Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

Thời sự đó đây ngày thứ năm 28 tháng 7 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Ông Biden và ông Tập sẽ điện đàm vào ngày 28/07 để thảo luận về Đài Loan 

Andrew Thornebrooke

28/7/2022

https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/07/Joe-Biden-Xi-Jinping.jpg

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ghi chú khi ông gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến từ Phòng Roosevelt của Tòa Bạch Ốc hôm 15/11/2021. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP qua Getty Images) 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến ​​sẽ tổ chức một cuộc điện đàm với người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình vào ngày 28/07, với việc Đài Loan được dự tính ​​sẽ là vấn đề nghị sự chính, cũng như chuyến đi dự kiến tới Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California). 

Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên hôm 26/07 rằng việc quản lý cạnh tranh kinh tế giữa hai nước cũng sẽ là một trọng tâm của cuộc điện đàm. 


“Đây là một cuộc điện đàm đã được lên lịch từ lâu và đã có một chương trình nghị sự khá chặt chẽ để hai nhà lãnh đạo này thảo luận,” ông nói trong một cuộc triệu tập báo chí. 

“Tất cả mọi thứ từ căng thẳng về Đài Loan đến cuộc chiến ở Ukraine, cũng như cách chúng ta quản lý tốt hơn sự cạnh tranh giữa hai quốc gia, tất nhiên là trong lĩnh vực kinh tế.” 

Cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Tập sẽ là cuộc điện đàm thứ năm thuộc loại này. Cuộc điện đàm diễn ra giữa lúc quan hệ Trung-Mỹ tiếp tục chạm đáy về các vấn đề thương mại và an ninh, cũng như những tranh cãi gay gắt về vai trò của Đài Loan trong bối cảnh toàn cầu. 

Đài Loan nằm trong tầm ngắm

ĐCSTQ tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc, và ông Tập đã long trọng tuyên bố sẽ thống nhất hòn đảo này với đại lục và không loại trừ việc sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, Đài Loan đã tự quản từ năm 1949 và chưa bao giờ nằm ​​dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ. 

Hoa Kỳ tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc”, có nghĩa là nước này không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Mặc dù không duy trì quan hệ ngang hàng, nhưng về mặt pháp lý Hoa Kỳ có nghĩa vụ phải cung cấp cho Đài Loan những vũ khí cần thiết để tự vệ. 

Mối quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan đã trở nên nổi bật trong tuần qua sau khi ĐCSTQ đưa ra một loạt các tuyên bố gây hấn với Hoa Kỳ sau các báo cáo về việc bà Pelosi đang lên kế hoạch đến Đài Loan. 

Ban lãnh đạo ĐCSTQ cảnh báo về “các biện pháp mạnh mẽ” chống lại Hoa Kỳ và Đài Loan nếu bà Pelosi đến thăm. Sau các tuyên bố đó, ông Biden công khai nói rằng bà Pelosi không nên đến Đài Loan vì vấn đề an ninh quốc gia, một sự nhượng bộ rõ ràng trước chế độ cộng sản. 

Ông Kirby biện hộ cho tuyên bố của ông Biden, lưu ý rằng bà Pelosi nằm trong hàng ngũ kế vị tổng thống, và do đó, chuyến đi của bà là một vấn đề an ninh quốc gia. Chỉ bà mới có thể đưa ra quyết định về chuyến đi của mình, ông nói thêm. 

Trung Quốc đe dọa tấn công

Ông Kirby nói rằng “tính hiếu chiến” của ĐCSTQ là “vô bổ”, nhấn mạnh vào luận điệu ngày càng hiếu chiến của chế độ Bắc Kinh trong vài tháng qua. Luận điệu đó, một  cách thường xuyên, tập trung vào Đài Loan và Hoa Kỳ để quấy rối và đe dọa đặc biệt. 

Hồi tháng Sáu, một tướng Trung Quốc đã đi xa đến mức đe dọa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, nói rằng ĐCSTQ sẽ “không ngần ngại phát động chiến tranh bất kể giá nào” để ngăn chặn nền độc lập của Đài Loan được công nhận. 

Trong khi đó, ĐCSTQ lại tiếp tục các hành động khiêu khích quân sự đối với Đài Loan. Trong tháng qua, ĐCSTQ đã tiến hành các cuộc xuất kích quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và thậm chí còn tới mức tuyên bố sai sự thật rằng không có vùng biển quốc tế nào trong 100 dặm đại dương giữa Đài Loan và đại lục. 

Các hành động khiêu khích đã không chấm dứt nếu không có phản ứng từ phía Đài Loan, chính phủ dân chủ nước này đã bắt đầu một loạt các cuộc tập trận hồi đầu tuần mô phỏng một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Trung Quốc. 

Cả bà Pelosi lẫn Bộ ngoại giao Đài Loan đều chưa xác nhận bất kỳ kế hoạch thăm viếng nào. Bà Pelosi sẽ là Chủ tịch Hạ viện đang tại nhiệm đầu tiên đến thăm hòn đảo này kể từ năm 1997. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Newt Gingrich đã đến thăm Đài Bắc và đưa ra cảnh báo với Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan. 

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

Cẩm An biên dịch

Ba cảng của Ukraina hoạt động trở lại để xuất khẩu ngũ cốc

28/7/2022

Một cánh đồng lúa mì ở làng Muzykivka do Nga kiểm soát ở vùng Kherson, Ukraina, ngày 26/07/2022. REUTERS - ALEXANDER ERMOCHENKO 

Bốn ngày sau vụ Nga tấn công, oanh kích cảng Odessa ở miền nam Ukraina, chính quyền Kiev ngày 27/07/2022 thông báo các cảng hoạt động trở lại để xuất hàng trăm triệu tấn ngũ cốc đang bị mắc kẹt trong nước. Bất chấp mối nguy Nga lại tấn công vào các cảng, Ukraina quyết định tuân thủ kế hoạch xuất khẩu theo thỏa thuận đã ký ở Istanbul. 

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết thêm :

« Hải quân Ukraina thông báo 3 cảng thương mại chính của Ukraina là Odessa, Chornomorsk và Youjne đã hoạt động trở lại vào thứ Tư (27/07), nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để bảo đảm an toàn cho các tàu chở ngũ cốc.

Trong hai ngày qua, bộ Cơ Sở Hạ Tầng đã bắt đầu tiến hành các cuộc đấu thầu công khai cho các công ty vận tải Ukraina vận chuyển lúa mì từ các kho chứa đến các cảng. Bộ Cơ Sở Hạ Tầng Ukraina cũng kêu gọi các chủ tàu cũng như các công ty quốc tế quan tâm, chú ý đề xuất dịch vụ để đưa tàu đến Ukraina.

Nhưng trên hết vẫn là công tác chuẩn bị. Trước tiên, nhà chức trách Ukraina muốn gửi đi một thông điệp chính trị đến cộng đồng quốc tế và các nước đã phải hứng chịu cảnh thiếu thốn, khan hiếm ngũ cốc, thông qua việc thể hiện thiện chí của Kiev. Ngược lại, về tình hình tại chỗ, các vụ oanh kích vẫn tiếp diễn ở miền nam Ukraina.

Toàn bộ đường bờ biển Odessa đã bị gài mìn. Hải quân Nga cũng đã gài mìn tại vùng lãnh hải của Ukraina cũng như tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Thậm chí, để đề phòng mìn trôi giạt đến và phát nổ, mọi người còn bị cấm tắm ở khu vực này. Chừng nào công tác rà phá bom mìn chưa được tiến hành, sẽ rất khó tổ chức thường xuyên các chuyến tàu chở hàng ». 

Hội Đồng Bảo An đã không thể thống nhất để ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận Nga và Ukraina ký kết thông qua Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, để hạn chế nguy cơ nạn đói cho hàng trăm triệu người trên thế giới. Tuyên bố dự kiến cũng hoan nghênh vai trò then chốt của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tổ chức triển khai thỏa thuận.

Theo AP, các nhà ngoại giao của Hội đồng Bảo An cho biết Nga phản đối dự thảo cuối cùng của tuyên bố về thỏa thuận ngũ cốc, vì dự thảo này đề cập đến việc tổng thứ ký Liên Hiệp Quốc Guterres lên án vụ không kích của Nga nhắm vào cảng Odessa của Ukraina hôm thứ Bảy 23/07, sau ngày thỏa thuận được ký ở Istanbul.

Kinh tế Mỹ ngấp nghé bờ vực suy thoái

Khi Mỹ báo cáo dữ liệu GDP mới nhất của mình vào thứ Năm, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào việc liệu tăng trưởng có âm trong quý thứ hai liên tiếp hay không – nói cách khác, là có suy thoái hay không, theo định nghĩa thông thường. Nhìn tổng thể, Mỹ có thể tránh được điều đó: Nền kinh tế nước này đã suy thoái trong quý đầu tiên của năm 2022, nhưng dự kiến sẽ vượt qua trong quý thứ hai.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã nói trước rằng suy thoái nhẹ là khác với suy thoái. Lập luận này đúng về mặt kỹ thuật. Chính thức thì việc xác định liệu nước Mỹ có đang suy thoái hay không là nhiệm vụ của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, cơ quan đặt tỷ trọng cao hơn cho thị trường việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp hiện tại của Mỹ là 3,6%, một trong những mức thấp nhất suốt 70 năm, không phù hợp với bất kỳ khái niệm suy thoái nào. Nhưng điều quan trọng nhất đối với cử tri là nhận thức của họ về tăng trưởng. Và tình hình có vẻ không được tốt: tâm lý người tiêu dùng đã giảm xuống. Nhiều người tin rằng nền kinh tế đang ở trong tình trạng tồi tệ, bất kể dữ liệu có thế nào.

Thái tử Ả Rập Saudi thăm Pháp

Vừa kết thúc chuyến thăm chính thức đến Hy Lạp, Muhammad bin Salman, thái tử Ả Rập Saudi và người cai trị nước này trên thực tế, sẽ đến Paris vào thứ Năm và được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chiêu đãi bữa tối tại Điện Elysée.

MBS, tên thường gọi của ông, đã tìm cách thu hút các nhà lãnh đạo phương Tây trong nỗ lực loại bỏ danh tiếng là một tên đồ tể chuyên chế và quảng bá ngành du lịch của Ả Rập Saudi. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới châu Âu kể từ sau vụ sát hại Jamal Khashoggi, một nhà báo Ả Rập Saudi, ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2018. Chuyến đi diễn ra chỉ hai tuần sau khi Tổng thống Joe Biden từ bỏ cam kết xem vương quốc này như một quốc gia bị bài xích khi đích thân đến thăm nó.

Kế hoạch của MBS đã được hỗ trợ nhờ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Châu Âu đang phải vật lộn vì Nga siết chặt nguồn cung khí đốt và cần các giải pháp thay thế. Để đạt được mục tiêu này, Macron gần đây đã đồng ý một thỏa thuận về diesel với Sheikh Muhammad bin Zayed Al Nahyan, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tuy nhiên, với việc MBS xuất hiện ở Paris, các nhà hoạt động nhân quyền sẽ mất tinh thần khi chính trị thực dụng chiếm ưu thế.

Ukraine kỷ niệm sự ra đời nhà nước của mình

Hôm thứ Năm, Ukraine đã kỷ niệm sự kiện thành lập “nhà nước” (statehood) của mình, một ngày lễ được Tổng thống Volodymyr Zelensky công bố vào thời khắc vui vẻ hơn của mùa hè năm ngoái. Khi Nga xâm lược vào tháng 2, ý tưởng về nhà nước Ukraine đã bị nghi ngờ. Nhưng sau khi quân đội Ukraine đánh đuổi lính Nga khỏi Kyiv, đã chẳng còn sự nghi ngờ nào nữa.

Thật vậy, có lý do cho sự lạc quan thận trọng. Các lực lượng của Nga vẫn đang tiến hành chiến dịch ở Donetsk, một tỉnh ở miền đông Ukraine, tấn công dọc theo phòng tuyến Siversk-Bakhmut, một trục bắc-nam bảo vệ các thành phố Kramatorsk và Slovyansk. Nhưng họ “hầu như không có tiến triển gì trong ba tuần qua”, theo Rochan Consulting, một công ty theo dõi cuộc chiến. Ukraine cũng đã tăng cường phản công ở tỉnh Kherson, phía nam, cho nổ tung các cây cầu để cắt đứt khả năng tiếp cận của quân Nga ở phía tây sông Dnieper. Không rõ liệu điều này có đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc phản công toàn diện của Ukraine – vốn đã được chờ đợi từ lâu – tại tỉnh này hay không. Nhưng dù bằng cách nào, nó cũng đặt ra một tình thế khó khăn cho Nga: nên xây dựng các phòng tuyến ở Kherson, hay tiếp tục tập trung binh lính vào ‘máy xay thịt’ Donetsk?

Tương lai bất định cho những gã khổng lồ công nghệ

Cổ phiếu công nghệ đã giảm mạnh trong năm qua. Chỉ số Nasdaq-100 giảm khoảng 25% kể từ tháng 1. Do đó, các nhà đầu tư cực kỳ chú ý đến báo cáo doanh thu của 5 gã khổng lồ công nghệ Mỹ trong tuần này.

Hôm thứ Ba, Alphabet, công ty mẹ của Google, đã công bố doanh thu quý II là 69,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn dự kiến, nhưng các nhà đầu tư không bận tâm: họ đã lo sợ về sự suy thoái trong ngành quảng cáo trực tuyến, sau khi Snap và Twitter công bố kết quả kém cỏi vào tuần trước. Báo cáo vào thứ Tư này, Meta cũng sẽ trở thành chỉ báo cho ngành quảng cáo trực tuyến.

Tình hình có vẻ cũng khả quan trong thị trường điện toán đám mây và doanh nghiệp. Dù doanh thu của Microsoft, được báo cáo vào thứ Ba, kém hơn một chút so với kỳ vọng, nhưng các ông chủ cho biết họ mong đợi tăng trưởng doanh thu “hai con số” trong năm tài chính này. Mọi thứ đang rất ổn với Amazon, công ty dẫn đầu thị trường đám mây, công bố thu nhập vào thứ Năm. Nhưng triển vọng đối với Apple, cũng sẽ báo cáo vào thứ Năm, kém tươi sáng hơn: lạm phát gia tăng sẽ làm giảm nhu cầu dành cho các thiết bị đắt tiền của công ty.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ quay lại Biển Đông giữa những căng thẳng về Đài Loan 

28/7/2022 

Reuters 

Hai tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan (trước) và USS Nimitz (sau) đi cùng nhau ở Biển Đông hồi tháng 7/2020 (ảnh tư liệu).

Hai tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan (trước) và USS Nimitz (sau) đi cùng nhau ở Biển Đông hồi tháng 7/2020 (ảnh tư liệu). 

Một tàu sân bay Mỹ và nhóm tác chiến đi kèm vừa quay trở lại Biển Đông sau khi ghé thăm cảng ở Singapore. Nhóm tàu này triển khai ở trong khu vực có tranh chấp vào lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng liên quan đến khả năng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thể sẽ thăm Đài Loan.

Các quan chức thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ xác nhận việc triển khai tàu USS Ronald Reagan đến tuyến thương mại hàng hải quan trọng, nhưng họ không bình luận khi được hỏi về những căng thẳng liên quan đến chuyến đi có thể diễn ra của bà Pelosi.

"Tàu sân bay USS Ronald Reagan và nhóm tác chiến đi cùng đang hoạt động ở Biển Đông sau cuộc ghé thăm cảng thành công ở Singapore", Trung tá Hayley Sims cho biết trong một tuyên bố gửi đến Reuters.

Viên sỹ quan Sims nói thêm rằng tàu Reagan "đang tiếp tục các hoạt động bình thường theo lịch trình, là một phần của cuộc tuần tra định kỳ vì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Khi được đề nghị đưa ra bình luận, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Mỹ một lần nữa "khoe cơ bắp" ở Biển Đông bằng hoạt động của tàu Reagan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm 28/7 rằng: “Từ sự việc này, mọi người có thể thấy rõ ai là mới là mối đe dọa lớn nhất đối với Biển Đông cũng như hòa bình và ổn định của khu vực châu Á”.

Tàu USS Reagan có căn cứ chính ở Nhật Bản. Tin tức về việc triển khai tàu sân bay này xuất hiện trùng vào lúc Bắc Kinh và Washington đấu khẩu ngoại giao về chuyến công du của bà Pelosi, được cho là sẽ diễn ra vào tháng tới sau khi từng bị hoãn hồi đầu năm. Bà Pelosi chưa xác nhận chắc chắn về chuyến đi.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hôm 27/7 cho biết ông đã đàm thoại với bà Pelosi và trình bày với bà những đánh giá về an ninh, nhưng ông nói thêm rằng bất cứ bình luận gì về việc bà có thể đến thăm Đài Loan sẽ phải do văn phòng của bà đưa ra.

Tình hình căng thẳng về đảo Đài Loan có chính quyền dân chủ dự kiến sẽ được thảo luận khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm lần thứ năm mà có thể diễn ra sớm nhất là vào ngày 28/7.

(Reuters)

Quân Nga chiếm được nhà máy điện lớn thứ hai của Ukraina

28/7/2022

Một khu vực bị Nga oanh kích ở thị trấn Toretsk, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 27/07/2022. via REUTERS - STATE EMERGENCY SERVICE OF UKRAI 

Trong lúc bị quân đội Ukraina phản công ở mặt trận phía nam, quân đội Nga giành được một thắng lợi ở tỉnh Donetsk. Hôm qua, 27/07/2022, quân Nga khẳng định đã chiếm được nhà máy điện lớn thứ hai của Ukraina.    

Hãng tin Reuters cho biết một cố vấn của tổng thống Ukraina xác nhận lực lượng Nga đã chiếm được nhà máy nhiệt điện Vuhlehirska trong tình trạng "nguyên vẹn". Cố vấn Oleksiy Arestovych nhận định : Với việc chiếm được nhà máy này, quân Nga đã "đạt được một lợi thế chiến thuật nhỏ". Chiếm được nhà máy Vuhlehirska được coi là thắng lợi đáng kể đầu tiên của quân Nga kể từ ba tuần nay ở Ukraina.

Về khu vực phía nam, cố vấn Oleksiy Arestovych cho biết quân đội Nga đang có đợt "tái triển khai lớn" tại ba tỉnh, để đối phó với cuộc phản công của quân đội Ukraina. Khi phổ biến thông tin hàng ngày về tình hình chiến sự tại Ukraina, bộ Quốc Phòng Anh cho biết cuộc phản công của quân Ukraina đang đặt Quân đoàn 49 của Nga, bố trí tại phía tây sông Dniepr, vào tình trạng bị cô lập với gần như toàn bộ các phần lãnh thổ của Ukraina mà Nga kiểm soát. Mục tiêu của quân Ukraina là bao vây để buộc lực lượng này phải đầu hàng.   

Hướng đến cô lập quân đoàn 49 của Nga ở bờ tây sông Dniepr  

Cây cầu Antonovsky, dài 1.300 mét bắc qua sông Dniepr, nối thành phố Kherson với phía bờ tây sông, liên tục bị quân đội Ukraina pháo kích trong những ngày gần đây. Theo thông tín viên Stephane Siohan tại Kiev, trong đêm hôm thứ Ba qua ngày thứ Tư 27/07, cầu bị tấn công lần thứ ba với các hỏa tiễn Himars, do Hoa Kỳ cung cấp, có tầm bắn 80 km.  

Cầu Antonovsky bị hư hỏng đến mức chính quyền của lực lượng chiếm đóng hôm qua phải ra lệnh ngừng hoàn toàn việc đi lại qua cây cầu chính duy nhất này. 

Quân đội Mỹ chuẩn bị kế hoạch an toàn cho chuyến thăm của bà Pelosi sang Đài Loan

28/7/2022


Quân đội Mỹ chuẩn bị kế hoạch an toàn cho chuyến thăm của bà Pelosi sang Đài Loan

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu tại một họp báo ở Washington DC hôm 14/7/2022 /AFP 

Quân đội Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch đảm bảo an toàn cho chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan. Hãng tin AP loan tin này hôm 27/7.

Hiện chưa rõ bao giờ bà Pelosi sẽ sang Đài Loan nhưng nếu chuyến đi thành hình thì đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ tới Đài Loan kể từ năm 1997 tới nay.

Hãng tin AP cho biết quân đội Mỹ sẽ gia tăng lực lượng và vũ khí trong khu vực nếu bà Pelosi vẫn tới Đài Loan. Nguồn tin giấu tên không cho biết kế hoạch cụ thể nhưng nói rằng máy bay chiến đấu, tàu chiến cùng các thiết bị giám sát và các hệ thống quân sự khác sẽ rất có thể được sử dụng để bảo vệ cho chuyến bay của bà Pelosi tới Đài Loan và trong thời gian bà ở đây.

Giới chức Mỹ không quá lo ngại về việc Bắc Kinh sẽ tấn công máy bay của bà Pelosi nhưng cho biết họ vẫn phải thận trọng để tránh những hiểu lầm hoặc tai nạn xảy ra.

Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh báo rằng chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, do vi phạm chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói “Nếu Mỹ kiên quyết đi theo con đường riêng và thách thức đến lợi ích của Trung Quốc, họ chắc chắn sẽ bị đáp trả mạnh mẽ”.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào sáng ngày 28/7, giờ Mỹ.

Theo giới chức Mỹ, các vấn đề về căng thẳng Biển Đông và chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan sẽ có nhiều khả năng được thảo luận trong cuộc điện đàm này.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Nhà Trắng John Kirby cho biết: “Trong cuộc điện đàm, căng thẳng trên Biển Đông sẽ được đưa ra vì vấn đề này thường xuyên liên quan tới những tuyên bố hàng hải quá mức, không tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc và vì hành vi hung hăng, cưỡng ép của Trung Quốc đối với các quốc gia ven biển hoặc nằm trong khu vực Biển Đông”.

Ông Kirby cũng cho biết, tại cuộc điện đàm này, phía Mỹ sẽ khẳng định cam kết của Washington với chính sách “Một Trung Quốc”.

Theo cam kết này, Mỹ sẽ không thách thức những tuyên bố của Trung Quốc rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. 

Mỹ có đảng chính trị thứ ba cạnh tranh với Dân Chủ và Cộng Hòa?

Hiếu Chân
27/8/2022

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1324976532.jpg

Ông Andrew Yang, người Mỹ gốc Hàn Quốc, trong cuộc vận động tranh cử chức Thị trưởng New York City tháng Sáu 2021 với tư cách ứng cử viên của đảng Dân Chủ Trước đó ông đã từng thất bại trong cuộc tranh vị thế đại diện cho đảng Dân Chủ ra tranh cử tổng thống năm 2020 – vị thế về sau thuộc về ông Joe Biden. Bây giờ ông Yang đã bỏ đảng Dân Chủ và đứng ra thành lập đảng mới. Ảnh Spencer Platt/Getty Images 

Hàng chục cựu quan chức đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã phối hợp thành lập một đảng chính trị thứ ba ở Hoa Kỳ, với ý định tập hợp hàng triệu cử tri mà họ cho rằng đang thất vọng với tình trạng trì trệ về chính trị của quốc gia do hệ thống hai đảng bị chia rẽ sâu sắc.

Theo bản tin của hãng Reuters, đảng mới, được gọi là đảng Forward, có nghĩa là hướng về phía trước hoặc tiến lên, do hai chính trị gia là cựu ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ Andrew Yang và cựu thống đốc thuộc đảng Cộng Hòa bang New Jersey Christine Todd Whitman đồng chủ tịch. Hai người này hy vọng đảng mới sẽ trở thành giải pháp thay thế khả thi cho các đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đang thống trị chính trường Hoa Kỳ.

Các nhà lãnh đạo đảng Forward sẽ tổ chức một loạt sự kiện tại nhiều thành phố vào mùa thu này để phổ biến cương lĩnh của mình và thu hút sự ủng hộ. Một buổi ra mắt chính thức của đảng Forward dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Houston, bang Texas vào ngày 24 Tháng Chín và đại hội toàn quốc đầu tiên của đảng sẽ được tổ chức tại một thành phố lớn của Mỹ vào mùa hè năm sau.

Đảng Forward mới là sự hợp nhất ba nhóm chính trị đã xuất hiện trong những năm gần đây như một phản ứng đối với hệ thống chính trị ngày càng chia rẽ và bế tắc của Mỹ. Đó là Phong trào Đổi Mới nước Mỹ do hàng chục cựu quan chức Cộng Hòa trong các chính phủ Ronald Reagan, George H. W. Bush, George W. Bush và Donald Trump thành lập năm 2021; đảng Forward của Yang, người đã bỏ đảng Dân Chủ năm 2021 và Phong trào Phục Vụ Nước Mỹ – một nhóm chính trị gia Cộng Hòa, Dân Chủ và độc lập, do cựu Dân Biểu Cộng Hòa David Jolly điều hành.

Đảng này có khuynh hướng trung dung nhưng chưa có chính sách cụ thể. “Chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề lớn mà nước Mỹ phải đối mặt như thế nào? Không thiên tả. Không thiên hữu. Tiến về phía trước,” đảng này cho biết.

***

Một cuộc thăm dò của Viện Gallup năm ngoái cho thấy có tới hai phần ba số người Mỹ được hỏi tin rằng nước Mỹ cần có thêm một đảng chính trị thứ ba.

Nhưng trong lịch sử, các đảng thứ ba không phát triển được trong hệ thống lưỡng đảng của Mỹ dù đôi khi chúng có thể ảnh hưởng đến một cuộc bầu cử tổng thống. Năm 2009, ứng cử viên Ralph Nader của đảng Xanh đã “chia phiếu” của ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ Al Gore để giúp ứng cử viên đảng Cộng Hòa George W. Bush thắng cử. Lần này, các nhà phân tích chính trị hoài nghi không tin rằng đảng Forward có thể thành công.

Phản ứng của công chúng trên Twitter rất nhanh chóng. Nhiều đảng viên đảng Dân Chủ bày tỏ lo ngại đảng mới sẽ hút nhiều phiếu bầu từ các đảng viên Dân Chủ hơn là từ các đảng viên Cộng Hòa, và cuối cùng sẽ giúp đảng Cộng Hòa trong các cuộc cạnh tranh gay gắt.

Đảng Forward đặt mục tiêu giành được quyền ghi danh và quyền bỏ phiếu ở 30 tiểu bang vào cuối năm 2023 và ở tất cả 50 tiểu bang vào cuối năm 2024, kịp cho cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2024. Đảng cũng tìm cách đưa ứng cử viên vào các cuộc bầu cử địa phương, chẳng hạn như hội đồng trường học và hội đồng thành phố, trong nghị viện tiểu bang và Quốc Hội Hoa Kỳ và tất cả các con đường lên chức tổng thống.

Đồng chủ tịch đảng Forward Andrew Yang nói rằng số đảng viên của đảng Forward đã lên tới hàng trăm ngàn, là thành viên của ba tổ chức chính trị hợp nhất nói trên; và đảng đã có ngân sách $5 triệu cùng nhiều nhà tài trợ “xếp hàng” để được đóng góp, hãng tin Reuters cho biết. 

Stu Rothenberg, một nhà phân tích chính trị kỳ cựu và phi đảng phái, nhận xét việc thành lập một đảng thứ ba ở Mỹ nói thì rất dễ dàng nhưng làm thì hầu như không thể thực hiện được. “Hai chính đảng lớn có những lợi thế to lớn, bao gồm đảng bộ ở cả 50 tiểu bang được xây dựng trong nhiều thập niên”, ông nói và chỉ ra rằng các ứng cử viên tổng thống của đảng thứ ba như John Anderson năm 1980 và Ross Perot năm 1992 và 1996 rất nổi bật nhưng đều thất bại trong việc xây dựng một đảng thứ ba thực sự trở thành một nhân tố trong chính trị Hoa Kỳ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét