Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Thử phác họa một nghiên cứu về tinh thần cộng hòa trong lịch sử Việt Nam hiện đại

Nguyễn Lương Hải Khôi / US-Vietnam Review

Oregon, 20/11/2019 Hiệu đính 26/02/2023

1. Về tinh thần cộng hòa ở Việt Nam 

Quá trình hình thành và phát triển của tinh thần cộng hòa đầu thế kỷ 20 đã ảnh hưởng như thế nào đến các lựa chọn chính trị ở Việt Nam từ giữa thế kỷ 20 trở đi? Cuộc xung đột ý thức hệ giữa hai phái cộng sản và cộng hòa trong nội bộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1948 cho thấy tinh thần cộng hòa đã trưởng thành ở Việt Nam vào giai đoạn đó, và như vậy, có thể đặt ra giả thuyết là ở Việt Nam, tinh thần cộng hòa đã ra đời và phát triển trước đó.

Tái hiện lịch sử tinh thần cộng hòa ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 là một công việc nghiên cứu cần thực hiện để bổ khuyết cho bức tranh lịch sử tư tưởng Việt Nam hiện đại. Lập luận cơ bản của chúng tôi cho một nghiên cứu như vậy là từ đầu thế kỷ 20, có hai dòng tinh thần trái ngược nhau ở Việt Nam: tinh thần cộng hòa và tinh thần cộng sản. Hai xu hướng tư tưởng này đã bắt đầu va chạm từ những năm 30 của thế kỷ và xung đột không khoan nhượng chính thức từ sau 1945. Bên cạnh các nguyên nhân chính trị – xã hội, quan hệ quốc tế… thì cuộc xung đột tư tưởng này là căn nguyên tinh thần định hình lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ 20, giải thích sự lựa chọn của các lực lượng xã hội khác nhau, dẫn đến cuộc chiến tranh giữa hai chính thể cộng sản và cộng hòa từ 1954 đến 1975 cũng như tư tưởng chính trị trong xã hội dân sự Việt Nam đương đại.


Tinh thần cộng hòa (republicanism) được hiểu một cách chung nhất là mô hình chính trị – xã hội xây dựng trên nguyên lý đa nguyên về tư tưởng (chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của các xu hướng tinh thần khác nhau của các nhóm xã hội khác nhau), trên nguyên tắc kiểm soát và cân bằng quyền lực, bảo vệ quyền cá nhân và chống lại mọi thiết chế xã hội chính trị áp chế lên con người cá nhân. Tinh thần này được định hình trong thế kỷ 17 – 18 ở phương Tây, tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở Âu Mỹ những thế kỷ sau đó. Ở Việt Nam, tinh thần này được truyền vào qua nhiều con đường, chẳng hạn cuộc cải cách chính trị – kinh tế – xã hội ở Nhật Bản thời Minh Trị cũng như cách tiếp cận cuộc cải cách Minh Trị của các sỹ phu Trung Quốc và đặc biệt là qua sự hiện diện của thực dân Pháp ở Việt Nam cụ thể là qua mô hình chính trị mà nó thiết lập ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 cũng như nền giáo dục mà nó đưa vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20.

2. Lược sử vấn đề

Trong thành tựu học thuật về lịch sử Việt Nam hiện đại, tinh thần cộng hòa chưa bao giờ được coi là một yếu tố quan trọng. Lịch sử tư tưởng chính trị ở Việt Nam hiện đại từ trước được tới nay được các học giả thuộc dòng chính thống của nhà nước Việt Nam đương đại mô tả là quá trình chuyển biến (như một “tất yếu lịch sử”) từ “chủ nghĩa yêu nước” đến “chủ nghĩa cộng sản”. Mô hình này cũng được nhiều học giả quốc tế nghiên cứu về Việt Nam thừa nhận trực tiếp hoặc gián tiếp.

Trong mô hình lịch sử tư tưởng này, từ cuối thế kỷ 19, khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, các cuộc đấu tranh vũ trang yêu nước đã lần lượt diễn ra nhưng thất bại. Những chủ trương đấu tranh phi bạo lực như quan điểm của Phan Chu Trinh và các nhóm khác được xem là “cải lương” nửa vời, tức chỉ là những dòng tư tưởng thứ yếu, không thể thực hiện được nhiệm vụ lịch sử là giải phóng dân tộc. Còn cuộc vận động tư tưởng chủ đạo, có sức chi phối chủ yếu đối với lịch sử, là cuộc chuyển biến từ con đường yêu nước đến con đường cách mạng vô sản. Hành trình tư tưởng đó của Việt Nam cũng gắn liền với lịch sử của một lãnh tụ cách mạng, tương ứng với hai tên gọi khác nhau trong quá trình phát triển của ông, là Nguyễn Ái Quốc với giai đoạn của chủ nghĩa yêu nước, và Hồ Chí Minh với giai đoạn của chủ nghĩa cộng sản. Trong cộng đồng học giả quốc tế, hầu hết các học giả Nhật Bản nghiên cứu về Việt Nam cũng viết về hành trình tư tưởng ở Việt Nam thế kỷ 20 theo mô hình đó. Một số học giả Hoa Kỳ cũng thừa nhận mô hình đó trong các giáo trình về lịch sử Việt Nam hiện đại mà họ giảng dạy ở đại học.

Tuy vậy, mô hình lịch sử tư tưởng này sẽ không giải thích được sự phức tạp của quá trình lịch sử chính trị và xã hội ở Việt Nam thế kỷ 20, thậm chí mâu thuẫn với chính quá trình đó.

3. Tái cấu trúc mô hình lịch sử Việt Nam hiện đại từ điểm nhìn lịch sử tư tưởng  

3.1. Những mảnh vỡ của một đại tự sự 

Lịch sử Việt Nam sau năm 1945 thường được kể bằng một “đại tự sự” về sự phân định rạch ròi giữa lực lượng kháng chiến chống xâm lược ngoại bang để giành lại và bảo vệ nền độc lập dân tộc với các thế lực nước ngoài và “tay sai” của họ ở trong nước. Trong đại tự sự này, trung tâm của lực lượng kháng chiến chống xâm lược là những người cộng sản. Quân xâm lược là thực dân Pháp (1945 – 1954) rồi Đế quốc Mỹ (1954 – 1975) còn tất cả những người Việt Nam cộng tác với hai lực lượng này đều bị coi là “tay sai”, “bù nhìn”, phản bội lợi ích dân tộc vì các quyền lợi cá nhân. “Đại tự sự” này đã dùng logic nói trên để giải thích tất cả các diễn biến lịch sử từ những năm 20 của thế kỷ 20 đến 1945, và từ 1945 đến 1975. Nó cũng truy ngược về quá khứ xa hơn, xây dựng mô hình “anh hùng và Việt gian” trong lịch sử giữ nước với các “cặp đôi” tiêu biểu là Trần Hưng Đạo – Trần Ích Tắc, Quang Trung – Lê Chiêu Thống và Gia Long. Không chỉ học giả công chức ở Việt Nam hiện nay, nhiều học giả quốc tế nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam cũng đã đồng thuận, trực tiếp hoặc gián tiếp, với logic nói trên. Tuy vậy, có những biến cố mà logic nói trên bất lực, buộc “đại tự sự” này phải bỏ qua, xem như không tồn tại, hoặc giải thích bằng cách giản lược hóa bản chất sự kiện.

Vũ Tường trong “Ngày nay, Cách mạng Đông Dương phải ‘hiện nguyên hình’”: Bước ngoặt dẫn đến đấu tranh giai cấp và nội chiến Việt Nam vào năm 1948” (Journal of Southeast Asian Studies, 40, October 2009), đã phân tích cuộc xung đột giữa hai xu hướng “cộng sản” và “không cộng sản” ngay trong hàng ngũ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1948. Đây là một phân tích quan trọng để nhận diện một cuộc biến động vốn từ trước đến nay chưa được chú ý đúng mức trong học thuật về chiến tranh lạnh cũng như về lịch sử Việt Nam hiện đại. Bài viết phân tích nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có cuộc tranh luận vào giai đoạn đó, giữa hai phía “cộng sản” và “không cộng sản” về tinh thần pháp luật, cũng như kết quả của những cuộc xung đột về tư tưởng như vậy đối với lực lượng Việt Minh: những người phi cộng sản bị loại bỏ hoặc tự rời bỏ hàng ngũ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, một chứng nhân lịch sử, trong hồi ký “Một người bị rút phép thông công” (viết bằng tiếng Pháp, năm 1989), cũng đã chỉ ra một trong những vấn đề cốt lõi trong cuộc xung đột tư tưởng những năm 1948 – 1949 là vấn đề  tư tưởng pháp luật của hai dòng: cộng sản (lấy Đảng Cộng sản chi phối cả bộ máy lập pháp, tư pháp và hành pháp) và cộng hòa (thực thi tam quyền phân lập, đặt đảng phái xuống dưới luật pháp và coi nhân quyền cao hơn lợi ích của mọi nhóm chính trị)

Một nghiên cứu về lịch sử tinh thần cộng hòa ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 sẽ nên lấy cuộc va chạm tư tưởng giữa hai phía cộng sản và phi cộng sản năm 1948 làm một chỉ dấu để đi tìm căn nguyên tinh thần của nó ở giai đoạn lịch sử trước đó. Sự lựa chọn chính trị ở Việt Nam cuối những năm 40 đầu những năm 50 cho thấy tinh thần cộng hòa ở Việt Nam đã trưởng thành đến mức có một bộ phận tầng lớp tinh hoa phủ nhận quyết liệt con đường cộng sản. Trình độ trưởng thành này của tinh thần cộng hòa rõ ràng không phải là một sự phát triển đột biến, do những diễn biến chính trị ở thời điểm đó tạo ra, mà có căn nguyên trong quá trình phát triển tinh thần ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20.

3.2. Lịch sử tinh thần cộng hòa Việt Nam đầu thế kỉ 20  

Căn nguyên của cuộc xung đột ý thức hệ 1948 có thể tìm thấy trong lịch sử tinh thần Việt Nam đầu thế kỷ 20. Lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ 20 không chỉ có những cuộc tìm đường đấu tranh vũ trang với thực dân Pháp để giành độc lập mà còn còn có một lịch sử khác, cho đến nay vẫn bị coi là thứ yếu, là lịch sử của hành trình tinh thần đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi quan trọng hơn: Việt Nam cần độc lập, nhưng sau khi độc lập thì nước Việt Nam sẽ là một quốc gia như thế nào?

Hành trình tư tưởng này bắt đầu từ rất sớm, năm 1905 với sách “Văn minh tân học sách” của Đông Kinh nghĩa thục (hoặc có thể tìm thấy những biểu hiện sớm hơn trong các điều trần của Nguyễn Trường Tộ trước đó), trải qua các nỗ lực của những nhà chính trị và học giả như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, nhóm Ngũ Long Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, nhóm văn học như “Tự lực văn đoàn”, và nhiều học giả, nhà báo, nhà văn khác… và đặc biệt quan trọng là chính sách giáo dục và truyền thông của chính phủ Pháp thuộc địa từ những năm 20… Lịch sử tư tưởng này đã định hình nên nhận thức về tinh thần cộng hòa như một mô hình chính trị xã hội mới trong lòng xã hội đô thị ở Việt Nam đầu thế kỷ.

3.3. Nền tảng kinh tế xã hội của tinh thần cộng sản và tinh thần cộng hòa ở Việt Nam – đô thị và nông thôn 

Lịch sử tinh thần cộng hòa ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 gắn liền với đời sống đô thị. “Đời sống đô thị” được định nghĩa bởi các yếu tố sau:

Một là, sự du nhập những kỹ thuật mới như kỹ thuật in, giúp báo chí và ngành xuất bản phát triển. Kỹ thuật in ấn hàng loạt là cơ sở để phổ biến tri thức, trong đó có tri thức về tinh thần cộng hòa, là nền tảng kỹ thuật của ý thức về công dân, của tinh thần tranh luận dân chủ.

Hai là sự phát triển của những thiết chế văn hóa như báo chí, sự ra đời của những thiết chế chính trị mang tinh thần cộng hòa, mặc dù trong thực tế những thiết chế này vẫn chưa trưởng thành và có rất nhiều thất bại, mà chính phủ Pháp xây dựng như Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Viện Dân biểu Trung kỳ, Hội đồng Quản hạt Nam kỳ.

Ba là sự phát triển của một số đô thị và hệ thống giao thông liên vùng do chính phủ thuộc địa xây dựng. Hệ thống giao thông liên vùng phá vỡ tính cô lập và tự trị của văn hóa làng xã, tạo nền tảng vật chất cho sự lưu chuyển lực lượng lao động trong cả ba miền. Một số đô thị lớn được phát triển theo phong cách Pháp đã tạo ra một lực lượng kinh tế – xã hội mới, sống bằng công nghiệp nhẹ và thương mại, tách hoàn toàn khỏi nhịp sống nông nghiệp.

Bốn là sự ra đời của tầng lớp thanh niên. Trước khi có sự phát triển của một số đô thị và hệ thống giao thông liên vùng, tầng lớp thanh niên chưa tồn tại như một lực lượng xã hội độc lập mà chỉ có những “người trẻ” thuộc các giai tầng khác nhau. (Phan Bội Châu là người đầu tiên nhìn thấy lực lượng xã hội độc lập này và thành lập “Tâm Tâm Xã” còn gọi là “Tân Việt Thanh niên Đoàn” sau này được Nguyễn Ái Quốc kế thừa và đổi tên thành “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”).

Năm là sự phát triển của hệ thống giáo dục do chính phủ thuộc địa Pháp xây dựng từ những năm 20. Hệ thống giáo dục này chưa phát triển ở quy mô giáo dục toàn dân, chủ yếu ở một số đô thị lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn và Cần Thơ. Tuy vậy, nó giúp tạo ra một tầng lớp thanh niên thông thạo tiếng Pháp, được giáo dục một cách hệ thống về văn hóa và tư tưởng Pháp. Tầng lớp thanh niên đô thị, trong đó thành phần được đào tạo bài bản trong hệ thống giáo dục của Pháp, là lực lượng xã hội quan trong giúp thúc đẩy sự phát triển của báo chí. Họ là độc giả, tức lực lượng tiêu thụ, của các sản phẩm văn hóa mới.

Những yếu tố kể trên là nền tảng xã hội để tinh thần cộng hòa được phổ biến trong xã hội đô thị Việt Nam từ những năm 20 trở đi.

3.4. Mục đích và lựa chọn 

Trong các mô tả về lịch sử tư tưởng giai đoạn đầu thế kỷ của các công chức nghiên cứu sử ở Việt Nam hiện nay, độc lập dân tộc luôn được nhấn mạnh là mục tiêu hàng đầu của những người Cộng sản. Tuy vậy, mục tiêu này dường như là một hư cấu ở giai đoạn sau, khi những người cộng sản nắm được chính quyền và cần xây dựng tính chính danh. Trong hệ thống văn bản của những người cộng sản trước 1945, “giải phóng dân tộc” vẫn là một mục tiêu nhưng không phải là mục đích cuối cùng, ngược lại, mục tiêu “giải phóng giai cấp” để xây dựng nước Việt Nam theo con đường Cộng sản luôn được nhấn mạnh.

Trần Văn Giàu trong công trình nghiên cứu có hệ thống đầu tiên về lịch sử tư tưởng Việt Nam hiện đại, “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt-Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng tám” (3 tập), đã gọi những cuộc vận động xây dựng tinh thần cộng hòa ở Việt Nam đầu thế kỷ là “ý thức hệ tư sản” và kết luận nó đã “bất lực” trước “nhiệm vụ lịch sử” là “giải phóng dân tộc”. “Giải phóng dân tộc” theo cách hiểu của Trần Văn Giàu là “giành lại độc lập”. Với cách nhìn này, người ta dễ dàng coi sự thực hành phát triển nhận thức về tinh thần cộng hòa đầu thế kỷ 20 như hoạt động báo chí, xuất bản sách, tranh nghị nghị trường phi bạo lực với chính quyền thuộc địa… là thứ yếu, bị đặt bên lề so với các hoạt động vũ trang, các cuộc khởi nghĩa, những phong trào nổi dậy…, đặc biệt là những cuộc đấu tranh bằng bạo lực do những người cộng sản lãnh đạo. Cách nhìn này đã được một số học giả khối tiếng Anh lặp lại.

Tuy vậy, cuộc vận động xây dựng tinh thần cộng hòa đầu thế kỷ 20 không “bất lực” trước nhiệm vụ “giành độc lập” vì nó không nhắm đến mục đích hạn hẹp ấy, mà đi tìm diện mạo của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam sau độc lập. Lịch sử trí tuệ Việt Nam thập niên 1920 tập trung toàn bộ năng lượng của nó vào mục tiêu xây dựng nền tảng tinh thần, văn hóa và giáo dục cho một nước Việt Nam độc lập trong bối cảnh lịch sử mới. Phan Chu Trinh, Phạm Quỳnh, các hoạt động báo chí, văn học và xuất bản khác ở Việt Nam những năm 20 và 30 của thế kỷ, nhiều thành viên của những thực thể chính trị như Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Viện Dân biểu Trung kỳ, Hội đồng Quản hạt Nam kỳ đã nỗ lực xây dựng và thực hành tinh thần cộng hòa trong bối cảnh chính trị thuộc địa. Đối với họ, xây dựng tinh thần cộng hòa trong lòng xã hội Việt Nam mới thực sự là cơ sở của một nước Việt Nam giải – thực dân, hậu – thực dân, chứ không phải làm cách mạng bằng bạo lực.

Chính lịch sử tinh thần cộng hòa đầu thế kỷ giúp giải thích một cách logic các diễn biến lịch sử vốn lâu nay bị loại bỏ khỏi “đại tự sự” về “lịch sử cách mạng Việt Nam” hiện đại. Nếu bỏ qua lịch sử tinh thần cộng hòa, chúng ta không thể giải thích cuộc xung đột tư tưởng cộng hòa – cộng sản năm 1948, hoặc sẽ chỉ giải thích giản đơn theo cách nói của sử gia công chức ở Việt Nam hiện nay, quy chụp những người Cộng hòa bỏ Chính phủ Việt Minh bằng những khái niệm đạo đức như “trí thức trùm chăn”, bỏ về thành vì sợ gian khổ (bất chấp một thực tế là trước đó những trí thức này đã bỏ lại tài sản và gia đình ở đô thị, hoặc hiến tặng tài sản cho Chính phủ VNDCCH để vào chiến khu kháng chiến), hoặc nặng nề hơn thì quy chụp là “đào ngũ”.

Bỏ qua lịch sử tinh thần cộng hòa, các sử gia công chức ở Việt Nam cũng dễ dàng đơn giản hóa sự lựa chọn của những người cộng hòa năm 1954, khi họ vào miền Nam theo giúp Tổng thống Ngô Đình Diệm, bằng các khái niệm chính trị của mình, như “phản động” hoặc “tay sai”. Mặt khác, bỏ qua lịch sử tinh thần cộng hòa thì đồng thời các sử gia ấy cũng sẽ phải bỏ qua những thành tựu về mặt giáo dục, văn hóa, xây dựng thiết chế dân chủ… của chính thể Việt Nam Cộng hòa, bởi những thành tựu này hoàn toàn không ăn khớp với đại tự sự về “cuộc chiến tranh cách mạng giành lại nền độc lập”.

Bên cạnh các nguyên nhân về kinh tế, quan hệ quốc tế…, sự thực hành tinh thần cộng hòa trong chính thể Việt Nam Cộng hòa từ 1954 đến 1975 là nền tảng về mặt tinh thần để có thể giải thích những thành tựu của chính thể này. Tinh thần cộng hòa đã được thực hành trong bối cảnh bắt buộc phải thực thi trong ngắn hạn những chính sách kiểm soát có tính độc tài, đối lập với chính tinh thần cộng hòa. Họ phải giải quyết các di sản hậu thuộc địa, trong đó nặng nề nhất là nạn cát cứ (thời kỳ Tổng thống Ngô Đình Diệm) hoặc thực hành tinh thần cộng hòa trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, bắt buộc phải đặt quyền lực chính trị vào tầng lớp quân nhân (thời kỳ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu). Tuy vậy, những thành tựu gặt hái được trên cơ sở thực hành tinh thần cộng hòa về lập pháp, xây dựng thiết chế xã hội và giáo dục… của chính thể Việt Nam Cộng hòa là không thể phủ nhận.

Một khi giản lược hóa lịch sử Việt Nam hiện đại thành lịch sử chiến tranh với ngoại bang để giành độc lập thì những thực thể chính trị như Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Viện Dân biểu Trung kỳ, Hội đồng Quản hạt Nam kỳ giai đoạn trước 1945, các chính thể đi theo tinh thần cộng hòa ở Việt Nam như chính phủ Trần Trọng Kim, chính phủ Quốc gia Việt Nam, chính phủ Việt Nam Cộng hòa sẽ đơn giản được mô tả như là những “bù nhìn” do nước ngoài dựng lên và chỉ là những nhân tố thứ yếu trong dòng chảy lịch sử.

Cách nhìn này chưa chú ý đến một sự thực là, những chính thể này là những nỗ lực thực hành tinh thần cộng hòa trong bối cảnh cụ thể của chính trị – xã hội Việt Nam từng giai đoạn. Như trên đã nói, những người cộng hòa không coi “độc lập với ngoại bang” là mục tiêu tối hậu duy nhất. Đối đối với họ, xây dựng diện mạo nước Việt Nam thông qua sự thực hành tinh thần cộng hòa trong thực tiễn, còn quan trọng hơn cả sự “độc lập” trước mắt. Sự thực hành tinh thần luật pháp “tam quyền phân lập” đã được thực thi bước đầu từ những năm 20 dưới chế độ thuộc địa và được nỗ lực thực hành dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa sau đó. Hầu hết những nghiên cứu liên quan đến Chính phủ Đệ nhất Cộng hòa thường tập trung vào các quyết sách chính trị giải quyết các vấn đề nhất thời của thời cuộc, mà không chú ý những lựa chọn của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong quá trình định hướng con đường phát triển của giáo dục, tôn giáo và các thiết chế xã hội.

Đơn cử, về lĩnh vực tôn giáo, bị ảnh hưởng bởi sự kiện xung đột với Phật giáo năm 1963, nhiều học giả thường mô tả Tổng thống Ngô Đình Diệm như là một nhà độc tài thiên vị Thiên Chúa giáo mà không chú ý đến chính sách tôn giáo ông thực thi trong thực tế. Ông đã cấp cho giáo hội đạo Cao Đài không gian tự do để thực hành tôn giáo theo nguyên tắc tôn giáo độc lập với chính trị, ông cũng tách hệ thống trường học của giáo hội Thiên Chúa giáo khỏi giáo hội và trả về cho Bộ Quốc gia Giáo dục quản lý theo nguyên tắc giáo dục độc lập với tôn giáo. Đó là những sự thực hành tinh thần cộng hòa đối với tôn giáo đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Tất nhiên, các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy rất nhiều những bằng chứng về sự thất bại của tinh thần cộng hòa trong các giai đoạn lịch sử đó, chẳng hạn có những giai đoạn xu hướng độc tài và sử dụng bạo lực chiếm ưu thế. Nhưng mặt khác, người ta cũng có thể ghi nhận được nhiều thành tựu khác trong lĩnh vực lập pháp, giáo dục, tổ chức nền chính trị đa nguyên… của chính thể Việt Nam Cộng hòa. Những thất bại và thành tựu của tinh thần cộng hòa giai đoạn đó cần được so sánh với bối cảnh các nước Đông Nam Á hơn nửa thế kỷ trước, chứ không phải so sánh với những nền dân chủ đã trưởng thành ngày nay, những quốc gia ở “thế giới thứ nhất” với một nền giáo dục, khoa học công nghệ và kinh tế tiên tiến.

Sau năm 1954, những người cộng hòa ở Việt Nam tập trung lại ở Miền Nam Việt Nam, bước đầu thực hành tư tưởng của họ trong bối cảnh quốc nội và quốc tế phức tạp. Những thành tựu của họ bị xóa sổ hoàn toàn sau 1975, tuy vậy di sản của họ vẫn còn có tầm ảnh hưởng tích cực ở Việt Nam sau khi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tiến hành đổi mới năm 1986.

3.5. Thập niên 1920s trong lịch sử Việt Nam 

Về mặt lịch sử tinh thần, thập niên 1920s của Việt Nam lặp lại thế kỷ ánh sáng ở châu Âu dẫn đến Cách mạng tư sản, lặp lại thập niên 1850s và 1860s ở Nhật Bản dẫn đến Duy tân Minh Trị. Đây là “thập kỷ thức tỉnh” của Việt Nam, khi giới tinh hoa ít ỏi của Việt Nam lần đầu bắt tay vào xây dựng:

  1. Tinh thần quốc gia hiện đại (nhận thức về “quốc sử”, “quốc ngữ”, “quốc văn” trong một khái niệm tổng hòa là “quốc hồn”).

  2. Xác lập cách nhìn lịch sử dựa trên tiến hóa luận xã hội của Herbert Spencer, được truyền vào Việt Nam qua lăng kính diễn giải của “tân thư” Nhật Bản và Trung Quốc. Cách nhìn lịch sử này đi tìm nguyên nhân mất nước của Việt Nam trước thực dân Pháp ở sự chênh lệch về trình độ văn minh: không chỉ trong kỹ thuật quân sự mà đằng sau đó là sự chênh lệch về giáo dục, văn hóa, văn minh tinh thần. Cách nhìn lịch sử này trở thành động lực tinh thần thúc đẩy nhu cầu phát triển dân tộc suốt thế kỷ 20, dù đôi khi do hoàn cảnh lịch sử nhu cầu này bị chìm xuống một phần.

  3. Ý thức về con người cá nhân và nhận thức về nhân quyền (quyền con người)

  4. Lần đầu tiên xuất hiện ý niệm về bình đẳng giới, về quyền của phụ nữ, giá trị con người cá nhân của người phụ nữ. Tinh thần này được chính nền cộng hòa thực dân thúc đẩy bằng sự tài trợ cho tờ báo “Nữ Giới Chung” (“tiếng chuông thức tỉnh nữ giới) do Sương Nguyệt Anh làm chủ bút.

  5. Phát hiện ra tinh thần quốc dân, con người công dân.

  6. Phát triển nhận thức về các thành tố của tinh thần cộng hoà, bao gồm nhận thức về tư pháp độc lập, tam quyền phân lập, tinh thần pháp quyền, phân lập tôn giáo và chính quyền, tôn trọng tính tự trị của khoa học và giáo dục.

  7. Sự phát hiện ra tinh thần khoa học, cả trong nhận thức về tự nhiên lẫn đời sống xã hội và nhân văn. Từ đây, bắt đầu xuất hiện cách nhìn sự vật từ góc nhìn kỹ thuật.

  8. Hình thành văn hóa tranh luận, trao đổi tư tưởng. Đây là thập kỷ bùng nổ các cuộc tranh luận. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, tranh luận trở thành hiện tượng phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

  9. Song song với sự phát triển của tinh thần cộng hòa, đây là thập kỷ xuất hiện tinh thần phê phán chủ nghĩa cộng sản, trước khi chủ nghĩa cộng sản được truyền vào Việt Nam. Tinh thần phê phán này xuất hiện trước khi các đảng Cộng sản ra đời cho nên nó chưa phải là biểu hiện của xung đột ý thức hệ. Nó mới chỉ là kết quả của nhu cầu đánh giá, xem xét những khả năng phát triển khác nhau trong tương lai của dân tộc. Tuy nhiên, nó chuẩn bị về mặt tinh thần cho cuộc chiến xung đột ý thức hệ ở giai đoạn giữa thế kỷ 20.

Thế hệ thập niên 1920s là thế hệ dốc toàn bộ năng lượng tinh thần vào phương hướng của Phan Chu Trinh: “Khai dân trí” (truyền cho dân tinh thần của thời đại khai sáng ở Phương Tây), “chấn dân khí” (làm cho dân mang tinh thần chinh phục bản thân, xã hội và thế giới một cách mạnh mẽ) và “hậu dân sinh” (tạo điều kiện cho dân làm giàu).

4. Lịch sử đa nguyên và Việt Nam đương đại 

Coi chủ nghĩa cộng sản là dòng tư tưởng chính của Việt Nam thế kỷ 20, cũng như coi lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 đơn giản là lịch sử đấu tranh vũ trang giành độc lập trong đó người cộng sản đóng vai trò dẫn dắt, hầu hết các nghiên cứu về lịch sử Việt Nam hiện đại phải bỏ qua hoặc giảm nhẹ tầm quan trọng cũng như sự hiện diện của những phong trào xã hội, những thực thể chính trị theo tinh thần cộng hòa, và hậu quả là, không giải thích được, hoặc giải thích không hợp lý sự vận động của các lực lượng xã hội Việt Nam trong thực tế lịch sử cũng như những biến động lịch sử liên quan.

Về mặt chính trị học, cách nhìn lịch sử quan phương, quy lịch sử Việt Nam hiện đại thành lịch sử của của một tổ chức chính trị duy nhất, sẽ khó có thể phân tích chính xác các diễn biến của chính trị, xã hội Việt Nam đương đại.

Lịch sử tinh thần cộng hòa ở Việt Nam không chỉ giúp giải thích dòng chảy lịch sử chính trị Việt Nam hiện đại mà còn giúp tái cấu trúc lịch sử của giáo dục, truyền thông, lịch sử các xu hướng văn hóa, văn học, nghệ thuật… Việt Nam thế kỷ 20 trong tôn trọng sự khác biệt và đa dạng của các nhóm xã hội và xu hướng tinh thần khác nhau.

https://usvietnam.uoregon.edu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét