Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Nguồn thơ dậy lửa - Phần III - Kỳ 1

(Nỗi lòng của người Chưa Thua Cuộc)


Vĩnh Liêm/ Trần Việt Đạo


A picture containing graphical user interface

Description automatically generated


Nếu tính từ ngày 30-4-1975, một số người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đã sống qua 48 năm. Sống ở Mỹ đã 48 năm rồi thì chúng ta có cảm giác như thế nào? Chúng ta có nhớ quê hương hay không? Chúng ta có làm được điều gì để giúp đồng bào ở quê nhà sớm thoát khỏi ách kềm kẹp của bạo quyền CS hay không? Tôi thiết nghĩ rằng có thể đã có một số người làm được nhiều điều hữu ích cho đồng bào ruột thịt ở quê nhà. Riêng cá nhân Vĩnh Liêm thì chỉ biết dùng giấy bút để bày tỏ nỗi lòng trắc ẩn của mình qua những vần thơ. Nay, Vĩnh Liêm gom góp lại những bài thơ ấy, tạm gọi là “NGUỒN THƠ DẬY LỬA”. Tác giả chia nó làm 7 phần, sắp xếp theo những ý tưởng (chủ quan) như sau:

PHẦN I: GIẢI PHÓNG (những hành động đốt sách và kinh tế mới của VC…)

PHẦN II: CON ĐƯỜNG CỦA “BÁC” (những chiêu bài hòa đàm, hòa bình, hiệp định…)

PHẦN III: ĐỔI MỚI (những bùa phép, chính sách, bao cấp, cởi trói, kinh tế mới…)

PHẦN IV: ĐỊNH HƯỚNG (xã hội chủ nghĩa, quốc doanh, thị trường, sở hữu hóa toàn dân…)

PHẦN V: KẺ THÙ LỊCH SỬ (Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt, cán bộ VC cao cấp…)

PHẦN VI: GIỤC LÒNG ÁI QUỐC (nhắc nhở thanh niên lòng yêu nước)

PHẦN VII: THA THIẾT (nỗi lòng ái quốc đối với quê hương)

Xin mời quý vị ghé mắt qua những dòng thơ tạm gọi là “dậy lửa” do Vĩnh Liêm đã làm trong suốt 48 năm xa quê hương. 


(Thung lũng Liên-Sơn, 26-01-2023)

VĨNH LIÊM


-------------------

(Kỳ 1)


PHẦN III. ĐỔI MỚI (chính sách – bao cấp – cởi trói – đa nguyên đa đảng – kinh tế mới…)


1. ÐỔI MỚI



(Những con người của Đổi Mới - Từ phải sang trái:
Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng)

Ðảng “đổi mới” học đòi theo Sô-Viết,
Bởi đàn anh đã đổi cả Liên-Sô.
Nhưng nước ta tơi tả bởi giặc Hồ,
Nên “đổi mới” chỉ là trò lố bịch!


Từ “đổi mới” nghe thơm như múi mít,
Gạ quốc dân ăn bánh vẽ không ngừng.
“Ðổi mới” là tăng kềm kẹp kín bưng,
Ðảng vơ vét nhét vào cho nặng túi.

 

Nay “đổi mới” từ hạt cơm, bó củi…
Ðất phân chia bán rẻ cho thương nhân.
Mỗi đảng viên “xí” hết mọi cổ phần,
Dân ngửa cổ há hốc nhìn Ðảng trị.

 

Ðảng “móc ngoặc” các thành phần đồi trụy,
Ðể vơ vào cho nặng túi tham lam.
Ðảng là ai? – Toàn những bọn gian tham,
Mang mặt nạ Mác-Lê vờ đạo đức!


Từ nguồn gốc bần cố nông ấm ức,
Trả thù đời bị bạc đãi, rẻ khinh.
Khi nắm quyền, mặt khỉ cũng thay hình,
Rồi “lên lớp”, tỏ ra mình chữ nghĩa!



(Người Khôn “Đi Học”, thằng Ngu “Dạy Đời”)


Câu đạo lý thật vô cùng thấm thía!
Bởi đổi đời nên “tớ” nhảy làm “ông”.
Cán ngố xưa, nay “Giám Ðốc”, “Chủ Phòng”…
Xe bóng láng còn đèo bồng vợ bé.

 

Ðó, “đổi mới”: phải làm sao cho lẹ,
Vơ vét vào nặng túi để phòng thân.
Vì biết rằng Ðảng không được lòng dân,
Phải có lúc đổ nhào trông thê thảm.

 

Bọn cán bộ là những con “hùm xám”,
Ấy vậy mà khi đổ thật tan thương!
Vì ngày nay vận chúng đã cùng đường,
Nên cố gắng quơ quào cho kịp lúc.

 

Thật tệ hại! Ăn xin không biết nhục!
Bởi trông chờ ngửa cổ, há mồm sâu.
Mắt láu liên sợ Tư Bản đè đầu,
Mồm toe toét khoe tài nguyên sẵn có.


Dầu có sẵn sao Ðảng không chịu khó,
Bôm lên xài? Phải lạy lục ngoại bang?
Ngại khổ ư? Bọn cán ngố đầy đàng,
Quen rình rập làm nhân dân khốn đốn.

 

Vừa “đổi mới” mà quan tham bận rộn,
Liệu bao lâu thì cả nước trơ xương?
Thật đau lòng! Ôi Quốc Tổ Hùng Vương!
Kìa lũ bọ lên làm người trơ tráo!

 

Quốc dân hỡi! Lẽ nào luôn khổ não,
Gánh gông cùm mà ngậm miệng làm thinh?
Hỡi quốc dân! Nên sáng suốt trở mình,
Phá xiềng xích, lật bạo quyền đi chứ!

 

Phải đổi mới từ lòng dân, lê thứ…
Ðổi bạo quyền, đổi chủ nghĩa Mác-Lê.
Ðổi gian tham, nhũng lạm; đổi mọi bề…
Thì nước sạch, dân phú cường, hạnh phúc.



(Hình minh họa từ Internet)


Hãy đổi mới: rửa mối thù QUỐC NHỤC!

(Ðức Phố, 14-4-1993)

VĨNH LIÊM

----------------

2. DÂN NO NHỜ KHẨU HIỆU!

 

Bạn chịu khó đi từ Nam ra Bắc,

Ðếm giùm tôi những khẩu hiệu bên đường.

Có bao nhiêu khẩu hiệu thật thân thương?

Hay chỉ thấy toàn ngôn từ láo khoét?

 

Những khẩu hiệu nói sàm như con vẹt,

Trông nực cười vì hết sức lố lăng.

(Ngố vừa thôi! Sao ngố quá, mần răng?)

Làm cả nước ôm bụng cười ngặt nghẽo!

 

Tôi đã thấy dân ta đều dai, dẻo,

Bởi vì no nhờ khẩu hiệu đầy đường.

Mặc dù dân nghèo đói phải trơ xương,

Nhưng khẩu hiệu là bánh phồng thật lớn!


Vì khó nuốt, nếu nuốt vào đau đớn,

Nên ngậm cười cho bớt những cơn đau.

Ðói trơ xương mà vẫn phải gật đầu,

Khen “Bác, Ðảng” thật vô cùng “vĩ đại”!

 

Khen ngoài miệng, nhưng trong lòng lải nhải:

“Bọn cáo già thật chẳng biết hổ ngươi!”

Vì chúng đâu còn giống tính con người,

Chỉ đội lốt để làm điều mờ ám.

 

Chúng đã diệt những người mang chất xám,

Nên bây giờ cả nước phải lầm than!

Lẽ nào dân ta cứ mãi cơ hàn?

Ðể bọn quỷ-mang-mặt-người cai trị?

 

Câu giải đáp, xin mọi người tùy ý!

 

(Ðức Phố, 25-4-2003)

VĨNH LIÊM

----------------

3. MÁU


Máu là để nuôi người trong cơ thể,

Máu cũng là khí thế của con người.

Thế cho nên ta mới gọi máu tươi.

Còn máu nguội dành cho người đã chết.

 

Nhưng dẫu chết hay vẫn là chưa chết.

Thì xác người vẫn là xác mà thôi!

Việc thế gian, tiếng xấu vẫn muôn đời,

Không rửa sạch! Làm thế nào rửa sạch?

 

Máu đang sống, đừng bao giờ cưỡng bách,

Ðừng bao giờ bắt máu phải rời tim.

Máu luân lưu, máu sống phải đi tìm,

Nguồn cội phúc cho dân tình thoải mái.

 

Máu không sống trong châu thân bại hoại,

Nên lúc nào máu sôi sục, hờn căm.

Máu là dân, dân là máu, nhiều năm,

Vì chính nghĩa nên máu còn sống mãi.

 

Ðừng tự phụ như một loài nhai lại,

Chán lắm rồi! Bài bản có gì hay?

Nếu đã hay sao dân tộc ăn mày?

Dân chậm tiến vì Ðảng còn chậm tiến!

 

Nếu muốn sống thì Ðảng nên uyển chuyển,

Ðể cho dân chọn những thứ dân yêu.

Thì máu tươi vẫn hoạt động đều đều,

Dân không chết, đất Việt càng sáng chói.

 

Người yêu nước, hãy bình tâm tự hỏi,

Ta làm gì nên đất nước lầm than?

Lỗi lầm ta làm đất nước tan hoang,

Nên tư thú để cùng nhau cải tiến.


(Ðức Phố, 13-5-2003)

VĨNH LIÊM

----------------

4. HOAN HÔ THAM NHŨNG!

(Thân tặng ba nhà báo Trương Hoàng Long,

Ðinh Anh Tuấn và Lưu Ðức Toàn vừa bị Hà-Nội

tịch thu giấy phép hành nghề vì dám viết bài chống

cán-bộ Ðảng tham nhũng.)


Nạn tham nhũng đã trở thành quốc sách!

Sao bạn còn “hồ hỡi” chống làm chi?

Chống “Ðảng ta” thì bạn được lợi gì?

Hay giấy phép bị thu hồi tức khắc?!

 

Bạn nên biết Ðảng rất là nghiêm nhặt,

Với những người chuyên “vạch lá tìm sâu”.

Cán bộ ta nhờ tham nhũng mới giàu,

Nhờ giàu có Ðảng mới còn vững mạnh.


Ðảng còn mạnh vì có Nông Ðức Mạnh,

Dâng cho Tàu các phần đất thân yêu.

Cán bộ ta là cán bộ quan liêu,

Mặc dân đói, Ðảng chả cần biết tới.

 

Nạn tham nhũng khởi từ ngày đổi mới,

Ðổi mới đời cán ngố gốc khu đen.

Muốn làm giàu thì cán phải bon chen,

Cùng tham nhũng, cùng chia nhau địa vị…

 

Bạn đụng tới là bạn làm phật ý,

Những “đỉnh cao trí tuệ” ở Ba Ðình.

Dù chướng tai bạn cũng phải làm thinh,

Dù gai mắt bạn cũng đành nhắm mắt.

 

Tốt hơn hết, bạn hãy nên dè dặt,

Muốn sống còn, bạn hãy vuốt theo đuôi.

Cứ hoan hô tham nhũng đến muôn đời,

Ðảng thấy thế khen bạn là “yêu nước”.


Ðảng cai trị làm người dân khiếp nhược,

Dù sai lầm cũng phải vỗ tay khen.

Nên người ngay cũng phải trở thành hèn,

Có như thế Ðảng mới còn đứng vững.

 

Người yêu nước nay chẳng còn đất đứng!

 

(Ðức Phố, 19-06-2004)

VĨNH LIÊM

----------------

5. NGÀY ÐAU BUỒN TỦI NHỤC

 

Tháng Tư tới! – Ngày đau buồn, tủi nhục!

Có lẽ nào ta gọi “Tháng Tư vui”?

Tháng Tư buồn, ta đã lắm ngậm ngùi!

Càng hổ thẹn khi chưa tròn việc nước!

 

Ai vui thế? Sao đành lòng khiếp nhược?

Bán linh hồn cho lũ quỷ cuồng điên?

Phải vì danh hay tham vọng vì tiền?

Mà xóa bỏ ngày đau buồn, hận tủi?

 

Phải chăng đã thu tiền đầy ngập túi,

Nên không màng dị nghị của người dân?

Cứ vênh vênh, vì ta đã “canh tân”,

Sẽ nắm lấy hết cộng đồng hải ngoại.


Thừa tiền đấy, nhưng tinh thần băng hoại!

Nhiều mưu gian, nhưng kẽ hở còn nhiều!

Bị đập tan khi vừa mới ra chiêu,

Thì thử hỏi làm nên trò gì khác?

 

Ôi đau đớn! Thấy những người biếng nhác,

Ðang thập thò làm “cố vấn” cho vui.

Vui sướng thay! Sao không biết ngậm ngùi,

Trước vận nước đang triền miên đau khổ?

 

Vì danh hão nên không còn tủi hổ?

 

(Ðức Phố, 9-4-2005)

VĨNH LIÊM

----------------

6. BA MƯƠI NĂM NỖI ĐOẠN TRƯỜNG


    Ôi! Mưa dai dẳng suốt ngày,

Ba mươi năm vẫn thế này hay sao?!

    Xót thương nỗi khổ đồng bào,

Trong tay bạo lực, thét gào bi thương.

    Ba mươi năm nỗi đoạn trường,

Bị che phủ bởi bức tường ngu dân.

    Dân ngu gánh vác nợ nần,

Đảng khôn ăn chận hết phần cơm ngon.

    Nói sao hết chuyện nước non!

Bạo quyền còn đó, dân còn khổ đau!

    Dịp may đã lỡ chuyến tàu,

Bây giờ nói chuyện sang giàu với ai?

    Khi xưa quyền lực trong tay,

Giờ đây sao lại ăn mày đối phương?

    Bán dân, bán biển, quê hương…

Làm giàu cốt để tìm đường thoát thân.

    Dân nghèo mặc xác người dân,

Tiền quan bỏ túi, nợ nần dân lo.

    Cứ nhìn khẩu hiệu “ấm no”,

Thì dân bớt đói, chẳng lo mọi điều.

    “Dân giàu” – nhờ bọn “Việt kiều”,

Hàng năm “viện trợ” ít nhiều tỉ đô.

    Bây giờ “nước mạnh” – tiền vô,

“Đảng ta” vững tiến – cơ đồ nát tan!

    Mặc dân đói khổ, lầm than…

Bạo quyền vơ vét – dân gian oán hờn.

    Còn đâu cẩm tú giang sơn!

Mắt mờ vì những hóa đơn đặt hàng.


                        ****

    Nghe chăng uất hận ngút ngàn?

Sao không dẹp bỏ tham tàn cho mau?

    Để dân giảm bớt khổ đau,

Dân no thì nước sẽ giàu nay mai.


(Đức Phố, 30-4-2005)

VĨNH LIÊM    

----------------

(Hết Kỳ 1 – Xem tiếp Kỳ 2)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét