Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

Nguyễn Thông - Chuyện xe đạp lôi từ ký ức

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Những ngày vừa rồi, nóng nhất là chuyện ngân hàng và chuyện thiếu xăng. Xăng ở Sài thành nóng tới mức muốn cháy luôn, nghe nói ngoài Hà thành cũng hơi hơi khó đổ xăng. Định đi chợ, ngó cái đồng hồ báo xăng, hết cụ nó xăng từ hồi nào. Giá có cái xe đạp thì đỡ.

Trước khi nhà cháu biên kể về xe đạp, hẵng nói vài thứ liên quan tới nó đã.

Cách nay mươi năm, những người nước ngoài tới Việt Nam, sau khi mục sở thị chán chê chuyện đi lại xứ này hầu như đều có chung nhận định Việt Nam là vương quốc xe máy. Chiếc xe máy, còn có tên xe gắn máy, vừa là tài sản vừa là phương tiện giao thông của mọi gia đình, ở thành thị cũng như nông thôn. Xe máy nhan nhản trên đường phố, kẹt xe máy khi vào giờ tan tầm, giờ cao điểm là chuyện cơm bữa. Hôm nào không bị kẹt xe máy, chẳng hạn mấy ngày tết, đám con dân cứ ồ à reo vui như đón tin hòa bình. Có ông còn tâm sự không bị kẹt xe tự dưng chếnh choáng, thấy nhơ nhớ, cảm giác thiêu thiếu cái gì đấy. Người ta có thể quen với khổ, chứ sướng lại rất khó chấp nhận.


Nói đâu xa, nhà cháu 4 người 4 chiếc bình bịch, đó là chưa kể đã mấy lần đổi xe, thay xe, lên đời. Cô em có lần nhận xét, chẳng ai… tay chơi như bác, chỉ thích xe này xe nọ, tiền ném vào xe nhẽ ra để mua miếng đất, căn nhà, thì bây giờ đâu đến nỗi giữ mãi danh hiệu nghèo bền vững. Mà thật, năm 1997, mua chiếc Honda Dream do nhà máy ở Vĩnh Phúc xuất xưởng, tiền ta khoảng 23 triệu đồng, Honda VN còn chua rõ ngang 2.100 đô Mỹ, tính ra bằng 7 cây rưỡi vàng. Bà xã kêu trời, đắt quá mua làm gì, làm gì. Chỉ an ủi được mỗn điều, mình đang thực hiện tinh thần “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” mà chị nhà báo Kim Hạnh nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đang phát động. Số tiền ấy có thể tậu được mảnh đất kha khá hoặc căn nhà nho nhỏ. Giá như trước khi mua xe, báo cho cô em để được can gián thì đâu đến nỗi. Thật chả cái dại nào giống cái dại nào. Giờ tỉnh ra thì xong rồi, chỉ có điều lại vướng vào thứ dại khác. Nghe người ta bảo đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, còn mình chỉ từ dại tới dại.

Nhưng trước đó chưa xa, độ hơn chục năm, thì khác. Khoảng đầu thập niên 80 trở về trước, xứ này là vương quốc xe đạp. Thực ra nói thế cũng chưa chính xác. Gia đình tôi ở miền Bắc trước năm 1975 không thể sắm nổi cái xe đạp, một phần giá bán xe rất cao so với thu nhập, phần khác xe chỉ để phân phối cho cán bộ, người bình thường muốn mua xe chỉ còn cách ra chợ giời, giá cao gấp 2 - 3 lần so với giá gốc. Tới năm 1976, nhờ đất nước thống nhất, nhà tôi mới mua được chiếc xe đạp đầu tiên (không kể anh tôi hồi lớp 10, năm 1969 do học giỏi, nhà trương ưu tiên phân phối cho chiếc xe thiếu nhi Liên Xô bé tí vành 500, giá 70 đồng). Chuyện cái xe “đầu tiên” ấy, tôi sẽ kể sau. Đầu năm 1977 nhà cháu vào Sài Gòn làm việc, một trong những điều được giác ngộ, tỉnh khỏi cơn u mê là nhận thấy cuộc sống kinh tế, sinh hoạt và xã hội miền Nam không như mình nghĩ, như được tuyên truyền nhồi nhét lâu nay. Hóa ra vào lúc cả làng mình mới chỉ có vài chiếc xe đạp, năm ngoái (1976) nhà mình mới sắm được chiếc xe đạp đầu tiên, thì trong này (miền Nam) đã bạt ngàn xe máy đủ loại thương hiệu, ô tô cũng phổ biến trong dân chúng chứ không phải như ở miền Bắc chỉ quan chức mới được dùng. Xe đạp khỏi cần bàn. Hai cuộc sống vênh nhau một trời một vực, dù một miền bị coi là phồn vinh giả tạo, một miền thì nghèo đói thực sự. Cái công lớn nhất của cộng sản, của chính quyền cách mạng là đem lại sự công bằng cho dân chúng cả hai miền, để đều nghèo như nhau. Nhiều năm liền, đám xe máy ô tô dần biến mất, thay vào đó là xe đạp. Hơn chục năm trời, từ 1975 tới 1986, xe đạp thành phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu, cả nước thực sự biến thành vương quốc xe đạp. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Chuyện xe đạp lôi từ ký ức (kỳ 2) 

Người đời có muôn vàn nỗi nhớ, nhớ tuổi thơ hoặc dòng sông tuổi thơ, nhớ về Hà Nội, nhớ mối tình đầu..., còn tôi nhớ về xe đạp. Cũng chả nên bảo cái nào sâu sắc, ý nghĩa hơn cái nào, dù xe đạp có vẻ thô thiển, không mướt mát bằng những thứ kia.

Bây giờ, con cái đòi bố mẹ mua xe, chẳng mấy đứa đòi xe đạp, ít nhất cũng phải xe máy, thậm chí xe máy tay ga đời mới. Xe đạp tầm thường lắm, đâu là cái đinh gì. Nhưng có một thời, nó là niềm ao ước của biết bao người, không dễ gì biến thành hiện thực.
Ở miền Bắc những năm 1960 - 1970, thậm chí cả vài năm sau đó, xe đạp là thứ hiếm hoi. Hồi giữa thập niên 60, làng quê tôi gần 1.500 nhân khẩu mà chỉ có lèo tèo vài chiếc. Mấy chiếc xe cũ mèm từ hồi Pháp, sau có thêm một hai chiếc xe Thống Nhất của cán bộ xã được phân phối, thêm chiếc nữa của chị nhân viên cửa hàng mậu dịch trên huyện sơ tán về. Nữ nhân viên mậu dịch hồi đó rất uy quyền, có khi còn được kính nể, trọng vọng hơn cả cán bộ huyện. Xe đạp là thứ quý hiếm, nếu có xách ra dạo vài vòng hoặc đi công chuyện thì ngay lập tức sau đó về lau lọt, chùi rửa kỹ lưỡng và... treo lên. Nể lắm, hiểu hoàn cảnh nhau lắm mới cho mượn. Cũng chả phải keo kiệt bủn xỉn gì nhưng nhỡ nó mòn nó hỏng lấy đâu phụ tùng thay. Bọn trẻ con chúng tôi nhìn người có xe đạp bằng con mắt ngưỡng mộ, với cả người lẫn xe. Cả làng hầu như không mấy người biết đi xe đạp bởi xe đâu mà tập, vả lại có tập cũng làm gì có xe mà đi. Thóc nhân khẩu đầu người mỗi vụ chỉ hơn 5 chục ký, ăn còn chả đủ, dám mơ xe. Mà trăm thứ đều trông vào hột thóc. Vả lại đi bộ quen rồi. Cả chục cây số cũng đi bộ. Tôi học cấp 3, mỗi ngày đi bộ chục cây số là chuyện thường.
Xe đạp hiếm hoi đến nỗi, trong làng nhà ai có xe, đám trẻ con chúng tôi cũng biết tường tận, thậm chí còn tỏ xe nam hay nữ, cũ hay mới, hiệu gì, chủ xe có thỉnh thoảng cho người khác mượn không, xe của ai nếu không đi chỉ treo trong nhà. Tôi còn nhớ đôi lúc lên nhà cụ Tành chơi với đám anh em Tịnh nhớn Tịnh con, cháu cụ, cùng lứa với mình. Ông Tự bố hai cu Tịnh có chiếc xe đạp Thống Nhất mới toanh, do làm cán bộ HTX được phân phối, thỉnh thoảng ông mới lôi xuống đi, chứ thường chỉ móc treo toòng teng góc nhà. Chả riêng ông Tự, phần lớn chủ xe đều vậy. Mượn được xe là cực khó, khó hơn lên giời.
Xe do miền Bắc sản xuất duy nhất có loại nhãn hiệu Thống Nhất. Công bằng mà nói, thời ấy chiếc xe nội địa này chất lượng khá tốt. Cả miền Bắc chỉ mỗn nhà máy, mỗn nhà sản xuất xe đạp, theo nền kinh tế bao cấp trung ương tập trung tập quyền nên cung không đủ cầu. Nhiều người cả đời làm cán bộ xã, cán bộ huyện cũng chỉ mong ngóng chờ tới lượt được phân phối xe Thống Nhất. Đông người quá thì bốc thăm cho… công bằng. Dân quèn không bao giờ được hưởng ơn mưa móc này của chính phủ. Như đã nói, muốn có xe đi thì ra chợ giời. Ở chợ Sắt, xe đạp Thống Nhất giá cao gấp đôi ba lần so với giá nhà nước bán cho cán bộ.
Bản thân tôi hồi thiếu nhi lẫn thanh niên, dù nhà mình không có xe đạp nhưng cũng từng biết, từng thấy nhiều loại xe khác nhau. Ngoài xe Thống Nhất đã kể, hồi dân phố sơ tán đợt 1 năm 1964, nhiều người đem xe đạp về theo. Lần đầu tiên được mục sở thị xe đạp xịn Sterling, Peugeot của Pháp, chắc gia đình họ có từ trước năm 1955. Rồi xe từ các nước XHCN viện trợ hoặc do nhập khẩu về. Phổ biến nhất là Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu (hai xe này tên gọi khác nhưng trông khá giống nhau, chất lượng ngang ngang, chỉ khác ở nhãn mác) của Trung Quốc, xích hộp (đây là thứ tiêu chuẩn đẳng cấp đối với xe đạp), cực kỳ nặng nhưng bền chắc số 1, nhất là những bộ phận xi mạ. Hồi ấy có câu chê trách những người mặt trơ trán bóng, được ví như nước mạ xe Phượng Hoàng. Ông Trác anh họ tôi làm cán bộ hợp tác xã mua bán huyện, được phân phối chiếc Vĩnh Cửu, dùng sà sã mấy chục năm, thay bao nhiêu đời săm lốp nhưng chiếc vành sắt xi mạ cứ bóng nguyên, không hề han gỉ. Nghe kể, sau tháng 4.1975, nhiều nhà giàu ở Chợ Lớn sẵn sàng đổi chiếc Honda 67 mới tinh để lấy chiếc Phượng Hoàng, hình như họ thấy ở nó có gì đó rất đặc biệt. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Chuyện xe đạp lôi từ ký ức (kỳ 3) 

Xe đạp Peugeot là thương hiệu nổi tiếng của Pháp, thời Pháp còn cai trị xứ ta loại này khá phổ biến, nhưng sau 1954 mất dần. Nó là cái tên gây ấn tượng sâu đậm trong cuộc sống, giống như những năm 70 - 80 người ta gọi chung xe máy bằng cái tên Honda. Xe Pơ giô (Peugeot) là thứ bằng chứng về đẳng cấp con người trong xã hội miền Bắc trước 1975. Người ta truyền nhau câu vè như thứ kết luận chắc nịch “Đẹp giai đi bộ, không bằng mặt rỗ đi lơ”. Lơ tức là xe đạp Peugeot, mặt rỗ chỉ sự xấu trai do người đó bị bệnh đậu mùa để lại vết rỗ xấu xí trên mặt. Những năm 70 - đầu thập niên 80 còn có bài thơ “10 yêu”, mở đầu là câu “Một yêu anh có Sen kô/Hai yêu anh có Pơ giô cá vàng”. Sen kô thì ai cũng biết là đồng hồ Seiko của Nhật, một trong hai loại đồng hồ xịn và phổ biến lúc bấy giờ, loại kia là Orient, một phần do thủy thủ Vosco đi Nhật đem về, một phần mua từ miền Nam sau 1975. Nhưng Pơ giô cá vàng thì khá nhiều người hiểu sai, nhất là mấy bạn trẻ, nhà báo trẻ không sống thời đó. Pơ giô cá vàng không phải xe đạp mà là xe máy Peugeot, mặc dù xe đạp cũng có màu cá vàng. Xe máy Pơ giô có 2 màu, cá vàng và xanh da trời. Không hiểu nó từ Pháp sang bằng đường nào, có nhẽ qua ngả Hồng Kông.
Về xe đạp Pơ giô, có thêm chút ký ức này. Hồi tôi còn bé, độ 10 tuổi, mỗi lần hai anh em tôi khiêng rau cải rau muống lên bán trên chợ huyện, đi tới chỗ làng Lái (làng Cẩm La), gần trường cấp 2 Thanh Sơn (H.Kiến Thụy, HP) có một ngôi nhà xây tương đối mới, anh Uy tôi bảo đó là nhà ông Cam sũng. Ông ấy độ ngoài 40, tên Cam, nhưng từng mắc bệnh phù thũng, da mặt chảy xệ xuống nên bị đặt thành Cam sũng. Mọi người kể rằng ông là Việt kiều ở Tân đảo hồi hương năm 1962, theo lời dụ của chính phủ về xây dựng đất nước. Gia đình ông có hẳn cặp xe đạp Pơ giô mới toanh, ai thấy cũng thèm. Thời gian sau, nghe nói kẻ trộm vào thó mất một chiếc. Gia đình ấy cứ lụn bại dần, tới khi tôi học cấp 3 trường huyện, đi ngang qua ngó chỉ còn căn nhà cũ kỹ đổ nát, không thấy ông Cam sũng, chẳng thấy xe Pơ giô. Chuyện Việt kiều từ Tân đảo hoặc Thái Lan hồi hương, nhiều đoạn cười ra nước mắt. Xuân Ba có lần kể Việt kiều được chính phủ đưa về xứ Thanh, hỏi ai đăng ký ở Sầm Sơn, ai đăng ký ở Ngọc Lặc, nhiều gia đình chưa biết đất Thanh Hóa mô tê thế nào, nghe cái tên Sầm Sơn cứ nghĩ vùng núi non xa xôi, nhất loạt đòi về Ngọc Lặc, sau mới biết bé cái nhầm, nhưng hiểu ra thì đã muộn.
Nói thêm, bài “10 yêu” kia, tiếp theo là những câu “Ba yêu si téc gọn gàng/Bốn yêu hộ khẩu đàng hoàng thủ đô/Năm yêu không có bà bô/Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về”… Giải thích thêm, si và téc là hai loại vải may quần tây sang trọng thời bao cấp trước 1975, rất hiếm, chứ không phổ biến như kaki Nam Định hoặc chéo xanh sĩ lâm. Si là simili, téc là tergal, nếu được simili màu lông chuột thì càng oách. Chỉ có vải quần bộ đội kaki Tô Châu của Trung Quốc mới có thể đọ hai loại này. Ông bô bà bô là cách bọn trẻ ám chỉ bậc cha mẹ, thậm chí có đứa còn coi thường gọi bố mẹ là cụ khốt, lấy cái tên ông già cổ hủ trong cuốn truyện thiếu nhi “Ông già Khốt ta bít”. Văn Điển là cái nghĩa trang lớn nhất thủ đô hồi ấy. Nhà cầm quyền chia chỗ chôn cất quốc doanh do nhà nước quản lý thành 2 dạng nghĩa trang: chỗ chỉ dành cho ông to bà lớn, quan chức cấp cao là nghĩa trang Mai Dịch; chỗ cho cán bộ thấp hơn, thứ trưởng trở xuống, và dân chúng, là nghĩa trang Văn Điển. Ông bô sắp về Văn Điển thành tiêu chuẩn thứ 6.
Liên quan tới Văn Điển, nhớ chuyện cụ Trần Huy Liệu. Cụ là nhà cách mạng, trí thức nổi tiếng, từng dẫn đầu nhóm 3 người gồm cụ, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận thay mặt chính quyền cách mạng vào Huế tước ấn kiếm của vua Bảo Đại, bắt vua phải thoái vị. Cụ Liệu cũng từng làm quan to, Phó chủ tịch chính phủ lâm thời (chỉ sau ông Hồ), bộ trưởng bộ tuyên truyền thời sau cách mạng tháng 8, là đàn anh của phần lớn những ông đang nắm quyền sinh quyền sát. Vậy nhưng khi cụ Liệu mất tháng 7.1969, mất trước cụ Hồ, về sau tôi có nghe kể người ta nhất quyết không cho chôn ở Mai Dịch, bắt phải đưa sang khu A bên Văn Điển. Nghe kể rằng hung hăng nhất vụ này là Lê Đức Thọ, đến nỗi Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, và cả cụ Hồ, cũng không dám ý kiến gì. Năm 1973 (hoặc 1974), tôi có đi đưa tang một cô em của bạn học cùng lớp, lúc sắp tan có tò mò sang khu A, ngó thấy mộ cụ Trần Huy Liệu, chợt ngậm ngùi về cách đồng chí trong đảng đối xử với nhau. Sau này nghe nói người ta đã sửa sai, rước cụ sang Mai Dịch, nhưng cũng chả xóa được cái tiếng xấu tiểu nhân kia. (còn tiếp)
Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Chuyện xe đạp (kỳ 4) 

Trước tháng 4 năm 1975, tất nhiên là ở miền Bắc, khi xe máy hầu như rất ít, đám Simson - Mokick từ Đức, Minsk (còn gọi là Min khơ) từ Liên Xô chưa về thì Pơ giô cá vàng là đỉnh, chỉ đứng sau Vespa (Ý). Nhớ độ năm 74 - 75 chi đó, tôi đến thư viện quốc gia trên đường Tràng Thi tìm tài liệu cho thầy Hà Minh Đức, gọi là đi thực tế, thấy trong quầy kính của Công ty Xe đạp Thống Nhất bên kia đường, phía đối diện thư viện, bày chiếc Vespa màu xanh nhạt, hình như tên đầy đủ là Vespa Piagio, đề giá 4.000 (bốn nghìn) đồng, đọc xong phát khiếp, choáng như bị say nắng. Cả Hà Nội thời đó có lẽ số lượng xe máy Vespa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bốn nghìn đồng thì mua được mấy căn nhà, hoặc bao nhiêu là ruộng.

Cùng cặp với Pơ giô cá vàng những năm đó còn có loại xe máy nữa là Mobylette cá xanh, giá rẻ hơn chút. Năm 1976, vợ chồng ông Giễ anh họ tôi cùng vợ chồng cô em gái ông là cô Nộm chú Lộc ở thủ đô về quê chơi, 4 người diện trên 2 chiếc xe máy, một Pơ giô cá vàng, một Mobylette cá xanh, oai có kể, trong họ ngoài làng ai thấy cũng khiếp, trợn tròn mắt. Lạ là chiếc xe nhỏ như thế mà chất lên đó 2 người, chạy hơn trăm cây số, vừa đi vừa về hơn hai trăm cây, vẫn không sao. Nhớ năm 1982, trong Sài Gòn, anh Nguyễn Bác Chính trưởng phòng hành chính trường tôi mua được chiếc xe máy Tiệp Babetta, anh khoe đã có lần chạy từ Sài Gòn tới Vũng Tàu hơn 120 cây số, nghỉ dọc đường đôi lần, mà xe vẫn không bị… cháy, thế cũng khiếp.
Những loại xe đẳng cấp khác, phải kể tới Diamant, Mifa (Đức), Favorit (Tiệp), đều đẹp cực kỳ, giá rất đắt, chỉ những tay chơi sẵn tiền mới dám sắm. Ông Tế anh họ tôi thời làm phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp được phân phối chiếc Favorit, năm 67 - 68 gì đó, giá hơn 400 đồng. Chạy được vài năm, lốp mòn nhẵn thín, băng bó chằng buộc đủ kiểu, chờ mãi vẫn không tới lượt được phân phối mua vỏ mới, có lúc phải xếp xó. Đã có câu ca gắn với chiếc xe đỉnh này, “Làm trai cho đáng nên trai/Có Favorit có đài Ori” (đài Ori là chiếc radio Orionton của Hungary). Cỡ chủ nhiệm hợp tác xã thì phải ráng sắm được chiếc Orionton mặc dù nó rất tốn pin, chứ đeo Xianmao của Tàu thiên hạ họ cười cho.
Khi những nghiên cứu sinh, lưu học sinh ở Liên Xô về, người nào cũng đóng thùng vài ba chiếc xe cuốc (miền Nam gọi là xe cuộc) Sputnik của Liên Xô cao lênh khênh, ghi đông khoằm khoằm, lốp nhỏ xíu. Liên Xô còn có xe Con én (lô gô khắc hình con chim én) cũng cao kều, không có xe nữ. Mua được xe Sputnik hoặc Con én, nếu cứ để nguyên đi cũng dở bởi nó quá cao mà người xứ ta phần đông lùn tịt, đạp xe phải nhón đầu ngón chân, nhiều anh chị người thấp dừng xe là ngã nếu không kịp thò chân xuống chống. Nhưng dở nhất là săm lốp mòn hỏng thì không có phụ tùng thay thế. Đúng là mấy ông XHCN tinh chơi kiểu riêng chả giống ai, cứ một mình một phách. Xe Con én hoặc Sputnik vành 680, xe Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu vành 660, trong khi thông số kỹ thuật chuẩn phổ biến trên thế giới là 650. Vậy là lại phải đem ra những chỗ sửa xe uy tín, chuyên nghiệp để xuống khung, cắt vành, làm lại ghi đông cho hết khoằm, có chỗ còn chuyển từ xe nam sang xe nữ cho dễ đi. Công nhận thợ VN tài thật, cái gì cũng làm được.
Thời chiến tranh phá hoại xuất hiện chiếc xe con trâu (chỉ một dạng xe nam khung ngang, không có xe nữ) cũng của Liên Xô, vành dững 700, toàn bộ xe kể cả ghi đông lẫn vành sơn đen trùi trũi. Ông Huy anh tôi bảo họ sơn đen tuyền như thế để cho máy bay Mỹ khó phát hiện. Từng nghe kể có những người đi xe đạp, ghi đông và vành mạ sáng quá, hắt ánh chói lên, máy bay thấy dội bom, chết oan. Màu trắng thời ấy là thứ màu tối kỵ. Quần áo cũng phải nhuộm nâu, nhuộm xanh. Đứa nào mặc áo sơ mi trắng có khi bị chửi. Còn truyền nhau câu thơ “Ngày xưa áo trắng anh yêu/Ngày nay áo trắng mục tiêu quân thù”. 

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Chuyện xe đạp (kỳ 5) 

Nói thêm, nhà tôi cũng như nhiều nhà khác không có xe đạp bởi nhiều lý do, như không thuộc diện phân phối, không có tiền, vả lại thày bu làm được đồng nào còn để dành dụm tiết kiệm sinh sống, đóng tiền học phí cho con cái. Nhà tôi chỉ cách bãi biển Đồ Sơn gần hai chục cây số nhưng mãi tới ngoài hai mươi tuổi, khi gần tốt nghiệp đại học tôi mới biết biển Đồ Sơn mặt mũi nó thế nào. Đi bộ thì xa, mượn xe thì ngại. Lâu nay đi bộ vốn quen, gọi đùa là đi “xe căng hải” (xe hai cẳng) vài cây số là thường, thậm chí nhiều lần kéo xe cải tiến chở dưa hấu, rau cải tàu ra tận ngoài chợ An Dương ở Phòng, cuốc bộ hai chục cây số, nhưng đó là đi bán hàng, chứ tự dưng đi bộ chơi bời thì xa quá ngại quá, thà ở nhà.
Nhân dịp có ông Hiệp anh họ ở ngoài Phòng (dân quen gọi nội thành Hải Phòng như vậy) về chơi, tôi mượn được chiếc xe đạp ra sân hợp tác tập. Khổ nỗi xe nam gióng ngang, chân thì ngắn, phải luồn qua khung tập lấy đà, vẹo hẳn một bên trông như làm xiếc. Ông anh sợ tôi ngã làm xước sơn xe, còn cẩn thận trải rơm lên mặt sân gạch, vì thế càng khó chạy. Phải mất mấy lần tập kiểu đó, rồi cũng biết chạy xe. Nhưng rồi vẫn đi bộ, tập sẵn cho biết chạy thôi.
Anh Uy anh ruột tôi là học sinh giỏi toán nổi tiếng trường huyện Kiến Thụy nên năm lớp 9 (1968) được huyện xét ưu tiên phân phối chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, giá hơn 170 đồng, ngang gần 3 tháng lương kỹ sư (hôm trước tôi viết nhầm thành 70 đồng, bác Lương Trần Khải đính chính bảo là 175 đồng cơ, bởi bác ấy cũng được mua dịp đó, 3 người 3 chiếc, chiếc còn lại của bác Nguyễn Anh Tuấn (sau là “trùm” thuốc tây đất cảng). Quý như vàng. Một lần tôi lấy chạy thử, táy máy làm mất chiếc mũ van (miếng nhựa nhỏ xoáy chụp trên đầu van bơm hơi, van jun chứ không phải van hạt gạo), anh tôi tiếc mãi, sợ xe sẽ mất hơi, buồn mất mấy ngày. Mà xe thiếu nhi Liên Xô vành chỉ cỡ 550, không kiếm đâu ra săm lốp, chạy mãi bị xóc gai cắm đinh, chiếc ruột (săm) xe vá chằng vá đụp, còn vỏ (lốp) xe thì cuốn bọc băng bó hơn cả thương binh nặng. Năm 1969, tốt nghiệp phổ thông, anh tôi đi bộ đội, bàn giao con ngựa sắt lại cho tôi, dặn dò tỉ mỉ cẩn thận lắm, cứ như giao đứa con cầu tự chứ không phải xe đạp. Tôi vào Nam, lại giao tiếp “con cầu tự” cho cô em gái. Chúng tôi trưởng thành, lớn lên được với đời, nhờ bố mẹ, thầy cô thì tất nhiên rồi, nhưng thực lòng, cũng phải cảm ơn cu cậu thiếu nhi Liên Xô ấy nhiều lắm.
Chuyện liên quan đến xe đạp cũng lắm điều vui điều buồn. Hồi bé tôi được nghe kể ở làng có ông Biện, ông có “bộ đồ nghề đàn ông” ngoại cỡ, mỗi lần đi xe đạp phải cẩn thận bế nguyên hai hòn dái to lên, đặt ngay ngắn đã, sau mới nhấc đít ngồi vào yên, chả là sợ ngồi phải dái thì thọt dái. Chú Cước học cùng lớp với tôi nhưng vai chú, cười bảo ông trời chả cho ai hoặc lấy của ai mọi thứ, được sướng lúc này thì khổ lúc khác. Nhưng chú Xích, anh ruột chú Cước thì lại bảo ông Biện bị bệnh sa đì, dái to nhưng hoạt động kém hiệu quả. Chả biết tin ai.
Những năm đầu 60, thôn tôi có nhiều bộ đội về đóng quân. Tinh lính thợ, mà lại thợ mộc. Chả là Trung Quốc đang giúp đục rỗng quả núi Chè ở xã tôi để làm hầm đặt súng đại bác chĩa ra biển, lính thợ mộc nhà ta chuyên làm khung hầm rồi giao cho họ thi công. Nhà tôi ngay sát đường nên bộ đội thích ở. Trong số đó có chú tên A (Nguyễn Văn A đàng hoàng, không phải tên viết tắt) người Vĩnh Bảo. Chú A có chiếc xe đạp nữ Thống Nhất, giữ kỹ lắm, chả bao giờ tôi dám hỏi mượn. Một lần chị Khoắn tôi với bá Thơ (cùng tuổi chị tôi) đang là nữ dân quân xã, đánh liều hỏi chú A cho mượn xe để đi phố Hải Phòng mua sắm. Chú A thì đang thích chị tôi nhưng cũng phân vân mãi, cuối cùng cũng phải cho mượn. Hai bà nhà ta phởn chí phóng ra Phòng, chiều về mặt mũi nhăn nhó báo tin xe bị đâm vào gốc cây, cong vành, đã sửa tạm. Tôi còn nhớ chủ xe khi ấy khổ sở đau đớn như thế nào, thậm chí đến tối còn khóc thút thít bởi tiếc xe mà không dám bắt đền. (còn tiếp)

Nguyễn Thông 

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

Chuyện xe đạp (kỳ 6) 

Bọn trẻ, thanh thiếu niên bây giờ được “đội ta lớn lên cùng đất nước”, hưởng những thành quả của cuộc sống đổi thay theo thời gian (chậm so với ở nhiều nước khác cùng xuất phát điểm) nên hầu như không có mấy kiến thức về xe đạp. Cũng phải thôi, chả nhẽ bắt chúng chịu mãi phận nghèo khó như cha anh chúng. Kể những gì liên quan tới loại “xe của một thời” này, phần để mua vui, phần cho con cháu ngậm ngùi biết cha mẹ ông bà chúng đã đoạn trường như thế nào.
Như nhà cháu đã biên hầu các vị, chiếc xe đạp những năm 80 trở về trước là thứ tài sản giá trị nhất của nhiều gia đình, có nhẽ chỉ sau căn nhà. Quê tôi nông thôn nông dân, rất nhiều nhà mãi tới thập niên 90 mới sắm được xe đạp, có cái để đi lại, đi làm, cho con học trường xa đỡ vất vả. Quý lắm. Hồi thập niên 80 người ta chen nhau đi tìm đường cứu nước cứu nhà, bằng cách sang Tây xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Tiệp Khắc, Đức, Bun làm thuê, gọi màu mỡ riêu cua là hợp tác lao động. Trong dân gian truyền nhau câu vè “Có vợ mà để đi tây/Như xe không khóa bỏ ngay bờ hồ”, chẳng khác gì mời cụ xơi. Bờ hồ Gươm khi ấy là ổ trộm cắp, người ta bảo nhau mỗi mét vuông phải vài đứa. Mất xe đạp là đại hạn. Vợ cho đi tây và xe không khóa để bờ hồ na ná nhau.

Xe đạp ở miền Bắc giống như… cuốn từ điển tiếng Pháp. Các bộ phận, phụ tùng của xe đều được gọi bằng tiếng tây, chẳng hạn ghi đông, xích, líp, gác đờ bu, gác đờ xen, gác ba ga, cổ phốt, đinh ca vét, săm, lốp… nghe sang trọng, rất bác học. Thời đó người ta truyền tai nhau chuyện một ông cán bộ trong lý lịch mục ngoại ngữ khai biết tiếng Pháp, khi kiểm tra trình độ, ông ta tuôn một hơi gác đờ bu, gác đờ xen, ghi đông…, giám khảo liền cho qua. Khi tôi vào Nam, một trong những điều rất thiện cảm là thấy trong này đã Việt hóa các bộ phận của chiếc xe đạp bằng từ rất nôm na, sát hợp, giản dị, dễ thương, ví dụ tay lái, chắn bùn, niềng, vỏ, ruột… Người nam giỏi ngoại ngữ hơn người bắc nhưng lại rất có ý thức dùng tiếng Việt, trân trọng tiếng Việt. Về khoản này, thấy người nam hơn. Đó là sự thực.
Những năm bao cấp, nhiều chiếc xe bị hỏng, không có phụ tùng thay, nhất là gác đờ bu, gác ba ga, được đặt tên xe cởi truồng. Bọn thanh niên nhại lời bài hát “Tôi người lái xe” của nhạc sĩ An Chung (ca sĩ Quốc Hương hát bài này cực hay) thành “Xe tôi không chuông không phanh không gác đờ bu vẫn lai cô em trên đường phố đông, một hồi còi tít lên inh tai, rồi lù lù thấy ông quan hai, anh vẫn lờ đi xông vào đám đông”.
Chở nhau bằng xe đạp, ngoài Bắc gọi là lai nhau, nhiều nơi là đèo nhau. Thấy bạn đi bộ, đứa có xe bảo ra đây tao lai, ra đây tao đèo. Cách lai/đèo chở nhau bằng xe đạp ở hai miền cũng rất khác. Ngoài Bắc thì người chở gò lưng đạp một đoạn, người kia hổn hển chạy theo lấy đà phốc lên gác ba ga, ngồi quay sang một bên, phụ nữ hay cụ già được chở đều vậy. Còn trong Nam, tài xế trên yên chờ sẵn, đợi người phía sau ngồi ngang hai chân hai bên chắc chắn đã rồi mới đạp đi. Sau 1975, có lẽ cách đèo/lai/chở của miền Nam ưu việt nên cả nước quy về một kiểu Nam. Ông thầy Vy bạn tôi gọi là cuộc giải phóng ngược. (còn tiếp)
Nguyễn Thông 

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

Chuyện xe đạp (kỳ 7) 

Nhớ tới chiếc xe đạp ở miền Bắc thời bao cấp và chiến tranh trước năm 1975, thậm chí ngay cả chục năm sau kể từ tháng 4.75 nữa, có mà kể cả ngày chả hết. Điều đầu tiên được nhiều người trong cuộc, đã từng trải qua năm tháng ấy, là nghĩ ngay chuyện xe đạp phải đem đi đăng ký với công an và có biển số xe. Hồi năm 1977 tôi vào nhận công tác ở Sài Gòn, mấy tháng đầu để ý quan sát xem cuộc sống từng dưới ách kìm kẹp của Mỹ ngụy có khổ như mình đã nghe nói không, thấy xe đạp ít hơn xe máy, xích lô máy, xe lam, ô tô. Và điều đặc biệt, xe đạp không hề có biển số. Chiếc xe đạp duy nhất có biển số trong Nam, mà biển số Hà Nội đàng hoàng, nơi ký túc xá tôi ở, là của chị Nguyễn Thị Từng. Cả hai anh chị (chồng chị là anh Phan Đình Nham) đều là giảng viên Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau “giải phóng”, anh đi nghiên cứu sinh bên Hungary, còn chị được điều vào Nam, đem theo cả chiếc xe gia tài còn nguyên biển số miền Bắc. Nhiều người “tại chỗ” dòm nó, rất ngạc nhiên sao xe đạp cũng biển số. Thầy Duyệt dạy lý, thầy Hảo dạy toán là những giáo viên cũ được cách mạng “lưu dung” có lần trong cuộc trà lá tối, bảo rằng miền Bắc cái gì cũng độc đáo, chả giống ai, xe đạp mà cũng đeo biển, chỉ thiếu điều chưa gắn cho người.
Đã gắn biển số thì sinh ra chuyện số đẹp số xấu. Anh Bùi Trọng Cường bộ đội đi học thời đại học với tôi có chiếc Phượng Hoàng cánh chả, biển số Hà Tây (nhà anh ấy ở Sơn Tây, xứ Đoài), biển số đẹp, hình như 3 số 5. Biển số xe khi ấy có cả những biển 9 nút, số tiến, không khác chi biển số xe máy sau này. Xứ ta rất lạ, hầu như cái gì gắn với số là đem vận vào người. Có lần thằng Nhật em họ tôi cười, giày dép còn có số nữa là người. Anh Nguyễn Bác Chính trưởng phòng hành chính trường tôi năm 1982 sau khi bán con xe máy Babeta, thêm tiền mua được con Honda DD đỏ, loại cực xịn bấy giờ, chả biết nhờ ai mà gắn được biển số 666, chín nút, tam lộc, rất hãnh diện. Oai hơn cả thầy hiệu trưởng. Vừa rồi coi tivi thấy quốc hội bàn cãi náo nhiệt về việc đấu giá biển số đẹp, thậm chí ông giám đốc công an Hà Nội còn đòi phải bán với giá thật cao, giá khởi điểm 100 triệu đồng chiếc, nghĩ buồn cười. Vừa tham tiền, lại vừa mê tín, chả ra làm sao. May mà thời xe đạp biển số, các vị ấy chưa có hoặc đang quần thủng đít, chứ không lại tiền gà bằng ba tiền thóc, tiền biển bằng tiền xe thì bỏ cụ.
Có biển số tức là có giấy đăng ký. Tôi còn nhớ chiếc xe nhà tôi mua năm 1976 (chiếc này sẽ kể sau) đem lên Công an huyện An Thụy để đăng ký (trước đó huyện Kiến Thụy nhập với huyện An Lão thành huyện An Thụy; thời gian sau lại bị tách ra để nhập vào với Đồ Sơn thành huyện Đồ Sơn, thời sau nữa lại tách tiếp thành huyện Kiến Thụy bây giờ; các bố cứ thích là làm, dân chóng cả mặt. Có lần công an quận 5 Sài Gòn nghi ngờ tôi khai hồ sơ gian dối, sao có lúc khai quê An Thụy, lúc lại là Đồ Sơn, lúc thì Kiến Thụy, tôi nửa đùa nửa thật bảo anh ra ngoài Phòng mà hỏi, tôi mà khai láo cứ bắt tôi đi tù). Vẫn nhớ như in tờ bìa con con màu xanh nhạt to hơn bàn tay người nhớn ấy có tên “Giấy chứng nhận sở hữu xe đạp”, trong đó ngoài nội dung ghi rõ xe hiệu gì, kiểu nam hay nữ, màu gì, số xe, số khung, của ai, còn có cả hướng dẫn người sử dụng/chủ sở hữu phải đi lại thế nào, đặc biệt có câu cảnh báo “cấm mua bán lén lút”, muốn bán muốn mua phải đem ra công an để sang tên, đổi biển số, ai vi phạm mà bị phát hiện sẽ bị tịch thu. (còn tiếp)
Nguyễn Thông 


Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Chuyện xe đạp (kỳ 8) 

Cứ phải nhắc lại ngay từ đầu mỗi kỳ, đây là ký ức về miền Bắc thời bao cấp và chiến tranh trước năm 1976 (bởi năm 1977 tôi vào Sài Gòn nên không rõ những năm sau đó).
Xe đạp là thứ gia tài, gia sản quý hiếm, giá trị vào loại bậc nhất của những gia đình sắm được nó nên sự gìn giữ “con ngựa sắt” này chả khác gì “gìn giữ con ngươi của mắt mình”, thậm chí hơn cả đạo đức cách mạng. Mượn xe đạp cũng như cho mượn xe đạp là chuyện tối kỵ. Đường sá lởm khởm, tinh mảnh chai mảnh sành, săm lốp lại cũ kỹ vá chằng vá đụp nên sự thủng săm bể lốp là chuyện thường. Chưa kể những vụ lớn như đâm xe vào trâu bò hoặc gốc cây làm chùn khung, cong vành, những vụ nhỏ như mất nắp chuông, gãy đũa, vỡ bi, đứt phanh, rách yên…, chả nhẽ bắt đền. Vì vậy, nhiều chủ xe, khi không đi liền xì hết hơi ra nói xe hỏng để khỏi cho mượn. Người ta còn kể cho nhau, có ông tuyên bố dứt khoát, vợ có thể cho mượn được, chứ xe dứt khoát không.
Có những chiếc xe đạp được chủ xe o bế hơn cả… vợ. Sắm cho vợ cho con chiếc áo mới thì cân nhắc lưỡng lự, chứ xe phải thật bóng bẩy đẹp đẽ. Lúc bận chả nói làm gì, còn rảnh là lôi xe ra lau chùi không còn hạt bụi. May vải có cả tua rua kim tuyến bọc yên xe. Hai cọng tanh gắn giữ gác đờ bu được buộc thêm túm lông gà vào để nó “ô tô ma tíc” tự động quét sạch vành. Nhiều bác còn gắn trên mũi gác đờ bu trước chiếc máy bay con con làm bằng đuy ra xác máy bay Mỹ, hoặc gắn cờ đuôi nheo xanh đỏ… Trông chiếc xe đạp cứ như nhà triển lãm di động.
Sắm được xe thì thích đấy nhưng rước nỗi khổ không có phụ tùng thay thế. Tất tật hàng hóa kể từ hột muối phải mua từ cửa hàng nhà nước. Chợ đen cũng có nhưng cực hiếm và đắt, người ít tiền không theo nổi. Nhiều chiếc xe pê đan (bàn đạp) mòn vẹt, đang đi rụng ra, được thay bằng cục gỗ, đạp kêu cót két. Có những chiếc săm bị vá vài chục vết, dày như mo nang. Hồi chiến tranh, anh An gù sửa xe làng tôi còn có sáng kiến đập những vỏ quả bom bi con chưa nổ lấy viên bi thay bi ở các ổ trục bị mòn. Quán sửa xe nào cũng thạo nghề lộn xích để dùng lại khi răng nó đã nhọn hoắt. Cuối năm xét thưởng thi đua, lao động tiên tiến mà được thưởng chiếc lốp chiếc săm, nhất là sợi xích thì còn hơn trúng số độc đắc.
Nhắc đến quán (tiệm) sửa xe đạp, nhớ hồi thập niên 60 - 70 lúc đầu cả làng tôi chả có quán nào, đơn giản vì ít xe quá, nếu xe hỏng thì chịu khó dắt lên huyện sửa. Có ông sợ dắt hỏng thêm bèn vác. Giữa năm 1964 dân phố sơ tán về, các dịch vụ cũng về theo. Ven đường gần sân ủy ban cũ mọc lên quán của anh An gù. Anh bị gù lưng, nhỏ người, nghe đâu có võ, chả đứa nào dám trêu. Thằng Bình cũng dân sơ tán học cùng cấp 2 với tôi, loại đầu gấu, có lần bảo võ cũng đéo sợ, nhưng khi thấy anh An gù phi dép lê trúng mặt một đứa chửi gây sự ở quán liền sợ xanh mặt. Anh An gù sửa xe rất thạo, chỉ nhoáng cái là xong, tài nhất là gõ vỏ bom bi lấy viên bi thay cho bi xe bị mòn, xe lại bon bon hết cả lục cục.
Tháng 7.1972, tôi đi thi đại học tuốt bên huyện Vĩnh Bảo, cách nhà gần 40 cây số. Mượn chiếc Peugeot của ông Thắng anh họ tôi là giáo viên cấp 3 trường huyện. Đến gần bến phà Khuể, một con nghé từ lề đường nhào ra, tôi tránh không kịp, cong vành, phải sửa hết 2 đồng. Đến khi thi xong về, tôi sợ không dám thú thực ngay nhưng anh Thắng tinh lắm, nhìn là biết ngay xe bị tai nạn dù đã nắn vành, bèn mách chú thím, tức thày bu tôi. Tôi đang đập nương ngoài ruộng HTX bị điệu về, nằm trên cái cánh cửa, thày quất cho chục roi vào đít, không phải tội làm hỏng xe mà là tội giấu diếm, không thật thà. Năm ấy tôi 17 tuổi. Hơn 3 tháng sau, chính anh Thắng lại lấy cái xe ấy hì hục đèo tôi theo đường 5 lên tận Hà Nội để thằng em nhập học Trường ĐH Tổng hợp, dọc đường tránh mấy trận bom máy bay Mỹ đánh cầu Phú Lương và Lai Vu. Đi từ sáng sớm, tối mịt mới đến phố Triệu Việt Vương. Nghỉ nhà người quen một đêm, hôm sau tôi đi bộ lên huyện Yên Phong (Hà Bắc) ven sông Cầu, còn anh tôi lại tất tả đạp xe 120 cây số về. Thương lắm. (còn tiếp)
Nguyễn Thông 

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Chuyện xe đạp (kỳ 9) 

Nhớ năm 1969 hoặc 1970 gì đó ở huyện (Kiến Thụy, Hải Phòng) xôn xao vụ xe đạp. Chả là bọn trẻ đi vớt le mọc trong dòng nước sông Đa Độ về làm rau lợn, tới đoạn chảy qua làng Sâm Linh xã Minh Tân thì chúng vớ phải hai chiếc khung xe đạp. Nghe kể một khung Favorit, khung kia xe Thống Nhất, đều còn khá mới. Phụ tùng bị tháo hết, sạch sành sanh, trơ khung. Người ta nói với nhau bọn trộm thó được nguyên xe nhưng không dám dùng, sợ bị công an bất chợt điều tra kiểm soát trên đường sẽ tòi ra xe gian. Mỗi xe đều có số khung, biển số, sớm muộn sẽ bị phát hiện, nên chúng chỉ rã lấy phụ tùng đem ra chợ Sắt bán. Sau này, có bọn chuyên nghiệp hơn, mài số khung cũ và đục được số khung mới, sơn lại, thay đề can, làm giấy tờ giả để đem đi đăng ký lại. Hai chiếc khung xe trong đám rau lợn kia, cuối cùng công an căn cứ vào số khung, dò theo danh sách đăng ký, biết chủ xe người xã Minh Tân, trong đó một cái của gia đình ông bạn học với tôi, anh Vũ Trường Thành thôn Cốc Liễn. Thành kể, nhận khung về nhưng cũng bỏ đó bởi “đéo” có tiền mua phụ tùng lắp ráp lại.
Những năm xa ấy, hay sinh chuyện đi nhờ xe đạp. Mỗi xe đều lắp poóc ba ga phía sau để chở thêm một người. Nhiều ông cán bộ lên huyện họp đi xe không, dễ bị nhờ. Về sau, họ đối phó bằng cách buộc món gì nhè nhẹ cồng kềnh vào để người ta thấy, không nhờ nữa. Nhiều ông, mặc người già trẻ con vẫy tay xin đi nhờ, cứ kệ, phóng vụt qua. Nhưng gặp nón trắng vẫy vẫy thì khó thoát. Nhiều ông cho nàng đi nhờ, còng lưng đạp, toát mồ hôi vẫn vui như tết. Kể ra được “em” ngồi ép sát phía sau, mềm mềm âm ấm, chuyện trò ríu rít, trời cũng thua chứ nói gì đàn ông trai trẻ. Có ông bị người làng bắt gặp, về kể cho bà nhà nghe, bà bỏ dở buổi cấy tốc thẳng về, này nhé tang chứng vật chứng lời chứng rành rành, thế là vợ chồng cãi nhau chí chết.
Liên quan tới cái ba ga xe đạp, lại nhớ chuyện chú Phạm Tuân. Nhờ công bắn rơi máy bay B52 Mỹ (chả biết có thật không, bởi không thấy xác chiếc pháo đài bay ấy), lại đẹp trai, khỏe mạnh, chú được sang Liên Xô để đào tạo thành phi công vũ trụ. Năm 1980 chú Tuân bay vào vũ trụ cùng với phi công Liên Xô Gorbatko, đem theo bèo hoa dâu lên đó để… nghiên cứu. Về sau, chả ai biết công trình nghiên cứu ấy sống chết thế nào. Chú Xích cắt tóc ở làng tôi cười bảo, ối giời, đi nhờ ba ga lên chơi thôi chứ nghiên cứu nghiên kiếc gì.
Lại nhớ những con đường, vào mùa thu hoạch lúa đều bị phơi rơm trải đầy, đi xe qua khó lắm, nhất là nó cuốn vào xích, đạp nặng vô cùng. Nhiều đứa phải dừng lại hì hục tháo tháo gỡ gỡ rồi mới chạy tiếp được. Ghét nhất là những đứa nhà khá giả, thày bu nó sắm xe Phượng Hoàng hoặc Vĩnh Cửu xích hộp, rơm phơi dày mấy cũng chả xi nhê gì, đạp bon qua, liếc mình bằng nửa con mắt. Xe xích hộp là minh chứng cho thứ đẳng cấp sống trong xã hội lúc bấy giờ. Công nhận bọn Trung Quốc tài thật, cái gì chúng cũng nghĩ ra, làm được. Chả hiểu sao, chỉ chế xích hộp thôi mà nhà máy xe đạp Thống Nhất của ta bó tay chịu chết. Tôi chưa hề thấy chiếc Thống Nhất xích hộp bao giờ. Thế mà cán bộ tuyên truyền lúc nào cũng khen nức nở người Việt Nam thông minh, sáng tạo. Vừa rồi, cô em tôi bảo, đến cái vắt cam, hoặc con dao gọt mướp gọt trái cây rất đơn giản cũng nhập từ bên Tàu, rồi ta bắt chước họ, thì đừng nói thông minh sáng tạo. Hồi nhỏ ở nhà, tôi gọt mướp bằng cái cật tre lắp gán vào lưỡi dao, tuy chỗ dày chỗ mỏng nhưng cũng nhanh hơn gọt thường. Mười mấy năm vẫn thế. Sáng tạo của dân ta hình như chỉ đến mức ấy.

Chạy trên đường rơm còn rất nguy hiểm bởi dễ sụp những chỗ rãnh tát nước, và nhất là gặp bọn trẻ con chơi ngoài đường. Cô Ngọt em tôi kể có lần đạp xe qua chỗ mấy đứa trẻ thò chân ra ngoài. Cô chạy chậm lại, nhắc chúng mày rụt chân vào kẻo xe tao kẹp (cán) phải. Chúng không những chả rụt mà còn thò ra nhiều hơn, rồi thách thức “bà cứ kẹp vào chân tôi đi, phải đền tôi 2 hào”, nghĩ mà tức nhưng đành chịu. (còn tiếp)
Nguyễn Thông 

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2023

Chuyện xe đạp (kỳ 10, cuối) 

Tết năm 1975, tôi mượn được chiếc xe đạp Vĩnh Cửu của một ông anh họ, ông Trác, để ra Phòng. Chả là bu tôi bảo, con đem hai chục cam ngon này ra biếu bà thông gia tương lai để thắp hương tết. Sáng 30 tết đi, ăn cơm ngoài đó, chiều tôi xin phép bác gái cho con gái (tức người yêu tôi, con dâu tương lai của bu tôi) về quê đón giao thừa, ăn tết ở quê. Được đồng ý, khoảng 6 giờ chiều, hai đứa hớn hở lên xe về. Đến đường Trần Nguyên Hãn thì xe nổ lốp. Lốp xe mòn vẹt, băng bó như thương binh nặng thế kia, chịu sao nổi hai người, dù đứa nào cũng xanh xao gầy gò. Tối giao thừa, không tiệm sửa xe nào còn dọn hàng, hai đứa lang thang dắt cái xe xẹp bánh đi thất tha thất thểu tìm nơi vá. Nàng kiên nhẫn vừa đi vừa trò chuyện động viên tôi. Còn tôi thì xấu hổ, tủi thân, mặc cảm phận nghèo đến mức không còn biết giấu cái mặt buồn đi đâu nữa. Đến gần cầu Niệm, tôi năn nỉ nàng quay về, đi bộ trở lại cũng vài cây số chứ có ít, còn tôi dắt cái cục sắt khốn kiếp đó qua tận thị xã Kiến An cách hơn 7 - 8 cây số mới tìm ra chỗ sửa.
Đêm giao thừa đen như mực, đường về huyện hơn chục cây số men sát bờ sông vắng tanh vắng ngắt không một bóng người. Tôi lầm lũi đạp xe trong giá lạnh, rét căm căm, mắt dàn dụa cứ nhòe đi, chả biết là sương đêm hay nước mắt. Hơn 1 giờ đêm mới về đến nhà, lúc ấy thiên hạ đón giao thừa xong đã đi ngủ hết. Cả nhà còn thức đợi chờ. Tôi kể lại đầu đuôi, cả chuyện định đưa người yêu về ăn tết. Thày tôi bảo, thôi, con về đến nhà là mừng rồi, thày không trách gì sất. Còn bu tôi nói thêm, trong tết hôm nào ra ngoài đó xin lỗi bà cụ và “nó”, con ạ, ai lại để con gái người ta vất vả, khổ sở thế bao giờ. Giờ nghĩ lại, nếu không xảy ra chuyện cái xe đạp hỏng chết tiệt thì đời tôi có lẽ cũng khác.
Năm 1975, đất nước thống nhất sau 21 năm nội chiến, huynh đệ tương tàn, đánh nhau chỉ vì cái ý thức hệ khốn kiếp. Hình ảnh ấn tượng khó quên mà thân thương nhất sau ngày 30.4 là những người lính buông súng trở về quê hương ngoài Bắc sau khi hoàn thành công cuộc "giải phóng miền Nam". Hầu hết lính tráng đi từ nông thôn nghèo đói, nên biết tằn tiện, biết lo cho gia đình. Trên ba lô thường cột thêm 2 món đồ rất phổ biến lúc bấy giờ: con búp bê nhựa to bằng em bé sơ sinh biết mở mắt nhắm mắt, và chiếc khung xe đạp. Phần lớn “chiến lợi phẩm” của người lính bên thắng cuộc là hai món ấy. Búp bê dành cho con cái, cho em, cho người yêu, cho bạn gái, bởi miền Bắc chưa bao giờ thấy con búp bê lạ và đẹp thế, mà lại hiếm nữa. Xe đạp dành cho cả nhà, “niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong”.
Chỉ có điều, anh bộ đội nghèo, mua nguyên xe thì không có tiền, đành mua chiếc khung mộc chưa sơn rồi tìm cách sắm phụ tùng lắp ráp dần, vả lại vận chuyển xe nguyên chiếc về tới quê cũng quá rắc rối, cước phí có khi còn hơn cả tiền mua xe. Vậy nên chỉ cần chiếc khung. Đa phần là khung thô, còn gọi là khung mộc, tức khung bằng sắt chưa sơn, chưa dán đề can, chưa có bất cứ thứ gì gắn vào. Đem về nhà đã, rồi từ từ nhặt nhạnh sắm sửa từng món, khi bộ săm lốp, khi cặp xích líp, lúc cái vành, lúc bộ đùi đĩa, pê đan, vòng bi, yên, gác ba ga, dây phanh… Bao giờ đủ thì đem ra tiệm cho thợ ráp vào. Có những chiếc xe nhãn hiệu “1975” phải mất cả năm mới lắp xong, mới chạy được. Hoàn thành, đem lên đồn công an huyện xin đăng ký biển số. Xe đạp không có biển số sẽ bị phạt, bị coi là xe gian, bị tịch thu.
Tôi nhớ, năm 1976 bu tôi vét voi mãi mới đủ tiền nhờ cậu ruột tôi ở ngoài phố Hải Phòng ra chợ Sắt mua giúp chiếc khung mộc xe nữ miền Nam do con buôn đem về, hết hơn 100 đồng. Cậu lại nhờ người mua đủ phụ tùng lắp hoàn chỉnh xe, đem về giao cho thày tôi. Thày tôi không biết đi xe đạp, giao cho tôi khi ấy đang nghỉ hè năm cuối. Tôi hớn hở chạy lên huyện, công an hạch hỏi mãi về giấy tờ mua bán khung xe và phụ tùng, xem xét từng li từng tí có hợp pháp không, sau đó mới cấp cho chiếc biển số to hơn nửa bàn tay. Tôi nhớ láng máng biển số có 2 chữ cái và 3 con số kèm theo, kiểu như HP-789. Sau khi tôi vào Nam nhận công tác đầu năm 1977, xe được giao cho cô em gái, rồi về sau số phận nó thế nào thì không rõ.
Nhờ có miền Nam mà phần đông dân chúng đất Bắc mới sắm được xe đạp, dù cũng chả dễ dàng gì. Đó là sự thực. Câu nói "miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng" ghi lại chính xác một trang lịch sử "vui sao nước mắt lại trào".
Năm 1980, anh Uy tôi học ở Liên Xô gửi về cho chiếc xe Sputnik ghi đông khoằm. Như đã nói, nếu muốn dùng lâu dài thì phải đem ra hiệu sửa xe cắt vành, uốn lại ghi đông, tốn gần hai chục bạc, để nguyên chạy thì sau này lốp mòn, ruột thủng, lấy đâu mà thay. Cắt bỏ thì phí. Tôi đem vào Sài Gòn nơi đang công tác, bán được 300 đồng, mua chiếc xe Cửu Long hết 190 đồng, còn lại để dành góp vào tiền cưới vợ. Lại nhờ xe đạp mà có vợ. (hết) 

https://thongcao55.blogspot.com/2022/10


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét