Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

LHQ quan ngại việc Việt Nam bị nghi giao nộp người tị nạn Đổng Quảng Bình cho Trung Quốc

VOA Tiếng Việt 

Ông Đổng Quảng Bình (Dong Quangping), nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc. Photo: TADC.ca

Ông Đổng Quảng Bình (Dong Quangping), nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc. Photo: TADC.ca 

Các báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa gửi thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc ông Đổng Quảng Bình (Dong Quangping), một nhà hoạt động người Hoa đang xin tị nạn chính trị chờ định cư Canada, được cho là đã bị bắt giam ở Hà Nội vào tháng 8 năm ngoái và nhiều khả năng bị bí mật chuyển giao cho Bắc Kinh.

Bức thư nêu quan ngại từ các nhóm nhân quyền cho rằng chính quyền Việt Nam có liên quan đến việc “giam giữ tùy tiện, mất tích cưỡng bức và nguy cơ có thể dẫn đến việc buộc người bảo vệ nhân quyền đồng thời là người xin tị nạn Đổng Quảng Bình phải quay trở lại Trung Quốc”.

Bức thư gửi đến chính phủ Việt Nam vào 15/12/2022 và được Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) công bố hôm 12/2/2023.

Văn phòng OHCHR khu vực Đông Nam Á cho VOA biết trong email rằng tính đến ngày công bố văn thư này, tức 60 ngày kể từ ngày gửi, phía Việt Nam vẫn chưa phản hồi các báo cáo viên LHQ.


Bức thư ghi nhận sự việc diễn ra ở Hà Nội ngày 24/8/2022 với sự chứng kiến của một số nhân chứng: “Người ta nhìn thấy ông Đổng lần cuối cùng khi ông bị còng tay và bị bịt mắt, bước lên một xe cảnh sát và bị khoảng chục công an thuộc Bộ Công an Việt Nam hộ tống”.

“Sự việc xảy ra ngay bên ngoài căn hộ của ông ở Hà Nội, nơi ông đã lẩn trốn 31 tháng trong khi chờ định cư Canada”.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị cho ý kiến về văn thư của LHQ, nhưng chưa được phản hồi.

Thân nhân của ông Đổng hiện đang sinh sống ở thành phố Toronto, Canada, cố gắng vận động nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp để giúp làm sáng tỏ về lý do ông bị mất tích.

Ông Alex Neve, một luật sư nhân quyền Canada và là Tổng thư ký của Ân Xá Quốc tế Canada, một trong những nhóm lên tiếng bảo vệ nhà hoạt động Đổng Quảng Bình, hôm 13/2, cho VOA biết như sau:

“Tất cả chúng tôi đều rất quan ngại đến tình trạng của ông ấy kể từ khi ông bị công an Việt Nam bắt và đưa đi vào ngày 24/8, và chúng tôi bức xúc muốn biết thông tin về những gì đã xảy ra với ông ấy. Chúng tôi đã kêu gọi chính phủ Việt Nam tiết lộ những gì họ đã làm với ông ấy. Chúng tôi biết rằng chính phủ Canada đã và đang đặt câu hỏi với phía Việt Nam kể cả những cấp rất cao giữa hai chính phủ”.

Ông Neve cho biết thêm: “Chúng tôi biết rằng LHQ đã chất vấn phía Việt Nam và vụ việc đến nay đã 5 tháng rồi mà vẫn chưa có thông tin gì từ chính phủ Việt Nam. Phía Việt Nam không cung cấp thông tin để đáp lại bất kỳ câu hỏi nào. Và điều đó rất đáng lo ngại!”.

“Điều này khiến tất cả chúng tôi rất lo ngại rằng viễn cảnh mà chúng tôi lo sợ rất có thể đã xảy ra. Đó chính là việc Việt Nam đã giao nộp ông Đổng Quảng Bình cho các quan chức Trung Quốc, và rằng ông hiện đang bị biệt giam, đó là một viễn cảnh rất đáng lo ngại!”, ông Neve bày tỏ.

Sự biến mất đột ngột của ông Đổng gây bất ngờ vì chính phủ Canada đã nỗ lực vận động với chính phủ Việt Nam trong 2 năm rưỡi qua để cho phép ông rời khỏi đất nước này và đến định cư cùng gia đình ở Canada.

Hội Toronto vì Dân chủ ở Trung Quốc (TADC), một tổ chức xã hội dân sự ở Canada, cho biết trong một thông cáo rằng Chính phủ Việt Nam gần đây không cung cấp bất kỳ thông tin nào về tình hình của ông Đổng, cũng không cung cấp thông tin về ông cho chính phủ Canada.

Trước đó, vài tuần sau khi ông bị bắt ở Hà Nội, chính quyền Canada đã nhận được thông tin từ chính quyền Việt Nam, cho biết rằng ông Đổng được “an toàn”. Tuy nhiên, khoảng tháng 10/2022 về sau thì phía Việt Nam từ chối cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết về ông Đổng, về số phận hay tung tích của ông, theo văn thư của LHQ.

Các báo viên đặc biệt của LHQ cho biết nếu việc bàn giao ông Đổng cho Trung Quốc được xác nhận thì rõ ràng Hà Nội đã vi phạm nguyên tắc không gửi trả (non-refoulement) như đã quy định trong Công ước LHQ về bảo vệ người tị nạn.

Cô Katherine Đổng, con gái ông Đổng Quảng Bình, phát biểu tại cuộc họp báo ở Quốc hội Canada, bên cạnh là luật sư nhân quyền Alex Neve, ngày 17/11/2022. Photo CPAC via YouTube Canada Info.

Cô Katherine Đổng, con gái ông Đổng Quảng Bình, phát biểu tại cuộc họp báo ở Quốc hội Canada, bên cạnh là luật sư nhân quyền Alex Neve, ngày 17/11/2022. Photo CPAC via YouTube Canada Info. 

Ông Đổng Quảng Bình, 65 tuổi, từng bị chính quyền Trung Quốc bỏ tù ba lần vì vận động và ủng hộ nhân quyền và dân chủ ở Trung Quốc, bao gồm cả việc ông lên tiếng chống lại những vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Quốc trong Vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Sau khi được trả tự do khỏi nhà tù Trung Quốc vào tháng 8/2019, ông trốn sang Việt Nam vào tháng 1/2020. Trong khi lánh nạn chờ được định cư cùng gia đình ở Canada, ông bị chính quyền Việt Nam bắt giam. Trước đó, ông đã hai lần vượt biên khỏi Trung Quốc, bao gồm lần bị chính quyền Thái Lan bắt giam và buộc hồi hương vào năm 2015 và một lần bị ngư dân giao nộp lại cho công an ở tỉnh Phúc Kiến năm 2019.

Cô Katherine Dong, con gái ông Đổng Quảng Bình, phát biểu tại cuộc họp báo ở Quốc hội Canada vào tháng 11/2022, khi kêu gọi chính giới Canada tích cực can thiệp cho sự tự do của cha cô:

“Khi hay tin cha tôi bị hàng chục công an Việt Nam còng tay và trùm khăn đen lên đầu vào ngày 24/8, lòng tôi như tan nát khi ngày tháng trôi qua mà không có tin tức gì về ông. Tôi cảm thấy vô cùng bất lực và vô cùng lo lắng”.

“Chính phủ Canada cho tôi biết rằng họ không còn tin tức gì từ các quan chức Việt Nam về cha tôi nữa. Tại sao họ từ chối cho biết ông đang ở đâu? Tại sao họ lại từ chối cho chúng tôi biết ông có ổn hay không? Tại sao họ lại từ chối không cho ông sang Canada đoàn tụ với gia đình? Liệu có phải vì Việt Nam đã trao cha tôi cho Trung Quốc? Điều này khiến tôi lo sợ”.

Truyền thông Canada và truyền thông quốc tế cho biết chính quyền Việt Nam và Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận của báo chí về việc bắt giam ông Đổng.

Tổ chức TADC cho biết rằng, nếu bị trả về Trung Quốc, ông Đổng Quảng Bình có thể sẽ phải đối mặt với cuộc đàn áp rộng lớn hơn nữa, bao gồm bắt bớ tùy tiện, bỏ tù bất công, xét xử bất công, điều kiện nhà tù vô nhân đạo, tra tấn và ngược đãi.

https://www.voatiengviet.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét