January 30, 2023 by Lê Thy
002- Chùa Khải Tường
Đường Hồng Thập Tự và đường Công Lý ,
Quận 3-Sàigòn
Theo tài liệu [1, 2, 3] : Chùa Khải Tường được thành lập vào khoảng năm 1744 tại làng Tân Lộc hay xóm Chợ Đũi, nằm trong vườn Tao Đàn, thuộc quận 3 – Sàigòn.
Một tài liệu khác [4] viết chùa Khải Tường được thành lập vào khoảng năm Nhâm Thân (1752) tại làng Tân Lộc.
Tài liệu [5] ghi rất rõ ràng địa điểm của chùa Khải Tường : ‘’Nền chùa Khải Tường truy rõ lại ở lọt vùng đất trường Đại Học Y Dược , số 28 đường Trần Quý Cáp, trên khu đất mang số bông đồ kim thời 1, 8, 9, section B 2 è feuille, ville de Saigon. Sau này, trên một phần của miếng đất này ở góc đường Hồng Thập Tự và đường Công Lý thuộc quận 3-Sàigòn, trường Collège Chasseloup-Laubat, (Lycée Jean-Jacques Rousseau, Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn) được xây lên’’. Địa điểm này nằm bên hông Dinh Độc Lập và cách vườn Tao Đàn khoảng vài trăm thước, xem thêm chi tiết trong tài liệu [6].
Sau đây là lược sử chùa Khải Tường theo tài liệu [1, 2, 3] :
Năm Giáp Ngọ (1744), chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (hay Nguyễn Thế Tông) (1714-1765) tổ chức lãnh thổ Đàng Trong thành một nước riêng biệt, coi như ngang hàng với Đàng Ngoài chứ không chịu thần phục vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài nữa. Chúa đã cho mở rộng lãnh thổ Đàng Trong, phát động phong trào di cư đông đảo đến huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn của phủ Gia Định, tức vùng đất Sàigòn-Gia Định sau này. Dân chúng từ các địa phương miền Trung nước Việt và vùng Đồng Nai di chuyển đến huyện Tân Bình.
Theo lớp người dân từ Đồng Nai xuống huyện Tân Bình, trong đó có cả người Việt và người Hoa, có một tăng sĩ (hiện chưa biết rõ pháp danh và tông phái) trên đường đi kết làm huynh đệ với Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc. Thiền sư này là đệ tử của Hòa thượng Thành Đẳng Minh Lượng chùa Đại Giác tại Đại Phố Đồng Nai, dinh Trấn Biên (cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa ngày nay).
Hai người đến làng Tân Lộc (có tài liệu viết là làng Hoạt Lộc hay xóm Chợ Đũi) lo khai phá rừng, cất am tranh tu hành và cùng với dân chúng khai khẩn ruộng đất canh tác.
Hai huynh đệ chia phiên nhau: cứ nửa tháng ra làm ruộng rẫy, đốn củi, hái rau, trái cây về ăn, nửa tháng sau ở nhà lo sửa sang am thờ Phật, đóng bàn ghế, tủ thờ… đêm đến hai huynh đệ cùng nhau tọa thiền tụng kinh, học thêm kinh sách Phật giáo.
Sau đó, khi cuộc sống tạm ổn định, vị tăng sĩ bạn đạo của Thiền sư Linh Nhạc cất thêm một am tranh mới, cách am tranh cũ vài trăm thước để thuận tiện cho việc tu hành.
Năm Nhâm Thân (1752), Thiền sư Linh Nhạc với sự hộ giúp của bổn đạo đã dỡ bỏ am tranh cũ, cất một ngôi chùa khang trang, có đủ chánh điện, nhà Tổ, phòng khách… Thiền sư Linh Nhạc Phật Ý đặt tên chùa là “Từ Ân” .(Xem thêm chi tiết trong bài Chùa Từ Ân của cùng tác giả).
Ngôi am của vị tăng sĩ bạn đạo gần đó cũng được sửa thành ngôi chùa khang trang với tên là “Khải Tường” với ngụ ý là mở rộng phước lành cho bá tánh.
Sau một thời gian hoằng hóa, vị tăng sĩ trụ trì chùa Khải Tường viên tịch, Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc trụ trì luôn cả hai chùa. Do tài đức của Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc, mà hai tự viện trở nên có tiếng ở vùng Gia Định.
Trong khi hai chùa Từ Ân và Khải Tường phát triển rộng lớn, Thiền sư Linh Nhạc Phật Ý được sự phụ giúp của sư đệ trong tông phái Lâm Tế là Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt (Tổ Thành), cũng thuộc đời 35 như sư Linh Nhạc Phật Ý (đệ tử của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri) được cử giữ chức Thủ tọa, lo điều khiển tăng chúng trong hai chùa. Theo tài liệu [7] : Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt sau được trụ trì chùa Khải Tường.
Sau đó, Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc trao chức Tri khách cho đệ tử là Thiền sư Tổ Đạt Trí Tâm (Tổ Đạt) lo việc tiếp khách và việc giao dịch của chùa, sau được cử trụ trì chùa Khải Tường.
Trong giai đoạn chiến tranh giữa Tây Sơn với chúa Nguyễn Phúc Ánh, cả hai chùa (Từ Ân và Khải Tường) từng là nơi ở của vị chúa này và đoàn tùy tùng (chùa Từ Ân là nơi dành cho chúa và quan quân, còn chùa Khải Tường là nơi dành cho các phi tần).
Theo tài liệu [5], Chùa Khải Tường có dật sử : ’’ Hoàng tử Đảm (sau lên ngôi là Đức Minh Mạng) sanh nơi hậu liêu vào năm Tân Hợi (1791) giữa cơn tị nạn bình Tây Sơn. Qua năm 1804, Cao Hoàng nhớ tích cũ, để tạ ơn Phật dày công che chở mấy năm bôn tẩu, nên gởi tặng chùa một cốt Phật Thích Ca thật lớn bằng gỗ mít, thếp vàng tuyệt kỹ. Từ năm 1867, chùa bị dẹp, tượng Phật phải dời về nương náu nhiều nơi, cùng một số phận với hội Cổ Học Ấn Hoa, khi đường Tự Đức, khi đại lộ Thống Nhất, (chỗ hãng máy bay Air France bây giờ), mặc cho mối ăn mọt khoét. Ngày nay thanh bình trở lại, tai qua nạn khỏi, đức Thích Ca vĩnh viễn ngự tại trung đường Viện Bảo Tàng Sàigòn như chúng ta thường được thấy’’.
Khi quân Pháp tiến chiếm Gia Định vào năm 1859, họ gọi chùa Khải Tường là chùa Trước (pagode Avancée) còn chùa Từ Ân là chùa Sau.
Theo tài liệu [5], năm 1859 ông Nguyễn Tri Phương lập làm đồn chống quân Pháp tại chùa Khải Tường. Vào tháng 7 năm 1860, quân Pháp chiếm đóng chùa Khải Tường để lập đồn bót và để làm cứ điểm xuất phát đánh Đại đồn Chí Hòa do tướng Nguyễn Tri Phương trấn giữ. (Xem thêm chi tiết trong tài liệu [8]).
Qua đêm 6 tháng 12 năm 1860, quân của Nguyễn Tri Phương phục kích giết Đại úy Thủy quân lục chiến Barbé cởi ngựa đi tuần khu chùa. Có thể vì lý do này, Pháp gọi chùa Khải Tường là Pagode Barbé.
Tính đến năm chùa Khải Tường bị quân Pháp chiếm, chùa hiện hữu được 116 năm (=1860-1744).
Tài liệu tham khảo :
1. Bách khoa toàn thư -Chùa Từ Ân.
2. Bách khoa toàn thư -Phật Ý Linh Nhạc.
3. Viết bởi Nguyen– Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc -Thiền Viện Thường Chiếu-16/10/2008.
4. Bách khoa toàn thư -Chùa Khải Tường.
5. Vương Hồng Sển– Sàigòn Năm Xưa-Sống Mới-1968.
7. Thích Pháp Trí-Người khai sơn chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức)-10/10/2019.
8. TM–Nghĩa địa ở Sàigòn – Gia Định trước năm 1975-Bãi Tha Ma Đồn Chí Hòa
https://baovecovang2012.wordpress.com/2023/01/30
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét