Khái niệm trí thức thường bị hiểu thiên lệch vì nhuốm màu bằng cấp, và theo cách hiểu đó nên thiếu tướng Đỗ Hữu Ca là một trí thức lưu manh, khi được cho rằng ông sở hữu 4 bằng đại học.
Ông Đỗ Hữu Ca, năm nay 65 tuổi, quê tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học An ninh, Đại học Ngoại thương, Đại học Báo chí, Đại học Luật. Ông Đỗ Hữu Ca vừa bị bắt và khởi tố về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vậy trí thức là gì?
Hồi cuối tuần, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về “Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới”.
Giáo sư (GS) Võ Văn Tới – Khoa Kỹ thuật Y sinh, trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng việc thu hút đội ngũ trí thức không phải chỉ nằm trong sự kêu gọi, hứa hẹn, trông chờ vào sự tự giác, mà đòi hỏi những hành động cụ thể, có tổ chức và hệ thống. Theo GS Tới, hai yếu tố quan trọng để thu hút chất xám là môi trường làm việc và môi trường sống hấp dẫn, có những người đi thu hút chất xám phù hợp.
Để thực hiện hiệu quả chính sách thu hút, GS Tới nói rất cần sự lãnh đạo quyết tâm, thực tế. Trong cơ chế và sự lãnh đạo đó, không đưa ra những yêu cầu quá đáng mà phải đơn giản, thông thoáng, mềm dẻo nhất; tránh nghị định, quy định phức tạp, chồng chéo, thay đổi thường xuyên.
“Những quy định cứng nhắc, những cơ chế thanh tra vô lý, những yêu cầu giải trình phi lý sẽ làm cho người cộng tác rụt rè, mệt mỏi, chán nản” – ông nói, và cho rằng người cán bộ quản lý phải có tâm, có tài, đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, tạo động lực cho người công tác làm việc.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính cần đơn giản để người trí thức chỉ cần tập trung vào chuyên môn. Kế đến, ngân sách phải ổn định, tránh cảnh “đầu voi đuôi chuột”. GS Tới đề xuất có thể thành lập “ốc đảo” để thử nghiệm với cơ chế linh hoạt cởi mở, tránh những quy định, tránh giải trình phức tạp.
“Người cộng tác được toàn quyền làm những gì không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, làm những gì pháp luật không cấm thay vì chỉ làm những gì quy định cho phép. Bởi nếu làm theo quy định phần nào cũng là rào cản của sự đổi mới sáng tạo. Với cơ chế như thế, người trở về sẽ thấy phục vụ tổ quốc mình tại chỗ vẫn hơn là phục vụ từ xa” – ông biện giải.
Cùng đó, cần tạo thế “chân vạc” giữa giáo dục- đào tạo, nghiên cứu khoa học và đưa sản phẩm hàn lâm ra thị trường và đưa nhu cầu trong xã hội vào đại học để tìm giải pháp thích đáng.
Trí thức – đảng viên
Trở lại với cách gợi vấn đề là phải chăng trí thức là người có bằng cấp, một số giữ các chức vụ khoa bảng, học hàm, học vị cao?
Tạm chấp nhận cách định nghĩ trên về góc nhìn nào đó của trí thức, và như vậy các vụ án gần đây đều liên quan đến quan chức Nhà nước, cán bộ của đảng – những nhân sự mà lý lịch của họ ai nấy đều có ít nhất hai văn bằng đại học, và trình độ chính trị đều là đảng viên. Phải chăng trí thức khi là đảng viên có khác với trí thức không đảng viên?
Trong tham luận về “Chính sách thu hút trí thức kiều bào, lao động người Việt Nam ở nước ngoài”, GS Võ Văn Tới đã gián tiếp cho rằng khi trí thức là đảng viên thì họ phải chịu sự ràng buộc gần như đủ mọi mặt của tổ chức đảng nơi họ “đăng ký sinh hoạt”, đến mức khi trí thức đó muốn tham dự hội nghị khoa học tại nước ngoài, trước tiên phải được sự đồng ý của tổ chức đảng tương ứng của trí thức đảng viên đó.
“Theo trải nghiệm của chúng tôi, Đại học Quốc gia TP.HCM đã có một sáng kiến độc đáo và thành công trong việc trao quyền tự do học thuật cho địa phương. Do đó, cần đẩy mạnh quyền này bằng cách thành lập những ‘ốc đảo thử nghiệm’.
Các ốc đảo này được hưởng một cơ chế đặc biệt tạm gọi là cơ chế “Phi Nghị định”. Nó cho phép các giảng viên làm những gì không xâm phạm đến an ninh quốc gia và làm những gì pháp luật không cấm thay vì chỉ làm những gì nghị định hay quy định cho phép.
Những gì cho phép là những gì đã biết, do đó nó là rào cản của sự đổi mới sáng tạo. Những quy định cứng nhắc, những cơ chế thanh tra vô lý sẽ làm cho con người rụt rè, mệt mỏi và an phận. Cơ chế cực kỳ linh hoạt, cởi mở này sẽ là chìa khóa của sự đổi mới và thành công vì sẽ giúp người trong ‘ốc đảo’ thoát khỏi ‘tư duy lối mòn’ và những ‘cái bẫy cơ chế’ thường phải đương đầu” – GS Võ Văn Tới diễn giải.
GS Tới nói rằng môi trường hàn lâm phải là vườn ươm ý tưởng sáng tạo và lò đào tạo nhân tài. Do đó các đại học cần có tự do học thuật để thử nghiệm những ý tưởng mới.
“Ở các đại học nước ngoài mà tôi biết, nhà trường tự quyết định cho đường hướng phát triển của mình, giảng viên có rất nhiều quyền hạn thực thi sáng kiến từ việc tạo ra ngành mới lẫn nghiên cứu và các quản lý chủ yếu phục vụ thay vì chỉ huy.
Khi những sáng kiến đó thành công nó sẽ tự động được nhân rộng ra ngoài phạm vi của trường” – GS Tới cho biết như vậy; và điều đó còn có thể hiểu là trí thức không hề là con cừu để ai đó ra sức vặt lông như trong liên tưởng đến ví von của GS Ngô Bảo Châu: “Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”.
“Trí thức trong bộ máy chính quyền? Tôi nghĩ điều đó là phù phiếm. Bởi chọn nhân sự làm Bộ trưởng cứ phải là Uỷ viên Trung ương, trải qua ít nhất vị trí Bí thư Tỉnh uỷ. Chẳng liên quan gì đến trí thức cả. Lẽ ra phải xem con người cụ thể đó đã làm được gì trong kiến nghị chính sách, vận hành chính sách; xem họ đã để lại thành tích gì cụ thể? Và quan trọng không kém là họ có phải thuộc nhóm trí thức lưu manh như ông đảng viên 4 bằng cấp đại học Đỗ Hữu Ca hay không?” – một biên tập viên của trang Việt Nam Thời Báo đã bình luận như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét