Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Đặng Sơn Duân - Nguy cơ khủng hoảng eo biển Đài Loan vào tháng Tám

Một cuộc khủng hoảng Mỹ - Trung đang dần ló dạng xung quanh chuyến thăm Đài Loan được lên kế hoạch diễn ra vào tháng Tám của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Kế hoạch thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ

Một cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung đang dần ló dạng xung quanh chuyến thăm Đài Loan được lên kế hoạch diễn ra vào tháng Tám của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Ngày 19.7, tờ Financial Times tiết lộ Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có kế hoạch thăm Đài Loan vào tháng 8 sau khi chuyến thăm dự kiến vào tháng 4 bị hủy bỏ do bà Pelosi mắc Covid.

 

Phản ứng trước tin tức này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong cùng ngày tuyên bố Bắc Kinh sẽ đáp trả bằng “các biện pháp mạnh mẽ và kiên quyết”.

Cựu Tổng biên tập tờ Hoàn Cầu thời báo Hồ Tích Tiến liên tục đưa ra những lời đe dọa trên Weibo và Twitter về những phản ứng tiềm tàng của Trung Quốc, bao gồm tuyên bố lập vùng cấm bay ở Đài Loan, triển khai chiến đấu cơ vào không phận Đài Loan hoặc “hộ tống” máy bay chở bà Pelosi.

Ngày 20.7, trả lời câu hỏi của các phóng viên, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng quân đội Mỹ đánh giá chuyến thăm của bà Pelosi không phải là ý tưởng hay trong lúc này.

Trả lời về phát biểu của ông Biden, bà Pelosi không xác nhận về chuyến thăm Đài Loan nhưng nói rằng bà chưa nói chuyện trực tiếp với ông Biden về vấn đề này. “Có lẽ quân đội lo ngại máy bay của chúng tôi bị Trung Quốc bắn hạ hoặc tương tự thế”.

Ngày 21.7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân tiếp tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn về chuyến thăm. Khác với phát biểu trước đó 2 ngày của ông Triệu Lập Kiên, lần này ông Vương Văn Bân tuyên bố thêm rằng: “Chúng tôi đã nói là làm”. Đây là một bước leo thang đe dọa mới trong nấc thang cảnh báo của Trung Quốc.

Ngày 22.7, CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay các quan chức chính quyền Biden lo ngại Trung Quốc có thể tuyên bố vùng cấm bay ở Đài Loan trước chuyến thăm của bà Pelosi.

Đọc thêm:

Các kịch bản phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi – Bloomberg

   Bao gồm 5 kịch bản:

         - Triển khai số lượng lớn máy bay quân sự vào Vùng nhận diện phòng không Đài Loan.

         - Triển khai máy bay quân sự băng qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan.

         - Thử tên lửa gần Đài Loan.

         - Cho chiến đấu cơ xâm nhập không phận Đài Loan.

         - Triển khai chiến đấu cơ “hộ tống” máy bay chở bà Pelosi.

Trung Quốc giận dữ với kế hoạch thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi – The Economist

Bà Bonnie Glaser thuộc Quỹ Marshall nhận xét: “Người Trung Quốc dường như nhận thấy sự cần thiết phải chứng minh rằng Mỹ không thể tiếp tục bào mòn chính sách một Trung Quốc của mình mà không bị trừng phạt. Bà nói thêm rằng vào tháng Tư, một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc đã gửi email cho bà để bày tỏ "ý kiến cá nhân" rằng lực lượng không quân của Trung Quốc sẽ ngăn máy bay của bà Pelosi hạ cánh ở Đài Loan.

Bắc Kinh cảnh báo về phản ứng mạnh mẽ đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi – SCMP

Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói rằng có khả năng quân đội Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc tập trận lớn hơn xung quanh Đài Loan khi bà Pelosi đến.

Bình luận

Chuyến thăm được lên kế hoạch của bà Pelosi gợi nhớ đến hai sự kiện nổi bật trong thập niên 1990. Một là chuyến đi Mỹ không chính thức của Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy vào năm 1995 và hai là chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich năm 1997.

Chuyến đi của ông Lý khi đó đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan trong hai năm 1995 và 1996. Khi ấy, cũng chính Quốc hội Mỹ áp đặt Bộ Ngoại giao phải cho phép ông Lý đến Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc không có phản ứng mạnh mẽ nào đối với chuyến thăm của ông Gingrich. Khi ấy, ông Gingrich là chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng hòa, còn Nhà Trắng thuộc đảng Dân chủ của Tổng thống Bill Clinton. Hiện nay, bà Pelosi và Tổng thống Biden đều thuộc đảng Dân chủ. Vì vậy, chuyến thăm của bà Pelosi có thể bị Bắc Kinh diễn dịch là một phần trong quan điểm chính sách của chính quyền Mỹ hiện nay.

Tuy nhiên, điểm khác biệt đáng chú ý là vào năm 1997, Trung Quốc cảm thấy e dè trước phản ứng mạnh mẽ của chính quyền Clinton trong cuộc khủng hoảng eo biển trước đó. Họ cũng chưa đủ lực để đáp trả bằng những biện pháp khiêu khích. Hiện nay, Trung Quốc đã tự tin hơn rất nhiều so với cách đây 25 năm. Điều này có thể ảnh hưởng đến những tính toán của họ trong cách đáp trả.

Thông tin từ chính Tổng thống Biden cũng như từ truyền thông Mỹ cho thấy cả Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đều có xu hướng phản đối chuyến thăm vì những rủi ro leo thang.

Kế hoạch thăm Đài Loan của bà Pelosi diễn ra trong thời điểm nhạy cảm của cả Trung Quốc và Mỹ.

Về phía Trung Quốc, nước này chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng lần thứ 20 vào tháng 10 hoặc 11 năm nay, với khả năng rất cao là Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục tại vị. Tháng Tám cũng là thời điểm diễn ra hội nghị Bắc Đới Hà, sự kiện quan trọng tập trung các nhà lãnh đạo Trung Quốc qua các thời kỳ. Ông Tập Cận Bình có thể phải đối mặt với sức ép phải có phản ứng mạnh mẽ từ các nguyên lão.

Về phía Mỹ, nước này cũng chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm nay, trong đó đảng Dân chủ dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc kế hoạch thăm Đài Loan của bà Pelosi bị rò rỉ đặt đảng Dân chủ và Nhà Trắng vào một tình huống tiến thoái lưỡng nan.

Việc chuyến thăm bị hủy bỏ có thể bị đảng Cộng hòa tận dụng để phê phán đảng Dân chủ và Nhà Trắng yếu ớt trước những lời đe dọa từ phía Trung Quốc.

Đây cũng có thể là cảm nhận từ các quốc gia trong khu vực nếu chính quyền Mỹ nhượng bộ. Việc này có thể để lại ấn tượng rằng nước Mỹ thoái lui khỏi những nguyên tắc được minh định của họ trước những sức ép từ Trung Quốc. Liệu nước Mỹ có thể trung thành với những cam kết của họ nếu họ không sẵn lòng bảo vệ ngay cả những chính khách của mình trước Trung Quốc?

Tham khảo:

Vào tháng 3.2021, tạp chí Storm ở Đài Loan đăng bài viết về chuyến thăm Đài Loan bị hủy bỏ vào phút chót của Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft vào những ngày cuối cùng của chính quyền Donald Trump. Khó có thể kiểm chứng những thông tin từ tờ Storm. Tuy nhiên, những diễn biến hiện nay có thấy các chi tiết mà tờ báo này nêu ra khi ấy có vẻ như khá hợp lý.

Dưới đây là trích đoạn lược thuật của Newsletter này về bài viết của tờ Storm khi đó.

Tạp chí Storm ở Đài Loan mới đây dẫn các nguồn tin tiết lộ một số chi tiết về câu chuyện căng thẳng liên quan đến chuyến công du Đài Loan bị hủy vào phút chót của Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft vào tháng 1.

Theo bài báo, sau khi Mỹ bỏ ngoài tai những phản đối của Trung Quốc về chuyến đi, Bắc Kinh quyết định viện đến biện pháp quân sự.

Ngày 11.1, hai ngày trước khi bà Craft đến Đài Loan, quân đội Trung Quốc cảnh báo với quân đội Mỹ qua đường dây nóng rằng một khi máy bay chở bà Craft bay đến không phận Đài Loan, chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ xâm nhập không phận và tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan. Nếu chiến đấu cơ Đài Loan can thiệp sẽ không loại trừ việc khai hỏa.

Quân đội Mỹ đã đánh giá tình hình, với các khả năng chiến đấu cơ Mỹ ở Okinawa hộ tống máy bay của bà Craft, hoặc chiến đấu cơ Đài Loan hộ tống, và kết luận các trường hợp này đều có nguy cơ dẫn đến bùng phát xung đột. Vì thế họ đã khuyến nghị Bộ Ngoại giao hủy bỏ chuyến thăm vào phút chót.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi đó dù không hài lòng cũng đã phải xem xét các hậu quả và quyết định hủy bỏ chuyến thăm. Để che giấu lý do thực sự của việc chuyến thăm bị hủy bỏ, các chuyến công du của Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó đều bị hủy bỏ với cái cớ là tập trung vào quá trình chuyển giao chính quyền.

ĐẶNG SƠN DUÂN 22.07.2022

http://thuymyrfi.blogspot.com/2022/07


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét