Quê Hương tổng hợp
Chính quyền CSVN ngăn cản phái đoàn Mỹ gặp tín đồ Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên
RFA
22/02/2023
Các tín đồ Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên tụ tập lễ Giáng sinh 2022
Mục sư Aga
Chính quyền ở hai huyện Buôn Đôn và Cư Mgar của tỉnh Đắk Lắk ngày 22/02 ngăn cản phái đoàn của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh đến gặp các tu sĩ và tín đồ của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo không được chính quyền Việt Nam công nhận.
Một số thầy truyền giáo ở các địa phương khác được mời đến nhà của hai thầy truyền đạo là Y Kreec Bya và Y Cung Niê để gặp hai viên chức ngoại giao Mỹ nhằm phản ánh tình trạng vi phạm tự do tôn giáo mà những người trong hội thánh này đối mặt trong thời gian gần đây.
Tại địa điểm nhà riêng của ông Y Kreec Bya (ở buôn Cuor Knia, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), phái đoàn Hoa Kỳ không thể vào nhà vì nhiều người mặc thường phục chặn ở ngay cổng. Ông Y Kreec Bya nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào trưa cùng ngày:
“Sáng khoảng 10 giờ ông Đại Sứ quán Hoa Kỳ (phái đoàn Tổng Lãnh sự quán- PV) đến thăm Hội Thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên của chúng tôi để nhận biết và trao đổi với họ về tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Nhưng mà họ xuống rất là đông, các ban ngành, lực lượng công an đứng bên ngoài canh gác, trước cửa nhà can thiệp và không cho phái đoàn vào trong nhà để trao đổi với nhau.
Họ cũng đuổi phái đoàn Hoa Kỳ về luôn, không cho bắt tay, không cho nói chuyện.”
Ông cho biết công an các cấp canh gác nhà ông từ ngày hôm trước và những người mà phía Hoa Kỳ có dự định gặp ở nhà của ông, đồng thời đe dọa "nếu Hội Thánh Tin lành Đấng Christ không dừng hoạt động họ sẽ làm các biện pháp mạnh hơn cứng rắn hơn.”
Hai thầy truyền đạo Y Nguyet Buôn Krong và Y Cơi Buôn Krong, cùng ở buôn Komleo, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, cách nhà ông Y Kreec 14 km đều bị giam lỏng trong nhà không cho đi tham dự cuộc gặp. Ông Y Nguyet Buôn Krong nói qua điện thoại:
“Sau khi quốc tế đưa Việt Nam vào danh sách đen đặc biệt quan tâm, họ (chính quyền - PV)đàn áp rất căng. Mỗi chủ nhật, khi chúng tôi sắp thực hành nghi lễ tôn giáo, họ đứng trước cổng nhà tôi và đuổi hết các tín đồ về.”
Còn ông Y Cơi chỉ có thể nhắn tin cho phóng viên để nói về việc mình bị canh gác mà không thể gọi điện thoại vì người của chính quyền đứng rất gần, những người này đã đến canh nhà ông từ chiều ngày 20/2.
Ông cho biết, họ còn đe doạ cấm ông đi làm và bắt giam, không cho đi thăm anh ruột đang cấp cứu ở bệnh viện.
Tình trạng tương tự xảy ra ở buôn Sút M'đưng, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar vào ngày 22/2.
Theo video clip đăng tải trên trang Facebook Người Thượng Vì Công lý, một nhóm nhiều người mặc quần áo dân sự có đeo thẻ ngăn cản phái đoàn Hoa Kỳ khi họ định vào nhà của ông Y Cung Niê, buộc ba vị khách đứng dưới sân trao đổi với chủ nhà.
Có rất nhiều người khác vây xung quanh gây ồn ào bằng cả tiếng địa phương và tiếng Kinh.
Một phụ nữ đeo thẻ tên trước ngực kiểm tra giấy tờ của hai viên chức, nói to rằng "không có sự đàn áp, bắt bớ" đồng thời cho rằng:
"Nói chung trước đây gia đình anh em ở đây theo đạo, theo tín ngưỡng rất là tốt, tuy nhiên bây giờ do một số đối tượng, thành phần ở ngoài kích động mang tiếng ở đây thôi.
Thời gian vừa rồi có việc Y Quynh Buon Dap ở Thái Lan có viết giấy về kích động anh em có muốn tách ra. Nói về tôn giáo thôi mình khuyên thôi vì đây cũng là công dân của mình mà.”
Sau khi người phiên dịch chuyển ngữ sang tiếng Anh, một trong hai viên chức ngoại giao Hoa Kỳ nói với chủ nhà bằng tiếng Việt cho biết, không thể có cuộc gặp trong ngày vì đang có nhiều xung đột và “hy vọng được gặp lại trong tương lai” trong một cuộc gặp "yên lặng" hơn.
Chúng tôi có gọi điện cho ông Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhưng ông không nghe máy. Phóng viên cũng gọi điện cho ông Lê Văn Nuôi- Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn để hỏi về vụ việc nhưng ông nói cần phải đến gặp trực tiếp để được cung cấp thông tin.
Chúng tôi cũng gửi email tới lãnh đạo của tỉnh và hai huyện nhưng chưa nhận được phản hồi.
Phóng viên cũng gửi email tới tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh để đề nghị bình luận về sự việc tuy nhiên chưa nhận được thư trả lời.
Bình luận về sự việc, mục sư Aga từ tiểu bang North Carolina (Mỹ) thuộc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, nói với RFA trong tối 22/2:
“Bấy lâu nay họ (phía Hoa Kỳ- PV) đã biết việc chính quyền cộng sản đàn áp những hội thánh Tây Nguyên và các hội thánh độc lập khác. Họ chính thức bây giờ mới sắp xếp được thời gian đến thăm để muốn biết thực tế tình trạng đàn áp tôn giáo ở các tỉnh Tây Nguyên như thế nào.
Chính quyền luôn cho rằng những người muốn chống phá nhà nước luôn xuyên tạc bịa đặt không có thật và Việt Nam đã có quyền tự do đầy đủ thì đây chứng tỏ rõ ràng mình không nói dối xuyên tạc và vu khống chính quyền. Phái đoàn của Mỹ đến tận nơi và chứng kiến rất là rõ các vấn đề của Việt Nam.”
Trong thời gian gần đây, đặc biệt vào dịp Giáng sinh vừa qua, chính quyền tỉnh Đắk Lắk tìm mọi cách ngăn cản các nhóm tôn giáo độc lập khác thực hành nghi lễ, trong đó có Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên.
Đây là các hội thánh không được chính quyền Việt Nam thừa nhận. Những người thuộc Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên cho biết đơn xin được hoạt động tôn giáo của họ gửi chính quyền từ năm 2013 đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Chính quyền Việt Nam nhiều lần cáo buộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ ở Tây Nguyên là phản động, chống phá Nhà nước. Những tín đồ theo đạo Tin lành Đấng Christ mà RFA phỏng vấn đều bác bỏ cáo buộc này.
Ngày 2/12/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào nhóm các nước thuộc Danh sách Giám sát Đặc biệt (Special Watch List) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo. Nếu sau một thời gian Việt Nam vẫn không cải thiện thì đó là căn cứ để bị chỉ định vào Danh sách quan tâm đặc biệt (CPC) là mức cao nhất đối với các quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo.
Không có tu sĩ Công giáo nào ở Việt Nam bán thuốc chữa bệnh trên mạng
An Vui /SGN
22 tháng 2, 2023
Văn phòng Tổng giáo phận Sài Gòn khẳng định Đức Tổng không có tài khoản trên mạng xã hội – Ảnh chụp màn hình
Đó là khẳng định của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Theo Thanh Niên ngày 19 Tháng Hai 2023 hiện có nhiều trang Facebook mạo danh giám mục, linh mục, các dì phước (soeur) bán thuốc chữa bệnh như thuốc trị đau xương khớp, đau dạ dày….
Đó là trang Facebook mang tên “Đức cha Nguyễn Năng” lấy hình ảnh của Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn làm ảnh đại diện, kèm thông tin: “Ai cần chữa bệnh lý về dạ dày thì liên hệ cho cha”. Khi nhấn vào phần tin nhắn, người dùng sẽ nhận được dòng phản hồi tự động: “Cha chào con”. Tài khoản mạo danh “Đức cha Nguyễn Năng” này tự giới thiệu đây là trang y tế và sức khỏe.
Một trang Facebook khác tên “Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo”, Giám mục, cựu giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc cũng lấy hình ảnh của Đức cha Đạo làm ảnh đại diện để quảng cáo bán thuốc chữa bệnh. Khi nhắn tin thì lập tức có tin nhắn tự động trả lời.
Còn tài khoản “Linh mục Nguyễn Phát Tài” thì đăng hình ảnh của linh mục, kèm thông tin giới thiệu về xuất thân và nhận có tài chữa bệnh xương khớp: “Tôi là Giuse Nguyễn Phát Tài, xuất thân trong một gia đình lương giáo, tốt nghiệp Đại học Y dược. Cha lựa chọn con đường tu trì và trở thành linh mục… Đa số bệnh nhân của cha đều ổn định được 5 – 10 năm cơn đau chưa hề tái phát. Nay cha viết bài này để chia sẻ cho mọi người, đặc biệt là những người con của Chúa biết đến và tìm được đúng cách điều trị… Ai bị xương khớp để lại số điện thoại cho cha ngay để cha thăm khám và điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển biến nặng”. Ở bên dưới có rất nhiều bình luận, đại ý cảm ơn cha đã chữa lành bệnh. Hầu hết các nick Facebook tương tác dưới bài đăng của trang có tên vị linh mục đều là nick ảo, giả mạo, cả những số điện thoại để lại bên dưới cũng đều không liên lạc được.
Chụp màn hình tin nhắn “cha chào con” trên trang bán thuốc giả mạo Đức Cha Giuse Nguyễn Năng
Khi phát giác những tài khoản mạo danh Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng liên tục được mở trên Facebook, Văn phòng Tổng giáo phận Sài Gòn đã có thông báo khẳng định Đức Tổng không sở hữu bất cứ tài khoản nào trên mạng xã hội và nhấn mạnh: “Mọi thông tin của Tổng giáo phận và hướng dẫn của Đức Tổng đều được đăng tải trên các kênh truyền thông chính thức của Tổng giáo phận”.
Giáo phận Xuân Lộc cũng lên tiếng tương tự về tài khoản Facebook mang tên “Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo”. Ngay cả Giáo phận Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Giáo phận Hưng Hóa (Hà Nội) cũng khẳng định trang Facebook lấy tên của vị Giám mục chính tòa Giáo phận để tư vấn bán thuốc trục lợi đều là giả mạo.
Trao đổi với Thanh Niên, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam khẳng định: “Không bao giờ các vị giám mục, linh mục đi bán thuốc vì đây không phải là chuyên ngành của chúng tôi. Với uy tín và sứ mạng của người chức sắc Công giáo thì không ai làm những việc phản cảm như vậy. Bà con giáo dân cũng như cộng đồng cần lưu ý để tránh những ngộ nhận cũng như hiểu lầm không đáng có”. Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ cũng kêu gọi người dùng mạng xã hội không sử dụng hình ảnh các tu sĩ Công giáo để trục lợi cá nhân.
Không chỉ có các linh mục và Đức cha bị mạo danh, các trang bán thuốc cũng đăng hình ảnh các dì phước với lời tư vấn về thuốc chữa bệnh.
Trên trang web của Giáo phận Vinh (tỉnh Nghệ An) ngày 22 Tháng Hai 2023 có bài của linh mục Anmai cảnh báo các trang web và fanpage giả mạo các tu sĩ Công giáo bán thuốc, trong đó có cả các dì phước. Linh mục Anmai kể thân nhân và giáo dân gặp ông thường hỏi: “Đức cha X có phải đang bán thuốc không cha?”, hoặc “Có phải nữ tu Z bán thuốc không cha?”, hỏi ra thì ai cũng đã mua rồi, bị mất tiền rồi. Ông than: Biết nói gì bây giờ khi người quen cả tin đến như thế!
Ông lý giải theo suy nghĩ bình thường của người tín hữu, cứ hễ tu sĩ phán thì họ tin là thật, nhất là khi họ đang đi tìm thầy thuốc giỏi để chữa bệnh mà thấy các Đức Cha, linh mục và dì phước bán là họ an tâm, mua không hề suy nghĩ. Dựa vào niềm tin ấy mà nhiều người đã bị lừa một cách ngoạn mục, phải trả có khi vài chục triệu đồng tiền thuốc trời ơi đất hỡi. Rồi ông khuyên: “Trước một xã hội ảo và giả nhiều hơn thật nên chăng ta phải hết sức thận trọng. Đừng vội tin cũng như đừng cả tin. Với câu nói “lóng lánh không phải là vàng” thì thật là đúng cho mọi thời đại. Trước những sự giả trá cũng như lừa bịp nhau, chúng ta nên nhắc nhớ nhau để người thân quen của chúng ta hết sức cẩn thận khi mua hàng online. Những nhãn hàng và nhà cung cấp uy tín họ đều nói: “Nhận hàng rồi mới thanh toán” thì ta mới nên mua”.
Cuối cùng, linh mục Anmai khẳng định: “Chuyện mà mọi người cần nhớ là không bao giờ có giám mục, linh mục hay nữ tu nào đi bán thuốc ở trên mạng cả”.
Sài Gòn: Vẫn còn hơn 300 ngàn người chưa nhận được tiền hỗ trợ Covid-19
Lê Thiệt /SGN
22/02/2023
Cán bộ tổ dân phố ở quận 12 lấy thông tin gói hỗ trợ đợt 3 – Ảnh: Lê Tuyết/VNExpress
Những người xui xẻo này tập trung ở các quận Bình Chánh (187,700 người), quận Bình Tân (16,200 người), và huyện Củ Chi (2,900 người). Hàng ngày, họ vẫn “hóng” lên ti vi xem bao giờ đến lượt mình, dù số tiền chỉ có 1 triệu đồng.
Tính ra họ chờ đợt từ Tháng Chín 2021, lúc chính quyền thành phố bắt đầu chi gói hỗ trợ thứ ba. Thành phố phê duyệt danh sách 7.4 triệu người. Sau nhiều tháng triển khai, thành phố đã chi hỗ trợ cho gần 7.1 triệu người thì… hết tiền.
Trước đó lãnh đạo thành phố nhiều lần thông tin về việc sẽ sớm cấp bù kinh phí cho các địa phương, song thiếu kinh phí và gặp khó khăn trong cân đối ngân sách phòng chống dịch trong bối cảnh Covid-19 kéo dài.
Hiện, thành phố đã cấp bù kinh phí còn thiếu để các địa phương hoàn tất gói hỗ trợ đợt 3. Bình Chánh có số người chưa nhận nhiều nhất từ đầu Tháng Hai đã lập 126 tổ công tác tại 16 xã, thị trấn để chi tiền cho người dân, song số lượng lớn đã xảy ra tình trạng xếp hàng chờ đợi tại một số địa điểm.
Theo yêu cầu của UBND TP HCM, các địa phương cùng các sở, ngành liên quan phải nhanh chóng chi tiền hỗ trợ cho người dân và kết thúc trước ngày 31 Tháng Ba.
Điều nghịch lý là trong khi hơn 300 ngàn người chưa nhận được tiền, thì có nhiều người thuộc nhóm không được hỗ trợ lại lọt vào danh sách hỗ trợ, và đã nhận được tiền. Sau đó chính quyền địa phương phải vận động họ trả lại.
Nông dân miền Tây ồ ạt bỏ lúa trồng sầu riêng, vài năm nữa có nguy cơ phải ‘giải cứu’
Lê Thiệt /SGN
22/02/2023
Vụ sầu riêng thứ hai tại vườn anh Trần Đăng Khoa (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, Long An) – Ảnh: Hoàng Nam/VNExpress
Hàng ngàn hecta lúa và mít ở miền Tây đã bị nông dân chuyển sang trồng sầu riêng, khiến nhiều chuyên gia nông nghiệp lo vài năm nữa bà con sẽ lại gặp tình trạng “được mùa mất giá” như vụ mùa cam sành mới đây.
Cách đây gần mười năm, những người chuyển đổi cây trồng qua sầu riêng đã đạt được nhiều lợi nhuận do ít người trồng, giá sầu riêng cao. Những khu vườn sầu riêng kín trái, nhà cửa chủ vườn khang trang, thậm chí họ còn xây biệt thự với cổng lớn và hàng rào chạy dọc hết vườn sầu riêng. Hình ảnh thành công đó phần nào thúc đẩy nhiều người khác làm theo với hy vọng đỏi đời.
Ông Nguyễn Văn Đông, 50 tuổi, xã Hậu Thành (Cái Bè, Tiền Giang) cho biết, trước đây gia đình trồng lúa, mỗi năm chỉ lãi 20 triệu đồng. Khoảng 4 năm trước, mít Thái có giá cả trăm ngàn đồng một kg, ông cùng nhiều nhà vườn bỏ lúa, chuyển sang trồng mít. Tuy nhiên, giá mít sau đó lao dốc, bán không ai mua. Cùng thời điểm này sầu riêng có giá cao, gần 100.000 đồng một kg, nên ông tiếp tục đốn bỏ mít chuyển sang trồng sầu riêng. Ông nói:
“Vườn nhà tôi có tổng cộng 200 gốc sầu riêng, mỗi gốc đã bỏ chi phí khoảng 800 triệu đồng, do chi phí cao nên tôi phải vay thêm ngân hàng”.
Ông Đông không phải là hộ cá biệt tại địa phương hết mặn mà với cây lúa, mít. Trong vòng 3 năm, diện tích sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang từ 14.500 ha tăng lên 17.600 ha.
Tình trạng nông dân ồ ạt trồng sầu riêng cũng phổ biến tại các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Hậu Giang, với diện tích hàng nghìn hecta. Hiện nay đất trồng sầu riêng cả nước đã trên 80.000 ha và vẫn còn tăng nữa, trong khi quy hoạch diện tích sầu riêng cả nước chỉ từ 65.000 đến 75.000 hecta mà thôi.
TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, đánh giá tình trạng nông dân ở miền Tây ồ ạt trồng các loại cây ăn quả sau đó bị rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” từng xảy ra. Chẳng hạn trước đây cây mít Thái giá cao, nông dân đổ xô trồng, sau đó giá mít xuống còn 5.000 đồng một kg, phải đốn bỏ. Hay như cam sành Vĩnh Long diện tích vượt quy hoạch, cung vượt cầu sau đó phải nhờ giải cứu.
Một nông dân cho biết thực ra không phải ai cũng chạy theo lợi nhuận cả, mà thực tế trồng lúa không sống được là có thiệt. Một tài khoản tên Night Student trình bày trên Facebook: “Nhà tôi bao đời trồng lúa, những đến đời tôi thì bỏ luôn. Mười năm nay giá lúa không lên, trong khi các chi hí khác thì mỗi năm mỗi tằng. Làm một hecta chỉ dư được vài triệu, trong khi công sức bỏ ra quá nhiều. Tôi thà bỏ luôn cho khỏe người”.
Độc giả Lam Lam của báo VNExpress cũng đồng cảnh ngộ chia sẻ “Ai đã từng sống ở quê, làm ruộng, làm vườn, con nhà thuần nông mới hiểu được tại sao bà con nông dân cứ thay đổi như vậy. Có ai thấm thía nỗi đau chi phí vật tư, phân bón, hạn mặn, phèn chua góp phần làm cây trồng ko đạt năng suất (thậm chí mất trắng vụ đó) cùng với mồ hôi công sức… nhưng lại không định được giá lúa, giá mít khi bán thì xin đừng nói nông dân hùa theo”.
Độc giả Thành Đạt chia sẻ: “Người nông dân họ khổ lắm, họ không có nghĩa vụ phải trồng lúa giá rẻ cho các bạn ăn, họ cũng phải tìm cách thoát nghèo. Ai cảm thấy trồng lúa ngon, được bao tiêu đầu ra thì xin mời cứ làm, còn những người nông dân dám mạo hiểm, dám gạt cái cũ để đổi sang cái mới tìm ánh sáng thì họ xứng đáng được hưởng thành quả bỏ ra, nếu thất bại thì người chịu cũng là họ, chả có ai chịu dùm, nên tốt nhất hãy ủng hộ còn nếu không ủng hộ thì chỉ cần im lặng là được, đừng chỉ trích họ”.
VinFast được cấp giấy phép để khởi công xây dựng nhà máy ở Mỹ
22/02/2023
Công nhân lắp ráp ô tô tại nhà máy của VinFast ở Hải Phòng. Hãng xe ô tô của Việt Nam vừa được cấp một giấy chứng nhận về môi trường cần thiết để khởi công xây dựng nhà máy ở Mỹ.
Hãng ô tô điện khởi nghiệp của Việt Nam, VinFast, mới có được giấy phép từ các nhà quản lý của tiểu bang North Carolina để bắt đầu xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện trị giá 4 tỷ USD đã được lên kế hoạch từ trước ở Mỹ.
Giấy phép mà North Carolina vừa cấp cho VinFast, đơn vị sản xuất ô tô của tập đoàn Vingroup, được xem là một trong những giấy phép về môi trường quan trọng mà hãng xe của Việt Nam cần phải có để khởi công nhà máy ở tiểu bang miền Đông Hoa Kỳ.
Theo giấy chứng nhận do Sở Chất lượng Môi trường North Carolina cấp, được công bố trên trang web của cơ quan, VinFast hoàn tất nộp đơn xin chứng nhận vào tháng 12 năm ngoái và được thông qua vào ngày 9/2.
VinFast được cấp “Air Permit” (Giấy chứng nhận khí thải) để khởi công xây dựng giai đoạn 1 của nhà máy, được đặt ở Hạt Chatham của North Carolina, nhưng ngày bắt đầu chưa được tiết lộ, theo ghi nhận của Reuters và The Carolina Journal.
Việc khởi công xây dựng nhà máy của VinFast được dự kiến diễn ra vào năm ngoái nhưng hãng xe của Việt Nam vẫn đang phải chờ phê duyệt theo quy định về việc liệu dự án này có tác động vĩnh viễn đối với chất lượng nước ở khu vực xung quanh hay không.
Theo nhật báo địa phương Carolina Journal, công ty vẫn đang chờ sự chấp thuận một giấy phép từ Công binh Lục quân Mỹ.
Hãng ô tô của Việt Nam nói rằng họ có kế hoạch bắt đầu đưa nhà máy ở North Carolina, dự kiến tạo ra hơn 7.000 việc làm, đi vào hoạt động sớm nhất là vào năm 2024, theo Reuters.
Giai đoạn đầu của dự án bao gồm khoản đầu tư 2 tỷ USD vào nhà máy có khả năng sản xuất 150.000 xe ô tô điện mỗi năm, theo giám đốc điều hành VinFast Lê Thị Thu Thủy cho CNBC biết.
Trong giai đoạn 2 của nhà máy ở Mỹ, công ty sẽ tập trung vào sản xuất pin, theo Reuters.
Ngay trước khi được cấp giấy phép từ cơ quan quản lý của North Carolina, VinFast cho biết đang cắt giảm lực lượng lao động tại Mỹ trong bối cảnh công ty tái cấu trúc tại thị trường Hoa Kỳ giữa lúc việc giao lô hàng đầu tiên bị đình trệ và công ty chuẩn bị cho việc niêm yết cổ phiếu ở Mỹ. VinFast nói với Bloomberg rằng việc tái cấu trúc là nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn tại khu vực Bắc Mỹ và rằng họ đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ địa phương để nâng cao hiệu quả.
VinFast, có trụ sở chính tại Los Angeles thuộc tiểu bang California, đang tiến tới mở rộng hoạt động ở Mỹ, nơi hãng xe Việt Nam hy vọng có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô tên tuổi đã có mặt ở thị trường lớn nhất thế giới trong nhiều năm qua. Hãng đã xuất cảng gần 1.000 xe điện đầu tiên tới Mỹ vào tháng 11 năm ngoái nhưng phải hoãn giao xe cho khách hàng tới tận cuối tháng này với lý do “phải hoàn tất việc cập nhật phần mềm mới nhất” cho những chiếc xe này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét