Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

Tổng thống Đức thăm Campuchia, sau khi huỷ lịch đến Việt Nam vì 'biến động chính trị'?

BBC News

14/02/2023

Vietnam News

Nguồn hình ảnh, Vietnam News/ Chụp lại hình ảnh, 

Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Trái) và Tổng thống liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier (phải) tại New York vào tháng 9/2021

Hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Đức Steinmeier đã lên lịch đi thăm Việt Nam và Malaysia từ ngày 13 đến 19/2 năm 2023, nhưng sau đó, ông Steinmeier đã thay đổi điểm đến là Campuchia thay vì Việt Nam, dù vẫn đến Malaysia.

Tổng thống Frank-Walter Steinmeier và phu nhân sẽ thăm chính thức Campuchia từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 2. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Liên bang tới quốc gia Đông Nam Á này.

Tại Phnom Penh, ông Steinmeier dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm, trong đó có Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch Thượng viện Say Chhum và với. Chương trình cũng gồm đối thoại với các đại diện của xã hội dân sự. Tổng thống Liên bang cũng sẽ đến thăm đài tưởng niệm các nạn nhân của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

'Đáng chú ý'


Tờ Globe bình luận bước đi "đáng chú ý" của Tổng thống Steinmeier khi đưa Campuchia vào lịch trình sau khi huỷ bỏ chuyến thăm Việt Nam vốn được lên kế hoạch từ trước. Việc này được cho là theo sau "chấn động chính trị" ở Hà Nội khi người đồng cấp của ông Steinmeier - Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức vào tháng 1.

Việc ông Phúc - một trong tứ trụ - rời nhiệm sở diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng, hay còn gọi là "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng "đỏ lửa".

Vào hôm 4/2, tại buổi lễ bàn giao công tác của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, ông Phúc đã thanh minh cho gia đình:

"Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng".

Thời gian qua, mạng xã hội Việt Nam dấy lên nhiều đồn đoán về liên đới của gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc, trong đại án Việt Á. Câu nói trên của ông dường như muốn trả lời những đồn đoán đó.

Tuy nhiên, phát ngôn trên của ông sau đó bị gỡ bỏ trên các trang báo lớn Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong...

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần gặp gỡ với Tổng thống Liên bang Đức Steinmeier. 

Hai người gặp nhau trong chuyến thăm Hà Nội năm 2016 khi ông Steinmeir là ngoại trưởng Đức và ông Phúc vừa được bổ nhiệm làm Thủ tướng Việt Nam. 

Một năm sau đó, ông Phúc được ông Steinmeier tiếp đón tại Schloss Bellevue – dinh tổng thống Đức – ngay trước sự cố ngoại giao hệ trọng nổ ra liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, người đang xin tị nạn ở Đức lúc bị truy nã về tội tham nhũng ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự kiến nắm quyền chủ tịch nước Việt Nam cho đến ít nhất là tháng 5.

Không có lời giải thích chính thức nào được đưa ra về lý do đằng sau việc hủy bỏ chuyến đi Việt Nam của Steinmeir. Nhưng tờ Globe bình luận rằng, sự vắng mặt của Steinmeier tại Hà Nội có thể không gây tổn hại đáng kể gì đến quan hệ Việt-Đức, vốn đã được tái khẳng định từ chuyến thăm của Thủ tướng Scholz ba tháng trước đó.

Đức muốn quan hệ 'sâu sắc hơn' với Việt Nam

Hồi tháng 11/2022, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Phạm Minh Chính, ông Scholz cho biết Đức muốn quan hệ thương mại sâu sắc hơn với Việt Nam và nói rằng Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, bao gồm cả việc mở rộng hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Hà Nội.

Chuyến đi của ông Scholz tới Việt Nam được xem là hy vọng của Berlin nhằm củng cố quan hệ kinh doanh và ngoại giao để cân bằng lợi ích của Đức ở châu Á nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Việt Nam và Singapore là những quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Do đó, họ là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khu vực.

Đức là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong số các nước EU sau Hà Lan, với giá trị thương mại hai chiều trị giá 7,8 tỷ USD vào năm ngoái, theo công ty luật Dezan Shira.

Tuy nhiên, thương mại song phương Đức Việt ít hơn nhiều so với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo Phòng Thương mại Đức tại Việt Nam, hiện có khoảng 500 công ty Đức đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có khoảng 80 công ty có nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Trong số đó có công ty cơ khí khổng lồ Bosch, công ty năng lượng Messer và một số công ty nhỏ hơn tham gia vào chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu.

Ông Marko Walde, Chủ tịch Phòng Thương mại Đức tại Việt Nam, được Reuters dẫn lời nói rằng hơn 90% công ty Đức tại Trung Quốc đang có kế hoạch chuyển dịch sang Đông Nam Á.

Ông cũng nói rằng Việt Nam và Thái Lan là những địa điểm được đánh giá khả quan trong khu vực.

Theo quan sát của nhóm “Chính-sách-đối-ngoại Đức” (https://www.german-foreign-policy.com/), châu Á là một trung tâm với nhiều quốc gia mới nổi đang phát triển và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thế giới trong tương lai. Ngoài Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ, còn có Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, rất năng động với nhiều triển vọng cam kết lớn khi có cơ hội phát triển kinh tế.

https://www.bbc.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét