IX- XÃ HỘI MIỀN BẮC QUA CÁI NHÌN HẠN CHẾ CỦA MỘT NGƯỜI TÙ
Không ai ở Miền Nam muốn ra sống tại Miền Bắc. Nhưng khi đặt chân lên bến Sáu Kho, Hải Phòng năm 1976, chúng tôi nói với nhau là dù sao thì cũng đã bị bắt buộc phải ở Miền Bắc rồi, thử cố nhìn xem đời sống và con người thực chất như thế nào tại phần đất Việt Nam mà Cộng sản nói rằng ”về cơ bản, đã hoàn thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”.
Ngày từ bến Sáu Kho về trại Quảng Ninh, chúng đã dùng vải che cửa xe ô-tô để chúng tôi không nhìn được ra ngoài. Rồi chúng tôi chỉ ở trong trại giam, tiếp xúc với cán bộ trại giam, một ít tù hình sự, và nhìn thấy cách làm việc của một vài hợp tác xã gần đấy. Rồi một chuyến đi từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá. Lần nầy thì xe không bị che vải, có thể nhìn ra ngoài rõ ràng hơn. Và ở trại số 5, gốc là trại Lý Bá Sơ, tôi ở cả ba phân trại: phân trại B, phân trại A, rồi phân trại C. Thế thôi, cái nhìn thật là hạn chế. Tôi rất tiếc là không được xem tường tận một nhà máy, một nông trường nào ở Miền Bắc để có thể có những nhận xét thật rõ ràng, cụ thể, chi tiết.
Nhưng sau hơn ba năm ở Miền Bắc, qua cái nhìn hạn chế của một người tù, cũng có thể thấy được bản chất, trình độ của xã hội Miền Bắc, từ đó có thể đối chiếu thực tế với những gì Cộng sản tuyên truyền.
A. TỪ QUẢNG NINH VÀO THANH HOÁ
Tháng 8 năm 1978, chúng tôi được chuyển trại từ Quảng Ninh về Thanh Hoá. Trại không hề cho biết trước ngày nào, đến lúc ngồi trên xe, xe chạy rồi cũng chưa biết là đi đến đâu. Tất nhiên trại cũng không nói lý do chuyển trại, tuy nhiên chúng tôi đều biết là vì sự căng thẳng với Trung quốc, mà tỉnh Quảng Ninh là tỉnh biên giới.
Tuy trại giữ kín nhung chúng tôi cũng được biết trước khoảng một tuần. Phối kiểm các tin tức, các sự kiện thu thập được, chúng tôi biết là thế nào cũng có di chuyển. Anh em hình sự cho biết sắp di chuyển, việc chuẩn bị thay đổi toán nhà bếp, đội làm mộc đóng thùng gỗ để đi tiểu tiện dọc đường v.v…, các yếu tố đó kết hợp lại cùng với tình hình biên giới căng thẳng, làm chúng tôi tính trước được. Nhưng đi về đâu thì đoán không ra. Thấy đóng thùng gỗ đi tiểu, chúng tôi tưởng là đi tàu thủy, và như thế, có thể là trở về Nam. Nhưng khi lên xe, thấy mỗi xe để một thùng gỗ mới biết là chỉ đi xe hơi thôi. Thế thì chỉ quanh quẩn ở Miền Bắc.
Sáng ngày 3-8, trại bất thần khám xét đồ đạc. Tất cả phải bày ra, rồi cán bộ kiếm chuyện tịch thu. Chúng tôi biết là đã đến lúc sắp đi. Chiều hôm ấy, trại cho nghỉ lao động.
Đến tối trại mới phổ biến lệnh dọn dẹp đồ đạc, ở trong tư thế sẵn sàng để di chuyển. 11 giờ đêm bắt đầu lên xe. Khoảng 1 giờ đêm ngày 4-8, xe bắt đầu di chuyển. Xe sang sông Bạch Đằng trời hãy còn tối. Đến Hải Phòng thì trời sáng. Những đoàn xe không vào Hải Phòng chỉ chạy phía ngoài thành phố, để sang Kiên An. Xe đi ngã Thái Bình, đến Nam Định mới ra quốc lộ số 1 để vào Ninh Bình rồi Thanh Hoá. Đến trại số 5 lúc 9 giờ đêm.
Chúng tôi được suốt ngày 4-8-78 quan sát quang cảnh Miền Bắc.
Ấn tượng rõ ràng nhất của chúng tôi là vẻ nghèo nàn tiều tụy của thành phố cũng như nông thôn. Anh Nguyễn Toại, thẩm phán, nghị sị Thượng viện, người Miền Bắc, đã từng đi lại vùng Thái Bình, Nam Định, có nhận xét rằng nhà cửa ở thôn quê xem ra lại tệ hơn là hồi năm 1945. Hồi Pháp thuộc, 1945 trở về trước, hai bên đường còn có những căn nhà lớn của các địa chủ khá giả, nay thì những căn nhà lớn đó không còn, mà nhà cửa của lớp nghèo thì vẫn tiều tụy như xưa hoặc bệ rạc hơn xưa.
Có điểm mâu thuẩn là dọc đường đi chỗ nào cũng thấy có trụ điện giăng đường dây cao thế, nhưng nhìn vào nhà của mọi người thì không có dấu hiệu gì chứng tỏ có dùng điện. Đây cũng là một điểm chứng tỏ tính cách nô lệ của giới lãnh đạo Miền Bắc. Lénine có nói “xã hội chủ nghĩa là chính quyền Xô Viết + điện khí hoá toàn quốc”. Giới lãnh đạo Cộng sản miền Bắc rập theo công thức đó nên giăng đường dây điện tứ tung. Nhưng trình độ kinh tế hãy còn quá lạc hậu, các tiện nghi của đời sống không có gì, bóng đèn còn sản xuất không ra thì lấy đâu cho dân chúng xài điện. Và các nhà máy điện cũng khi chạy khi hư cho nên đường dây cao thế đưa về nông thôn có lẽ chỉ để chụp ảnh quay phim mà thôi.
Dọc đường thỉnh thoảng mới có một chiếc xe hơi, còn thì toàn là đi bộ, gánh gồng, đi xe thồ, và xe đạp. Ở Thái Bình,chúng tôi thấy những chiếc xe xích lô, có lẽ là từ năm 1956 còn lại, không có nệm xe, không sơn phết, vá víu bẩn thỉu trông như chiếc giẻ rách, hay như hàm răng sắp rụng, thế mà vẫn còn xử dụng. Không thấy một ai đi giày, chỉ toàn đi dép cao su hoặc đi chân đất.
Đường quốc lộ chật hẹp và đầy những ổ gà. Đường sá năm 1956 Pháp để lại thế nào thì nay cũng thế ấy và thiếu bảo trì nên hư hỏng nhiều.
Chúng tôi qua sông Hoàng Hà ở bến phà Tân Đệ.
Bến đò Tân Đệ mà các tác phẩm văn chương trước kia hay nhắc đến, nay là một bến phà tồi tàn, không có trái nổi (ponton), chỉ có con đường dốc xây xi-măng thẳng xuống nước, xe lên xuống phà thật là nguy hiểm, và xe rất dễ hư hỏng.
Thành phố Nam Định thì ngay dãy phố chính, nhà cửa cũ vẫn còn nhưng không được quét vôi đã nhiều năm và có nhiều nhà gạch mà mái nhà lại lợp tranh, chắc là vì chủ nhà nghèo quá, khi mái ngói hư không đủ sức lợp ngói trở lại. Tại Nam Định, tôi không thấy dấu tích các vụ ném bom của Mỹ (trong khi ở Hải Phòng vẫn còn thấy) vì các dãy phố toàn là những nhà đã quá cũ, những nhà xây từ thời Pháp thuộc không bị đổ nát, chỉ có tồi tàn đi mà thôi. Dọc theo đường phố, không thấy có tiệm ăn nào ra hồn, chỉ có các hàng quán bán nước chè, thuốc lá, thuốc lào, vài nải chuối, mấy gói bánh. Có một vài nhà mới xây cất thì hoặc là công sở, hoặc là cơ quan quốc doanh. Thành phố Nam Định chỉ gồm những gì từ đời Pháp để lại mà cũ kỹ, tiều tụy đi rất nhiều.
Khi đến Ninh Bình, nhìn dãy núi Đá Vôi, và nhất là khi qua đèo Tam Điệp để vào Thanh Hóa, tôi bồi hồi nhớ những bài học Sử Địa hồi con nhỏ. Đèo Tam Điệp thật là hiểm trở, núi cao chót vót, hùng vĩ, đường đèo quanh co, phong cảnh thật đep. Địa thế như vậy cho nên ngày xưa chỉ một cánh quân trấn giữ là đại quân của kẻ thù không sao vượt qua được. Quân Mông Cổ muốn vào đánh Nghệ An, phải tính đường thủy. Quân nhà Thanh bị tướng Ngô văn Sở trấn đóng ở đèo Tam Điệp cũng không tiến thêm được về phía nam.
Qua khỏi đèo Tam Điệp là vào địa phận tỉnh Thanh Hóa. Cầu Hàm Rồng bắc ngang sông Mã Đà được xây cất lại. Đến tỉnh lỵ Thanh Hóa thì trời đã chiều. Xe lại rời khỏi quốc lộ số 1, rẽ tay phải, qua phà sông Chu để lên miền núi.
Trong đoàn xe, có nhiều xe chạy lạc, nhưng là chạy lạc cố ý, chạy lạc để bán xăng. Xe là đoàn xe quốc doanh tỉnh Quảng Ninh, mỗi xe chỉ có một tài xế, lái một mạch từ 1 giờ sáng đến 9 giờ tối không nghỉ. Họ cũng đói khát như chúng tôi (chỉ ăn một chút bữa trưa). Họ chẳng thiết tha giữ gìn chiếc xe và khi nào có cơ hội thì bán bớt ít xăng để sống. Xe nào cũng có công an và cảnh vệ ngồi cạnh nên họ chẳng dám nói gì với chúng tôi. Nhưng tia nhìn của họ đối với chúng tôi có vẻ có cảm tình, và có anh đưa thuốc lá mời chúng tôi hút.
Đến phân trại B trại số 5 lúc 9 giờ đêm, làm thủ tục nhập trại mất hai tiếng đồng hồ. Vào đến trại là mệt nhừ, đói khát. Nghe cán bộ nói rằng trại đã chuẩn bị cơm tối cho chúng tôi rồi, nhưng chờ mãi không thấy. Mệt quá chúng tôi ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, toán hình sự làm bếp đem cơm lên, cho biết đáng lẽ cho ăn đêm qua nhưng rồi ban Giám Thị lại đổi ý, đổi lại thành bữa ăn sáng. Nghe vậy chúng tôi tưởng là bữa trưa sẽ có ăn, nhưng không, ngày hôm ấy, (5-8) cũng chỉ ăn bữa sáng và bữa tối thôi. Thế là thiệt mất một bữa cơm. Miền Bắc Cộng sản vẫn luôn tìm cơ hội để bớt cơm gạo của mọi người .
B. CON NGƯỜI MIỀN BẮC CỘNG SẢN
1. Điểm mà tôi cho là đáng để ý nhất ở con người Miền Bắc Cộng sản, là họ chẳng biết tự do là gì.
Hồi ở trại Quảng Ninh, có một cán bộ khoảng ngoài hai mươi tuổi hỏi tôi về đời sống trong Nam trước kia về thủ tục đăng ký để có hộ khẩu. Tôi nói không có vấn đề đăng ký để có hộ khẩu, ai muốn ở đâu thì ở. Tên cán bộ nầy hỏi ngay rằng thế thì gạo đâu mà ăn. Tôi cho biết rằng gạo trong Nam thì mua rất dễ, ra tiệm tạp hóa ơi một tiếng là người ta cho xe ba gác chở cả bao gạo lại tận nhà cho mình. Tên nầy nhất định không tin, cho là tôi nói láo. Không thể có chế độ nào lại như thế được. Nhất định là phải có hộ khẩu mới có gạo, và làm sao Miền Nam mà dân muốn ở đâu thì ở. Tôi nói thêm là dù trong chiến tranh, dân Miền Nam đi lại từ tỉnh nầy qua tỉnh khác chỉ bằng giấy căn cước có sẵn mà thôi, không phải xin phép gì cả. Thì tên cán bộ nổi nóng, xẵng giọng nói với tôi rằng “‘anh đừng có tuyên truyền tôi về chế độ Miền Nam”.
Chao ơi, một sự thật rõ ràng như thế mà tên cán bộ Cộng sản Miền Bắc không hiểu được . Sự tự do cư trú, tự do đi lại, đối với chúng ta chỉ là những cái gì rất bình thường, nhưng tên cán bộ trẻ tuổi mà đời sống từ nhỏ đến lớn ở trong chế độ Cộng sản Bắc Việt thì không thể nào quan niệm nổi có một xã hội như thế.
2. Tinh thần đã vậy, đời sống vật chất lại thật tội nghiệp. Khi kiểm soát quà của chúng tôi từ Miền Nam gửi ra, các cán bộ đều tỏ ra ngớ ngẩn quê mùa chẳng biết gì về các thức ăn. Lần nhận quà đầu tiên, khi kiểm soát, cầm gói lạp xưởng, họ không biết là thứ gì, vì từ khi lớn lên họ có nhìn thấy bao giờ đâu. Cầm cuộn giấy vệ sinh, họ nắn bóp, đưa lên mũi ngửi rồi hỏi chúng tôi thứ ấy để làm gì. Khi nghe trả lời rằng đó là giấy vệ sinh, xử dụng khi đi tiêu, họ trợn mắt nhìn chúng tôi, kêu lên: Họ không thể quan niệm được rằng có nhu cầu về giấy vệ sinh, xử dụng lúc đi tiêu. Đối với họ, dùng lá chuối, dùng nước, hay giấy cũ, gặp gì dùng đó, chứ sao lại có thể làm một cuộn giấy đẹp đẽ như thế, gửi từ trong Nam ra, chỉ để dùng vào việc…. chùi đít!
Có một anh bạn trong đám chúng tôi có cái túi xách Air Việt Nam , mấy tên cán bộ nhìn thấy cho là đẹp quá, hỏi mượn khi đi phép. Anh bạn chúng tôi, trước làm đại diện Air Việt Nam tại Pleiku, biếu luôn cái túi xách và nói rằng thứ nầy là của hãng Hàng Không Việt Nam trước kia thỉnh thoảng tặng hành khách để quảng cáo. Nghe thế, họ cũng nghi ngờ vì nghĩ rằng cái thứ túi xách trông đẹp và sang thế kia, sao lại có thể đem biếu không. Phải, trong một xã hội mà cái lon guigoz cũ bán rất được tiền, thì việc biếu không chiếc túi xách như thế quả là khó hiểu.
3. Tinh thần, vật chất như vậy nhưng lại hay nói, hay khoe. Cái gì cũng muốn tỏ ra mình biết, hơn nữa, mình là nhất. Rất tự cao tự đại, nhung cũng đầy tự ti mặc cảm.
Phần lớn các tên cán bộ lúc nào cũng nghênh ngang, tự cho mình là thầy, nhân danh “Cách mạng” giáo dục mọi người. Vấn đề đáng nói trong vài phút thì nói thành hàng giờ. Quanh đi quẩn lại, lúc nào cũng ”ba dòng thác Cách Mạng”, “ba cuộc Cách Mạng”, ”tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”‘…
Đối với chúng ta, nếu chúng ta kể một câu chuyện gì, trình bày một vấn đề gì, mà biết rằng trong số người ngồi nghe có một người biết vấn đề ấy rồi, ta đã thấy ngượng nói, hoặc mất hứng thú. Nhưng cán bộ Cộng sản có cái đặc biệt là nói dài dòng, nói hăng hái về một vấn đề mà chúng đã nói quá nhiều lần, chắc chắn là cử tọa ai cũng biết rồi, mà vẫn không ngượng miệng chút nào.
Luôn miệng khoe khoang “xã hội chủ nghĩa bách chiến bách thắng”, nhưng đầy tự ti mặc cảm về tình trạng nghèo đói, lạc hậu của Miền Bắc. Một hôm tại trại Quảng Ninh, đến bữa ăn, Hoàng Xuân Hoa bưng chén canh rau muống nói rằng “báo Nhân Dân có nói rau muống bổ lắm đấy'”, thì một tên cán bộ đứng gần đấy giật mình, nhìn trừng vào anh Hoa nói giọng gay gắt: “Các anh đừng có nói xỏ nói xiêng. Miền Bắc cái gì cũng có, cái gì cũng tốt.”
Trong đợt viết khai báo năm 1978 ở Quảng Ninh, chúng tôi được phổ biến là không được dùng ngoại ngữ, nếu bắt buộc phải dùng thì phải phiên âm ra tiếng Việt và giải nghĩa cho rõ ràng. Sau đó, giữa một cuộc tập họp ngoài sân, một cán bộ gọi một anh trong chúng tôi đứng lên và xỉ vả nặng lời vì viết ngoại ngữ mà không giải nghĩa. Anh nầy trả lời rằng chữ ngoại ngữ đó là tiếng Pháp, chữ Toulouse, anh đã phiên âm thành Tu-lu rồi, và đó chỉ là chỗ cư trú của vợ anh nên anh nghĩ là không cần giải nghĩa. Chúng tôi nhìn nhau phì cười. Quả thật thân phận thằng tù, thân phận kẻ thua trận, ai muốn xỉ vả mắng chửi thế nào cũng được .
Tại phân trại A trại số 5 Thanh Hoá thì có câu chuyện “Hé ne ne”. Một cán bộ gốc người Thái Bình, thường đọc chữ l ra n, một hôm vào phát thư, hỏi anh nào có vợ tên là “Hé ne ne”. Cả phòng giam ngơ ngẩn không biết. Sau anh ta đưa lá thư cho một người xem. Thì ra đó là thư của Hélene.
Nhưng cán bộ Miền Bắc vẫn muốn tỏ ra ta đây hiểu nhiều biết rộng. Cho nên có tên bảo đội văn nghệ khi hát phải có người ”bát pơ luya”‘ (battre mesures nhưng nói thành pelure). Và giảng về lịch sử nước Pháp rằng Napoleon đánh đâu thắng đó nhưng qua đến Việt Nam thì thua, chết trận trên dãy Trường Sơn của ta.
Tất nhiên không phải tất cả những người Miền Bắc đều có trình độ như vậy. Điều tôi muốn nói là những cán bộ có trình độ như thế, nói năng như thế đã được Đảng giao phó nhiệm vụ gọi là giáo dục cải tạo đám trí thức chúng tôi, theo như tuyên truyền của Cộng sản nói rằng chúng tôi không phải là đi ở tù mà đi học tập. Và trong khi những cán bộ nói năng như thế, họ vẫn tưởng là họ đang dạy chúng tôi. Quả là sự bạo dạn lạ lùng của kẻ ngu dốt ở trong một chế độ áp dụng chính sách ngu dân.
Cả chế độ nói láo trong mấy mươi năm cho nên cán bộ Công sản nói láo rất quen, không hề ngượng miệng. Hồi chúng tôi mới ra Bắc, sau thời gian 3 tháng, có cán bộ Bộ Nội Vụ về phổ biến việc viết thư. Họ cấm chúng tôi viết bất cứ câu gì để lộ ra rằng đang ở ngoài Bắc. Họ giải thích lý do như sau:
– Chúng tôi không bắt các anh phải dấu diếm gì. Chúng tôi không cho các anh báo cho gia đình biết mình đang ngoài Bắc chỉ vì ngại rằng vợ con các anh sẽ kéo nhau ra đây thăm mà chúng tôi chưa tổ chức kịp phòng tiếp khách ở trại nầy cho chu đáo.
Tôi không hiểu tại sao họ lại nói láo một cách ấu trĩ như thế. Mà nói rất tự nhiên, không ngượng. Ai cũng biết rằng vợ con chúng tôi còn khuya mới có thể xin được giấy phép ra Bắc trong khi nhà nước chưa có chủ trương cho đi thăm.
Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh cán bộ trại giam, hoặc cảnh vệ đánh đập tàn nhẫn những người tù hình sự trong khi những tên cán bộ khác ngồi chung quanh coi đó là vịệc bình thường, tiếp tục, những câu chuyện vớ vẩn hay là cười đùa như thể trước mắt đang có chuyện vui.
Tại phân trại C trại số 5 Thanh Hoá, hồi năm 1979, tôi thấy một người tù hình sự bị đánh đập tàn nhẫn vì tội ăn cắp sắn trong khi đi làm lao động, sau đó bị buộc phải ăn cho hết chỗ sắn đã nhổ lên, ăn sống và ăn cả vỏ. Người tù hình sự (thường họ nhổ trộm sắn ăn vì quá đói) vừa khóc vừa ăn vừa bị đánh đập rồi bị ngộ độc vì vỏ sắn. Ba tên cảnh vệ ngồi nói chuyện tự nhiên như thường trước cảnh tượng ấy. Ngày hôm sau, chúng tôi chứng kiến mấy tên cảnh vệ, trong số có tên vừa đánh đập người tù hình sự hôm qua, đi nhổ trộm sắn (là “tài sản xã hội chủ nghĩa” mà chúng “có bổn phận bảo vệ”) nấu ăn riêng, gặp lúc tên thủ trưởng đi ngang ngoài đường, vội vàng vụt dấu chỗ sắn ăn cắp. .
Bên các đội tù hình sự có một anh mắc chứng kinh phong, thỉnh thoảng lên cơn ngã vật ra trên đường, giật tay chân, trợn trừng mắt, sùi bọt mép. Thế mà mấy tên cảnh vệ coi việc ấy như không, cứ để anh ta nằm giữa đường, không nghĩ gì đến việc săn sóc và cũng không cho ai săn sóc. Đành rằng việc động kinh của anh nầy đã xẩy ra nhiều lần, nhưng với những con người bình thường trong chúng ta, ít nhất theo phản ứng tự nhiên, chúng ta cũng khiêng anh đi kiếm chỗ nằm, bôi tí dầu chứ chẳng thể đứng tự nhiên mà nhìn được.
Trại giam nào cũng có đàn trâu bò để kéo cày và khi phế canh thì đem làm thịt. Chúng tôi để ý thấy hầu hết trâu bò đều bị đứt mũi. Đối với nông dân Việt Nam, con trâu là con vật được cưng nhất, nó là chỗ sống của cả gia đình. Thế mà trâu trong trại giam Miền Bắc, vì là thú của chung không ai lo, thường bị bỏ đói mà cứ bắt đi cày, kéo cày chậm, thì bị đánh đập và giật dây mũi cho đến đứt mũi. Ở Quảng Ninh, chúng tôi đã thấy trường hợp một con trâu cái bụng chửa gần đẻ mà phải đi kéo cày, đang kéo cày bị đánh đập thì sổ ra con trâu nghé. Con trâu nghé mới sinh bị lọt xuống một vũng lầy. Đội chúng tôi đi ngang trông thấy vội vàng chạy đến bế nó lên và trách các anh tù hình sự sao lại để nó đẻ như thế. Các anh tù hình sự cười và bảo chúng tôi rằng “‘các chú chỉ vớ vẩn, chúng cháu còn mong cho nó chết đi để ăn thịt”.
Thành thực mà nói, có lúc trời rét và trong cơn đói, chúng tôi cũng có lần thầm mong có con trâu chết rét (chuồng trâu rất trống trải và đầy phân và nước tiểu; có chỗ không có mái che) để được ăn miêng thịt trâu chết. Nhưng chúng tôi không sao đành tâm thấy con người hành hạ súc vật như thế. Thà rằng giết thịt thì giết ngay cho nó chết nhanh chóng. Kiếp sống trâu cày vốn đã khổ, trâu cày Miền Bắc lại càng khổ, con trâu cày ở trại cải tạo Miền Bắc thì luôn luôn bị hành hạ tàn nhẫn. Mà những người tù hình sự và những cán bộ trại giam dường như không hề ý thức rằng họ đang hành hạ súc vật. Bầy trâu sứt mũi đối với họ là một cái gì không đáng để ý. Tính tàn nhẫn đối với họ, đã trở thành một cái gì bình thường, tự nhiên.
Lúc nào cán bộ Cộng sản cũng có vẻ rất bén nhạy khi ai nói xa nói gần động đến “Bác” và “Đảng” của chúng.Nhưng chúng lại có vẻ rất coi thường khi có những việc tàn nhẫn xảy ra trước mắt.
5. Trước đây tôi vẫn nghĩ rằng tập thể Cộng sản là một tập thể rất kỷ luật, nhờ thế mà họ chịu đựng được chiến tranh trong mấy mươi năm. Sau mấy năm ở Miền Bắc, tôi nhận thấy rằng, họ chỉ có kỷ luật về chính trị thôi, còn các phương diện khác, họ rất vô kỷ luật.
– Về chính trị, chắc chắn là không ai dám nói động đến “Bác” và “Đảng”, hoặc động đến “Bác” và “Đảng” là phải “hoan hô”, ”muốn năm”‘ không thế là đi cải tạo ngay lập tức. Nhưng trong sự phối hợp làm việc thì rất vô kỷ luật. Nghe trên báo chí tuyên truyền việc trong rừng ầm ỹ như thế, nhưng hồi ở Quảng Ninh, trại có một xưởng mộc. Anh em làm mộc được nghe nói về tình hình lâm sản Miền Bắc mới biết là nạn dân chúng phá rừng bừa bải đã khiến cho Miền Bắc nay không còn gỗ tốt nữa.
– Trong chuyến đi từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá, chúng tôi thấy các tài xế chạy xe rất vô kỷ luật. Cùng một đoàn xe với nhau mà không chịu nhường nhau, chạy song song trên những đoạn đường vừa hẹp vừa xấu. Mạnh ai nấy kiếm cớ chạy riêng để rút xăng trong xe ra bán xài riêng.
– Trại số 5 Thanh Hóa có cái đập nước để phân phối nước tưới ruộng và các vườn rau của trại, thì cán bộ của các đội cứ phá nhau, ai cũng chỉ biết lấy nước về thuận tiện cho đám đất của đội mình, tranh giành dòng nước và tháo nước, phá đập, phá cống, phá mương của nhau mà chẳng ai nghĩ đến việc điều hòa dòng nước.
Đó không phải là hiện tưọng riêng lẻ ở một vài nơi. Chúng tôi đọc thấy ngay trên báo Nhân Dân, và khi về Sàigòn, nghe mọi người nói đến lề lối làm việc của các cơ quan nhà nước Cộng sản , thì thấy ở đâu cũng thế cả. Họ cứ làm việc kém cõi , vô kỷ luật như thế, mà chế độ xã hội chủ nghĩa lại ôm hết công việc xã hội vào tay nhà nước, cho nên kinh tế lụn bại là phải. Nhưng chính quyền vẫn cứ thế mà cai trị, vì đó là thứ chính quyền xô-viết, rất có kinh nghiệm trong việc cướp và nắm chính quyền.
Tên Thiếu tá Thủ trưởng trại Quảng Ninh lần nào đến nói chuyện với chúng tôi trong các khoa khai báo năm 1978 cũng nhắc đến lời Hồ Chí Minh trong thời chiến: “Nay Johnson, quân đội Mỹ hãy rút về đi thì có hòa bình ngay lập tức”. Tên nầy nhắc mãi câu ấy, mà không để ý rằng câu ấy đến năm ’78 đã sai bét rồi vì sau khi Mỹ rút đi thì Cộng sản chiếm Miền Nam rồi chiến tranh với Campuchia chứ đâu có hòa bình. Nhưng hễ là lời của Hồ Chí Minh thì cứ nhắc, vì nhất định đó là “chân lý sáng ngời” rồi.
Có người vào đến Miền Nam, khi trở về Miền Bắc lại nói láo về Miền Nam
Gặp tên cán bộ muốn chứng tỏ Miền Bắc hơn Miền Nam thì tìm cách chê bai Miền Nam đồi trụy, gái Miền Nam toàn là đĩ điếm. Có tên nói với chúng tôi rằng “có chức tước như các anh thì vợ các anh toàn phải ngủ với cố vấn Mỹ cả rồi mới được lên chức như vậy, nay vợ các anh đều bỏ các anh cả rồi”.
Nhưng cũng có tên vào Miền Nam, thấy khóai quá, trở ra Bắc thổi phồng tình trạng trong Nam lên. Một anh trong chúng tôi vì đau mắt – mắt sắp mù-, chúng cho ra nằm bệnh viện Quảng Ninh. Khi về, anh thuật chuyện một tên bộ đội Cộng sản phục viên (giải ngũ) vì bị thương trong chiến tranh biên giới với Campuchia, đã từng nằm bệnh viện Chợ Rẩy Sàigòn, rồi về nằm bệnh viện Hòn Gay, kể chuyện Miền Nam. Tên nầy, sau khi hết lời ca tụng bệnh viện Chợ Rẩy và mạt sát các bệnh viện Miền Bắc, đã nói rằng, xa lộ từ Quảng Trị vào đến Saigon có bề rộng lề 60m, nhân dân Miền Nam nhà nghèo cũng có vài chục lượng vàng, còn nhà giàu thì có cả tấn vàng. Khắp nông thôn đâu cũng có điện, nhà máy điện Uông Bí ngoài Bắc nếu đem vào Nam chỉ đáng cho vào sọt rác… Chúng ta biết đời sống Miền Nam hơn Miền Bắc rất nhiều nhưng không phải ai cũng có vàng, và quốc lộ số 1 làm gì có rộng đến 60m…
Khi nghe những lời khen chê về Miền Nam, Miền Bắc, tôi thấy thật đau xót cho dân tộc Việt Nam. Mấy chục năm qua Cộng sản không để cho ai kiến thiết xây dựng, mải mê theo đuổi đường lối chiến tranh, tạo ra cả lớp người chỉ biết nói lếu láo bậy bạ, làm sai lạc cả mọi việc, chỉ sở trường về phá hoại, xuyên tạc. Và tôi nghĩ vấn đề truyền thông quả là quan trọng.
6. Tôi nghĩ là người Miền Bắc thật sự đã chán chế độ lắm rồi. Không thể có một cuộc điều tra kiểu Gallup ở Miền Bắc nên chẳng ai có thể đưa ra được những con số bao nhiêu phần trăm nghĩ gì về chế độ hiện tại. Nhưng những người tù hình sự Miền Bắc mà chúng tôi được gặp, những người bà con của anh em chúng tôi sống ở Miền Bắc, và ngay cả những cán bộ Cộng sản khi có dịp nói chuyện riêng tư, cũng thường để lộ ra sự chán nản.
Hồi ở trại Quảng Ninh, có một cán bộ trẻ tâm sự với chúng tôi:
– Các anh dù sao cũng còn có thời hạn ở trong trại nầy, chứ tôi thì ở đây chẳng biết đến bao giờ.
Hồi Trung quốc đánh Bắc Việt, các cán bộ mất tinh thần rõ rệt. Mãi mươi năm chiến tranh, họ đã được nghe tuyên truyền nhiều về “Trung quốc vĩ đại” và thực tế là trong chiến tranh, họ đã ăn gạo Trung quốc, xe cộ di chuyển toàn là của Trung quốc, súng ống đạn dược, máy truyền tin, chiến thuật du kích… toàn là của Trung quốc. Nay bỗng chốc nghe Trung quốc đánh sang, họ lo sợ cũng là chuyện thường tình. Trong giai đoạn cuối năm ’78, cán bộ trại giam phải bớt người để đưa đi phục vụ ở các tỉnh biên giới, tên nào bị đổi đi trong đợt ấy cũng mặt mày xanh xám.
Vì chán ngấy những thứ văn nghệ tuyên truyền mà giọng điệu chẳng có gì thay đổi, người Miền Bắc rất thích nhạc Miền Nam và cải lương Miền Nam. Hồi ở Quảng Ninh, có lần chúng tôi bắt gặp một nhóm cán bộ kiếm đâu được cái cassette, mở nghe nhạc Phạm Duy, nhưng thấy chúng tôi đến, thì họ vội vàng tắt máy. Các cô tù hình sự mỗi khi đi ngang chỗ chúng tôi, cứ cao giọng hát bản Chiều Mưa Biên Giới. Và họ rất chịu khó tập hát sáu câu vọng cổ.
Tại trại Quảng Ninh cũng như trại số 5 Thanh Hoá nhiều lần chúng tôi nghe những người tù Miền Bắc trách móc chúng tôi:
– Các chú trong Nam cái gì cũng giỏi, nhạc thật hay, đời sống sung sướng, mà các chú chỉ lo ăn chơi làm Miền Nam sụp đổ; nay các chú thì ở tù mà chúng cháu chẳng còn hi vọng Miền Nam giải phóng Miền Bắc được nữa.
Tôi không nghĩ những người nói như vậy thuộc về thiểu số. Đã có nhiều người ở Miền Bắc vào Nam gặp bà con tâm sự về nỗi thất vọng của họ khi Mỹ ngưng ném bom Miền Bắc. Trước đó, họ đã nghĩ rằng Miền Nam thế nào cũng đánh ra Bắc, màn ném bom chỉ là màn đầu. Nhưng tấn tuồng đã kết thúc bằng việc những người Miền Bắc vào Miền Nam trong tư thế kẻ chiến thắng mang tâm tư buồn bã vì thấy chế độ Cộng sản vẫn còn tiếp tục.
Chế độ đã làm cho người ta quá chán, chán đến nổi chấp nhận cả việc Mỹ ném bom trên đầu mình để mong có sự thay đổi. Nhưng mọi người đã thất vọng, và đã chán ngấy, vẫn phải hoan hô Bác và Đảng nếu không muốn bị đi cải tạo muốn năm.
C. XÃ HỘI MIỀN BẮC CỘNG SẢN
Trong mục nầy, tôi không có ý phê bình tổng quát về xã hội Miền Bắc. Tôi chỉ muốn nêu lên vài điểm mà tôi nhận thấy được trong mấy năm ở tù. Muốn phê bình chung về xã hội Miền Bắc, cần phải thu thập nhiều dữ kiện mà hiện tôi không có.
1. Điểm nhìn thấy ngay trước mắt, thật rõ ràng cụ thể là nhà tù quá nhiều.
Tại Thanh Hóa, các cán bộ trại giam nói chuyện với chúng tôi có cho biết là trong tỉnh có bốn trại cải tạo. Trại chúng tôi ở có tên là trại số 5. Tôi không biết là cán bộ trại giam có rút bớt đi một trại hay không, nhưng ta cứ tạm chấp nhận là có bốn trại cải tạo trong tỉnh Thanh Hóa. Riêng một trại số 5 đã có ba phân trại, mỗi phân trại cách nhau chừng năm cây số. Vùng đất dành cho mỗi phân trại canh tác rất rộng. Hình ảnh, vị trí các trại giam đúng như kiểu “quần đảo Goulag”. Buổi sáng ra đi làm lao động thấy nhan nhản những tù là tù. Đội này đội kia, mặc toàn quần áo xanh có đóng dấu, thân thể gầy gò, vác cuốc gánh phân dưới sự kìm kẹp của những tên cán bộ đội nón cối, mặc áo vàng đeo súng. Phân trại B và phân trại C, mỗi phân trại chứa lối 1,000 tù nhân. Trong số 2,000 tù nhân ở hai phân trại B và C, có lối 500 người chính trị phạm tức là nhóm chúng tôi, còn lại 1,500 người là tù hình sự. Phân trại A là nơi có Bộ Chỉ huy trại đóng tại đó, được coi là trại chính, chứa lối 3,000 tù nhân cả nam lẫn nữ. Trong số 3,000 nầy, có khoảng 1,500 là cựu sĩ quan Quân Lực VNCH, anh em Biệt Kích và một ít chính trị phạm Miền Bắc, còn lại 1,500 là tù hình sự, đã số là nữ. Mỗi phân trại đều chia thành hai khu: khu A và khu B. Khu A dành cho chính trị phạm, khu B dành cho hình sự. Cả hai khu đều sống như nhau, dưới một ban Giám Thị chung.
Như vậy riêng một trại số 5 đã có 5,000 tù (2,000 chính trị phạm + 3,000 hình sự). Nếu tính các trại kia cũng cỡ như vậy (tôi nghe nói trại Cẩm Thủy còn lớn hơn nhiều) thì bốn trại ở Thanh Hóa chứa lối 20,000 tù nhân. Một tỉnh thôi, đã có 20,000 tù nhân.
Ta có thể so sánh với chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước kia, các Trung Tâm Cải Huấn tính ra chỉ chứa được từ 500 đến 1,000 người. Tỉnh Kiến Hòa chẳng hạn, thuộc loại tỉnh lớn ở Miền Tây, mà Trung Tâm Cải Huấn chỉ có nhân số lý thuyết là 500, khi nào số tù trong Trung Tâm lên đến 700 là Hội đồng Tỉnh đặt vấn đề giải tỏa rồi. Vậy mà một tỉnh Thanh Hóa dưới chế độ Cộng sản đã có lối 20,000 tù
Tôi nghĩ rằng số tù nhân cả Bắc lẫn Nam Việt Nam bấy giờ chắc không thể nào dưới 1 triệu, trong số đó ít ra phải có trên nửa triệu là tù chính trị (tại Miền Nam thì chịnh trị phạm nhiều hơn tù hình sự rất nhiều).
Cộng sản chiếm Miền Nam không thấy xây dựng thêm cái gì ích lợi, nhưng nhà tù thì được xây dựng thêm rất nhiều. Tỉnh nào cũng phải có ba, bốn nhà tù trở lên, mà mỗi nhà tù có sức chứa ba, bốn ngàn tù nhân là thường.
Nhà nước chẳng phải bận tâm vấn đề ngân sách vì tất cả tù nhân đều phải làm lao động sản xuất và thường xuyên ăn đói. Tôi nghĩ rằng các trại cải tạo có thể là những khoản thu của ngân sách chứ không phải là khoản chi. Năng suất của tù thì chắc chắn là thấp, vì chẳng mấy ai hăng hái làm khổ sai dưới mũi súng của những tên nón cối. Ngoài ra trại phải nuôi một số cán bộ và cảnh vệ, số nầy không lao động sản xuất. Tuy nhiên, tôi nghĩ cả trại cải tạo vẫn có thể nộp vào cho ngân sách vì sự chi tiêu cho tù nhân lại quá ít, tù nhân luôn luôn bị bỏ đói và rách rưới. Người tù nào cũng phải làm quần quật sáu ngày một tuần lễ dù năng suất có thấp đến đâu cũng phải đủ ăn mặc cho một thân mình. Đàng nầy lao động như thế, mà không phải nuôi gia đình ngược lại gia đình còn phải gửi thêm thức ăn, mà vẫn đói rách, thì tất Đảng và nhà nước đã có thủ lợi, đã có bóc lột sức lao động của tù nhân rồi. Còn nếu nhà nước Cộng sản không có thủ lợi trên các trại cải tạo thì điều đó chứng tỏ rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa là quá tồi tệ vì đã bắt mọi người làm việc cực nhọc như thế mà không đem lại kết quả gì về kinh tế tài chánh cả.
Số phụ nữ ở tù cũng là điều đáng chú ý. Trước kia trong Nam, chỉ có trại Nữ Tù Nhân ở Thủ Đức, còn các trại Cải Huấn tỉnh thì số nữ tù rất ít . Ra đến Miền Bắc, thấy trại Quảng Ninh và trại số 5 Thanh Hoá đều có số nữ tù rất đông. Họ cũng phải đi lao động, làm việc nặng y như tù nhân đàn ông. Đa số nữ tù nhân phạm tội buôn bán chui, trộm cắp, đĩ điếm.
Trái với những lối tuyên truyền của Cộng Sản, trái với lý thuyết Marx cho rằng trộm cắp đĩ điếm là sản phẩm của chế độ tư bản, một khi xã hội đã bước sang chế độ xã hội chủ nghĩa thì các tệ nạn xã hội sẽ được xóa bỏ vì tính cách ưu việt của chế độ mới. Thực tế Miền Bắc cho thấy rằng, sau mấy mươi năm thực hiện xã hội chủ nghĩa và đã “hoàn thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về cơ bản”, các tệ trạng xã hội lại càng trầm trọng hơn. Cho nên số tù nhân hình sự cả nam lẫn nữ đã gia tăng quá nhiều so với trước kia, và chẳng có dấu hiệu gì chứng tỏ có thể giảm bớt.
Trong số nam tù nhân, có một số phạm tội đào ngũ. Nạn đào ngũ hiện đã lan tràn trong bộ đội Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi đã gặp những người tù hình sự cho biết họ đã đào ngũ trong Nam, hồi chiến tranh biên giới với Campuchia trong năm 77, 78 và bị bắt giải về Miền Bắc. Họ nói trước kia tưởng năm 1975 thế là xong, không ngờ nay lại tiếp tục chiến tranh không biết đến bao giờ. Họ nói thà đào ngũ để ở tù mà còn mạng sống, còn hơn là phải chết trong chiến tranh liên miên như thế.
Mỗi năm, nhân dịp, lễ 2-9, chúng cho “ân xá” một số tù hình sự. Cuối năm 1979, tại phân trại C trại số 5 Thanh Hóa, chúng tổ chức lễ ân xá cho khu hình sự có vẻ “đình đám”, để thả chừng trên 10 người. Hỏi kỹ lại thì thấy những người được thả, toàn là đã quá hạn tù cả rồi. Danh từ ngoài Bắc dùng lạ lùng thế đấy. Án tù 5 năm, người ta đã ở tù 6 năm mới được thả mà gọi là ân xá.
2. Lối làm việc tập thể ở Miền Bắc là lối làm việc thật là cẩu thả, thật là phí phạm.
Gần phân trại C, trại số 5 Thanh Hoá, có một khu đất rất rộng, có lẽ đến hàng chục mẫu của một Hợp tác xã ở gần đấy. Khu đất được dùng để trồng mè, nhưng không ai săn sóc nên cỏ và các cây dại khác chiếm đến 2/3, còn các cây mè bị lu lấp không lớn nổi, trái rất ít mà hột mè thì lép cả. Đứng nhìn khu đất rộng mênh mông đầy những cây hoang, tôi không thể tưởng tượng được người ta có thể phí phạm đến thế trong khi còn quá thiếu thốn. Hỏi thăm thì được biết rằng đã số xã viên Hợp Tác xã thấy làm cho Hợp Tác xã để lãnh tiền theo công điểm thì chẳng được bao nhiêu, mà đi buôn chui thì lời hơn nhiều, nên họ chỉ làm cho Hợp Tác xã một tháng mấy ngày công gọi là để giữ chân xã viên cho hợp lệ về hộ khẩu thôi, còn phần lớn thời giờ được dùng đi buôn bán riêng kiếm ăn. Cho nên Hợp Tác xã không đủ nhân công khai thác đất đai đã được phân phối. Thế mà đọc báo Nhân Dân thì thấy nói tỉnh Thanh Hóa là nơi tình trạng các Hợp Tác xã Nông Nghiệp rất là tốt đẹp.
Hồi ở Quảng Ninh, có lần chúng tôi chứng kiến cảnh một Hợp Tác xã ra đồng gặt luá. Đa số thợ gặt là đàn bà, có người phải đeo con dại trên lưng. Có một thanh niên thôi, thì người nầy có lẽ là người duy nhất, có học trong đám, nên được đứng trên bờ cầm sổ sách ghi công điểm, không phải lội xuống ruộng. Một lũ trẻ con khoảng từ 10 đến 13 tuổi đứng đầy bờ ruộng, chuẩn bị đi mót lúa sau khi gặt. Toán thợ gặt được dàn hàng ngang, có cầm cờ, có giăng biểu ngữ, sau khi nghe chàng thanh niên nói một hơi rồi cho lệnh xuống ruộng, thì tất cả bước xuống ruộng, theo hàng ngang vừa gặt vừa tiến lên. Họ gặt rất nhanh. Toán gặt vừa đi đến nửa đám ruộng thì đám trẻ con đã bắt đầu ào xuống mót lúa phía sau. Khi đem lúa lên thì thấy số lúa gặt đem về cho Hợp Tác xã lại ít hơn số lúa mà đám trẻ con đã mót được. Theo nội quy trại giam thì chúng tôi không được tiếp xúc với dân chúng bên ngoài, nhưng có vài anh bạo dạn tìm cách giả vờ đến xin nước uống để lân la hỏi vài câu. Nhờ đó chúng tôi được biết rằng đám trẻ con kia toàn là con cháu những người thợ gặt, nên họ đã cố ý chừa lại cho đám trẻ con mót được nhiều luá. Họ nói rằng gặt đem về Hợp Tác xã cho nhiều, thì nhà nước bắt nộp nghĩa vụ nhiều, đóng thuế cao chứ mình có được hưởng đâu. Để cho con cháu mót lúa đem về thì được hưởng ngay toàn vẹn số lúa mót được, mà Hợp Tác xã lại đỡ phải nộp nghĩa vụ. Họ nói rằng phần lớn các Hợp Tác xã đều làm ăn kiểu đó chứ nếu cứ thật thà thì chết với nhà nước .
Đi ra lao động tập thể, lúc nào cũng cờ quạt, biểu ngữ, đánh trống, hô khẩu hiệu, làm như ra quân đánh trận ghê gớm lắm, nhưng thực chất là làm việc như thế đó.
Cộng sản rất thích dùng chữ “chống“. Quanh năm lúc nào cũng hô hào “chống“. Khẩu hiệu chính trị, thì chống Pháp, chống Mỹ, chống Trung Hoa, chống phản động. Khẩu hiệu hành chánh thì chống tham ô lãng phí, chống cựa quyền, chống chây lười… Đến trời đất, thiên nhiên họ cũng chống. Mùa hè hô hào chống hạn hán; mùa thu họ chống lụt, chống ung, chống bão; mùa đông họ chống rét. Lúc nào họ cũng nói, giọng gây sự. Trước kia ta chỉ nói phòng bão lụt, đề phòng hạn hán. Nếu đã xảy ra bão lụt rồi thì ta nói cứu trợ nạn nhân bão lụt; nếu đang hạn hán, thì ta dùng máy bơm nước hoặc khai kinh đưa nước vào. Thế thôi. Với Cộng sản thì cái gì cũng chống.
Tuy vậy, trong lãnh vực kinh tế, miệng họ chống dữ dội như thế, nhưng làm thì chẳng ra gì đâu. Nói chống hạn hán nghĩa là dân chúng vẫn gầu sòng gầu giai mà tát nước đầy thôi, các trạm bơm nay hư mai hỏng chẳng mấy khi dân chúng được nhờ, và thực ra cũng chẳng có được mấy trạm bơm. Chống bão có nghĩa là lấy tre nẹp chặt các mái nhà lại, thế thôi. Chống rét thì dường như chẳng có công tác gì thực tế, chỉ là bắt dân chúng dù thiếu áo ấm cũng cứ phải đi làm trong trời rét. Còn lũ lụt thì có lẽ có vấn đề hộ đê sông Hồng Hà mà ông bà ta đã làm cả ngàn năm về trước chứ chẳng có gì mới lạ. Nói chống bão lụt, những năm 1978 vẫn phải kêu cứu xin quốc tế viện trợ, và lại có cơ đổ thừa tại bão lụt nên không thực hiện được kế hoạch ngũ niên.
3. Đời sống tinh thần rất là buồn tẻ. Chính sách ngu dân, bưng bít đã làm cho mọi người tự cao tự đại, tưởng mình là trung tâm thế giới trong khi khả năng thực sự chẳng có gì. Báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, nếu đem phát hành trong một xã hội tự do thì chắc chắn chẳng ai mua vì quá khô khan và chỉ ca tụng chính quyền.
Có lần tôi đọc trên báo một bài thơ của Xuân Diệu ca tụng khoai lang Ban Mê Thuột, và một bài tùy bút cũng của Xuân Diệu. Bài thơ viết thật ngộ nghe rõ ràng là không có chút rung cảm nào. Còn bài tùy bút thì toàn là những câu khẩu hiệu và những câu trong các tài liệu học tập chắp lại, đọc lên nghe như bài văn của một kẻ mất trí viết lung tung không đầu không đuôi.
Miền Bắc chống nhạc Miền Nam, chống nhạc jazz, nhưng bây giờ các loại nhạc nầy được phổ biến khắp nơi và được thanh niên rất ưa chuộng. Trong lý luận vẫn nghe Miền Bắc cho rằng phẩm chất, nội dung văn nghệ là do xã hội mà ra. Nhưng trong khi chủ trương văn nghệ phải phục vụ cách mạng, phục vụ giai cấp, thì đối với nhạc Tây phương, họ lại chỉ chơi nhạc cổ điển là loại nhạc của giới qúy tộc Âu-châu trong các thế kỷ trước, và chối bỏ nhạc jazz là thể nhạc rất phóng túng của những người da đen. Thành thử miệng nói cấp tiến mà thật ra là rất bảo thủ. Và họ chơi nhạc cổ điển Tây phương có lẽ chỉ vì Lénine rất thích nhạc của Tchaikovsky.
Tôi không có ý chê nhạc cổ điển và khen nhạc jazz, ngược lại, tôi thích nhạc cổ điển hơn nhạc jazz. Điều tôi muồn nói là Cộng sản không chịu cho tự do vặn nghệ mà luôn luôn chỉ huy văn nghệ, và đưa ra lý luận văn nghệ để chỉ huy nhưng họ lại tự mâu thuẫn với chính họ trong lý luận văn nghệ khi chối bỏ nhạc jazz và đề cao nhạc cổ điển.
Nhưng quần chúng Miền Bắc hiện nay cũng không để cho Cộng sản hoàn toàn nắm được. Cho nên nhạc jazz và nhạc Miền Nam được phổ biến trái với ý muốn của chính quyền Cộng sản mà chúng vẫn không ngăn cản nổi.
Phản ứng của dân Miền Nam khi đọc các tác phẩm văn nghệ Cộng sản thường không đúng như ý mong muốn của Cộng sản.
Khi đọc quyển “Thép Đã Tôi Thế Đấy”, quyển sách kể chuyện một thanh niên Nga vào thời kỳ 1917 hăng hái hoat động cho đảng Cộng sản Nga đến nổi sau bị bệnh nặng liệt cả người, chúng tôi đã phê bình rằng người nào theo Cộng Sản thì rốt cuộc rồi cũng thế: khi còn sức lực thì phục vụ cho Đảng, khi ngã bệnh thì làm khổ gia đình, hậu vận thật xấu.
Hồi mới ra Quảng Ninh, chúng tôi có xem một vở kịch do Ban Văn nghệ của trại trình diễn. Đề tài của vở kịch là chống gian thương. Trong vở kịch, nhân vật chính là một người đàn bà đem một con gà ra chợ bán, bị rượt bắt đem về cơ quan rồi bị phê bình kịch liệt. Cuối cùng người đàn bà nhận tội và ăn năn hối lỗi. Anh em chúng tôi xem, người nào cũng để ý đến việc xã hội Miền Bắc không có quyền đem con gà ra chợ bán.
Cộng sản chiếm được Miền Nam, đem chiến lợi phẩm về Miền Bắc rất nhiều, trong đó có cả những sách kiếm hiệp của Kim Dung, những tác phẩm văn nghệ Miền Nam, những băng cassette nhạc Miền Nam, mà chính quyền Cộng sản ra lệnh đốt bỏ nhưng vẫn được lén lút đem về Miền Bắc. Và rất nhiều máy thu thanh, mà Cộng sản gọi là “cái nghe đài”. Các chiến lợi phẩm nay dần dần trở thành con ngựa thành Troie, nhờ đó tinh thần quần chúng Miền Bắc, và cả tinh thần cán bộ nữa, đã chuyển biến khác xưa, và tiếng nói của những đài BBC, VOA… đã đến được tai những người Miền Bắc mà chính quyền Cộng sản nầy dù muốn cấm đoán cũng không cấm nổi.
4. Nạn cướp giật, trộm cắp, tham nhũng ở Miền Bắc trầm trọng hơn Miền Nam trước kia.
Gia đình chúng tôi từ Miền Nam ra thăm, chuyến nào cũng có người bị cướp giật hoặc nhìn thấy các vụ cướp giật. Trên các chuyến xe lửa và tại các ga xe lửa, các vụ cướp giật xảy ra thường xuyên. Các bà trong Nam ra thường phải rủ nhau ba, bốn bà đi chung để cùng nhau giữ đồ đạc chống bọn cướp giật. Tại tỉnh lỵ Thanh Hóa không có khách sạn, phòng ngủ tư nhân, mà chỉ có một nhà trọ do nhà nước tổ chức, tất nhiên là có Công an theo dõi những người đến trọ. Thế mà ngủ tại nhà trọ nầy vẫn bị trộm, bị mất đồ đạc.
Hồi ở trại Quảng Ninh, sắn chúng tôi trồng đến khi thu hoạch, mất khoảng 50%. Cán bộ thường nói là tù hình sự đã trộm, mà tù hình sự ban đêm ở trong phòng giam, nhưng thường sáng sớm đi ra lao động, chúng tôi thấy dấu tích các vụ đào bới trong ban đêm. Ở Thanh Hoá, đội chúng tôi phụ trách trồng rau, có được đám cải bắp trồng được thì sáng nào ra cũng thấy mất hàng chục bắp cải.
Trông số các bà đi thăm nuôi, có bà cho biết đã bắt được đường dây tham nhũng trong hệ thống cứu xét hồ sơ để thả những người đang bị giam giữ. Có bà cho biết rõ là đã gặp đến một ông cấp Thủ trưởng tại Hà-nội, ông nầy đòi 12 lượng vàng để lo vụ thả chồng bà.
Chúng tôi đọc những vụ báo Nhân Dân đăng lên cũng đủ rõ là nạn tham nhũng đi đến mức độ có hệ thống từ trên xuống duới, vì thấy có những vụ làm ăn rất lớn, trong thời gian hàng năm mới phát giác, chứng tỏ là có nhiều người nhiều cấp phối hợp tham nhũng mới có thể thực hiện được như vậy.
5. Đời sống kinh tế Miền Bắc hiện nay là một bằng chứng rõ ràng về sự sai lầm của đuờng lối kinh tế Mác-xít.
Miền Bắc tự cho là đã xây dựng xong về cơ bản nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nhưng thực tế cho thấy rằng những gì nhà nước cung ứng theo giá chính thức (một thứ giá cả hoàn toàn giả rạo) bằng hệ thống quốc doanh hay hợp tác xã, vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ quá nhỏ trong đời sống dân chúng, mặc dầu nhà nước đã nắm hầu hết các tài nguyên sản xuất. Trong khi dó, khu vực kinh tế bất hợp pháp vẫn hoạt động một cách thật hỗn độn, thật tệ hại, mà chính quyền Cộng sản dù chuyên chính cũng không cấm đoán được vì nếu diệt khu vực kinh tế nầy thì xã hội lại không sống nổi.
Sự sai biệt giữa giá chính thức với giá chợ đen thường là 1-10, 1-20 hoặc có khi 1-30. Giá chính thúc một ký thịt lợn hơi (tức là giá heo đứng) chỉ có mấy hào trong khi giá chợ đen (mà họ gọi là giá tự do) ở Quảng Ninh là 6$, rồi 7$ năm 1977, lên đến 10$ năm 1978 rồi khi vào Thanh Hóa thì trên 10$ cũng không mua được nữa. Gia đình chúng tôi từ Miền Nam ra thăm nuôi mua vé xe toàn phải mua giá chợ đen. Giá vé xe lửa Sàigòn-Thanh Hoá chính thức là 45$ (chỉ có ghế ngồi, không có giường nằm) nhưng có bà cho biết đã phải mua với giá 300$ (tương đương với 120,000$ tiền cũ). Đối với xe đò, sự sai biệt giữa giá chợ đen và giá chính thức còn cao hơn nữa.
Trên những đoạn đưòng đặc biệt không có xe đò, có thể bắt chẹt được, thì các bà đi thăm nuôi chịu giá đặc biệt. Một chuyến xe trâu từ đường cái vào đến phân trại C chúng tôi chỉ độ hai cây số phải trả 200$ (tương đương 80,000$ tiền cũ), trong khi lương một bác sĩ mỗi tháng chỉ độ 60$/ tháng.
Tính cách phi lý của giá cả làm người ta thấy rõ hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa hoàn toàn trái với tự nhiên. Nó chỉ là sự gò ép bó buộc của một chính quyền độc tài bắt người ta phải làm theo ý mình trong khi mọi người đều tìm cách phản ứng lại. Và chính quyền càng siết chặt thì mức sản xuất càng thấp, đời sống kinh tế càng bi thảm. Nếu chính quyền hơi nới lỏng (vì phải đối phó với các vấn đề chính trị, quân sự) thì hệ thống chợ đen lập tức phát triển hỗn loạn ngay.
Trong lãnh vực sản xuất, mỗi khi thấy mức sản xuất quá sút kém mà những khẩu hiệu thi đua, những lẵng hoa của Tôn Đức Thắng hay danh hiệu anh hùng lao động không đủ hấp dẫn để thúc đẩy sản xuất, họ cũng có nới lỏng đôi chút, cho một chuc tư lợi, tư hữu để khuyến khích sản xuất. Nhưng hơi nới lỏng thì họ lại vội vàng tìm cách ngăn chận “khuynh hướng tư bản tái phát”. Nghĩa là chận không cho mọi người làm giầu, sợ như vậy lại trở thành tư bản chủ nghĩa. Và trong trình độ kinh tế của Miền Bắc hiện nay, khi chận mọi người làm giàu, chính quyền Cộng sản đã bần cùng hóa nhân dân, thực tế đã phơi bày rõ ràng như vậy. Đó là kết quả của chủ trương của Hồ Chí Minh “từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên xã hội chủ nghĩa không kinh qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa”.
Đường lối kinh tế Mác-xít tự nó vốn đã sai lầm (điều nầy các sách vở đã nói qua nhiều và thực tế cũng đã chứng minh rồi, thiết tưởng không cần phải dài dòng ở đây) dù cho có kinh qua giai đọan tư bản chủ nghĩa. Nhưng trường hợp Bắc Việt chủ trương bước nhảy vọt từ kinh tế lạc hậu sang thẳng xã hội chủ nghĩa thì sự sai lầm lại càng tệ hại hơn.
Tại Thanh Hoá, khi đi làm lao động khổ sai, tôi đã gặp những bà già gầy còm mặt mũi hốc hác trông không còn ra người mà phải đi mót sắn để kiếm ăn. Đám sắn của lũ tù đội chúng tôi, sau khi thu hoạch, chúng tôi đã mót đi mót lại năm lần bảy lượt, có còn gì đâu trong miếng đất. Tôi nghĩ có lẽ các bà già ấy đã đói quá nên mới phải đi làm một công việc mà kết quả ít như vậy. Cả ngày đào xới mới kiếm được vài củ sắn. Với tuổi già sức yếu như thế đáng lẽ các bà phải được nghỉ ngơi. Tôi nhìn kỹ những bà già ấy, thầm nghĩ những con người nầy suốt đời biết gì là sung sướng. Sinh ra đói khổ, lớn lên đói khổ, về già đói khổ. Thế mà suốt mấy mươi năm cứ phải luôn miệng “ơn Bác ơn Đảng”. Ai phải chịu trách nhiệm về những cuộc đời cơ cực như vậy? ·
Tôi đã thấy những em bé mới trông tưởng 8-9 tuổi hỏi ra thì đã 13-14 tuổi, lớn không nổi vì thiếu ăn, cả ngày dầm mình dưói nước bùn lầy để bắt cá trong mùa đông rét buốt. Hỏi các em sao không đi học, các em trả lời là “học trường vừa học vừa làm”. Nhưng chúng tôi thấy đa số các ngày trong tuần, các em phải đi bắt cá, mò cua, mót sắn, mót khoai, không biết trường hoc của các em ở đâu và học trong những ngày nào?.
Từ khu đất lao động, nhìn xa xa, chúng tôi thấy các khu nhà Hợp Tác xã, Nông Trường. Trong các khu nhà, thấy chẳng hơn gì các nhà tù mà chúng tôi đang sống. Đời sống ở nông trường cũng sống theo tiếng kẻng. Kẻng báo thức, kẻng đi làm, kẻng ăn cơm, kẻng ngủ. Hợp Tác xã, Nông Trường cũng chỉ là những trại tập trung, rộng rãi hơn trại giam một chút mà thôi.
Tôi đã thấy những ống kem đánh răng mà kem khô đặc bóp mãi không ra, còn nhôm làm ống kem thì quá dòn và cứng, bóp mạnh thì vỡ. Tôi đã thấy những gói kẹo có ghi rõ nhà máy quốc doanh sản xuất kẹo mà kẹo thì chảy nước, còn bao nylon thì rách và xấu xí không thể tả. Những sản phẩm tồi tệ như vậy, nếu là trong một xã hội tự do thì chắc chắn ai cũng chê, nhưng trong xã hội Miền Bắc thì người ta tìm mua không có.
Tiêu chuẩn phân phối rất là phân biệt. Trong chế đô phong kiến trước kia, tuy vua quan có được nhiêu ưu quyền nhưng đâu có đến nổi sâm nhung phải dành riêng cho vua quan. Thế mà trong chế độ tự xưng là cách mạng, cao hổ cốt chỉ được dành cho cấp tỉnh ủy trở lên, thuốc lá thì phân biệt thứ dành cho ủy viên Trung Ương , thứ dành cho tỉnh ủy, thứ dành cho huyện ủy, thứ dành cho quần chúng, không có lẫn lộn. Rượu cũng thế. Loai rượu mật ong chúa chẳng hạn, chỉ nhân viên cao cấp mới được phân phối. Cho nên Hà-nội có bài vè dài mà tôi không nhớ hết, bắt đầu bằng câu: “Tôn Đản là chợ vua quan…” (Tại đường Tôn Đản Hà-nội, có cửa hàng phân phối các thứ dành cho cấp ủy viên Trung Ương Đảng).
Lúc chúng tôi ở Quảng Ninh, có anh bạn ra bệnh viện Hòn Gay mổ mắt, về kể lại rằng, khi đang mổ thì nghe bên ngoài có tiếng gọi phân phối cá. Thế là cả bác sĩ lẫn y tá đều bỏ chạy ra ngoài để lo việc mua cá. Ông bác sĩ, sau khi nhờ người đứng chờ lãnh giùm phần mua của ông, trở vào tiếp tục ca mổ, chắc lấy làm ngượng, cho nên giải thích rằng ở bệnh viện Hòn Gay, mấy tháng rồi mới được phân phối cá. Cá phân phối đến nơi thường là ươn hoặc gần ươn cả, nhưng dù sao giá cũng rẻ hơn mua ngoài. Lối phân phối như thế mà tự xưng là tiến bộ đấy.
Tôi đã nghe những anh bộ đội đào ngũ bị bắt giam bên khu hình sự kể lại đơn vị của anh ban đầu được chỉ định làm kinh tế, phụ trách một nông trường trong Nam. Làm được mấy tháng thì được điều động ra chiến trường Campuchia, bỏ phí tất cả nông cụ tiền bạc đã chi tiêu xử dụng. Chủ trương đưa quân đội làm kinh tế đã hoàn toàn thất bại.
Kế hoạch ngũ niên 1976 – 1980 chỉ là một sự khôi hài. Kế hoạch dự trù đến năm 1980 mức sản xuất lương thực phải lên đến 21 triệu tấn, nhưng đến cuối năm 1979, các chuyên viên trong Ủy ban Kế hoạch nhà nước chỉ dám mong ước số lượng 15 triệu tấn cho năm 1980, nghĩa là còn dưới số sản xuất của năm ’76.
Hiện tại đã đói mà theo những con số do chính báo Nhân Dân nêu lên thì mức gia tăng sản xuất không theo kip đà gia tăng dân số. Đó là thực chất của lộ trình “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”. Kết quả chắc chắn là càng ngày càng đói rách hơn.
6. Về phương diện hành chánh, chính quyền Hà-nội chủ trương Huyện là đơn vị kinh tế. Huyện phải là đơn vị mạnh nhất trong việc phát triển kinh tế đia phương. Toàn quốc hiện nay có khoảng 500 huyện (với dân sô khoảng 50 triệu). Trong khi cấp tỉnh được ghép lại để cơ sở tỉnh ít hơn, thì cấp huyện vẫn giữ ghép lại, vẫn giữ khuôn khổ cũ. Tôi không biết với vai trò tích cực như thế, huyện có ngân sách riêng hay không. Nếu có ngân sách thì có lẽ nền hành chánh trở nên quá nặng nề; còn nếu không có ngân sách thì huyện lại không thể thi hành vai trò của mình được.
Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà, khi đưa ra quốc sách Ấp Chiến Lược, ông Ngô Đình Nhu cũng giao cho cấp Quận giữ vai trò chủ yếu trong việc lập ấp chiến lược. Nhưng đơn vị thật ra là đơn vị Ấp, mà cấp Quận chỉ giữ vai trò đơn độc tích cực.
Còn bây giờ, ở Việt Nam, Huyện được quan niệm là đơn vị kinh tế, với vai trò tương đối tự trị.
Tôi không có đủ dữ kiện để phê bình chủ trương nầy, nhưng về phương diện hành chánh và kinh tế, tôi nghĩ chọn cấp Huyện làm đơn vị là không thích hợp.
7. Phụ nữ Miền Bắc bị bóc lột tàn nhẫn
Chính Tố Hữu đã nói “chúng ta sống trên lưng những phụ nữ trung niên“. Đàn ông và thanh nữ bị huy động phục vụ chiến tranh và phục vụ trong guồng máy nhà nước cồng kềnh, trở thành những kẻ ăn bám, để gánh nặng sản xuất đè lên vai giới phụ nữ trung niên.
Tôi đã nhìn thấy cảnh những Hợp Tác xã ra đồng làm việc, đại đa số là phụ nữ trung niên. Khẩu hiệu dành cho phụ nữ là “giỏi việc nước, đảm việc nhà“. Với câu khẩu hiệu mỹ miều ấy, họ đã bắt phụ nữ Miền Bắc, vừa phải lo việc sản xuất, vừa phải lo việc gia đình. Ông chồng thì Đảng và Nhà Nước thường bắt đi công tác xa, thỉnh thoảng mới về vài ngày tặng cho vợ cái bầu để cho vợ mang nặng đẻ đau nuôi con khôn lớn cho Đảng và Nhà Nước bắt đi lính phục vụ cho mưu đồ bành trướng của Nga Sô.
Hồi ở trại Quảng Ninh, tôi đã gặp một phụ nữ trung niên bị ở tù vì đã từ chối không chịu ký giấy thuận cho con trai mình ở tuổi vị thành niên đi bộ đội. Bà uất ức nói với chúng tôi:
– Con mình đứt ruột đẻ ra, vất vả trăm chiều nuôi nấng nó; thế mà chưa kịp lớn thì Đảng đã bắt nó đi lính. Tôi không chịu ký giấy, kết quả là con tôi vẫn phải đi lính, thêm vào đó, tôi phải đi ở tù.
Cung cách đối xử lịch sự dành ưu tiên cho phụ nữ bị coi là lề thói tư bản chủ nghĩa, là tác phong tiểu tư sản. Nam nữ bình quyền, đối với Miền Bắc, có nghĩa là phụ nữ phải làm việc nhiều hơn xưa, nặng nhọc hơn xưa, mà không được qúy trọng bằng ngày xưa, mặc dầu vẫn phải mang nặng đẻ đau, vẫn phải gánh chịu công việc sinh con để bảo tồn nòi giống, công việc mà Tạo Hóa đã giao riêng cho người phụ nữ.
https://baovecovang2012.wordpress.com/2021/06/16
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét