Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

Thời sự đó đây ngày Thứ năm 23 tháng 02 năm 2023

Võ Thái Hà tổng hợp

Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về nghị quyết “hòa bình lâu dài” cho Ukraina

Chi Phương /RFI

23/02/2023

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong phiên họp ra nghị quyết lên án Nga ''sáp nhập bất hợp pháp'' các vùng lãnh thổ của Ukraina, New York, Hoa Kỳ, ngày 12/10/2022. © Bebeto Matthews/AP 

Trước ngày đánh dấu một năm cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraina, hôm nay, 23/02/2023, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về một nghị quyết hoà bình cho Ukraina.   

Theo AFP, trong ngày đầu tiên thảo luận về hoà bình cho Ukraina tại Liên Hiệp Quốc, hôm qua, 22/02, tổng thư ký Antonio Guterres khẳng định rằng cuộc xâm lược mà Nga tiến hành từ một năm qua là “một cột mốc đen tối đối với Ukraina và đối với cộng đồng quốc tế”. Ông Guterres lên án những hậu quả về mặt nhân đạo và những vi phạm nhân quyền của Nga trong cuộc chiến này, đồng thời đề cập đến mối đe dọa ngầm của việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các hoạt động quân sự “vô trách nhiệm” xung quanh các nhà máy điện hạt nhân. 


Trong cuộc thảo luận, lãnh đạo ngoại giao Ukraina Dmytro Kuleba khẳng định trong khi “một nước thì chỉ muốn tồn tại, thì nước kia lại muốn giết chóc, phá hủy”. Ông Kuleba nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về một nền hoà bình toàn diện “công bằng và lâu dài” tại Ukraina, theo các nguyên tắc của Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc, đó là bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, Nga rút quân và chấm dứt chiến tranh. 

Về phần đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassili Nebenzia, ông cáo buộc phương Tây “muốn Nga thất bại bằng mọi giá, và không chỉ Ukraina phải hy sinh, mà phương Tây còn muốn nhấn chìm cả thế giới vào vực thẳm chiến tranh”. Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell đã đáp trả lại cáo buộc này, nhấn mạnh cuộc xung đột này không phải là phương Tây chống lại Nga, mà đây là “một cuộc chiến tranh bất hợp pháp, liên quan đến toàn thế giới, không phân biệt Đông, Tây, Nam hay Bắc''. 

Trong bỏ phiếu vào tối nay, Ukraina và đồng minh hy vọng có thể nhận được ủng hộ ít nhất là từ 143 quốc gia, như là đối với nghị quyết tháng 10 năm ngoái lên án Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraina.  

Từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua 4 nghị quyết, 3 trong số đó thu được từ 140 đến 143 phiếu thuận. Có 5 quốc gia bỏ phiếu chống là Nga, Belarus, Syria, Bắc Triều Tiên và Eritrea và khoảng 40 nước bỏ phiếu trắng.

Tổng thống Joe Biden nói Mỹ sẽ bảo vệ “từng tấc đất” của NATO 

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/02/23-2-23.jpg

Khi gặp 9 nhà lãnh đạo sườn phía đông của liên minh tại Ba Lan. Trước đó, người đồng cấp Nga Vladimir Putin nói quan hệ Trung-Nga đã ghi “những cột mốc mới” trong cuộc gặp với Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc. Chuyến thăm của ông sẽ tạo cơ sở cho cuộc gặp giữa ông Putin và chủ tịch Tập Cận Bình, có thể là vào mùa xuân. Căng thẳng ngoại giao đến ngay trước dịp kỷ niệm một năm Nga xâm lược Ukraine vào thứ Sáu.

Tổng thống Putin: Nga sẽ tăng cường kho vũ khí nguyên tử

Thu Hằng /RFI

23/02/2023

Phi cơ MiG-31K của Không quân Nga mang tên lửa hành trình siêu thanh Kinzhal. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga cung cấp ngày 19/02/2022, trong lúc tổng thống Nga chuẩn bị giám sát một cuộc tập trận phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa hành trình. AP 

Ngày 23/02/2023, chỉ một ngày sau khi thông báo « ngừng tham gia » hiệp ước New Sart về giải trừ vũ khí nguyên tử với Hoa Kỳ, tổng thống Vladimir Putin cho biết quân đội Nga sẽ tăng cường lực lượng hạt nhân. 

Theo phát biểu của tổng thống Putin được điện Kremlin công bố sáng sớm hôm nay và được AP trích dẫn, Nga « sẽ gia tăng chú ý tăng cường bộ ba nguyên tử », ý muốn nói đến những tên lửa hạt nhân được triển khai trên đất liền, trên biển và trên không. Lần đầu tiên, các tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat - có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân - sẽ được triển khai ngay trong năm nay. Nguyên thủ quốc gia Nga cũng khẳng định : « Chúng ta sẽ tiếp tục sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu thanh Kinzhal và sẽ cung cấp hàng loạt tên lửa siêu thanh trên biển Zircon ».

Quyết định của Nga « ngừng tham gia » hiệp ước New Start đã bị tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích là « một sai lầm nghiêm trọng ». Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC News tại Ba Lan trước khi lên đường về Mỹ, ông Joe Biden cũng cho biết là « chưa có » những yếu tố cho thấy tổng thống Nga « đang suy tính về việc sử dụng vũ khí nguyên tử hoặc việc gì đó tương tự ».

Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự cho đến khi Nga rút khỏi Ukraina

Tổng thống Mỹ đã kết thúc chuyến công du Ukraina và Ba Lan kéo dài bốn ngày. Trong cuộc họp ngày 22/02 tại Vacxava với lãnh đạo 9 nước thuộc nhóm « Bucharest Nine » (gồm Bulgari, Cộng Hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Rumani và Slovakia), ông Joe Biden nhấn mạnh đến vai trò « phòng thủ tập thể trên tuyến đầu » của những nước nằm dọc sườn đông  NATO. Tổng thống Biden nhắc lại sự ủng hộ « không lay chuyển » của Mỹ để đẩy lùi quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraina, vì theo ông, « thách thức của cuộc xung đột này không chỉ là đối với riêng Ukraina mà còn đối với cả tự do của các nền dân chủ khắp châu Âu và trên thế giới ».

Trong cuộc họp, tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO Jens Stoltenberg đã nhắc lại những hành động của Nga ở Gruzia và Ukraina, và tuyên bố : « Chúng ta không thể cho phép Nga tiếp tục làm suy yếu an ninh châu Âu. Chúng ta phải phá vỡ vòng xâm lược của Nga ».

Trung Quốc trình bày với Nga ''kế hoạch hòa bình'' cho Ukraina

Anh Vũ /RFI

23/02/2023

Lãnh đạo cao cấp nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin, điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 22/02/2023. AP - Anton Novoderezhkin 

Hôm qua, 22/02/2023, lãnh đạo cao cấp nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, đã được tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tại điện Kremlin, sau khi hội đàm với ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov. Trong cuộc gặp này, ông Vương Nghị đã trình bày  « phương pháp tiếp cận của Trung Quốc để giải quyết khủng hoảng Ukraina bằng chính trị », theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Nga. 

Trước đó, Bắc Kinh đã hứa trong tuần này sẽ công bố các đề xuất nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraina. Giới quan sát gọi đó là « kế hoạch hòa bình » cho Ukraina.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh cho biết thêm thông tin:

Theo tiếng Trung thì đó không phải là « kế hoạch hòa bình », mà là tài liệu trình bày« lập trường của Trung Quốc về việc giải quyết khủng hoảng Ukraina ». Sự khác biệt về ngôn từ  này rất quan trọng, bởi vì Bắc Kinh chỉ muốn đưa ra các gợi ý để làm dịu cường độ không suy giảm của cuộc chiến tranh sau một năm Nga xâm lược Ukraina, nhưng chủ yếu cũng muốn cho thấy quan điểm của Trung Quốc về thế giới, về trật tự quốc tế và cách giải quyết các xung đột.

Nhà nghiên cứu Triệu Thông của Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa tại Bắc Kinh phân tích : «  Mục đích của tài liệu này là trình bày đóng góp của Trung Quốc vào giải quyết khủng hoảng Ukraina một cách hòa bình. Tài liệu chủ yếu được gửi tới Châu Âu và các nước khác ngoài Hoa Kỳ, nhằm chứng minh chính sách đối ngoại của Trung Quốc là mang tính hòa bình và thể hiện hình ảnh một nước lớn có trách nhiệm và hùng mạnh. Tài liệu chỉ nêu các vấn đề mang tính nguyên tắc và có lẽ không có nhiều đề nghị cụ thể ».

Những nguyên tắc lớn vì một nền hòa bình bền vững đã được các lãnh đạo Trung Quốc nhắc đến nhiều lần, đặc biệt là vấn đề «  tôn trọng toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của các nước ». Đó cũng là lập luận ủng hộ Ukraina. Thêm vào đó, theo như khẳng định của chế độ Cộng sản, «  tất cả các nước phải tính đến các quan ngại hợp lý của nước khác về vấn đề an ninh ». Đây cũng là lập luận mà Nga bảo vệ. 

Từ đầu cuộc xung đột, Trung Quốc tỏ ra « trung lập », nhưng nghiêng về Nga. Giai đoạn tiếp theo sẽ là chuyến thăm Matxcơva của ông Tập Cận Bình vào mùa xuân tới, nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai đồng minh.

Kiev khẳng định không được Bắc Kinh tham khảo trước

Cũng trong chuyến đi Matxcơva, ông Vương Nghị đã bày tỏ mong muốn của Trung Quốc « tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác trên mọi phương diện » với Nga.  

Về phần Kiev, một quan chức cao cấp của Ukraina, xin được giấu tên, khẳng định với AFP rằng Kiev đã không được phía Trung Quốc tham khảo ý kiến, đồng thời cho biết không một kế hoạch hòa bình nào được phép vượt qua « lằn ranh đỏ » mà Kiev đề ra, đó là không bao giờ chấp nhận những nhân nhượng về lãnh thổ với Nga, hiện đang chiếm đóng một số vùng ở miền đông và nam, cũng như bán đảo Crimée.

Châu Âu sắp công bố dữ liệu lạm phát tháng 1

Các sự cố kỹ thuật ngay lúc đang bị chú ý thường đặc biệt đáng xấu hổ. Khi thế giới chờ đón số liệu lạm phát tháng 1 của khu vực đồng euro vào ngày 1 tháng 2, Eurostat, cơ quan thống kê của EU, bỗng thông báo bị thiếu số liệu của Đức vì một vấn đề kỹ thuật. Do đó, phải đến thứ Năm này dữ liệu giá cả của châu Âu mới được cập nhật và phát hành.

Con số mới có thể sẽ cao hơn. Đức đã công bố số liệu đầy đủ cho tháng 1 vào thứ Tư. Họ cho thấy giá tiêu dùng tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, hoặc 0,5% so với tháng trước (không điều chỉnh theo mùa). Dữ liệu năng lượng lý giải tại sao. Khi khoản trợ giá một lần của chính phủ cho các hóa đơn điện nước qua đi, giá năng lượng đã tăng 8,3% từ tháng 12 đến tháng 1. Dù chi phí năng lượng đã giảm ở các thị trường bán buôn, chưa rõ liệu giá bán tới người tiêu dùng có giảm hay chưa. Dù thế nào, dữ liệu lạm phát của châu Âu trong những tháng tới vẫn sẽ rất khó đoán.

Bảng cân đối của Fed giảm đáng kể 

Cục Dự trữ Liên bang sẽ công bố số liệu bảng cân đối kế toán mới vào thứ Năm. Kể từ giữa năm 2022, Fed đã thu hẹp bản cân đối từ 9 nghìn tỷ đô la xuống còn 8,4 nghìn tỷ đô la. Chính sách đầy cẩn trọng này còn được gọi là thắt chặt định lượng (QT), ngược lại của nới lỏng định lượng (QE) — mua trái phiếu trên quy mô lớn — vốn được Fed sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế trong suy thoái.

Fed muốn QT diễn ra trong lặng lẽ. Họ muốn loại khoảng 2,5 nghìn tỷ đô la khỏi bảng cân đối cho tới giữa năm 2024 để đưa nó về gần với quy mô trước covid. Nhưng các chính sách tiền tệ của Fed sẽ sớm trở nên phức tạp hơn. Nhiều nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ chuyển từ tăng lãi suất sang cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay một khi kinh tế chững lại. Điều đó có thể tạo ra xung đột: Fed một mặt cắt giảm lãi suất (nới lỏng), một mặt thu hẹp tài sản (thắt chặt).

Alibaba sắp công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022

Việc Trung Quốc mở cửa lại sau ba năm zero covid là tin tuyệt vời cho những gã khổng lồ công nghệ tiêu dùng như Alibaba và Tencent. Nỗ lực chống dịch của chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến tiêu dùng suy giảm và các công ty này phải chịu thiệt hại. Thị trường sẽ biết được thiệt hại lớn tới đâu khi Alibaba báo cáo thu nhập quý bốn vào thứ Năm.

Hầu hết giới phân tích dự đoán doanh thu giảm một chút so với cùng kỳ năm ngoái, dù thu nhập trên mỗi cổ phiếu có thể đã tăng so với quý trước. Nhà đầu tư sẽ đặc biệt xem xét các tuyên bố của công ty với hy vọng tìm ra dấu hiệu cho thấy điều tồi tệ nhất đã qua. Một số người tin sẽ có bùng nổ tiêu dùng khi các hộ gia đình chi tiêu các khoản tiết kiệm trong đại dịch. Điều này giúp thúc đẩy doanh số bán hàng trên các nền tảng hàng thương mại điện tử của Alibaba như quần áo hay mỹ phẩm. Số còn lại sẽ đi tìm chỉ dấu cho thấy cuộc đàn áp các công ty công nghệ lớn đã kết thúc.

Một năm tốt đẹp của BAE Systems 

Chỉ số danh mục FTSE 100 của Anh đang trên đà giảm, và rất ít công ty trong danh mục làm tốt như BAE Systems. Trước khi báo cáo kết quả tài chính năm 2022 vào thứ Năm, nhà thầu quốc phòng lớn nhất châu Âu đã chứng kiến cổ phiếu của mình tăng hơn 50% trong năm qua. Vì sản xuất gần như mọi thứ, từ tàu khu trục nhỏ và máy bay chiến đấu cho đến các hệ thống tác chiến điện tử, BAE đã thu lời từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Một sản phẩm của BAE, lựu pháo 155mm, là tâm điểm trong nỗ lực viện trợ của phương Tây. Sau khi dùng hết kho đạn từ thời Liên Xô, quân đội Ukraine ngày càng phụ thuộc vào các nước NATO để có được những loại đạn như vậy. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu kết hợp lại trong 1 năm cũng chỉ có thể cung cấp đủ ba tháng liên tiếp. Đây là mối lo ngại lớn khi Ukraine đứng trước một cuộc tấn công mới từ Nga. Nhà đầu tư quan tâm đến thu nhập của BAE. Nhưng điều quan trọng hơn là liệu họ có thể tăng tốc sản xuất nhanh đến đâu.

Putin nói Tập Cận Bình sắp thăm Nga, quan hệ hai bên đạt tới ‘những dấu mốc mới’ 

23/02/2023 

Reuters 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị thượng đỉnh ở Samarkand, Uzbekistan, vào ngày 16/9/2022.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị thượng đỉnh ở Samarkand, Uzbekistan, vào ngày 16/9/2022. 

Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Tư (22/2) cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Nga, và tuyên bố mối quan hệ giữa hai nước đã đạt đến “những dấu mốc mới” giữa bối cảnh Hoa Kỳ lo ngại Bắc Kinh có thể cung cấp hỗ trợ vật chất cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Việc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga sẽ đe dọa khả năng leo thang chiến tranh Ukraine thành một cuộc đối đầu giữa một bên là Nga và Trung Quốc và một bên là Ukraine và liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu.

Tổng thống Putin đã chào đón nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, đến Điện Kremlin, và nói với ông rằng thương mại song phương tốt hơn mong đợi và có thể sớm đạt 200 tỷ USD mỗi năm, tăng từ 185 tỷ USD vào năm 2022.

“Chúng tôi mong đợi chuyến thăm của Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tới Nga, chúng tôi đã đồng ý về việc này”, ông Putin nói với ông Vương.

“Mọi thứ đang tiến triển, đang phát triển. Chúng ta đang vươn tới những ranh giới mới”, ông Putin nói.

Ông Vương nói với ông Putin rằng quan hệ giữa hai nước sẽ vững như bàn thạch bất chấp áp lực từ tình hình quốc tế đầy biến động, và rằng các cuộc khủng hoảng mang đến những cơ hội nhất định.

Thông qua người phiên dịch, ông Vương nói quan hệ giữa Trung Quốc và Nga không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba nào nhưng cũng sẽ “không chịu khuất phục trước áp lực từ bên thứ ba”, một đả kích rõ ràng nhắm vào Hoa Kỳ, theo nhận định của Reuters.

“Cùng nhau, chúng tôi ủng hộ đa cực và dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế”, ông Vương nói với ông Putin. “Điều này hoàn toàn phù hợp với tiến trình thời gian và lịch sử. Nó cũng đáp ứng lợi ích của đa số các quốc gia”.

Trước đó, ông Vương đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, nói rằng ông mong muốn đạt được các thỏa thuận mới trong chuyến thăm Moscow. Tuy nhiên, chi tiết các thỏa thuận không được đưa ra.

Khi ông Tập gặp mặt trực tiếp ông Putin ngay trước khi Nga xua quân vào Ukraine, hai lãnh đạo đã thiết lập mối quan hệ đối tác “không giới hạn” khiến phương Tây lo lắng.

Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, một trong những nguồn thu chính cho kho bạc nhà nước của Moscow.

Trung Quốc công bố tài liệu về chiến lược chống Mỹ

Tạ Linh

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/02/anh-chup-man-hinh-2023-02-23-luc-112614-sa-700x366.jpg

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương. (Ảnh: AP – Andy Wong). 

Hôm 20/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố hai tài liệu nêu chi tiết chiến lược của Bắc Kinh chống lại “thế bá quyền” của Mỹ. 

Theo tờ Le Monde, tài liệu đầu tiên có tựa đề “Thế bá quyền của Mỹ và những mối nguy hiểm”, lên án chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ từ khi độc lập cho đến ngày nay. Tài liệu viết :” Từ khi giành được độc lập vào năm 1776, Hoa Kỳ vẫn liên tục mở rộng ảnh hưởng bằng vũ lực. Ngày nay, tại Ukraina, Irak, Afghanistan, Libya, Syria, Pakistan và Yemen, Hoa Kỳ vẫn áp dụng chiến thuật cũ: tiến hành các cuộc chiến tranh thông qua các trung gian.” Theo cái nhìn của Bắc Kinh, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraina chính là hậu quả từ những thủ đoạn của phương Tây. 

Trong tài liệu nói trên, Trung Quốc lên án việc Hoa Kỳ đặt “ 800 căn cứ quân sự” tại “159 quốc gia”, cũng như việc chính quyền Donald Trump đã ban hành đến “hơn 3.900” trừng phạt kinh tế. Tài liệu còn tố cáo việc các phương tiện truyền thông của Nga ở Mỹ và châu Âu bị “kiểm duyệt gắt gao chưa từng có”.

Trong tài liệu thứ hai, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trình bày “Sáng kiến cho an ninh thế giới”, nêu lên những nguyên tắc chính, với khoảng 20 điểm rất cụ thể và một phương pháp để đạt đến mục tiêu đó. 

Chiến lược này dựa trên 6 cam kết, trong đó có tầm nhìn của ông Tập Cận Bình về “một nền an ninh chung và bền vững” được đưa ra vào năm 2014, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Về điểm này, tài liệu cho rằng “ tâm lý chiến tranh lạnh, chủ nghĩa đơn phương, sự đối đầu giữa các khối, và thế bá quyền là đi ngược lại tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”. Đây là những cụm từ mà Bắc Kinh vẫn dùng để mô tả chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.

Theo nhận định của tờ Le Monde, Trung Quốc đưa ra sáng kiến nói trên nhằm cổ vũ cho một trật tự thế giới mới và gia tăng ảnh hưởng như họ đang làm từ 10 năm qua, thông qua các dự án “những con đường tơ lụa mới”.

Nhà ngoại giao cấp cao Nga: Đàm phán với Ukraine chỉ diễn ra nếu Kyiv và phương Tây hạ vũ khí

Nhà ngoại giao cấp cao Nga: Đàm phán với Ukraine chỉ diễn ra nếu Kyiv và phương Tây hạ vũ khí

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin (Ảnh: Getty Image) 

Quang Nhật

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga, trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước TASS hôm 23/2 vừa qua đã tuyên bố: Các cuộc đàm phán với Ukraine chỉ có thể diễn ra nếu các nước phương Tây và Ukraine hạ vũ khí, ngừng bắn phá các thành phố của Nga [ám chỉ 4 vùng lãnh thổ phía đông Ukraine mà Nga đang chiếm đóng].

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Nga, TASS, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga, ông Mikhail Galuzin, cho biết: “Nếu phương Tây và Kiev muốn ngồi vào bàn đàm phán, trên hết, họ nên ngừng bắn phá các thành phố của Nga và hạ vũ khí. Sau đó, có thể tổ chức một cuộc thảo luận dựa trên thực tế địa chính trị mới”.

Khái niệm “các thành phố của Nga” mà ông Galuzin nhắc tới ám chỉ các thành phố mà Nga đang chiếm đóng ở Ukraine. Đây những địa điểm mà Nga cho rằng lực lượng quân đội nước này tiến quân vào giải phỏng các tỉnh đòi ly khai khỏi nhà nước Ukraine. Phía Nga cũng đã tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi và tuyên bố 4 vùng lãnh thổ của Ukraine sáp nhập vào Nga sau đó.

“Thực tế địa chính trị mới” chính là phía Ukraine và phương Tây chấp thuận mất 4 vùng lãnh thổ này.

Trước đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng phương Tây không thể hiện bất kỳ sự sẵn sàng nào đối với các sáng kiến ​​hòa bình về tình hình ở Ukraine. Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã ra sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với Moscow và tuyên bố rằng ông không quan tâm đến việc đối thoại với người đồng cấp Vladimir Putin ở Nga.

Gần đây nhất, thứ Sáu 17/2/2023, Tổng thống Pháp, ông Macron, bày tỏ quan điểm rằng “Nga phải bị đánh bại ở Ukraine” nhưng ông không muốn thấy Nga bị “nghiền nát”. Đồng thời, ông Macron cũng muốn xem xét khả năng có thể đối thoại với Nga về hoà bình ở Ukraine.

Bản thân Tổng thống Pháp Macron đã bị một số đồng minh NATO chỉ trích vì đưa ra những thông điệp trái chiều [với NATO] liên quan đến chính sách của ông về cuộc chiến giữa Ukraine và Nga.

Bày tỏ quan điểm trước nhận định này của Tổng thống Pháp, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Corriere della Sera của Ý, được công bố vào Chủ nhật, rằng nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron đang lãng phí thời gian để xem xét bất kỳ hình thức đối thoại nào với Nga.

“Đó sẽ là một cuộc đối thoại vô ích. Trên thực tế, ông Macron đang lãng phí thời gian của mình. Tôi đã đi đến kết luận rằng chúng tôi không thể thay đổi thái độ của Nga”, ông Zelenskyy nói, trang Reuters trích nguồn từ nhật báo Ý.

Quang Nhật

Hoa Kỳ: Chính quyền Biden siết chặt thủ tục xin tị nạn

RFI

23/02/2023

Ảnh minh họa : Một đoàn di dân từ Trung Mỹ hướng về phía Hoa Kỳ ngày 27/10/2018. REUTERS/Ueslei Marcelino 

Trong nỗ lực xử lý khủng hoảng di dân ở biên giới phía nam Hoa Kỳ, chính quyền Joe Biden hôm 21/02/2023 đã ban hành các quy định mới bị cho là gây khó khăn cho những người xin tị nạn tại Mỹ. Những quy định mới này có nhiều điểm giống với các biện pháp của chính quyền Trump mà ông Biden đã hứa xóa bỏ. 

Thông tín viên Guillaume Naudin tại Washington tường trình:

Có lẽ đây là sự thay đổi lớn. Theo các quy định mới, những người nhập cư muốn xin tị nạn tại Hoa Kỳ sẽ phải làm thủ tục qua một ứng dụng trên điện thoại di động trước khi qua biên giới với Mêhicô. 

Hiện tại, những người xin tị nạn đến Hoa Kỳ rồi mới làm đơn xin, sau đó chờ  hồ sơ được xét và quyết định cuối cùng. Theo các quy định mới, những người qua biên giới trước khi nộp đơn sẽ là bị xem là nhập cư bất hợp pháp và ngay lập tức sẽ bị trục xuất. 

Các tổ chức bảo vệ người nhập cư và người xin tị nạn chỉ trích gay gắt các quy định mới. Họ cho rằng các quy định đó sẽ khiến rất nhiều người gặp nguy hiểm, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, những đối tượng cần được bảo vệ. Các tổ chức này lưu ý các quy định mới khá giống với các quyết định mà chính quyền Donald Trump đã triển khai và ông Joe Biden đã hứa sẽ ngưng áp dụng. Các quy định đó sẽ hết hạn vào tháng 5 tới. 

Với ông Joe Biden, đây là một thách thức lớn trong khi ông đang dự kiến ứng cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ và các đối thủ chính trị chỉ trích ông bất lực, không xử lý được làn sóng di dân ở biên giới phía nam. 

Bắc Kinh nói máy bay Mỹ giả danh máy bay dân sự để do thám Trung Quốc

22/02/2023

Bắc Kinh nói máy bay Mỹ giả danh máy bay dân sự để do thám Trung Quốc

Máy bay chiến đấu FA-18 chuẩn bị hạ cánh trên tàu sân bay Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ ở Biển Đông hôm 10/4/2018 (minh họa) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 20/2 có bài viết cáo buộc Mỹ sử dụng máy bay giả danh dân sự để do thám hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. Tờ báo nói, trong năm 2022, Mỹ đã tiến hành hơn 600 hoạt động do thám như vậy đối với Trung Quốc.

Global Times trích dẫn thông tin tình báo từ công ty MizarVision cho biết Mỹ đã sử dụng tất cả các loại thiết bị do thám trên không, đôi khi là máy bay dân sự, khinh khí cầu.

MizaVision cho rằng con số các hoạt động do thám này của Mỹ có thể cao hơn vì có khi máy bay Mỹ tắt hệ thống phát tín hiệu ADS-B hoặc sử dụng nhận dạng giả.

Các máy bay do thám của Mỹ được Global Times cho biết, dựa theo thông tin của MizarVision, bao gồm máy bay do thám tín hiệu điện tử EP-3E, máy bay do thám và tuần tra trên biển P-8A, máy bay do thám RC-135, máy bay E-8C và máy bay do thám tầm cao U-2.

MizarVision còn bổ sung thêm rằng quân đội Mỹ đã sử dụng tàu chiến giả danh là tàu thương mại và thay đổi code nhận dạng để do thám hoạt động của Trung Quốc ở đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.

Thông tin này được đưa ra vào khi có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc trên bầu trời nước Mỹ hồi đầu tháng này.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã sử dụng khinh khí cầu để do thám Mỹ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét