của khách hàng đã được ghi nhận. Đó là trường hợp của vợ chồng bà Hoa khi vay 750 triệu đồng ($31,772) ở ngân hàng Quân Đội (MB Bank) chi nhánh Hà Nam. Mặc dù đã thế chấp mảnh đất, nhưng để được giải ngân nhanh, họ phải mua bảo hiểm nhân thọ có mức phí 15 triệu đồng/năm ($635) của công ty MB Ageas. Vì trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có điều khoản người mua có 21 ngày cân nhắc để hủy hợp đồng, bà Hoa đến hủy hợp đồng trong khoảng thời gian đó, nhưng ngân hàng ra điều kiện: Nếu hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì phải trả hết nợ ngay trong một lần, với lý do khoản vay của ông bà ưu tiên được giải ngân sớm vì đã tham gia sản phẩm bổ trợ của ngân hàng. Có nghĩa là nếu không mua bảo hiểm nhân thọ, khoản vay sẽ được giải ngân vài ngày hoặc…. sang năm!
Kể cả khi đã hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, khách hàng cũng không được yên. Đó là trường hợp của bà Linh khi vay tiền ở Ngân hàng Công Thương (Vietinbank TP. Biên Hòa, Đồng Nai), với điều kiện mua gói bảo hiểm nhân thọ Manulife phí 40 triệu đồng/năm ($1,694) mới giảm lãi suất vay và được giải ngân nhanh. Khi bà Linh hủy gói bảo hiểm nhân thọ, Vietinbank ra điều kiện: phải chọn “cái khác thay thế” như sản phẩm tiền gửi kỳ hạn, hoặc sản phẩm tài trợ thương mại, hoặc tài khoản số đẹp… Nếu khách hàng hủy bảo hiểm nhân thọ và không chọn “cái khác thay thế” thì lãi suất từ 9.5%/năm sẽ tăng lên 11.5%/năm, rõ là “bán bia kèm đậu phộng”!
Bà Giang buộc phải cầm trên tay hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Prudential khi vay tiền của ngân hàng VIB – Ảnh: Tuổi Trẻ
Một trường hợp khác là bà Giang. Tháng Hai 2022, bà đến ngân hàng VIB vay 2.7 tỷ đồng ($114,382), ngân hàng đề nghị muốn giải ngân khoản vay phải mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Prudential khoảng 30 triệu đồng/năm ($1,270). Tuy nhiên, lúc thủ tục giải ngân sắp hoàn tất, bà lại nhận đề nghị phải mua gói bảo hiểm hơn 150 triệu đồng/năm ($6,354) mới “phù hợp” với khoản vay. Sợ không vay được sẽ mất tiền cọc mua đất, nên bà buộc phải đồng ý. Sau đó, trong thời hạn 21 ngày cân nhắc, bà Giang đòi hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhưng sau ba lần gửi đơn khiếu nại, gần 7 tháng chờ đợi, bà Giang vẫn chưa được Prudential hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ!
Trong số gần 100 bình luận dưới bài viết, bạn đọc Người Sài Gòn kể: “Tôi vay mua căn hộ, sau khi đã đặt cọc mới gặp cán bộ ngân hàng, lúc đó mới biết phải thực hiện thêm các giao dịch: Mua bảo hiểm nhân thọ, mở thẻ tín dụng, tài khoản số đẹp và đóng bảo hiểm phòng chống cháy nổ thì mới được vay. Bây giờ đã đặt cọc, nếu hủy hợp đồng sẽ bị công ty bất động sản phạt rất nặng và thời gian hoàn trả tiền cũng rất lâu nên tôi phải chấp nhận cho dù tôi không có nhu cầu về bất kỳ khoản nào!”. Ngọc Thắm uất ức: “Ngân hàng nhà nước phải nghiêm túc can thiệp sự việc này chứ đừng nói chay nữa. Người vay đã quá khổ rồi. Gia đình tôi vay ngân hàng phải mua 31 triệu đồng/hợp đồng bảo hiểm; sau lãi suất cao quá, đáo hạn qua vay ngân hàng khác bắt mua hợp đồng 35 triệu đồng/năm. Trong khi trước đó, tôi cũng đã tự mua cho mình một hợp đồng 24 triệu đồng/năm. Tổng một năm nhà tôi phải đóng gần 100 triệu đồng tiền bảo hiểm/năm, trả vay hơn 60 triệu đồng/tháng. Làm ăn thế các anh ngân hàng quá ác!!!!”.
Khương Võ lên án: “Lợi nhuận gần đây của các ngân hàng, đặc biệt thương mại cổ phần luôn tăng khủng khiếp, năm rồi có một số đạt lợi nhuận cả tỷ đô la. Cần phải nhìn lại chính sách điều hành, đặc biệt trách nhiệm cá nhân của Thống đốc ngân hàng nhà nước có sự ưu ái cho họ không? Doanh nghiệp, người dân than trời về lãi suất cho vay, vấn đề “ép” mua bảo hiểm nhân thọ tại ngân hàng … trong khi ngân hàng nhà nước lời nói có vẻ không đi đôi với hành động, cứ thử vào cuộc thanh tra, gặp trực tiếp khách hàng vay xem đúng không?”.
Nguyễn Văn Thế thẳng thắn: “Cần gì phải lằng nhằng nhỉ, đây là LỢI ÍCH NHÓM 100% RÕ NHƯ BAN NGÀY, HOẶC ĐUI CŨNG THẤY MỜ MỜ, thế nên cần cấm 100% không cho ngân hàng bán bất cứ một loại bảo hiểm nào ngoại trừ bảo hiểm cho tài sản đang thế chấp thế là xong”.
“Lợi ích nhóm” là cụm chữ xuất hiện nhiều trong những năm gần đây ở Việt Nam, đầu tiên ám chỉ một nhóm công ty liên kết cùng quan chức để lấy đất của dân làm dự án với phí bồi thường thấp, giờ thì ngành nghề nào cũng có “lợi ích nhóm”, với sự bao che ngầm của nhà cầm quyền (có luật cũng như không), minh họa rõ nhất là cảnh các nhà băng cùng liên kết với công ty bảo hiểm nhân thọ để chèn ép khách hàng vay tiền như trên.
Hết thời tuyển đại lý gọi điện thoại quấy rầy khách hàng, giờ các công ty bảo hiểm nhân thọ đã có chỗ dựa vững chắc là các nhà băng rồi!
Bạc Liêu: Bệnh viện xây 200 tỷ tiếp tục ‘treo’ vì thanh tra chưa xong
Lê Thiệt /SGN
13/02/2023
Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu – Ảnh: Huỳnh Hải/Dân Trí
Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu (nằm trên địa bàn xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu) có diện tích hơn 10,000 m2, có quy mô 100 giường bệnh, với kinh phí khoảng 200 tỷ đồng, do Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư.
Từ khi hoàn thành đến cuối năm ngoái đã gần một năm, nhưng bệnh viện vẫn chưa thể tiếp nhận bệnh nhân.
Vào đầu năm 2022, bác sĩ bác sĩ Trần Văn Khánh – Giám đốc Bệnh viện – cho biết, bệnh viện đã nhiều lần báo cáo lên Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công trình, trang thiết bị, những vướng mắc, tồn tại và kiến nghị lãnh đạo xem xét xử lý.
Đầu Tháng Mười Hai năm 2022, lãnh đạo Thanh tra tỉnh Bạc Liêu quyết định thanh tra đột xuất về những dự án mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu.
Hiện nay, bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu chỉ mới hoạt động Khoa khám bệnh và nhận khám, điều trị bệnh ngoại trú.
Kết quả bước đầu của cuộc thanh tra này cho thấy tại đây có những vướng mắc về mua sắm trang thiết bị, như quá trình vận hành một số trang thiết bị bị lỗi; thiết bị không bảo đảm cấu hình theo hợp đồng dẫn đến không thể bàn giao; xe cứu thương bàn giao không đúng thiết kế ban đầu;…
Sáng 13 Tháng Hai, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu cho biết do vụ việc phức tạp hơn đánh giá ban đầu nên tiếp tục gia hạn thời gian thanh tra tại bệnh viện này thêm 45 ngày nữa.
Họ không nói chi tiết, nhưng người dân Bạc Liêu nhận ra có một cơn sóng ngầm đấu đá rất căng thẳng giữa phe Thanh tra và phe Sở Y tế tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã yêu cầu Thanh tra tỉnh nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ.
Chưa thấy Bộ Y tế lên tiếng về công trình tai tiếng này.
Phủ nhận triều đại nhà Nguyễn nhưng lại quan tâm đến cổ vật của vua triều Nguyễn
An Vui
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân (trái) và ông Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn tại văn phòng hãng Millon – Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp
Hôm 13 Tháng Hai 2023, truyền thông trong nước đưa tin một người Việt đã hoàn tất hợp đồng mua ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ nhà đấu giá Pháp với giá 61.1 triệu Euro ($65.2 triệu).
Sau những bài viết đầy tính sĩ diện như “Đàm phán thành công hồi hương ấn vàng của vua Minh Mạng”; “Cục Di sản: ‘Huy động mọi nguồn lực hồi hương ấn vàng”; “Tìm cách “hồi hương” ấn vàng của vua Minh Mạng”… thì cuối cùng người mua là một tư nhân. Đó là ông Nguyễn Thế Hồng, một thương gia, Chủ tịch Hội sưu tầm-nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc, chủ nhân bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Theo Lao Động, ông Hồng đã “chủ động tìm hiểu và thương lượng để mua lại chiếc ấn vàng” từ nhà đấu giá Millon của Pháp.
Trong bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng của ông Hồng có nhiều cổ vật đồng, gốm, sứ, trong đó có chiếc thạp đồng Văn hóa Đông Sơn niên đại cách nay 2,200 – 2,300 năm (thế kỷ III – II trước Công nguyên), được công nhận là bảo vật quốc gia hồi Tháng Giêng 2023.
Rõ là một tư nhân mua, nhưng bài viết trên báo Vnexpress viết: “ông Nguyễn Thế Hồng chi kinh phí để đàm phán và hồi hương ấn vàng, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam”; còn báo Lao Động ghi: “Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hoá thể thao và du lịch đã hỗ trợ trong suốt quá trình ông Hồng thương lượng và mua thành công ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” để đưa bảo vật hồi hương”. Cả hai báo đều không cho biết khi về nước (dự tính Tháng Tư 2023) thì bảo vật đó sẽ được trưng bày ở đâu, công chúng được tham quan miễn phí hay phải trả phí?
Ấn Hoàng đế chi bảo – Ảnh: Millon
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” (báu vật của hoàng đế) là một con dấu dưới thời vua Minh Mạng (ra đời 15 Tháng Ba 1823) có quai hình rồng cuốn hai tầng, kích thước 13.8×13.7cm (5.4 inches x 5.3 inches), cao 10.4cm (0.43 feet), làm bằng vàng 10 tuổi, nặng hơn 10kg (22pounds), sử dụng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như dịp lễ khánh tiết, sắc thư trong và ngoài nước, ban ân, xá tội…
Trong 143 năm lịch sử của nhà Nguyễn, có hơn 100 chiếc ấn được chế tác và sử dụng, tượng trưng cho quyền lực tối cao của vương triều Nguyễn. Ấn làm từ vàng, bạc gọi là kim bảo. Ấn làm bằng ngọc gọi là ngọc tỷ. Kim bảo và ngọc tỷ được coi là trọng khí của quốc gia, là vật bảo chứng cho ý chí, mệnh lệnh của các hoàng đế. Hiện nay, bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia (tọa lạc ở Hà Nội) đang lưu giữ 85 hiện vật trong bộ sưu tập này. Việc mua ấn “Hoàng đế chi bảo” giúp bổ sung vào bộ sưu tập, hoàn thiện nội dung trưng bày về triều Nguyễn của bảo tàng.
Nhiều năm trước, có năm cổ vật nguồn gốc Việt Nam hồi hương, đó là : Chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo (Nhật Bản) về Bắc Ninh năm 1978, do cá nhân, tổ chức quyên góp mua; xe kéo của hoàng thái hậu Từ Minh đưa về Huế năm 2015, mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình hồi Tháng Tư 2022, do cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá ở ngoại quốc và hiến tặng mang về nước; 18 cổ vật nhận từ chính phủ Đức năm 2018 và một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hồi Tháng Tám 2022, do các chính phủ này thu hồi từ các cuộc buôn bán trái phép.
Ban đầu, nhà đấu giá Millon dự định ngày 31 Tháng Mười 2022 sẽ đấu giá chiếc ấn vàng của vua Minh Mạng với giá khởi điểm 2- 3 triệu Euro ($2,1 triệu – $3,2 triệu). Như vậy, giá chấp nhận để họ bán cho ông Hồng gấp hơn 30 lần.
Con dấu dưới ấn – Ảnh: Millon
Bộ Văn hóa thể thao du lịch đã phối hợp với nhiều bộ, kể cả Bộ Công an, đề nghị chính phủ Pháp can thiệp, ngừng việc đấu giá, lên kế hoạch hồi hương ấn thông qua con đường ngoại giao văn hóa. Tuy nhiên, bảo vật trong tay nhà đấu giá tư nhân thì không thể hồi hương theo con đường ngoại giao văn hóa mà phải “thuận mua vừa bán” là lẽ đương nhiên.
Khi thấy nhà Millon rao phiên đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, Cục Di sản Văn hóa (thuộc Bộ văn hóa thể thao du lịch) đề nghị các cơ quan, tổ chức trong nước quyên góp để mua ấn vàng, mang về nước hiến tặng cho bảo tàng, với chỉ thị: “Quyết tâm sưu tầm, hồi hương ấn vàng không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, ‘chảy máu’ ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc” (!)
Dạy lịch sử cho học sinh toàn kể xấu vua Gia Long, phủ nhận công lao của triều Nguyễn với công cuộc khẩn hoang miền Nam, ca tụng nhà Tây Sơn và triều đại Quang Trung; trong đời thực còn xóa bỏ tên các con đường, trường học mang tên các vị vua và cận thần nhà Nguyễn nhưng lại quan tâm đến cổ vật của họ đang lưu lạc để nhằm “khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc”, không biết Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Việt Nam chỉ sĩ diện hay còn vì cái gì nữa?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét