Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 15 tháng 7 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Lãnh đạo tài chính G20 họp giữa căng thẳng về vấn đề Ukraine 

15/7/2022 

Reuters 

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen phát biểu tại cuộc họp báo ở Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 14/7/2022.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen phát biểu tại cuộc họp báo ở Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 14/7/2022. 

Các lãnh đạo tài chính G20 gặp nhau ngày 15/7 tại hòn đảo nghỉ mát Bali, trong lúc nước chủ nhà Indonesia cố gắng tìm điểm chung trong một nhóm bị căng thẳng vì chiến tranh Ukraine giữa bối cảnh áp lực kinh tế gia tăng do lạm phát phi mã.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, mà Điện Kremlin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, đã bao trùm các cuộc họp trước đó của Khối 20 nền kinh tế lớn, bao gồm cả cuộc họp giữa các Ngoại trưởng G20 vào tuần trước.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói với các đại diện của Ngân hàng Thế giới trong một cuộc họp ở Jakarta rằng ông hy vọng các thành viên G20 “có thể đưa ra một thông cáo chung” sau khi kết thúc cuộc họp vào ngày 16/7.

 

Trong G20 bao gồm các nước phương Tây đã áp đặt các chế tài lên Nga và cáo buộc nước này về tội ác chiến tranh ở Ukraine - điều mà Nga phủ nhận. Ngoài ra, G20 còn có các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi vốn im tiếng hơn trong phản ứng của mình.

Các quan chức Đức và Pháp bày tỏ hoài nghi về việc có thể đạt được điểm chung do căng thẳng về Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen ngày 14/7 nói cuộc chiến đang gây ra tác động tiêu cực trên toàn cầu và các quan chức Nga không có chỗ tại cuộc họp G20.

Tuy nhiên, bà Yellen không trả lời câu hỏi liệu bà có bỏ phòng họp khi các quan chức Nga phát biểu hay không, nhưng bà cho biết sẽ lên án cuộc xâm lược của Nga “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể.”

Bộ trưởng Tài chính Ukraine dự kiến sẽ phát biểu trực tuyến tại một trong những phiên họp, Indonesia cho biết. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov sẽ phát biểu trực tuyến, cấp phó của ông đến Bali.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bước ra khỏi một phiên họp với những người đồng cấp ở Bali vào tuần trước, sau những gì ông gọi là “những lời chỉ trích điên cuồng” đối với Nga tại một diễn đàn mà ông cho rằng lẽ ra phải tập trung vào các vấn đề kinh tế toàn cầu.

Cuộc họp đó kết thúc mà không có thông cáo chung cũng như không có bất kỳ thông báo nào về các thỏa thuận.

Indonesia nói họ muốn cuộc họp đưa ra các hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nước nghèo.

Bà Yellen nói một trong những mục tiêu chính của bà là thúc đẩy các chủ nợ G20, bao gồm cả Trung Quốc, chung quyết giảm nợ cho các quốc gia đang gặp khó khăn nợ nần.

Dầu lửa và an ninh, trọng tâm chuyến công du Ả Rập Xê Út của tổng thống Mỹ

15/7/2022

Cờ Mỹ và Ả Rập Xê Út tại quảng trường Jeddah, Ả Rập Xê Út. Ảnh chụp ngày 14/07/2022. AP - Amr Nabil 

Hôm nay, 15/07/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden, sau hai năm cầm quyền, lần đầu tiên thăm Ả Rập Xê Út. Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, dầu lửa và an ninh khu vực cũng như vấn đề nhân quyền là những chủ đề thảo luận chính giữa lãnh đạo hai nước.  

Theo Reuters, chuyến công du này của nguyên thủ Mỹ là nhằm khôi phục mối quan hệ song phương đã bị sứt mẻ nghiêm trọng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018. Một quan chức cao cấp Nhà Trắng cho biết nguyên thủ Mỹ sẽ có cuộc hội đàm với quốc vương Salman, hoàng thái tử Mohamed Ben Salmane (còn được gọi là MBS) cũng như là nhiều quan chức cao cấp khác của Ả Rập Xê Út.  

Tổng thống Mỹ nhân dịp này sẽ dự thượng đỉnh Hội Đồng Hợp Tác vùng Vịnh, vào ngày mai 16/7 tại Djeddah, với sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo các nước Ả Rập khác. 

Theo nhận định của Reuters, chính những chao đảo địa chính trị do cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga đã thúc đẩy Joe Biden phải nối lại quan hệ với Ả Rập Xê Út, quốc gia xuất khẩu dầu hỏa số một thế giới và ngày càng có xu hướng thắt chặt quan hệ với Nga và Trung Quốc.  

Trước những mong muốn này của Nhà Trắng, chính quyền Ả Rập Xê Út hôm nay thông báo mở cửa không phận cho « tất cả các hãng hàng không », một cử chỉ tỏ thiện chí đối với Israel cho đến giờ vẫn chưa được Riyad công nhận. Chuyến bay đưa tổng thống Mỹ đi từ Tel Aviv đến Jeddah, là tuyến nối trực tiếp đầu tiên giữa Israel và Ả Rập Xê Út.  

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay lập tức đã hoan nghênh quyết định này của chính quyền Riad. Về phần mình, Israel cho biết « không phản đối » việc chuyển giao hai đảo chiến lược trên Hồng Hải cho Ả Rập Xê Út. Theo giới quan sát, các động thái này có nhiều khả năng mở đường việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê Út. 

Kinh tế Trung Quốc thiệt hại nặng vì phong tỏa

Tình hình ca nhiễm covid-19 tăng trong tháng này ở Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại phong tỏa trong tương lai. Những ngày gần đây, một số cư dân Thượng Hải đã bị phong tỏa tại nhà, làm nhớ lại giai đoạn phong tỏa quyết liệt hồi tháng 4 và tháng 5. Thiệt hại kinh tế của các biện pháp chống dịch như vậy sẽ được phản ánh rõ rệt trong số liệu GDP công bố vào thứ Sáu.

Giới phân tích dự đoán kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong quý hai so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1992, trừ ba tháng đầu năm 2020 khi đại dịch bùng phát. Theo ngân hàng Morgan Stanley, chính phủ đang chuẩn bị hơn 7 triệu nhân dân tệ (1 nghìn tỷ USD) cho nỗ lực phục hồi trong thời gian còn lại của năm. Nhưng nếu nền kinh tế phục hồi, virus cũng sẽ trỗi dậy.

Biden đến Ả Rập Saudi

Sau Israel, tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến thăm Ả Rập Saudi. Khi tranh cử ông từng thề sẽ biến Saudi trở thành “một quốc gia bị bài xích.” Nhưng giờ đây ông sẽ phải cầu xin họ bơm thêm dầu để giúp giảm giá nhiên liệu.

Ông Biden ngụy trang chuyến thăm của mình với ba tấm bình phong. Một là việc này giúp Israel, bằng cách thúc đẩy Ả Rập Saudi tiến tới bình thường hóa và cô lập Iran. Hai là ông không thực sự đến thăm Ả Rập Saudi vào thứ Sáu, mà trên danh nghĩa đến tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước Ả Rập ở Jeddah. Ba là ông sẽ không bắt tay bất kì ai, ít nhất là thái tử Muhammad bin Salman, để bảo đảm chống dịch covid-19.

Tuy nhiên, người Saudi sẽ không tiến xa hơn trong quan hệ với Israel cho đến khi Tel Aviv làm hòa với Palestine. Và họ vẫn liên kết với Nga về chính sách dầu mỏ. Còn đối với việc tránh tiếp xúc cơ thể, ông Biden đã từ bỏ việc đấm tay ở Israel. Vì là người dùng nhiều ngôn ngữ cơ thể, chuyến đi này sẽ không hề dễ chịu cho ông.

Nga dồn nguồn lực kinh tế cho chiến tranh

Quốc hội Nga dường như chỉ tồn tại để thông qua các quyết định của tổng thống Vladimir Putin. Đảng Nước Nga Thống nhất của ông kiểm soát tới 325 trên 450 ghế. Vì vậy, việc các nghị sĩ được triệu tập sớm từ kỳ nghỉ hè cho một cuộc họp bất thường vào thứ Sáu có thể là tin không tốt cho Ukraine.

Lãnh đạo ở quốc hội của Nước Nga Thống nhất cho biết có ít nhất 60 vấn đề nằm trong chương trình nghị sự. Một trong số đó có thể là xác nhận phê chuẩn bộ trưởng công thương Denis Manturov làm phó thủ tướng. Ông Manturov sẽ có nhiệm vụ khôi phục năng lực công nghiệp của Nga, báo hiệu tăng cường huy động kinh tế cho chiến tranh. Trước đó vào ngày 5 tháng 7, quốc hội đã thông qua một dự luật bắt buộc các doanh nghiệp Nga hỗ trợ nỗ lực quân sự nếu cần thiết. Hai ngày sau, ông Putin đề nghị với các nhà lãnh đạo quốc hội rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine vẫn chưa bắt đầu “một cách nghiêm túc.” Ukraine và phương Tây mong ông chỉ đang nói phóng đại.

Pháo tầm xa của Mỹ giúp Ukraine thay đổi tình hình chiến trường

Các lực lượng vũ trang Ukraine đang háo hức chờ đợi một loại vũ khí có thể giúp đưa cán cân chiến tranh nghiêng về phía họ. Mỹ đã tặng tám hệ thống pháo tầm xa HIMARS, bên cạnh một số nữa từ Anh.

Mỗi bệ phóng HIMARS có thể bắn rocket dẫn đường bằng GPS đi xa 84km. Và chúng đang tạo ra tác động ngay lập tức. Khoảng 20 kho đạn của Nga, cũng như một số doanh trại và sở chỉ huy, trên đất Ukraine đã bị bắn cháy kể từ khi HIMARS được biên chế vào cuối tháng 6. Các chỉ huy Ukraine rất vui mừng. Nga có thể thích nghi bằng cách phân tán và ngụy trang các trụ sở cũng như kho chứa. Nhưng làm vậy khiến việc vận chuyển đạn pháo ra tiền tuyến trở nên phức tạp hơn.

Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn đối với người Nga. Cho tới nay Mỹ vẫn chưa gửi đạn chống pháo M77, loại đạn có thể thả ra 8.000 quả bom nhỏ trong vòng chưa đầy 60 giây. Họ cũng chưa cung cấp tên lửa ATACMS với tầm bắn 300 km. Khí tài này có thể đặt mọi binh sĩ Nga ở Ukraine vào tình thế luôn luôn bị đe dọa.

Tổng thống bác bỏ ý định từ chức của Thủ tướng Ý Draghi

15/7/2022

https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/07/Mario-Draghi-e1657822413807-700x420-1.jpg

Thủ tướng Ý Mario Draghi gặp gỡ giới truyền thông tại Rome hôm 12/07/2022. (Ảnh: Mauro Scrobogna/LaPresse qua AP) 

ROME – Hôm thứ Năm (14/07), Thủ tướng Ý Mario Draghi đã cho biết ý định từ chức sau khi một đồng minh liên minh dân túy từ chối ủng hộ một dự luật quan trọng của chính phủ, nhưng tổng thống của quốc gia này đã bác bỏ đơn từ chức, nói với ông Draghi xem xét liệu ông có thể vẫn còn nhận được phần đa số trong Quốc hội sẵn sàng ủng hộ ông không.

Chính phủ liên minh đoàn kết rộng rãi của ông Draghi — bao gồm các đảng từ cánh hữu, cánh tả, trung tâm, và Phong trào 5-Star theo chủ nghĩa dân túy — được thành lập để giúp nước Ý phục hồi sau đại dịch virus corona. Ông nhậm chức hồi tháng 02/2021.

Vài giờ trước đó, ông Draghi và chính phủ của ông đã giành chiến thắng trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, với tỷ lệ 172–39, tại Thượng viện bất chấp việc Phong trào 5-Star từ chối ủng hộ dự luật nói trên, vốn dành ra 26 tỷ EUR (USD) để giúp người tiêu dùng và các ngành công nghiệp đang xoay xở với giá năng lượng tăng cao. Nhưng sự ngăn cản này, được dàn dựng bởi thủ lĩnh 5-Star Giuseppe Conte, người tiền nhiệm của ông Draghi, đã gây ra thiệt hại.

Ngay trước khi tới dinh tổng thống Quirinal để đệ đơn từ chức, ông Draghi tuyên bố: “Phần đa số của liên minh đoàn kết quốc gia vốn đã duy trì chính phủ này từ khi nó thành lập hiện không còn tồn tại nữa.”

Tuy nhiên, Tổng thống Sergio Mattarella đã nói với ông Draghi thay vào đó hãy quay lại Quốc hội và xem liệu ông có thể vẫn còn thu hút được sự ủng hộ đa số hay không, một tuyên bố của dinh tổng thống cho biết, nói thêm rằng đơn từ chức đã không được chấp nhận.

Truyền hình nhà nước cho biết ông Draghi có thể sẽ nói chuyện trước Quốc hội vào tuần tới, có thể là vào thứ Tư (20/07).

Nếu ông Draghi không thể tập hợp lại đủ sự ủng hộ để thực hiện các cải cách kinh tế của mình, thì ông Mattarella có thể giải tán Quốc hội, chuẩn bị cho một cuộc bầu cử sớm ngay vào cuối tháng Chín. Hiện tại, nhiệm kỳ của Nghị viện sẽ hết hạn vào mùa xuân năm 2023.

Ông Mattarella đã bổ nhiệm cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Âu Châu — người được biết đến với tên là “Super Mario” vì giải cứu đồng euro “bằng bất cứ giá nào” — để kéo nước Ý ra khỏi đại dịch và đặt nền móng cho việc tận dụng hàng tỷ euro trong các quỹ phục hồi sau đại dịch của Liên minh Âu Châu.

Phong trào 5-Star, những người đã đánh mất sự ủng hộ đáng kể trong các cuộc bầu cử địa phương gần đây và tụt dốc trong các cuộc thăm dò dư luận, đang rơi vào tình trạng hỗn loạn. Các nhà lập pháp 5-Star cứng rắn, những người hoài nghi việc gia nhập chính phủ của ông Draghi hồi năm ngoái đã phàn nàn rằng lợi ích của họ đã bị phớt lờ.

Trong dự luật hôm thứ Năm (15/07), 5-Star đã phản đối một điều khoản cho phép Rome vận hành một lò đốt rác ở ngoại ô của thủ đô thường xuyên nghẹt thở vì rác của nước Ý.

Trong cuộc tranh luận, một vài thượng nghị sĩ đã chỉ trích quyết định của ông Conte khi để các thượng nghị sĩ 5-Star tẩy chay cuộc bỏ phiếu.

Làm việc trong một chính phủ “không giống như chọn thực đơn và quyết định không có món khai vị (antipasto), hay có món tráng miệng kem (gelato),” bà Emma Bonino, người dẫn dắt một đảng ủng hộ Âu Châu nhỏ bé, nói.

Những người khác lưu ý rằng ông Draghi đã trở thành một nhân vật quan trọng ở Âu Châu khi Nga tiến hành cuộc chiến tranh với Ukraine, đặc biệt là với sự ra đi sắp tới của Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Ông Draghi đã cầm quyền với sự ủng hộ của hầu như tất cả các đảng chính của Ý, ngoại trừ đảng cực hữu Huynh Đệ của Ý (Brothers of Italy) đang phát triển nhanh chóng, đảng này đã yêu cầu ông Mattarella cho người Ý cơ hội bỏ phiếu bầu các nhà lãnh đạo mới.

Ông Giovanni Orsina, một giáo sư lịch sử và giám đốc trường chính phủ tại đại học LUISS của Rome, đã dự đoán chính xác rằng ông Mattarella sẽ yêu cầu ông Draghi kiếm cho được một lượng đa số mới, khả thi.

“Chúng ta có đại dịch, chúng ta có chiến tranh, chúng ta có lạm phát, chúng ta có cuộc khủng hoảng năng lượng. Vậy thì chắc chắn đây không phải là một thời điểm tốt,” ông Orsina nói. “Và cũng bởi vì ông Mattarella tin rằng, một cách chính đáng, nhiệm vụ của ông ấy là gìn giữ sự ổn định.”

Trong số những thành tựu của ông Draghi là giữ cho nước Ý đi đúng hướng với những cải cách mà EU đã đưa ra một điều kiện để nước này nhận được 200 tỷ EUR (USD) tiền hỗ trợ khắc phục đại dịch. Phần lớn khoản tiền tài trợ đó của EU đã được phân bổ, cho thấy nguồn tài trợ sẽ không bị mất ngay cả trong bối cảnh chính phủ bất ổn.

Do Frances D’emilio của The Associated Press thực hiện
Cẩm An biên dịch

Quần đảo Solomon khẳng định không cho TQ xây căn cứ quân sự tại đây 

15/7/2022 

AP 

Thủ tướng Quần đảo Solomon, Manasseh Sogavare.

Thủ tướng Quần đảo Solomon, Manasseh Sogavare. 

Thủ tướng Quần đảo Solomon, Manasseh Sogavare, ngày 14/7 nói hiệp ước an ninh mới của nước ông với Bắc Kinh sẽ không cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại quốc gia Nam Thái Bình Dương này và không biến công dân nước ông thành “mục tiêu cho các cuộc tấn công quân sự tiềm tàng”.

Ông Sogavare ký thỏa thuận với Bắc Kinh vào tháng 4 về hỗ trợ an ninh. Chi tiết về hiệp ước chưa được công bố nhưng thỏa thuận đã làm dấy lên lo ngại về một căn cứ quân sự thường trực của Trung Quốc trong vòng 2.000 km của bờ biển đông bắc Úc.

Thủ tướng Quần đảo Solomon tại cuộc họp của lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương ngày 14/7 ở Fiji mạnh mẽ phủ nhận rằng đất nước của ông sẽ trở thành một chỗ dựa quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.

“Không có căn cứ quân sự nào cả, cũng không có bất kỳ cơ sở hoặc định chế quân sự nào khác, trong thỏa thuận. Và đó là một điểm rất quan trọng mà chúng tôi tiếp tục nhắc lại với các nước trong khu vực,” ông nhấn mạnh.

Không nêu đích danh Hoa Kỳ hay đối tác an ninh quan trọng của Solomons là Australia, ông Sogavare hồi tháng 5 nói trước Quốc hội rằng các bên phản đối hiệp ước này đã đe dọa và xúc phạm đất nước của ông.

Cả Hoa Kỳ và Úc từng nói với Quần đảo Solomon rằng sẽ không dung chấp nước này cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự.

Tân chính phủ của Thủ tướng Úc Anthony Albanese được bầu lên với lời hứa sẽ viện trợ nhiều hơn và gắn bó hơn với các quốc đảo láng giềng.

Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương là một tập hợp của 18 quốc đảo nhưng tuần này Kiribati rút lui không tham gia.

Ông Albanese mô tả cuộc họp là “rất xây dựng”, nhấn mạnh rằng “lợi ích của Australia sẽ không được phục vụ nếu có một căn cứ quân sự quá gần Australia.”

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết bà đã nói chuyện thẳng thắn với ông Sogavare trong cuộc họp ngày 13/7 về những lo ngại về hiệp ước với Trung Quốc. Bà nói đôi bên đã tìm thấy “điểm chung” về sự cần thiết phải hạn chế quân sự hóa trong khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh vừa kể chìm trong căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, cả hai đều thể hiện lợi ích chiến lược cao độ trong khu vực.

Thủ tướng Fiji, Frank Bainimarama, người chủ trì hội nghị, nói với các nhà lãnh đạo đồng cấp trong diễn văn khai mạc rằng “bối cảnh địa chính trị và toàn cầu đang cạnh tranh gay gắt”.

Ông Bainimarama đã mời Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đọc diễn văn trực tuyến vào ngày 13/7. Hành động này gây chú ý vì các đối tác đối thoại của diễn đàn - bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh và Pháp - đã không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay.

Bà Harris đề nghị mở tòa đại sứ mới ở Tonga và ở Kiribati.

Bà cũng yêu cầu Quốc hội Mỹ tài trợ gấp ba lần để trợ giúp nghề cá lên 60 triệu đô la một năm và chỉ định đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tham dự diễn đàn.

Hai tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Trung Quốc ngồi nghe diễn văn của bà Harris trong khu vực dành cho báo chí tại hội nghị đã bị phát hiện và bị cảnh sát yêu cầu rời đi, tờ Guardian đưa tin.

Các quan chức của Diễn đàn đã không trả lời khi truyền thông hỏi liệu các quan chức Trung Quốc có được phép tham dự hay không.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai người vừa kể không vi phạm quy tắc nào khi xem bài phát biểu của bà Harris.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói: “Các đại diện của Trung Quốc đã được mời tham dự các cuộc họp và sự kiện liên quan.”

Cả Quần đảo Solomon và Kiribati gần đây đã chuyển sự công nhận ngoại giao của họ từ Đài Loan sang Bắc Kinh. Việc Kiribati rút khỏi diễn đàn được giải thích là do sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Mỹ thua Trung Quốc trong nỗ lực tái chinh phục miền Nam Thái Bình Dương ?

14/7/2022

Ảnh ghép : Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. AP - Alex Brandon, Eraldo Peres 

Hôm nay 14/07/2022 là lễ Quốc Khánh Pháp, do đó tờ báo nào không nghỉ lễ đều tràn ngập trang bài liên quan đến thời sự Pháp. Về tình hình quốc tế, nổi bật là chuyến công du Trung Đông của tổng thống Mỹ Joe Biden, bên cạnh chủ đề không thể thiếu là cuộc chiến Ukraina. Về châu Á, độc đáo nhất là bài trên Le Monde về một “thất bại” của Mỹ trong việc tái chinh phục các quốc đảo miền nam Thái Bình Dương. 

Sự kiện khiến tờ báo Pháp đi đến nhận định kể trên là thông báo hôm 11/07 vừa qua của quốc đảo Kiribati, cho biết là họ rút ra khỏi nhóm nước thuộc Diễn Đàn Quần Đảo Thái Bình Dương PIF (Pacific Islands Forum), một quyết định được công bố ngay hôm khai mạc hội nghị lần thứ 51 của PIF tại Suva, thủ đô của quốc đảo Fiji, dự trù kéo dài cho đến hôm nay 14 tháng Bảy. 

Trong bài “Các quốc đảo vùng Thái Bình Dương tập hợp lại dưới sự giám sát của Trung Quốc và Hoa Kỳ”, Le Monde giải thích ngay rằng sự kiện Kiribati rời khỏi Diễn Đàn PIF là một vố đau cho Mỹ vì Washington đang muốn dùng tổ chức khu vực bao gồm 18 thành viên này, trong đó các đồng minh thân cận của họ như Úc và New Zealand, để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh. 

Theo Le Monde, quốc đảo Kiribati, dù nhỏ, nhưng có một giá trị chiến lược cao, với khu đặc quyền kinh tế hàng hải khổng lồ giáp giới Hoa Kỳ và các khoản đầu tư không nhỏ của Trung Quốc (Bắc Kinh đã mua lại đường băng duy nhất của quốc đảo này vào năm 2021). 

Trả lời tờ báo Pháp, bà Cleo Paskal, nhà nghiên cứu Canada chuyên về vùng Nam Thái Bình Dương giải thích: “Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo muốn Diễn Đàm PIF hoạt động vì ông ấy lo ngại Trung Quốc. Việc Kiribati rút đi, sau một quyết định tương tự của Quần Đảo Marshall, cho thấy là hai quốc gia này duy trì quan hệ tốt với Bắc Kinh”.  

Bà Paskal không ngần ngại khẳng định: “Đây là một thất bại đối với Hoa Kỳ, nước đã xem diễn đàn như là một cánh cửa cho phép Mỹ triển khai chính sách của mình vào khu vực. Đây cũng là một thất bại đối với Úc và New Zealand, hai nước không còn nắm giữ được các thành viên khác trong diễn đàn”. 

Về phần Trung Quốc, Le Monde ghi nhận một chiến lược hai mũi giáp công: Một mặt tài trợ cho FIP một cách hậu hĩnh, nhưng một mặt khác thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh thông qua các thỏa thuận song phương. Vào tháng 5, ngoại trưởng giao Trung Quốc Vương Nghị đã ký kết quan hệ đối tác tại 8 quốc đảo trong khu vực, nổi bật nhất là thỏa thuận an ninh với quần đảo Salomon, cho phép các lực lượng võ trang Trung Quốc can thiệp vào quốc gia này, điều đã khiến cho các cường quốc phương Tây lo ngại. 

Theo Le Monde, các bước tiến của Trung Quốc ở vùng Thái Bình Dương đã làm dấy lên lo ngại tại thượng đỉnh NATO ở Madrid vào cuối tháng Sáu vừa qua, và được nêu lên trong bản “Khái Niệm Chiến Lược” mới của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. 

Vấn đề, theo Le Monde, là NATO không hoàn toàn nhất trí trong nội bộ về cách đối phó với Trung Quốc.  

Hoa Kỳ, vì nghĩ rằng mình có thể bị Trung Quốc lấn lướt về mặt quân sự trên các vùng biển vào năm 2030, nên mong muốn củng cố cả hai mặt trận, đó là Đông Âu và Thái Bình Dương. Một nguồn tin từ Lầu Năm Góc gần đây đã thừa nhận tại Paris rằng: “Nếu Nga tấn công NATO, tôi sẽ khuyên tổng thống (Mỹ) không nên giảm bớt các phương tiện bảo vệ Đài Loan, vì nếu làm như vậy, Trung Quốc sẽ tấn công và chúng ta”. Theo nguồn tin này, nếu không bố trí thêm tăng viện tại những vị trí tốt, phương Tây sẽ không thể giảm bớt cú sốc do Bắc Kinh gây ra ở Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh nhiều không gian hơn nữa. 

Về phần nước Pháp, quốc gia cũng có vai trò ở vùng Thái Bình Dương thông qua các vùng lãnh thổ hải ngoại Nouvelles Calédonies, Wallis và Futuna và Polynésie, nhưng từ chối đi theo lập trường cứng rắn ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ để duy trì quan hệ hữu hảo hơn với Trung Quốc. Theo Le Monde, khẩu hiệu của Paris tại hội nghị thượng đỉnh Madrid là: NATO phải tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ vùng Châu Âu-Đại Tây Dương.  của mình. Một nguồn tin từ bộ tổng tham mưu Quân Đội Pháp, hôm 11 tháng 7 vừa qua đã cảnh báo: “Làm nhiều hơn ở Thái Bình Dương tức là làm ít hơn ở những nơi khác”, trong lúc về các phương tiện sẵn có không phải là vô hạn. 

Tuy nhiên, theo Le Monde, trên bình diện quân sự, NATO không có bất đồng về mục tiêu chung: “Tránh leo thang và kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc”.  

Trên cơ sở đó, Pháp-Mỹ sẽ phối hợp với nhau để làm “phức tạp thêm các tính toán của Trung Quốc”. Theo nguồn tin Pháp nói trên: “Quân Đội Pháp có khả năng góp phần quan trọng vào phương trình chung”. Một ví dụ cụ thể: Các cuộc tập trận hải quân với Úc đã được lên kế hoạch trở lại sau khi hai nước giải quyết ổn thỏa tranh chấp tàu ngầm. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét