Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 24 tháng 02 năm 2023

Võ Thái Hà tổng hợp

Mỹ tài trợ thêm 2 tỉ đô la cho Ukraina, ban hành loạt trừng phạt mới với Nga

Thu Hằng /RFI

24/02/2023

Ngày 25/01/2023, từ Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo các khoản chi viện thêm cho Kiev trong cuộc chiến chống Nga xâm lược. REUTERS - EVELYN HOCKSTEIN 

Tròn một năm Nga tấn công Ukraina, sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh đối với Kiev vẫn không lay chuyển. Ngày 23/02/2023, Hoa Kỳ thông báo viện trợ quân sự thêm 2 tỉ đô la cho Ukraina, đồng thời tăng cường trừng phạt Nga. 

Thông báo viện trợ quân sự cho Ukraina được cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nêu trên đài truyền hình CNN. Ông không cho biết chi tiết về đợt viện trợ mới nhưng nhấn mạnh là Washington luôn tự hỏi làm thế nào để « cung cấp cho Ukraina những công cụ cần thiết để giành chiến thắng ».


Theo AFP, trong chuyến công du Kiev, tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa với đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky rằng Washington sẽ cung cấp « nhiều pháo hơn, nhiều đạn hơn, nhiều pháo Himars hơn », bổ sung cho những lời hứa giao thêm xe thiết giáp và xe tăng trước đó.

Đối với nước Nga xâm lược Ukraina từ một năm nay, « Hoa Kỳ sẽ triển khai nhiều biện pháp trừng phạt quan trọng nhắm vào những lĩnh vực trọng điểm mang lại thu nhập cho (tổng thống) Putin ». Tại buổi họp báo ngày 23/02, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết trong số các ngành nghề bị nhắm đến có lĩnh vực ngân hàng, ngành công nghiệp quốc phòng Nga và « nhiều thực thể ở các nước thứ ba » đã giúp Matxcơva lách các biện pháp trừng phạt được ban hành từ một năm qua.

Theo bà Karine Jean-Pierre, các nhà lãnh đạo nhóm G7 « sẽ đề cập đến việc tiếp tục hỗ trợ Ukraina như thế nào ». Tuy nhiên, bà không cho biết liệu các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có được các nước thành viên G7 áp dụng tương tự hay không.

Ngày 24/02, những xe tăng Leopard đầu tiên được Ba Lan hứa viện trợ đã được giao cho Ukraina. Theo Reutes, đích thân thủ tướng Mateusz Morawiecki đến Kiev, dự sự kiện mang tính biểu tượng, đánh dấu một năm Nga xâm lược Ukraina.

Tổng thống Vladimir Putin cam kết củng cố lực lượng hạt nhân Nga 

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/02/24-2-23.jpeg

Trong bài phát biểu nhân “Ngày Người bảo vệ Tổ quốc.” Ông nói Nga sẽ triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat, biệt danh “Satan 2.” Hôm thứ Ba, ông Putin đã rút khỏi New START, hiệp ước cắt giảm hạt nhân cuối cùng của Nga với Mỹ. Trong khi đó, Ukraine tuyên bố đã ngăn chặn các cuộc xâm nhập của Nga trên toàn chiến tuyến trước ngày kỷ niệm một năm Nga xâm lược vào thứ Sáu.

Nhìn lại một năm chiến sự Ukraine

Thứ Sáu này đánh dấu tròn một năm chiến tranh Ukraine, cuộc chiến đã đi ngược hoàn toàn với dự đoán. Quân Nga bị đánh bại xung quanh Kyiv, bị đánh tan rã ở Kharkiv, và thiệt hại lên đến 60.000 người. Giờ đây, Nga đang tiến hành một cuộc tấn công lớn ở miền đông Ukraine, trải dài từ Kupiansk ở tỉnh Kharkiv đến Vuhledar ở tỉnh Donetsk. Họ đang có những chiến thắng nhỏ; thành phố Bakhmut ở Donetsk có thể thất thủ trong vài ngày hoặc vài tuần tới.

Song cuộc tấn công không được như mong đợi. Nga có rất ít dự trữ và đang cạn kiệt đạn dược một cách nguy hiểm. Tranh cãi dữ dội giữa Wagner, nhóm lính đánh thuê đảm trách phần lớn chiến dịch Bakhmut, và giới lãnh đạo quân sự Nga đã bùng phát trong những ngày gần đây. Ukraine hy vọng khai thác được sự chia rẽ này bằng một cuộc phản công vào mùa xuân. Nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy Vladimir Putin sẽ từ bỏ cuộc chiến.

Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các chính phủ tôn trọng tự do tôn giáo sau phán quyết của tòa án Âu Châu ủng hộ Pháp Luân Công ở Nga 

Thứ sáu, 24/02/2023

Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các chính phủ tôn trọng tự do tôn giáo sau phán quyết của tòa án  u Châu ủng hộ Pháp Luân Công ở Nga

Bộ Ngoại giao tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 19/09/2018. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times) 


Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang kêu gọi tất cả các chính phủ tôn trọng tự do tôn giáo sau khi tòa án nhân quyền quốc tế của châu Âu ra phán quyết rằng lệnh cấm của Nga đối với các tài liệu Pháp Luân Công là bất hợp pháp. 

“Nói rộng hơn, chúng tôi phản đối mạnh mẽ các luật cản trở quyền tự do biểu đạt và tự do tôn giáo — các quyền được bảo vệ trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với The Epoch Times. “Chúng tôi lo ngại về bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn cản các cá nhân thực hành các quyền căn bản của họ và khuyến khích tất cả các chính phủ tôn trọng quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.” 

Phán quyết hôm 31/01 của Tòa án Nhân quyền Âu Châu liên quan đến một lệnh cấm của Nga có từ năm 2008 nhắm vào bốn tài liệu liên quan đến môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định có nguồn gốc từ Trung Quốc vốn đề cao những giá trị chân, thiện, và nhẫn. 

Trong số các tài liệu bị nhắm mục tiêu có cuốn sách chính của môn tu luyện này là “Chuyển Pháp Luân”, hai tài liệu quảng cáo giới thiệu môn tu luyện và quảng bá một cuộc biểu tình đốt đuốc Thế vận hội toàn cầu nêu bật những vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc cộng sản — khi đó chính quyền này đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic lần đầu tiên tại Bắc Kinh — và một báo cáo điều tra làm sáng tỏ nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức có hệ thống của chính quyền Trung Quốc. 

Trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008, các học viên Pháp Luân Công và các nhà hoạt động nhân quyền trên khắp Trung Quốc đã bị sách nhiễu hoặc bỏ tù. Ông Vu Trụ (Yu Zhou), một nhạc sĩ dân gian nổi tiếng, đã bị bắt trong cuộc càn quét này và tử vong vài ngày sau khi bị bắt. Vợ ông, bà Hứa Na (Xu Na), một họa sĩ, hiện đang thụ án 8 năm tù vì thực hành đức tin của mình và chia sẻ những bức ảnh liên quan đến COVID với The Epoch Times trong bối cảnh Bắc Kinh đàn áp mạnh mẽ thông tin về đại dịch hồi năm 2020. 

Học viên Pháp Luân Công Hứa Na trong một bức ảnh không có ngày tháng. (Ảnh: The Epoch Times)

Học viên Pháp Luân Công Hứa Na trong một bức ảnh không có ngày tháng. (Ảnh: The Epoch Times) 

Cơ quan nhân quyền Âu Châu này nhìn nhận lệnh cấm của Nga đã vi phạm quyền tự do biểu đạt được bảo vệ trong Công ước Âu Châu về Nhân Quyền, khi được giải thích dựa trên quyền tự do tôn giáo cũng có trong hiến chương này. 

Phán quyết hôm 31/01 nêu rõ những tòa án Nga “đã không đánh giá được sự cần thiết của việc cấm những ấn phẩm liên quan đến bối cảnh những tài liệu này được phát hành, bản chất và câu từ, cũng như tác hại có thể có của những tài liệu này.” 

Ông Levi Browde, giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, đã hoan nghênh quyết định của tòa án Âu Châu, đồng thời cho biết thêm ông hy vọng điều đó sẽ “nhắc nhở chính quyền Nga rằng việc hợp tác với ĐCSTQ sẽ không bao giờ mang lại kết quả tốt.”

Ông nói với The Epoch Times, “Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận Moscow không phải là ĐCSTQ và vẫn nghĩ rằng chính quyền Nga có thể đi đúng hướng và không làm theo mệnh lệnh của ĐCSTQ trong việc đàn áp tự do tôn giáo.”

An Nhiên biên dịch

Tương lai chính sách tiền tệ của Nhật Bản

Thứ Sáu này thị trường sẽ có hai manh mối lớn về tương lai của chính sách kinh tế Nhật Bản. Đầu tiên là số liệu lạm phát tháng 1. Lạm phát cơ bản, loại trừ chi phí lương thực nhiều dao động, lên tới 4% trong tháng 12, cao nhất 41 năm qua. Song cho đến nay Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng dù các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đều tăng mạnh lãi suất. Thống đốc hiện tại của BOJ, Kuroda Haruhiko, đã nói Nhật cần tăng trưởng tiền lương bền vững trước khi giảm kích thích tiền tệ. Việc thắt chặt quá sớm có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái hoặc giảm phát.

Thị trường đang khiến BOJ phải trả giá. Tháng trước, họ đã mua một lô kỷ lục 24 nghìn tỷ yên (176 tỷ đô la) trái phiếu chính phủ để duy trì chính sách “kiểm soát đường cong lợi suất” quan trọng trong bộ công cụ nới lỏng. Người kế nhiệm ông Kuroda, học giả được kính trọng Ueda Kazuo, sẽ lên tiếp quản mớ hỗn độn này vào tháng 4. Manh mối thứ hai về tương lai kinh tế của Nhật Bản sẽ được chính ông công bố vào cuối ngày thứ Sáu tại các phiên điều trần xác nhận ở quốc hội, lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên của ông kể từ khi nhận đề cử.

Telecom Italia xem xét đề nghị mua lại từ KKR

Các vấn đề của Telecom Italia khởi nguồn từ hơn hai thập niên trước. Vào năm 1999, Olivetti, một công ty viễn thông nhỏ hơn, đã mua lại hãng viễn thông quốc gia của Ý (còn được gọi là TIM) bằng đòn bẩy tài chính. Hậu quả là TIM phải chịu những khoản nợ khổng lồ, vốn lên tới 25,5 tỷ euro (27,1 tỷ USD) tại thời điểm hiện tại. Liệu một thỏa thuận khác có thể đảo ngược tình hình?

Hội đồng quản trị của TIM sẽ họp vào thứ Sáu để thảo luận về lời đề nghị của KKR, một nhà đầu tư cổ phần tư nhân của Mỹ. KKR muốn mua lại cơ sở hạ tầng điện thoại cố định của công ty với giá 20 tỷ euro. Nhưng KKR phải thuyết phục được các bên hữu quan. Công ty đầu tư Vivendi của Pháp nắm giữ gần 1/4 cổ phần của TIM và muốn định giá 31 tỷ euro cho số này. Và chính phủ Ý, với quyền phủ quyết thỏa thuận trong tay, không thích ý tưởng về một công ty nước ngoài quản lý mạng lưới cơ sở hạ tầng viễn thông lớn nhất đất nước, dù có ấn tượng với tiền mặt của KKR. Họ có thể tìm cách mua cổ phần kiểm soát mạng lưới thông qua các công ty do nhà nước hậu thuẫn.

Mỹ có thể cấm một loại thuốc phá thai phổ biến

Mùa hè năm ngoái, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết rằng tính hợp pháp của phá thai thuộc quyền quyết định của các bang. Nhưng thẩm phán liên bang cấp quận vẫn có thể ban hành lệnh toàn quốc trong nhiều trường hợp. Một vụ kiện đang chờ xử lý ở Texas, với các bản tóm tắt cuối cùng sẽ được đệ trình vào thứ Sáu, có thể dẫn đến việc thu hồi mifepristone khỏi hiệu thuốc trên khắp nước Mỹ, chiếm một nửa của chế độ điều trị hai loại thuốc mà phụ nữ thường dùng để chấm dứt thai kỳ trong ba tháng đầu.

Nguyên đơn, một nhóm y tế cánh hữu, tuyên bố rằng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chưa bao giờ điều tra đầy đủ về độ an toàn của mifepristone. FDA bác bỏ cáo buộc. Họ nói đã chứng minh trong hơn hai mươi năm qua là mifepristone không có hại. Quyền quyết định giờ đây thuộc về Matthew Kacsmaryk, một thẩm phán ở Texas do Donald Trump bổ nhiệm có thành tích bảo thủ cả trong và ngoài vị trí thẩm phán. Nếu ông đảo ngược quyết định cấp phép của FDA, phương pháp phá thai được dùng bởi hơn một nửa số phụ nữ Mỹ muốn chấm dứt thai kỳ sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Và Tòa Phúc thẩm số 5 hay Tòa Tối cao không nhiều khả năng sẽ phán quyết khác đi.

Mỹ huấn luyện quân đội Đài Loan đối phó Trung Quốc

Bình Phương /SGN
23 tháng 2, 2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/GettyImages-1243010317.jpg


Binh sĩ Đài Loan tập trận bắn đạn thật với pháo binh và xe tăng hồi tháng Chín năm ngoái giữa lúc sức ép quân sự của Trung Quốc gia tăng sau chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi ấy, bà Nancy Pelosi. Ảnh Ceng Shou Yi/NurPhoto via Getty Images 

Mỹ sẽ gia tăng số binh sĩ được bố trí ở Đài Loan để thúc đẩy chương trình huấn luyện cho quân đội của hòn đảo này trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Báo The Wall Street Journal ngày 23 tháng Hai 2023 dẫn nguồn từ các quan chức Mỹ cho biết, Hoa Kỳ có kế hoạch triển khai từ 100 đến 200 binh sĩ đến Đài Loan trong vài tháng tới, tăng gấp bốn năm lần so với khoảng 30 binh sĩ ở đây một năm trước. Nhiệm vụ của lực lượng này là mở rộng một chương trình huấn luyện mà Ngũ Giác Đài không muốn công khai nhằm cung cấp cho Đài Bắc những khả năng cần thiết để tự vệ mà không khiêu khích Bắc Kinh.

Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng, số binh sĩ gồm các lực lượng đặc nhiệm và Thủy quân lục chiến Mỹ tại Đài Loan đã gần như không thay đổi trong vài năm qua nhưng sự gia tăng lần này được cho là để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Ngoài huấn luyện ở Đài Loan, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Michigan cũng đang huấn luyện một đội quân của quân đội Đài Loan tại Trại Grayling ở phía bắc tiểu bang Michigan.

Cuộc huấn luyện mở rộng này là một phần trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm giúp cho đảo quốc tự trị này chuẩn bị ngăn chặn một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Trung Quốc. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết việc mở rộng đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng, trước khi quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc lại lao dốc trong tháng này sau khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay ngang qua Bắc Mỹ trong hơn một tuần trước khi bị Không quân bắn hạ.

Sau khi được tăng cường sức mạnh trong nhiều thập niên, quân đội Trung Quốc (PLA) đang ngày càng tổ chức nhiều cuộc diễn tập gây hấn, gửi máy bay và chiến hạm đến gần Đài Loan. Sau khi Nga thực hiện cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tăng gấp đôi nỗ lực để giúp Đài Loan áp dụng cái mà một số chuyên gia quân sự gọi là chiến lược “con nhím”, tập trung vào các chiến thuật và hệ thống vũ khí khiến hòn đảo này khó bị tấn công hơn. Các binh sĩ Mỹ bổ sung tới Đài Loan sẽ được giao nhiệm vụ huấn luyện lực lượng Đài Loan không chỉ về các hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ mà còn về các chiến thuật quân sự để chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng hôm thứ Sáu 24 tháng Hai 2023 xác nhận việc đưa quân đội Đài Loan tới Hoa Kỳ huấn luyện, cho biết các khóa huấn luyện nâng cao sẽ được tiến hành ở cấp tiểu đoàn, tập trung vào các chiến thuật như hoạt động tham mưu và triển khai binh lính, nhưng ông Chiu không cho biết chi tiết về số lượng quân chính xác mà Đài Loan đang gửi tới Mỹ.

Bắc Kinh đã lo lắng trước sự phối hợp chặt chẽ hơn của Hoa Kỳ và Đài Loan trong lĩnh vực quốc phòng, cáo buộc Washington phá hoại các cam kết trước đây nhằm duy trì quan hệ không chính thức với Đài Bắc. Khi tờ The Wall Street Journal đưa tin lần đầu tiên vào năm 2021 về việc một đội quân nhỏ của Mỹ huấn luyện lực lượng Đài Loan trước đây chưa được công khai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ thực hiện các bước không xác định để bảo vệ lợi ích của mình.

Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cơ quan chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương, từ chối bình luận. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc từ chối bình luận về các lực lượng bổ sung. “Chúng tôi không có bình luận nào về các hoạt động, giao tranh hoặc huấn luyện cụ thể, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của chúng tôi và mối quan hệ quốc phòng với Đài Loan vẫn liên kết chống lại mối đe dọa hiện tại do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gây ra,” Trung tá Marty Meiners, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết. “Cam kết của chúng tôi với Đài Loan là vững chắc và góp phần duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và trong khu vực.” Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cũng đưa ra phản hồi tương tự.

Trong một tuyên bố ngắn, Văn phòng đại diện của Đài Loan tại Washington cho biết: “Trong nhiều thập niên, Đài Loan và Hoa Kỳ đã phối hợp chặt chẽ về các vấn đề liên quan đến phòng thủ và duy trì hòa bình ở eo biển Đài Loan”, nhưng không bình luận gì thêm về chương trình đào tạo phối hợp giữa hai nước.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc và thề sẽ kiểm soát hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết, trong khi Washington cam kết hỗ trợ Đài Loan duy trì hệ thống phòng thủ theo luật pháp Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện quân sự lớn ở Đài Loan trong phần lớn thời gian Chiến tranh Lạnh. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1979, Washington đã đồng ý cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan, chấm dứt thỏa thuận quốc phòng và rút lực lượng khỏi hòn đảo này.

Chiến dịch gây áp lực quân sự mạnh mẽ hơn của Trung Quốc và các động thái của Mỹ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo trong những năm gần đây đã làm gia tăng căng thẳng. Các quan chức quốc phòng và tình báo Hoa Kỳ đã nói rằng Bắc Kinh đã đặt mục tiêu cho quân đội Trung Quốc chuẩn bị cưỡng chiếm hòn đảo này vào năm 2027, mặc dù một số chuyên gia và quan chức tin rằng PLA có thể hành động sớm hơn thế.

https://saigonnhonews.com

Chính quyền Trung Quốc ngăn chặn người dân truy cập vào ChatGPT

Liên Thành 

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/02/anh-chup-man-hinh-2023-02-24-luc-20702-ch-700x366.jpg

Theo báo cáo của tờ Nikkei Asia, Bắc Kinh đã liên hệ với những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc để ngăn chặn người dân đại lục truy cập vào các dịch vụ ChatGPT.

Công ty công nghệ Tencent và Tập đoàn dịch vụ tài chính Ant Group đã được ra lệnh không cung cấp quyền truy cập trực tiếp hoặc gián tiếp vào chatbot AI trên nền tảng của họ. Chính quyền Trung Quốc cũng yêu cầu các công ty trong nước thông báo nếu họ muốn tự tung ra phiên bản chatbot giống như ChatGPT.

OpenAI của Microsoft chỉ có thể được truy cập thông qua mạng riêng ảo (VPN). Người dùng cũng có thể dùng thử chatbot thông qua các dịch vụ truyền thông xã hội của bên thứ ba. 

Chatbot trí tuệ nhân tạo này đã gây bão trên toàn thế giới sau khi ra mắt. Do đó, một số gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã công bố kế hoạch tạo ra những chatbot AI của riêng họ, bao gồm Tencent, Alibaba, Baidu và NetEase.

Nhưng theo lệnh của chính quyền Trung Quốc, công ty Tencent đã rút lại một số dịch vụ của bên thứ ba và các bản sao của ChatGPT. Hiện tại công ty Baidu đang ở tuyến đầu, với chatbot mang tên Ernie Bot dự kiến sẽ ra mắt vào tháng tới. 

Ngành công nghệ Trung Quốc cũng không ngạc nhiên trước việc Bắc Kinh kiểm soát người dân sử dụng chatbot, do hệ thống kiểm duyệt nghiêm ngặt của nước này.

Một giám đốc điều hành từ một gã khổng lồ công nghệ giấu tên cho biết: “Ngay từ đầu, chúng tôi hiểu rằng ChatGPT không bao giờ có thể vào Trung Quốc do các vấn đề về kiểm duyệt và Trung Quốc 

sẽ cần các phiên bản ChatGPT của riêng mình”.
Trang tin công nghệ Hoa Kỳ “The Verge” lưu ý rằng các công ty công nghệ Trung Quốc đã phải sửa đổi trình tạo hình ảnh và các ứng dụng AI khác theo lệnh của ĐCSTQ. Chẳng hạn, một công cụ AI do Baidu giới thiệu không thể tạo ra các bức ảnh liên quan đến chủ đề nhạy cảm như Quảng trường Thiên An Môn.

Úc gửi máy bay không người lái cho Ukraine, áp đặt thêm lệnh trừng phạt lên Nga

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/Ukraine_Uc.jpg

Thủ tướng Úc Anthony Albanese đến thăm Kyiv (Ảnh chụp màn hình video) 

Hôm 24/2, nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Chính phủ Úc tuyên bố sẽ gửi thêm máy bay không người lái tới Ukraine để trợ giúp quốc gia Đông Âu này chống lại Nga, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính có mục tiêu mới đối với 90 cá nhân và 40 tổ chức của Nga.

Các mục tiêu mới nhất trong các lệnh trừng phạt của Úc bao gồm các bộ trưởng Nga phụ trách các lĩnh vực năng lượng, tài nguyên và công nghiệp, cũng như các tổ chức chủ chốt trong lĩnh vực quốc phòng Nga như nhà sản xuất vũ khí Kalashnikov Concern, công ty hàng không và quốc phòng Tupolev và hãng phát triển tàu ngầm Admiralty Shipyards.

Trong một thông báo, Thủ tướng Úc Anthony Albanese nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục sát cánh với Ukraine. [Các hệ thống bay không người lái] cung cấp năng lực tình báo, giám sát và trinh sát chiến trường cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.”

Ông không nói rõ bao nhiêu máy bay không người lái sẽ được giao, các mẫu máy bay liên quan, và liệu chúng có được trang bị vũ khí hay không.

Hàng chục nghìn thường dân Ukraine và binh sĩ của cả hai bên được cho là đã thiệt mạng và hàng triệu người buộc phải di tản kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022 mà ông gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” để loại bỏ nước láng giềng do những kẻ cực đoan lãnh đạo.

Tổng thống Putin đã đề cập đến kho vũ khí hạt nhân của Nga vào đêm trước ngày kỷ niệm một năm cuộc chiến tranh. Trong lúc đó, Hoa Kỳ và NATO cáo buộc Trung Quốc đang xem xét việc cung cấp vũ khí cho Nga, đối tác chiến lược của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.

Phát biểu với đài truyền hình ABC, Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết, bà sẽ kêu gọi Trung Quốc thực hiện các bước để giảm leo thang cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Úc là một trong các quốc gia không thuộc NATO có đóng góp lớn nhất trong sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine. Quốc gia này đã và đang cung cấp viện trợ, đạn dược và thiết bị quốc phòng cho Ukraine, đồng thời cấm xuất khẩu alumina và quặng nhôm, bao gồm bauxite, sang Nga.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bắt đầu, Úc đã cung cấp khoảng 500 triệu đô la Úc (340 triệu đô la Mỹ) để hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Úc cũng đã triển khai binh sĩ đến Anh để giúp huấn luyện các binh sĩ Ukraine ở đó, đồng thời đã trừng phạt hơn 1.000 cá nhân và tổ chức của Nga.

Nhà Trắng cho biết, Hoa Kỳ sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vào thứ Sáu (24/2), khi Tổng thống Joe Biden gặp trực tuyến các nhà lãnh đạo nhóm G7 và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Quốc Hùng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét