Lời mở đầu
Posted on January 29, 2023 by Bình Long
(TM tổng hợp và bổ túc)
LỜI MỞ ĐẦU
(Lời mở đầu được viết bởi TM và ông NĐH.)
Tại Việt Nam, đình chùa là nơi ngoài vấn đề tín ngưỡng còn là nơi Phật tử tu tập để gìn giữ phong tục của người Việt. Đất lề quê thói khiến Phật giáo Việt Nam mang đậm tính chất dân gian của người Việt.
Trong bài này, để tìm lại những mảnh tình quê, chúng tôi mạo muội chỉ dám làm một liệt kê, tổng hợp và bổ túc sự tích các ngôi chùa Phật Giáo trước năm 1975 trong thủ đô Sàigòn, bao gồm Sàigòn và Chợ Lớn.
Những lý do thúc đẩy thực hiện bài này là ghi lại :
Các công đức vô biên của các bậc thiền sư, đại đức, cao tăng, ni, tiền nhân, cư sĩ, Phật tử hảo tâm…, hửu danh cũng như khuyết danh, đã tạo lập ra các ngôi chùa trong thủ đô Sàigòn, mà danh hiệu chỉ còn thấy trong sử sách hoặc may mắn hơn còn hiện hửu cho tới ngày 30 tháng 4 năm 1975;
Lược sử của các ngôi chùa này vì lý do rất hiển nhiên là chúng dính liền mật thiết với lịch sử thành lập, mở mang và phát triển kinh tế cùng văn hóa tín ngưỡng của thủ đô Sàigòn;
Những công việc Phật sự, giáo dục và sinh hoạt xã hội cung cấp bởi các ngôi chùa Phật Giáo vào đời sống hàng ngày người dân Sàigòn : Các dịp Tết Nguyên Đán, lễ Phật Đản, Vu Lan, những lúc tang chế gia đình, cầu siêu, giảng kinh, thuyết pháp, sinh hoạt gia đình Phật tử, hướng đạo Phật tử, giáo dục học đường cấp tiểu, trung và đại học…;
Những dòng tưởng nhớ vinh danh Sàigòn, vùng đất sinh trưởng của tác giả và thủ đô của miền Nam tự do, nhân bản;
Sơ lược những cuộc xuống đường đấu tranh đòi bình đẳng tín ngưỡng năm 1963;
Sơ lược sự phân hóa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất;
Sơ lược những phong trào phản chiến, thân Cộng phát động bởi vài ngôi chùa ở Sàigòn.
Bài này đã được thực hiện với những dữ kiện trích từ các nguồn sau đây :
1. Hai tài liệu căn bản [1, 2] nghiên cứu lịch sử, địa lý và văn hóa vùng Sàigòn và Gia Định từ thế giữa thế kỷ thứ 18 cho tới những năm 1970, được ấn hành vào thời chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ;
2. Những tin tức, tài liệu và hình ảnh về một số ngôi chùa được viết hay kể lại theo trí nhớ hay được cung cấp bởi các bằng hữu, cư dân cố cựu Sàigòn;
3. Ký ức của người viết bài này;
4. Các tài liệu sưu tầm trên mạng Internet . Những dữ kiện từ nguồn này đã được kiểm soát chéo (cross check) lẫn nhau trước khi được xử dụng.
Lẽ dĩ nhiên vì xa quê nên có thể có nhiều sai lầm và thiếu sót dù đã cố gắng tối đa, mong các quý độc giả chung tay góp sức vẽ lại hình ảnh các chùa ở Sàigòn trước năm 1975. Tác giả rất vui đón nhận những phê bình, chỉ dẫn để có thể hoàn thiện bài này.
Vì số lượng những cơ sở Phật giáo tìm thấy trong địa bàn thủ đô Sàigòn khá cao, nên để đơn giản hóa việc trình bày, mặc dầu không hoàn toàn chặt chẽ chính xác, tác giả bài này đã sắp xếp các cơ sở này làm hai loại :
1- Chùa
2- Tịnh xá và Niệm Phật Đường.
(Phụ chú : Vài định nghĩa của các danh từ Chùa, Tịnh xá và Niệm Phật Đường được trong ghi trong Phụ đề 1).
Do vậy, bài này gồm có 2 phần chính, đó là :
Phần 1: Các ngôi chùa trong thủ đô Sàigòn : Gồm một trăm sáu mươi mốt (161) ngôi chùa đã được tìm thấy và tổng hợp.
Phần 2: Tịnh xá, Niệm Phật Đường trong 11 quận-Thủ Đô Sàigòn : Gồm một trăm ba mươi bốn (134) tịnh xá, niệm Phật Đường đã được tìm thấy và tổng hợp.
Ngoài ra, bài này còn có hai phần phụ :
Phần 3: Chùa ở Sàigòn do Việt Cộng bí mật điều hành : Gồm ba (3) ngôi chùa đã được tìm thấy và tổng hợp.
Phần 4: Chùa ở Sàigòn không có chi tiết : Gồm mười (10) ngôi chùa tìm thấy trong tài liệu [1] nhưng tài liệu này không có ghi chi tiết.Tác giả bài này đã kiếm thêm các tin tức về các ngôi chùa này bằng nhiều cách khác nhau nhưng không có kết quả. Nay, liệt kê ra để cho các bậc thức giả bổ túc thêm.
Để dễ dàng việc định vị các ngôi chùa tịnh xá, niệm Phật Đường kể trên, bản đồ Đô Thành Sàigòn và vùng phụ cận ấn hành trước năm 1975, được đính kèm dưới đây.
Vì lý do rất hiển nhiên là tất cả các ngôi chùa tịnh xá, niệm Phật Đường trình bày trong tài liệu này đều được xây lên và hoạt động từ trước năm 1975, bài này chỉ dùng các danh từ, ngữ vựng, thành ngữ và các tên đường và địa chỉ đã được đặt ra và xử dụng trước năm 1975 của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Từ những kết quả cụ thể đạt được, những điểm nổi bậc đáng chú ý được ghi nhận như sau :
1. Có ít nhất ba trăm lẻ tám (308) ngôi chùa, tịnh xá và niệm Phật đường được thành lập trong thủ đô Sàigòn-Chợ Lớn trong khoảng thời gian 230 năm, từ năm 1744 đến 1974;
2. Chùa Từ Ân và chùa Khải Tường thành lập vào năm 1744, có thể là hai ngôi chùa đầu tiên trong thành phố Sàigòn . Địa điểm của chùa Từ Ân, sau này nằm trong khu vực Chợ Đũi thuộc quận 1 và quận 2 và chùa Khải Tường nằm tại một địa điểm sau này ở góc đường Hồng Thập Tự và đường Công Lý-quận 3-Sàigòn. Hai chùa này đã hiện hửu 34 năm trước khi thị trấn Chợ Lớn được tạo lập bởi người Tàu;
Phụ chú :
Theo tài liệu [1] : Từ năm 1680, đã có dấu chơn Hán tử trên dãy đất Miền Nam nhưng họ tới lui đông đảo trên vùng Sàigòn nhứt là từ năm 1778;
Danh từ Sàigòn do tướng Genouilly viết trong thư ngày 29 tháng 1 năm 1859 gửi về Bộ Hải quân Pháp ở Paris đề xuất đánh Thành Phụng tức thành Gia Định.
Tên của hai ngôi chùa này đã được hai vị thiền sư và cao tăng sáng lập chọn lựa rất cẩn trọng, sáng suốt và chí lý. Các tên hiệu này không những mang đầy ý nghĩa thiêng liêng mà còn phản ảnh trung thực các mối lo sợ do bệnh tật, bất trắc, tai họa, hiểm nguy…trong cuộc sống của những người di dân trên vùng đất mới. Thật vậy :
– “Từ Ân” ngụ ý là nhờ lòng từ bi và ân huệ của đức Phật mà bá tánh được bình an, tạo được cuộc sống ấm no hạnh phúc nơi vùng đất mới và cũng nhờ lòng từ bi và ân huệ của đức Phật, chư vị hộ pháp mà tạo nên được cơ sở để truyền bá đạo pháp cho bá tánh;
– “Khải Tường” với ngụ ý là mở rộng phước lành cho bá tánh.
3. Năm ngôi chùa cuối cùng được xây vào năm 1974, tức gần ngày mất nước 30 tháng 4 năm 1975, đó là chùa : Bửu Quang-quận 8, Lộc Giả (Lộc Dã)-quận 8, Quảng Hương- quận 2, Từ Hiếu-quận 8 và Pháp Hưng-quận 8;
4. Trong số 161 ngôi chùa : 75 (47%) chùa được xây trong vòng 20 năm, từ sau năm 1954 đến 1974, tức trong hai thời kỳ đệ nhất và đệ nhị cộng hòa.Trong số 74 này, có 53 (72%) chùa được xây trong 9 năm, từ sau năm 1963 (sau mùa pháp nạn) đến 1974;
5. Trong số 134 tịnh xá và niệm Phật đường : 111 (83%) được xây trong vòng 20 năm, từ sau năm 1954 đến 1974. Trong số 111 này có 85 (77%) được xây từ sau năm 1963 (sau mùa pháp nạn) đến 1974;
6. Tất cả các cơ sở Phật giáo này đều được tạo lập bởi các nhà sư Phật giáo từ nhiều hệ phái khác nhau hoặc các tu sĩ hoặc các Phật tử địa phương. Những người này là tư nhân hoàn toàn độc lập với chính quyền sở tại;
7. Một cách tổng quát, các ngôi chùa Phật Giáo, tịnh xá và niệm Phật đường đều được thành lập theo một trong bốn hệ phái sau đây : Bắc tông (Đại thừa), Nam tông (Tiểu thừa), Hoa Tông và Khất sĩ. (Xem thêm chi tiết nguồn gốc các hệ phái này trong Phụ đề 2 );
8. Trong số 11 quận của thủ đô Sàigòn :
Quận 9 là quận có ít chùa, tịnh xá và niệm Phật đường nhứt.Có thể là vì quận 9 là quận kém mở mang nhứt. Cho tới thập niên 60, từ bến Bạch Đằng-quận 1 nhìn qua Thủ Thiêm-quận 9, người ta chỉ thấy những ánh đèn điện leo lét rải rác đây đó. Phương tiện giao thông duy nhứt nối liền hai bờ là những chuyến đò tay, đò máy và phà;
Quận 6 là quận có nhiều chùa, tịnh xá và niệm Phật đường nhứt. Có thể là vì quận 6 nằm ngay trên đường quốc Lộ đi Lục Tỉnh.Và vào những thập niên 40-50, quận này còn nhiều đất đai chưa mở mang. Đất đai bên quận 6 chắc hẳn rẻ hơn đất cùa quận 5-Chợ Lớn nằm kế bên.Hơn nửa, quận 6 có rất nhiều nghĩa trang. Và cũng vì vậy, ở đây có nhiều cơ sở sản xuất nhang đèn.
9. Ngoại trừ vài ngôi chùa lâu đời hay chùa lớn và nổi tiếng, tọa lạc trên mặt tiền đường, phần lớn các ngôi chùa, tịnh xá và niệm Phật đường khác nằm trong các ngõ hẻm của những khu bình dân.
(Phụ chú : Sau năm 1975, một phần lớn các cơ sở Phật giáo này đã được trùng tu nhưng khi so sánh về khía cạnh diện diện tích, kiến trúc, tiền bạc…với các chùa quốc doanh xây gần đây ở ngoài Bắc, thì không thấm vào đâu.Tác giả tài liệu [3] đăng trên mạng tháng 11 năm 2022, sau chuyến đi Việt Nam của tác giả, đã viết như sau : “Khi tôi về, dĩ nhiên là có cả đi chùa lễ Phật. Từ Sàigòn cho đến các tỉnh thành, chùa chiền giờ rất “hoành tráng”, sơn son thếp vàng rất hào nhoáng, chưng bày la liệt tượng La Hán, sư tử Tàu, pháp khí Đài Loan, đèn đá Hàn quốc. Chùa chiền giờ to lớn đồ sộ, những ngôi chùa như cung vàng điện ngọc, những pho tượng khổng lồ rồi chưng bày la liệt cây kiểng, bonsai’’.
10. Do các biến cố vào năm 1963, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) được thành lập vào ngày 31 tháng Chạp năm 1963 bởi 13 tổ chức Phật giáo miền Nam và miền Trung thuộc Phật giáo Đại thừa (Bắc tông) lẫn Phật giáo nguyên thủy (Nam tông). Từ sau năm 1975 đến nay, GHPGVNTN vẫn còn là một tổ chức tôn giáo kiên cường không công nhận chế độ Cộng Sản;
11. Ngày nay, tất cả các ngôi chùa, tịnh xá vá niệm Phật đường, ngoại trừ một vài ngôi chùa rất can đảm đã lấy một vị trí độc lập, đều bị bắt buộc gia nhập vào Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) (không Thống Nhất) của ngụy quyền Cộng Sản để bị điều khiển, giựt dây bởi cái giáo hội này.
Theo tài liệu [4] : Năm 1981, Nhà nước (ngụy quyền Cộng Sản) thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mới (GHPGVN), nằm dưới quyền kiểm soát của Mặt Trận Tổ Quốc và ra chiến dịch triệt hạ những nhân sĩ, tu sĩ Phật giáo có tinh thần phản kháng việc chính trị hóa tôn giáo này.Hơn nửa, theo tài liệu [5], cái Mặt trận Tổ Quốc này lại là một tổ chức được ngụy quyền Cộng Sản nặn ra, dùng để thúc đẩy người dân thi hành các chính sách của đảng Cộng Sản Hà Nội. Các đại biểu của cái Mặt trận Tổ Quốc này được bầu bởi nhiều cách thiếu lương thiện.
Theo tài liệu [6] : Chỉ những chùa thông bạch đề rõ ràng Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất là các chùa không chịu để bọn thày chùa quốc doanh ngụy quyền Cộng Sản chỉ huy’’;
Cũng phải ghi thêm rằng GHPGVN (không Thống Nhất) của ngụy quyền Cộng Sản hiện nay đang chỉ huy một số chùa Phật giáo ở hải ngoại.
12. Những ngôi chùa từ chối không gia nhập vào Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) (không Thống Nhất) của ngụy quyền Cộng Sản gồm có :
Chùa Liên Trì – phường An Khánh-quận 9, Thượng Tọa Thích Không Tánh làm thầy trụ trì, bị ngụy quyền Cộng Sản san bằng ngày 8 tháng 9 năm 2016;
Sáu (6) ngôi chùa ở quận 11 : Chúa Khánh Sơn, chùa Giác Hạnh, chùa Liên Hoa cổ tự, chùa Quang Đức, chùa Hoàng Long và tịnh xá Phi Hà Động;
Riêng chùa Sùng Đức cũng ở trong quận 11 này, không khai báo tự viện và tăng ni tạm trú với ngụy quyền Cộng Sản.
Ngày nay, không biết số phận các ngôi chùa ra sao ?
13. Ngay từ giữa thập niên 1960, trong giới lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã có sự rạn nứt. Hàng giáo phẩm ngả thành hai khối : Khối Việt Nam Quốc Tự và khối Ấn Quang. Kể từ năm 1967, khối Ấn Quang bị bọn phản chiến thân Cộng và bọn Việt Cộng nằm vùng lũng đoạn, và dùng mọi thủ đoạn để lèo lái khối này ủng hộ cái gọi là Mặt trận Giải phóng Miền Nam (một loại tay sai bù nhìn tạo dựng ra bởi bọn Cộng Sản Hà Nội);
14. Đặc biệt là có ba (3) ngôi chùa do Việt Cộng bí mật điều hành. Núp dưới cửa thiền và lợi dụng sự tự do tôn giáo, chúng đã lấy các nơi này làm căn cứ, sào huyệt ẩn núp, tàn trữ vũ khí, liên tục trong những năm 60, xuất phát nhiều cuộc tấn công võ trang, bắn phá gây mất an ninh của thủ đô Sàigòn và ngày nay sau năm 1975 vẫn còn tiếp tục hoạt đông cho ngụy quyền Cộng Sản, đó là :
Chùa Pháp Quang- Đường Liên tỉnh lộ 5-Phường Bình An (Chánh Hưng?)-quận 8;
Chùa Thiên Tôn- Đường Nghĩa Thục – quận 5;
Chùa Thiên Phước- Bến Phạm Thế Hiển- quận 8.
★
PHỤ ĐỀ
Phụ đề 1 : Vài định nghĩa các danh từ Chùa, Tịnh xá và Niệm Phật Đường
Theo tài liệu [7] :
Chùa là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo, là nơi tập trung sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng, ni. Mọi người kể cả tín đồ hay người không theo đạo đều có thể đến thăm viếng, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ Phật giáo. Ở một số nơi, chùa cũng là nơi cất giữ xá lợi và chôn cất các vị đại sư.
Tịnh xá và Niệm Phật Đường là các công trình kiến thức theo hơi hướng Phật giáo, dành cho người tu hành dùng làm nơi để nghỉ ngơi, tu tâm, ngồi thiền, …T ịnh xá là nơi yên tĩnh, khác xa với chùa, người khác có thể đến đây ghé thăm và dừng chân nghỉ lại vài ngày.
Ngoài ra, theo sự hiểu biết, tác giả bài này xin ghi thêm rằng :
Chùa thường được thành lập bởi các nhà sư đã qua nhiều lớp Phật học ở nhiều Chùa hay Viện Phật học đường, đã qua nhiều năm tu học và hoằng pháp trong khi đó tịnh xá và niệm Phật đường bởi các tu sĩ hay Phật tử địa phương.
(Phụ chú : Các Chùa hay Viện Phật học đường Phật giáo trước năm 1975, giảng dạy và hoạt động hoàn toàn độc lập với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ngày nay sau năm 1975, dưới chế độ Cộng Sản, các viện Phật học đường Phật giáo là nơi huấn luyện các sư quốc doanh, sư công an. Xem thêm chi tiết trong Phụ đề 3).
Hơn nữa, chùa thường được xây với mục đích rõ ràng, gồm có ít nhiều cơ sở khá đầy đủ cho các công việc Phật sự, trong khi đó tịnh xá, niệm Phật đường có thể là các căn nhà tư của Phật tử được sang sửa và xử dụng làm nơi thờ cúng. Tuy vậy cũng có nhiều chùa khởi đầu là các am nhỏ, sau được các nhà sư gầy dựng lại thành cảnh chùa.
Am được coi là một kiến trúc nhỏ thờ Phật. Gốc của Am từ Trung Quốc, được mô tả như ngôi nhà nhỏ, lợp lá, dùng làm nơi ở của con cái chịu tang cha mẹ, về sau đổi kết cấu với mái tròn, lợp lá, làm nơi ở và nơi đọc sách của văn nhân. Từ đời Đường, Am là nơi tu hành và thờ Phật của ni cô đặt trong vườn tư gia.
Phụ đề 2 : Nguồn gốc Nam tông, Bắc tông, Khất sĩ và Hoa tông
Các ngôi chùa Phật Giáo tổng hợp trong bài này, một cách tổng quát, được thành lập theo một trong bốn hệ phái sau đây : Bắc tông (Đại thừa), Nam tông (Tiểu thừa), Hoa Tông và Khất sĩ. Vì vậy, phần phụ đề này xin ghi một vài tin tức ngắn gọn, dễ hiểu, không quá chuyên môn nhưng đủ để tỏ tường nguồn gốc các hệ phái này.
1- Phái Nam tông và phái Bắc tông :
Theo tài liệu [8] : Phật giáo được truyền sang Việt Nam do hai ngã : Bắc Tông tức phái Đại Thừa do lối Trung Hoa ở phía Bắc vào cùng với Khổng giáo và Lão giáo trong thời kỳ Bắc Thuộc, còn Nam Tông tức phái Tiểu Thừa (hay có tên gọi khác là Phật giáo nguyên thủy) qua các nước Thái Lan, Ai Lao và Cao Miên phía Nam rồi truyền sang Việt Nam do sự chung đụng của dân Việt với dân chúng các nước này.
Theo tài liệu [9] : Từ hai phái lớn này, Phật giáo lại chia thành nhiều tông phái, và các sơn môn khác nhau.
Phật giáo Bắc tông có tông phái như Tam luận tông, Pháp tướng tông, Hoa nghiêm tông, Thiên thai tông, Tịnh độ tông, Chân ngôn tông (hay còn gọi là Mật tông), Thiền tông.
Phật giáo Nam tông có tông phái Thành thực tông, Câu xá tông, Luật tông…
Sau đây là sự khác nhau giữa Phật Giáo Nam Tông và Bắc Tông :
Sự khác nhau về giáo thuyết : Thuyết “Hữu” và “Vô” trong hai trường phái được hiểu khác nhau.
– Phật giáo Nam tông chủ trương cho rằng vạn pháp vô thường, luôn chuyển động, biến đổi. Nhưng vẫn có một cách tương đối mà không thể nói là hư không.
– Phật giáo Bắc tông chủ trương cho rằng, vạn pháp tuy có nhưng thực ra là không, vì vạn pháp là hư giả, không có thực tướng.
Sự khác nhau về sự giải thoát :
– Theo quan niệm của Phật giáo Nam tông chỉ khi nào ra khỏi vòng luân hồi của sự sinh tử thì mới có thể chứng ngộ được Niết bàn tuyệt đối. Chủ trương tự độ, tự giác, tức là tự giác ngộ, tự giải thoát cho bản thân. Nhưng không giác ngộ, không giải thoát được cho những người khác.
– Phật giáo Bắc tông quan niệm ngay trong quá trình sống và tồn tại, nếu một người có phẩm chất tu dưỡng tốt thì sẽ đạt cảnh giới Niết bàn. Chủ trương tự độ tự tha, tự giác, tự tha, tức là không chỉ giác ngộ, giải thoát cho chính bản thân mình mà còn có thể giác ngộ, giải thoát cho tất cả chúng sinh.
Sự khác nhau về mặt văn hóa :
– Phật giáo Nam tông xuất phát từ Ấn độ truyền đến các nước nằm ở phía Nam chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ và đạo Bà la môn. Do đó, tạo ra lực lượng tín đồ vô cùng đông đảo và ổn định, ít bị xâm nhập bởi các tôn giáo khác.
– Trong khi đó, Phật giáo Bắc tông khi truyền đến các nước thuộc phía Bắc phải qua con đường từ Trung Quốc sang, nên chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hóa Trung Quốc. Do đó lực lượng Phật tử này chịu ảnh hưởng Phật giáo ở nhiều mức độ khác nhau
Sự khác nhau về vấn đề thờ phụng :
– Phật giáo Nam Tông thờ duy nhất tượng Phật Thích Ca cùng các vị A La Hán. Bởi quan niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một con người bình thường giống tất cả mọi người khác. Nhưng Ngài đã hoàn toàn giác ngộ, do sau khi xuất gia nỗ lực tu hành mà tạo thành chính quả.
– Phật giáo Bắc Tông thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các tượng Phật, Bồ tát khác nữa. Bởi quan niệm Đức Phật Thích Ca khác với người thường. Do muốn độ chúng sanh nên Đức Phật mới ở nơi loài người để giáo hóa. Còn các vị Bồ tát là người trợ lực cùng các chư Phật để độ sanh, mỗi vị có những công hạnh đặc biệt riêng;
Sự khác nhau về cách thức tu hành :
– Phật giáo Nam tông đề cao sự tự giải thoát bằng việc nỗ lực của cá nhân. Cách giác ngộ chính là thông qua Thiền và rất coi trọng tu viện. màu sắc thường mặc là màu vàng và họ thường đi khất thực để sinh sống.
– Với Phật giáo Bắc tông thì đề cao sự tự do lao động để sinh sống, màu sắc thường phục là áo màu nâu, khi hành lễ mới mặc áo màu vàng.
2- Phái Khất sĩ
Theo tài liệu [10] : Đạo Phật Khất Sĩ chính thức ra đời vào năm 1947 trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cụ thể là xuất phát tại Mỹ Tho, trong một môi trường ở đó các tôn giáo chính đã có cơ sở vững vàng, bên cạnh những hình thái tôn giáo khác cũng đang tích cực phổ biến giáo lý, thu hút tín đồ. Mặc dù xuất hiện khá muộn, nhưng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam (ĐPKSVN) vẫn phát triển và hiện nay đã trở thành một hệ phái Phật giáo có tầm vóc không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra có mặt ở hải ngoại.
Giáo lý của Đức Phật Thích Ca trong ĐPKSVN là như sau :
Với phương châm “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp”, Tổ sư Minh Đăng Quang gìn giữ truyền thống mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã vạch. Ngài dung hợp mọi tinh hoa của Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông. Ngài đã thành tựu và lưu truyền cho hậu thế một dòng truyền thừa với ba pháp yếu quan trọng sau đây:
1-Tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia;
2-Sự tinh tấn trong tu tập;
3-Tinh thần hoằng hóa độ sinh.
Giáo pháp Khất Sĩ nêu cao việc quay về với cội nguồn tâm linh, quyết tâm thực hành Giới-Định-Tuệ. Đối với đời sống cộng đồng, người Khất sĩ cộng trú tu học trong những ngôi già-lam tịnh xá. Tổ sư nêu lên phương châm: Nên tập sống chung tu học: Cái SỐNG là phải sống chung; cái BIẾT là phải học chung, cái LINH là phải tu chung.
Khi chọn Hoa sen và Ngọn đèn Chơn lý làm biểu tượng cho dòng pháp “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp- ĐPKSVN”, Tổ sư Minh Đăng Quang đã bày tỏ ý hướng đem Chánh pháp thanh tịnh như hoa sen của chư Phật để soi đường dẫn lối cho người hữu duyên bằng ngọn đèn chơn lý.
Biểu tượng Hoa sen và Ngọn đèn Chơn lý chính là lý tưởng của Tổ sư về một quốc độ có một cuộc sống an vui thuần thiện của tất cả mọi người; trong đó người tu phải thể hiện một đời sống nghiêm tịnh thanh thoát, thắp lên ngọn đèn chơn lý phụng hiến cho đời.
Tổ sư Minh Đăng Quang còn nêu lên một điều rất đặc biệt mà ít người lưu ý, rằng “Việt Nam đạo Phật không có phân thừa”. Chính vì thế, giáo pháp của ĐPKSVN thể hiện rõ tư tưởng Đại thừa trong khi xiển dương việc thực hành một phần công hạnh của Phật giáo Nguyên thủy. Khác với Phật giáo Nam tông, thay vì dùng Tam tịnh nhục, ĐPKSVN chủ trương ăn chay, mở rộng tinh thần từ bi và sử dụng kinh điển Đại thừa như kinh Kim Cương, Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Pháp Hoa, Địa Tạng… trong việc truyền bá giáo lý của Đức Phật.
3-Phái Hoa tông
Các chùa theo hệ phái Hoa tông được thành lập bởi các thiền sư Trung Hoa đến Việt Nam truyền đạo.
Theo tài liệu [11] : Các thiền sư Trung Hoa vào đàng Trong từ những thế kỷ 16 và 17. Ở miền Đông Nam Kỳ, nhiều chùa cổ còn đặt bài vị và nhắc đến sự có mặt của Thiền sư Bổn Quả đời thứ 32 và Thiền sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch đời thứ 33 của dòng Lâm Tế. Chùa Đại Giác, chùa Kim Cang, chùa Long Thiền… ở tỉnh Đồng Nai, thuộc Cù lao Phố xưa, đã có dấu chân hoằng hóa và những ngôi chùa do các thiền sư Trung Hoa khai sáng và trụ trì.
Tài liệu [12] cũng viết một cách tương tự : Đạo Phật được truyền vào Việt Nam hơn 2.000 năm, nhưng đến nửa cuối thế kỷ 17 mới truyền vào vùng đất Nam Kỳ. Phật giáo ở miền Nam phát triển cũng nhờ các Thiền sư Trung Hoa sang Việt Nam hoằng hóa, cụ thể là Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch cùng các đệ tử của ngài như: Minh Hoằng-Tử Dung (khai sơn chùa Từ Đàm-Huế), Minh Hải-Pháp Bảo (khai sơn chùa Chúc Thánh-Quảng Nam) và Minh Vật – Nhất Tri (chùa Quốc Ân Kim Cang-Đồng Nai). Các vị thiền sư đều thuộc chi phái Lâm Tế chánh tông, đời thứ 34.
Tuy nhiên, trước năm 1930, những tu sĩ người Hoa theo đạo Phật sinh hoạt theo từng chùa thuộc tông phái là chính, chưa có tổ chức Giáo hội.
Kể từ sau năm 1945, nhiều chùa Hoa được thành lập ở Sàigòn và Gia Định :
Năm 1945, Hòa thượng Thống Lương và Hòa thượng Thanh Thuyền xây dựng chùa Nam Phổ Đà ở quận 6.
Cùng thời gian này, tại quận 11 có chùa Trúc Lâm do Hòa thượng Lương Giác xây dựng; Năm 1952, Hòa thượng Thọ Dã xây chùa Hoa Nghiêm ở Gò Vấp, tỉnh Gia Định;
Năm 1955, Hòa thượng Hoằng Tu xây chùa Từ Ân ở quận 11.
Năm 1959, Hòa thượng Diệu Hoa và Hòa thượng Đức Bổn xây chùa Vạn Phật ở quận 5;
Vào năm 1960, Hòa thượng Diệu Nguyên xây chùa Thảo Đường ở quận 6…
Về phương diện thờ cúng, chùa của người Hoa có đặc điểm tượng thờ được đặt trong khánh để đảm bảo sự tinh khiết. Hầu hết các tượng đều được đưa về từ nhiều nước như Myanmar, Hồng Kông… Tam thế Phật là bộ tượng chính, đặt thờ bên cạnh bộ tượng 5 vị tại bàn ngoài cùng gồm: Phổ Hiền Bồ tát, Di Lặc Tôn vương Phật, Quán Thế Âm bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Địa Tạng Vương Bồ tát. Chùa Hoa còn thờ Phật Di Lặc và Ngọc Hoàng Thượng đế.
Tài liệu [13] : Trong khi đó vị các ngôi chùa Việt cổ của người Việt ở Nam Kỳ thờ 5 vị sau đây : Phổ Hiền Bồ tát, Đại Thế Chí bồ tát, Thích Ca Mâu Ni Phật, Quán Thế Âm bồ tát và Văn Thù Sư Lợi Bồ tát.
Các chùa Hoa tông thường đặt tượng 18 La Hán, nhưng chùa Thảo Đường còn có tranh vẽ 500 La Hán, theo phong cách thờ La hán ở Trung Quốc. Hai vị Hộ pháp trong chùa Hoa là Vi Đà Hộ pháp và Già Lam Thánh chúng.
Trên điện thờ chùa Hoa tông, lư hương dùng đựng trầm được đốt trong các buổi đại lễ và ngọn đèn dầu phộng giữ cháy liên tục, tượng trưng cho chánh pháp không bao giờ tắt!
Bia công đức là một điểm đặc thù trong các chùa miếu của người Hoa, ghi lại tên và số tiền quyên góp vào việc dựng và trùng tu chùa…
Phía sau các chùa Hoa thường có Diên sanh đường, nơi đặt long vị của cư sĩ có công lớn với chùa. Trên các long vị này thường thờ Phật Dược Sư. Tên gọi Diên sanh đường vì là nơi chú nguyện phước báu cho các cư sĩ còn sống được mạnh khỏe, trường thọ. Khi cư sĩ đã mãn phần, được đưa vào đặt tại Công đức đường.
Vào những dịp lễ lớn, chùa Hoa còn tổ chức lạy các bộ sám lớn như sám Tam Thiên Phật, sám Vạn Phật, sám Lương Hoàng…
Lễ tạ chư Thiên là lễ lớn và riêng có đối với các tăng sĩ Phật tử theo hệ phái Hoa tông. Lễ được tổ chức sau ngày lễ lạy sám trong năm. Lễ vật phong phú với 10 loại 24 thứ khác nhau.
Trong lễ cúng, người Hoa sử dụng nhiều pháp khí như mõ, khánh, tán, thủ xích, thủ lư, bạt, chập chã… Khi hành lễ, Phật tử người Hoa thường mặc áo tràng đen. Tu sĩ sĩ người Hoa mặc áo vàng, tay áo rộng, đắp y đỏ bên ngoài. Kinh sách sử dụng thường in từ Trung Quốc (Tàu)..
Chùa nào có đông nhóm Hoa thuộc ngôn ngữ nào thì đọc kinh hành lễ theo nhóm ngôn ngữ đó. Pháp khí sử dụng cũng theo phong cách riêng.
Một trong những nét đặc thù của Phật giáo Hoa tông là công tác từ thiện – xã hội. Nhiều hội đoàn được hình thành từ việc bảo đảm cuộc sống của cộng đồng từ khi mới sang Việt Nam. Hoạt động từ thiện – xã hội được đẩy mạnh trong các chùa này còn xuất phát từ quan niệm hoạt động từ thiện để lại phúc đức cho con cháu .
Việc “an cư kiết hạ” (ở yên 3 tháng trong chùa, không ra ngoài) không tập trung tăng ni một chỗ mà là “nhập thất”. Mỗi người tự ở trong tăng đường, nghiên cứu tu học riêng, không giống an cư kiết hạ trong ngôi chùa Việt.
Về việc truyền thừa tại Việt Nam, hệ phái Hoa tông vẫn tiếp tục kế truyền theo hai dòng phái Lâm Tế và Tào Động.
Phụ đề 3 : Trường huấn luyện sư quốc doanh
Theo tài liệu [14] : Năm 1976, Thượng Tọa Minh Châu đã bàn giao Viện Đại Học Vạn Hạnh cho Bộ Giáo Dục ngụy quyền Cộng Sản, sau đó lên cơ sở 2 ở Phú Nhuận, thành lập Phật Học Viện Vạn Hạnh. Công việc chính được Đảng Cộng Sản giao cho ông là huấn luyện các sư quốc doanh.
Năm 1981, ông được đưa ra Hà Nội mở Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam Cở Sở 1 ở chùa Quán Sứ và làm Hiệu Trưởng. Nay trường này đã được đổi thành Học Viện PGVN (Phật Giáo Việt Nam) và năm 2006, được dời về một cơ sở rộng lớn mới được xây cất ở thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
Năm 1984, ông trở lại Sàigòn và biến Phật Học Viện Vạn Hạnh thành Trường Cao Cấp Phật Học Cơ Sở 2 do ông làm Hiệu Trưởng. Nay, trường này cũng đã được biến thành Học Viện PGVN.
Hiện nay, tại Việt Nam có 4 Học Viện Phật Giáo trên toàn quốc trực thuộc Trung ương Giáo Hội Phật Giáo nhà nước, được dùng để huấn luyện các sư quốc doanh, đó là các Học Viện PGVN tại Hà Nội, Sàigòn, Huế và Học Viện Phật Giáo Nam Tông Khmer tại Cần Thơ.
Theo phúc trình mới nhất, hiện nay trong nước có khoảng 17.000 cơ sở chùa chiền với khoảng 50.000 tăng ni. Dĩ nhiên, trong số này cũng có rất nhiều vị chân tu, đi tu để tìm “Con đường giải thoát”. Nhưng đa số Sư công an đều thuộc loại “Chân tu mà tay không tu”. Họ được phái đến “Trụ trì” tại các cơ sở Phật Giáo để bảo vệ an ninh và kinh tài.
Một tài liệu khác [15] cho biết thêm nguồn gốc của bọn sư quốc doanh : Cục bảo vệ văn hóa A 25 thuộc Tổng cục 1 Bộ Nội vụ (của ngụy quyền Cộng Sản) có nhiệm vụ đào tạo sư sãi để “yểm” Hội Phật giáo Việt Nam, để trấn giữ hệ thống chùa toàn quốc. Không ai quên rằng chính nhà nước Cộng Sản đã dấy lên cơn bão kinh hoàng nhằm tàn phá đình chùa, đền miếu thậm chí đào mồ hốt mả chúng sinh, tiêu diệt tất cả những gì mà họ cho là ”tàn tích của chế độ phong kiến”.
Nhiệm vụ của họ là”khống chế hội Phật giáo” biến chùa chiền toàn quốc thành hệ thống pháo đài của quyền lực, rình mò theo dõi tư tưởng dân chúng và ….điều này nữa, các tín đồ của Marx không quên : tận thu nguồn lợi béo bở từ đám chúng sinh “mê tín” kia. Vậy là đội quân “sư nhà nước” được hình thành. Nguồn đào tạo chính là C 500 (đại học ngành an ninh). Thêm nữa, sinh viên tuyển lựa từ các đại học khác như Tổng hợp, Sư phạm, Ngoại ngữ … có thành phần cơ bản (lý lịch đáng tin cậy) được vũ trang bằng lý thuyết giai cấp của Marx-Lénine và một thứ chủ nghĩa duy vật hạ đẳng. Sau đó, lớp người này được ”tráng men” bằng lý thuyết đạo Phật và trước hết các phương pháp niệm kinh, hành lễ để “vào nghề”.
Như thế nhà nước Cộng Sản đã tạo nên một đội ngũ ”tôi tớ trung thành” được quyền thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất và nhục thể dựa trên sự đầu cơ trục lợi ”những khát vọng tâm linh” của dân chúng. Các ông sư bà sư áo quần phấp phới cưỡi xe vù vù đi “họp kín”. Họp kín ở đây tức là họp “giao ban” ngành dọc A 25. Họ báo cáo rành mạch mọi thành tích. Riêng những cọc tiền thu được từ các hòm công đức là “không thể rành mạch” vì các sư còn phải mang về quê xây nhà tầng và lo cho các con học đại học trong nước và ngoài nước. Sư hành nghề ở Thái Nguyên, Hà Bắc thường có quê quán gia thất tại Thanh Hóa, Nam Định và ngược lại … So với các nghề khác trong Bộ Nội vụ, ”nghề làm sư” là béo bở, chỉ thua kém “Cục buôn lậu ma túy” thôi.
Các thầy tu quốc doanh này làm trò láo để quảng cáo chùa của mình, để thêm nhiều khách cúng bái, để thùng phước sương thêm đầy. Phật cũng đành bỏ ngôi cao mà đi khi thấy những kẻ đại diện mình đến với mọi người bằng những điều xảo trá…(tài liệu [16]).
Hình bọn sư quốc doanh mình khoác áo cà sa vàng
nhưng đầu đội nón cối ka-ki bộ đội
Dưới đây là tiêu biểu vài tên (tiên) sư quốc doanh kiêm cán bộ Cộng Sản, theo tài liệu [17] :
1. Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Sam (Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam) :
– Huân chương Độc lập hạng Nhất, Ba;
– Huân chương Kháng chiến hạng Nhì;
– Huy chương Đại đoàn kết toàn dân tộc;
– Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Như vậy Hòa thượng là Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam;
2. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, đại biểu Quốc hội với các chức vụ :
– Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
– Trưởng ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội,
– Ủy viên Hội đồng tư vấn tôn giáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
– Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội,
– Ủy viên Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;
3. Thượng tọa Thích Chân Quang hiện là trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang. Chùa được xây dựng “hoành tráng”, quy mô tại một thung lũng thuộc núi Dinh, thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Thích Chân Quang đang là Phó Trưởng ban Kinh tế Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Như một cán bộ tuyên giáo đích thực, Thích Chân Quang luôn thực hiện những bài “thuyết giảng” với nội dung ca ngợi ngụy quyền Cộng Sản, ca ngợi tư tưởng tên tội đồ hcm, ca ngợi chủ nghĩa xã hội, tỏ rõ thái độ ủng hộ Trung Quốc, hoàn toàn không mang màu sắc Phật giáo.
Tên Thích Chân Quang này, trong một buổi thuyết pháp, đã tuyên truyền cho các đồng chí sì thẩu quan thầy như sau : “Theo lịch sử không chối cãi được, Trung Quốc là anh, Việt Nam là em… mà Lý Thường Kiệt mang quân đánh là hỗn.”
(Phụ chú : Theo tài liệu [18], Thích Chân Quang tên thật là Vương Tấn Việt, sư thầy nhận mình là con của ông Vương Chí Nghĩa. Tức sư thầy gọi Hồ Chí Minh (tên đại ác gian và đại tội đồ của dân Việt) bằng bác. Sư thầy có về Nghệ An ở nhà thờ họ Hồ để xác nhận điều này và nhận tên mình là Hồ Chí Việt. Thích Chân Quang sang Tàu học cách dùng Phật Giáo giúp ích cho chế độ Cộng Sản. Học xong ở Tầu về, Thích Chân Quang chiếm đoạt trọn chùa Phật Quang, lộng hành đàn áp hàng chục sư sãi ở chùa này phải chịu sự áp đặt của Thích Chân Quang).
Tài liệu tham khảo :
1. Vương Hồng Sển – Sàigòn Năm Xưa (Sống Mới-1968)
2. Huỳnh Minh – Gia Ðịnh xưa và nay (Nhà xuất bản Khai Trí -1973)
3. Tiểu Lục Thần Phong – Khi tôi về : Những điều mắt thấy tai nghe (Ất Lăng Thành -Tháng 11, 2022).
4. Tuấn Khanh -Vì sao Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ bước ra nhận Phật Sự, lại được ủng hộ (05/06/2022).
5. Nguyễn Văn Trấn -Viết cho Mẹ và Quốc hội (Văn Nghệ 1995)
6. Công bố tháng 9-2022 của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương-Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất-Viện Tăng Thống.
7. Nam Mai sưu tầm – Cách phân biệt chùa, đình, đền, miếu, nghè, điện, phủ, quán, am.
8. Toan Ánh –Tín Ngưỡng Việt Nam-Quyển Thượng.
9. Phân biệt : Phật giáo Nam tông – Bắc tông khác nhau như thế nào?
10. HT. Thích Giác Toàn – Vài nét về Đạo Phật Khất sĩ (Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 349)
11. Trần Hồng Liên –Đặc điểm của Phật giáo Hoa Tông ở Nam Bộ.
12. Thích Pháp Trí -Người khai sơn chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức) -10/10/2019.
13. Nam Thiên -Xin Cho Biết Về Đặc Điểm Của Phật Giáo Hoa Tông ở TP hcm
14. Lữ Giang – Hành tung bí ẩn của một nhà sư (https://kqhungle.wordpress.com/2016/04/26/)
15. Dương Thu Hương – Sư quốc doanh – 25/7/2022.
16. BS. Đỗ Hồng Ngọc – Toàn láo cả- Ngày cuối tháng 10 năm 2017.
17. Iris An -Khi nhà sư kiêm cán bộ Cộng Sản – 01/09/2022.
18. Người Buôn Gió – Hiện tượng Thích Chân Quang: Trung Quốc là anh, Việt Nam là em… em phải lễ phép với anh (https://www.facebook.com/vuottuonglua/posts/1419531084755823/)
https://baovecovang2012.wordpress.com/2023/01/29
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét