Minh Anh /RFI
23/02/2023
Ngày 24/02/2023 đánh dấu đúng một năm ngày tổng thống Nga Vladimir Putin phát động « chiến dịch quân sự đặc biệt » xâm lược Ukraina. Thế giới một lần nữa bị phân cực. Nhưng sự hậu thuẫn của Trung Quốc đối với Nga và sự oán hờn của những nước phương Nam (tức phần còn lại của thế giới) báo hiệu hồi cáo chung cho một trật tự thế giới do các cường quốc phương Tây thống trị.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky trong buổi họp báo tại Kiev ngày 20/02/2023. AFP - DIMITAR DILKOFF
« Bóng ma Ukraina »
Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), trong phần mở đầu của tập sách « Les Ambitions inavouées. Ce que préparent les grandes puissances » (tạm dịch là Những tham vọng không thú nhận. Những gì các siêu cường đang chuẩn bị), được xuất bản năm nay, có viết :
« Khi quyết định "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraina bằng vũ lực, tổng thống Nga muốn viết một trang mới cho Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, ba mươi năm sau khi Liên Xô sụp đổ, với mục tiêu kép : Chinh phục dân tộc Ukraina và thách thức Phương Tây, bị cáo buộc là nguồn cội của mọi điều xấu xa. Năm 2020, Putin từng cho rằng, giả như Nga và Ukraina mà được hợp nhất, điều đó sẽ tạo nên một đối thủ địa chính trị hùng mạnh trước phương Tây ». (trang 12, dòng 7-14)
Hai năm sau tuyên bố này, quyết định gây hấn của tổng thống Nga gây ra một cơn chấn động vượt quá khuôn khổ quan hệ Nga-Ukraina. Hơn bao giờ hết, Kiev đã từng và giờ vẫn luôn có một vị trí chiến lược quan trọng trong nhãn quan chủ nhân điện Kremlin. Nhà sử học Thomas Gomart, ở trang 11, cũng trong phần mở đầu, mục « Bóng ma Ukraina », nhận định :
« Giữa Berlin và Matxcơva, vùng lãnh thổ này (Ukraina) từng là tâm của hai cuộc thế chiến, vì một lý do đơn giản : Không có người dân, ngành nông nghiệp và nền công nghiệp Ukraina, nước Nga có lẽ sẽ chẳng bao giờ vươn lên vị thế đại cường. Và nếu như không có cường quốc Nga, thì có lẽ Đức đã thống trị châu Âu. »
Tham vọng đại cường của Putin
Và tham vọng trở lại thành đại cường đã từng được ông Vladimir Putin nói đến năm 2007, cũng tại Hội nghị An ninh Quốc tế Munich, khi hàm ý với phương Tây rằng tiệc mừng hậu Xô Viết đã tàn. Nhật báo Công Giáo La Croix (17/02/2023) nhắc lại, trong một bài diễn văn làm lạnh gáy dài 20 phút năm đó, tổng thống Nga kịch liệt phản đối trật tự thế giới hậu Chiến Tranh Lạnh do Mỹ thống trị, việc mở rộng khối NATO sang các nước cựu thành viên Hiệp ước Vacxava và kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ngay sát biên giới nước Nga.
Lời lẽ hung hăng, nỗi hoài niệm của ông Putin về một « thời kỳ cân bằng của Chiến Tranh Lạnh » dù rất gây sốc nhưng lại không được một nước phương Tây nào quan tâm đến. Trong nhãn quan của phương Tây, Nga không còn là một cường quốc nữa. Ít có vị lãnh đạo nào hiện diện trong hội nghị năm xưa muốn nhận ra rằng Vladimir Putin và những người thân cận của ông ngay từ thời điểm đó đã xem Phương Tây như là một kẻ thù có quyết tâm làm suy yếu nước Nga.
Mười sáu năm sau, chiến tranh cường độ cao trở lại trên Lục Địa Già, làm tan vỡ mọi ảo tưởng của một châu Âu từng nghĩ rằng có thể xây dựng sự thịnh vượng cho mình nhờ vào khí đốt giá rẻ của Nga, giao thương với Trung Quốc và một sự bảo đảm an ninh vĩnh viễn từ Mỹ. Thomas Gomart cho rằng cuộc chiến tại Ukraina đâu chỉ mới bắt đầu từ năm qua mà trên thực tế đã bước sang năm thứ 9.
Và những phân tích sai lầm của châu Âu
Đó cũng là quãng thời gian phương Tây, đặc biệt là châu Âu đã có những phân tích sai lầm về chính trị, dẫn đến những thất bại về ngoại giao của Đức và Pháp trong những ngày trước khi xảy ra cuộc chiến. Trên đài RFI, Thomas Gomart giải thích :
« Bởi vì châu Âu đã đánh giá thấp, hay đánh giá sai tiến triển bản chất của chế độ Putin kể từ khi ông đặt chân vào điện Kremlin năm 2000. Trên thực tế, đó là một chế độ mà đối với họ chiến tranh là không thể tách rời. Một chế độ mà người ta quan sát từ hơn hai thập niên qua đã dần tự xây dựng một ý thức hệ chống lại phương Tây và kể từ giờ đặt cuộc xâm lược Ukraina trong một cuộc chiến chống phương Tây rộng lớn hơn. » (RFI 04/02/2023)
Sai lầm chính trị đã dẫn đến những tác động to lớn trên bình diện quân sự. Châu Âu giải trừ vũ khí trong vòng hai thế hệ, từ đầu những năm 1970, và sau ngày 11/09/2001. Thế nhưng, trong cùng thời gian này, nhiều tác nhân chiến lược khác như Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, thậm chí Ả Rập Xê Út và Ấn Độ lại ồ ạt tái vũ trang.
Hệ quả là, theo Thomas Gomart, « sự khác biệt này đến từ việc chiến tranh không nằm trong trường bận tâm của châu Âu nữa, nhưng chúng vẫn là mối quan tâm của nhiều tác nhân chiến lược khác. Ở đây có một kiểu trở lại với thực tế: dường như việc sử dụng vũ lực để làm thay đổi môi trường bên ngoài là lỗi thời đối với châu Âu, nhưng đối với các nước như Nga trong trường hợp này thì hoàn toàn là không. Sự khác biệt này là khó khăn cho châu Âu, bởi vì họ không được chuẩn bị cho điều đó và họ không hẳn phải có những nỗ lực cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa như là từ Nga. » (France 24 25/01/2023)
Chiến tranh không biết khi nào sẽ kết thúc, nhưng trong cuộc chiến này, châu Âu nói riêng và phương Tây nói chung bị đơn độc. Người ta còn nhớ tổng thống Nga, ngày 07/07/2022, trước các đại biểu của Duma, từng tuyên bố : « Chúng ta đã bắt đầu đập vỡ một cách dứt khoát thế thống trị của phương Tây trên thế giới ».
Phi phương Tây hóa
Đối với phương Tây, cuộc xâm lược của Nga không những đe dọa sự tồn vong của Ukraina với tư cách là một Nhà nước có chủ quyền, mà cả cho an ninh toàn châu Âu, cũng như nền tảng của trật tự thế giới. Điều quan trọng nhất chính là nguyên tắc không gây hấn và toàn vẹn lãnh thổ được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Michel Duclos, cựu đại sứ và cố vấn đặc biệt Viện Montaigne (Pháp) lưu ý « cuộc chiến tranh tại Ukraina còn báo hiệu hồi kết của sự ảo tưởng về một trật tự quốc tế tự do, nghĩa là một trật tự do các cường quốc phương Tây thống trị ». Sự bất mãn này vốn dĩ đã có ngay từ những cuộc khủng hoảng đầu tiên như Irak, Libya, Syria rồi sau này là Ukraina … Trong những hồ sơ này, Ấn Độ và Brazil đều vắng mặt.
Trên đài France Inter (13/02/2023), Michel Duclos nhận định cuộc chiến tranh này là chiếc gương phản chiếu hiện tượng phi phương Tây hóa tại phần lớn « các nước phương Nam ».
Ông nói : « Qua những chia rẽ về hành động xâm lược của Nga, về cơ bản, còn có một sự bất đồng liên quan đến chính nguyên tắc trật tự quốc tế, nghĩa là bản Hiến chương của Liên Hiệp Quốc. Chúng ta tự cho rằng văn bản này đã bị vi phạm một cách không thể chấp nhận và trước sự việc này cần phải hành động.
Nhưng nhìn từ các nước phương Nam, trên thực tế, đó chỉ là một giai đoạn trong số các giai đoạn khác kéo theo nhiều sự vi phạm khác, ban đầu là từ Mỹ và phương Tây và về cơ bản, điều đó có nghĩa là không ai tin vào những nguyên tắc nền tảng cho đến nay nhìn bề ngoài trông có vẻ giống như một trật tự, giống như một cấu trúc cho đời sống quốc tế. »
Các nước phương Nam và sự oán hờn phương Tây
Chính trong sự oán hờn phương Tây này mà các nước South Global (Sud Global), tức các nước đang phát triển, xem chiến tranh tại Ukraina chỉ là một « cuộc chiến giữa những nước châu Âu », « một màn trình diễn khá xa lạ và phần lớn các nước không muốn xen vào ». Cảm xúc này được thể hiện rõ qua các ngôn từ. Phương Tây bị chỉ trích là can thiệp, hay đặt điều kiện trong những khoản hỗ trợ. Các phát biểu luôn bị đánh giá « sặc mùi » chủ nghĩa tân thực dân. Đây chính là những điểm mà nhà nghiên cứu thuộc viện Montaigne cho rằng phương Tây cần phải lưu ý :
« Ở đây, chúng ta cần phải hết sức thận trọng do việc Trung Quốc, hay nhiều nước xuất khẩu dầu hỏa có khả năng tập hợp thành một liên minh để chống phương Tây bằng cách khai thác tâm lý oán giận đó. Và đây cũng chính là những gì bản thân Nga đã vun đắp từ nhiều năm nay và trong chừng mực nào đó, một kiểu trung lập, thậm chí lòng nhân từ tại một số đông các nước phương Nam. Đây là một phần kết quả của sự đầu tư mà Nga đã gầy dựng bằng cách khai thác cảm xúc oán hờn chống phương Tây. »
Michel Duclos, tác giả tập sách « Chiến tranh Ukraina và trật tự thế giới mới. 22 quan điểm quốc tế sau cuộc xâm lược của Nga » (Guerre en Ukraine et nouvel ordre du monde. 22 regards internationaux après l’agression russe – NXB Observatoire, 2023), cuộc xung đột Nga - Ukraina cho thấy rõ một thực tế : Một mặt, khi không ngừng ủng hộ Matxcơva về mặt chính trị, nhưng cho đến lúc này vẫn tránh được các trừng phạt của Mỹ bằng cách kềm chế hỗ trợ kinh tế và quân sự, rõ ràng Trung Quốc là đối tác chiến lược của Nga.
Mặt khác, cuộc chiến Ukraina đang tạo thành một « thời điểm để tự khẳng định » cho những nước có thể được gọi là các cường quốc tầm trung như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út hay Ấn Độ. Tầm quan trọng về kinh tế và dân số mà những nước này có được cho phép họ tăng cường quan hệ kinh tế với Nga mà không lo sợ bị phương Tây trả đũa. Chỉ có điều khi cung cấp « quả bóng dưỡng khí » cho Nga, những nước này cũng đang góp phần làm suy yếu chiến lược của phương Tây cô lập và làm suy yếu nước Nga!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét