10/2/1930 - 10/2/2023
Võ Thái Hà
Phần 3. Gồm 5 phần
10/02/2023
Báo Tiếng Dân ngày 26 tháng 2 năm 1930 Số 259
1. Tấn công Yên Báy
Cuộc tấn công Yên Báy do Nguyễn Văn Khôi (Thanh Giang), Nguyễn Nhật Thân cùng cai khố đỏ Ngô Hải Hoằng (Cai Hoằng) chỉ huy. Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Thị Giang lo chuyển vận vũ khí và tiếp tế đạn dược. Số đảng viên huy động từ các vùng lân cận về Yên Báy lên đến khoảng 300 người. Cơ sở quân sự của Pháp tại Yên Báy gồm hai trại: trại dưới nằm ở ngọn đồi trong thành phố do đại uý Jourdain chỉ huy, trại trên tọa lạc trên ngọn đồi xa thành phố, gọi là đồn cao, do thiếu tá Le Tacon chỉ huy.
Lúc 1 giờ sáng 11-2, Ngô Hải Hoằng ra lệnh tấn công trại dưới, giết đại uý Jourdain, trung uý Robert, bốn trung sĩ Pháp, và hoàn toàn làm chủ tình thế lúc 4 giờ sáng. Nghĩa quân chuẩn bị tấn công đồn cao thì máy bay Pháp từ Hà Nội lên phản công. Nghĩa quân phải rút lui vào rừng. Chiều 11-2, Pháp xử tử tại chỗ hai cấp chỉ huy nghĩa quân bị Pháp bắt là Cai Nguyên, và Cai Tính.
2. Tấn công Hưng Hóa, Lâm Thao
Cuộc tấn công này do Nguyễn Khắc Nhu (1883-1930) chỉ huy. Nguyễn Khắc Nhu, còn gọi là Xứ Nhu vì trong một kỳ thi, ông đậu đầu xứ tại phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang, sinh quán của ông. Lúc 1 giờ sáng 11-2, Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh tấn công và xung phong vào đồn Hưng Hóa, nhưng bên trong phòng thủ chặt chẽ nên không chiếm được. Ðến 3 giờ sáng, Nguyễn Khắc Nhu đổi hướng tấn công, đánh chiếm phủ Lâm Thao. Tri phủ Ðỗ Kim Ngọc bỏ trốn. Quân Pháp từ Phú Thọ tiến qua đánh trả. Nguyễn Khắc Nhu bị trọng thương, dùng lựu đạn tự sát nhưng không chết. Ông bị Pháp bắt, bèn tự tử ngay liền trong nhà giam Hưng Hóa.
3. Chuẩn bị đánh Sơn Tây
Sau khi thất bại ở yên bái, Phó Ðức Chính (1897-1930) trốn thoát về Sơn Tây. Ngày 13-2, Phó Ðức Chính cùng Cai Tân, Nguyễn Văn Khôi (Thanh Giang) họp tại nhà Quản Trạng, xã Nam Man, tổng Cẩm Hương, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây, để chuẩn bị lực lượng tấn công tỉnh này, thì bị quân Pháp đến bắt tất cả giải về Hà Nội, vì có kẻ chỉ điểm.
4. Quấy rối Hà Nội
VNQDĐ tự xét thực lực ở Hà Nội không đủ sức nổi dậy nên chỉ quấy rối đe dọa nhà cầm quyền Pháp mà thôi. Ðược tin Yên Báy khởi nghĩa, Lương Ngọc Tốn trong ban ám sát của VNQDĐ, tấn công viên đội cảnh sát gác cầu Long Biên. Ðặng Trần Nghiệp (Ký Con) và một số đảng viên chia nhau đi cắt đường dây điện thoại, ném bom vào một số cơ sở như ngục thất Hỏa Lò, trụ sở cảnh sát…
Những hoạt động này không mấy hiệu quả và cũng ít gây tiếng vang. Ngược lại, nhà cầm quyền Pháp báo động khắp nơi, việc phòng thủ càng thêm chặt chẽ làm cho cuộc nổi dậy trở nên khó khăn hơn. VNQDĐ chuẩn bị tấn công Ðáp Cầu, Phả Lại, Kiến An, nhưng cuối cùng phải thoái lui vì lực lượng tập họp không đầy đủ đúng hạn, và cũng vì quân Pháp biết trước, canh phòng cẩn mật, phá vỡ những chỗ chôn cất vũ khí, và chận bắt các đảng viên.
5. Tấn công Phụ Dực, Vĩnh Bảo
Lúc 8 giờ tối, Hòa Quang Huy, Ðào Văn Thê (Giáo Thê) cùng Nguyễn Văn Hộ chỉ huy 40 đảng viên võ trang đánh úp huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình. Viên tri huyện trốn thoát. Nghĩa quân tịch thu được một số khí giới, tập họp dân chúng để tuyên truyền. Sáng hôm sau, nghĩa quân dự trù kéo qua đánh Ninh Giang (Hải Dương), nhưng đợi mãi không thấy các cánh quân khác, nên cuối cùng tự giải tán.
Tại Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương, ngày 15-2, nghĩa quân cử Trần Quang Diệu giả đến mật báo cho tri huyện Hoàng Gia Mô (cháu nội Hoàng Cao Khải) có một số quân cách mạng hội họp ở làng Cổ Am. Hoàng Gia Mô lo sợ liền đi báo đồn Pháp ở Ninh Giang (tỉnh Hải Dương). Họ Hoàng đi khỏi, nghĩa quân liền vào chiếm huyện lỵ Vĩnh Bảo mà không gặp sức kháng cự nào. Trong khi đó, trưởng đồn Ninh Giang cấp cho Hoàng Gia Mô sáu lính khố xanh, sáu súng trường và một số đạn. Họ Hoàng khôn ngoan cho xe chở lính về trước để thăm dò còn tự mình đi xe kéo tay theo sau. Xe chở lính bị tấn công, họ Hoàng biết được liền lẩn trốn, nhưng rồi cũng bị bắt, và bị nghĩa quân kết án tử vì tội tham ác. Thi hành xong bản án trên, nghĩa quân rút lui êm thấm.
Phản Ứng Của Pháp
Nhà cầm quyền Pháp tại Bắc kỳ phản ứng giận dữ trước các cuộc tấn công của VNQDĐ. Tại Hà Nội, Pháp đóng cửa các công sở ngày 11-2, cho quân đội vũ trang đứng gác khắp các ngả đường, khám xét người qua lại. Pháp tăng phái quân đội đi cứu viện những tỉnh bị tấn công, gửi máy bay lên Yên Bái đẩy lui nghĩa quân ngày 11-2. Ngày 12-2, toàn quyền Pierre Pasquier dùng xe lửa lên Yên Bái dự tang lễ các sĩ quan Pháp bị giết trong cuộc khởi nghĩa của VNQDĐ. Trước khi xe lửa chở y đến Yên Bái khoảng 20 phút, hai trái bom được liệng vào phá sập một phần nhà ga.
Ngày 16-2 Pháp cho năm phóng pháo cơ đến ném 57 quả bom loại 10 ký xuống khắp làng Cổ Am, đốt cháy rụi làng nầy, làm cho 21 thường dân thiệt mạng. Vào lúc bấy giờ, vũ khí chưa tân tiến như ngày nay, việc máy bay ném bom đốt làng là một cuộc tấn công vô cùng ghê gớm chưa từng thấy ở Việt Nam, làm cho mọi người khiếp đảm.
Thống sứ Bắc Kỳ René Robin (32) gửi điện tín cho công sứ Pháp ở các tỉnh, trong đó có đoạn: “…Village Coam, province de Haiduong, où s’ était réfugiée bande rebelles ayant mis à mort sous préfêt de Vinhbao, a été bombardé hier par escadrille Hanoi. Vous prie donner large publicité et ajoute que tout village qui se mettra dans situation analogue subira impitoyablement le même sort.” (33) (tạm dịch:”….Làng Cổ Am, tỉnh Hải Dương, nơi bọn cướp ẩn trốn sau khi giết viên tri huyện Vĩnh Bảo, ngày hôm qua đã bị một tiểu phi đội Hà Nội đến dội bom. Yêu cầu các ông thông báo rộng rãi, và thêm rằng bất cứ làng nào làm như thế, đều sẽ chịu chung số phận không thương xót.”)
Ngoài Cổ Am, Pháp còn cho quân đến đốt phá các làng mà Pháp nghi ngờ có sự hiện diện của VNQDĐ. Pháp cho người lùng bắt gắt gao đảng viên VNQDĐ cũng như tất cả những ai liên hệ đến VNQDĐ.
Một điều bất lợi cho VNQDĐ là các lãnh tụ đảng dần dần bị bắt. Những nhà hoạt động cách mạng Việt Nam ở Trung Hoa cử Ðoàn Kiểm Ðiểm về nước quan sát tình hình, và mời Nguyễn Thái Học sang Trung Hoa lánh nạn một thời gian. Những đồng chí của Nguyễn Thái Học cũng khuyên ông nên ra nước ngoài, nhưng ông Nguyễn cương quyết từ chối đề nghị nầy, vì ông cho rằng ông phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những biến động vừa qua, nên ông quyết ở lại trong nước lo cải tổ và xây dựng lại đảng, để làm tròn sứ mạng phục quốc.
Sau cuộc họp tại làng Trụ Thôn, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Thái Học tiếp tục lên đường đi công tác, cùng một số đồng chí ngang qua đồn điền người Pháp tên Clébert ở làng Cổ Vịt huyện Ðông Triều tỉnh Hải Dương, thì bị các tuần phu bắt sáng ngày 20-2-1930. Nguyễn Thái Học bị đưa đến tòa sứ Hải Dương, rồi về Hà Nội. Trần Quang Diệu bị bắt vào tháng 5-1930 tại Thái Nguyên.
Về phần Ký Con Ðặng Trần Nghiệp, ông bị người Pháp lùng bắt gắt gao ở Hà Nội, phải xuống Hải Phòng trốn tránh. Tại đây cũng không được yên, Ký Con đến Nam Ðịnh, và bị mật thám Pháp bắt vào giữa tháng 6-1930. Về sau, theo nguồn tin của một nhân viên sở mật thám Nam Ðịnh, ông Phán Tảo, thì chính một đảng viên Ðông Dương Cộng Sản Ðảng đã chỉ điểm cho viên giám đốc nha Liêm Phóng Ðông Dương là Louis Marty; Marty liền ra lệnh cho mật thám Hà Nội xuống Nam Ðịnh bắt Ký Con, mà sở mật thám Nam Ðịnh không hay biết.
Sau khi Ký Con bị vào tù, những đảng viên còn lại đã họp nhiều lần để cải tổ đảng, nhưng rồi những nhà lãnh đạo cũng lần lượt bị người Pháp bắt như Lê Hữu Cảnh (tạm quyền lãnh đạo đảng), Lê Thị Thành, Nguyễn Xuân Huân (tháng 7-1930 tại Hải Phòng), Lê Tiến Sự, Nguyễn Ðôn Lâm, Phạm Văn Hể, Nghiêm Toản,(35) (tháng 8-1930), Hoàng Ðình Gị, Hoàng Ðình Vỹ, Ðỗ Thị Tâm, Nguyễn Thị Vân, Trần Xuân Ðộ (tháng 9-1930)…
Sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa Yên Báy, thực dân Pháp tiến hành một chiến dịch khủng bố tàn bạo. Ngày 14-2-1930, Toàn quyền Đông Dương Pasquier đã ký Nghị định thành lập Hội đồng đề hình (do Thanh tra hành chính Bắc Kỳ Poulet Osier làm chánh Hội đồng) để xét xử vụ án Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sự lùng bắt đảng viên, triệt phá cơ sở đảng diễn ra khắp nơi. Các cơ sở của VNQDĐ tại các địa phương (làng Cổ Am, làng Điền Niên, phố Hàng Bè…) đều chịu sự khủng bố dã man của thực dân Pháp. Đa số các đảng viên VNQDĐ đều bị bắt, tống giam, đưa ra xét xử trước Hội đồng đề hình.
Ngày 20-2-1930, thực dân Pháp bắt được Nguyễn Thái Học và Sư Trạch tại ấp Cổ Vịt (xã Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương), sau đó giải về tạm giam ở nhà tù Hỏa Lò, chờ ngày xét xử. Cũng tại đây, Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí bí mật viết một tờ báo là Tù nhân báo để cổ vũ tinh thần các đồng chí và tuyên truyền cách mạng trong các phòng giam. Sau đó, ông được áp giải lên Yên Báy để xét xử.
Đây là loạt bài trên Phụ nữ Tân Văn năm 1930 thuật lại "vụ Yên Báy".
hoặc
Và đây là Phụ nữ tân văn số 58, số báo quan trọng nhất:
Ý nghĩa lịch sử của khởi nghĩa Yên Báy
- Nói lên lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường bất khuất vì Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc cho toàn dân.
Tài liệu mới Lưu trữ hải ngoại quốc gia Pháp (Archives nationales d’outre-Mer – ANOM) có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930
Sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Báy thất bại, thực dân Pháp đã tiến hành một chiến dịch khủng bố rất tàn bạo. Ngày 14-2-1930, Toàn quyền Đông Dương Pasquier đã ký Nghị định thành lập Hội đồng Đề hình do Thanh tra hành chính Bắc Kỳ Poulet Osier là Chủ tịch Hội đồng để xét xử vụ án Việt Nam Quốc dân Đảng. Nghị định này cùng với một số hồ sơ về các phiên tòa do Hội đồng Đề hình mở công khai tại Hà Nội và một số nơi khác hiện nay vẫn còn được lưu giữ tại Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (fonds de la Résidence supérieure au Tonkin – RST) của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Theo tài liệu lưu trữ thì tổng số có hơn 600 đảng viên bị đưa ra xử, trên 30 người bị lĩnh án tử hình (trong đó có các lãnh tụ của đảng như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp, Trần Quang Diệu…).
Các hồ sơ lưu trữ cũng phản ánh các vụ trả thù dã man của thực dân Pháp đối với các địa phương diễn ra các cuộc khởi nghĩa vũ trang như vụ triệt hạ bằng máy bay và súng liên thanh giết chết 21 người dân vô tội ở Cổ Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng); các cuộc khủng bố trắng tại các làng Đồng Tải, Phong Cầu, Kha Lâm (Kiến An, Hải Phòng) và một số làng khác của tỉnh Phú Thọ…
Tuy nhiên, sự khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp đã không làm đồng bào nhụt ý chí đấu tranh. Ngược lại, cuộc khởi nghĩa Yên Báy còn có tác dụng “cổ vũ lòng yêu nước và chí căm thù giặc ngoại xâm. Những tấm gương hy sinh quả cảm của các chiến sĩ Yên Báy đã góp phần tiếp nối truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc”.
Âm vang của cuộc khởi nghĩa Yên Báy và sự khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp đã dội về chính quốc. Nó đã có tác động trực tiếp đến những sinh viên đang du học tại Paris và đã thổi bùng lên trong lòng họ tinh thần dân tộc, xót thương giống nòi thực sự. Những tài liệu trong phông Phủ Toàn quyền Đông Dương (Fonds du Gouvernement général de l’Indochine) của Lưu trữ hải ngoại quốc gia Pháp (Archives nationales d’outre-Mer – ANOM) tại Aix-en Provence cung cấp cho chúng ta những bằng chứng xác thực về sự phản kháng của sinh viên Việt Nam đối với những khủng bố tàn bạo của chính quyền thực dân ở Đông Dương sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Báy. Những tài liệu này cũng là những bằng chứng xác thực về việc chính phủ Pháp luôn chú ý theo dõi và đàn áp sinh viên không những ở thuộc địa mà ngay cả ở chính quốc. Đáng tiếc là những tài liệu này cho tới nay chưa từng được công bố, và cũng chưa từng được sử dụng trong bất cứ một công trình nghiên cứu nào về Việt Nam Quốc dân Đảng nói chung hay cuộc khởi nghĩa Yên Báy nói riêng.
Kỷ niệm 93 năm ngày Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy
10/2/1930 - 10/2/2023
Võ Thái Hà
Phần 4
Theo trình tự thời gian, những tài liệu đó gồm:
I. Những văn bản có tính chất “thông báo” sự kiện phản kháng của 18 sinh viên du học tại Paris từ chính quốc gửi về thuộc địa.
*Công điện số 885-C.A.I ngày 13-5-1930 của Bộ trưởng Thuộc địa gửi Toàn quyền Đông Dương về đơn thỉnh cầu của các sinh viên ở Nhà nội trú của sinh viên Đông Dương tại Khu Học xá Đại học ở Paris, nội dung như sau:
“Paris ngày 13-5-1930
Bộ trưởng Thuộc địa
Gửi Ông Toàn quyền Đông Dương
Tôi hân hạnh chuyển tới Ông, để Ông được biết, bản chụp lá đơn thỉnh cầu của các sinh viên ở Nhà nội trú của sinh viên Đông Dương về những kẻ bị kết án bởi Tòa Đại hình Hà Nội.
Một lá đơn khác có cùng nội dung đã được gửi cùng ngày tới Tổng thống nước Cộng hòa [Pháp].
Công điện số 885-C.A.I ngày 13-5-1930 của Bộ trưởng Thuộc địa gửi Toàn quyền Đông Dương
Trang cuối danh sách các sinh viên Đông Dương tại Khu Học xá Paris - những người đã ký tên trong đơn gửi Bộ trưởng Thuộc địa và Tổng thống nước Cộng hòa Pháp
Ông sẽ tìm thấy kèm theo đây một bản chỉ dẫn do C.A.I lập có các thông tin về những người bản xứ ký tên trong lá đơn này.
Thừa lệnh Bộ trưởng
Giám đốc Vụ Chính trị
Đã ký: JOSEPH”
Bức điện có đóng dấu “Mật” (Secret) và dòng chữ: “Trong danh sách này có tên hai con trai của Bạch Thái Bưởi”.
Khu học xá Đại học ở Paris (Cité Universitaire à Paris)số 41 đại lộ Jourdan, Paris – quận 14. Ảnh: https://www.paris2018.com/sites/cite-universitaire/
Kèm theo công điện số 885-C.A.I ngày 13-5-1930 của Bộ trưởng Thuộc địa gửi Toàn quyền Đông Dương là bản chụp lá đơn viết ngày 12-4-1930 của 18 sinh viên Đông Dương được gửi từ Khu Học xá, Nhà nội trú của sinh viên Đông Dương, số 41 đại lộ Jourdan, Paris, quận 14, với nội dung sau:
Bản chụp toàn văn lá đơn viết ngày 12-4-1930 của 18 sinh viên Đông Dương gửi Bộ trưởng Thuộc địa và Tổng thống nước Cộng hòa Pháp. Nội dung lá đơn yêu cầu tha cho những người đã bị Tòa Đại hình Hà Nội kết án tử hình “vì lý do chính trị” và phản đối những vụ ném bom vào các làng xóm, gây chết chóc cho những người dân lương thiện của chính quyền thực dân Pháp tại Đông Dương.
“Paris ngày 12-4-1930
Gửi Ông Bộ trưởng Thuộc địa,
Thưa ông Bộ trưởng,
Chúng tôi ký tên dưới đây, những sinh viên người Đông Dương ngụ tại Nhà nội trú Đông Dương ở Khu Học xá hân hạnh được kêu gọi lòng khoan dung của Ông đối với 52 đồng bào của chúng tôi đã bị kết án tử hình bởi Tòa Đại hình ở Hà Nội vì lý do chính trị.
Chúng tôi kêu gọi Ông hãy vì tinh thần Công lý và Nhân đạo mà can thiệp với Tòa án tối cao để những người này được ân xá.
Mặt khác, chúng tôi vô cùng phẫn nộ đối với những trận ném bom vào các làng xóm gây nên chết chóc cho những người dân lương thiện.
Xin Ông hãy nhận của chúng tôi, thưa Ông Bộ trưởng Thuộc địa, những tình cảm đau buồn sâu sắc nhất”.
Dưới thư là chữ ký của các sinh viên.
Cũng được gửi kèm theo công điện số 885-C.A.I ngày 13-5-1930 của Bộ trưởng Thuộc địa là danh sách 18 sinh viên đã viết lá đơn trên:
“1. Trần Bá Chi: có thể là người Nam Kỳ, quốc tịch Pháp, đi từ Sài Gòn ngày 16-8-1926, hộ chiếu số 175.
2. Nguyễn Ngọc Ky: người Nam Kỳ, giấy chứng nhận căn cước số C-53513, sinh ngày11-1-1910 ở Da Phuoc, tổng Minh Dat, Bến Tre, con của Nguyễn Ngọc Tương, Tri phủ đại diện hành chính ở Xuyen Moc (Bà Rịa) năm 1928 và Bùi Thị Giàu; đi từ Sài Gòn ngày 20-8-1928.
3. Phan Ngọc Tôn: có học bổng, người Nam Kỳ, giấy chứng nhận căn cước số C-37472, sinh ngày 2-11-1010 ở Tan Kien, tổng Long Hung thuong, Chợ Lớn, con của Phan Ngọc Trinh, Tri huyện năm 1929 ở Mỹ Tho; từ Sài Gòn đi Paris ngày 3-9-1929.
4. Trương Trương Vinh: có học bổng (?), người Nam Kỳ, giấy chứng nhận căn cước số C-12083, sinh ngày 19-2-1905 ở Binh Duc, Long Xuyên, con của Trương Minh Giang, đốc phủ hạng nhất năm 1928 và được thưởng Bắc đẩu bội tinh hạng năm; đi từ Sài Gòn ngày 29-8-1910.
5. Nguyễn Sinh Nam: người Bắc Kỳ, giấy chứng nhận căn cước số T-74900, sinh năm 1911 ở Phúc Xá, tổng Phúc Lâm, huyện Hoàn Long, Hà Đông, con của Nguyễn Văn Vy tức Félix Young.
6. Trương Minh Hàm: có thể là người Nam Kỳ, sinh năm 1909 tại Sài Gòn, đi từ Sài Gòn ngày 29-6-1921, em trai của Trương Văn Xương.
7. Trương Văn Xương: người Nam Kỳ, sinh năm 1907 tại Sài Gòn, rời khỏi Sài Gòn ngày 26-6-1921, anh trai của Hàm.
8. Lê Quang Thắng: người Nam Kỳ, gốc Sa Đéc, con trai của Lê Quang Biên, quốc tịch Pháp.
9. Nguyễn Văn Tất: người Nam Kỳ, giấy chứng nhận căn cước số C-27994, sinh ngày 5-8-1902 tại Long Châu, tổng Bình Long, Vĩnh Long, con của Nguyễn Văn Thiên năm 1926 là thư ký chính hạng của Khu Hành chính Vĩnh Long, đi từ Sài Gòn ngày 25-8-1926.
10. Lê Quang Huy: không rõ tin tức ở Nhà nội trú sinh viên Đông Dương, không được nhận dạng bởi cơ quan an ninh.
11. Nguyễn Văn Nhơn Jean: có thể là người Nam Kỳ cùng tên, sinh ngày 8-7-1910 ở Phuoc Hai, tổng Bình Phước, tỉnh Trà Vinh, con của Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Thị Dương, đi từ Sài Gòn ngày 7-3-1927.
12. Nguyễn Huy Bao: có vẻ chắc chắn là người Bắc Kỳ cùng tên, sinh năm 1909 ở Hà Nội, số 9 đại lộ Doudart de Lagrée [phố Hàm Long], đi từ Hải Phòng ngày 26-11-1925.
13. Bạch Thái Sáu: người Bắc Kỳ, sinh năm 1908 ở Thanh Oai, Hà Đông, con của Bạch Thái Bưởi, đi từ Hải Phòng ngày 2-9-1925.
14. Lê Quang Đức: người Nam Kỳ, sinh ngày 21-8-1921 ở Sa Đéc, con trai của Lê Quang Liên, quốc tịch Pháp và Lê Thị Thi. Được phiên chế vào Pháp ngày 10-11-1928 để làm nhiệm vụ chính thức. Trong thời gian này đã có chứng chỉ học dự bị quân sự cao cấp, nằm trong tốp học sinh sĩ quan dự bị.
15. Bạch Thái Bảy: người Bắc Kỳ, em của Bạch Thái Sáu đã được chỉ rõ ở trên.
16. Thao Nhouy: người Lào, sổ đại học số 1 ngày 27-11-1929, sinh ngày 19-1-1909 ở Khong [?], Bassac [Hậu Giang], có học bổng.
17. Lê Quang Trọng: con trai của Đốc phủ quá cố Lê Quang Hiên, quốc tịch Pháp. Ở Pháp từ 1905.
18. Trần Văn Be: không rõ tin tức ở Nhà nội trú sinh viên Đông Dương, không được nhận dạng bởi cơ quan an ninh”.
Kỷ niệm 93 năm ngày Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy
10/2/1930 - 10/2/2023
Võ Thái Hà
Phần 5
II. Những tài liệu thể hiện sự chỉ đạo của chính quyền thực dân ở Đông Dương đối với hệ thống chính quyền các cấp về việc nghiên cứu và giải quyết sự kiện phản kháng của 18 sinh viên Đông Dương tại Khu học xá ở Paris.
* Công văn số 4108/SG ngày 15-7-1930 của Toàn quyền Đông Dương gửi những người đứng đầu các khu vực hành chính địa phương, Viện trưởng Viện Hàn lâm, Tổng Giám đốc Học chính Đông Dương ở Hà Nội.
Trong công văn này, Toàn quyền Đông Dương dùng từ “những người phản kháng” để chỉ số sinh viên đã gửi đơn thỉnh cầu ngày 12-4-1930 lên Bộ trưởng Thuộc địa và Tổng thống nước Cộng hòa Pháp. Phần quan trọng nhất của công văn, Toàn quyền Đông Dương viết: “Phần lớn trong số những người phản kháng là con của các kỳ hào bản xứ và nhất là nhờ địa vị của cha mẹ mà họ có thể được hưởng rất nhiều thuận lợi mà Khu học xá đem lại cho học sinh nội trú. Một vài trong số những thanh niên này được cấp học bổng, một số khác là công dân Pháp; nhiều người không còn là vị thành niên”.
Cuối cùng, Toàn quyền Đông Dương đưa ra ba chỉ thị đối với cấp dưới, nhưng thực chất là ba biện pháp nhằm trục xuất 18 sinh viên đã ký tên trong đơn và đàn áp sinh viên yêu nước:
“1. Thông báo cho cha mẹ của 18 sinh viên đã ký đơn để họ đưa con về nước.
2. Thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để không còn một sự việc nào tượng tự xảy ra.
3. Thông báo cho tôi [Toàn quyền] những thông tin của Sở Cảnh sát và An ninh Trung ương về những người Đông Dương chưa rõ trong danh sách”.
Tài liệu này cũng chứng tỏ rằng, mặc dù chính quyền thuộc địa đã nỗ lực trong việc tạo ra một tầng lớp trí thức thân Pháp, mục đích xây dựng một hàng ngũ tay sai cho họ về phương diện văn hóa nhưng kết quả đã đi ngược lại với mong muốn và nỗ lực của họ.
III. Những tài liệu thể hiện các biện pháp mà chính quyền thuộc địa các cấp đã thực hiện theo sự chỉ đạo của Toàn quyền Đông Dương trong việc giải quyết sự kiện phản kháng của 18 sinh viên Đông Dương tại Khu học xá ở Paris.
* Bản sao công văn “Mật” ngày 24-7-1930 của Thống sứ gửi Đốc lý Hải Phòng chỉ thị việc giải quyết vụ hai con trai Bạch Thái Bưởi ký tên vào đơn gửi Bộ trưởng Thuộc địa và Tổng thống nước Pháp xin ân xá cho những người đã bị Tòa Đại hình Hà Nội kết án tử hình (được Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương để báo cáo việc thực hiện công văn số 4108/SG ngày 15-7-1930 về vụ việc đã nêu).
Công văn viết:
“Tôi yêu cầu Ông triệu tập ngay Bạch Thái Bưởi đến văn phòng của Ông để báo cho ông ta biết về thái độ không thích đáng của các con ông ta. Ông đừng quên nhấn mạnh rằng sự thoải mái và sự phát triển về học vấn của chúng cũng như của cải đáng thèm thuồng mà cha mẹ chúng thu được là nhờ có sự giúp đỡ và dưới sự bảo hộ của Chính quyền Pháp.
Ông cũng tuyên bố với Bạch Thái Bưởi rằng, vì các con của ông ta, sau khi đã cân nhắc, đã tự đứng trong hàng ngũ của bọn tội phạm, những kẻ đã giết các sĩ quan của chúng ta ở Yên Bái, thì kể từ nay trở đi, chúng sẽ không bao giờ được hưởng một tí nào sự khoan dung của chúng ta nữa”.
* Bản sao công văn“Mật” ngày 26-7-1930 của Đốc lý Hải Phòng báo cáo đã triệu tập Bạch Thái Bưởi đến văn phòng thông báo việc đưa Bạch Thái Sáu và Bạch Thái Bảy về Việt Nam.
IV. Những tài liệu thể hiện sự theo dõi sinh viên Việt Nam học tại Pháp của chính quyền thuộc địa.
* Bản sao lá thư ngày 20-7-1930 của Nguyễn Văn Trí, trú tại 41 đại lộ Magenta, Paris (quận X) gửi cho bố là ông Nguyễn Văn Thinh, trú tại nhà số 1 quai Lamothe de Carrier, Nam Định trong đó có nhắc tới việc trở về của Bạch Thái Sáu (bản sao thư do Sở Mật thám gửi Thống sứ Bắc Kỳ). Đoạn cuối thư có câu: “Bố mẹ chắc chắn sẽ ngạc nhiên khi thấy Sáu tới một mình. Nhưng bố mẹ hãy tin rằng, nếu có lần con cái không vâng lời bố mẹ, thì bởi chúng không thể làm cách nào khác. Con sẽ nói với bố mẹ về việc này lâu hơn vào một dịp khác” (những câu này đã bị mật thám gạch chân. Điều đó có nghĩa là chúng đã rất đề phòng với những người trẻ tuổi có học vấn này).
* Một số công văn trao đổi dưới dạng “Kín” (Confidentielle) giữa Thống sứ Bắc Kỳ, Giám đốc Sở Mật thám, Công sứ tỉnh Thái Bình với Tổng đốc tỉnh Thái Bình, Tri huyện Đồng Quan và biên bản hỏi cung một số sinh viên Việt Nam từng du học ở Pháp về…
Những tài liệu trên đây là những cứ liệu chứng tỏ rằng, ngay cả những người có lợi ích gắn với chính quyền thực dân ở thuộc địa cũng phản đối chúng khủng bố phong trào cách mạng trong những năm 1930, đặc biệt sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Sự trục xuất 18 sinh viên Đông Dương du học ở Pháp và sự bắt bớ, theo dõi học sinh, sinh viên Việt Nam của chính quyền thuộc địa sau khởi nghĩa Yên Bái vẫn không làm cho nhân dân ta chùn bước.
- Cổ vũ lòng yêu nước và chí căm thù trước những thế lực xâm phạm đến chủ quyền Dân Tộc nói lên ý nghĩa sáng ngời của chủ thuyết Dân Tộc Độc Lập
Không phải vô nguyên cớ mà Đảng trưởng Nguyễn Thái Học trở nên lưu danh thiên cổ trong lịch sử Việt Nam. Cái chết của ông chỉ là một trong những điều mà các thế hệ những người Việt yêu nước phải nghiêng mình kính trọng, bên cạnh đó, còn rất nhiều điều khác nữa vẫn ít khi được nhắc tới.
Trong lịch sử hôm nay, với sự mô tả rất dè sẻn dường như có chủ ý, phần lớn người Việt Nam chỉ biết đến các bậc tiền nhân Việt Nam Quốc Dân Đảng bằng thất bại và sự hy sinh mà thôi. Các ghi chép dễ tìm thấy, chỉ gói gọn trong câu chuyện Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của mình hiên ngang ra máy chém ngày 17-6-1930. Nhưng trên thực tế, một Nguyễn Thái Học nằm trong trái tim người Việt, còn là một nhà đấu tranh cải cách ôn hòa, trước khi chọn kháng chiến vũ trang như giải pháp cuối để dành độc lập tự do cho người Việt.
Từ khi là thanh niên ở độ tuổi 20, Nguyễn Thái Học từng nghĩ đến chuyện thuyết phục người Pháp để thay đổi đất nước trong hòa bình – mà đời nay, ngôn ngữ thường dùng là “góp ý xây dựng, đưa đất nước tiến bộ.”. Năm 1925, viết bằng tiếng Pháp, Nguyễn Thái Học đã từng gửi cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varene một kiến nghị cải cách nền công thương Việt Nam, thư đề nghị xây một trường Cao đẳng về công nghệ ở Hà Nội, và một dự án chi tiết về cải cách giúp cho dân nghèo Việt Nam. Nhưng nhiệm kỳ của Alexandre Varene rất ngắn ngủi (chưa đến 6 tháng – https://bit.ly/37AfdA7) nên ông này không để tâm.
Tháng 6-1927, Nguyễn Thái Học còn gửi đơn đến thống sứ Bắc Kỳ để xin phép mở một nguyệt san với mục tiêu trí-đức-thể-dục cho người Việt, có tên là Nam Thanh nhưng cũng bị nhà cầm quyền từ chối. Thật ra lúc này Nguyễn Thái Học đã bắt đầu bị mật thám lưu ý, và coi là thành phần có khả năng tuyên truyền chống chế độ, xâm phạm lợi ích của tổ chức, công dân thuộc nhà cầm quyền.
Nói như vậy để biết, mọi người yêu nước đều bắt đầu với tinh thần ôn hòa, muốn đóng góp để xây dựng đất nước. Nhưng khi họ bị chà đạp, bị áp các điều luật mơ hồ, bỏ tù… thì nguồn năng lượng tự nhiên đó, sẽ biến từ kiên nhẫn ôn hòa sang những hình thái khác. Lịch sử cho thấy rõ như vậy.
- Hành động yêu nước và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Yên Báy, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng khi bị hành quyết là hy sinh cho tổ quốc, cho một nước Việt Nam Vạn Tuế .
Biểu thị tinh thần phản kháng dân tộc quyết liệt của thành phần trí thức trẻ với nền giáo dục ảnh hưởng cách mạng của xã hội tây phương để chống lại áp bức và chà đạp các quyền Dân Tộc Độc Lập, Tự Do Kinh tế và Tự Do Văn Hóa để mang đến mục tiêu cuối cùng cho dân tộc mà Đảng đã đề ra là Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc.
Tác giả Louis Roubaud in trong cuốn sách Việt Nam, xuất bản 1931, được trích dẫn khá nhiều, viết về cuộc khởi nghĩa Yên Báy và những diễn biến tại pháp trường. Ngay ở trang đầu Roubaud đã viết: “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! 13 lần tôi nghe tiếng hô này trước máy chém ở Yên Bái. 13 người bị kết án tử hình đã lần lượt thét lên như vậy cách đoạn đầu đài hai thước”. Tác giả cũng viết về nhà cách mạng Nguyễn Thái Học: “Anh mỉm miệng cười, cực kỳ bình thản, đưa mắt nhìn đám đông công chúng và cúi đầu chào đồng bào rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô lớn: “Việt Nam vạn tuế”.
Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã dành hơi thở cuối cùng của đời mình trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng Việt Nam trước khi bị chém.
Như hai tác giả Louis Roubaud và Hoàng Văn Đào viết, không ai trong số họ đã hô “Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm”.
Không phải chỉ Đảng trưởng Nguyễn Thái Học, mà những đồng chí can trường của ông cũng chưa bao giờ là người quen cầm súng hay ném bom. Hầu hết là tuổi trẻ trí thức nhưng sẳn sàng hy sinh để bảo vệ lý tưởng và chống lại cường quyền, đứng về phía nhân dân. Phó Đức Chính, người vẫn mỉm cười, bước lên cùng chịu chém đầu vào ngày 17-6, đã dũng liệt lặp lại lời của Nguyễn Thái Học “Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu. Hoa tự do phải tưới bằng máu. Không thành công thì thành nhân”. (tài liệu của đảng viên VNQDĐ Hoàng Văn Đào ghi, 1970, một phần đăng trên tuần báo Tân Dân).
Đất nước hiện đang bị lâm nguy trước họa xâm lăng của giặc bành trướng Trung Cộng phương Bắc với đảng Cộng Sản Việt Nam là tay sai, tinh thần bất khuất Yên Báy cần được toàn đảng, toàn dân gìn giữ trân trọng tiếp nối để Tổ Quốc vĩnh viễn được Độc Lập, Dân Quyền thật sự được Tự Do, Dân Sinh thật sự được Hạnh Phúc.
Tài liệu tham khảo:
https://vietquoc.org/vu-an-yen-bai-khong-thanh-cong-thi-thanh-nhan-2/#more-29826
http://www.tvvn.org/vu-an-yen-bai-khong-thanh-cong-thi-thanh-nhan-tran-gia-phung/
https://nhacsituankhanh.wordpress.com/
http://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/tai-lieu-moi-phat-hien-co-lien-quan-den-cuoc-khoi-nghia-yen-bai-nam-1930.htm
http://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/viet-nam-quoc-dan-dang-qua-tai-lieu-luu-tru-hai-ngoai-phap-ky-ii-quoc-dan-dang-nhung-nam-1928-1929.htm
http://www.trantrungdao.com/?p=5259
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét