Hiếu Chân/SGN
04/02/2023
Hình ảnh cuối cùng của quả khinh khí cầu do thám của Trung Quốc trước khi rơi xuống biển chiều 4 tháng Hai 2023.
Cuối cùng, quả khinh khí cầu do thám của Trung Quốc thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả nước Mỹ suốt mấy ngày qua và gây thêm căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã rất xấu giữa hai nước, đã bị Không quân Hoa Kỳ bắn hạ lúc 2g39 phút chiều thứ Bảy 4 tháng Hai 2023. Vụ xâm nhập coi như kết thúc nhưng vẫn còn nhiều nghi vấn về ảnh hưởng của nó cả về đối nội và đối ngoại của nước Mỹ.
Như tin đã đưa, vào thứ Tư 1 tháng Hai 2023, một khinh khí cầu lớn được phát hiện trên bầu trời tiểu bang Montana, nơi có các hầm chứa hỏa tiễn liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ. Quả cầu nhanh chóng được xác định là một công cụ do thám (spy balloon) xuất phát từ Trung Quốc. Sau đó, nó bay về phía đông nam, băng ngang qua nước Mỹ, lảng vảng bên trên các phi trường quân sự, nơi đóng các phi đội oanh tạc cơ chiến lược mang bom hạt nhân của Hoa Kỳ và đến chiều thứ Bảy 4 tháng Hai thì nó bị bắn hạ trên Đại Tây Dương, cách bờ biển tiểu bang South Carolina khoảng 6 dặm (10 km). Hiện hải quân và tuần duyên Mỹ đang thực hiện trục vớt những tàn tích của chiếc khí cầu để nghiên cứu.
Nghiên cứu hay do thám?
Khi tin tức về vụ khinh khí cầu của Trung Quốc rộ lên trên báo chí Mỹ, Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh lập tức bày tỏ sự “hối tiếc” và cho rằng đây chỉ là một khinh khí cầu nghiên cứu thời tiết dân sự, đi lạc vào nước Mỹ một cách tình cờ do bị gió thổi. Phía Trung Quốc nói đây chỉ là một “tai nạn” và người Mỹ không nên trầm trọng hóa vấn đề mà nên bình tĩnh phối hợp cùng Bắc Kinh giải quyết. Tuy nhiên hầu như tất cả các quan chức quân sự và tình báo Mỹ đều cho rằng lời giải thích của Trung Quốc không đúng sự thật.
Ngũ Giác Đài cho biết khinh khí cầu mang theo nhiều cảm biến và thiết bị giám sát, có thể điều khiển được, có thể thay đổi hướng đi mà không phụ thuộc vào hướng gió. Nó lảng vảng trên các khu vực nhạy cảm về an ninh quốc gia của Mỹ, nơi chứa các đầu đạn hạt nhân, khiến quân đội phải hành động để ngăn nó thu thập thông tin tình báo.
Người Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc thả khinh khí cầu vào lãnh thổ Mỹ là một hành động gây hấn, vi phạm chủ quyền và an ninh quốc gia. Các chính trị gia đảng Cộng hòa, kể cả cựu Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên tổng thống Nikki Haley đều lên tiếng đòi quân đội Hoa Kỳ bắn hạ ngay “kẻ” xâm nhập. Nhưng, các tướng lĩnh cao cấp nhất của quân đội khuyên Tổng thống Biden không bắn hạ nó vì các mảnh vỡ có thể gây nguy hiểm cho người dân ở mặt đất. Phản ứng mạnh mẽ nhất của chính phủ Mỹ đối với vụ xâm nhập là hủy bỏ chuyến công cán Trung Quốc được mong đợi từ lâu của Ngoại trưởng Antony Blinken và sau đó bắn hạ nó như nói trên.
Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc được nhìn thấy trên bầu trời thành phố Charlotte, North Carolina vào sáng ngày 04/02/2023 trước khi bị bắn hạ. Ảnh Peter Zay/Anadolu Agency via Getty Images
Có phải lần đầu tiên?
Nhưng trở lại từ đầu câu chuyện, người dân muốn biết quả khí cầu đã xâm nhập nước Mỹ từ bao giờ, có phải là lần đầu tiên Trung Quốc có hành động liều lĩnh như vậy?
Theo tiết lộ từ một số quan chức quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ (NORAD) phối hợp giữa Mỹ và Canada đã phát hiện quả khinh khí cầu ngay từ lúc nó đi vào vùng trời quần đảo Aleutian của Alaska ngày 28 tháng Giêng 2023 và bắt đầu theo dõi nó. Sau đó quả cầu bay vào lãnh thổ Canada ngày 30 tháng Giêng và trở lại lãnh thổ Mỹ ở phía bắc tiểu bang Idaho ngày 31 tháng Giêng. Tổng thống Joe Biden được báo cáo về sự việc hôm thứ Ba; sang thứ Tư thì Bộ Ngoại giao triệu tập đại biện lâm thời Trung Quốc tại Washington, “để đưa ra một thông điệp rất rõ ràng và dứt khoát,” theo báo The Wall Street Journal.
Công chúng chỉ biết tới sự xâm nhập của quả khí cầu vào thứ Tư khi các hành khách trên một chuyến bay thương mại nhìn thấy nó trên bầu trời thành phố Billings của tiểu bang Montana và phi trường Billings bị tạm đóng cửa trong hai tiếng đồng hồ.
Cũng có thông tin rằng đây không phải là lần đầu tiên khí cầu do thám của Trung Quốc xuất hiện ở nước Mỹ mà trước đây loại “điệp viên” này từng bay trên bầu trời đảo Guam và quần đảo Hawaii – những nơi có các căn cứ lớn của quân đội Hoa Kỳ. Chúng xuất hiện ba lần dưới thời cựu Tổng thống Trump và một lần nữa vào đầu nhiệm kỳ của ông Biden nhưng quân đội Mỹ lặng lẽ theo dõi và xử lý, không thông báo cho dân chúng biết. Đây là lần đầu tiên khí cầu do thám của Trung Quốc bay vào lục địa nước Mỹ, từ Bờ Tây sang bờ Đông và ở lại lâu hơn tất cả những lần trước.
Điều đó cho thấy những tuyên bố của ông Trump và cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng trong thời của họ Bắc Kinh “không dám” liều lĩnh như vậy là không đúng sự thật.
Chính quyền phản ứng chậm?
Chuẩn tướng Pat Ryder, Thư ký Báo chí Bộ Quốc phòng, họp báo thông tin về vụ phát hiện khinh khí cầu do thám của Trung Quốc trên bầu trời nước Mỹ hôm 2 tháng Hai 2023. Ảnh Kevin Dietsch/Getty Images
Một câu hỏi bức xúc là, nếu đánh giá đây là một vụ xâm nhập không phận, tại sao quân đội Mỹ không ra tay ngay lập tức? Ý kiến của quân đội cho rằng nếu bắn hạ nó thì mảnh vỡ có thể gây nguy hiểm cho người và tài sản trên mặt đất tỏ ra không có sức thuyết phục các chính trị gia Cộng hòa. Các vùng đất Alaska, Montana có dân cư rất thưa thớt, khả năng mảnh vỡ của khinh khí cầu rơi trúng người hoặc nhà cửa thì “không cao hơn xác suất trúng số Powerpoint” như nhận định của thống đốc Montana. Đảng Cộng hòa cáo buộc chính quyền Biden “hèn nhát”, đã để cho “tên điệp viên” này lang thang khắp nước Mỹ gần tuần lễ, thu thập và truyền về Trung Quốc vô số dữ kiện về những địa điểm nhạy cảm về phòng thủ.
Những người ủng hộ chính phủ thì cho rằng, chính quyền Biden tất nhiên phải cân nhắc và tính toán phản ứng sao cho bảo đảm được sự an toàn tính mạng và tài sản của người Mỹ, bảo đảm bí mật quốc phòng và đồng thời phù hợp với luật pháp quốc tế. Cũng có thể người Mỹ cố tình kéo dài thời gian xử lý chiếc khinh khí cầu, công bố sự việc lên báo chí rộng rãi tạo thành một chiến dịch tuyên truyền nhằm vạch mặt thủ đoạn gây hấn liều lĩnh và trắng trợn của Bắc Kinh. Với hình ảnh quả khí cầu do thám của Trung Quốc trên bầu trời Mỹ xuất hiện dày đặc trên báo chí quốc tế, người Mỹ đã “bắt quả tang” hành vi gây hấn mà Bắc Kinh không chối cãi được.
Trong tuyên bố công khai đầu tiên của chính quyền, Chuẩn tướng Pat Ryder, thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, cho biết vào tối thứ Năm rằng khinh khí cầu không phải là mối đe dọa quân sự hay vật chất – một sự thừa nhận rằng nó không mang theo vũ khí. Ông nói rằng “một khi quả bóng bay được phát hiện, chính phủ Hoa Kỳ đã hành động ngay lập tức để bảo vệ chống lại việc thu thập thông tin nhạy cảm.” Có thể hiểu rằng, trong lúc để cho quả cầu tự do bay lượn, quân đội Mỹ đã giám sát nó và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chẳng hạn như phá sóng, để làm cho nó không thu thập được thông tin nhạy cảm ở những nơi mà nó đi qua.
Bắc Kinh muốn gì?
Dùng khinh khí cầu để do thám tình hình đối phương là chuyện không mới, nhưng nhiều người thắc mắc tại sao Bắc Kinh vẫn sử dụng một phương tiện cổ lỗ, dễ bị phát hiện trong khi các vệ tinh do thám của họ trên quỹ đạo vẫn từng ngày từng giờ theo dõi mọi chuyển động của các lực lượng chiến lược Mỹ. Một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng thì cho rằng quả cầu không thể cung cấp cho Bắc Kinh những thông tin tình báo nào khác ngoài những thứ mà các vệ tinh của họ đã thu thập được.
Nhưng tướng John Ferrari, một chỉ huy quân đội đã nghỉ hưu, cho rằng chuyến bay có thể được sử dụng để kiểm tra khả năng của Mỹ trong việc phát hiện các mối đe dọa sắp tới và tìm ra lỗ hổng trong hệ thống cảnh báo phòng không của Hoa Kỳ. Ở tầm bay thấp, nó cũng có thể cho phép người Trung Quốc cảm nhận được sự phát xạ điện từ mà các vệ tinh ở độ cao lớn hơn không phát hiện được, chẳng hạn như tần số vô tuyến năng lượng thấp có thể giúp họ hiểu cách các hệ thống vũ khí khác nhau của Hoa Kỳ giao tiếp với nhau.
Ngoài việc thu thập thông tin tình báo, Trung Quốc có thể còn có những toan tính khác.
Ông Patrick Cronin, chuyên gia về an ninh vùng châu Á-Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Hudson có một cái cách giải thích: “Tôi cho rằng Bắc Kinh muốn ra đòn tâm lý, thu hút sự chú ý của người Mỹ để gửi một thông điệp trước khi Ngoại trưởng Blinken gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Thông điệp đó là người Mỹ nên rút lại sự ủng hộ Đài Loan, từ bỏ các thỏa thuận an ninh tại Á châu trước khi căng thẳng vượt ngoài tầm kiểm soát”, ông Cronin nói.
Vụ khí cầu do thám có thể là phản ứng của Trung Quốc đối vối việc Mỹ mở rộng hiện diện quân sự ở châu Á trong chuyến thăm của Bộ trưởng QP Mỹ Lloyd Austin. Ảnh ông Austin cùng phái đoàn Mỹ hội kiến Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (áo trắng) tại Manila hôm 02/02/2023. Ảnh Jamilah Sta Rosa-Pool/Getty Images
Thỏa thuận an ninh mà ông Cronin nhắc tới có thể là thỏa thuận Mỹ-Philippines về gia tăng số căn cứ và quân đội Mỹ tại đảo quốc mà Bộ trưởng Austin vừa công bố hôm thứ Năm 2 tháng Hai với mục tiêu đề phòng Trung Quốc gây chiến ở Đài Loan hoặc Biển Đông.
Ông Drew Thompson, một cựu quan chức quốc phòng Mỹ hiện là nhà nghiên cứu của trường Hành chính Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore có một cách giải thích khác nữa. Ông Thompson cho rằng có thể quân đội Trung Quốc (PLA) đã tung quả khí cầu do thám vào nội địa nước Mỹ mà không có sự phối hợp với lãnh đạo đảng Cộng sản. “Cũng có thể PLA đang âm mưu phá hỏng nỗ lực của ông Tập Cận Bình muốn cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ như Úc và Nhật Bản,” ông Thompson nói với báo Nikkei Asia Review.
Quan hệ ngoại giao thêm xấu đi
Ảnh hưởng ngoại giao đã thấy rõ sau khi Ngoại trưởng Blinken đơn phương hủy bỏ chuyến công cán Trung Quốc chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi chuyến đi bắt đầu. Chuyến đi của ông Blinken là chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ trong bảy năm qua và được Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập đồng ý thu xếp khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Bali, Indonesia tháng Mười Một năm ngoái.
Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều kỳ vọng chuyến đi của ông Blinken, cuộc đàm phán giữa ông với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, kể cả ông Tập Cận Bình, sẽ giúp làm giảm bớt căng thẳng vốn đã lên cao giữa hai nước. Ông Tập cũng tỏ ý muốn ổn định quan hệ với Hoa Kỳ để có thể tập trung vực dậy nền kinh tế đã bị suy yếu do chính sách chống COVID khắc nghiệt suốt ba năm qua.
Quả khinh khí cầu chẳng những đã phá hỏng nỗ lực ngoại giao đó mà còn đẩy quan hệ giữa hai bên xuống thấp thêm nữa.
Chiều thứ Bảy 4 tháng Hai, sau khi quả cầu bị bắn hạ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố “bất mãn sâu sắc và phản đối mạnh mẽ” hành động của Washington mà họ cho rằng “quá đáng”. “Trung Quốc sẽ cương quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp liên quan, và giữ quyền phản ứng tiếp theo”, tuyên bố cho biết.
Câu hỏi lớn bây giờ là phản ứng của Trung Quốc sẽ như thế nào, có giới hạn, có tính tượng trưng hay sẽ nghiêm trọng? Hãy chờ xem!
Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã bị bắn hạ
Bình Phương /SGN
Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc được nhìn thấy trên bầu trời thành phố Charlotte, North Carolina vào sáng ngày 04/02/2023 trước khi bị bắn hạ. Ảnh Peter Zay/Anadolu Agency via Getty Images
Quân đội Hoa Kỳ vừa bắn rơi quả khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Carolina theo lệnh của Tổng thống Joe Biden sau khi nó bay ngang qua các địa điểm quân sự nhạy cảm trên khắp nước Mỹ và trở thành điểm nóng mới nhất trong căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Hãng tin AP cho biết Tổng thống Biden ông muốn bắn hạ quả khinh khí cầu ngay sau khi nó bị phát hiện vào thứ Tư 1 tháng Hai, nhưng các tướng lĩnh quân đội khuyên ông rằng thời điểm tốt nhất để diệt nó là khi nó bay trên biển để tránh gây rủi ro cho người trên mặt đất.
Đến sáng thứ Bảy 4 tháng Hai, khinh khí cầu đã bay đến South Carolina và tiến gần bờ biển Đại Tây Dương. Vào khoảng 2g40 chiều thứ Bảy, giờ miền Đông Hoa Kỳ, một chiến đấu cơ F-22 của Không quân đã bắn một quả tên lửa vào khinh khí cầu khi nó cách bờ biển khoảng 6 hải lý, gần Myrtle Beach, South Carolina. Quả cầu bị bắn thủng, xì hơi và rơi xuống mặt biển, các quan chức Ngũ Giác Đài cho biết.
Hải quân và Tuần duyên Hoa Kỳ đang chờ sẵn bên dưới, và cho biết mảnh vỡ của quả khí cầu chìm xuống dưới 47 feet nước, không sâu như dự tính. Hiện chưa rõ phải mất bao lâu các lực lượng Hoa Kỳ mới trục vớt xong quả khí cầu xâm nhập này.
“Quân đội đã hạ nó thành công và tôi muốn khen ngợi những phi công của chúng ta đã làm được điều đó,” ông Biden nói trên đường đến Trại David.
Để chuẩn bị cho việc bắn hạ quả khí cầu do thám, Cục Hàng không Liên bang (FAA) đã tạm thời đóng cửa không phận trên bờ biển Carolina, gồm các sân bay ở Myrtle Beach và Charleston, South Carolina và Wilmington, North Carolina. Các sân bay đã mở cửa hoạt động trở lại sau lúc 2g45 chiều.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy một vụ nổ nhỏ, sau đó quả bóng bay khổng lồ bị xì hơi lao xuống mặt nước như một dải ruy băng. Người ta thấy các máy bay phản lực của quân đội Hoa Kỳ bay gần đó và các tàu tuần dương đã được triển khai trên biển để tiến hành hoạt động thu hồi.
Các quan chức nói họ sẽ cố gắng thu hồi càng nhiều mảnh vỡ càng tốt trước khi nó chìm xuống đại dương. Tuần dương Mỹ khuyên những người đi biển nên rời khỏi khu vực ngay lập tức vì các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ “gây ra mối nguy hiểm đáng kể”.
Vụ xâm nhập của khinh khí cầu Trung Quốc trong tuần này đã khiến chuyến công du tới Trung Quốc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken bị hủy bỏ. Chuyến thăm của ông Blinken được cho là nhằm giảm căng thẳng Hoa Kỳ-Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc hôm thứ Bảy đã tìm cách giảm nhẹ tác động của sự việc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét