Kịch thơ Đường Sơn Đỗ Quý Sáng & Hồ Công Tâm
Los Angeles Feb. 26, 2002
[Để ghi nhớ tội bán nước cầu vinh của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cắt đất ở vùng biên giới Hoa Việt và vùng biển trong Vịnh Bắc Việt dâng quan thầy Trung Cộng vào những năm cuối của thế kỷ 20 vừa qua!]
Mở trang Đại Cáo Bình Ngô
Bút thơm tự thuở dựng cờ Chí Linh
Cổ nhân thướng mã trị bình
Thập niên binh hỏa tri tình Lũng Nhai
[HCT]
1 . Nam Quan Trường Hận!
Lời Nguyễn Phi Khanh
Nam nhi ghi nhớ hận Nam Quan
Thương khóc mà chi lệ ngút ngàn
Mài kiếm nuôi hờn, nuôi chí lớn!
Độc thư cứu quốc, cứu lê dân!
Ra đi, hồn gởi về quê Việt
Dẫu thác, xương phơi ở đất Tần
Sông núi một ngày thâu trở lại
Nghìn trùng, vọng bái kiến tân quân!
[HCT]
Lời Nguyễn Trãi
Chữ hiếu đành cam lỗi đạo thờ
Giang sơn nghĩa cả dám làm ngơ !
Bình Ngô, ngẫm kế tiêu trừ giặc
Lạc Việt, tìm phương quyết dựng cờ
Nếm mật nằm gai nơi hỏa tuyến
Vào sinh ra tử chốn quân cơ
Nam Quan, ải Bắc phân cương giới
Rửa hận ngàn sau sạch vết nhơ !
[HCT]
2 . Nguyễn Trãi ở Đông Quan
Lời Thị Lộ
Bao ngày nuôi chí ở Đông Quan
Hùng lược tiên sinh lướt gió ngàn
Thảo hịch soạn thư bài đại cáo
Mài nanh dũa vuốt mộng an dân
Đặng Dung trao kiếm trung hưng Việt
Quí Khoách chờ mưu phản kích Tần
Sao ý tiên sinh còn lưỡng lự
Bao giờ trống nổi giữa trung quân ?!
[Đường Sơn ĐQS]
Lời Nguyễn Trãi
Thề sẽ tận trung trọn hiếu thờ
Ức Trai báo quốc há lòng ngơ
Phù Hồ, cha chịu đày lưu xứ
Phục Việt, con tung dịp phất cờ
Ngại sách Trùng Quang hồi quý tộc
Kín mưu Bình Định chuyển thời cơ
Với dân nổi lửa bùng quan ải
Thỏa chí bình Ngô gột nhuốc nhơ
[Đường Sơn]
* Khi ở Đông Quan, Nguyễn Trãi làm thất vọng Thị Lộ, vì đã không đáp lời mời của Đặng Dung tham gia phục Trần cùng với Trùng Quang Đế. Nguyễn Trãi giải thích rằng mình do dự phù Trần vì e dựng lại chế độ vương hầu phong kiến mà nhà Hồ (Quí Ly) đã muốn cải cách. Nguyễn Trãi cho Thị Lộ hay mình đã ngầm liên lạc với hào kiệt ở Lam Sơn cùng toàn dân khởi nghĩa cho một thời đại mới.
3 . Nguyễn Trãi về Côn Sơn rủ Trần Nguyên Hãn phò Lê Lợi
Lời Nguyễn Trãi
Ta từ gạt lệ biệt Đồng Quan (1)
Nghĩ tủi gia thân hận bạt ngàn
Chẳng phụ Trần triều quên biến cố
Hiềm ngờ Nghệ đế rẻ lương dân (2)
Ta nương nhà cỏ mơ Lương, Lượng (3)
Ngươi ẩn thôn trang mộng Tín, Tần (4)
Lê Lợi Lam Sơn cờ đại nghĩa
Ngươi cùng ta chịu xuất đăng quân?
[Đường Sơn ĐQS]
(1) Đồng Quan là một trong 6 cửa ải ở Lạng Sơn, nguy hiểm bậc nhất, Tầu thiệt mạng ở đây nhiều nên gọi là Quỷ Môn Quan. Ông Phan Thanh Giản đi sư Tầu có tả ải này như sau:
Buổi sứ trình đêm mưa dậm tuyết
Bạn cố tri minh nguyệt quan san
Rạng ngày tới ải Đồng Quan
Tiếng xưa thập khứ nhất hoàn là đây!
Nguyễn Trãi ẩn núp dõi theo cha khắp các ải, sau gặp tại Nam Quan.
(2) Nguyễn Trãi là cháu ngoại Băng Hồ Tướng Công, Tư Đồ Trần Nguyên Đán. Đán có công dẹp Dương Nhật Lễ, tôn tướng quốc Phủ lên làm vua là Nghệ Tông. Đán cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn, gả con gái cho Nguyễn Phi Khanh trong hàng dân dã. Nuôi Nguyễn Phi Khanh ăn học đậu Thái Học Sinh, nhưng Nghệ Tông ghét dân dã mà với cao nên không dùng. Sau Hồ Quí Ly cướp ngôi, vời Khanh ra làm Hàn Lâm Học Sĩ. Cháu nội Trần Nguyên Đán là Trần Nguyên Hãn, anh em cô cậu với Nguyễn Trãi, có tài nuôi chim đưa thư và giỏi binh cơ nhưng không muốn giúp Giản Định Vương Trần Quĩ (con thứ Trần Nghệ Tông khởi nghĩa ở Ninh Bình). Nguyễn Trãi tìm được minh chủ Lê Lợi, anh hùng áo vải dân dã nên rủ Trần Nguyên Hãn ra làm võ tướng cùng giúp cuộc khởi nghĩa. Trần Nguyên Hãn sau cũng được phong chức Tư Đồ, đã quyết thắng nhiều trận quan trọng, như trận chiếm thành Xương Giang. Hãn sau bị dèm pha và bị Lê Thái Tổ nghi kỵ mà sát hại. Trên đây là hai anh em đối thoại bàn việc.
(3) Trương Lương và Gia Cát Lượng, hai bậc thầy khuông phò Hán và Hậu Hán (đời Tam Quốc).
(4) Hàn Tín và Tô Tần, hai người, một có tài binh, đời Hán và một có tài chiến lược liên minh thời tiên Tần Chiến Quốc.
Lời Trần Nguyên Hãn
Nội tổ công danh vốn thẫn thờ
Triều trung ân oán ngoảnh tai ngơ
Hồ gia thoán đoạt giành cơ trí
Trần nghiệp tang thương hoại thế cờ
Học phép đua chim đưa nhạn tín
Dùng mưu đối trận rắp binh cơ
Ngươi phò tân chúa, ta thề giúp
Dẫu vắng Đông A chẳng nhởn nhơ
[Đường Sơn]
4 . Nguyễn Trãi ở Lư Sơn hiến kế Lê Lợi vây Nghệ An để nức lòng quân dân rồi phân đánh Đông Đô
Lời Lê Lợi
Rừng rậm Chí Linh khu tuyệt quan
Lương khô cạn thả voi về ngàn
Đau lòng ngựa chiến phanh da thịt
Thiếu gạo binh tàn trọng thóc dân
Củ chuối thay khoai: trời tuyệt Việt?!!
Cao lương phó yến: nước dâng Tần?!
Lê Lai (1) khanh có thiêng phù hộ
Giúp trẫm cùng Trung Lệnh (2) trẩy quân!
[Đường Sơn]
(1) Lê Lai khoác áo hoàng bào theo gương Kỷ Tín cứu Hán Cao Tổ để Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của giặc ở Chí Linh.
(2) Trung Lệnh là chức vụ Trung Thư Lệnh của Nguyễn Trãi. Lúc này đã thoát khỏi Chí Linh về đến Lư Sơn thanh thế to lớn, hai ông tính kế đánh Nghệ An, Lê Lợi mới xưng Vương để dân nức lòng theo giúp.
Lời Nguyễn Trãi
Nằm gai đã chọn chúa tôn thờ
Thần thứ trảo nha đâu dám ngơ
Binh đội đột chinh liên tiếp thắng
Lòng dân bột khởi dậy ran cờ
Báo cho Trần Trí tiêu hòa ước (1)
Vây kín Nghệ An thượng thế cơ
Khoanh chặt đối phương – Binh tách trận
Đánh Đông Quan tẩy sạch tàn nhơ
[Đường Sơn]
(1) Ở Lư Sơn thanh thế mạnh lên nhiều, Lê Lợi báo cho Trần Trí là không chấp nhận tạm ước đình chiến nữa và cứ vây thành Nghệ An.
5 . Nguyễn Trãi bao vây Đông Quan, trình kế đả viện ở Chi Lăng. Lê Lợi phái Nguyễn Trãi vào thành gặp Vương Thông bàn kế nghị hòa.
Lời Lê Lợi
Tan hoang Tụy Động giặc điều quan
Tập kết hai thành quân vạn ngàn
Thành Nghệ, Đông Quan dồn cứ địa
Núi Lam, Bình Định nức lòng dân
Vương Thông bàn nghị mong về Bắc
Nguyễn Trãi vào dinh thử dọ Tần
Đừng để vương hầu chúng mất mặt
Nhược hai lòng, cảm tử ra quân!
[Đường Sơn]
Lời Nguyễn Trãi
Thần vào mật nghị khuyến tuân thờ
Giải kết lui quân chớ ngó ngơ
Cho dịp toàn thân về tấu giá
Bãi binh cô thế khiến thâu cờ
Hàng tâm thuyền ngựa đều công xuất
Viện kế binh đao sẽ phục cơ
Giấu mẹo Chi Lăng đồng hiểm ác
Chém đầu xâm lược để bêu nhơ
[Đường Sơn]
6 . Phá viện binh, thâu lại Đông Đô, quét sạch quân xâm lược, dựïng nền tự chủ, đại cáo quốc dân
Lời Lê Lợi
Tin mừng chiến thắng ải Nam Quan
Lớp lớp thây phơi ngó bạt ngàn
Mộc Thạnh viện binh lâm tử địa
Liễu Thăng thủ cấp hiến quân dân
Giặc Minh quét sạch ngoài biên ải
Cờ Việt tung bay khắp hải tần
Khanh thảo dùm ta tờ đại cáo
Mừng tân triều đại tiệc khao quân!
[HCT]
Lời Nguyễn Trãi
Hào kiệt tận trung nhập miếu thờ
Giang sơn gấm vóc lẽ nào ngơ
Mười năm kháng chiến nhiều gian khổ
Vạn đại hiên ngang một sắc cờ
Đoàn kết nhân tâm là mệnh cả
Tập trung nhân lực ấy thời cơ
Đẹp thay triết lý người dân Việt:
Thà chết vinh quang, chẳng sống nhơ!
[HCT]
• Kịch thơ “Rửa Hận Nam Quan” của Hồ Công Tâm và Đường Sơn được sáng tác để ghi nhớ tội bán nước của tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam.
HỒ CÔNG TÂM & ĐƯỜNG SƠN ĐỖ QUÝ SÁNG
***
Kịch thơ “Rửa Hận Nam Quan” được chấm dứt ở cao độ hào hùng Bình Ngô đại cáo trong hồi 6. Đường Sơn xin cống hiến thêm hồi 7.
Hồi thứ 7: Sơn Thần Cương Vực Đất Nước phẫn nộ bè lũ hậu duệ tặc Hồ nhượng đất lui biên
Sơn Thần / Hồn Tướng Lê Lựu:
Ta từng trải mật giữ biên quan
Nhử bẫy Liễu Thăng chém dưới ngàn
Hồ * duệ mốc lui rào Ngưỡng Đức*
Trạch* tàm xâm thực buộc tròng dân
Sơn Thần / Hồn Tướng Lưu Nhân Chú:
Nước nguồn dẫn ngập đồng lau sậy*
Bùn đọng ươm xanh bãi khúc tần*
Liễu Tặc lún lầy sa hiểm địa
Thoát duy Mộc Thạnh lẩn tàn quân
* Lê Lựu tướng thủ ải bỏ chạy nhử Liễu Thăng vào đồng lầy mai phục. Đồng lầy được dân phu tích nước từ trong suối đổ ra cho thêm sình ngập mà quân dọ thám Liễu Thăng không tiên liệu
* Hồ duệ ở đây là bọn nhượng biên hiện tại lui biên cho tới sau nhà quán Ngưỡng Đức Đường ở biên giới.
* Trạch tàm : là con tầm Trạch (Giang Trạch Dân) ăn lấn biên giới
* Khúc tần là lọai rau dại mọc trên ruộng sau mỗi vụ lúa, nhà nông hái làm nhân bánh xôi khúc.
Hồn Thị Lộ
Vườn Lệ Chi rung đạo sắc thờ
Thiếp nhìn quan ải dạ sao ngơ
(chép miệng nói về quan Hành Khiển Thừa Chỉ Học Sĩ Nguyễn Trãi)
Đầu rơi máu uất sôi trừng mắt
Môi hé hờn đau giục phất cờ
Hồn Nguyễn Trãi (phảng phất rít trong gió lời thúc giục) :
Thức tỉnh lòng người lo nạn nước
Đoạt giành cương thổ chặn nguy cơ
Dù oan thác mấy trăm năm trước
Chẳng chịu sơn hà để nhớp nhơ!
(Màn hạ)
ĐƯỜNG SƠN ĐỖ QUÝ SÁNG
California, Feb. 26th 2002
Ghi Chú:
Độc giả giàu kiến thức về văn học nghệ thuật hiện đại xin tham chiếu Kịch Thơ của Trúc Đường với các vai Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Yến Nhi, Trần Nguyên Bồi, Đặng Dung, Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn để hiểu rõ cấu trúc thời điểm và san định tuổi tác các nhân vật và các vai hư cấu. Nguyễn Trãi khoảng 24 tuổi thì Thị Lộ được đóng vai làm liên lạc viên cho thầy trong vai một cô học trò nhỏ ở Đông Quan.
* Vấn đề tương quan tuổi tác giữa Thi Lộ và Nguyễn Trãi
Trong vở kịch thơ Nguyễn Trãi của Trúc Đường (Tốt nghiệp Đại Học Tổng Hợp Hà Nội) nói trên thì Thị Lộ là một cô gái liên lạc. Trong vở kịch đó có vai Đặng Dung cũng lén vào Đông Quan giả dạng người đi buôn vào trao kiếm cho Nguyễn Trãi, nhưng Nguyễn Trãi chối từ giúp khôi phục nhà Trần.
Đường Sơn viết hồi 2 kịch “Rửa Hận Nam Quan” dựa trên căn bản sử và tác phẩm văn học đã được xuất bản đó. Và Đường Sơn cho tuổi của Thị Lộ lúc đó là 12 tuổi khi đối đáp với Nguyễn Trãi, không phải là diễn tả nỗi thất vọng của người tình, mà là của người cùng chung lý tưởng phục quốc.
Bây giờ xét về thời gian trong chính sử:
Nguyễn Phi Khanh bị giải qua Tầu khoảng năm 1408. Nhà Hậu Trần mất năm 1413 sau khi Trần Trùng Quang bị bắt và tự vận.
Đặng Dung ngán ngẩm làm bài Thuật Hoài: “Thế sự du du nại lão hà” sau đó. Lê Lợi chính thức ra mặt kháng chiến vào năm 1418. Lê Lợi đuổi được quân Minh khỏi bờ cõi năm 1428, lên ngôi vua.
Nguyễn Trãi và Thị Lộ chết trong vụ án Lệ Chi Viện năm 1442. Cho rằng khi cha bị giải đi Nguyễn Trãi khoảng 20 tuổi. Khi Đặng Dung đưa tin xin hỗ trợ thì Trãi đã 24 tức là năm 1412, bốn năm sau khi từ biệt cha ở Nam Quan. Khi Lê Lợi chính thức ra quân năm 1418, Nguyễn Trãi có thể đã tròm trèm 30 tuổi rồi.
Khi Thị Lộ làm liên lạc viên cho Trãi thì cô là một học trò khoảng 12 tuổi lúc mà Đặng Dung liên lạc năm 1412, chưa phải là người yêu gì cả của Nguyễn Trãi. Bài thơ nổi tiếng “Ả Ở Nơi Đâu Bán Chiếu Gon” coi như là bản mật mã nhắn tin cho nhau qua mặt quân Minh làm sau thời gian này vài năm, khi Thị Lộ tuổi đã “trăng tròn lẻ”. Vở kịch Rửa Hận Nam Quan Đường Sơn giả thiết cho rằng Trãi hơn Thị Lộ một giáp 12 tuổi. Hai người đối đáp không có ý trai gái gì ngoài lòng yêu nước. Vậy trong vở kịch này ta tạm cho Thị Lộ sinh năm 1400.
Khi khởi nghiã thành công (1428) sau 10 năm bình định, thì Trãi khoảng 40 tuổi. Thị Lộ là 28 tuổi.
Khi Trãi bị hãm hại năm 1442 thì ông khoảng 54 tuổi và Thị Lộ 42 tuổi.
Vua Thái Tôn có thể mê Thị Lộ già hơn mình 22 tuổi không? Nếu Thị Lộ được vở kịch cho trẻ lại 10 tuổi ở khoảng bà 32 tuổi thì hợp nhân tình hơn. Tuy nhiên như thế lại làm mất vai Thị Lộ ở thời điểm dứt nhà Hậu Trần. Cái đó phải hỏi Nguyễn Trãi có yêu Thị Lộ dù ông già hơn 22 tuổi hay không. Chắc không trở ngại. Tình yêu không biên giới nhất là khi có sự ngưỡng mộ tài ba trong đó nữa.
Do đó Thi Lộ có mặt cùng với Nguyễn Trãi sớm trong thời tiền khởi nghiã cũng có thể có chứ không phải cần ép già đôn tuổi Thị Lộ hơn lên tới 50 tuổi. Nếu Thị Lộ trẻ hơn 50 tuổi, chẳng lẽ Thái Tôn mê một người chưa sanh ra đời, vì ông vua này mất ở tuổi 20 mà thủ phạm nghi can là Thị Lộ làm vua đắm đuối. Vậy đáng tin hơn là chuyện vua Thái Tôn yêu bà Thị Lộ, người được vời vào cung dạy học cho cung nữ chứ không phải vào làm phi tần ở tuổi 42, mà đã bị cho rằng “đôn lên tới 50 tuổi” hơn là chuyện bà Thị Lộ trẻ hơn 50 tuổi, chưa ra đời mà vua Thái Tôn đã chết mê chết mệt. Chánh sử lúc đó đã có Thị Lộ trong vụ Lệ Chi Viên rành rành. Vậy bà không thể trẻ hơn 50 tuổi như sự võ đoán được. Vở kịch “Rửa Hận Nam Quan” nhiều lắm đôn tuổi Thị Lộ lên độ 10 tuổi, đó là câu kết luận khách quan để tạo các vai hư cấu trong kịch, chứ không thể nào bị ép già 50 năm như nhận xét không trên căn bản tiêu mốc lịch sử và thiếu thận trọng nghiêm túc khi phê phán.
Dĩ nhiên về tuổi tác chính xác của Nguyễn Trãi đã có những sử liệu minh xác. Trên đây chỉ là phép ước đoán khi cấu tạo những nhân vật cho phù hợp thời đại. Những người viết kịch có căn bản về sử đã nghiên cứu vấn đề này rồi. (Ví dụ như tác giả Trúc Đường dẫn thượng).
Chắc chắn Thị Lộ không thể trẻ hơn 50, tức là sinh ra vào năm 1350, điều võ đoán này sẽ đảo lộn lịch sử và Trãi với các vai khác trong vở kịch cũng như trong thật sự lịch sử không bao giờ gặp nhau được, như trong vụ án Lệ Chi Viên, mà sử liệu đã xác nhận.
ĐƯỜNG SƠN ĐỖ QUÝ SÁNG
Los Angeles Feb. 26, 2002
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét