February 13, 2023 by Lê Thy
Gia đình tôi quyết định di cư vào miền Nam khi đời sống ở tỉnh Hải Dương trở lên bất ổn sau ngày tiếp thu, một hành động “bỏ của chạy lấy người” vào giờ phút chót, như phần đông cư dân của thành phố này. Chỉ với một quãng đường ngắn 47 Km từ tỉnh Hải Dương tới Hải Phòng, thành phố tự do cuối cùng do người Quốc gia kiểm soát, chúng tôi không thể đi như trước đây mà phải lấy cớ về thăm quê Nam Định để tránh sự ngăn cản của chính quyền địa phương khi xin giấy phép đi đường. Lợi dụng có giấy phép chúng tôi ghé Hà Nội, ở đây vài ngày trước khi tìm cách xuống Hải Phòng bằng tầu hỏa.
Chuyến đi thật cam go mặc dù chỉ với đoạn đường từ Hà Nội tới Hải Phòng dài 105Km, mà theo Hiệp Định đình chiến Genève do các bên tham chiến ký kết vào tháng 7-1954, có điều khoản: “Dân chúng mỗi bên có quyền di cư sang lãnh thổ do bên kia kiểm soát trong thời gian quân đội hai bên đang tập kết…”.
Tôi rời bỏ miền Bắc nơi chôn nhau cắt rốn, mà hiện tại chế độ cộng sản coi chúng tôi, những Người Việt Quốc Gia di cư vào miền Nam, là kẻ thù nguy hiểm nhất với bí số B-54 (đi miền Nam năm 1954), vì cản đường họ Nam tiến hầu nhuộm đỏ các quốc gia thuộc Đông Nam Á châu theo lệnh của Cộng sản Quốc tế. Mà không lâu trước đây tại vùng đất này người Việt đã kề vai sát cánh đổ máu và nước mắt để bảo toàn mảnh giang sơn gấm vóc của tổ tiên để lại trước họa đồng hóa, ngoại xâm “một ngàn năm đô hộ” của kẻ thù phương Bắc.
Sau khi chiếm được chính quyền của Thủ tướng Trần Trọng Kim, một chế độ mới ra đời do Hồ Chí Minh lãnh đạo, mang tên “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” với Quốc kỳ “Ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ”, một bản sao của các nước theo chủ nghĩa cộng sản. Bài hát “Tiến quân ca” được ông Hồ phê duyệt ngày 13-8-1945 trở thành Quốc ca, đã đánh dấu một giai đoạn tàn sát, tắm máu người dân miền Bắc qua chính sách “Cải cách ruộng đất” để chia rẽ và chiếm đoạt tài sản. Tiếp đến thiêu hủy văn hóa phẩm và tù đầy người trí thức qua chiến dịch “Trăm hoa đua nở”, hầu dập tắt những tiếng nói đòi hỏi một đời sống tự do no ấm.
Máu và nước mắt hòa lẫn hận thù dân tộc đẫm ướt trên mảnh giang sơn nghèo khó này, đã trở thành phí phạm vì chiêu bài “Bài Phong- Đả Thực” khi Thực dân và Phong kiến không còn. Nhưng khẩu hiệu trên vẫn được tận dụng, ngụy trang dưới âm vang của bản Quốc ca (1) đã khích động, lừa gạt lòng yêu nước cuồng nhiệt của người dân Việt:
Đường vinh quang xây xác quân thù…
Để rồi: Thề phanh thây uống máu quân thù…
Một hành động man rợ, đuổi cùng giết tận, được đảng CSVN xử dụng như một phương châm hành động: “Thà giết lầm hơn bỏ sót” với chính đồng bào ruột thịt của mình, trái ngược với bản chất của một dân tộc nặng về tình cảm yêu thương con người. Lời hiệu triệu trên đã đẩy hàng triệu thanh thiếu niên miền Bắc tuổi đời còn non trẻ rời bỏ gia đình, phí phạm máu xương hy sinh cho tham vọng “Thế giới đại đồng”, nhưng đó chỉ là hoang tưởng, là mùi thơm của bánh vẽ, không bao giờ hiện hữu trong xã hội loài người.
o0o
Trở lại chuyện “Nam Kỳ là Thuộc địa”…
Theo Hòa ước Nhâm Tuất ký ngày 5-6-1862 giữa Đại Nam và Pháp, nhà Nguyễn phải nhượng cho Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường vốn thuộc vùng lãnh thổ cực Nam của nước Đại Nam. Hòa ước này mất dần hiệu lực, khi quân Cờ Đen hạ sát Francis Garnier ở Cầu Giấy, ngoại ô thành phố Hà Nội. Philastre đã trực tiếp giải quyết mọi việc tại Bắc Kỳ, hạ lệnh rút quân Pháp khỏi thành phố Hải Dương vào tháng 12-1873 và ký với Nguyễn Văn Tường ngày 5-1-1874 rút khỏi Nam Định, Ninh Bình và trả thành phố Hà Nội cho Đại Nam ngày 6-2-1874.
Triều đình Huế chấp nhận ký với Pháp Hiệp ước mới, còn gọi là Hiệp ước Giáp Tuất (1874), thỏa thuận giữa Đại diện Pháp là Philastre và đại diện Triều đình Huế là Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tường cùng Dupre ký tên ngày 15-3-1874 và bổ sung một Hiệp ước thương mại khác ngày 31-8-1874 giữa Thống soái Krantz và Nguyễn Văn Tường.
Ngoài ra, nước Pháp được phép thiết lập cơ sở ngoại giao do một đại biện lâm thời người Pháp đứng đầu tòa Trú sứ đặt tại kinh đô Huế, ngược lại phía Đại Nam cũng đặt một Lãnh sự ở Sài Gòn. Mặt khác, điều khoản về ngoại giao cũng buộc chính sách đối ngoại của Đại Nam phải phù hợp với chính sách ngoại giao của Pháp, tức gián tiếp hủy bỏ quan hệ giữa Triều đình Huế và nhà Thanh, nhằm tách Đại Nam ra khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa.
Trong khoảng thời gian dài gần 2 thập niên, từ năm 1861 đến năm 1879, Nam Kỳ nằm dưới quyền cai trị trực tiếp của giới quân sự Pháp và chỉ kết thúc khi Thống đốc dân sự đầu tiên là Charles Marie Le Myre de Vilers thay thế Thống soái Lafont. Vilers tiến hành cuộc cải cách chính trị là sự ra đời Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ theo sắc lệnh ngày 8-2-1880, được Tổng thống Pháp Jules Grévy ký duyệt. Kể từ thời Thống đốc dân sự Vilers, Nam kỳ lục tỉnh của Đại Nam chính thức trở thành thuộc địa của Pháp.
o0o
Tôi đã tới Sài Gòn, một vùng đất yên bình với nếp sống tràn đầy yêu thương hạnh phúc. Một nơi mà những người tới trước đây đã tôn vinh là “Miền Đất Hứa”, mà quan trọng hơn nữa, là nơi chan hòa ý tưởng với nếp sống “Tự do”, một nơi thể hiện ước vọng hướng tới tương lai tốt đẹp của con người. Sự hiện diện của hơn một triệu người di cư vào Nam sau ngày 20-7-1954 để tránh họa cộng sản miền Bắc, là một sự kết hợp kỳ diệu của dân tộc. Một sự hòa hợp giữa văn hóa ba miền Bắc-Nam-Trung, đã giúp miền Nam trở lên phong phú trong mọi sinh hoạt đời sống, vừa đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc vừa mang mầu sắc văn minh Tây phương, đã xóa bỏ quan niệm vùng miền để hoàn thiện nếp sống Tự do-Dân chủ cho mọi người hiện diện tại vùng đất thân yêu này.
Phong trào thơ nhạc theo phong cách Tây phương cũng ảnh hưởng tới đời sống người dân, đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của giới trẻ Việt Nam.
Một hình ảnh chứng tỏ miền Nam là vùng đất tự do khi thấy sách báo gồm cả tiếng Việt lẫn ngoại ngữ với mọi khuynh hướng chính trị hay đời sống xã hội, bầy bán tự do tại các sạp bán báo (Kiosk) rải rác trên khắp các đường phố, giúp người dân hiểu biết về mọi phương diện. Thêm vào đó, người dân tự do nghe tin tức trong và ngoài nước từ các đài thu thanh tư nhân. Với tinh thần ham hiểu biết của người miền Nam, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các bác xe xích-lô không chở khách, ngồi đọc sách báo vào giờ nghỉ trưa cũng như các người bán sách báo nghỉ trưa tại các sạp bán báo, chứng tỏ người miền Nam tôn trọng quyền tự do cá nhân và cũng thể hiện đây là một đất nước phát triển, dư thừa vật chất.
Trong khi tại Hà Nội, phương tiện thông tin bị hạn chế và kiểm soát chặt chẽ, một tờ báo “Cứu quốc hay Nhân dân” cho 10 người dân. Đài thu thanh (Radio) phải có giấy phép với điều kiện “cấm nghe đài ngoại quốc”. Đây là một phương tiện xa xỉ chỉ dành cho thành phần cán bộ cao cấp và thân nhân giầu có. Người dân chỉ còn theo dõi tin tức đã gạn lọc do loa phóng thanh tại địa phương.
Tất cả những điều trên đã trả lời câu hỏi của người miền Bắc vào Nam sau ngày 30-4-1975: “Tại sao có sự phân biệt đối xử giữa Bắc Kỳ 54 và Bắc Kỳ 75”, một sự so sánh khi người dân miền Bắc hiện diện tại miền Nam qua hai thời điểm 1954 và 1975?
Chúng ta nhận ra, sau ngày đình chiến 20-7-1954 chia đôi đất nước, hơn một triệu người miền Bắc di cư vào Nam để tránh họa cộng sản, được người miền Nam đùm bọc yêu thương, nhất là cùng chung một luồng tư tưởng văn hóa theo phong thái Tây phương, đã xóa tan những cách biệt vùng miền, để cùng xây dựng một đời sống, một xã hội tốt đẹp hơn. Chỉ một sớm một chiều, người Bắc di cư năm 1954 đã hòa nhập với nếp sống miền Nam và cảm nhận mình là “người Sài Gòn” trong một xã hội tự do dân chủ.
Trái lại, sau khi xâm lăng miền Nam ngày 30-4-1975, người miền Bắc luôn kiêu hãnh tự nhận là “Bên Thắng cuộc”, hành động cao ngạo coi rẻ người miền Nam. Cộng sản miền Bắc đẩy hàng triệu quân cán chính miền Nam vào trại tù cải tạo, để chiếm đoạt tài sản cũng như phá bỏ văn hóa miền Nam, gây ra một mối hận khó quên trong lòng người miền Nam. Người miền Nam được “sáng mắt” về một thế giới đại đồng, dư thừa vật chất với “TV & Radio chạy đầy đường”, để rơi chiếc mặt nạ “Giải phóng miền Nam” thường được nêu cao như một nghĩa cử cao đẹp, đã hiện nguyên hình là một băng đảng cướp của giết người. Nhất là sau 20 năm dưới danh xưng XHCN, tình tự dân tộc bị xóa bỏ, đi theo chủ nghĩa Tam Vô (Vô Gia đình, Vô Tổ Quốc, Vô Tôn Giáo), xa dần bản sắc dân tộc. Một loại văn hóa ích kỷ đang tràn ngập xã hội. Tất cả những điều trên khiến lòng người Nam-Bắc khó hòa hợp sau ngày 30-4-1975.
o0o
Trở lại vùng đất miền Nam chằng chịt kinh rạch là cơ hội để miền Nam phát triển, như biểu tượng (Logo) của Sài Gòn đã nói lên ước vọng của dân tộc này sẽ vươn ra ngoài, vừa mang tính cạnh tranh vừa thể hiện sự sống chung hòa bình với các dân tộc Năm châu bốn biển. Logo do người Pháp thiết kế năm 1870 làm biểu tượng cho Sài Gòn với hình ảnh đơn sơ nhưng có nhiều tiềm năng phát triển mang ý nghĩa:
“Hình ảnh hai con cọp thể hiện đây là vùng đất hoang sơ. Dòng chữ Latinh Paulatim Crescam có ý nghĩa: Cứ từ từ, tôi sẽ phát triển. Hình ảnh con tầu chạy bằng hơi nước cho biết đây là vùng đất có nhiều kinh rạch. Phía trên có vương miện năm cánh cho hay Sài Gòn sẽ giao thương với năm châu bốn biển.”
Có nhiều nhận định về danh xưng của thành phố Sài Gòn là “Hòn ngọc Viễn Đông” (La perle de l’Extrême Orient), một nơi được tôn vinh là thủ phủ của miền Viễn Đông (Gồm các quốc gia: Việt Nam, Campuchia, Lào, malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Hoa và Nhật Bản). Vào cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, hầu hết các quốc gia này trở thành thuộc địa hoặc chịu ảnh hưởng của các cường quốc Tây phương trong đó có nước Anh và Pháp.
Từ những năm 1895, Pháp xây dựng các cơ sở của thành phố Sài Gòn nhằm đưa vùng đất này thành nơi phát triển về kinh tế. Dưới sự chỉ huy của Trung tá Công binh Coffyn, Sài Gòn được xây dựng theo phong cách phương Tây. Mô hình thành phố Sài Gòn là một Paris thu nhỏ, một kinh đô ánh sáng ở phương Đông. Trong giai đoạn này khu trung tâm thành phố xuất hiện một số công trình còn tồn tại đến hôm nay như Nhà thờ Đức Bà, Nhà Hát thành phố, Dinh Thống Đốc, Phủ Toàn Quyền…Hàng loạt nhà hàng, khách sạn mọc lên đã trở thành một địa điểm vui chơi, nghỉ dưỡng, giải trí sau chuyến hải trình trao đổi, buôn bán của giới thương nhân của các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ… Danh xưng Sài Gòn là “Hòn ngọc Viễn Đông” đã được các thương nhân truyền miệng ghi nhận sau mỗi lần viếng thăm vùng đất “trên bến dưới thuyền” này, mặc dù đây không phải là một hải cảng vì Sài Gòn là một thành phố. Nhưng Sài Gòn được xem là thủ phủ của Đông Dương về Kinh tế, giải trí để cạnh tranh với Singapore của nước Anh.
Với cái nhìn khách quan hơn về thành phố Sài Gòn, vào tháng 10 năm 1819, Trung Úy John White, thuộc Hải quân Hoa Kỳ trên tầu Franklin khởi hành từ cảng Salem thuộc tiểu bang Massachusetts (Mỹ) đã tới Sài Gòn. Dưới sự quan sát của mình, John White có nhiều thiện cảm với vùng đất này và ông ghi lại trong tác phẩm “Voyage to Cochinchina”. Ông rất ca tụng Sài Gòn có tiềm năng về giao thương Quốc tế, cũng như khả năng đóng tầu có thể cạnh tranh với các hãng đóng tầu tốt nhất của Âu châu. Ông cũng nhận định Sài Gòn là nơi dễ sống với một thị trường phong phú về mọi loại hàng hóa, đã hấp dẫn những thương nhân từ các quốc gia như Trung Hoa cách xa hàng ngàn hải lý. Sài Gòn là nơi có nhiều sản phẩm kỹ nghệ như gỗ quý để phát triển ngành hàng hải.
Ông John White cũng nhận định ưu điểm về thủy lộ của vùng đất Sài Gòn với sông rạch chằng chịt, ghe thuyền tấp nập qua lại, một ưu điểm để đất nước này phát triển, vươn xa ra tới các quốc gia thuộc Đông Nam Á châu.
Sau Trung Úy John White, Năm 1822, Bác sĩ người Anh George Finlayson (1790-1823), thành viên trong phái bộ Anh do John Crawfurd dẫn đầu đến Sài Gòn, với mục đích tìm kiếm giao kết thương mại. Ông có nhận định Sài Gòn là một trong những đô thị có nhiều tiềm năng phát triển thương mại. Các cửa hàng rộng rãi, trưng bầy ngăn nắp, tràn ngập các loại sản phẩm. Nhất là bản chất thực thà hiếu khách của người dân địa phương, khiến du khách thỏa mãn tất cả những gì đã mắt thấy tai nghe, nhất là về phong tục và bản chất tình cảm của người dân địa phương.
Để cạnh tranh với thành phố Singapore của Anh, người Pháp muốn biến Hà Nội thành Thủ đô văn hóa của Đông Dương, nên các cơ sở văn hóa đều tập trung ở Hà Nội. Sinh viên Đại học thuộc các xứ Đông Dương đều phải tới học tại Hà Nội kể cả con Vua cháu Chúa của các xứ này. Các sinh viên Sài Gòn muốn học Luật Khoa và Y khoa đều phải ra Hà Nội hay sang Pháp. Ngoài dấu ấn người Pháp để lại là cầu Paul Doumer (Cầu Long Biên: 1898-1902) còn có một số cơ hạ tầng được xây dựng theo đường nét Tây phương còn tồn tại đến ngày nay.
Do lợi thế về địa dư, người Pháp xây dựng Sài Gòn thành thủ phủ về kinh tế, hạ tầng cơ sở được đặc biệt quan tâm. Các công trình kiến trúc đều mang phong cách Tây phương, một kinh đô ánh sáng Paris thu nhỏ tại phương Đông. Năm 1885, tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương dài 70 Km nối Sài Gòn – Mỹ Tho được xây dựng. Cầu Bình Lợi hoàn tất năm 1902 đã rút ngắn sự di chuyển giữa Thủ Đức và Biên Hòa.
Giao thông đường thủy được đặc biệt quan tâm. Nhiều khu bốc dỡ, chuyển vận hàng hóa còn lưu danh đến ngày nay như: Bến Hàm Tử, Bình Đông, Chương Dương, Vân Đồn, Bạch Đằng. Sau khi chợ Bến Thành xuất hiện năm 1914, việc trao đổi hàng hóa giữa trung tâm Sài Gòn và Chợ Lớn phát triển trở thành một nhu cầu cấp thiết, các khu vực đầm lầy giữa Sài Gòn và Chợ Lớn được san lấp trở thành Đại lộ Trần Hưng Đạo.
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam: “vào thập niên 60-70 Sài Gòn vẫn được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông, thành phố duy nhất trong khu vực được định danh, trong khi Singapore lúc đó chỉ là một đảo quốc hoang vu”. Điều này được ông Lý Quang Diệu, Thủ Tướng đầu tiên của Singapore, phát biểu vào thập niên 1960: Hy vọng một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển như Sài Gòn (3).
Hà Nội là một đô thị nên được bao quanh bởi bốn Trấn “Tứ chiếng”, các Trấn này ẩn sau lũy tre xanh, hàng rào che chắn, bao bọc bởi đê điều, các thân tộc liên kết với nhau qua nhiều thế hệ, tạo cho Hà Nội một thế giới riêng biệt khép kín, nên mang tính hướng nội.
Sài Gòn, một nơi được mệnh danh là “Tứ Chiếng” như Hà Nội, là nơi tập trung dân cư nhiều vùng tới đây sinh sống. Theo Trịnh Hoài Đức, Tứ Chiếng của Sài Gòn – Gia Định là “tứ phương tạp xứ”, không phải chỉ gồm có người Việt đến từ miền Trung hay các vùng phụ cận, mà còn có cả người dân của nhiều quốc gia đến lập nghiệp, với ngôn ngữ và phong tục tập quán khác nhau.
Sài Gòn vừa là một đô thị vừa là một bến cảng nằm gần các giao lộ hàng hải quốc tế. Như Pallu de la Barrière ghé Sài Gòn vào cuối thế kỷ 19 đã nhận định: “Hàng ngàn con thuyền vào sông tạo thành một thành phố nổi, với sự xuất hiện của người Ấn, người Tầu, vài người lính Pháp và Tagal (Phi Luật Tân) với ngôn ngữ khác nhau, tạo ra một cảnh quan khác biệt…”
Trong số những người đến Sài Gòn sớm nhất phải kể là người Hoa với nhiều lý do mà chủ yếu là đi tìm đất sống. Sự cộng cư giữa người Việt và người Hoa, người Miên, người Mã và thương nhân của nhiều quốc gia khác, đã tạo cho Sài Gòn một phong thái hiếu khách, thân thiện.
Với địa dư đặc biệt của miền Nam, một vùng đất tiếp giáp với biển khơi, đã tạo cho “Người Sài Gòn” tính mạnh mẽ, phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, không chịu luồn cúi trước bạo lực. Do đó, Người Sài Gòn ưa chuộng Tự Do hơn. Nhờ ưu đãi của của vùng đất rộng lớn, lương thực nhiều không lo đói rét vì nằm trên vựa thóc miền Nam, theo Trịnh Hoài Đức, về mặt địa lý, Sài Gòn thuộc khu vực nhiệt đới có gió mùa nên nóng và ẩm. Khí hậu Sài Gòn có hai mùa mưa và khô. Nhất là, Sài Gòn nằm gần ngã tư quốc tế, nơi tiếp giáp với các con đường hàng hải thế giới từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, khiến Sài Gòn trở thành điểm hội tụ của các thương nhân thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ sông Sài Gòn nối ra biển, nên dù thành phố có nằm sâu trong nội địa vẫn là một cảng biển, thuận lợi cho tầu thuyền ra vào. Đây cũng là dịp để Sài Gòn giao tiếp, vươn xa tới các quốc gia Đông Nam Á và trên thế giới. Sông Sài Gòn và các kinh rạch chịu ảnh hưởng của thủy triều đã ảnh hưởng tới phong cách của Người Sài Gòn. Tất cả những điều trên khiến Sài Gòn khác với Hà Nội, Sài Gòn hướng ngoại nhiều hơn.
o0o
Từ sau ngày 30-4-1975, dưới chính sách “công an trị”, CSVN đã cố công xóa bỏ những công trình mang lợi ích thiết thực cho người dân của Việt Nam Cộng Hòa, mà ưu điểm là nếp sống Tự do – Dân chủ đã trở thành một thói quen không thể xóa bỏ của người miền Nam. Trong nếp sống đó, điểm dễ nhận thấy là sự tôn trọng quyền Tư Hữu, lòng tương trợ cưu mang những người cơ nhỡ, nhất là tính kỷ luật thể hiện trong đời sống hàng ngày, một ưu điểm của xã hội Tự Do.
Trước sự thất thủ của miền Nam sau ngày 30-4-1975, Ông Josh Gelernter đã nuối tiếc về thành quả của Việt Nam Cộng Hòa và đưa ra lời nhận định trong bài viết: “If South Vietnam Were free Today” đăng trên báo National Review (Politic & Policy) ngày 25 tháng 4 năm 2015: (6)
“Hãy nhìn phần còn lại của Đông Nam Á và mường tượng miền Nam Việt Nam sẽ ra sao…”, và đưa ra trường hợp của 3 quốc gia được Mỹ hỗ trợ để chống lại cộng sản như: Đài Loan chống Trung cộng, Nam Hàn chống Bắc hàn và Nam Việt Nam chống cộng sản miền Bắc. Hiện nay về chỉ số phát triển, tính trên mức sống của người dân của 2 trong 3 nước kể trên: Nam Hàn đứng vị trí 15, Đài Loan vị trí 21 trong số những quốc gia phát triển nhất Âu Châu. Đài Loan hơn Trung quốc 70 bậc, còn XHCN Việt Nam đứng vị trí 122.
Cũng trong chiều hướng trên, Dân biểu phản chiến Hoa Kỳ, ông Leo J. Ryan (1925-1978) cũng nhận định về tình trạng chính trị của VNCH:
“Mặc dù Nam Việt Nam không phải là pháo đài của nền dân chủ, những cáo buộc nặng nề nhất về việc đàn áp những quyền cơ bản của con người đã bị thổi phồng. Vẫn có lực lượng chính trị và báo chí đối lập hoạt động và lên tiếng. Vẫn có một số tù nhân chính trị, nhưng dân chúng cũng như các nhà đối lập không phải sống trong sự sợ hãi và đàn áp của chính quyền…”
Quan trọng hơn nữa, Đài Loan và Nam Hàn có bầu cử tự do, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp và tự do ngôn luận mà Trung cộng và Bắc Triều tiên đều không có quyền tự do này. Còn XHCN Việt Nam sẽ không bao giờ có tự do khi đảng cộng sản còn cầm quyền cai trị dưới chính sách độc tài công an trị.
o0o
Nhìn vào Việt Nam hôm nay dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, người dân được hưởng những gì hay chỉ có đàn áp, bất công. Đảng cộng sản vẫn độc quyền chính trị, chiếm dụng tài sản của người dân bằng bạo lực. Một chủ thuyết không lối thoát, như ông Nguyễn Phú Trọng nghi ngờ về tương lai của Chủ nghĩa Xã hội khi tuyên bố “không biết đến cuối thế kỷ này đã có Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam hay không?”
Như nhiều người nhận định, đã đến lúc phải từ bỏ Chủ nghĩa Xã hội, một chủ nghĩa chỉ giúp cho giới lãnh đạo nhờ tham nhũng hối lộ, trở thành một giai cấp giầu có, của ăn của để dư thừa, trong khi người dân nghèo đầu tắt mặt tối, miếng ăn lần không ra. Một xã hội mà văn hóa ích kỷ đố kỵ tràn lan, không còn đất sống cho những người có thiện tâm vì quốc gia dân tộc.
Đứng trước sự suy sụp của văn hóa hiện tại, nhiều người nuối tiếc nền văn hóa Nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa, được thực hiện dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị VNCH gồm những nguyên tắc: Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản, lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người làm căn bản. Chấp nhận sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận sự kỳ thị phân biệt giầu nghèo, địa phương, tôn giáo hay chủng tộc và mọi người có quyền được hưởng một nền giáo dục đồng đều. Giáo dục phải bảo tồn hay phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Vì giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng, nên phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học tân tiến cũng như tiếp cận với văn minh thế giới. Hơn nữa, VNCH theo thể chế “Tam quyền phân lập” để bảo vệ quyền tự do của người dân, cũng như tổ chức bầu cử tự do các chức vụ từ thượng tầng đến các đơn vị địa phương.
Tôi tiếc cho Hà Nội đã một thời vang danh là cái nôi của văn hóa dân tộc, được ca tụng:
Chẳng thơm cũng thể hoa Nhài
Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An
Nhưng sau 20 năm dưới sự cai trị của cộng sản, Hà Nội đã để mất phong thái ngày xưa.
Sau 4 thập niên bị áp bức trù dập, danh xưng Sài Gòn với nếp sống tự do dân chủ vẫn là tiếng nói, là nhịp thở trong trái tim người miền Nam. Ý tưởng “Tự do-Dân chủ” chan hòa trong nếp sống của “Người Sài Gòn”, quen thuộc như một hơi thở, một thói quen có từ thời khai sinh vùng đất này. Mà trong nếp sống ấy, Tự do được nêu cao vừa là quyền lợi vừa là sự chọn lựa của mỗi con người, một cá thể độc lập, có suy nghĩ, tư tưởng riêng và có quyền lựa chọn cách sống sao cho phù hợp với trào lưu của xã hội để được vui hưởng hạnh phúc toàn vẹn.
Mặc dù chỉ với 21 năm trong nếp sống Tự do – Dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa, một nền Dân chủ còn non trẻ, nhưng ở đó người dân luôn sống trong hạnh phúc và tự hào có một đời sống xứng đáng là một “Con Người”.
Sài Gòn là nhịp thở trong trái tim của người miền Nam. Bất cứ sự thay đổi nào đối với thành phố này, dù là tên gọi, cũng chỉ là tạm bợ, nhất thời. Vì tên gọi Sài Gòn mãi mãi thuộc về thành phố Sài Gòn.
Trần Nhật Kim
2-2023
_________________________
Chú thích–
(1) “Tiến quân ca”: một bài hát do nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) sáng tác vào năm 1944 được dùng làm Quốc ca của nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” từ năm 1945. Bài hát Tiến quân ca được viết tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền. Sự hình thành bản Tiến quân ca được ghi nhận: “Mùa đông năm 1944, Văn Cao gặp Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh, ở ga Hàng Cỏ, đã động viên ông viết những bài hát như Đống đa, Thăng Long hành khúc…Vũ Quý đề nghị Văn Cao thoát ly và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc cho quân đội Việt Minh.
Về bản Tiến quân ca, ông Văn Cao có ghi lại vào tháng 7 năm 1976:
“Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết đến chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp chiến sĩ cách mạng của chúng ta trong khóa quân chính đầu tiên ấy và chỉ biết họ hát như thế nào…
(2) Bàn về Saigon là Hòn ngọc Viễn Đông (Trương Nhân Tuấn)
https://www.bbc.com/vietnamese
(3) Danh từ Tứ Trấn (của Hà Nội) xuất hiện vào cuối thế kỷ 15 dưới thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức 21 (1490), gồm cư dân của bốn Trấn bao quanh kinh thành Thăng Long như một lớp vỏ bọc: Trấn Kinh Bắc, Trấn Sơn Nam, Trấn Hải Dương và Trấn Sơn Tây.
(4) Lý giải mỹ danh ‘Hòn ngọc Viễn Đông’ của Sài Gòn xưa
https://vnexpress.net/ly-giai-my-danh-hon-ngoc-vien-dong-cua-sai-gon-xua-3399077.html
(5) Lý Quang Diệu từng ước Singapore sẽ được như Sài Gòn:
https://danlambaovn.blogspot.com/2012/03/ly-quang-dieu-tung-uoc-singapore-se-uoc.html
(6) If South Vietnam were free today
https://www.nationalreview.com/2015/04/if-south-vietnam-were-free-today-josh-gelernter/
(7) Theo tài liệu của Giáo sư nguyễn Thanh Liêm
https://vietcatholic.net/Media/giaoducvnch.pdf
(*) Dân trí được quan tâm tại “ATM Gạo” miễn phí vào lần cứu trợ tại “Sài Gòn – Hà Nội”
(Hình chụp trên mạng Bách khoa mở-Wikipedia)
https://baovecovang2012.wordpress.com/2023/02/13
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét