Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 17 tháng 02 năm 2023

Quê Hương tổng hợp

Gạo Việt Nam xuất khẩu gạo sang Philippines sẽ giảm trong năm nay

17/02/2023

Gạo Việt Nam xuất khẩu gạo sang Philippines sẽ giảm trong năm nay

Công nhân chất gạo vào nhà máy xay ở Cần Thơ (minh hoạ) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Gạo Việt Nam xuất sang Philippines trong năm nay sẽ giảm vì vấn đề sản lượng. Do đó, dự kiến số gạo Philippines nhập từ Thái Lan sẽ tăng gấp đôi trong năm nay.

Mạng Nikkei Asia loan tin ngày 16/2, dẫn nguồn từ Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan như vừa nêu.

Số liệu cho thấy diện tích gieo trồng cho mùa vụ 2022-2023 của Việt Nam giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Như thế, sản lượng sẽ giảm tương ứng 1% xuống còn 27 triệu tấn. Nhu cầu tiêu thụ nội địa không thay đổi ở mức 21,5 triệu tấn; chỉ còn chừng sáu triệu tấn cho xuất khẩu. Số xuất khẩu của năm 2022 là 7,1 triệu tấn.


Trong khi đó, sản lượng gạo vụ mùa 2022-2023 của Thái Lan đạt hơn 20 triệu tấn. Nhu cầu nội địa là 12 triệu tấn, số còn lại dành cho xuất khẩu.

Thống kê của Bộ Nông Nghiệp Philippines cho thấy nước này vào năm ngoái nhập 3,7 triệu tấn và là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới. Nhu cầu nội địa là 15,8 triệu tấn, trong khi năng lực sản xuất gạo của Philippines chỉ ở mức 12,4 triệu tấn trong năm nay. Lý do vì thiên tai, lũ lụt.

Năm 2022, Việt Nam chiếm 90% lượng gạo nhập vào Philippines.

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bàn, ghế từ Trung Quốc

17/02/2023

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bàn, ghế từ Trung Quốc

Công nhân làm việc trong một xưởng sản xuât đồ nội thất ở Hà Nội (minh hoạ) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Bộ Công thương Việt Nam vừa có quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm bàn, ghế nhập từ Trung Quốc.

Cục Phòng vệ Thương Mại thuộc Bộ Công Thương loan tin vừa nêu ngày 17/2. Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng đối với sản phẩm ghế là 21,4% và sản phẩm bàn là 35,2%. Đây cũng là mức thuế chống bán phá giá tạm thời mà Bộ Công thương Việt Nam áp đối với sản phẩm bàn, ghế Trung Quốc từ ngày 30/9/2022.

Quyết định của Bộ Công thương Việt  Nam được đưa ra sau quá trình điều tra vụ việc chống bán phá giá đối với sản phẩm bàn, ghế Trung Quốc nhập vào Việt Nam. Bộ này đã cùng các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc bán phá giá của sản phẩm nhập tác động đến ngành sản xuất trong nước và mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Mức độ bán phá giá của sản phẩm bàn, ghế Trung Quốc bị điều tra được xác định tương ứng với mức thuế áp như vừa nêu.

Vừa qua, sản phẩm bàn, ghế nhập từ Malaysia vào Việt Nam cũng bị điều tra chống bán phá giá; tuy nhiên Bộ Công thương Việt Nam không thấy bằng chứng nên chấm dứt điều tra.

Văn hoá VN: Suy nghĩ nhân một lần viếng núi Bà Đen

Tác giả, Nhà thơ Trần Tiến Dũng

17/02/2023

nui ba den

Nguồn hình ảnh, Trần Tiến Dũng

Thời hiện đại, ít còn ai tin điềm trời, điềm báo qua các hiện tượng lạ từ thiên nhiên. Nhưng ở một đất nước mà ý Đảng chuyên chính tuyệt đối hơn ý trời, thì có lẽ đừng nên tào lao bàn ra tán vào, cái nên làm là tách lột ý trời khỏi các hiện tượng lạ thường để mà tôn trọng thiên nhiên. 

Làm điều đó ít ra cũng không để mình bị lồng ghép, móm ý, xỏ mũi, dụ khị bởi các trò dị đoan - chính trị, trục lợi kinh doanh.

Tôn trọng các hiện tượng lạ thường mây tụ, mây phát sáng xuất hiện gần đây ở vài ngọn núi ở miền Đông Nam Bộ nhất là núi Bà Đen. Điều trước tiên mà người tỉnh táo cần nghĩ không phải là thánh nhân, vua chúa, lãnh tụ sẽ xuất thế mà chính là tín hiệu kêu cứu trong thực trạng bị hủy hoại của chính môi trường thiên nhiên không phải chỉ cho các nơi có hiện tượng lạ mà là cho khắp các cõi của xứ này.

Mấy ngày sau rằm tháng Giêng năm Quý Mão, tôi có dịp đến núi Bà Đen, thật lòng mà nói cái không gian du lịch - tâm linh nơi đây đã tươm tất vệ sinh hơn nhiều. Nhưng khi chưa kịp khen với các bạn trẻ cùng đi, thì đã phải đối diện với câu hỏi có tính phong thủy của một người trẻ:

“Sao người xưa không xây chùa, điện thờ trên đỉnh núi là lại xây ở lưng chừng núi?” 

Đây là một câu hỏi lý giải kiểu nào cũng được, vì núi thiêng vốn không cần chùa hay điện thờ của con người, nên trò chơi thần thánh của con người từ hình thức đã là giả tạo, từ nội dung là thùng rác vứt bừa nỗi sợ, hái lượm lòng tham. 

Nhưng người xưa xây điện thờ vẫn có phần ý thức thấu hiểu đạo lý với cõi trên, cõi cao mà tránh đem ba cái mớ hỗn và tạp của con người lên đỉnh núi; chỉ lập thế lưng chừng tọa sơn, dựa đỉnh mà bày nguyện đức tín - tín ngưỡng của mình.

nui Ba Den

Nguồn hình ảnh, Trần Tiến Dũng

Sự tôn trong đó nếu không được thần thánh chứng giám thấu hiểu thì ít ra cũng tự trấn an được sự yếu đuối. Sự tôn trọng đó ít ra cũng là phần ý thức biết chừa ra một chỗ nguyên bản thiên nhiên, tinh khiết không khí, sạch sẽ từ ngọn cỏ, sương mai, hòn đá, gió, nắng sớm chiều.

Ngày nay tư bản đỏ, đám vốn chỉ có thứ thánh thần duy nhất là Đảng quyền và lợi nhuận đem xây tượng thờ lớn, làm cáp treo, cất chỗ vui chơi, quán hàng ngay trên chót đỉnh…

Cứ vậy là dòng người trả tiền để được lên đỉnh để được dự trò chơi - thần thánh do các đám tư bản đỏ bày ra, rồi cùng ăn rồi tè, ị tha hồ, vậy các hiện tượng ý trời, điềm báo, thiên cơ... chỉ để thêm phần tự sướng cá nhân và tập thể.

Tất nhiên tượng thần thánh thì không cần toilet nhưng nhà nghỉ, hàng quán cho con người thì cần, vậy nên, nếu xứ đất có thiêng, núi có linh, điềm báo mây tụ, hào quang... sinh ứng nghiệm nhân vật này, quyền lực nó, tư bản kia đi chăng nữa thì cũng nhiểm tạp dơ bẩn, xú uế, dung tục hóa, xúc phạm năng lượng linh thiêng mà chóng sụp đổ, lụi tàn. 

Lúc tôi viếng điện thờ Bà Đen cũ xưa trên lưng chừng núi, thấy trơ trơ cảnh chốn linh, nơi trọng, chỗ nguyện đang ở dưới mông, dưới chân dòng người đi cáp treo lên chót đỉnh núi; tôi chợt nghĩ không biết lần sau đến đây mình có nên mua vé cáp treo lên đó không? 

Làm việc đó có nên không?

Bài đã đăng trên Facebook cá nhân của tác giả

‘Ngày tận thế’ sẽ đến nếu không tăng giá điện

Ông Tư Sài Gòn /SGN
16/02/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/02-ngay-tan-the-4.png

Biếm họa: DAD/Tuổi Trẻ 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại tiếp tục “điệp khúc” xin tăng giá điện, khi ước tính lỗ lũy kế hai năm (2022-2023) gần 99,000 tỉ đồng, có thể mất cân đối tài chính, dòng tiền, nếu giá điện không thay đổi.

Chỉ mới cuối Tháng Giêng, EVN “ngồi bấm đốt ngón tay” tính sẽ lỗ lũy kế hai năm 2022-2023 là 93,817 tỷ đồng. Giờ tiếp tục rảnh rỗi, mấy cụ ngồi bấm lại, thêm 6 ngàn tỷ nữa vào số sẽ lỗ cho gần 4 ngàn tỷ hơn một chút.

Cách tính lại của mấy cụ này cũng là chiêu trò cả đấy. Ý đánh tiếng rằng nếu “chính phủ không cho tăng giá điện ngay, thì chỉ tuần sau thôi, chúng tôi tiếp tục bấm qua đốt ngón chân, có lẽ số lỗ tương lai sẽ vượt qua 4 ngàn tỷ như chơi!”

Các cụ nói tại vì nửa tháng qua, đồng đô la tăng giá nên phải tính lại. Năm 2023 dự đoán sẽ rất khó khăn vì khủng hoảng năng lượng diễn ra trên khắp thế giới, cân đối tài chính ngày càng khó do tiếp tục chịu ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào.

Đổ thừa tại hoàn cảnh dễ như thế thì chắc tôi xin chính phủ cho các cụ về làng, bày tiệc rượu rồi nói phét cho con nít nghe. Có khó khăn mới biết tài kinh bang tế thế của các cụ như thế nào, chứ cái trò tăng giá đầu ra thì mấy thằng cháu chạy xe ôm công nghệ cũng biết tăng.

Giờ thì nhiều thằng cháu chạy xe ôm công nghệ giỏi ra phết chứ chẳng đùa. Mười thằng hết chín thằng tốt nghiệp đại học loại… giỏi, chứ đâu như các cụ lãnh đạo chỉ có cái bằng “đểu”.

Trở lại chuyện “cảnh báo” của các cụ ngồi ở phòng lạnh EVN mà nhìn thấy tương lai một màu xám xịt đúng kế hoạch. Theo tính toán chi tiêu và các nguồn thu của các cụ thì đến cuối Tháng Năm, EVN sẽ hết tiền tiêu. Bắt đầu từ Tháng Sáu, EVN sẽ thiếu hụt tiền thanh toán là 3,730 tỉ đồng và đến Tháng Mười Hai 2023 sẽ thiếu hụt 28,206 tỷ đồng.

Và lời “cảnh báo” được chốt lại là khi chi phí không đủ bù đắp, EVN lo ngại sẽ gây nên tình trạng mất cân đối dòng tiền, nhiều hệ lụỵ nghiêm trọng không chỉ trong ngành điện lực, mà cho cả xã hội.

Báo Lao Động trích lời ông Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nói ừ thì tăng giá điện là đúng rồi, nhưng trước hết EVN phải nộp cho bộ báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và kiểm toán tài chính của tập đoàn này cùng các đơn vị thành viên, để bộ xem các cụ EVN làm ăn thế nào, có tiêu vung tay quá rồi giờ muốn tăng tiền điện để dập vào các khoản chi vô tội vạ kia hay không.

Nghe nói các cụ EVN đang ngồi trong phòng lạnh, răng đánh bò cạp, gáy lạnh toát mà hai bên nách lại ướt đẫm mồ hôi, chẳng hiểu bệnh gì.

Ông Diễn nói đâu phải EVN muốn tăng tiền điện là chúng tôi cho tăng theo yêu cầu của các cụ được. Tăng thì đồng ý, nhưng phải tính toán đến tác động lạm phát, rồi tính đến sức của người dân thế nào, chứ bóp họng họ chặt quá họ đá cho dập… bộ hạ.

Bất chợt ông chuyên gia chính sách công Nguyễn Minh Đức từ đâu thò đầu vào nói “việc tăng giá điện là điều bắt buộc”.

Nhận định của ông Đức cực kỳ mạnh mẽ khiến nhiều người dân phải thốt lên câu “Tiên sư ông, tại sao bắt buộc?”, còn mấy cụ EVN nở nụ cười nham nhở, rồi đưa tay lên cằm tính vuốt râu, dù biết ở trên đó chẳng có cọng râu nào mọc được trên bản mặt thớt đó cả.

Ông Đức nhẩn nha phân tích cục diện “ngày tận thế” sẽ đến nếu không cho EVN tăng giá điện như thế này:

Trước hết EVN sẽ giảm lương công nhân, giảm xong vẫn không phát lương mà nợ lại, vì không có tiền. Các nhà máy điện sẽ ngưng hoạt động vì không có tiền mua than, khí để chạy máy, dẫn đến việc phải cắt giờ làm, rồi cho công nhân nghỉ việc. Cuối cùng, công nhân mất việc về nhà với tờ giấy các nhận công ty nợ lương, chờ khi nào tăng được giá điện có tiền sẽ trả.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/02-ngay-tan-the-3.jpg

Biếm họa: DAD/Tuổi Trẻ 

Ông Đức “vẽ đường cho hươu chạy” cực kỳ hiểm ác. Chỉ một chiêu đó thôi đủ cho công nhân hết than vãn, người dân hết trách móc giá điện tăng.

Chưa hết, do không có tiền vì lúc nào cũng lỗ chỏng gọng, EVN sẽ hết tiền đầu tư, hạ tầng xuống cấp, không có nguồn điện mới bổ sung vào hệ thống. Lúc này chắc mỗi nhà chỉ được xài một bóng đèn quả ớt, không máy lạnh, máy nước nóng, không tivi, không coi phim, không chơi game,… vì dòng điện chập chờn như ma trơi.

Tình hình lúc đó sẽ y như ngày tận thế, con người sẽ đầu bù tóc rối vì không có máy sấy tóc, chải tóc, uốn tóc; áo quần nhầu nhĩ vì không được ủi; hàng loạt xe điện sẽ phải nằm vạ vì các trạm sạc pin không có điện để chạy,… Nói chung tình hình rất bi đát, hoang dại như ngày tận thế.

Có người phản biện rằng tăng giá điện giống như châm lửa một dây pháo, hàng loạt mặt hàng khác sẽ nổ đùng đùng tăng giá theo, dân làm sao chịu nổi với giá cả cứ tăng vọt như pháo thăng thiên như thế. “Nếu các cụ EVN cứ ngồi đó hưởng lộc, rung đùi rồi cứ mỗi năm phán phải tăng giá điện là xong nhiệm vụ thì xin mời các cụ về nghỉ. Thế là chúng tôi mang ơn các cụ lắm rồi, không dám đòi hỏi gì hơn”.

Chuyện giá điện còn dài lắm. Rồi cuối cùng họ cũng sẽ tăng giá thôi, cãi nhau chẳng qua chỉ để làm màu với dân thôi. Thử hỏi, nếu tăng giá điện thì dân chết trước, còn không tăng giá thì họ chết trước, nhắm mắt cũng biết họ chọn đường nào rồi.

https://saigonnhonews.com

Băng tan làm nước biển dâng ảnh hưởng đến hàng triệu người dân vùng ven biển

17/02/2023

Băng tan làm nước biển dâng ảnh hưởng đến hàng triệu người dân vùng ven biển

Ngư dân làm việc trên bờ biển ở Đà Nẵng (minh hoạ) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Các tảng băng lớn ở vùng Greenland và Nam Cực sẽ có nhiều khả năng tan vỡ thêm nữa khi nhiệt độ trái đất tăng thêm nửa độ C làm ảnh hưởng đến hàng triệu người dân sống ở vùng ven biển trong đó có Việt Nam.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học từ Hàn Quốc và Mỹ cho thấy mối nguy về mực nước biển tăng sẽ diễn ra trong vòng vài thế kỷ và mức độ ảnh hưởng lớn hơn so với dự đoán trước đó.

Theo nghiên cứu này, số người được dự đoán bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng cao thấp hơn so với thực tế lên đến hàng chục triệu người. Nguyên nhân là do dữ liệu vệ tinh đọc không rõ và việc thiếu các nguồn khoa học ở các nước đang phát triển.

Cho đến lúc này, các mô hình khí hậu vẫn dự đoán sai về mức độ nước tan ra từ các tảng băng lớn đóng góp vào mực nước biển tăng vì chỉ đánh giá tác động một chiều do nhiệt độ tăng trên băng mà không thấy được sự tương tác phức tạp giữa môi trường, biển, và băng.

Dự báo xấu nhất có thể xảy ra là việc phát thải khí từ sinh hoạt của con người và tự nhiên tiếp tục tăng, lượng băng tan có thể làm nước biển dâng thêm 1,4 mét.

Một nghiên cứu khác công bố hồi tuần trước cho thấy nước biển dâng sẽ phá huỷ đất đai canh tác, nguồn nước ngọt và khiến hàng triệu người phải dời đi sớm hơn dự kiến.

Các vùng dễ bị ảnh hưởng nhất là Bangladesh, Pakistan, Ai Cập, Thái Lan, Nigeria và Việt Nam. 

Cam sánh rớt giá thảm hại, có thương cũng không có sức giải cứu

Lê Thiệt /SGN
16/02/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/04-giai-cuu-cam-sanh-1.jpg

Cam sành Vĩnh Long được bán giải cứu với giá 8.000 đồng/kg tại Sài Gòn – Ảnh: VTC News 

Đây là mùa cam sành điêu đứng nhất trong nhiều năm qua, khi giá cam sành từ 25.000-30.000 đồng/kg rớt xuống chỉ còn 5.000-10.000 đồng/kg.

Trong khi đó, sầu riêng, và thanh long tăng giá mạnh.

Theo ghi nhận của Zing tại các chợ Tân Quy, chợ Tân Mỹ (quận 7), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)…, hàng loạt điểm bán cam sành đang đưa ra mức giá chỉ 5.000-12.000 đồng/kg.

Những người bán cam tại chợ Tân Quy, chợ Tân Mỹ (quận 7), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)…, đều cho biết đây là mức giá… rẻ như bèo.

Dạo một vòng trên các chợ mạng xã hội những ngày này cũng không khó bắt gặp các dòng trạng thái “giải cứu cam sành”. Theo chị H.N, một người bán hàng online, giá cam tại vườn hiện chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng/kg, chưa bao gồm công hái và vận chuyển. Chị nói:

“Tôi đang bán giá 7.000 đồng/kg, đã bao gồm tiền hái và công vận chuyển về Sài Gòn. Với mức giá này thực tế không có lời lãi gì, tôi chỉ góp sức hỗ trợ bà con nông dân tỉnh Vĩnh Long”.

Một số siêu thị lớn như GO!, Big C đang thu mua trực tiếp cam sành từ các hộ nông dân, hợp tác xã tại Vĩnh Long với giá 10.000 đồng/kg mà không qua thương lái. Giá bán “giải cứu” tại Sài Gòn là 10.900 đồng/kg đã bao gồm chi phí vận chuyển; tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên là 12.900 đồng/kg.

Trong khi đó, sàn thương mại điện tử Lazada mới đây cũng phối hợp cùng Foodmap đưa mặt hàng này lên bán với giá 10.000 đồng/kg. Đại diện Lazada cho biết chỉ trong vòng 2 giờ từ lúc mở bán, gian hàng chính hãng trên sàn đã bán hơn 1 tấn cam sành.

Tuy có cố gắng giúp đỡ bà con nông dân, như do số lượng cam sành nhiều quá, nên có thương cũng không có sức giải cứu.

Tại sao cam sành rớt giá?

Ông Nguyên Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng đó là hậu quả của sự phát triển ồ ạt, “khi giá đắt thì đua nhau trồng, không theo quy hoạch của cơ quan chức năng dẫn đến khủng hoảng thừa”.

Mấy năm trước, giá cam sành tăng quá cao, có thời điểm lên đến 35.000 – 40.000 đồng/kg, khiến nông dân mê quá, chặt cây cũ chuyển qua trồng cam sành, nên diện tích trồng vượt quy hoạch. Lúc đó ai nói gì cũng chẳng nghe, ngay cả khi Cục Trồng trọt sau khi khảo sát đã cảnh báo trong năm 2018 rằng tình trạng phát triển “nóng” cam sành sẽ phải trả giá, nhưng không ai nghe, vì họ nghĩ đến lợi nhuận quá lớn.

Một nguyên nhân khác cũng được ông Cường đề cập, là do cam sành chi tiêu thụ được trong nước. Năm nay do thời tiết lạnh hơn các năm nên nhu cầu mua cam sành về vắt nước uống cũng giảm nhiều.

Sau vụ rớt giá này, có thể sẽ có nhiều người chặt cam sành trồng cây khác, rồi sang năm, người tiêu thụ cả nước lại được dịp giải cứu một loại trái cây khác.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét