Quê Hương tổng hợp
CIVICUS: Việt Nam vẫn bỏ tù và ngược đãi nhà báo, nhà hoạt động dù đã vào Hội đồng Nhân quyền LHQ
09/02/2023
Việt Nam vẫn liên tục bắt giữ, bỏ tù các nhà báo độc lập, các blogger và các nhà hoạt động dù đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Liên minh toàn cầu vì sự tham gia của công dân (CIVICUS), một tổ chức phi chính phủ được thành lập ở Nam Phi, trong một báo cáo công bố hôm 8/2 nói rằng tình trạng bỏ tù và ngược đãi các nhà hoạt động, nhà báo tại Việt Nam vẫn tồn tại dù Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Báo cáo nhận định rằng không gian dân sự ở Việt Nam vẫn trong tình trạng “đóng cửa”, với những ghi nhận về việc sử dụng các điều luật vốn còn nhiều hạn chế để hình sự hóa, buộc tội các nhà hoạt động và nhà báo, hạn chế việc di chuyển, giám sát và có những cáo buộc tra tấn và ngược đãi họ. Nổi bật là chiêu thức sử dụng luật về “trốn thuế” để nhắm vào các nhà hoạt động.
Nhiều trường hợp bị bắt giữ được nêu trong báo cáo như trường hợp Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, một luật sư, trí thức phản biện nổi tiếng, đã bị bắt vào tháng 12/2022 với tội “trốn thuế”; trường hợp của Mai Phan Lợi, người sáng lập và lãnh đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC), một chuyên gia báo chí và truyền thông xã hội được nhiều người biết đến, và ông Bạch Hùng Dương, nguyên Giám đốc MEC, đã bị toà án Hà Nội kết án 4 năm tù và 2 năm 6 tháng tù với cáo buộc “trốn thuế”. Hoặc trường hợp ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Luật và Chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững, bị kết án 5 năm tù vào tháng 6/2022 và bà Nguỵ Thị Khanh, người sáng lập Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh, bị bỏ tù 2 năm cũng với tội danh tương tự.
Ngoài ra, báo cáo của CIVIVUS cũng ghi nhận những nỗ lực của nhà cầm quyền trong việc thắt chặt kiểm soát các nền tảng truyền thông xã hội nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến trên mạng. Chính quyền đã áp đặt nhiều hạn chế và ngày càng gia tăng kiểm soát truyền thông xã hội trong khi nhiều nhà báo độc lập, blogger tiếp tục bị kết án hình sự với nhiều năm tù. Truyền thông nhà nước vẫn bị kiểm duyệt trong việc đưa tin về các cuộc biểu tình ở trong nước hay thậm chí ở Trung Quốc.
Báo cáo cũng đề cập đến tình trạng một số nhà hoạt động tiếp tục bị bắt với những cáo buộc ngụy tạo và bị cấm xuất cảnh, bị chuyển đến các nhà tù cách xa gia đình của họ và phải đối mặt với sự tra tấn hoặc ngược đãi, như trường hợp của Luật sư Võ An Đôn, nhà báo Phạm Đoan Trang, Huỳnh Thục Vy, Lê Mạnh Hà, Bùi Văn Thuận…
Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 10 vừa qua, bất chấp những ghi nhận tiêu cực về nhân quyền cũng như bị nhiều tổ chức nhân quyền và nhà hoạt động kêu gọi Hội đồng bác bỏ đề cử của Hà Nội.
Hệ quả của việc xóa đoạn cuối trong phát biểu của Nguyễn Xuân Phúc
Bình luận của Bích Nhung
08/02/2023
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc dự Đối thoại Lãnh đạo APEC với ABAC tại Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương ở Bangkok hôm 18/11/2022
AFP
Hệ quả đầu tiên là công luận ngày càng hết tin vào truyền thông “lề phải”. Sau đó Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ không thể giải thích được vụ việc theo logic thông thường. Hệ quả cuối cùng là nuôi dưỡng một loại truyền thông không chuyên nghiệp. Cho nên cũng như từ trước tới nay, càng ngày người dân càng phải đi tìm các thông tin “ngoài luồng” để có chút hiểu biết về hiện tình đất nước.
______________
Việc cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu lần cuối tại Phủ Chủ tịch chiều 4/2 rõ ràng đã có hàng triệu triệu người biết, cả trong nước lẫn quốc tế. Thật ra, lễ bàn giao công tác giữa nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại Văn phòng Chủ tịch nước ngay từ đầu đã là một sự lạ. Bao năm trước đây, lúc Trần Đức Lương chuyển qua Nguyễn Minh Triết, rồi ông Triết chuyển qua Trương Tấn Sang… nào có thấy lễ lạt “bàn giao bàn thớt” gì đâu. Lần này, để tỏ ra mọi chuyện trên “cung đình” diễn ra suôn sẻ, “trên dười đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn ca bài ca “Kết đoàn” bấy lâu nay, ĐCSVN nghĩ ra kế chia tay, bàn giao giữa cũ và mới. Ngày 4/2, tất cả mấy trăm tờ báo giấy và báo mạng trong nước nhất loạt giật tít nổi bật về buổi lễ đầy cờ hoa được mô tả là long trọng ấy.
Cũng có những cái tít khá ẩn ý trên “Tuổi Trẻ”, “Thanh Niên”… là những tờ báo có khối lượng bạn đọc khá lớn, nhấn mạnh lý do xin thôi các chức vụ của ông Phúc (1). Nhưng điều bất ngờ cho tất cả những người làm báo lẫn bạn đọc là những lời cuối cùng của ông Phúc trước khi dứt mạch diễn thuyết: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á…” Trước đó, nghe cả bài diễn văn lê thê ông Phúc cám ơn Đảng, Nhà nước và đồng nghiệp, thậm chí cám ơn cả TBT Nguyễn Phú Trọng – là người chủ mưu và ép ông phải rời ghế trước Tết nguyên đán – mọi người gần như ngủ gật, vì biết ông Phúc chỉ nói lấy lệ, không thật lòng. Ai lại đi cám ơn kẻ đã làm sụp đổ toàn bộ tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của mình, danh giá của địa phương mình, gia tộc mình… Nghe vô lý đùng đùng!
Dù vậy, ngay hôm 4/2 đã diễn ra sự “tách đôi” khá ngoạn mục. Những trang chính thống của ĐCSVN, của TTXVN kể cả báo Tuyên giáo, nhờ “ý thức cảnh giác cách mạng cao” đã nhất quyết không đăng lời thanh minh đầy kinh ngạc của cựu Chủ tịch nước. Trong khi những tờ báo nhiều bạn đọc nhất, nhờ “ý thức phục vụ độc giả cao” đã đăng nguyên văn đoạn cuối lời tường trình của ông Phúc. Tuy chưa thật chuyên nghiệp, vì các báo đều đặt thông tin có giá trị nhất xuống dưới “tận đáy bài”. Tuy nhiên, bóng ma trong bữa tiệc thịnh soạn chiều hôm trước đã lập tức xuất hiện ngay vào ngày hôm sau (ngày 5/2). Theo lệnh của Ban Tuyên giáo, những báo đã “chót” đăng lời cuối của ông Phúc đều bị gỡ xuống hết! Kiểm tra lại các trang như “Thanh Niên”, “Tiền Phong”… đoạn nội dung ông Phúc bảo vệ gia đình chỉ còn xuất hiện dưới dạng tìm kiếm của Google, bấm vào thì nội dung này đều đã bị delete (2).
“Đăng bài rồi lại gỡ/ Thật là sạo quá đi/ Nói thật loại báo ấy/ Hèn và không ra gì”. “Hơn nữa dù có gỡ/ Người ta cũng lưu rồi?/ Tức vẫn còn bằng chứng/ Gỡ cũng hòa mà thôi”… Trên mạng xã hội lập tức xuất hiện thể thơ năm chữ, một dạng thơ đặc thù của thầy Thái Bá Tân. Cũng có tờ báo “bám trụ” đến phút cuối. Ví dụ cho đến đến khoảng 17 giờ 30 giờ Việt Nam cùng ngày 6/2, tuy đã có lệnh từ Tuyên giáo, nhưng báo của Tỉnh ủy Quảng Nam vẫn để nguyên lời phát ngôn của cựu Chủ tịch Phúc, người quê từ tỉnh này. Nhưng rồi không chống được lệnh “triều đình”, mãi đến ngày hôm sau (7/2), đoạn cuối trong phát biểu của ông Phúc mới bị gỡ bỏ. Quảng Nam vẫn là địa phương “pro” ông Phúc. Nhân Tết nguyên đán mà tỉnh này dám không cho hai thành phố là Tam Kỳ và Hội An (trong địa bàn tỉnh) bắn pháo hoa vào đêm giao thừa, với ý nghĩa là để “phân ưu” với người con của tỉnh nhà (3).
Tựu trung lại, việc xóa đoạn cuối trong phát biểu của Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/2 chắc chắn sẽ để lại nhiều hậu quả. Công luận ngày càng hết tin vào truyền thông “lề phải”. Kế đến là Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ không thể giải thích được vụ việc theo logic thông thường. Đoạn cuối trong phát ngôn của cựu Chủ tịch nước đã khiến cho công luận giật mình. Vậy “trùm cuối” là ai? Ông Phúc bác bỏ tin đồn liên quan đến vợ con ông, nghĩa là ông phải biết “trùm cuối” là ai. Vậy tại sao ông không được phép nói trắng ra? Hay bời vì, “trùm cuối” là một “siêu nhân”, một “siêu quyền lực” và không nằm ở Việt Nam? Hệ quả cuối cùng là nuôi dưỡng một loại truyền thông không chuyên nghiệp. Cho nên cũng như từ trước tới nay, càng ngày người dân càng phải đi tìm các thông tin “ngoài luồng” để có chút hiểu biết về hiện tình đất nước (4).
____________
Tham khảo:
2. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/state-media-took-down-reports-about-former-president-s-remark-of-his-family-involved-in-viet-a-scandal-02072023084607.html
4. https://www.voatiengviet.com/a/ha-noi-rung-dong-vi-tuyen-bo-cua-cuu-chu-tich-nuoc-/6950379.html
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/outcomes-from-the-removal-of-former-president-s-speech-in-state-media-02082023122211.html
Việt Nam thu giữ 600 kg ngà voi châu Phi
08/02/2023
Một vụ thu giữ ngà voi lậu. [Ảnh minh họa]
Chính quyền Việt Nam tuần trước đã thu giữ hơn 600 kg ngà voi buôn lậu từ châu Phi, chính phủ cho biết hôm 6/2.
Buôn bán ngà voi bị coi là bất hợp pháp ở Việt Nam nhưng nạn buôn bán động vật hoang dã vẫn phổ biến.
Các mặt hàng khác thường được buôn lậu vào nước này bao gồm vảy tê tê, sừng tê giác và xác hổ.
Cơ quan hải quan tại thành phố cảng Hải Phòng hôm 6/2 đã tìm thấy gần 130 kg ngà voi được giấu trong một container chứa sừng bò có nguồn gốc từ châu Phi, chính phủ cho biết trong một thông cáo.
Vụ này được phát hiện sau vụ phát hiện gần 500 kg ngà voi châu Phi hôm 2/2 tại Cảng Lạch Huyện tại thành phố Hải Phòng, chính phủ cho biết.
Đây là vụ bắt giữ ngà voi buôn lậu lớn nhất ở nước này trong hơn 4 năm qua. Hồi tháng 10 năm 2018, chính quyền đã thu giữ hơn tám tấn ngà voi và vảy tê tê trong một trong những vụ buôn bán động vật hoang dã lớn nhất của nước này trong nhiều năm.
Tàu hải quân Anh thăm TP HCM
08/02/2023
Tàu chiến Anh HMS Richmond đến Cam Ranh, Khánh Hòa hôm 1/10/2021. [Ảnh minh họa] Photo Twitter UK in Vietnam.
Tàu tuần tra xa bờ của Hải quân Hoàng gia Anh mang tên HMS Spey, do Thuyền trưởng Michael Proudman chỉ huy, hôm 7/2 đã cập cảng Nhà Rồng, bắt đầu chuyến thăm thiện chí kéo dài 5 ngày tại TP HCM.
Đại sứ quán Anh nói rằng tàu Hải quân Hoàng gia thứ tư được cử đến Việt Nam trong vòng 5 năm qua này “là minh chứng mạnh mẽ cho việc Vương quốc Anh là một trong những đối tác lâu dài và đáng tin cậy nhất của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh hàng hải”.
Cơ quan ngoại giao này dẫn lời Đại sứ Anh tại Việt Nam, Iain Frew, nói trong một thông cáo rằng “chuyến thăm của tàu HMS Spey đến TP HCM diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh – Việt Nam”.
“Vương quốc Anh và Việt Nam chia sẻ nhiều mối quan tâm chung, bao gồm an ninh hàng hải, phát triển bền vững và mong muốn cùng tăng trưởng kinh tế. Tôi tin tưởng rằng chuyến thăm này sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ vốn đã bền chặt của chúng ta”, ông Frew nói, theo Đại sứ quán Anh.
Tin cho hay, trong thời gian ở Thành phố Hồ Chí Minh, các sĩ quan hải quân của tàu dự kiến sẽ tới chào xã giao lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP HCM, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 2.
“Thủy thủ đoàn của HMS Spey cũng sẽ tham gia vào nhiều hoạt động thú vị, bao gồm trao đổi chuyên môn giữa hai lực lượng Hải quân trên tàu, giao lưu bóng đá hữu nghị với các quân nhân Việt Nam và giao lưu văn hóa với cộng đồng địa phương”, đại sứ quán Anh cho biết.
Trung tá Michael Proudman, Chỉ huy tàu HMS Spey, được dẫn lời nói bày tỏ “rất vui mừng được đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh”.
“Chuyến thăm này không chỉ là cơ hội để chúng tôi tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam mà còn nhấn mạnh cam kết không ngừng của Vương quốc Anh trong việc thúc đẩy ổn định và an ninh toàn cầu ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, Trung tá Proudman nói, theo đại sứ quán Anh.
Theo Cổng thông tin của TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi hôm 7/2 đã có buổi tiếp Đại sứ Frew nhân chuyến công tác tại TP HCM đón tàu HMS Spey. Ông Mãi “bày tỏ tin tưởng sự hợp tác giữa Anh quốc và Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa để đóng góp cho hòa bình cũng như hợp tác phát triển của khu vực và thế giới”.
Cùng với tàu HMS Tamar, tin cho hay, HMS Spey hiện đang triển khai nhiệm vụ kéo dài 5 năm tại khu vực biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm “giúp giải quyết các thách thức an ninh và hỗ trợ các quốc gia giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu” cũng như “thực hiện những biện pháp nhằm chống đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo trong khu vực”.
Lẩn mẩn về cái hội thề chống tham nhũng (Phần 2)
7-2-2023
Hội minh thệ năm nay Quý Mão. Ảnh: Báo Hải Phòng
Hôm nay, 16 tháng giêng Quý Mão 2023, khi tôi đang lạch cạch mổ đám phím đẻ ra những chữ này thì hội thề vào ngày cuối, bởi theo tục lệ mới, nó diễn ra 3 ngày, rằm và trước sau rằm. Nó không còn đơn thuần hội nữa mà là lễ hội. Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo, gớm, thề thốt gì mà thề lắm thế. Tợp xong ngụm nước chè, lão chốt lại phần lý luận, đèo, xứ này thề chống tham nhũng có mà thề cả năm.
Nhiều người đọc phần 1 đã rất bức xúc chuyện thề chống tham nhũng ở lễ hội làng Hòa Liễu đất cảng. Rằng sao chỉ có mấy ông bô lão, cán bộ thôn và dân làng, “đối tượng” này trên răng dưới cát tút, quần quật kiếm sống suốt ngày, một tí quyền hành bằng mẩu móng tay cũng không có, thì tham nhũng cái quái gì. Có mà chống vào mồm. Cán bộ chả ông nào chịu thò mặt ra thề, xã chẳng mấy ai, huyện càng vắng, thành phố không, trung ương chả dại gì. Có mà thề cá trê chui ống. Thề chưa ráo mép đã phạm tội thì tội càng nặng. Dại gì thề để lạy ông tôi ở bụi này, khai đang trốn trong đống rơm.
Ngay cả như ông Phúc đặt tay trên ngực trịnh trọng thề trước quốc hội mà còn chẳng ăn ai, đâu có mấy người tin, vậy thề ở chùa xóm thì làm được trò gì. Vui là chính, lừa dân được tới đâu hay đến đấy. Cũng có người ôn hòa hơn, bảo rằng đây chỉ là lễ hội cấp làng, cao hơn tí nữa thì xã, chứ nó đã được nâng thành cấp huyện, thành phố, trung ương đâu mà bắt đám quan chức nhơ nhỡ, nhơn nhớn tới thề v.v…
Giời ạ, nhà cháu không định viết về mấy ý ấy, mà cái khác cơ. Về sự dốt nát.
Đọc hết các báo, tất nhiên là báo chí mậu dịch, báo quốc doanh, bởi xứ này không có loại báo nào khác, từ báo Hải Phòng tới báo Nhân Dân, báo ngành/ đoàn thể như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Công an, Quân đội, Lao động, báo nói như VTV đài truyền hình quốc gia, VOV đài mồm quốc gia, thông tấn như TTXVN, rồi các trang tin điện tử cấp huyện cấp tỉnh cấp trung ương… đều gọi cái lễ hội, hội thề ở chùa Hòa Liễu xứ Phòng ấy là “Hội minh thề”. Tôi xin nhấn mạnh, họ đều viết, đều nói là “thề”. Có những ông bà quan chức hoặc anh chị nhà báo ít chữ, thậm chí còn phân tích, tán tỉnh minh thề tức là lời thề trong sáng, rõ ràng, không mù mờ giấu diếm, thể hiện sự sòng phẳng, minh bạch, công khai…
Giời ạ, thề ngay tại chùa, giữa thanh thiên bạch nhật, trước hàng nghìn con mắt cái tai của dân chúng sở tại và khách du xuân, có muốn mù mờ cũng chẳng được. Tán kiểu ấy là tán vớ tán vẩn, tuy nhiên cái sai lại nghiêm trọng ở chỗ khác.
Tên gốc của hội này là Minh thệ hội, Hội minh thệ. Đó là cụm từ gốc Hán Việt. Chữ “hội” ta không cần bàn, ai cũng tỏ rồi. Còn chữ “minh” và chữ “thệ”. Thệ nghĩa là thề, thề thốt. Minh cũng có nghĩa là thề, thề hẹn. Hầu hết cứ nhầm chữ “minh” chỉ là ánh sáng, sáng sủa. Chữ “minh” trong tiếng Hán có nhiều dạng tự đồng âm. Chữ “minh” nghĩa là thề khác với chữ “minh” nghĩa là ánh sáng. Hội minh thề có nghĩa là hội thề, chẳng sáng sủa chi hết, đừng có vơ vào, ghép vào, tán nhằng.
Ai còn phân vân về chữ “minh” (thề) thì hãy đọc lại truyện Kiều của cụ Tiên Điền Nguyễn Du. “Đệ lời thệ hải minh sơn”. Cô Kiều từng cùng với chàng Kim thề thốt yêu nhau, thệ hải minh sơn nghĩa là thề (thệ) với biển, thề hẹn (minh) với núi, thề có núi và biển chứng giám, chúng tôi không dám sai lời. Khi gia cảnh gặp cơn tai biến, Kiều đành phải gác lại lời thề xưa để làm tròn chữ hiếu.
Trong truyện Lục Vân Tiên của cụ đồ Chiểu cũng có chi tiết chàng Lục và cô Kiều Nguyệt Nga “mấy lời thệ hải minh sơn”. Trai gái ngày xưa yêu nhau là cứ phải thề, còn thời nay chưa kịp thề đã dẫn nhau đi nhà nghỉ.
Rất nhố nhăng, khi các ông bà chính quyền phục dựng lại hội thề đã chỉ chăm chút vào mấy thứ hình thức lòe loẹt mà không biết gọi đúng cái tên của nó. Ai đời lại nửa Ta, nửa Tàu, gọi bằng “Hội minh thề”. Nếu ngại dùng tên cũ “Hội minh thệ” thì cứ gọi thẳng là hội thề, hội thề chống tham nhũng. Lại còn tán tụng minh thế này, sáng thế kia.
Chắc nhiều người biết, thời Hậu Lê (Lê Lợi) có hội thề rất nổi tiếng, Lũng Nhai thệ hội, người đời sau gọi giản dị, chính xác, dễ hiểu là Hội thề Lũng Nhai. Cứ thế đi, chứ lại oắn oéo hội minh hội thề, chả giống ai.
Đám quan chức vốn chỉ chuyên về cao cấp chính trị nếu không biết gì đã đi một nhẽ. Đòi hỏi quan chức lãnh đạo phải có tầm văn hóa, khác chi đòi gấu mọc sừng. Đằng này các bô lão, các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, nhà sử siếc cũng chả thấy ai lên tiếng. Bảo rằng dốt thì giãy nảy lên, vậy sao cứ để cái sai nhí nhố đó truyền qua hết năm này tháng khác.
(Còn tiếp)
Báo chí Việt Nam lần đầu công khai tên của phu nhân Thủ tướng
Nguyễn Huỳnh/VNTB
Lâu nay cái tên Lê Thị Bích Trân ít được nhắc đến trên báo chí với cương vị là phu nhân Thủ tướng.
Trưa 8-2, chuyên cơ VN1 đã rời sân bay Nội Bài, đưa Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến điểm dừng chân đầu tiên là Singapore.
Phu nhân của Thủ tướng lần đầu xuất hiện trên báo chí là hôm tiệc chiêu đãi ngoại giao mừng Tết Quý Mão. Lần đó bà chỉ xuất hiện với hình ảnh đi bên cạnh Thủ tướng và báo chí không dẫn tên của bà. Khi ấy công luận bắt đầu ngầm so sánh với phu nhân của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ở những ngày cuối cùng ông còn tại chức.
Bản tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam đã nói rằng Thủ tướng và phu nhân là những vị khách quý đầu tiên mà đảo quốc sư tử tiếp đón sau Tết Nguyên đán. Chuyến công du do đó mang ý nghĩa “xông đất”, được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội tốt để lãnh đạo hai nước vạch ra lộ trình hợp tác trong thập kỷ tiếp theo.
Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân trong chuyến công du lần này có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.
Ngoài ra còn có lãnh đạo đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch và Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng.
Lâu nay cái tên Lê Thị Bích Trân ít được nhắc đến trên báo chí với cương vị là phu nhân Thủ tướng, thế nhưng trong ngành y tế thì gần như các bệnh viện đều nhắc đến bà Lê Thị Bích Trâm, một người đứng đầu nhóm Thiện nguyện Hoa đào; và nếu báo chí nào có đưa tin liên quan về hoạt động của nhóm Thiện nguyện Hoa đào, khi chú thích ảnh chỉ ghi gọn rằng bà Lê Thị Bích Trân, đại diện Thiện nguyện Hoa đào mà thôi.
Ở bản tin “Mang yêu thương, sẻ chia đến người bệnh có hoàn cảnh khó khăn” đăng trên trang thông tin điện tử Bộ Y tế hôm 20-12-2022, cho thấy hình ảnh của bà Lê Thị Bích Trân xuất hiện khá nhiều với vị trí trung tâm, nhưng chỉ ghi phần chú thích gọn rằng: “Đại diện nhóm Thiện nguyên Hoa đào tặng quà, động viên các bệnh nhân”. Hoàn toàn không xuất hiện cái tên Lê Thị Bích Trân.
Một bản tin khác đăng trên trang Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, ngày 28-12-2022, trong nội dung “Thiện nguyện Hoa Đào thăm, tặng quà người bệnh nhân dịp Xuân Quý Mão – 2023”, các tấm hình cũng có nhân vật trung tâm là bà Lê Thị Bích Trân, nhưng tuyệt nhiên không có một chú thích nào ghi danh tính; và bản tin cũng chỉ giới thiệu đây là những đại diện của Thiện nguyện Hoa đào mà thôi.
Tuy nhiên khi ông Phạm Minh Chính còn giữ chức Trưởng Ban tổ chức Trung ương, thì bà Lê Thị Bích Trân có một lần xuất hiện tên trên cổng thông tin điện tử của thành phố Móng Cái trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với vai trò là đồng tài trợ tặng 200 suất quà cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Móng Cái; người còn lại là bà Đỗ Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần 216.
Tính đến hiện tại thì bà Lê Thị Bích Trân là chủ tịch Thiện nguyện Hoa đào. Những nội dung khác về nhóm thiện nguyện này vẫn là rất khó tìm kiếm trên mạng xã hội.
Một chút bên lề, giới vỉa hè đồn đoán rằng “tình địch” của bà Lê Thị Bích Trân là Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC, và rất có thể đây sẽ là ‘hồng nhan họa thủy’ trên bước đường hoạn lộ của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
https://vietnamthoibao.org/vntb-bao-chi-viet-nam-lan-dau-cong-khai-ten-cua-phu-nhan-thu-tuong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét