Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Các ngôi chùa trước năm 1975 trong Thủ đô Sài Gòn: Chùa Từ Ân

January 30, 2023 by Lê Thy 

001- Chùa Từ Ân
Khu vực Chợ Đũi , Quận 1,2 và 3  & Đường Tân Hóa , Phú Lâm, Quận 6 – Sàigòn

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2023/01/001-chuatuan-1-2.jpg?w=640

Chùa Từ Ân gồm có hai chùa : 

– Chùa Từ Ân nguyên thủy (tạm gọi là thứ nhứt) còn có tên là Sắc Tứ Từ Ân Tự, được xây, vào năm 1744 (theo tài liệu [1,2,3]) ở khu vực Chợ Đũi, nằm trong vườn Tao Đàn, thuộc quận 3- Sàigòn.

Mặt khác theo tài liệu [4] : Chùa Từ Ân ở vị trí chợ Đũi, thuộc quận 3- Sàigòn được thành lập vào năm 1802 .

(Địa điểm của chợ Đũi và khu vực Chợ Đũi được ghi trong phần Phụ đề 1 cuối bài).

Khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định năm 1859, chùa Từ Ân này bị đốt cháy;

– Chùa Từ Ân thứ hai :11 năm sau vào năm 1870, ngôi chùa Từ Ân thứ hai được xây lên ở gần chợ Gạo – Phú Lâm, thuộc quận 6 – Sàigòn, để tiếp nối dòng đạo, đồng thời gìn giữ những di vật còn sót lại của ngôi chùa cũ.

(Địa điểm của chợ Gạo – Phú Lâm được ghi trong phần Phụ đề 2 cuối bài).

Theo tài liệu [4,5,6] : Địa chỉ hiện nay của chùa Từ Ân thứ hai : số 23 đường Tân Hóa (bên rạch ông Buông), phường 14, quận 6- Sàigòn. Trước năm 1975, phường 14 này là phường Phú Lâm.


(Phụ chú : Xin đừng lầm lẫn chùa Từ Ân ghi ở trên với  một chùa khác có  cùng tên Từ Ân, tọa lạc ở số 28-30 đường Hùng Vương, quận 11- Sàigòn . Ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1957, sau đó Hòa thượng Hoằng Tu đã cho trùng tu và mở rộng vào năm 1967 và những năm gần đây. Đây là ngôi chùa Phật giáo của người Hoa, thuộc dòng Tào Động – Xem thêm chi tiết trong bài Chùa Từ Ân- Quận 11 của cùng tác giả). 

1- Sau đây là lược sử của chùa Từ Ân thứ nhứt, theo tài liệu [1,2,3] :  

Năm Giáp Ngọ (1744), chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (hay Nguyễn Thế Tông) (1714-1765) tổ chức lãnh thổ Đàng Trong thành một nước riêng biệt, coi như ngang hàng với Đàng Ngoài chứ không chịu thần phục vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài nữa. Chúa đã cho mở rộng lãnh thổ Đàng Trong, phát động phong trào di cư đông đảo đến huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn của phủ Gia Định, tức vùng đất Sàigòn-Gia Định sau này. Dân chúng từ các địa phương miền Trung nước Việt và vùng Đồng Nai di chuyển đến huyện Tân Bình.

Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc, có lẽ quê ở dinh Trấn Biên (tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa sau này),  sanh năm Ất Tỵ (1725), qui y thọ giáo với Hòa thượng Thành Đẳng Minh Lượng chùa Đại Giác tại Đại Phố Đồng Nai, dinh Trấn Biên (cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa ngày nay).

Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc vâng lời thầy, theo lớp người dân từ Đồng Nai xuống huyện Tân Bình, trong đó có cả người Việt và người Hoa. Trên đường đi, Thiền sư Linh Nhạc gặp một tăng sĩ cùng lứa tuổi (hiện chưa biết rõ pháp danh và tông phái) kết làm huynh đệ.  Hai người cùng nhau đến làng Tân Lộc (có tài liệu viết là làng Hoạt Lộc hay xóm Chợ Đũi) lo khai phá rừng, cất am tranh tu hành (vào khoảng năm 1744) và cùng với dân chúng khai khẩn ruộng đất canh tác. Hai huynh đệ chia phiên nhau: cứ nửa tháng ra làm ruộng rẫy, đốn củi, hái rau, trái cây về ăn, nửa tháng sau ở nhà lo sửa sang am thờ Phật, đóng bàn ghế, tủ thờ… đêm đến hai huynh đệ cùng nhau tọa thiền tụng kinh, học thêm kinh sách Phật giáo.

Người dân di cư sống xa quê hương, ở vùng đất mới hoang vắng giữa rừng rậm đầy thú dữ, rắn rít độc…Ban ngày lo khai phá ruộng đất ở giữa rừng, vừa mệt nhọc vừa sống trong cảnh bất trắc trước những tai họa do ác thú gây ra (cọp beo ăn thịt, rắn độc cắn, cá sấu ăn…), đêm đến sống trong cảnh âm u hoang vắng giữa vùng rừng rậm, con người cảm thấy quá bé nhỏ giữa thiên nhiên rộng lớn bao la. Trước những tai họa do ác thú gây ra, hoặc tai nạn lao động (cây đè chết chóc, gãy tay chân…), hoặc bệnh hoạn chết chóc vì khí thiêng nước độc… làm cho con người thấy rõ được sự vô thường của cuộc đời, nay còn mai mất, sự thay đổi của cuộc đời và thỉnh thoảng lại gặp những sự việc hay hiện tượng huyền bí, mầu nhiệm… con người cảm thấy cần đến sự an ủi tinh thần và cần đến sự hộ trì của Trời Phật, của những đấng vô hình, nên họ tìm đến chùa chiền và các tăng sĩ Phật giáo để nhờ an ủi, cầu nguyện… Vì vậy, dân chúng trong vùng mới đến am tranh của Thiền sư Linh Nhạc để cầu nguyện, nghe thuyết giảng về Phật pháp, tụng kinh lễ sám, nhất là những ngày 14, rằm, 30, mùng 1 âm lịch (sóc, vọng).

Sau đó, khi cuộc sống tạm ổn định, vị tăng sĩ bạn đạo của Thiền sư Linh Nhạc cũng cất thêm một am tranh mới, cách am tranh cũ vài trăm thước để thuận tiện cho việc tu hành.

Sau hơn mười năm lao động vất vả, cuộc sống của người dân di cư được ổn định, khai khẩn trồng trọt đã thu hoạch được hoa lợi, cuộc sống người dân thoải mái hơn, nên Phật tử đến chùa càng ngày càng đông. Vì vậy năm Nhâm Thân (1752), Thiền sư Linh Nhạc với sự hộ giúp của bổn đạo đã dỡ bỏ am tranh, cất thành một ngôi chùa khang trang, có đủ chánh điện, nhà Tổ, phòng khách… Thiền sư Linh Nhạc Phật Ý đặt tên chùa là “Từ Ân” với ngụ ý là nhờ lòng từ bi và ân huệ của đức Phật mà bá tánh được bình an, tạo được cuộc sống ấm no hạnh phúc nơi vùng đất mới và cũng nhờ lòng từ bi và ân huệ của đức Phật, chư vị hộ pháp mà tạo nên được cơ sở để truyền bá đạo pháp cho bá tánh.

Theo Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn, thì lúc bấy giờ “chùa Từ Ân ở thôn Hòa Hưng, huyện Bình Dương, nhà chùa tráng lệ, cảnh trí u nhã”…. 

Tài liệu [4] viết theo Đại Nam Nhất Thống Chí, trương 81,chùa Từ Ân lập năm 1802. Tuy nhiên dựa vào năm chiếc am tranh tu hành được cất lên thì năm thành lập của chùa Từ Ân phải là năm 1744.

Ngôi am của vị tăng sĩ bạn đạo gần đó cũng được sửa thành ngôi chùa khang trang với tên là “Khải Tường” với ngụ ý là mở rộng phước lành cho bá tánh. 

Tài liệu [4] viết :’’ Nền chùa Khải Tường truy rõ lại, ở lọt vùng đất trường Đại Học Y Dược hiện thời, số 28 đường Trần Quý Cáp, trên khu đất mang số bông đồ kim thời 1, 8, 9, section B 2è feuille, ville de Saigon ‘’. (Xem thêm chi tiết trong bài Chùa Khải Tường  của cùng tác giả).

Sau một thời gian hoằng hóa, vị tăng sĩ  trụ trì chùa Khải Tường viên tịch, thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc trụ trì luôn cả hai chùa. Do tài đức của thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc, mà hai tự viện trở nên có tiếng ở vùng Gia Định. 

Trong khi hai chùa Từ Ân và Khải Tường phát triển rộng lớn, Thiền sư Linh Nhạc Phật Ý được sự phụ giúp của sư đệ trong tông phái Lâm Tế là Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt (Tổ Thành), cũng thuộc đời 35 như sư Linh Nhạc Phật Ý (đệ tử của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri) được cử giữ chức Thủ tọa, lo điều khiển tăng chúng trong hai chùa.Theo tài liệu [5] : Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt sau được trụ trì chùa Khải Tường.

Nhưng sau khi Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri viên tịch (năm 1786), Thiền sư Liễu Đạt kính Sư huynh Linh Nhạc Phật Ý như thầy.

Ngoài ra, Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc cũng đào tạo được một số đệ tử có kiến thức  Phật pháp uyên thâm và đức hạnh để lo việc trong chùa:

a) Thiền sư Tổ Tông Viên Quang là trưởng tử của Hòa thượng Linh Nhạc, được giao lo phụ trách việc giảng giải kinh điển cho đồ chúng trong chùa;

b) Thiền sư Tổ Đạt Trí Tâm (Tổ Đạt) được trao chức Tri khách, lo việc tiếp khách và việc giao dịch của chùa, sau được cử trụ trì chùa Khải Tường;

c) Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng (Tổ Đức) sau thời gian tu học ở chùa Từ Ân, được về trụ trì chùa Đại Giác ở dinh Trấn Biên (Biên Hòa) có lẽ vào năm 1775, sau này còn được vua Gia Long mời ra kinh đô Huế hoằng hóa, được phong chức Tăng cang chùa Thiên Mụ (1814-1817), trụ trì chùa Quốc Ân (do Tổ sư Nguyên Thiều thành lập) cho đến ngày viên tịch (năm 1835);

d) Thiền sư Tế Chánh Bổn Giác (Tổ Đạt),đệ tử của Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt,được Thiền sư Linh Nhạc giao chức Tri sự, lo việc điều hành nội bộ chùa Từ Ân;

e) Năm Nhâm Thìn (1772), Phật tử ở chùa Cẩm Đệm còn gọi là Cẩm Sơn Tự  ở xã Phú Thọ Hòa, Tổng Dương Hòa Thượng,Quận Tân Bình- Gia Định, đến chùa Từ Ân xin Hòa thượng Linh Nhạc Phật Ý cử tăng sĩ vào trụ trì chùa này. Chùa Cẩm Đệm do cư sĩ Lý Thoại Long, người Minh Hương, quyên tiền bá tánh xây cất năm Giáp Tý (1744). Hòa thượng Linh Nhạc cử Thiền sư Tổ Tông Viên Quang về trụ trì chùa này, đồng thời đổi tên chùa thành Giác Lâm từ đó cho đến ngày viên tịch (1827). (Xem thêm chi tiết trong bài Những ngôi chùa Phật Giáo ở Sàigòn và Gia Định trước năm 1975-Chùa Giác Lâm của cùng tác giả );

f) Hoà Thượng Tế Giác-Quảng Châu, tức Tiên Giác-Hải Tịnh, xuất gia tu hành tại chùa Từ Ân với thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc,trở thành đệ tử của Thiền sư Tổ Tông Viên Quang,  sau làm Tăng cang chùa Thiên Mụ và chùa Giác Lâm.

Mặt khác, tài liệu [5] ghi hai giả thuyết : 

– Hoà Thượng Tiên Giác- Hải Tịnh là đệ tử xuất gia với Tổ Thiệt Thoại-Tánh Tường (thuộc phái thiền Lâm Tế, đời thứ 35,vị Tổ khai sáng chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức), cầu pháp với Tổ Linh Nhạc-Phật Ý;
– Hoà Thượng Tiên Giác-Hải Tịnh là đệ tử xuất gia của Tổ Tông Viên Quang và là đệ tử cầu pháp của ngài Thiệt Thoại-Tánh Tường.

Tuy nhiên tài liệu này đã khẳng định như sau :Tổ Thiệt Thoại-Tánh Tường là người đã từng hướng dẫn và dạy dỗ cho Thiền sư Tiên Giác-Hải Tịnh. Sự thành tựu đạo nghiệp của ngài Tiên Giác- Hải Tịnh là do công lao của Tổ Thiệt Thoại-Tánh Tường đã dày công giáo dưỡng. Thiền sư Tiên Giác là một vị chân tu, khi đến học đạo với Tổ Viên Quang lúc bấy giờ với tư cách giống như huynh đệ, nhưng ngài không tự ái, đã dẹp bỏ bản ngã, hết lòng cầu pháp, nhận Tổ Viên Quang làm thầy và mới có tên là Tiên Giác-Hải Tịnh, theo dòng Lâm Tế Gia Phổ, thuộc bài kệ của Đạo Mân Mộc Trần.

Hoà Thượng Tiên Giác-Hải Tịnh độ được nhiều đệ tử xuất gia lẫn tại gia. Trong số các đệ tử rạng danh của ngài mà chúng ta biết có những vị như: ngài Đạo Trung- Thiện Hiếu (còn có biệt danh là Tổ Đỉa), Minh Khiêm-Hoằng Ân, Minh Huyên (Phật Thầy Tây An). Ngài Minh Khiêm-Hoằng Ân cùng lúc trụ trì hai ngôi chùa Giác Viên và Giác Lâm, và vâng lời sư phụ là Thiền sư Tiên Giác đã hoằng hóa khắp miền Tây Nam Kỳ.

 Hoà Thượng Tiên Giác-Hải Tịnh là người đặt tên cho chùa Giác Viên. (Xem thêm chi tiết trong bài Chùa Giác Lâm và  bài Chùa Giác Viên của cùng tác giả ).

Trong giai đoạn chiến tranh giữa Tây Sơn với chúa Nguyễn Phúc Ánh, cả hai chùa từng là nơi ở của vị chúa này và đoàn tùy tùng (chùa Từ Ân là nơi dành cho chúa và quan quân, còn chùa Khải Tường là nơi dành cho các phi tần).

Theo tài liệu [4] :  Chùa Khải Tường có dật sử : Hoàng tử Đảm (sau lên ngôi là Đức Minh Mạng) sanh nơi hậu liêu của chùa vào năm Tân Hợi (1791) giữa cơn tị nạn bình Tây Sơn.

Năm 1801, Nguyễn Vương chiếm lại được kinh đô Phú Xuân và sau đó chiếm luôn cố đô Thăng Long, dẹp tan nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước Đại Việt sau mấy thế kỷ phân chia ly tán. Năm 1802, Nguyễn Vương lên ngôi lấy hiệu là Gia Long.

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long (1802-1820) sắc tứ trùng tu và ban thưởng cho các chùa:

– Sắc Tứ Từ Ân Tự, Quốc Ân Khải Tường Tự, cấp lương tiền và mọi chi phí cho tăng chúng và sinh hoạt của hai chùa này, coi là hai chùa của quốc gia, dân thường gọi là “chùa quan”;
Theo tài liệu [4] : Chùa Từ Ân, theo Đại Nam Nhất Thống Chí, trương 81, được sắc phong “Sắc Tứ Từ Ân Tự ” vào năm 1821;

– Vua sai quan trấn Trấn Biên (tỉnh Biên Hòa sau này) đem tượng binh và công thợ trùng tu chùa Đại Giác. Sau đó công chúa Ngọc Anh cũng tu hành ở chùa Đại Giác. Vua ban y bát và sắc phong cho Thượng tọa Phật Ý Linh Nhạc làm Hòa thượng;

– Năm 1814, vua Gia Long lại phong cho đệ tử của Hòa thượng Linh Nhạc là Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng làm Tăng cang chùa Thiên Mụ;

– Năm 1817, vua lại cử Thủ tọa chùa Từ Ân là Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt làm Tăng cang chùa Thiên Mụ, thay thế cho Thiền sư Mật Hoằng qua trụ trì chùa Quốc Ân. Sau đó, vua lại ban cho Tăng cang Liễu Đạt danh hiệu là Hòa thượng Liên Hoa.

 Đại lão Hòa thượng Linh Nhạc là bậc giác ngộ, khoảng năm 1820-1821, dù Hòa thượng Linh Nhạc ở chùa Từ Ân (Gia Định) nhưng biết việc ở xa, nên có nói với đệ tử là Thiền sư Viên Quang (Trụ trì chùa Giác Lâm) là sợ cho duyên trần ràng buộc Hòa thượng Liên Hoa (Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt) đang hoằng hóa ở kinh đô Huế. Quả thực, Hòa thượng Liên Hoa ở Huế đang bị một nữ Hoàng thân triều Nguyễn là Tế Minh Thiên Nhật thương mến và cố kết gây nghiệp duyên oan trái.

Ngày 20 tháng 11 năm Tân Tỵ (1821), Minh Mạng nguyên niên, Đại lão Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc viên tịch tại chùa Từ Ân, thọ 97 tuổi. Khi Đại lão Hòa thượng viên tịch có mùi hương ngát ở chùa. Chắc hẳn là Ngài đã đạt thành Chánh giác.

Đồ chúng và quan chức Gia Định làm lễ an táng Đại lão Hòa thượng hết sức long trọng, di cốt được đưa vào tháp trong khuôn viên chùa Từ Ân (trong khuôn viên vườn Tao Đàn ở Sàigòn ngày nay).

Nghe tin sư huynh của mình là Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc mất,Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt danh hiệu Hòa thượng Liên Hoa, đệ tử rạng danh của Thiền sư Minh Vật-Nhất Tri, khi ấy đã là Tăng cang chùa Thiên Mụ ở Huế từ năm 1817, vội vàng xin vua từ nhiệm để trở về làm trụ trì Từ Ân, tức ngôi chùa cũ của mình.Năm 1823, Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt tự thiêu vì không muốn sợi dây tình ái trói buộc với một nữ  Hoàng thân, chị của vua Gia Long, pháp danh là Tế Minh-Thiên Nhật), vốn là một cư sĩ đã từng học đạo với sư. 

Tiếp nối, Thiền sư Tế Chánh-Bổn Giác lên thay thầy làm trụ trì, sau đó là Thiền sư Tế Tín-Chánh Trực. 

Năm 1859, trong thời Thiền sư Tế Tín-Chánh Trực  làm trụ trì chùa Từ Ân, quân Pháp tiến chiếm Gia Định, họ gọi chùa Khải Tường là chùa Trước (pagode Avancée) còn chùa Từ Ân là chùa Sau. Chùa Khải Tường bị quân Pháp chiếm làm đồn, còn chùa Từ Ân thì bị đốt cháy, sau khi các nhà sư ở đây rút chạy và “chỉ kịp đem cất giấu một số món đồ, nhờ vậy mà chùa Từ Ân thứ hai ở gần chợ Gạo (Phú Lâm) ngày nay còn được một số hiện vật này .

2- Lược sử của Chùa Từ Ân thứ hai theo tài liệu [1,6,7] :

Theo tài liệu [1] :Trải bao thăng trầm của lịch sử, năm Canh Ngọ 1870, một ngôi chùa Từ Ân thứ hai  đã được dựng lên ở Phú Lâm ,thuộc quận 6, để tiếp nối dòng đạo, đồng thời gìn giữ những hiện vật còn sót lại của ngôi chùa cũ. 

Hiện còn khá nhiều bức hoành và câu đối từ các nơi đem đến hiến cúng nhân ngày lạc thành chùa đã minh chứng cho điều ấy. Lúc bấy giờ, là thời của Hòa thượng Như Bằng-Thanh Ấn làm trụ trì. 

Theo tài liệu [4] : Hoà Thượng Nguyễn Văn Bằng, pháp danh Thanh Ấn, trụ trì chùa Từ Ân thứ hai này, là một nhà sư danh tiếng nhứt trong Nam, đạo, hạnh gồm hai, năm 1931 vẫn còn mạnh khoẻ. 

Theo tài liệu  [8] : Hoà Thượng Thanh Ấn ,vào năm 1926, đã nhận Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, lúc đó 16 tuổi, được xuất gia tu học tại chùa Từ Ân.

Mặc dù chùa Từ Ân thứ hai có kiến trúc khá khiêm tốn so với trước đây, nhưng bên trong hiện vẫn còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật quý, đó là: 

– Hai bức hoành phi chạm gỗ, sơn son thiếp vàng: một đề là “Sắc Tứ Từ Ân Tự” và hai đề là “Quốc Ân Khải Tường Tự” (được đem về đây sau khi cả hai ngôi chùa đều bị nạn đao binh dưới thời Pháp thuộc).
– Các bài vị chạm khắc gỗ của các vị Tổ sư, trong số ấy, có cả những bài vị dành cho các vị Tổ khai sáng dòng đạo Bổn Nguyên từ Trung Quốc truyền sang. Đặc biệt, ở đây còn có bài vị của Hoàng cô bên bài vị của Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt.
–  Hàng trăm quyển kinh, luật, luận bằng chữ Hán và chữ Nôm của các thế kỷ trước. Trong số kho tàng đó, qúi giá nhất là bộ sách Ngũ gia tông phái ký toàn tập do Tăng cang chùa Thiên Mụ là Tiên Giác-Hải Tịnh chứng minh vào năm 1875. Đây là bộ sách (gồm 3 quyển) đầu tiên đề cập đến Phật giáo ở Gia Định và Nam Kỳ.
–  Ngoài ra, ở đây còn có khá nhiều bức hoành phi và câu đối của các chùa từ nhiều nơi dâng tặng nhân ngày lạc thành chùa (1870), v.v…

Theo tài liệu [6] : Do bởi quá lâu đời, chùa Từ Ân thứ hai hiện nay bị hư nát khá nhiều và khuôn viên chùa cũng không còn rộng rãi như xưa nữa.

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2023/01/001-chuatuan-1-2.jpg?w=640

Chùa có mái thấp, gồm 3 lớp nhà: chánh điện có 2 cửa mở ra phía trước. 

– Trên bàn thờ chánh điện, ở chính giữa, tầng trên cùng (thứ nhứt ?) thờ đức Phật Di Đà, phía bên có đức Quan Âm và Thế Chí,
– tầng thứ 2 thờ Ngọc Hoàng, hai bên có Nam Tào và Bắc Đẩu,
– tầng thứ 3 thờ đức Phật Thích Ca, hai bên có tượng Ác Hữu và Thiện Hữu, có thờ thêm tượng Di Lặc. 

Hai bên bàn thờ chánh điện có bàn thờ Đạt ma tổ sư và bàn thờ Quan Thánh với các vị Diêm Vương, là nơi những người hành hương phật giáo lui tới để cầu mong bình an hạnh phúc cho gia quyến.

Phía sau lưng gian thờ Phật là gian thờ Tổ, trên có rất nhiều bài vị trong đó có bài vị cùa Hòa thượng Thích Thiệt Thành, có tấm ảnh lớn của tổ Như Bằng, pháp danh Thanh Ẩn.

Tính đến năm 2023, chùa Từ Ân, mặc dầu không được liên tục, đã tồn tại được 279 năm. Chư Tổ trụ trì của chùa Từ Ân thứ nhứt và chùa Từ Ân thứ hai gồm những vị sau đây: Linh Nhạc- Phật Ý (vị trụ trì đầu tiên), Thiệt Thành-Liễu Đạt (Tổ Thành), Tế Chánh-Bổn Giác, Tế Tín-Chánh Trực, Quảng Thông- Minh Đức, Định Huệ -Minh Tài,Từ Hóa- Như Bằng (Thanh Ấn), Thiện Thi-Hồng Cử và Hòa thượng Thích Thiện Thành (tài liệu [6]).

Năm Quí Hợi 1923, Thiền sư Hồng Hưng- Thạnh Đạo, trụ trì chùa Giác Lâm, tổ chức lễ thỉnh hài cốt của Tổ Phật Ý Linh Nhạc về chùa Giác Lâm và lập tháp mới bên cạnh tháp của Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang trong khuôn viên chùa Giác Lâm ở quận Tân Bình, (sau khi được một bà già mách bảo (theo tài liệu [2]).

Vào giai đoạn đầu của cuộc khai phá vùng đất Gia Định, chùa Từ Ân (và chùa Khải Tường) đã góp phần mang lại sự ổn định và phát triển tín ngưỡng Phật giáo tại vùng đất mới, qua sự có mặt khá sớm và gần như tiêu biểu nhất của mình tại vùng đất này. 

Và cũng từ ngôi chùa này, các nhà sư đã đem Phật pháp đi hoằng hóa khắp các nơi, như Đồng Nai, Tây Ninh, Thuận Hóa, Lục tỉnh… và cả kinh đô Huế. Tất cả cho thấy chùa Từ Ân quả là một “cái nôi”, là một “trung tâm Phật giáo” ở Gia Định và của lục tỉnh vào buổi ấy.

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2023/01/001-chuatuan-3.jpg?w=640

PHỤ ĐỀ

Phụ đề 1 : Địa điểm Chợ Đũi & Khu Chợ Đũi https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2023/01/001-chuatuan-4.jpg?w=640

Theo tài liệu [9]  : 

– Chợ Đũi tọa lạc ở trong một địa điểm giới hạn bởi đường Huyền Trân Công Chúa và đường Đặng Trần Côn, bên phía phải của đường Gia Long và đường Nguyễn Du, quận 1 Sàigòn. Chợ Đũi khó có thể nằm sau đường Nguyễn Du bởi vì nếu không, nó sẽ lọt vào khung viên vườn Tao Đàn.

–  Khu Chợ Đũi gồm có những khu phố bao bọc bởi các đường đổ về nhà ga xe lửa và Ngã sáu Saigon, đó là các đường : Nguyễn Thái Học, Đề Thám, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Ngô Tùng Châu, Võ Tánh, Cống Quỳnh, Lê Văn Duyệt và Gia Long. Địa bàn của khu Chợ Đũi lọt vào 3 quận của Sàigòn : quận1, quận 2 và  quận 3.

Phụ đề 2 : Địa điểm của chợ Gạo – Phú Lâm https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2023/01/001-chuatuan-5.jpg?w=640

Theo tài liệu [10]  : 

Phú Lâm tuy là một làng nhưng rộng lớn trải dài từ Mũi Tàu Phú Lâm (giao điểm của Quốc Lộ số 4, đại lộ Hậu Giang và đường Rạch Cát đi Bà Điểm ngày nay) ôm theo Rạch Lò Gốm qua Rạch Ông Buông giáp ranh làng Tân Hoá, Tân Khai thuộc Bình Trị Ðông.

Khi xưa Phú Lâm là cửa ngõ đường thiên lý đi miền Tây, là vựa gạo của đất Sài Gòn với lý do là vào thời Pháp,trên con đường thiên lý này (ngay bùng binh Phú Lâm ngày nay) có ga xe lửa Phú Lâm, không xa đó là chợ gạo Phú Lâm chuyên cung ứng gạo cho Ðô thành Sàigòn-Chợ Lớn. 

Bùng binh Phú Lâm, trên bản đồ Đô Thành Sàigòn và Vùng Phụ Cận trước năm 1975 , là giao điểm của 5 con đường sau đây : Đại lộ Lục Tỉnh ,Tân Hòa Đông,  Hương Lộ số 10 (đường đi Bà Hom),Quốc Lộ 4 và Phú Định. Giao điểm này nằm trong phường Phú Lâm, hai bên là cư xá Phú Lâm A và cư xá Phú Lâm B.

Khoảng đầu thập niên 1960, chợ gạo Phú Lâm dời vào đường Bà Hom.

Tài liệu tham khảo :

1. Bách khoa toàn thư – Chùa Từ Ân.

2. Bách khoa toàn thư – Phật Ý Linh Nhạc.

3. Viết bởi Nguyen – Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc -Thiền Viện Thường Chiếu-16/10/2008.

4. Vương Hồng Sển – Sàigòn Năm Xưa-Sống Mới-1968. 

5. Thích Pháp Trí – Người khai sơn chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức)-10/10/2019.

6. Ngoc Tran – Chùa Từ Ân nổi tiếng linh thiêng ở tp hcm-04/06/2020.

7. Võ văn Tường – Chùa Từ Ân (Quận 6)-Chùa Việt Nam – Xưa và Nay.

8. Chùa Phật Học Xá Lợi -Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn (1911-1997).

9. TM – Các ngôi chợ ở Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định trước năm 1975- Chợ Đũi-

10. TM – Các ngôi chợ ở Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định trước năm 1975- Chợ Phú Lâm 

https://baovecovang2012.wordpress.com/2023/01/30


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét