January 30, 2023 by Lê Thy
003- Chùa Kim Chương
– Quận 2- Sàigòn
Theo tài liệu [1] : Chùa Kim Chương , chữ viết Kim Chung Tự trong bản đồ Trần Văn Học,còn chỗ khác viết Kim Chương, không biết danh từ nào đúng.
Theo tài liệu [2,3] : Chùa Kim Chương (Kim Chương Tự), còn có tên là Phổ Quang Thiên Sơn Tự, Thiên Trường Tự và Sắc Tứ Phổ Quang Thiên Sơn Tự.
Mặt khác theo tài liệu [4] : Chùa Kim Chương trong Đại Nam nhất thống chí (biên soạn hồi 1865-1882) gọi là chùa “Thiên Trường” và được sắc tứ là “Phổ Quang Thiên Sơn tự” và trong bản đồ thành Gia Định (do Trần Văn Học vẽ năm 1815) lại ghi là chùa “Kim Chung”.
Theo tài liệu [1] : Chùa Kim Chương Tự nằm trong thành Ô-Ma (thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 2- Sàigòn.(Xem thêm chi tiết thành Ô-Ma trong Phụ đề).
Theo tài liệu [4] : Địa điểm tọa lạc của chùa Kim Chương ngày xưa có thể gần với với địa điểm của chùa Lâm Tế xây sau này vào năm 1973 trên đường Võ Tánh và đường Cống Quỳnh.Hai đường này là hai khúc đường chu vi bao quanh thành Ô-Ma.
Trên địa đồ Trần Văn Học, chùa Kim Chương Tự ở về phía tả Hiển Trung Tự.(Xem thêm chi tiết về Hiển Trung Tự trong bài Đền Hiển Trung hay Hiển Trung Tự của cùng tác giả).
Chùa được xây trên một nền chùa Thổ (Miên) đã có trước đời Gia Long.
Khi quân đội Pháp chiếm đóng Sàigòn ,họ lập Sở Nuôi Ngựa (haras) ở gần nền chùa Kim Chương Tự.(Quân Pháp đóng binh ở đâu là đặt Sở Nuôi Ngựa của họ gần đó cho tiện, chớ Sở nuôi ngựa dân sự thời ấy chưa có,nghe đâu lối 1913).
Theo tài liệu [2] : Kim Chương Tự, tục gọi là chùa Kim Chương, là ngôi chùa xưa nhất và nổi tiếng nhất trong Phiên An Trấn ngày trước.
Theo Gia Đinh thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, chùa Kim Chương xây cất ở phía tây nam trấn Gia Định hơn 4 dặm về phía bắc quan lộ.Ở giữa là điện thờ Phật, hai bên có Đông Tây đường, sơn môn, phương trương, nhà chứa kinh sách, viện đốt hương. Chùa chạm trổ tô sơn, tốt đẹp rộng cao. Phía bắc chùa có suối nước ngọt.
Nguyên từ năm Ất Hợi 1755 đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, có Hòa Thượng Đạt Bản ở Qui Nhơn vào Gia Định, lập ngôi chùa ấy mang tên là Thiên Trường Tự. Chùa nổi tiếng, khách thập phương xa gần thương đến chiêm bái, đảnh lễ Phật.
Chúa Võ Vương nghe tiếng, sai sứ đem sắc vào ban tặng là Phổ Quang Thiên Sơn Tự, rồi đổi là Kim Chương Tự, tức chùa Kim Chương.
(Phụ chú : Từ đây, người ta có thể nói rằng chùa Kim Chương được thành lập vào năm 1755).
Sau khi Hòa Thượng Đạt Bản viên tịch, người được truyền tâm án là Hòa Thượng Quang Triệt nối mối giềng, trụ trì chùa danh tiếng ấy.
Năm Ất Tị 1775, Hòa nghĩa đạo lý Tướng quân Lý Tài suy tôn Đông cung Nguyễn Phúc Dương lên kế nghiệp chúa Nguyễn để chống nhau với Tây Sơn. Lý Tài rước Nguyễn Phúc Dương về chùa Kim Chương tôn lên làm Tân Chính vương vào tháng 11 năm Bính Thân (1776) thì chùa được sắc tứ lần thứ hai là Phổ Quang Thiên Sơn Tự.
Chẳng bao lâu, Hòa Thượng Quang Triệt mất, đồ đệ là Quang Trạm nối nghiệp trụ trì. Quang Trạm mất,người nối nghiệp là Quang Tuệ.
Theo cụ Trương Vĩnh Ký, năm 1776 chúa Nguyễn Phúc Thuần tức Định Vương, sau được truy tôn miếu là Duệ Tông vốn là chú của vua Gia Long bị Tây Sơn bắt được tại vùng Ba Thắc (thuộc Cà Mau), còn chúa Mục Vương Nguyễn Phúc Dương thì bị bắt ở Ba Vát, phía đông bắc Mõ Cày , tỉnh Kiến Hòa. Chúa Định Vương và Mục Vương đều bị Tây Sơn xử tử tại chùa Kim Chương này. Thế là chùa thêm nổi tiếng với các sự kiện lịch sử bi đát não nùng.
Khi chúa Nguyễn Phúc Ánh khôi phục được cơ nghiệp, đến năm thứ ba (1805), chùa Kim Chương tổ chức lễ chúc thọ giới đàn báo đáp ân sâu của Đức Phật. Đây là lễ giới đàn đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Nam Kỳ.
Đến năm Gia Long thứ 12 (Đinh Dậu-1813), đức Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (Tống Thị Lan) hậu tỏ lòng nhớ đến chùa Thiên Trường, tức chùa Kim Chương nơi Gia Định , tâu xin vua sai người vào Gia Định lo việc trùng tu, dâng hương hoán nguyện. Vua Gia Long chấp thuận lời xin của Hoàng hậu,sắc sai Thần võ quân Phó tướng Trần Nhân Phụng đem 10000 quan tiền vào Gia Định lo sửa sang chùa Kim Chương lại, và chỉnh lý những kinh tạng, chuông trống, cho thêm trang nghiêm. Điều này cho thấy chùa Kim Chương là một trong ngôi chùa công/quan tự của thời đó.Rồi chùa được đổi thành Thiên Trường Tự (tài liệu [3]).
Cũng theo tài liệu [3] này, đến đời Tự Đức, Thiên Trường Tự được nhà vua ban cho tên Sắc Tứ Phổ Quang Thiên Sơn Tự. (Phụ chú : Năm chùa đổi tên thành Thiên Trường Tự và Phổ Quang Thiên Sơn Tự trong tài liệu [3] không phù hợp với năm ghi trong tài liệu [2] ở trên !) .
Theo tài liệu [3,4,5] : Năm 1861,đến khi đại đồn Chí Hòa thất thủ , chùa Kim Chương đã được hòa thượng Minh Giác và Tăng chúng cấp tốc tháo dỡ và tượng Phật đem về xã Mỹ Thiện (nay là xã Thiện Trí, Cái Bè, Tiền Giang), vì đây là hậu phương của cuộc khởi nghĩa do Thiên Hộ Dương (tức Võ Duy Dương) lãnh đạo.
Theo tài liệu [1] : Năm 1885, cụ Trương Vĩnh Ký đã không còn thấy chùa Kim Chương Tự, có lẽ bị phá bỏ từ trước.
Chùa Kim Chương lập lại ở xã Mỹ Thiện- Cái Bè về sau đổi tên là chùa Hội Thọ.
Nhờ Tăng chúng hết lòng gìn giữ, nên ngày nay trong chùa Hội Thọ người ta còn thấy được vài di tích xưa của chùa Kim Chương : Một bộ tượng gỗ của Thừa Thiên Cao hoàng hậu dâng cúng năm 1813, gồm có các tượng: Phật Thích ca sơ sinh, Địa Tạng Bồ Tát,Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Bồ Đề Đạt Ma, Già Lam, Thập điện Minh Vương, Phán Quan, Tiêu Diện Đại sĩ. Đặc biệt quý là hai pho tượng cổ:Pho tượng A Di Đà (cao khoảng 6 tấc, bằng đất sét thô, ép khuôn, bộng ruột bên ngoài sơn thếp vàng) do nghệ sĩ ở địa phương nặn và tượng Già Lam hộ trì ngôi tam bảo do nghệ sĩ ở Huế nặn.
Ngoài ra, tại Tổ đường chùa Hội Thọ còn có họa ảnh lớn của Hòa thượng Minh Giác và 12 bài vị Tổ (tài liệu [5]).
★
Phụ đề : Thành Ô-Ma
Theo tài liệu [6] : Tên Thành Ô Ma xuất xứ từ “Camp Aux Mares” hay “Camp des Mares” của Pháp. Khu đất này ngày xưa có rất nhiều ao nước thiên nhiên.
Theo tài liệu [7,8,9] : Năm 1956, Pháp trao trả thành Ô-Ma cho chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa và trở thành trụ sở Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia.
Thành này tọa lạc trên khu đất bao quanh bởi các đường sau đây :
1. Phía Bắc : Rue Chasseloup Laubat (sau là Hồng Thập Tự),
2. Phía Tây : Rue de Nancy (Cộng Hòa),
3. Phía Nam : Rue Frère Louis (Võ Tánh-Nguyễn Trãi),
4. Phía Đông : Rue d’Arras (Cống Quỳnh).
Tài liệu tham khảo :
1. Vương Hồng Sển– Sàigòn Năm Xưa-Sống Mới-1968.
2. Huỳnh Minh – Gia Ðịnh xưa và nay – Chùa Kim Chương-Ngôi chùa xưa nhất của Phiên An Trấn- Nhà xuất bản Khai Trí – 1973.
3. Bách khoa toàn thư – Chùa Kim Chương.
4. Huỳnh Ngọc Trảng – Nguyễn Đại Phúc -Kim Chương Tự – Ngôi chùa lịch sử của đất Gia Định-24/03/2008.
5. Lam Trương– Các tượng Phật, bài vị… trong ngôi chùa có Sắc Tứ Kim Chương Tự ở Gia Định xưa, hiện nay được đặt thờ tại đâu ? Phật giáo Long An-09/11/2016.
6. Bình Nguyên Lộc-Những bước lang thang trên hè phố- Hui nhị tỳ 2- Nhân Loại 1957-Mạng Bảo Vệ Cờ Vàng-23/09/2020.
7. Ca Dao Mẹ – Thành Ô Ma.
8. Từ thành Ô Ma đến trường Tiểu học Trung Thu.
9. Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đây – Thành Ô Ma của đất Sàigòn xưa.
https://baovecovang2012.wordpress.com/2023/01/30
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét