Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

Thời sự đó đây ngày Thứ hai 25 tháng 7 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Tổng thống Indonesia thăm Trung Quốc tìm cơ hội mở rộng thương mại

25/7/2022

Ảnh minh họa : Tổng thống Indonesia Joko Widodo (T) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tại Bắc Kinh, Trung Quốc, năm 2015. © Reuters 

Theo trang tin Al Jareeza, theo lời mời của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hôm nay 25/07/2022, tổng thống Indonesia Joko Widodo bắt đầu chuyến công du Bắc Kinh 2 ngày, với trọng tâm là tìm kiếm cơ hội mở rộng thương mại và đầu tư với thị trường 1,4 tỷ dân.  

Tổng thống Indonesia là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới thăm Trung Quốc kể từ sau Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh hồi tháng Hai năm nay, do Trung Quốc thực thi chính sách « zero Covid ». Ngày mai, ông Joko Widodo sẽ có cuộc hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi tiếp tục chuyến công du Đông Á đến Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Tuyên bố với báo chí hôm thứ Năm tuần qua, trước chuyến thăm Bắc Kinh của tổng thống Widodo, ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết cuộc hội đàm giữa tổng thống Indonesia và chủ tịch Trung Quốc sẽ tập trung vào vấn đề thương mại và đầu tư.  


Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia với trao đổi mậu dịch và đầu tư nước ngoài 110 tỷ đô la trong năm ngoái. Trong khi ở chiều ngược lại, Indonsia chỉ đạt 3,2 tỷ đô la xuất khẩu và đầu tư vào Trung Quốc.  

Theo giới quan sát, chuyến công du của lãnh đạo Indonesia còn có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang sẵn sàng đón các lãnh đạo nước ngoài, sau một thời gian dài đóng cửa vì đại dịch.  

Indonesia hiện là chủ tịch luân phiên của G20. Gần đây ông Joko Widodo đã liên tiếp công du các nước trong nhóm G20, trong đó có Nga. Có thể chuyến công du của tổng thống Indonesia cũng nằm trong khuôn khổ chương trình hoạt động liên quan đến G20.  

Tuần trước, phát ngôn viên Ngoại Giao Trung Quốc Vương Văn Bân cũng nhấn mạnh đến trọng tâm chuyến đi của tổng thống Indonesia là « quan hệ song phương, cũng như các vấn đề của khu vực và quốc tế ».  

Trong những năm gần đây, quan hệ Trung Quốc-Indonesia cũng đôi lúc căng thẳng, Jakarta lo ngại về an ninh, chủ quyền trước những tham vọng của Trung Quốc. Indonesia và Trung Quốc không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, hai nước vẫn có bất đồng về vùng đặc quyền kinh tế. Tàu tuần dương Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vào khu vực này, khiến Indonesia luôn cảnh giác với những động thái của Trung Quốc trên các vùng biển của mình. 

Một mặt Indonesia cần Trung Quốc vì đây là một thị trường, cũng như nguồn đầu tư lớn. Mặt khác, Jakarta luôn dè chừng, xem Bắc Kinh như nguyên nhân dẫn đến bất ổn an ninh trong khu vực.   

Tướng Mỹ: Quân đội Trung Quốc hung hãn và nguy hiểm hơn nhiều so với 5 năm trước

25/7/2022

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, phát biểu tại Lầu Năm Góc, Washington, ngày 21/07/2021. AP - Kevin Wolf 

Đến thăm Indonesia trong khuôn khổ chuyến công du Ấn Độ - Thái Bình Dương, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, hôm qua, 25/07/2022, nhận định quân đội Trung Quốc trong 5 năm qua đã trở nên hung hãn và nguy hiểm hơn nhiều. 

Tướng Mark Milley, cho biết ở khu vực Thái Bình Dương, số vụ máy bay và tàu Trung Quốc chặn đường lực lượng Mỹ và các đối tác khác của Washington, cũng như số vụ tiếp xúc không an toàn, đã gia tăng đáng kể. Theo tướng Mỹ, quân đội Trung Quốc, cả trên không và trên biển, đã trở nên hung hăng hơn rất nhiều và cần được lưu ý hơn ở khu vực đặc biệt này.

ABC News nhắc lại các vụ như tàu hải quân Trung Quốc chiếu tia laser vào một máy bay tuần tra của Úc, chiến đấu cơ Trung Quốc chặn đường một máy bay giám sát của Canada tại không phận quốc tế. Các tàu Mỹ cũng thường xuyên bị phi cơ và tàu Trung Quốc bám đuôi, đặc biệt quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Trong bối cảnh Mỹ đã gia tăng nỗ lực củng cố quan hệ với các nước Thái Bình Dương để làm đối trọng với Trung Quốc, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ nhận định Indonesia có tầm quan trọng chiến lược đối với khu vực và từ lâu nay đã là một đối tác chủ chốt của Mỹ. Chuyến công du của tướng Milley là chuyến thăm Indonesia đầu tiên của một chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ kể từ năm 2008.

Chuyến đi của tướng Mỹ Milley đến Ấn Độ -Thái Bình Dương tập trung chủ yếu vào mối đe dọa từ Trung Quốc. Tướng Mark Milley có kế hoạch tham dự một cuộc họp của các quan chức quốc phòng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Úc. Chủ đề chính của cuộc họp sẽ là sự leo thang quân sự của Trung Quốc và nhu cầu duy trì an ninh ở Thái Bình Dương.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh lên án những nỗ lực của Mỹ nhằm mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực, cáo buộc Mỹ đang cố gắng lập “NATO châu Á". Hôm nay 25/07, phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm 20 năm ký Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC), ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Biển Đông không phải là một “đấu trường” cho các nước lớn cạnh tranh, hay một ''công viên dã thú'' (safari park) mở ra cho các nước bên ngoài khu vực. 

Ngành công nghiệp Đức cắt giảm sản xuất do giá năng lượng cao 

24/7/2022 

Reuters 

Công nhân tại một nhà máy ô tô ở Đức.

Công nhân tại một nhà máy ô tô ở Đức. 

Một số công ty công nghiệp ở Đức đang cắt giảm sản xuất do giá năng lượng tăng cao, một cuộc khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại nước này (DIHK) cho thấy hôm Chủ nhật.

Cuộc khảo sát đối với 3.500 công ty trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu cho thấy 16% đang thu hẹp quy mô sản xuất hoặc ngừng một phần hoạt động kinh doanh.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào tháng Hai đã có những tác động lớn đối với các chính phủ và doanh nghiệp trên khắp châu Âu khi họ phải vật lộn với chi phí năng lượng tăng vọt và lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng trong những tháng mùa đông nhu cầu cao điểm.

"Đây là những con số đáng báo động", ông Peter Adrian, chủ tịch DIHK, cho biết. "Chúng cho thấy giá năng lượng cao vĩnh viễn là một gánh nặng như thế nào”.

Đức phụ thuộc phần lớn vào khí đốt của Nga để cung cấp nhiên liệu cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và giữ ấm cho các ngôi nhà. Nhưng quốc gia này đang chuẩn bị cho việc nguồn cung của Nga có thể bị ngừng hoàn toàn nếu Moscow đẩy mạnh việc sử dụng khí đốt như một vũ khí kinh tế chống lại phương Tây trong khi nước này tiến hành chiến tranh ở Ukraine.

Đã giảm so với năm ngoái, dòng khí đốt của Nga thậm chí còn chậm lại qua đường ống Nord Stream 1, và Berlin đã chuyển sang giai đoạn thứ hai trong ba giai đoạn của kế hoạch khẩn cấp về nguồn cung cấp.

Tờ báo Handelsblatt của Đức đầu tiên đưa tin về cuộc khảo sát DIHK trước đó hôm Chủ nhật.

Trung Quốc thiết lập các trạm cứu hộ tại Trường Sa

25/7/2022



Trung Quốc thiết lập các trạm cứu hộ tại Trường Sa

Lính Trung Quốc đi tuần ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa hôm 9/2/2016 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Trung Quốc đã cho xây dựng các cơ sở để chuẩn bị điều người đến các trạm cứu hộ được đặt tại ba thực thể ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với các nước trong khu vực.

South China Morning Post hôm 23/7 trích dẫn thông tin từ Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết các cơ sở này sẽ được đặt tại Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi. 

Theo South China Morning Post, các trạm này sẽ thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ, giám sát an toàn trên biển, ngăn chặn ô nhiễm tàu và các nhiệm vụ khác ở vùng biển khu vực quần đảo Trường Sa, đảm bảo an toàn hàng hải cho các tàu bè và các hoạt động sản xuất hàng ngày ở biển cho người dân các nước ven biển.

Tân Hoa Xã viết: “đây là một bước đi chắc chắn của Trung Quốc nhằm cung cấp hàng hoá công cho cộng đồng quốc tế và tích cực thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của mình.”

Trung Quốc hiện đòi phần lớn diện tích Biển Đông nơi các nước láng giềng bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có những tuyên bố về chủ quyền.

Từ năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành việc san lấp, cải tạo các đảo nhân tạo ở Biển Đông, quân sự hoá các đảo do nước này chiếm đóng ở khu vực quần đảo Trường Sa. 

Theo South China Morning Post, một đội bay mới thành lập được đặt ở Trường Sa sẽ thay thế nhiệm vụ cứu hộ vốn trước đó được thực hiện từ các máy bay đặt ở căn cứ thuộc đảo Hải Nam.

Ba thực thể nơi Trung Quốc đặt các cơ sở mới đều là nơi có các căn cứ quân sự của Trung Quốc và là các khu vực quan trọng trong vùng Biển Đông

Myanmar xử tử bốn nhà hoạt động dân chủ, LHQ phẫn nộ

25/7/2022

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1241989208.jpg

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính năm ngoái, xung đột lan rộng trên toàn quốc . Trong ảnh là những thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Mandalay – một trong những tổ chức dân quân có căn cứ trong các vùng rừng núi, chiến đấu chống lại quân đội đảo chính cầm quyền ở Myanmar. Ảnh Mai Thomas/Anadolu Agency via Getty Images. 

Nhà chức trách quân sự Myanmar đã hành quyết bốn người hoạt động dân chủ bị kết án tử hình do có “các hành vi khủng bố” trong một phiên xử kín hồi Tháng Giêng. Đây là vụ hành quyết đầu tiên trong gân nửa thế kỷ, làm các quan chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) hết sức phẫn nộ. 

Hãng tin Reuters dẫn truyền thông nhà nước Myanmar hôm thứ Hai 25 tháng Bảy giờ địa phương cho biết, bốn người đàn ông này đã bị kết án tử hình hồi Tháng Giêng về tội giúp dân quân nổi loạn chống lại quân đội Myanmar. Quân đội Myanmar đã thực hiện một cuộc đảo chính quân sự vào đầu năm ngoái để giành chính quyền trong và mở một cuộc đàn áp đẫm máu nhằm vào các đối thủ của họ.

Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (NUG), một chính quyền bí mật bị tập đoàn quân phiệt cầm quyền đặt ra ngoài vòng pháp luật, đã lên án các vụ hành quyết. “Chúng tôi vô cùng đau buồn… Chúng tôi lên án sự tàn ác của tập đoàn quân sự cầm quyền với những lời lẽ mạnh mẽ nhất… Cộng đồng toàn cầu phải trừng phạt sự tàn ác của chúng”, người phát ngôn văn phòng chủ tịch NUG Kyaw Zaw nói với Reuters qua tin nhắn.

Tờ Global New Light của Myanmar cho biết bốn người bị hành quyết gồm có nhà đấu tranh dân chủ Kyaw Min Yu 53 tuổi, thường được biết đến với tên Jimmy; cựu dân biểu và nghệ sĩ hip-hop Phyo Zeya Thaw 41 tuổi – một đồng minh thân cận của nhà lãnh đạo bị đảo chính lật đổ Aung San Suu Kyi; và hai người khác là Hla Myo Aung và Aung Thura Zaw. Hai ông Kyaw Min Yu và Phyo Zeya Thaw đã kháng cáo vào tháng trước nhưng không thành.

Ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Myanmar, cho biết: “Tôi vô cùng phẫn nộ và đau lòng trước tin quân đội Myanmar hành quyết những người yêu nước và đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ”. “Trái tim của tôi dành cho gia đình, bạn bè và những người thân yêu của họ và tất cả những người dân Myanmar, những người đang là nạn nhân của những hành động tàn bạo ngày càng gia tăng của quân đội,” ông Andrews nói thêm.

Bốn người này đã bị buộc tội theo luật chống khủng bố và bộ luật hình sự và hình phạt được thực hiện theo thủ tục nhà tù, tờ báo cho biết mà không nêu chi tiết. Các vụ hành quyết trước đây ở Myanmar được thực hiện bằng cách treo cổ.

Hồi Tháng Sáu, Thủ tướng Cambodia Hun Sen, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), đã kêu gọi lãnh đạo quân đội Myanmar, tướng Min Aung Hlaing, không thực hiện các vụ xử tử, bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của các nước láng giềng. Nhưng yêu cầu của ông Chủ tịch ASEAN đã không được đáp ứng mà chính quyền quân sự Myanmar còn lên án các tuyên bố của nước ngoài về lệnh hành quyết là “liều lĩnh và can thiệp vào công việc nội bộ” của họ.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính năm ngoái, xung đột lan rộng trên toàn quốc sau khi quân đội dẹp tan hầu hết các cuộc biểu tình ôn hòa ở các thành phố. 

“Những vụ hành quyết khủng khiếp này là những vụ giết người. Chúng là một phần trong những tội ác liên tục của quân đội Myanmar chống lại loài người và tấn công dân thường”, Matthew Smith, người đứng đầu Tổ chức Fortify Rights Đông Nam Á, nói với Reuters. “Chính quyền hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng sự tàn ác sẽ gieo rắc nỗi sợ hãi trong trái tim của cuộc cách mạng,” ông Smith nói thêm.

Hiện khó có thể đánh giá được tình hình bạo lực ở Myanmar khi các cuộc đụng độ đã lan rộng đến các khu vực xa xôi hơn, nơi các nhóm nổi dậy người dân tộc thiểu số đang chiến đấu với quân đội.

Thứ Sáu tuần trước, Tòa Hình sự Thế giới đã bác bỏ lời phản đối của Myanmar đối với một vụ án diệt chủng liên quan tới việc họ đối xử tàn bạo với người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi; điều đó có nghĩa là vụ án sẽ được xét xử đầy đủ. 

Nhà phân tích về Myanmar, Richard Horsey, thuộc nhóm CRISIS quốc tế, cho biết các vụ hành quyết mới sẽ đóng lại mọi cơ hội chấm dứt tình trạng bất ổn ở nước này. “Chế độ quân phiệt thể hiện rằng nó sẽ làm những gì nó muốn và không nghe theo ai cả. Nó coi đây là một cuộc biểu dương sức mạnh, nhưng đó có thể là một tính toán sai lầm nghiêm trọng,” ông Horsey nói.

Tunisia trưng cầu dân ý về thay đổi hiến pháp 

Vào thứ Hai, người dân Tunisia sẽ đi bỏ phiếu cho hiến pháp mới. Nếu được thông qua, văn kiện này sẽ san bớt quyền lực của nghị viện cho tổng thống, trao cho ông quyền bổ nhiệm và sa thải các bộ trưởng và áp đặt tình trạng khẩn cấp không giới hạn. Ngoài ra sẽ không có quy trình nào để loại bỏ tổng thống. Hiến pháp này sẽ củng cố quyền lực của tổng thống có tư tưởng độc tài Kais Saied, người đã cai trị bằng sắc lệnh kể từ khi ông đình chỉ quốc hội vào tháng 7 năm ngoái.

Không như hiến pháp 2014, vốn được soạn thảo với sự tham gia của người dân sau mùa xuân Ả Rập, hiến pháp mới — mà ông Saied tuyên bố sẽ “sửa chữa” tiến trình của cuộc cách mạng — phần lớn được viết trong bí mật. Các cử tri có chưa tới một tháng để xem xét nội dung của nó. Ông Saied đã chỉ định giáo sư luật nổi tiếng Sadok Belaid làm người soạn thảo, nhưng ông Belaid lại nói văn bản cuối cùng khác nhiều so với những gì ông đệ trình. Ông nói nó “nguy hiểm.” Các nhóm đối lập đã kêu gọi người dân Tunisia tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý; do đó có thể đoán tỷ lệ cử tri đi bầu sẽ thấp. Mười một năm sau khi lật đổ một nhà độc tài, người dân Tunisia đã trở nên thất vọng với các lãnh đạo dân chủ bất tài. Nhưng chính ông Saied cũng không có gì khác để mang lại cho người dân ngoài việc đưa họ quay về quá khứ.

Philippines chờ tổng thống mới công bố chương trình nghị sự

Tân tổng thống Ferdinand “Bongbong” Marcos sẽ lần đầu tiên có bài phát biểu thường niên trước Quốc hội tại Manila vào thứ Hai. Trước đó ông hứa sẽ vạch ra chương trình nghị sự, sau khi hầu như không đả động gì đến kế hoạch nắm quyền trong chiến dịch tranh cử của mình. Các khẩu hiệu mơ hồ là đủ để thuyết phục cử tri rằng ông sẽ từ bỏ chế độ độc tài giết chóc và tham nhũng của người cha quá cố của ông, Ferdinand Marcos, người đã bị lật đổ bởi cuộc nổi dậy năm 1986.

Marcos (con) có động cơ mạnh mẽ để thực hiện một chương trình nghị sự hợp lý, dân chủ vì nó sẽ cho thấy việc phục hồi triều đại của ông là đúng đắn. Nó sẽ cải thiện triển vọng cho con trai cả của ông, Ferdinand Alexander “Sandro” Marcos, một nghị sĩ tân cử – người cũng sẽ có mặt khi cha của anh phát biểu vào thứ Hai.

Nối gót Sri Lanka, thêm 2 quốc gia có nguy cơ vỡ nợ trong vòng 4 năm tới

Vương Quân

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/07/pha-san.jpg

Người dân Sri Lanka tràn vào dinh Tổng thống. (Ảnh chụp màn hình video) 

Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) đã cảnh báo rằng nguy cơ vỡ nợ có chủ quyền ở các thị trường biên giới ở châu Á đang gia tăng do nguy cơ lạm phát tăng nhanh và chi phí đi vay tăng. Giờ đây, Lào và Mông Cổ có thể sẽ tiếp bước Sri Lanka trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2026, và Myanmar là một quốc gia tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo báo cáo của BBC, Sri Lanka đã tích lũy những khoản nợ khổng lồ trong nhiều năm. Vào tháng Sáu, nước này trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương vỡ nợ nước ngoài trong 20 năm qua. Sri Lanka đang điều phối 3 tỷ USD viện trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng do bất ổn chính trị trong nước nên việc này đang rơi bế tắc.

Tỷ lệ lạm phát của Sri Lanka đã tăng vọt khoảng 50%, thậm chí giá lương thực cũng tăng 80% so với một năm trước, đồng rupee mất giá mạnh, đồng thời cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối, nhiên liệu và thuốc men.

Ngoài Sri Lanka, các nước châu Á đang phát triển khác dường như cũng đang đi theo con đường tương tự, bao gồm Lào, Pakistan, Maldives và Bangladesh. Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) đã công bố một báo cáo vào ngày 21/7, trong đó chỉ ra rằng Lào và Mông Cổ có khả năng vỡ nợ trong khoảng thời gian từ năm nay đến năm 2026, và Myanmar cũng là một quốc gia khác tiềm ẩn rủi ro cần được chú ý.

EIU cho rằng việc giảm dự trữ ở các nền kinh tế biên giới này do chi phí nhập khẩu tăng cao, cùng với sự gia tăng chi phí đi vay toàn cầu do lãi suất tăng mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đã làm tăng nguy cơ vỡ nợ; đồng thời lạm phát và tiền tệ mất giá cũng có thể khiến Mông Cổ phải phụ thuộc vào dòng nợ mới để có thể trả lãi.

Đối với Myanmar, mặc dù EIU dự đoán rằng tình hình ở Myanmar tương đối ổn định, nhưng xung đột nội địa của nước này có thể leo thang mà không có cảnh báo trước, và nó cũng sẽ gây ảnh hưởng cho khả năng thanh toán của quốc gia.

Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra một báo cáo trong tuần này, chỉ ra rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Myanmar còn yếu, hơn nữa lạm phát tăng cao, thiếu đô la Mỹ và xung đột trong nước, đều là những thách thức mà Myanmar phải đối mặt trong quá trình phục hồi sau đại dịch.
Các quốc gia này đang nợ chồng chất

Theo báo cáo của Reuters, do chi phí đi vay tăng, lạm phát và nợ nần có thể dẫn đến sự suy sụp kinh tế. Một số nhà phân tích đã đặt ngưỡng cho lợi tức trái phiếu vượt quá 10% lợi tức trái phiếu của Mỹ, cộng thêm các cuộc khủng hoảng như đồng tiền mất giá và dự trữ ngoại hối sụt giảm mạnh được sử dụng để sàng lọc, có ít nhất 12 quốc gia đang trên bờ vực khủng hoảng, bao gồm Pakistan, Argentina, Ukraine, Belarus, Tunisia, Ghana, Ai Cập, Kenya, Ethiopia, El Salvador, Ecuador và Nigeria.

Một số nhà phân tích ước tính rằng các quốc gia này có tổng số nợ phải trả lên tới 400 tỷ đô la Mỹ, trong đó Argentina có số tiền nợ lớn nhất, lên tới 150 tỷ đô la Mỹ, tiếp theo là Ai Cập và Ecuador lần lượt là 40 và 45 tỷ đô la Mỹ.

Vương Quân, Vision Times

Hoa Kỳ - Bộ trưởng Ngân khố Yellen hạ thấp khả năng suy thoái của Hoa Kỳ

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/07/2.tagreuters.com2022binary_LYNXMPEI64018-FILEDIMAGE-700x420-1.jpg

FILE PHOTO: U.S. Treasury Secretary Janet Yellen testifies before a House Ways and Means Committee hearing on President Biden’s proposed 2023 U.S. budget, on Capitol Hill in Washington, U.S., June 8, 2022. REUTERS/Jonathan Ernst 

Hôm 24/07, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen một lần nữa hạ thấp những lo ngại về một cuộc suy thoái có thể xảy ra trong khi thừa nhận rằng tăng trưởng kinh tế đang chững lại.

Bà Yellen nói với NBC News rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở trong “một giai đoạn chuyển đổi trong đó tăng trưởng đang chậm lại”, điều này là “cần thiết và phù hợp”.

Bà cho hay: “Chúng ta cần phát triển với một tốc độ ổn định và bền vững. Vì vậy, có sự chững lại, và các doanh nghiệp có thể nhận thấy điều đó, và điều đó là phù hợp, vì mọi người hiện có việc làm và chúng ta có một thị trường lao động mạnh mẽ.

“Thị trường lao động hiện nay vô cùng mạnh mẽ. … Đây không phải là một nền kinh tế trong giai đoạn suy thoái.”

“Nhưng hiện tại quý vị không thấy bất kỳ dấu hiệu nào. Suy thoái là một sự co lại trên diện rộng ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Chỉ là chúng ta không có hiện tượng đó.”

Bà Yellen lưu ý rằng nhiều nhà kinh tế cho rằng suy thoái xảy ra khi có hai quý liên tiếp có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) âm. Trong quý đầu tiên của năm 2022, GDP của Hoa Kỳ giảm 1.4% so với quý 4 năm 2021.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng âm trong quý thứ hai, nhưng bà Yellen cho biết ngay cả khi điều đó xảy ra, điều đó không nhất thiết có nghĩa là sẽ có một cuộc suy thoái.

Bà nói: “Ngay cả khi con số đó là âm, chúng ta hiện không ở trong một cuộc suy thoái và chúng ta không nên mô tả đó là một cuộc suy thoái.” Bình luận của bà đã thu hút sự phản đối từ ông Chuck Todd của NBC, người đã tuyên bố rằng bà quá sa đà vào tiểu tiết của định nghĩa suy thoái.

Bà Yellen cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) đang “xem xét một loạt các dữ liệu để quyết định liệu chúng ta có đang trong suy thoái hay không và hầu hết các dữ liệu mà họ xem xét hiện tại vẫn mạnh mẽ.” 

“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu NBER tuyên bố giai đoạn này là một cuộc suy thoái, ngay cả khi có hai quý tăng trưởng âm. Chúng ta có một thị trường lao động rất vững mạnh. Khi quý vị đang tạo ra gần 400,000 việc làm mỗi tháng, đó không phải là một cuộc suy thoái.”

Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng trước cho thấy nhiều giám đốc điều hành doanh nghiệp hàng đầu tin rằng một cuộc suy thoái sẽ tấn công nền kinh tế Hoa Kỳ vào đầu năm 2023 trong bối cảnh lạm phát cao và sự thay đổi chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang dự kiến ​​sẽ nhóm họp hôm 26 đến 27/07, với các thị trường đa phần đang tìm kiếm một mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản.

Khoảng 68% giám đốc tài chính được CNBC thăm dò ý kiến ​​cho rằng suy thoái sẽ diễn ra vào đầu năm 2023, và không giám đốc tài chính nào dự báo suy thoái diễn ra vào nửa cuối năm sau. Cuộc khảo sát này cho thấy không có giám đốc tài chính nào tin rằng nền kinh tế sẽ tránh được suy thoái.

Dữ liệu liên bang cho biết Chỉ số Giá tiêu dùng, một thước đo lạm phát hàng tháng, đã tăng lên 9.1% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 06/2022, đại diện cho con số cao nhất kể từ tháng 11/1981.

Năm ngoái, bà Yellen đã bác bỏ những lo ngại về lạm phát tăng vọt và nói rằng việc giá cả tăng sẽ chỉ là “tạm thời”. Nhưng hồi tháng Năm, bà thừa nhận rằng bà đã “sai lầm về hướng đi của lạm phát.”

BlackRock lỗ 1.7 ngàn tỷ USD tiền của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2022

https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-814585988-700x420-1.jpg

Biểu tượng giao dịch của BlackRock được hiển thị vào lúc chuông đóng cửa của Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York ở New York hôm 14/07/2017. (Ảnh: Bryan R. Smith/AFP qua Getty Images) 

BlackRock, công ty quản lý đầu tư lớn nhất thế giới với tài sản quản lý khoảng 8.49 ngàn tỷ USD, đã ghi nhận khoản lỗ 1.7 ngàn tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, theo công ty.

Theo ông Marc Rubenstein, một nhà phân tích của Bloomberg, đây là số tiền lớn nhất từng bị mất của một công ty trong vòng sáu tháng.

Trong báo cáo thu nhập quý 2 của công ty, Giám đốc điều hành Larry Fink của BlackRock cho rằng nguyên nhân của khoản lỗ lớn này là do sự sụp đổ của thị trường tài chính, đổ lỗi cho môi trường lạm phát giá tràn lan, lãi suất tăng, và sự tàn phá của thị trường.

“Nửa đầu năm 2022 mang lại một môi trường đầu tư mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thập niên,” ông Fink cho biết trong một tuyên bố. “Các nhà đầu tư đang phải đồng thời chèo chống qua lạm phát cao, lãi suất tăng, và khởi đầu tồi tệ nhất trong năm cho cả cổ phiếu và trái phiếu trong nửa thế kỷ, với các chỉ số vốn chủ sở hữu và thu nhập cố định toàn cầu lần lượt giảm 20% và 10%.”

Ông Rubenstein cho rằng đại công ty đầu tư này cũng đã tập trung quá nhiều vào đầu tư thụ động, viết rằng chỉ một phần tư tài sản của BlackRock được chủ động quản lý để “vượt qua mức chuẩn” vào cuối giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu. Ông Rubenstein lưu ý rằng tổng cộng, các khoản nắm giữ vốn chủ sở hữu thụ động của BlackRock lớn hơn 10 lần so với phần vốn theo chiến lược chủ động của công ty này, “mặc dù công ty vận hành một số chiến lược đa tài sản và chiến lược đầu tư thay thế tích cực để thu hẹp khoảng cách này.”

Báo cáo thu nhập cũng nhấn mạnh dòng tiền chậm hơn vào các quỹ đầu tư cốt lõi của công ty có trụ sở tại New York này, tổng cộng 69 tỷ USD trong ba tháng kết thúc vào hôm 30/06. Con số này ít hơn 40 tỷ USD so với những gì các nhà phân tích đã dự báo và giảm so với mức 114 tỷ USD trong quý trước.

Ngày nay, cổ phần lớn nhất của BlackRock tập trung vào lĩnh vực công nghệ, với các vị trí tại Apple, Amazon, Microsoft, và Tesla Motors.

Lợi nhuận đã qua điều chỉnh của BlackRock đạt 1.12 tỷ USD, tương đương 7.36 USD/cổ phiếu. Con số này giảm từ 1.61 tỷ USD, tương đương 10.45 USD/cổ phiếu, so với cùng thời điểm một năm trước. Nó cũng thấp hơn so với ước tính trung bình của các nhà phân tích là 7.90 USD một cổ phiếu.

Các nhà phân tích Morningstar vẫn còn lạc quan về BlackRock.

“Có rất ít nội dung trong báo cáo lợi nhuận quý hai của BlackRock — công ty được xếp hạng là có lợi thế cạnh tranh trong 20 năm tới (wide-moat-rated) — có khả năng làm thay đổi quan điểm dài hạn của chúng tôi về công ty này,” ông Greggory Warren, một chiến lược gia ngành tại Morningstar, đã viết trong một ghi chú gần đây. “Chúng tôi đang giữ nguyên ước tính giá trị hợp lý 850 USD cho mỗi cổ phiếu và cho rằng cổ phiếu [công ty này] đang bị định giá thấp. BlackRock tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi trong số các nhà quản lý tài sản truyền thống tại Hoa Kỳ mà chúng tôi đề cập. Cổ phiếu của công ty này hiện đang được giao dịch ở mức chiết khấu 30% so với ước tính giá trị hợp lý của chúng tôi — so với mức trung bình 20% đối với chín công ty trong phạm vi theo dõi của chúng tôi — và nó thể hiện một mức giá vững chắc để mua vào cho các nhà đầu tư dài hạn.”

BlackRock thực hiện các điều chỉnh

Sau khi chứng kiến ​​lợi nhuận hàng quý sụt giảm, BlackRock xác nhận rằng họ đang thắt lưng buộc bụng và trì hoãn các nỗ lực tuyển dụng.

Chi phí hành chính và tổng hợp đã tăng 12% so với cùng thời kỳ năm ngoái, chủ yếu do chi phí cao hơn liên quan đến việc người lao động quay trở lại văn phòng, từ thiết bị máy điện toán đến các khoản đầu tư cho sức khỏe và an toàn.

Giám đốc tài chính Gary Schedlin nói với các nhà phân tích trong một cuộc gọi: “Chúng tôi đang theo sát môi trường hiện tại và các quý vị đang chủ động quản lý tốc độ của loại đầu tư mà tôi gọi là một số khoản đầu tư tùy nghi nhất định của chúng tôi.”

Công ty cũng tiết lộ rằng họ sẽ khám phá các tài sản kỹ thuật số, mặc dù ông Fink gọi Bitcoin là một “chỉ số rửa tiền” vào năm 2017. Ông tiết lộ rằng các nhà đầu tư tổ chức vẫn quan tâm đến góc này của thị trường, mặc dù giá tiền kỹ thuật số đã sụt giảm trong năm nay.

Ông Fink nói: “Thị trường tài sản tiền điện tử đã chứng kiến ​​sự sụt giảm mạnh về định giá trong những tháng gần đây. Nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy sự quan tâm nhiều hơn từ các khách hàng tổ chức về cách tiếp cận hiệu quả các tài sản này.”

Ông Fink giải thích với các nhà phân tích rằng khách hàng của BlackRock đang chuyển nhiều sang tiền mặt như một tài sản trú ẩn an toàn trong thị trường biến động mạnh hiện nay.

Ông nói: “Giờ đây, một đường cong lợi suất đảo ngược đã khiến tiền mặt không chỉ là một nơi an toàn mà còn là một nơi sinh lời nhiều hơn cho các nhà đầu tư.”

Theo bà Nancy Tengler, Giám đốc điều hành và Giám đốc thông tin của Laffer Tengler Investments, các đường lợi suất kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã đảo ngược và mức chênh lệch là khoảng -25 điểm cơ bản, mức đảo ngược sâu nhất trong hơn hai thập niên.

Thật vậy, cuộc khảo sát vào tháng Bảy của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (Bank of America) về các nhà quản lý quỹ cho thấy các nhà đầu tư đang giữ tiền mặt ở mức cao nhất kể từ năm 2001, trong khi phân phối cho cổ phiếu của họ là thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008–2009.

Bất chấp việc bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán, ông Fink tự tin rằng các nhà đầu tư có thể thư giãn một chút.

“Một người thực sự nổi tiếng gọi điện đánh thức tôi dậy, và hoảng sợ, ‘Tôi phải làm gì đây, tôi phải thoát ra, tôi không thể chịu đựng được, tôi không thể chịu đựng được.’ Và tôi đã nói, ‘Hãy đi nghỉ đi,’” ông Fink nói trong một cuộc phỏng vấn với ông Jim Cramer của CNBC. “Nếu quý vị thực sự không thể chịu đựng được, thì hãy bán nó đi. Nhưng thực tế là, chúng ta đã thấy điều này. Lạm phát sẽ được khắc phục theo thời gian.”

Về viễn cảnh suy thoái, ông Fink cho rằng nếu Hoa Kỳ đang ở giữa thời kỳ suy giảm kinh tế, thì “mọi chuyện sẽ khá nhẹ nhàng.”

Ông nói thêm: “Nền tảng tài chính của Hoa Kỳ ngày nay vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.”

Tính đến nay, cổ phiếu BlackRock đã giảm khoảng 30%, giao dịch quanh mức 639 USD.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét