Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

Thời sự đó đây ngày Thứ tư 15 tháng 02 năm 2023

Võ Thái Hà tổng hợp

Ukraine kêu gọi LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Nga ngưng cản trở thỏa thuận ngũ cốc 

15/02/2023 

Reuters 

Tàu Despina V, chở ngũ cốc Ukraine, trên Biển Đen, ngày 2/11/2022.

Tàu Despina V, chở ngũ cốc Ukraine, trên Biển Đen, ngày 2/11/2022. 

Hôm 15/2, Ukraine đã kêu gọi Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Nga ngừng ngay lập tức việc cản trở các chuyến hàng ngũ cốc cung cấp cho hàng triệu người của Ukraine và không sử dụng lương thực làm vũ khí, theo Reuters.

Sau gần sáu tháng bị phong tỏa do cuộc xâm lược của Nga, ba cảng Biển Đen của Ukraine đã được dỡ bỏ phong tỏa vào cuối tháng 7 theo một thỏa thuận giữa Moscow và Kyiv do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.

Tuy nhiên, Ukraine đã nhiều lần cáo buộc Nga trì hoãn việc kiểm tra các tàu chở nông sản của Ukraine, dẫn đến các chuyến hàng bị giảm và gây thiệt hại cho các thương nhân.

Nga trước đây đã phủ nhận các cáo buộc này, nói rằng họ đang đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc.


Hai quan chức hàng đầu Ukraine cho biết trong một tuyên bố chung rằng: “Ukraine quan ngại sâu sắc về các hành động phá hoại của Nga”, dẫn đến việc công việc của hành lang ngũ cốc bị trì hoãn và “cản trở Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nói chung”.

Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba và Phó Thủ tướng Oleksandr Kubrakov cho biết Nga cố tình làm chậm quá trình kiểm tra, yêu cầu cung cấp tài liệu không theo quy định và tìm kiếm những lý do vô căn cứ để dừng việc kiểm tra.

Các bộ trưởng Ukraine cho biết: “Chính sách phá hoại như vậy của Nga đã dẫn đến sự sụt giảm có hệ thống doanh thu vận chuyển hàng hóa trong Sáng kiến ngũ cốc”, đồng thời lưu ý rằng thế giới đã không nhận được 10 triệu tấn lương thực của Ukraine trong ba tháng qua.

Tuần này, Nga cho biết việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen là “không phù hợp” trừ khi các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Nga được dỡ bỏ và các vấn đề khác được giải quyết.

Thỏa thuận đã được gia hạn thêm 120 ngày vào tháng 11 và sẽ được gia hạn vào tháng tới, nhưng Nga đã phát đi tín hiệu rằng họ không hài lòng với một số khía cạnh của thỏa thuận và yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của nước này.

Xuất khẩu nông sản của Nga không bị phương Tây nhắm mục tiêu rõ ràng, nhưng Moscow cho biết việc thanh toán, hậu cần và ngành bảo hiểm là một “rào cản” đối với việc Nga có thể xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của mình.

Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine niên vụ 2022/23, kéo dài đến tháng 6, đã giảm 29% xuống 29,2 triệu tấn tính đến ngày 13/2, do vụ thu hoạch ít hơn và những khó khăn về hậu cần do cuộc xâm lược của Nga gây ra.

Nhật Bản cảnh cáo Trung Quốc về các khinh khí cầu do thám

Thanh Phương /RFI

15/02/2023

Ảnh minh họa : Khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển bang Nam Carolina, Hoa Kỳ, ngày 04/02/2023. REUTERS - RANDALL HILL 

Hôm nay, 15/02/2023, Tokyo cảnh cáo Trung Quốc là việc các khinh khí cầu do thám xâm phạm không phận của Nhật Bản là “không thể chấp nhận được”. Theo bộ Quốc Phòng nước này, kết quả phân tích lại các vật thể bay không xác định trên bầu trời Nhật Bản trong những năm gần đây cho thấy rất có thể đó là các khinh khí cầu do thám của Trung Quốc. 

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles tường trình: 

“Bộ Quốc Phòng Nhật cho biết ít nhất ba lần kể từ năm 2019, các vật thể bay không xác định đã xuất hiện trên bầu trời của Nhật Bản. Vụ khinh khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn rơi khiến Tokyo phải đánh giá lại về các vật thể bay đó. Bộ Quốc Phòng Nhật chỉ có thể phỏng đoán đó là những khinh khí cầu do thám không người lái do Trung Quốc đưa đến. 

Hôm nay chính phủ Nhật yêu cầu Trung Quốc xác nhận những vụ việc đó và không để “tái diễn những hành động như vậy trong tương lai”. 

Theo tiết lộ của phát ngôn viên chính phủ Hirokazu Matsuno, vào tháng 01/2022, một khinh khí cầu không xác định đã bay bên trên vùng biển ở phía tây đảo Kyushu. Phía nam đảo này là đảo Okinawa, nơi đặt phần lớn căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật.

Nằm gần Đài Loan, các căn cứ ở Okinawa vẫn được dùng để theo dõi Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Các chiến hạm, tàu ngầm và máy bay trinh sát của Trung Quốc vẫn thường xuyên bị phát hiện ở ngoài khơi đảo Okinawa. Nhật Bản dự trù sẽ sử dụng các tên lửa để bảo vệ không phận nước này chống các vụ xâm nhập của các khinh khí cầu do thám. Với sự hợp tác của đồng minh Hoa Kỳ.”

Mỹ: Các vật thể bay mới bị bắn hạ có thể là “vô hại”

Ngoài quả khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị bắn hạ trên bầu trời bang Montana ngày 04/02, chính quyền Mỹ, ngày hôm qua nhìn nhận rằng các vật thể bay mà họ đã bắn rơi trên bầu trời nước Mỹ trong những ngày qua có thể là “vô hại”. Ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, cho biết hiện “chưa có chỉ dấu nào” cho thấy các vật thể bay bí ẩn này là của Trung Quốc, hay được sử dụng để do thám, có thể đó là các khinh khí cầu thương mại hoặc khoa học. Tuy nhiên, ông nói rõ là phải chờ kết quả phân tích các mảnh vỡ của  mới có thể xác định được xuất xứ cũng như bản chất của các vật thể bay đó, mà việc thu lượm các mảnh vỡ này thì không phải là dễ dàng.

Hoa Kỳ - Chiến dịch khinh khí cầu do thám của Trung Quốc là nhắm vào Mỹ và các đồng minh

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/ntdvn_john-kirby-1412939554.jpeg

Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Kirby, trả lời các câu hỏi trong cuộc họp giao ban hàng ngày tại Nhà Trắng, ở Washington, vào ngày 4/8/2022. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images) 

Nhà Trắng xác nhận rằng chính quyền và quân đội Trung Quốc đang triển khai một chương trình khinh khí cầu do thám, nhắm đến Mỹ và các đồng minh.

Trong buổi họp báo hôm 13/2, người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Mỹ John Kirby đã tiết lộ một số thông tin về chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.

“Chính quyền và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang triển khai một chương trình khinh khí cầu trên cao để thu thập thông tin tình báo”, ông Kirby cho hay.

Theo lời ông Kirby, chương trình này được Trung Quốc triển khai nhằm do thám “các đồng minh và đối tác thân cận của Hoa Kỳ”. Tính đến nay, lượng tin tình báo các khinh khí cầu thu được là “không đáng kể”. Tuy nhiên nếu Mỹ không sớm có biện pháp đối phó, thì những cuộc xâm nhập liên tiếp như vậy có thể gây ra hiểm hoạ an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ.

Vào ngày 4/2, Hoa Kỳ đã bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc ngoài khơi Nam Carolina. Những ngày tiếp theo, Mỹ bắn hạ thêm ba vật thể nữa, hai cái trong không phận Mỹ và một cái trong không phận Canada.

Chính phủ Mỹ hiện vẫn chưa thể đưa ra kết luận chính xác về ba vật thể nói trên, chỉ biết là chúng nhỏ hơn nhiều so với chiếc khinh khí cầu đầu tiên.

“Chúng tôi dám chắc đây là một thiết bị tình báo, có chức năng giám sát và thăm dò”, ông Kirby nhận định về chiếc khinh khí cầu Trung Quốc.

“Khác với cái khinh khí cầu đầu tiên, ba vật thể sau đó không tự di chuyển, cũng không có dấu hiệu bị điều khiển, có vẻ như chúng chỉ bị gió đẩy đi mà thôi. Tất nhiên, chúng ta chưa thể loại trừ khả năng chúng cũng là các thiết bị do thám”, ông nói thêm.

Ông giải thích rằng nguyên lý hoạt động của radar là lý do chính dẫn đến sự chậm trễ trong việc phát hiện ra các vật thể lạ. Sau vụ việc ngày 4/2, quân đội Mỹ đã cài đặt lại radar để có thể phát hiện được các vật thể nhỏ hơn.

“Di chuyển rất chậm ở độ cao lớn và tiết diện radar nhỏ chính là hai yếu tố đã giúp những vật thể trên ‘qua mặt’ trạm thu sóng radar của chúng ta, khiến công tác truy lùng gặp khó”.

Ông Kirby cho biết thêm, chính phủ Mỹ vẫn đang tích cực thu hồi xác của các vật thể để tiến hành nghiên cứu. Ngoài ra, quân đội cũng đã trục vớt thành công một số bộ phận cũng như linh kiện điện tử của chiếc khinh khí cầu Trung Quốc từ dưới đáy Đại Tây Dương.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken là người đã đưa ra những thông cáo đầu tiên về chiến dịch do thám bằng khinh khí cầu của Trung Quốc vào ngày 8/2. Ông cũng xác nhận chính phủ Mỹ đang cố gắng cung cấp thông tin tình báo cho các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi chiến dịch nói trên.

“Chiến dịch khinh khí cầu của Trung quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của không chỉ Mỹ mà là hàng chục quốc gia khác trên thế giới, và đây là thời điểm Mỹ cần liên kết với các quốc gia để đưa ra biện pháp xử lý hiệu quả”, ông Blinken bày tỏ.

“Trung Quốc đã có những động thái vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, đồng thời vi phạm luật quốc tế. Tất cả những cá nhân thuộc bộ máy chính quyền Trung Quốc, bất kể có tham dự vào những động thái trên hay không, đều sẽ phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm của nước này”, trích lời ông Blinken.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch

NATO tăng cường vũ khí cho Ukraine, cho biết cuộc tấn công mới của Nga đã bắt đầu

NATO tăng cường vũ khí cho Ukraine, cho biết cuộc tấn công mới của Nga đã bắt đầu

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trình bày tại một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại trụ sở của Liên minh này ở Brussels, Bỉ, hôm 14/02/2023. (Ảnh: Johanna Geron/Reuters) 

Hôm thứ Ba (14/02), quan chức hàng đầu của NATO đã kêu gọi các đồng minh cung cấp thêm vũ khí cho Kyiv sau khi tuyên bố một ngày trước đó rằng Nga đã bắt đầu khởi động chiến dịch tấn công được nhiều người tiên liệu ở Ukraine.

Trước một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Bỉ, Tổng thư ký Jens Stoltenberg của liên minh này cho biết các nước phương Tây cần tăng cường cung cấp đạn dược cho Kyiv trong một hành động mà ông cho là một cuộc chạy đua với thời gian.

Ông nói với các phóng viên tại Brussels, nơi các bộ trưởng quốc phòng của các nước đồng minh NATO đang nhóm họp vào ngày 14-15/02, “Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin đang sẵn sàng cho hòa bình. Những gì chúng ta thấy là điều ngược lại, ông ấy đang chuẩn bị cho nhiều cuộc chiến hơn, cho các chiến dịch mới và những cuộc tấn công mới.”

Bên cạnh việc kêu gọi cung cấp thêm đạn dược cho Ukraine, người đứng đầu NATO này cho biết các đại diện sẽ thảo luận về cách tăng cường sản xuất công nghiệp quốc phòng để cung cấp thêm đạn dược cho Kyiv và để bổ sung cho kho dự trữ của các nước đồng minh.

Trước cuộc họp của NATO, Ukraine đã một lần nữa kêu gọi các nước phương Tây cung cấp các chiến đấu cơ nhằm ngăn chặn chiến dịch tấn công mới của Nga. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov được các phóng viên hỏi về loại hình viện trợ quân sự mà đất nước ông đang tìm kiếm là gì, ông đã cho họ xem hình ảnh của một chiếc chiến đấu cơ.

Hồi tuần trước, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm một số thủ đô Âu Châu trong chuyến công du ngoại quốc thứ hai kể từ khi cuộc xâm lược của Nga được phát động vào ngày 24/02/2022, ông đã mạnh mẽ thúc giục về các chiến đấu cơ.

Tom Ozimek

‘Các nước đồng minh đang đẩy nhanh tiến độ’

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/Ukraine-soldier-Bakhmut-1200x800-1.jpg


Một quân nhân Ukraine đứng trên con đường bên ngoài thị trấn tiền tuyến Bakhmut, Ukraine, vào ngày 11/02/2023. (Ảnh: Yevhenii Zavhorodnii/Reuters) 

Tuy nhiên, ông Stoltenberg đã hạ thấp tầm quan trọng của các phản lực cơ khi được các phóng viên hỏi liệu những phản lực cơ này có sắp ra được đưa ra hay không.

Ông nói, “Vấn đề phi cơ không phải là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay. Tuy vậy, đó là một cuộc thảo luận đang diễn ra,” đồng thời cho biết thêm rằng vấn đề cấp bách nhất là cung cấp áo giáp và đạn dược.

Ông Stoltenberg nói, “Nhu cầu cấp bách hiện nay là cung cấp những gì đã luôn được hứa hẹn, cung cấp các loại thiết vận xa, chiến xa bộ binh, xe tăng Marder của Đức, xe tăng Bradley của Hoa Kỳ, và tất nhiên, cả các loại xe tăng chiến đấu chủ lực, dòng xe tăng Leopard, và các loại xe tăng khác đã được cam kết.”

Ông nói thêm, “Và chúng tôi thấy rằng các nước Đồng minh đang đẩy nhanh tiến độ. Chúng ta cần đào tạo, chúng ta cần thiết bị, chúng ta cần đạn dược và đó chính xác là những gì mà các nước Đồng minh hiện đang cung cấp và [đó] sẽ là vấn đề hàng đầu tại các cuộc họp hôm nay tại NATO.”

Ông cho biết thêm, các hướng dẫn dài hạn mới về dự trù và tài trợ cho các sáng kiến quân sự cũng nằm trong nghị trình nhằm nỗ lực tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của các đồng minh NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã tái khẳng định rằng Hoa Kỳ và NATO đang ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột này về lâu dài.

““Quyết tâm chung đó sẽ duy trì động lực của Ukraine trong những tuần tới,” ông Austin nói với các phóng viên ở Brussels. “Điện Kremlin vẫn đang đánh cược rằng họ có thể đợi chúng ta bỏ cuộc.”

Điện Kremlin cáo buộc NATO can dự sâu hơn vào xung đột

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/1.tagreuters.com2022binary_LYNXMPEI6309A-FILEDIMAGE-1200x760-2.jpg

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tham dự cuộc họp báo chung của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Moscow hôm 18/02/2022. (Ảnh: Sputnik/Sergey Guneev/Kremlin qua Reuters) 

Hôm thứ Hai (13/02), Điện Kremlin đã cáo buộc NATO nuôi lòng ác cảm với Nga và can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột này.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Hai (13/02), “NATO là một tổ chức vốn đang có thái độ thù địch với chúng tôi và chứng tỏ sự thù địch này hàng ngày.”

Ông nói thêm: “Họ đang cố gắng hết sức để khiến cho sự can dự của họ vào cuộc xung đột về Ukraine càng rõ ràng càng tốt.”

Moscow đã cho rằng việc các nước NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine đang kéo dài cuộc xung đột này và làm tăng khả năng leo thang hơn nữa.

Kyiv và những người ủng hộ họ ở phương Tây lập luận rằng việc cung cấp thiết bị quân sự tân tiến là rất quan trọng để giúp Ukraine tự vệ trước chiến dịch tấn công của Nga.

Tổng thư ký NATO: Chiến dịch tấn công của Nga đã bắt đầu

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/Ukraine-war-1200x800-1.jpg

Các quân nhân Ukraine lái chiến xa bộ binh BMP-2 dọc theo một con đường ở thị trấn tiền tuyến Bakhmut, Ukraine, hôm 09/02/2023. (Ảnh: Yevhenii Zavhorodnii/Reuters) 

Cũng trong ngày thứ Hai, ông Stoltenberg đã nói tại một cuộc họp báo cấp bộ trưởng ở Brussels, tại đó ông nói rằng cuộc tấn công của Nga đã bắt đầu.

“Tôi nghĩ rằng thực tế là chúng ta đã thấy sự khởi đầu rồi,” ông Stoltenberg nói. “Bởi vì chúng tôi thấy những gì Nga làm hiện nay […] là gửi thêm hàng ngàn và hàng ngàn binh sĩ, chấp nhận tỷ lệ thương vong rất cao, chịu các tổn thất lớn, nhưng gây áp lực lên người dân Ukraine.”

Ông Stoltenberg nói thêm rằng chiến dịch tấn công mới của Nga “làm nổi bật tầm quan trọng của tính kịp thời” và rằng “việc cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hơn là điều cấp bách, chúng ta có thể cung cấp vũ khí, đạn dược, phụ tùng nhiên liệu cho mặt trận Ukraine càng nhanh chóng chừng nào thì chúng ta càng cứu được nhiều sinh mạng chừng đó và việc chúng ta ủng hộ những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình, thương lượng cho cuộc xung đột này cũng sẽ có kết quả tốt đẹp hơn.”

Hôm thứ Ba, các lực lượng Nga đã bắn phá quân đội Ukraine và các thị trấn dọc theo tiền tuyến ở khu vực phía đông Donetsk trong những gì dường như là loạt đạn ban đầu của chiến dịch tấn công mới này.

Cũng trong hôm thứ Ba, quân đội Ukraine cho biết rằng, trong 24 giờ qua, các lực lượng của họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công tại năm khu định cư ở Luhansk và sáu khu định cư ở Donetsk, trong đó có cả ở Bakhmut, mục tiêu chính của lực lượng Nga.

Thống đốc khu vực này là ông Pavlo Kyrylenko nói với đài truyền hình quốc gia Ukraine: “Không có một tấc đất nào ở Bakhmut là an toàn hay không nằm trong tầm bắn của kẻ thù hoặc phi cơ không người lái.”

Việc chiếm được Bakhmut sẽ tạo ra một bàn đạp để Nga tiến vào hai thành phố lớn hơn ở Donetsk — Kramatorsk và Sloviansk — tạo động lực mới cho Nga trong cuộc xâm lược này.

Thanh Nguyên biên dịch

Bộ Thống nhất Hàn Quốc: Thiếu lương thực ở Triều Tiên ngày càng trầm trọng

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/phan-phoi-gao.jpg

Phụ nữ Triều Tiên xếp hàng nhận phân phối gạo (Gerald Bourke/WFP via Getty Images) 

Ngày 15/2, Hàn Quốc nhận định, cuộc khủng hoảng lương thực ở Triều Tiên dường như trở nên tồi tệ hơn, sau khi hãng tin Dong-A Ilbo đưa tin về việc Triều Tiên lần đầu tiên cắt giảm khẩu phần ăn cho binh lính trong hơn hai thập kỷ.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay, Triều Tiên đã thừa nhận tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, đề cập đến một báo cáo của hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên hồi đầu tháng này về kế hoạch của Đảng cầm quyền sẽ tổ chức một cuộc họp “khẩn cấp” về nông nghiệp.

“Tình hình lương thực của họ dường như đã trở nên tồi tệ hơn nữa,” bộ phụ trách quan hệ với Triều Tiên nhận xét trong một tuyên bố.
Phụ nữ Triều Tiên xếp hàng nhận phân phối gạo (Gerald Bourke/WFP via Getty Images)

Trong những thập kỷ gần đây, Triều Tiên đã trải qua tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, bao gồm cả nạn đói vào những năm 1990, thường là hậu quả của các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt gây thiệt hại cho mùa màng.

Quốc gia bị cô lập này còn đang phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt đối với các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Đồng thời trong những năm gần đây, hoạt động thương mại biên giới vốn đã hạn chế của Triều Tiên hầu như bị bóp nghẹt do các lệnh phong tỏa tự áp đặt nhằm ngăn chặn COVID-19.

Hãng tin Dong-A Ilbo hôm 14/2 cho biết, Triều Tiên lần đầu tiên phải giảm khẩu phần lương thực hàng ngày cho binh lính kể từ năm 2000, dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Hàn Quốc.

Theo Bộ thống nhất Hàn Quốc, họ không thể xác nhận thông tin chi tiết bản tin trên Dong-A Ilbo, nhưng họ đang theo dõi tình hình cùng với các cơ quan quốc gia khác.

Trước đó ngày 6/2, hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên đưa tin, Đảng Lao động Triều Tiên đã triệu tập một cuộc họp của Ủy ban Trung ương đảng vào cuối tháng này để bàn về “nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách là thiết lập chiến lược đúng đắn cho sự phát triển nông nghiệp”.

Bộ thống nhất lưu ý, rất hiếm khi Triều Tiên triệu tập một cuộc họp đặc biệt như vậy.

Tháng trước, nhóm giám sát 38 North có trụ sở tại Hoa Kỳ đánh giá, “lương thực sẵn có của Triều Tiên có thể đã giảm xuống dưới mức tối thiểu đối với nhu cầu của con người”, với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức tồi tệ nhất kể từ nạn đói những năm 1990.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young-se cũng cho biết, các báo cáo gần đây của truyền thông Triều Tiên về việc con gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, là Ju Ae, xuất hiện tại các cơ quan chức năng của nhà nước có thể nhằm mục đích khơi dậy sự đoàn kết và củng cố lòng trung thành với gia đình cầm quyền, trong bối cảnh những tai ương nhân đạo ngày càng sâu sắc.

Nhật Minh (Theo Reuters)

Cựu Thống đốc Nikki Haley tuyên bố ra tranh cử tổng thống năm 2024 

Tác giả Tom Ozimek 

15/02/2023

Cựu Thống đốc Nikki Haley tuyên bố ra tranh cử tổng thống năm 2024

Bà Nikki Haley chào những người ủng hộ sau một sự kiện với ứng cử viên Thượng viện Pennsylvania của Đảng Cộng Hòa, Tiến sĩ Mehmet Oz ở Harrisburg, Pennsylvania, vào ngày 26/10/2022. (Ảnh: Mark Makela/Getty Images) 

Hôm thứ Ba (14/02), cựu Thống đốc Tiểu bang South Carolina Nikki Haley đã chính thức tuyên bố tham gia cuộc đua cho đề cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa vào năm 2024 qua một video, trở thành người thách thức lớn đầu tiên của cựu Tổng thống Donald Trump. 

Bà Haley nói trong video mà bà đã chia sẻ trên mạng xã hội và trên trang chiến dịch mới ra mắt của mình, “Tôi là Nikki Haley và tôi đang tranh cử cho chức tổng thống.” 

Bà Haley, người từng là đại sứ Hoa Kỳ của chính phủ cựu Tổng thống Trump tại Liên Hiệp Quốc, dự trù trình bày các kế hoạch tranh cử của mình trong một bài diễn văn ở Charleston, South Carolina, vào thứ Tư (15/02). 

Cựu Đại sứ Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói chuyện với các khách mời tại Hội nghị Lãnh đạo Thường niên của Liên minh Do Thái Đảng Cộng Hòa ở Las Vegas, Nevada, vào ngày 19/11/2022. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)

Cựu Đại sứ Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói chuyện với các khách mời tại Hội nghị Lãnh đạo Thường niên của Liên minh Do Thái Đảng Cộng Hòa ở Las Vegas, Nevada, vào ngày 19/11/2022. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images) 

Cứng rắn với Trung Quốc

Bà đã nêu bật kinh nghiệm về chính sách ngoại giao của mình trong video nói trên khi cảnh báo về các mối đe dọa đối với vị thế ưu việt của Mỹ trên trường quốc tế. 

Bà nói, “Trung Quốc và Nga đang giành được ưu thế. Họ đều nghĩ chúng ta có thể bị bắt nạt, bị ăn mấy cú đá. Quý vị nên biết điều này về tôi: Tôi không dung thứ cho những kẻ bắt nạt. Và khi quý vị đáp trả, họ sẽ đau hơn nếu quý vị mang giày cao gót.” 

“Ở Trung Quốc, họ phạm tội diệt chủng,” bà nói, trong khi ở Iran “họ sát hại chính người dân của mình vì thách thức chính phủ.” 

Bà tiếp tục: “Điều đó giúp [chúng ta] trân quý thực tế rằng ngay cả trong thời điểm tồi tệ nhất, chúng ta vẫn may mắn được sinh sống ở Mỹ.” 

Hồi tháng 05/2022, bà Haley nói rằng Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gây tranh cãi cần phải điều tra việc Trung Quốc tiến hành hành vi “diệt chủng” người thiểu số, nếu không thì một chuyến thăm theo kế hoạch của ủy viên Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tới quốc gia này sẽ chỉ là “một màn phô trương công khai nữa của Trung Quốc.” 

Chính quyền Trung Quốc đã bị cáo buộc phạm các tội ác ở Tân Cương. 

Sau khi Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền là bà Michelle Bachelet đến thăm Tân Cương, bà Haley đã gọi chuyến công du này là một “màn ăn mừng chiến thắng về tuyên truyền toàn diện của cộng sản và là một sự sỉ nhục đối với mọi nạn nhân của nạn diệt chủng.” 

Đẩy lùi chủ nghĩa xét lại của cánh tả

Đối với vấn đề quốc nội, bà Haley cho biết bà sẽ đẩy lùi những nỗ lực của “phe cánh tả xã hội chủ nghĩa” nhằm “viết lại” lịch sử nước Mỹ. Có lẽ Bà đang đề cập đến chiến dịch thiên tả miêu tả bối cảnh thành lập Hoa Kỳ bị chìm trong nạn phân biệt chủng tộc chứ không phải là phản đối chế độ nô lệ và bảo vệ các quyền tự do cá nhân. 

Bà Haley đã lưu ý rằng Đảng Cộng Hòa đã thua về phiếu bầu phổ thông ở bảy trong số tám cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất và điều này “phải thay đổi.” 

Phác thảo các ưu tiên về chính sách của mình, bà Haley nói, “Đã đến lúc có một thế hệ lãnh đạo mới — gây dựng lại trách nhiệm tài khóa, bảo vệ biên giới của chúng ta, và củng cố đất nước của chúng ta, niềm tự hào của chúng ta, và mục đích của chúng ta.” 

Với thông báo này, bà Haley đã trở thành người thách thức trực tiếp đầu tiên của ông Trump bên phía Đảng Cộng Hòa nơi dự kiến sẽ có nhiều thành viên khác tham gia cuộc đua này trong tương lai. 

Các thành viên Đảng Cộng Hòa nổi tiếng khác được cho là đang cân nhắc ra tranh cử vào năm 2024 bao gồm Thống đốc Florida Ron DeSantis, cựu Phó Tổng thống Mike Pence, Thượng nghị sĩ Tim Scott (Cộng Hòa-South Carolina), Thống đốc New Hampshire Chris Sununu, và cựu Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson. 

‘Ông Trump không thể tin tưởng bà ấy’

Thông báo của bà đã vấp phải một phản ứng chỉ trích từ ông Sebastian Gorka, một đồng minh của ông Trump đồng thời là cựu Phó Phụ tá của vị cựu tổng thống này. 

Ông nói trong một bài đăng trên Twitter, “Hồi tháng 04/2021, bà @NikkiHaley nói với các phóng viên rằng bà sẽ không bao giờ tranh cử chống lại cựu Tổng thống Trump, mà bà sẽ ủng hộ tổng thống cũ của mình trong chiến dịch tái tranh cử của ông ấy. [Vậy mà] 5 phút trước, bà đã tuyên bố chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình. Cựu Tổng thống Trump không thể tin tưởng bà ấy. Quý vị có thể tin tưởng bà ấy không?” 

Hồi tháng 11/2022, bà Haley cho biết bà đang cân nhắc về việc khởi động cuộc tranh cử tổng thống năm 2024. 

Bà Haley nói trong một lần xuất hiện tại một cuộc họp của Liên minh Do Thái Đảng Cộng Hòa, “Nhiều người đã hỏi liệu hiện giờ tôi có định tranh cử tổng thống khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã kết thúc hay không, tôi sẽ xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc và tôi sẽ sớm thông báo với quý vị.” 

Trở lại năm 2021, bà đã cam kết không tranh cử ở vị thế đối đầu với ông Trump. 

“Tôi sẽ không tranh cử nếu Tổng thống Trump ra tranh cử,” bà Haley nói vào thời điểm đó. 

Vào ngày 25/11/2022, ông Trump đã khởi động nỗ lực tái tranh cử năm 2024. 

Ông Trump nói trong một bài diễn văn tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Florida, “Để giúp Hoa Kỳ vĩ đại và vinh quang trở lại, tối nay tôi tuyên bố ứng cử Tổng thống Hoa Kỳ.” 

Cựu tổng thống này nhấn mạnh rằng đây sẽ không phải là chiến dịch tranh cử của ông mà là “chiến dịch tranh cử của chúng ta,” khi nói rằng lực lượng duy nhất “đủ mạnh để đánh bại đại nạn tham nhũng mà chúng ta đang chống lại chính là quý vị — những người dân Mỹ.” 

“Chúng ta sẽ cùng nhau đánh bại các thế lực tham nhũng nhất và những lợi ích cố thủ nhất có thể hình dung được. Đất nước chúng ta đang ở trong một tình trạng vô cùng tồi tệ. Chúng ta đang ở trong tình cảnh rất khó khăn.” 

Khi có tin đồn rằng bà Haley sẽ bước vào cuộc đua tổng thống này, hồi tháng Một, bà đã nói, “Nếu tôi tranh cử, tôi sẽ tranh cử chống lại ông Joe Biden. Đó là điều tôi đang chú tâm vào, bởi vì chúng ta không thể có nhiệm kỳ thứ hai của ông Joe Biden.” 

Trong video hôm thứ Ba của mình, bà Haley đã nhắm vào các chính sách của ông Biden.

Bà nói, “Thành tích của ông Joe Biden yếu kém vô cùng. Nhưng điều đó cũng không có gì là ngạc nhiên cả. Giới quyền uy Hoa Thịnh Đốn đã khiến chúng ta thất vọng hết lần này đến lần khác. Đã đến lúc có một thế hệ lãnh đạo mới.”

Ông Tom Ozimek là phóng viên cao cấp của The Epoch Times. Ông có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành.

Thanh Nhã biên dịch

Ấn Độ phát hiện 5.9 triệu tấn trữ lượng lithium ở Jammu và Kashmir

Ấn Độ phát hiện 5.9 triệu tấn trữ lượng lithium ở Jammu và Kashmir

Ông Armin Mueller, Giám đốc điều hành của Deutsche Lithium GmbH, cầm một tảng đá Zinnwaldite, một loại khoáng chất silicat có chứa lithium, được đẽo từ một lối đi trong một mỏ thiếc và wolfram trước đây ở Zinnwald gần Altenberg, Đức, vào ngày 13/12/2017. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images) 

Tác giả Aldgra Fredly

Ấn Độ đã tìm thấy 5.9 triệu tấn trữ lượng lithium ở vùng lãnh thổ Jammu và Kashmir, đây là khám phá lớn đầu tiên của đất nước này, mà các chuyên gia tin rằng có thể giúp Ấn Độ thúc đẩy mục tiêu tăng sản lượng xe điện (EV).

Cơ quan Khảo sát Địa chất Ấn Độ đã phát hiện ra khoáng chất này ở vùng Salal-Haimana thuộc quận Reasi của Jammu và Kashmir, theo một tuyên bố của Cục Năng lượng Nguyên tử Ấn Độ.

Bộ Mỏ Ấn Độ đã bàn giao một báo cáo về vấn đề này, cùng với 15 báo cáo địa chất chứa tài nguyên khác và 35 bản ghi nhớ địa chất, cho chính phủ các tiểu bang có liên quan hôm 09/02.

Lithium là thành phần chính của pin lithium-ion, một thành phần quan trọng của điện thoại thông minh, máy điện toán xách tay, và xe điện.

Trước đó, Ấn Độ đã phát hiện 1,600 tấn trữ lượng lithium ở quận Mandya của Karnataka vào tháng 02/2021. Phát hiện mới nhất dự kiến sẽ giúp quốc gia này đạt được mục tiêu 30% xe điện chạy trên đường phố vào năm 2030.

Có 98 triệu tấn lithium trên thế giới, và Ấn Độ đã tìm thấy 5.5% số tài nguyên quý hiếm này, The Wire đưa tin, dẫn lời một quan chức từ Hội đồng Năng lượng, Môi trường, và Nước có trụ sở tại Delhi.

Việc khai triển xe điện của Ấn Độ

Ông Deepak Krishnan, phó giám đốc công ty nghiên cứu WRI Ấn Độ, cho biết trữ lượng lithium này được đánh dấu là “tài nguyên dự tính” (tài nguyên được đánh giá trên cơ sở suy luận của các mức tài nguyên và có dấu hiệu địa chất rõ ràng) cho thấy cần có thêm những nỗ lực thăm dò để chuyển các nguồn tài nguyên được ước tính này thành loại tài nguyên có thể khai thác.

Ông Krishnan nói với The Wire, “Có một vài giai đoạn đánh giá trước khi chúng tôi có thể xác định trữ lượng lithium đã được chứng minh trong mỏ Salal-Haimana. Nếu khoáng sản này có trữ lượng lớn, thì nó có thể giúp Ấn Độ giảm sự phụ thuộc vào việc nhập cảng lithium trong tương lai và giúp ích cho hệ thống pin cố định và ngành công nghiệp pin EV.”

Ông nói thêm: “Điều này được xây dựng dựa trên các thông báo trước đó về các mỏ lithium ở Karnataka, và giờ đây trọng tâm phải chuyển sang đánh giá tiềm năng khai thác thương mại.”

Ông Pankaj Sharma, giám đốc công ty công nghệ nano Log9 Materials của Ấn Độ, nói với Business Today rằng Ấn Độ đã phải dựa vào việc nhập cảng pin và các thành phần xe điện khác do không có sẵn lithium, nhưng khám phá mới nhất có thể thay đổi điều này.

Ông Sharma nói, “Lithium là một trong những yếu tố cốt lõi của pin lithium-ion và khi xem xét tác động tài chính của việc tìm nguồn cung ứng lithium, việc phát hiện gần đây về trữ lượng lithium ở [Jammu và Kashmir] thực sự mang lại một luồng sinh khí mới vì nó tiếp tục thúc đẩy tham vọng độc lập về nhu cầu dự trữ năng lượng của Ấn Độ.”

Trung Quốc hiện đang thống trị sản lượng EV toàn cầu và việc áp dụng các loại xe chạy bằng năng lượng mới trong nước cũng rất tiên tiến. Hiệp hội Xe Chở khách Trung Quốc (CPCA) dự kiến doanh số bán xe hơi năng lượng mới, chủ yếu là xe điện, sẽ đạt 8.5 triệu chiếc trong năm nay, tương đương 36% tổng doanh số bán xe mới.

Mặc dù Ấn Độ đang đạt được tiến bộ, nhưng câu hỏi đặt ra cho nước này là liệu cuối cùng họ có đủ sức rũ bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hay không.

“Cơ sở hạ tầng sạc điện còn hạn chế, sản xuất EV trong nước thấp và chi phí pin EV cao vẫn là một số trở ngại chính trong việc duy trì mức tiêu thụ EV mạnh mẽ trong thời gian dài,” ông Dylan Sim, nhà phân tích thị trường dầu mỏ tại FGE, nói với Reuters.

Tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ chậm hơn so với toàn cầu, nhưng kể từ năm 2021, số xe điện đã đăng ký đã tăng gấp bốn lần lên 1.01 triệu chiếc, trong đó phần lớn là xe hai bánh và ba bánh.

Mặc dù xe điện chỉ chiếm 1% trong số 3 triệu xe hơi bán ra mỗi năm, nhưng New Delhi muốn tăng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2030.

Năm 2015, chính phủ này đã khởi động chương trình Sản xuất Xe điện và Ứng dụng Nhanh (FAME) để thúc đẩy xe điện thông qua trợ cấp mua hàng và khuyến khích sản xuất.

Năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nặng Mahendra Nath Pandey cho biết doanh số bán xe điện ở Ấn Độ đã tăng từ 19,100 chiếc trong giai đoạn 2019–2020, khi kế hoạch này lần đầu tiên ra mắt, lên 442,901 chiếc tính đến ngày 09/12/2022.

Đến năm 2024, các nhà máy lọc dầu nhà nước của Ấn Độ, vốn thống trị các nhà bán lẻ nhiên liệu, trù định lắp đặt các trạm sạc xe điện tại hơn 22,000 trạm xăng và trên các xa lộ.

Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times. 

Thanh Tâm biên dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét