Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 22 tháng 7 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Putin điện đàm với Thái tử Ả rập Xê út về thị trường dầu mỏ 

22/7/2022 

Reuters 

Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman.

Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman điện đàm ngày 21/7 và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác hơn nữa trong nhóm các nước sản xuất dầu OPEC+, Điện Kremlin cho hay.

Cuộc nói chuyện diễn ra sáu ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Thái tử ở Ả rập Xê-út cho thấy tầm quan trọng của vương quốc này đối với cả Washington và Moscow vào thời điểm cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang khuấy động thị trường năng lượng toàn cầu.

 

Hôm 2 tháng 6, OPEC+, tập hợp Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu với các nhà sản xuất khác do Nga dẫn đầu, đã đồng ý tăng sản lượng lớn hơn dự kiến, một bước được ông Biden hoan nghênh sau khi Hoa Kỳ kêu gọi thêm nguồn cung.

Các nguồn tin nói với Reuters rằng Ả rập Xê Út đã tham khảo ý kiến chặt chẽ với Nga trước khi thúc đẩy tăng sản lượng.

Riyadh muốn giữ Nga để tăng đòn bẩy trên thị trường dầu mỏ, trong khi Moscow đạt được lợi ích từ việc trở thành một phần của OPEC+ vào thời điểm phương Tây đang cố gắng bóp nghẹt nền kinh tế của Moscow bằng các chế tài liên quan đến chiến tranh.

Điện Kremlin nói: “Tình hình hiện tại trên thị trường dầu mỏ thế giới đã được xem xét từng chi tiết. Tầm quan trọng của việc cộng tác thêm nữa trong khuôn khổ OPEC+ đã được nhấn mạnh.”

“Chúng tôi hài lòng ghi nhận rằng các quốc gia tham gia thể thức này luôn hoàn thành nghĩa vụ của mình để duy trì sự cân bằng và ổn định cần thiết trên thị trường năng lượng toàn cầu.”

Ông Biden đã kết thúc chuyến đi Trung Đông vào tuần trước mà không có bất kỳ thông báo nào rằng vương quốc này sẽ tăng sản lượng dầu mỏ để hạ giá xăng dầu, điều đang đẩy lạm phát của Mỹ cao nhất trong 4 thập niên.

Bộ trưởng Ngoại giao Ả rập Xê-út, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, cho hay dầu mỏ không được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Ả rập hôm 16/7 và OPEC+ sẽ tiếp tục đánh giá các điều kiện thị trường và làm những gì cần thiết. Nhóm các nước sản xuất dầu sẽ gặp lại nhau vào ngày 3 tháng 8.

Mỹ vật lộn tìm giải pháp gỡ toàn bộ kỹ thuật mạng Trung Quốc

22/7/2022

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1147330941.jpg

Văn phòng Huawei tại Silicon Valley, Mountain View, California (ảnh: Smith Collection/Gado/Getty Images) 

Chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang vật lộn để xử lý dứt điểm việc chia tay vĩnh viễn với các công ty viễn thông Trung Quốc mà Tổng thống Donald Trump từng bắt đầu thực hiện bốn năm trước. Vấn đề ở chỗ, các hệ thống mạng nhỏ được trang bị thiết bị cũ của Trung Quốc, phần lớn ở những vùng nông thôn, bây giờ đối diện tình trạng không có tiền để thực hiện. Các công ty cho biết họ muốn từ bỏ công nghệ Trung Quốc nhưng các khoản tiền đã hứa từ Quốc hội chưa đến kịp hoặc không đủ.

Giới chức an ninh Hoa Kỳ đã cảnh báo dưới thời chính quyền Trump lẫn Biden rằng hai công ty Trung Quốc – Huawei và ZTE – là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ. Họ chỉ ra rằng khả năng gián điệp và can thiệp từ Trung Quốc là rất cao, nếu bộ định tuyến, ăng-ten và radio Trung Quốc không bị loại khỏi mạng điện thoại di động và internet của Hoa Kỳ.

Sự việc liên quan gần 200 nhà mạng của Mỹ vốn đã “nhúng” thiết bị của hai gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc vào hệ thống mạng của họ. Politico cho biết, sự thiếu hụt kinh phí đang làm phức tạp thêm việc tung ra các khoản trợ cấp và làm dấy lên lo ngại rằng việc xử lý dứt điểm có thể bị trì hoãn vào năm 2023 hoặc lâu hơn. Tuần trước, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) cho biết số tiền cần thiết để thực hiện việc này sẽ cao hơn $3.08 tỷ so với $1.9 tỷ dự kiến được phân bổ để trả cho các công ty Mỹ nhằm loại bỏ Huawei và ZTE. Sở dĩ có tình trạng sử dụng hàng Trung Quốc ở một số vùng nông thôn là do các công ty viễn thông khổng lồ của Mỹ như AT&T và Verizon từ lâu luôn không mặn mà cung cấp thiết bị cho những khu vực nghèo hẻo lánh.

Các doanh nghiệp nhỏ cho biết họ không đủ khả năng chi trả trước số tiền có thể lên đến hàng chục triệu. Triangle Communications, nhà cung cấp viễn thông nhỏ phục vụ khoảng 17,000 người ở Montana, đang xoay sở kiếm khoảng $20 triệu trợ cấp. Triangle Communications hiện thay thế một số thiết bị Huawei bằng công nghệ mạng không dây từ một nhà cung cấp của Mỹ có tên Mavenir, với hy vọng sau này sẽ thu lại được một phần chi phí từ chính phủ. Tại Florida, Hotwire Communications hiện không thể tháo bỏ thiết bị Trung Quốc và thay thế bằng thiết bị khác cho khoảng 60,000 khách hàng cho đến khi nguồn tài trợ xuất hiện.

Việc xem xét thiết bị Trung Quốc liên quan an ninh quốc gia bắt đầu được tăng cường sau một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện năm 2012 làm dấy lên những nghi ngờ xung quanh các hoạt động của Huawei và ZTE, mặc dù phải mất nhiều năm những lo ngại đó mới chuyển thành những nỗ lực chính sách hiện tại. Trong cùng khoảng thời gian, tiền tài trợ băng thông rộng thời Tổng thống Barack Obama thậm chí còn hỗ trợ dự án kết nối Navajo Nation dựa trên thiết bị LTE của hãng ZTE. Và trong suốt năm năm qua, giới giám đốc điều hành của Huawei vẫn đường hoàng xuất hiện và phát biểu tại hội nghị công nghệ CES ở Las Vegas.

Việc buộc các công ty Hoa Kỳ từ bỏ thiết bị Trung Quốc xuất hiện vào năm 2019, cùng năm đó, các ủy viên FCC (Federal Communications Commission) đã bỏ phiếu để chặn các khoản trợ cấp viễn thông chảy sang các nhà mạng Hoa Kỳ làm việc với hai công ty Trung Quốc. Mãi đến Tháng Mười Hai 2020, FCC mới thiết lập chương trình trợ cấp, gọi là “lột bỏ và thay thế” (“rip-and-replace”), theo sau các yêu cầu trong một sắc luật được lưỡng đảng ủng hộ, được Quốc hội chuẩn y với ngân sách $1.9 tỷ. Kết quả, 181 hồ sơ đã gửi đến FCC xin được cấp ngân sách để “rip-and-replace”.

Mới đây, Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel thừa nhận rằng “vấn đề thật khó khăn” trong việc “lột” sạch thiết bị Trung Quốc khỏi toàn bộ hệ thống mạng Hoa Kỳ ở các vùng nông thôn toàn quốc; và rào cản lớn nhất vẫn là tiền.

Cuộc chiến lâu dài của ngân hàng trung ương Nga

Bất kỳ vị tướng giỏi nào cũng hiểu tầm quan trọng của tinh thần trong một cuộc chiến tranh trường kỳ. Ngân hàng trung ương Nga cũng vậy. Sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2, ngân hàng đã hành động dứt khoát để cho thấy họ kiểm soát được tình hình, cụ thể bằng việc tăng gấp đôi lãi suất lên 20% để cứu đồng rúp. Khi đồng tiền ổn định, họ đưa lãi suất về lại mức 9,5% thông qua bốn đợt cắt giảm lãi suất lớn. Vào thứ Sáu này sẽ là mức giảm khiêm tốn hơn, 0,5 điểm phần trăm.

Trong khi phần lớn thế giới tăng lãi suất để chống lạm phát, Nga lại có thể nới lỏng. Đó là vì sau cú sốc ban đầu của các lệnh trừng phạt, giá năng lượng cao đã có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế. Đồng rúp mạnh lên so với đồng đô la, một phần nhờ lệnh cấm mang tiền ra khỏi đất nước.

Lạm phát cũng chậm lại. Nhưng điều này phần nào do người Nga đang mua ít hơn khi hàng hóa phương Tây không còn xuất hiện ở kệ hàng. Nhưng về lâu dài, kinh tế Nga có thể trở nên kém năng suất đi với thu nhập thực tế giảm, yêu cầu ngân hàng trung ương Nga phải làm nhiều hơn nữa để củng cố sĩ khí.

Cựu tổng thống Trump tiếp tục hậu thuẫn thêm ứng viên thượng viện

Donald Trump coi nhà đầu tư mạo hiểm Blake Masters là “một nhà tư tưởng vĩ đại của thời hiện đại”. Vào thứ Sáu này, cựu tổng thống sẽ tổ chức mít tinh ở Arizona cùng với Masters, người đang hy vọng có được đề cử của đảng Cộng hòa cho cuộc đua Thượng viện sắp tới vào tháng 11. Mục tiêu của họ là vạch ra kế hoạch “cứu nước Mỹ,” như tên gọi của cuộc mít tinh.

Đảng Cộng hòa đặt mục tiêu lấy lại Thượng viện và Arizona là một trong số ít các ghế cạnh tranh. Với sự ủng hộ của Trump, Masters có cơ hội tốt để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày 2 tháng 8. Cho đến nay có tới bốn phần năm ứng viên được ông Trump ủng hộ thắng đề cử sơ bộ của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, Masters có thể sẽ không thể hiện tốt khi ra tranh cử toàn bang. Gần đây, ông đã tuyên bố người da đen phải chịu trách nhiệm cho bạo lực súng đạn và tán thành cái gọi là “lý thuyết thay thế vĩ đại,” cho rằng đảng Dân chủ muốn “thay đổi nhân khẩu học của đất nước chúng ta.” Thăm dò hiện cho thấy Masters sẽ thua Mark Kelly, thượng nghị sĩ đương nhiệm của đảng Dân chủ, vào tháng 11. Ông Trump có thể một lần nữa đưa đảng của mình đi sai hướng.

Cuộc đua song mã cho chức thủ tướng Anh bắt đầu

Kỳ nghỉ hè của quốc hội Anh sẽ bắt đầu từ thứ Sáu này. Sau đó nghị viện họp lại vào ngày 5 tháng 9, cũng là ngày thủ tướng mới được quyết định.

Hôm thứ Tư, các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã rút gọn danh sách dài các ứng viên thay thế Boris Johnson làm lãnh đạo đảng xuống còn hai người: Rishi Sunak, cựu bộ trưởng tài chính, và Liz Truss, đương kim ngoại trưởng. Cả hai đều tự nhận theo chủ nghĩa Thatcher, nhưng có nhiều khác biệt về chính sách tài khóa. Bà Truss muốn giảm thuế ngay bây giờ, trong khi ông Sunak muốn đợi đến khi lạm phát được kiềm chế. Hai người cũng khác nhau về phong cách. Bà Truss không phải là một diễn giả lưu loát, trong khi ông Sunak bóng bẩy và đôi khi gai góc. Thật ra cuộc đua đã bắt đầu: vào thứ Năm, hai ứng viên đã cố gắng thuyết phục các ủy viên Bảo thủ tại một sự kiện tư ở London.

Từ giờ sẽ là quyết định của 180.000 thành viên Đảng Bảo thủ. Để  thuyết phục họ, ông Sunak và bà Truss sẽ dành cả mùa hè đi tranh cử khắp nước Anh. Sự kiện đầu tiên sẽ tổ chức ở Leeds – quê nhà của bà Truss – vào ngày 28 tháng 7. Kết quả thăm dò cho thấy bà đang là người dẫn trước.

Mỹ điều tra Huawei về thiết bị gần các hầm chứa hoả tiễn

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/07/huawei-700x366.jpg

Huawei từ lâu đã bị chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc rằng họ có thể theo dõi khách hàng Mỹ. 

Hãng tin Reuters hôm 21 tháng 7 dẫn hai nguồn tin cho biết chính quyền Biden đang điều tra nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei, vì lo ngại rằng các tháp điện thoại di động của Mỹ được trang bị thiết bị của Huawei có thể thu thập thông tin nhạy cảm từ các căn cứ quân sự và hầm chứa hoả tiễn, mà Huawei sau đó có thể chuyển giao cho Trung Quốc.

Nhà chức trách cũng lo ngại Huawei có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm về các cuộc tập trận quân sự và tình trạng sẵn sàng của các căn cứ và quân nhân thông qua thiết bị của Huawei, một người cho biết, yêu cầu giấu tên vì cuộc điều tra là bí mật và liên quan đến an ninh quốc gia.

Các nguồn tin nói cuộc điều tra do Bộ Thương mại mở ra ngay sau khi ông Joe Biden nhậm chức vào đầu năm ngoái.

Bộ Thương mại Mỹ không xác nhận cũng không phủ nhận về các cuộc điều tra đang diễn ra. Bộ nói thêm rằng “bảo vệ sự an toàn và an ninh của người dân Hoa Kỳ chống lại việc thu thập thông tin xấu là điều quan trọng để bảo vệ nền kinh tế và an ninh quốc gia của chúng ta.”

Huawei không trả lời yêu cầu bình luận. Công ty từng mạnh mẽ bác các cáo buộc của chính phủ Hoa Kỳ rằng họ có thể theo dõi khách hàng Mỹ và gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia.

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không phản hồi về các cáo buộc cụ thể. Trong một tuyên bố gửi qua email, tòa đại sứ nói: “Chính phủ Mỹ lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia và quyền lực nhà nước để ra tay trấn áp Huawei và các công ty viễn thông Trung Quốc khác mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng chắc chắn nào cho thấy họ là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ và các quốc gia khác.”

Tám quan chức đương nhiệm và tiền nhiệm của chính phủ Mỹ cho hay cuộc điều tra phản ánh những lo ngại về an ninh quốc gia lâu nay đối với Huawei vốn đã bị hàng loạt hạn chế của Hoa Kỳ trong những năm gần đây.

Nếu Bộ Thương mại xác định Huawei gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia, Bộ có thể vượt ra ngoài các hạn chế hiện nay do cơ quan quản lý viễn thông của Hoa Kỳ FCC áp đặt, bằng việc cấm tất cả các giao dịch của Hoa Kỳ với Huawei, yêu cầu các hãng viễn thông Mỹ vẫn còn dùng thiết bị của Huawei nhanh chóng loại bỏ Huawei, hoặc đối mặt với tiền phạt hoặc các hình phạt khác.

Huawei từ lâu đã bị chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc rằng họ có thể theo dõi khách hàng Mỹ, mặc dù nhà chức trách ở Washington đã công bố rất ít bằng chứng. Công ty này thì liên tục phủ nhận các cáo buộc.

“Nếu các công ty Trung Quốc như Huawei được cấp quyền truy cập không kiểm soát vào cơ sở hạ tầng viễn thông của chúng ta, họ có thể thu thập bất kỳ thông tin nào của bạn truyền qua thiết bị hoặc mạng của họ”, Giám đốc FBI Christopher Wray cảnh báo trong một bài phát biểu vào năm 2020. “Tệ hơn nữa: Họ sẽ không còn lựa chọn nào khác là giao nộp cho chính phủ Trung Quốc, nếu được yêu cầu.”

Ông Jim Lewis, một chuyên gia công nghệ và an ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington D.C, nói: “Nếu bạn có thể gắn thiết bị thu vào một tháp (điện thoại di động), bạn có thể thu thập tín hiệu và điều đó có nghĩa là bạn có thể nhận được thông tin tình báo.”

Theo hai nguồn tin và một ủy viên FCC, các tháp điện thoại di động được trang bị thiết bị Huawei gần các địa điểm quân sự và tình báo nhạy cảm đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của chính quyền Hoa Kỳ.

Ông Brendan Carr, một trong năm ủy viên của FCC, nói các tháp điện thoại di động xung quanh Căn cứ Không quân Malmstrom của Montana – một trong ba tháp giám sát các trận địa hỏa tiễn ở Hoa Kỳ – điều hành bằng công nghệ của Huawei.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần này, ông nói với Reuters rằng có nguy cơ dữ liệu từ điện thoại thông minh do Huawei thu được có thể tiết lộ các hoạt động di chuyển của quân đội gần các địa điểm này. “Có một mối lo ngại thực sự rằng một số công nghệ đó có thể được sử dụng như một hệ thống cảnh báo sớm nếu xảy ra một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa ICBM.”

Hãng tin Reuters cho biết họ không thể xác định chính xác vị trí hoặc phạm vi của thiết bị Huawei hoạt động gần các cơ sở quân sự của Mỹ. Các cá nhân được Reuters phỏng vấn đã chỉ ra ít nhất hai trường hợp khả dĩ khác ở Nebraska và Wyoming.

Tổng thống Zelensky: Ukraine có thể gây thiệt hại lớn cho các lực lượng Nga

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/07/zelensky-2b.jpg

Sau khi cuộc họp với các chỉ huy quân sự cấp cao, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định, quân đội Ukraine có khả năng giành chiến thắng trên chiến trường và gây tổn thất lớn cho quân đội Nga.

Trong một bài phát biểu qua video vào đêm khuya, Tổng thống Zelensky tiết lộ, cuộc họp với các chỉ huy quân sự đã thảo luận về việc cung cấp vũ khí hiện đại và việc tăng cường cường độ các cuộc tấn công nhắm vào các lực lượng Nga.

Ông tiếp tục: “Chúng tôi nhất trí rằng các lực lượng của chúng ta có tiềm năng mạnh mẽ để chiến thắng trên chiến trường và gây ra những tổn thất mới đáng kể cho những kẻ chiếm đóng.”

Gần 5 tháng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Kyiv kỳ vọng vũ khí của phương Tây, đặc biệt là các tên lửa tầm xa hơn như HIMARS của Mỹ mà Kyiv đã triển khai trong những tuần gần đây, sẽ cho phép họ thực hiện một cuộc phản công trong thời gian tới và chiếm lại lãnh thổ do Nga chiếm đóng.

Tổng thống Ukraine cho hay, hôm 21/5, ba người đã bị thiệt mạng khi Nga nã pháo vào thành phố Kharkiv nằm ở phía Đông Ukraine.

Ông nhấn mạnh: “Mỗi một cuộc tấn công này của Nga là một lý do để Ukraine tiếp nhận thêm các hệ thống [rocket] HIMARS và các loại vũ khí hiện đại hiệu quả khác. Mỗi một cuộc tấn công này chỉ củng cố thêm sự quyết tâm của chúng tôi trong việc đánh bại những kẻ xâm lược và điều đó chắc chắn sẽ xảy ra.”

Trong khi đó, ngày 21/7, lãnh đạo cơ quan gián điệp của Anh dự đoán, quân đội Nga có thể sẽ bắt đầu tạm dừng một số hoạt động quân sự trong những tuần tới, điều này sẽ tạo ra cơ hội quan trọng cho Ukraine phản công lại.

Ông Richard Moore, giám đốc Cơ quan Tình báo Mật (SIS) của Anh, còn được gọi là MI6, cũng ước tính, đến nay khoảng 15.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng đó “có thể là một ước tính thận trọng”, và con số thực tế có thể cao hơn.

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado, Hoa Kỳ, ông Moore nhận xét: “Theo tôi, họ [Nga] sắp sức cùng lực kiệt.” Đồng thời ông lưu ý, quân đội Nga sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc cung cấp nhân lực và vật tư trong vài tuần tới.

“Họ [Nga] sẽ phải tạm dừng theo một cách nào đó và điều đó sẽ tạo ra những cơ hội cho người Ukraine phản công lại.”

Ông Moore nhấn mạnh, Ukraine cần phải chứng tỏ rằng họ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến, không chỉ để duy trì tinh thần chiến đấu cao của người Ukraine, mà còn để củng cố quyết tâm của phương Tây trong việc hỗ trợ quốc gia Đông Âu này chống lại Nga, trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu lo ngại về tình trạng thiếu hụt năng lượng trong mùa đông sắp tới.

Ông nhận định: “Tôi cho rằng điều quan trọng đối với chính người Ukraine là họ phải chứng tỏ khả năng tấn công đáp trả. Và tôi nghĩ điều đó sẽ rất quan trọng đối với việc tiếp tục duy trì tinh thần [chiến đấu] cao của họ.”

“Thành thật mà nói, tôi cũng nghĩ đó sẽ là một lời nhắc nhở quan trọng đối với phần còn lại của châu Âu rằng, đây là một chiến dịch có thể thắng lợi của người Ukraine. Bởi vì chúng ta sắp trải qua một mùa đông khá khắc nghiệt… Mùa đông đang đến,” ông tiếp tục. “Và rõ ràng trong bầu không khí đó – trong bối cảnh áp lực lên nguồn cung cấp khí đốt và tất cả những thứ còn lại, chúng ta đang ở trong một thời gian khó khăn.”

Gia Huy

Ngũ cốc : Nga – Ukraina ký hai thỏa thuận riêng với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ

22/7/2022

Ảnh minh họa : Công nhân xử lý hàng ngũ cốc xuất khẩu tại cảng Constanta, Rumani, ngày 21/06/2022. AP - Vadim Ghirda 

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Matxcơva và Kiev không được ký như dự kiến. Thay vì ký chung giữa bốn bên Nga, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc, ngày 22/07/2022, Nga và Ukraina lần lượt ký hai thỏa thuận riêng biệt với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc. Sự kiện này cho thấy bất đồng nghiêm trọng giữa hai nước, dù trước đó Hoa Kỳ hoan nghênh một thỏa thuận « cho phép ngũ cốc Ukraina tiếp cận các thị trường thế giới ». 

Trên mạng Twitter, ông Mikhailo Podoliak, một cố vấn của phủ tổng thống Ukraina, cho biết : « Ukraina không ký bất kỳ thỏa thuận nào với Nga. Chúng tôi ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc và giữ cam kết với họ. Nga ký biên bản ghi nhớ với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc ».

Theo AFP, Ukraina sẽ không chấp nhận để tầu chiến Nga áp tải tầu chở ngũ cốc xuất khẩu, cũng như không để bất kỳ đại diện nào của Nga xuất hiện tại các hải cảng của Ukraina với đe dọa « đáp trả quân sự ngay lập tức » mọi « hành động gây hấn » của Nga. Việc kiểm soát tầu chở ngũ cốc sẽ được tiến hành trong vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ nếu cần thiết.

Tất cả những thông báo này của chính quyền Kiev đi ngược với bản dự thảo gồm 5 điểm được đàm phán trong suốt hai tuần trước đó đểgiải tỏa từ 20 đến 25 triệu tấn ngũ cốc đang bị kẹt tại các cảng ở Ukraina do chiến tranh.

Ngoài thỏa thuận ba bên của Ukraina, phía Nga cũng ký một biên bản ghi nhớ với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc bảo đảm các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga không liên quan đến ngũ cốc và phân bón.

Xuất khẩu ngũ cốc giúp Ukraina cải thiện nền kinh tế ?

Việc giải tỏa số ngũ cốc bị kẹt tại các cảng ở Ukraina được cho là biện pháp giúp Ukraina cải thiện phần nào nền kinh tế, bị kiệt quệ vì chiến tranh. Theo dự báo, chiến tranh khiến GDP của nước này giảm đến 45% trong năm 2022. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Ukraina vừa hạ giá 25% đồng hryvnia. Quyết định này ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ gia đình Ukraina, đặc biệt là người nhập cư, sống trong tình trạng cơ cực từ đầu cuộc chiến.

Trả lời RFI ngày 22/07, nhà nghiên cứu Vitaliy Kroupine, Viện Phát triển Nông thôn thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Ba Lan tại Vacxava, phân tích :

« Từ nhiều năm nay, người dân Ukraina sống trong bất an kinh tế. Nhưng cuộc chiến tranh do Nga phát động đã làm trầm trọng thêm tình hình và ngày càng đè nặng lên cuộc sống hàng ngày của người dân. Họ nghèo đi, vì tiền mất giá, nhưng cũng vì lạm phát gia tăng. Lương thì lại không được tăng. Người dân Ukraina hiện không biết sống ra sao trong bối cảnh hiện nay. Phần lương thực đã chiếm đến 60% chi tiêu của mỗi gia đình. Chi phí cho năng lượng cũng tương tự. Giá xăng đã tăng gấp đôi trong vòng vài tháng. 

Tình hình người nhập cư ở Ba Lan hay tại những nước khác còn tệ hơn. Cuộc sống lưu vong đã tiêu tốn hết số tiền tiết kiệm của họ gửi trong ngân hàng ở Ukraina. Việc đồng hryvnia bị hạ giá là một thảm họa cho họ. Và tình hình sẽ chưa được cải thiện ngay nếu nhìn vào bối cảnh hiện nay ».

Tập đoàn dầu khí Pháp TotalEnergies "vĩnh viễn" rời khỏi Miến Điện

21/7/2022

Một khu công trường của tập đoàn Total ở đông nam Miến Điện, khai thác khí đốt từ Yadana, biển Andaman, đến biên giới Thái Lan. AFP - MICHELE COOPER 

Hơn một năm sau cuộc đảo chính tại Miến Điện, dưới áp lực của các tổ chức nhân quyền, hãng dầu khí của Pháp, TotalEnergies chính thức rời khỏi Miến Điện kể từ hôm 20/07/2022. 

Trong thông cáo tập đoàn dầu khí lớn nhất của Pháp, TotalEnergies nhấn mạnh « vĩnh viễn rút lui khỏi Miến Điện » và quyết định chính thức có hiệu lực kể từ ngày hôm qua, sáu tháng sau khi được loan báo. Hãng dầu khí Pháp mạnh mẽ lên án mọi hành vi « chà đạp nhân quyền » tại Miến Điện.

TotalEnergies hiện diện tại quốc gia Đông Nam Á này từ gần 30 năm qua, và cho đến trước cuộc đảo chính do quân đội Miến Điện tiến hành vào tháng 2/2022, công ty Pháp là một trong các đối tác khai thác mỏ khí đốt Yadana và là một trong những đối tác của tập đoàn chuyên chở khí đốt Miến Điện MGTC. 

Tháng 01/2022, hãng Pháp thông báo ngừng hoạt động tại Miến Điện, cuyển nhượng các cổ phần của TotalEnergies cho các đối tác. TotalEnergies kiểm soát hơn 31% vốn của liên doanh đa quốc gia khai thác khí đốt tại Yadana, tuyển dụng hơn 200 nhân viên tại chỗ. Theo giới phân tích, TotalEnergies « mất rất nhiều vì quyết định này ».

Tập đoàn Mỹ Chevron cũng thông báo rút khỏi Miến Điện và sẽ phải chuyển nhượng lại gần 29% vốn. Khác với TotalEnergies hay Chevron, công ty Thái Lan PTTEP vẫn hoạt động tại Miến Điện và tiếp tục khai thác khu mỏ này với tập đoàn dầu khí quốc gia MOGE, do quân đội Miến Điện kiểm soát.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét