Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Biển Đông ngày Thứ sáu 29 tháng 7 năm 2022





Trung Hiếu tổng hợp từ nhiều nguồn

Hàng Không Mẫu Hạm Ronald Reagan, quần đảo Trường Sa, Đài Loan

Không rõ các thay đổi của HKMH/ Ronald Reagan có liên quan đến các phương án bố trí phục vụ cho việc bảo vệ chuyến thăm của bà Pelosi hay không, nhưng có vài diễn biến cực kỳ đáng chú ý ở quần đảo Trường Sa trong ngày 26.7, sẽ được đề cập ở phần dưới.

1. Hoạt động của HKMH/ Ronald Reagan

Sau khi rời khỏi Singapore ngày 26.7, nhóm tác chiến HKMH/ USS Ronald Reagan hướng lên phía bắc.

Ngày 28.7, hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu này hoạt động ở phía tây quần đảo Trường Sa, cách Đá Chữ Thập khoảng 100 hải lý về phía tây tây bắc.

Nhóm tàu Mỹ bị bám theo bởi ít nhất hai tàu chiến Trung Quốc, gồm 1 chiếc Type 052D và 1 chiếc Type 054A.






Hình ảnh được Hải quân Mỹ công bố cho thấy chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet cùng máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeye đã tiến hành hoạt động bay trong ngày 28.7.

Hoạt động của HKMH Ronald Reagan ở Biển Đông được chú ý giữa lúc có nhiều thông tin cho biết tàu này sẽ được điều động tham gia bảo vệ an toàn cho chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trong trường hợp bà này tiến hành chuyến thăm như kế hoạch.

Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy tàu này dường như đã thay đổi kế hoạch hoạt động ở Biển Đông trong ngày 26.7.




Cụ thể, sau khi HKMH  Mỹ rời Singapore ngày 26.7, hai máy bay C-2A hoạt động trên tàu đã cất cánh bay đến căn cứ Clark ở Philippines.

Tuy nhiên, giữa chừng một chiếc C-2A đã ngoặt lại và rẽ vào Brunei. Chiếc khác vẫn bay đến Clark như kế hoạch và đến ngày 28.7 nó quay trở lại Brunei.




Máy bay C-2A đổi hướng ghé vào Brunei trong ngày 26.7.

Thông thường, nếu tàu hoạt động ở phía nam Biển Đông, các máy bay này sẽ cất cánh từ Singapore. Nếu hoạt động ở phía bắc Biển Đông, hoặc Biển Philippines, chúng sẽ lấy Philippines làm căn cứ tạm thời. Còn nếu cất cánh từ Brunei, nó sẽ hoạt động ở gần khu vực quần đảo Trường Sa.

Việc các máy bay bay đến Philippines ngày 26.7 gợi ý tàu có kế hoạch hướng lên phía bắc gần Đài Loan, hoặc rời khỏi Biển Đông. Tuy nhiên, kế hoạch có vẻ như đã thay đổi và tàu này sẽ tiếp tục hoạt động gần Trường Sa sau khi các máy bay trở lại Brunei.

Không rõ các thay đổi này có liên quan đến các phương án bố trí phục vụ cho việc bảo vệ chuyến thăm của bà Pelosi hay không, nhưng có vài diễn biến cực kỳ đáng chú ý ở quần đảo Trường Sa trong ngày 26.7, sẽ được đề cập ở phần dưới.

2. Quần đảo Trường Sa

Được biết, sau khi tàu Ronald Reagan rời Singapore trở lại Biển Đông, Trung Quốc đã triển khai một số chiến đấu cơ cùng các loại máy bay trinh sát xuống khu vực quần đảo Trường Sa.

Trong một diễn biến cực kỳ đáng chú ý, các chiến đấu cơ của Trung Quốc đã hạ cánh ở Đá Chữ Thập trong một thời gian ngắn trong ngày 26.7 trước khi quay trở lại phía bắc.

Trong các ngày 24 và 25.7, hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy nhiều chiến đấu cơ xuất hiện ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Việc Trung Quốc cho chiến đấu cơ hạ cánh ở Đá Chữ Thập có thể xem là một tín hiệu cảnh báo đối với Mỹ, giữa lúc HKMH  Ronald Reagan có mặt ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang xung quanh chuyến thăm được lên kế hoạch của bà Pelosi.

Một ngày sau, máy bay trinh sát RC-135V đã tiến hành chuyến bay trinh sát hiếm thấy ở khu vực quần đảo Trường Sa từ căn cứ Darwin ở Úc.

3.  Mỹ - Trung

Tối 28.7, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giữa lúc căng thẳng hai nước leo thang.

Cuộc điện đàm kéo dài 2 tiếng 17 phút tập trung vào 3 phần:

Những lĩnh vực có thể hợp tác, đặc biệt là biến đổi khí hậu và an ninh y tế.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine và tác động của nó.

Vấn đề Đài Loan.

Tuy nhiên, ngoài cam kết duy trì liên lạc và nghiên cứu kế hoạch hội đàm trực tiếp, hai bên không đạt được một kết quả cụ thể và đột phá nào.

Về vấn đề Đài Loan, Tổng thống Biden nhấn mạnh chính sách của Mỹ không thay đổi và Mỹ cực lực phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc làm xói mòn hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, theo thông cáo của Tòa Bạch Ốc.

https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/07/28/readout-of-president-bidens-call-with-president-xi-jinping-of-the-peoples-republic-of-china/?utm_source=substack&utm_medium=email

Về phía Trung Quốc, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết ông Tập đã sử dụng mẫu cảnh báo “Kẻ đùa với lửa sẽ tự bị thiêu cháy” khi nói về vấn đề Đài Loan.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Tập sử dụng mẫu cảnh báo này với Tổng thống Biden. Việc cảnh báo đừng “đùa với lửa” từng được ông Tập phát biểu trong cuộc điện đàm giữa hai người vào tháng 11.2021.

Vài tiếng sau khi cuộc điện đàm kết thúc, hãng Bloomberg và NBC News đưa tin Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ bắt đầu chuyến công du châu Á trong ngày 29.7 (giờ Mỹ). Tuy nhiên, việc bà có ghé đến Đài Loan hay không vẫn chưa được xác định.

Bloomberg đưa tin bà Pelosi sẽ đến Nhật Bản, Indonesia và Singapore trong khi NBC tiết lộ các chặn dừng chân bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.

Lịch trình cụ thể của bà Pelosi vẫn được giữ kín và có thể thay đổi phút chót nhưng một thư mời tham dự sự kiện của Phòng Thương mại Mỹ ở Singapore cho biết bà sẽ có mặt ở Singapore vào ngày 1.8.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét