Võ Thái Hà tổng hợp
Lãnh đạo NATO nhấn mạnh tầm quan trọng của các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng an ninh
01/02/2023
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Đại học Keio ở Tokyo, Nhật hôm 1/2/2023.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 1/2 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc NATO hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nói rằng châu Âu không thể bỏ qua những gì xảy ra ở Đông Á vì an ninh toàn cầu liên hệ với nhau, theo Reuters.
“Làm việc với các đối tác trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là một phần của câu trả lời cho một thế giới nguy hiểm và khó lường hơn”, ông Stoltenberg phát biểu tại cuộc hội thảo ở Đại học Keio.
“Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy an ninh có mối liên hệ với nhau như thế nào. Nó chứng tỏ rằng những gì xảy ra ở châu Âu đều có hậu quả đối với Đông Á, và những gì xảy ra ở Đông Á quan trọng đối với châu Âu”, ông nói, và cho biết thêm rằng “ý tưởng Trung Quốc liên quan gì đến NATO là không đúng”.
Ông Stoltenberg đã đưa ra những bình luận này trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, tại đó ông cam kết tăng cường quan hệ với Tokyo để điều hướng một môi trường an ninh ngày càng căng thẳng do cuộc xâm lược Ukraine của Nga và sự hợp tác quân sự ngày càng tăng của Moscow với Trung Quốc.
Mặc dù nói rằng Trung Quốc không phải là đối thủ của NATO, nhưng ông Stoltenberg nói nước này đang trở thành một “cường quốc ngày càng độc đoán” đang thể hiện hành vi quyết đoán, đe dọa Đài Loan và phát triển khả năng quân sự có thể vươn tới các nước NATO.
“Chúng tôi sẵn sàng tăng cường hơn nữa và mở rộng quan hệ đối tác với các quốc gia trong khu vực này”, ông nói thêm.
Bắc Kinh bác bỏ các phát biểu của ông Stoltenberg, nói rằng Bắc Kinh luôn là người bảo vệ hòa bình và ổn định.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 1/2: “Một mặt, NATO tuyên bố chủ trương của họ là một liên minh phòng thủ khu vực không thay đổi, nhưng họ liên tục phá vỡ các khu vực và khu vực phòng thủ truyền thống, không ngừng tăng cường quan hệ an ninh quân sự với các nước châu Á - Thái Bình Dương và thổi phồng mối đe dọa của Trung Quốc”.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng châu Á-Thái Bình Dương không phải là chiến trường của sự tranh giành địa chính trị và sự đối đầu giữa các phe mang tâm lý Chiến tranh Lạnh không được hoan nghênh,” bà Mao nói thêm.
Trước khi dừng chân tại Nhật Bản, ông Stoltenberg đã đến thăm Hàn Quốc và kêu gọi Seoul tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời đưa ra những cảnh báo tương tự về căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.
Từ trước đến nay Trung Quốc chỉ trích những nỗ lực của NATO nhằm mở rộng liên minh ở châu Á. Nga, vốn gọi cuộc xâm lược Ukraine là một “chiến dịch đặc biệt”, đã nhiều lần coi sự mở rộng của NATO là mối đe dọa đối với an ninh của họ.
Ukraina thông báo sẽ nhận được ít nhất 120 xe tăng hạng nặng của phương Tây
Thanh Phương /RFI
01/02/2023
Binh sĩ Ba Lan học sửa chữa xe tăng Leopard 2 PL tại Swietoszow, Ba Lan, ngày 31/01/2023. REUTERS - KUBA STEZYCKI
Hôm qua, 31/01/2023, trên mạng Facebook, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba thông báo là tổng cộng số xe tăng hạng nặng mà các nước phương Tây hứa cấp cho Kiev là “ khoảng từ 120 đến 140 chiếc”. Ông cho biết thêm những xe tăng đó là Leopard 2 do Đức sản xuất, Challenger 2 của Anh và Abrams của Mỹ.
Đây là lần đầu tiên Kiev tiết lộ tổng số xe tăng mà các đồng minh phương Tây hứa sẽ cấp cho quân đội Ukraina để chống trả quân xâm lược Nga. Tuy nhiên, tiến trình chuyển giao các chiến xa đó sẽ kéo dài nhiều tháng do phải mất thời gian để huấn luyện cho các binh sĩ Ukraina.
Anh Quốc dự trù sẽ giao cho Kiev các xe tăng Challenger vào cuối tháng 3, Đức thì sẽ gởi các chiếc Leopard đầu tiên vào cuối tháng 3 - đầu tháng 4. Nhiều nước châu Âu khác như Ba Lan cũng sẽ viện trợ xe tăng Leopard cho Ukraina.
Một số quốc gia khác như Pháp còn do dự, chưa muốn lấy xe tăng từ kho vũ khí để viện trợ cho Kiev, vì lo ngại làm suy yếu khả năng quân sự của mình.
Tuy vậy, hôm qua, Paris thông báo cấp thêm cho quân đội Ukraina 12 đại bác Caesar 155 ly, ngoài 18 khẩu đại bác đã giao cho Kiev trước đó. Nhưng các khẩu đại bác rất chính xác đó không có tầm bắn hơn 100 km mà quân đội Ukraina cần để phá hủy các kho đạn và hệ thống cung ứng của quân Nga.
Về phần Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden hôm qua cho biết sẽ thảo luận với đồng nhiệm Ukraina Zelensky về những yêu cầu viện trợ quân sự bổ sung mà ông đưa ra. Sau xe tăng hạng nặng, tổng thống Ukraina đang hối thúc phương Tây cung cấp các tên lửa tầm xa và chiến đấu cơ.
Israel sẽ cấp viện trợ quân sự cho Ukraina
Trong khi đó, thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm nay thông báo là Israel dự trù viện trợ quân sự cho Ukraina, đồng thời đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Kiev và Matxcơva. Cho tới nay, ông Netanyahu vẫn tránh ủng hộ mạnh mẽ Ukraina, vì không muốn làm mích lòng Nga, hiện vẫn kiểm soát không phận nước Syria láng giềng.
Hoa Kỳ - Chính phủ TT Biden dự trù vay thêm 1.2 ngàn tỷ USD trong bối cảnh bế tắc về mức trần nợ
Tác giả Ingólfur Stefánsson
Thứ tư, 01/02/2023
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen tham dự cuộc gặp song phương với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Zurich, hôm 18/01/2023. (Ảnh: Michael Buholzer/Keystone/AP)
Hôm thứ Hai (30/01) Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết rằng họ dự kiến sẽ vay 1.2 ngàn tỷ USD trong nửa đầu năm nay, chia ra 932 tỷ USD trong quý đầu tiên và 278 tỷ USD trong quý hai.
Trong ba tháng cuối năm 2022, Bộ Ngân khố đã vay 373 tỷ USD và kết thúc quý này với số dư tiền mặt là 447 tỷ USD, sau khi ước tính ban đầu vào tháng 10/2022 rằng họ sẽ vay 550 tỷ USD và có số dư tiền mặt là 700 tỷ USD trong khoảng thời gian đó.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngân khố, khoản chênh lệch giảm 177 tỷ USD trong khoản vay chủ yếu là do số dư tiền mặt cuối quý thấp hơn, phần nào được bù đắp bởi dòng tài chính ròng thấp hơn.
Trong một tuyên bố hôm thứ Hai (30/01), ông Benjamin Harris, trợ lý bộ trưởng về chính sách kinh tế của Ủy ban Tư vấn Vay nợ của Bộ Ngân khố, cho biết rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đã cho thấy khả năng phục hồi trong quý 4 năm 2022 với mức tăng trưởng 2.9% trong tổng sản phẩm quốc nội thực tế. Ông cho biết thị trường việc làm rất mạnh, trong đó các nhà tuyển dụng tạo thêm 247,000 việc làm có trả lương hàng tháng và tỷ lệ thất nghiệp đã trở lại mức thấp nhất trong 50 năm qua là 3.5%.
Ông Harris cho biết rằng lạm phát đã tiếp tục chậm lại kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 06/2022. Lạm phát chung trong 12 tháng, được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng, đã giảm 2.6%, do giá năng lượng giảm mạnh và lạm phát hàng hóa phi năng lượng giảm nhẹ trong hơn nửa cuối năm.
Ông viết: “Lạm phát căn bản (không bao gồm lương thực và năng lượng) chậm lại ít hơn so với lạm phát chung, phần lớn là do lạm phát nhà ở tăng cao — mặc dù các quy định kịp thời về giá nhà và tiền thuê nhà cho thấy sẽ giảm bớt trong năm tới. Thị trường nhà ở cho thấy sự suy yếu đáng kể, điều chỉnh từ sự mất cân bằng liên quan đến đại dịch và phản ứng với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.”
Ông Harris cho biết nền kinh tế quốc gia sẽ đối mặt với một số thách thức vào năm 2023, bao gồm cách giải quyết giới hạn nợ, hậu quả từ COVID-19, lạm phát, lãi suất cao hơn, và các sự kiện địa chính trị.
Hôm 19/01 Hoa Kỳ đã đạt đến giới hạn nợ theo luật định là 31.4 ngàn tỷ USD. Do đó, Bộ Ngân khố bắt đầu thực hiện “các quy định đặc biệt” để tránh cho Hoa Kỳ khỏi phải thực hiện được các nghĩa vụ của mình.
Ông Harris nói, “Các quy định này dự kiến sẽ hết hiệu lực vào khoảng sau đầu tháng 06/2023. Ngay cả mối đe dọa rằng chính phủ Hoa Kỳ có thể không đáp ứng các nghĩa vụ của mình cũng có thể gây ra tác hại nghiêm trọng cho nền kinh tế bằng cách làm xói mòn niềm tin của gia đình và doanh nghiệp, tạo ra sự biến động vào thị trường tài chính, và nâng cao chi phí vốn — trong số các tác động tiêu cực khác.”
Chính phủ ông Biden loại trừ ưu tiên thanh toán
Bi kịch giới hạn nợ hiện tại ở Hoa Thịnh Đốn đã dẫn đến đồn đoán ở Wall Street rằng Hoa Kỳ sẽ sử dụng một phương án dự phòng để bảo đảm thanh toán cho những người cho vay nếu Quốc hội không tăng giới hạn vay.
Ý tưởng ưu tiên thanh toán cho trái chủ có nguồn gốc từ lịch sử, nhưng chính phủ Tổng thống Biden đã bác bỏ ý tưởng này vì các viên chức không cho rằng điều đó sẽ ngăn chặn được khủng hoảng kinh tế. Chính phủ không dự trù cho sự ưu tiên hóa, và Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã tuyên bố rằng một biện pháp như vậy sẽ không ngăn được một cuộc vỡ nợ theo cách nhìn của thị trường.
Mới đây bà Yellen nói với các phóng viên: “Các hệ thống của Bộ Ngân khố đều được xây dựng để thanh toán tất cả các hóa đơn của chúng ta khi đến hạn và đúng hạn, chứ không phải ưu tiên một hình thức chi tiêu này hơn một hình thức chi tiêu khác.”
Các chi tiết tài chính bổ sung liên quan đến việc hoàn trả hàng quý của Bộ Ngân khố sẽ được công bố vào lúc 8:30 sáng, thứ Tư (01/02).
Ingólfur Stefánsson
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Vân Du biên dịch
Sản xuất ở Trung Quốc thu hẹp tháng thứ 6 liên tiếp
Các đơn hàng mà doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc nhận được đã bị thu hẹp trong tháng thứ 6 liên tiếp, chỉ số PMI tiếp tục thấp dưới 50 điểm, thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 49,5 điểm dù đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ so với tháng trước.
Chỉ số PMI sản xuất chung của Caixin Trung Quốc đã tăng lên 49,2 vào tháng 1/2023 từ mức thấp nhất trong 3 tháng là 49,0 điểm (mức điểm xuất hiện vào tháng 12/2022).
Dù vậy, mức 49,2 điểm trong tháng 1/2023 là mức điểm cho thấy đơn hàng sản xuất bị thu hẹp (dưới 50 điểm) và thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 49,5 điểm.
Thực ra, ngoài 2 tháng tăng trên 50 điểm, gần như một năm qua sản xuất của Trung Quốc chứng kiến sự thu hẹp của đơn hàng tháng này qua tháng khác. Đây là chuỗi thu hẹp sản xuất mạnh nhất, lớn nhất và kéo dài nhất của Bắc Kinh kể từ khi chỉ số PMI của Caixin được thống kê. Chỉ số đơn hàng sản xuất của Trung Quốc bị thu hẹp 6 tháng liên tiếp, chi số PMI trong tháng 1/2023 không chỉ thu hẹp mà còn thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 49,5 điểm (Nguồn: Trading Economics)
Theo Caixin, lượng đơn hàng mới và lượng mua hàng tuy vẫn giảm nhưng đã giảm với tốc độ chậm lại trong 3 tháng gần đây. Sản xuất của Trung Quốc suy giảm không chỉ vì đại dịch đang càn quét đất nước này mà còn do nhu cầu toàn cầu suy giảm mạnh.
Theo Reuters, các nhà kinh tế cho biết đỉnh của các ca nhiễm COVID-19 đã qua nhanh hơn dự báo cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc suy thoái kinh tế đã qua.
Cụ thể, các công ty cho biết tình trạng nhân viên nghỉ việc và vắng mặt do lây nhiễm COVID đã làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng đơn hàng tồn đọng gia tăng. Trong khi một số công ty đề cập rằng việc dỡ bỏ các biện pháp phong toả khắc nghiệt ngăn chặn virus đã giảm giảm bớt căng thẳng cho chuỗi cung ứng, hoạt động logistics ở một số khu vực vẫn chưa phục hồi hoàn toàn do thiếu lao động.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm thứ Ba đã điều chỉnh triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc cao hơn cho năm 2023, từ 4,4% trước đó lên 5,2%. Chính sách “không COVID” vào năm 2022 đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc xuống 3,0%; lần đầu tiên thấp hơn tốc độ trung bình toàn cầu trong hơn 40 năm, theo Reuters.
Quang Nhật
Ấn Độ chuẩn bị công bố ngân sách năm
Vào thứ Tư, chính phủ Ấn Độ sẽ trình bày ngân sách cho năm tài chính sắp tới. Thủ tướng Narendra Modi đã gọi đó là “tia hy vọng”, dù thực tế có thể không được như lời ông nói.
Ấn Độ gặp nhiều thách thức kinh tế. Lạm phát vẫn gần với giới hạn trên của ngân hàng trung ương là 6%. Và sau khi vung tiền vào các chương trình phúc lợi xã hội trong đại dịch, ngân sách của chính phủ đang trở nên eo hẹp, nợ nần chồng chất. Các nhà đầu tư muốn thấy các động thái củng cố tài khóa, chẳng hạn như cam kết kiềm chế chi tiêu.
Nhưng ông Modi có lý do để tiếp tục chi tiền. Suy thoái kinh tế toàn cầu có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng của Ấn Độ, vốn cao nhất trong số các nền kinh tế lớn vào năm ngoái. Thất nghiệp cũng đang tăng lên. Bên cạnh đó, tăng chi tiêu mang về lợi thế chính trị. Dự kiến có chín bang sẽ tổ chức bầu cử trong năm nay. Và đây là ngân sách đầy đủ cuối cùng trước cuộc tổng tuyển cử 2024. Tuy nhiên, các nhà kinh tế hi vọng chính phủ sẽ chống lại sự hào phóng của chủ nghĩa dân túy và tập trung ổn định kinh tế.
Ngày mai Fed họp hội đồng chính sách tiền tệ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang giảm cường độ thắt chặt tiền tệ. Thị trường dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm vào ngày mai, thứ Tư. Con số này nhỏ hơn mức tăng gần đây nhất, nửa điểm vào tháng 12, vốn đã là bước giảm sau một loạt đợt tăng ba phần tư điểm. Các mức tăng nhỏ hơn phản ánh thực tế rằng, với lãi suất đủ cao để kìm hãm kinh tế, lạm phát đã bắt đầu giảm tốc.
Ngân hàng trung ương của Mỹ có một thử thách trước mắt. Nhiều nhà đầu tư cho rằng họ đang rời bỏ tâm lý diều hâu, và có lẽ sẽ cắt giảm lãi suất trước cuối năm nay. Kết quả là đợt phục hồi của giá cổ phiếu và trái phiếu trong tháng qua. Nhưng Fed lo ngại các đợt tăng quá mức trên thị trường tài chính có thể đảo ngược cuộc chiến chống lạm phát của họ. Do đó, chủ tịch Fed Jerome Powell có thể sẽ đưa ra một thông điệp nghiêm khắc để kiềm chế thị trường trước khi mọi chuyện đi quá xa.
Tròn hai năm đảo chính ở Myanmar
Trong hai năm 2015 và 2020, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi đều thắng trong các cuộc bầu cử dân chủ ở Myanmar và đứng ra lãnh đạo chính phủ dân sự đầu tiên của nước này trong nhiều thập niên. Nhưng thứ Tư tuần này đánh dấu tròn hai năm kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính và phá vỡ nền dân chủ non trẻ của đất nước, bỏ tù bà Suu Kyi.
Đây cũng là thời điểm quyết định đối với quân đội. Họ nhiều khả năng sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp đã ban hành từ ngày đảo chính. Làm vậy giúp giữ lại quyền lực cho Tướng Min Aung Hlaing, đương kim thủ tướng. Chính quyền của ông đã không thể dập tắt được phong trào nổi dậy chống đảo chính đan xen vào các vấn đề xung đột sắc tộc lâu đời của đất nước.
Nhưng có nhiều suy đoán là chế độ sẽ tổ chức bầu cử giả hiệu trong năm nay và bắt đầu quá trình chuyển đổi sang một chính quyền dân sự trên hình thức. Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng tiến hành bỏ phiếu giữa nội chiến sẽ “tạo ra bạo lực tồi tệ hơn” khi phe kháng chiến cố gắng phá hỏng các cuộc bỏ phiếu. Hòa bình thật quá xa vời cho Myanmar.
Mỹ xem lại các vụ gian lận tiền trợ cấp covid
Các bang của Mỹ đã chi hàng tỷ đô la tiền cứu trợ trong đại dịch covid, bao gồm 794 tỷ đô la được sắp xếp vội vàng cho lao động thất nghiệp. Hậu quả là gian lận lan tràn. Những kẻ lừa đảo đã nhận trợ cấp bằng cách đánh cắp số an sinh xã hội, lấy thông tin của các tù nhân và thậm chí là của người chết. Vào thứ Năm, Ủy ban Giám sát Hạ viện sẽ tổ chức điều trần về các khiếu nại gian lận mà theo một số ước tính, tổng số tiền có thể lên tới 400 tỷ đô la.
Với đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện, Ủy ban Giám sát có những tham vọng mới. James Comer, chủ tịch mới của ủy ban, muốn dùng nó để đẩy mạnh giám sát tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông. Các giao dịch kinh doanh của gia đình Biden, người di cư ở biên giới phía nam, và việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đều được thảo luận. Nhưng vấn đề gian lận tiền cứu trợ, trọng tâm của phiên điều trần này, không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của ông Biden. Chương trình cứu trợ được lập ra trong nhiệm kỳ của Donald Trump và chỉ được gia hạn bởi ông Biden một năm sau đó.
Nga tuyên bố chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Mỹ sau năm 2026
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (ảnh: TASS).
Bộ Ngoại giao Liên bang Nga tuyên bố rằng Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Mỹ có thể chấm dứt sau năm 2026.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng RIA Novosti, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới với Mỹ có thể chấm dứt sau năm 2026. Ông nói: “Đây là một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra”.
Các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về việc nối lại các cuộc thanh sát theo hiệp ước mới, hết hạn vào tháng 2 năm 2026, đã bị hủy bỏ vào thời điểm cuối cùng của tháng 11 năm 2022. Không bên nào đồng ý về thời gian cho các cuộc đàm phán mới.
Được biết Hiệp ước cắt giảm vũ khí mới, được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, vẫn là hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất hiện có giữa Liên bang Nga và Mỹ.
Được ký kết vào năm 2010 với thời hạn 10 năm, Hiệp ước này giới hạn số lượng hàng không mẫu hạm chiến lược và đầu đạn hạt nhân của Liên bang Nga và Mỹ lần lượt là 700 và 1.550. Hợp ước có thể được gia hạn trong thời hạn 5 năm, phụ thuộc vào mỗi bên ký kết.
Liên Thành
Báo Trung Quốc liên tục đưa ra những tín hiệu nguy hiểm về ‘chiến tranh’
Ảnh minh hoạ.
Gần đây, quân đội Trung Quốc thường xuyên có những động thái xoay quanh cụm từ “chiến tranh”. Một bài báo từ vài năm trước dường như đã chú thích rõ ràng về điều này.
Vào ngày 28 tháng 1, tờ Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký lệnh ban hành “Quy định quản lý Huân chương Quân công”, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2023.
Quy định này nhấn mạnh từ “chiến tranh”, “tuân thủ định hướng chiến tranh, thể hiện rõ tác phong thời chiến trong các phương diện như kế hoạch chiến lược, tuân theo trật tự, theo số lượng,… thể hiện rõ chiến công, tập trung vào chiến đấu, nhấn mạnh chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ trọng đại, phục vụ trong các địa bàn khó khăn, v.v.
Vào ngày 30 tháng 1, “Nhật báo Giải phóng quân” của Trung Quốc đã đăng một bài báo trên trang nhất có tựa đề “Làm cho tốt, đãi ngộ sẽ tương xứng” để tuyên truyền việc thực thi “hệ thống quản lý lương bổng theo cấp bậc của quân đội Trung”
Một câu trong bài báo nêu bật điểm mấu chốt “Những người có công lao xuất sắc trong việc phục vụ chuẩn bị chiến tranh… thì sẽ được đãi ngộ tương xứng”.
Với tư duy cải cách quân sự toàn diện của chính quyền Trung, một bài báo khác do Tờ “Nhật báo Giải phóng quân” đăng vào năm 2015 đã gửi đi một tín hiệu nguy hiểm.
Bài báo viết: “Trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, nguyên nhân cơ bản khiến nước Tần có thể quét sạch 60 triệu nước chư hầu chỉ với 5 triệu dân là vì nước này đã trải qua nhiều đời quân chủ và không tiếc công sức nỗ lực thực hiện quan điểm văn hóa nước giàu binh mạnh, cải cách chính trị đã trở thành bản sắc văn hóa của người Tần, và với tinh thần văn hóa này, họ đã tiếp nhận, ủng hộ và thúc đẩy cuộc cải cách Thương Ưởng nổi tiếng.” Đây là cuộc cải cách quy mô lớn về chính trị, quân sự, kinh tế… do Thương Ưởng ở nước Tần thời Chiến Quốc đề xuất.
Liên Thành
Hãng Pfizer đạt doanh thu kỷ lục 100 tỷ USD trong năm 2022
Trong năm 2022, hãng dược phẩm Pfizer có trụ sở ở New York (Mỹ) đã đạt mốc doanh thu kỷ lục 100 tỷ USD, trong đó hơn một nửa là doanh thu từ vắc-xin phòng bệnh COVID-19 và thuốc điều trị COVID-19, theo hãng tin CNBC.
Được biết, doanh thu từ vắc-xin phòng COVID-19 chiếm 37,8 tỷ USD, chỉ tăng 3% so với năm 2021 do nhu cầu giảm. Tuy nhiên, doanh thu từ thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid đạt tới 18,9 tỷ USD ngay trong năm đầu tiên loại thuốc này có mặt trên thị trường.
Trên thực tế, doanh thu từ vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19 của năm 2022 còn nhiều hơn tổng doanh thu của Pfizer trong năm 2019, trước khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu và khiến hơn 6,8 triệu người tử vong.
Dẫu vậy, Pfizer dự báo kết quả kinh doanh của năm 2022 sẽ không lặp lại trong năm nay. Hãng đã thông báo với các nhà đầu tư rằng ước tính doanh thu của năm 2023 sẽ giảm tới 33%, còn khoảng 67 – 71 tỷ USD, bởi thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch và nhu cầu vắc-xin cũng như thuốc điều trị COVID-19 giảm.
Theo đó, doanh thu từ vắc-xin ngừa COVID-19 trong năm 2023 của hãng ước đạt con số 13,5 tỷ USD, giảm 64% so với năm ngoái, trong khi doanh thu từ thuốc Paxlovid ước đạt 8 tỷ USD, giảm 58%. Hãng cũng dự đoán tiền lời cổ phần sẽ giảm tới 50%, từ 3,25 – 3,45 một cổ phần, so với mức tiền lời kỷ lục 6,58 một cổ phần của năm 2022.
Tổng giám đốc Pfizer Albert Bourla đã công bố kế hoạch phát triển tới năm 2030 không còn dựa vào đại dịch COVID-19, theo đó, doanh thu của Pfizer sẽ tăng nhờ vắc-xin ngừa RSV (virus hợp bào hô hấp), thuốc trị chứng đau nửa đầu, viêm loét ruột già và một số loại thuốc khác của hãng này.
Phan Anh
Hoa Kỳ hạn chế xuất khẩu với các công ty Iran sản xuất UAV lái cho Nga
Ngày 31/1, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo áp đặt các hạn chế thương mại mới đối với bảy thực thể của Iran vì đã sản xuất máy bay không người lái (UAV) cho Nga đã sử dụng để tấn công Ukraine.
Các công ty và các tổ chức này đã được thêm vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ, với lý do tham gia vào các hoạt động gây bất lợi cho chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Việc bổ sung vào “danh sách các thực thể” của Bộ Thương mại đã được thông báo trong một hồ sơ sơ bộ trên Cơ quan Đăng ký Liên bang Hoa Kỳ, và sẽ được công bố chính thức vào ngày 1/2.
Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, Hoa Kỳ và hơn 30 quốc gia khác đã nỗ lực để làm suy giảm cơ sở quân sự và công nghiệp quốc phòng của nước này, bằng cách sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ của họ.
Theo thông báo được đưa ra, các thực thể Iran bị đưa vào danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ bao gồm: Hãng Thiết kế và Sản xuất Động cơ Máy bay, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, Tổ chức Jihas tự cung tự cấp của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, Công ty Parvaz Mado Nafar, Công ty Paravar Pars, Công nghiệp Hàng không Qods và Công ty Công nghiệp Hàng không Shahed.
Các cá nhân, tổ chức hoặc công ty cung ứng sẽ buộc phải có giấy phép mới được xuất khẩu hàng hóa và công nghệ cho các thực thể này. Về cơ bản, hầu hết các mặt hàng dự kiến sẽ bị cấm, ngoại trừ thực phẩm và thuốc. Giấy phép xuất khẩu sẽ được cân nhắc trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.
Về lệnh trừng phạt mới, Phái đoàn của Iran tại Liên Hợp Quốc ở New York bày tỏ: “Các biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng đến năng lực sản xuất máy bay không người lái của Iran, vì tất cả các máy bay không người lái của họ đều được sản xuất trong nước. Đây là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy những chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ ở Ukraine sử dụng các linh kiện do các nước phương Tây sản xuất đó không thuộc về Iran.”
Hồi tháng 1, Canada tuyên bố sẽ mua Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) do Mỹ sản xuất cho Ukraine. NASAMS là một hệ thống phòng không trên mặt đất tầm ngắn đến trung bình có khả năng bảo vệ trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, tên lửa và máy bay. Hoa Kỳ đã cung cấp hai NASAMS cho Ukraine và đang tiếp tục chuyển giao thêm nữa.
Các hệ thống phòng không trên mặt đất khác như Patriot của Raytheon Technology Corp (RTX.N) đã được Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Hà Lan cam kết cung cấp cho Ukraine, khi các đồng minh hy vọng có thể ngăn chặn sự cố mất điện tiếp theo.
Nhật Minh (Theo Reuters)
Báo cáo Chính phủ: TQ là nhà cung cấp hàng giả và hàng lậu lớn nhất cho Mỹ
(Nguồn: Sergei Elagin/ Shutterstock)
Theo một báo cáo mới của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong việc tạo ra hàng giả và hàng vi phạm bản quyền.
Khoảng 75% giá trị của tất cả hàng giả và hàng lậu bị hải quan Hoa Kỳ bắt giữ vào năm 2021 có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo bản “Đánh giá các thị trường khét tiếng về hàng giả và vi phạm bản quyền năm 2022” của USTR phát hành hôm 31/1.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết trong một tuyên bố liên quan: “Việc buôn bán hàng giả và hàng lậu tràn lan gây tổn hại đến an ninh kinh tế của người lao động Mỹ, đồng thời tác động xấu đến nhiệm vụ của chúng tôi trong việc xây dựng chính sách thương mại công bằng và toàn diện.”
“Danh sách các thị trường khét tiếng là một công cụ quan trọng thúc giục khu vực tư nhân và các đối tác thương mại của chúng tôi hành động chống lại các hành vi gây hại này,” bà tiếp tục.
Báo cáo đã xác định 39 thị trường trực tuyến và 33 thị trường vật lý được cho là đã tham gia hoặc tạo điều kiện cho hoạt động giả mạo nhãn hiệu hoặc vi phạm bản quyền đáng kể.
Đáng chú ý, báo cáo cho thấy WeChat, ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến nhất của Trung Quốc, đã cung cấp một hệ sinh thái thương mại điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối và bán các sản phẩm giả cho người dùng trên toàn thế giới.
Báo cáo nhấn mạnh: “WeChat (tại Trung Quốc là Weixin) tiếp tục bị coi là một trong những nền tảng lớn nhất cho hàng giả ở Trung Quốc.”
Tương tự như vậy, báo cáo lưu ý thêm, công ty mẹ của WeChat là Tencent đã không thực hiện các biện pháp khắc phục nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán bất hợp pháp.
Báo cáo nhận định: “Những nỗ lực của Tencent trong việc chống hàng giả trên hệ sinh thái thương mại điện tử WeChat thực sự không thỏa đáng.”
“Nhiều người bán hàng giả chỉ bị đình chỉ trong thời gian ngắn, còn những người bị xóa tài khoản có thể đăng ký lại tài khoản mới một cách dễ dàng.”
Báo cáo cũng khẳng định, WeChat đã không hợp tác thực thụ với chủ sở hữu nhãn hiệu và bản quyền trong vụ kiện tụng. So với các công ty khác, có thể nói Wechat “kém hợp tác” hơn trong việc tuân thủ luật về quyền riêng tư và dữ liệu.
Trước đó, một báo cáo được công bố vào tháng 3/2022 cho thấy Trung Quốc cũng là nguồn cung cấp hàng giả và hàng lậu lớn nhất cho Liên minh Châu Âu (EU).
Báo cáo nêu rõ, Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là các bên cung cấp thuốc lá và phụ tùng ô tô giả nhiều nhất cho EU. Các quan chức hải quan Bỉ thậm chí còn có lần tịch thu một lượng kỷ lục 126 triệu điếu thuốc lá giả tại thành phố Antwerp và khu vực lân cận, tất cả đều có nguồn gốc từ châu Á.
USTR lần đầu tiên xác định các thị trường khét tiếng vào năm 2006 và đã công bố Danh sách các thị trường khét tiếng hàng năm kể từ năm 2011 nhằm nâng cao nhận thức của công chúng, cũng như giúp các nhà điều hành thị trường và chính phủ trong nỗ lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ và người lao động của họ
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Pháp: Các công đoàn tiếp tục kêu gọi đình công biểu tình chống cải tổ hưu trí
Thanh Phương /RFI
01/02/2023
Ảnh chụp từ trên cao: Biểu tình phản đối dự luật cải cách chế độ hưu trí của chính phủ tại Paris, Pháp, ngày 31/01/2023. © AP - Thibault Camus
Tại Pháp, sau khi huy động được số người tham gia kỷ lục vào những cuộc biểu tình hôm qua, 31/01/2023, các công đoàn lại kêu gọi hai ngày hành động vào tuần tới để phản đối dự luật cải tổ hệ thống hưu bổng mà chính phủ đề nghị.
Theo hãng tin AFP, các công đoàn khẳng định là hôm qua đã có đến hơn 2,5 triệu người xuống đường trên toàn quốc, nhưng theo số liệu của bộ Nội Vụ, chỉ có khoảng hơn 1,27 triệu người tham gia các cuộc biểu tình. Cả hai con số nói trên đều nhiều hơn số người xuống đường trong ngày biểu tình đầu tiên 19/01, nhiều hơn cả kỷ lục của năm 2010, tức là khi mà phong trào đình công biểu tình chống dự án cải tổ hưu trí lần trước lên đến đỉnh điểm.
Sau thành công nói trên, 8 công đoàn chủ chốt ở Pháp đã quyết định kéo dài phong trào đình công biểu tình để buộc chính phủ bãi bỏ kế hoạch cải tổ hệ thống hưu trí, nâng tuổi về hưu theo luật định từ 62 tuổi lên 64 tuổi. Cụ thể, họ kêu gọi đình công và biểu tình hai ngày, thứ Ba 07/02 và thứ Bảy 11/02.
Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, trong các ngành thiết yếu như giao thông, giáo dục, năng lượng, tỷ lệ nhân viên đình công hôm qua đã giảm so với ngày đình công đầu tiên 19/01. Theo nguồn tin từ công đoàn, tại Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp SNCF, tỷ lệ nhân viên đình công hôm qua chỉ là 36,5%, so với 46,3% ngày 19/01.
Tuy dự luật bị phản đối mạnh như vậy, tối thứ Hai, thủ tướng Elisabeth Borne vẫn tuyên bố việc nâng tuổi về hưu lên 64 tuổi là “không thể thương lượng”, còn tổng thống Emmanuel Macron thì khẳng định cải tổ này là “cần thiết”.
Dự luật cải tổ hưu trí đã được đưa ra thảo luận ở cấp Ủy ban các vấn đề xã hội của Hạ Viện Pháp từ thứ Hai 30/01 và đã gây tranh cãi gay gắt giữa các thành viên ủy ban. Trên nguyên tắc, đến 20 giờ hôm nay, ủy ban phải hoàn tất việc biểu quyết khoảng 7.000 điểm sửa đổi mà các đảng đề nghị cho dự luật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét