Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

Hàn Lam - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rút bớt tiền khỏi hệ thống

VNTB – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rút bớt tiền khỏi hệ thống

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã  rút gần  100.000 tỷ  đồng  ra khỏi thị trường.

Theo số liệu thống kê trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có thêm một tuần rút ròng lượng tiền VNĐ khỏi thị trường. Đáng chú ý, không chỉ tăng số lượng tiền rút về, thời hạn rút tiền của cơ quan quản lý tiền tệ cũng đã tăng mạnh với hàng chục ngàn tỷ đồng tín phiếu được phát hành với kỳ hạn 28 ngày.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, việc lãi suất tiền đồng liên ngân hàng giảm sẽ nới rộng khoảng cách với lãi suất USD trên thị trường này, làm tăng nhu cầu nắm giữ đồng bạc xanh trong hệ thống.

 

Thực tế, thị trường ghi nhận giá USD bán ra trên các kênh ngân hàng tăng rất mạnh. Với việc tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng và lãi suất cho vay tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu, trong ngắn hạn, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục can thiệp mạnh hơn vào thị trường tiền tệ để kiểm soát tình trạng thừa thanh khoản của các ngân hàng thương mại và ổn định tỷ giá.

Ông Lê Xuân Nghĩa – cựu Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, có nhận xét đáng chú ý như sau về tình hình tài chính hiện tại: “Có một điều rất lạ là lạm phát ở Mỹ cao như vậy nhưng đồng USD lại tăng giá và mức tăng đã đạt đến kỷ lục.

Đáng ra lạm phát tại Mỹ cao thì đồng USD phải mất giá nhưng lại tăng giá. Điều này khiến các đồng tiền trong rổ tiền tệ so sánh với đồng USD giảm giá rất mạnh.

Tỷ lệ lạm phát bình quân 6 tháng của Việt Nam chỉ 2,44% trong khi con số lạm phát tháng 6 của Mỹ lên tới 9,1%. Như vậy, lẽ ra VND phải tăng giá so với USD bởi vì so sánh lạm phát của Việt Nam thấp hơn của Mỹ rất nhiều.

Thế nhưng trên thực tế chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo VND ổn định so với đồng USD, đồng thời cũng để giữ uy tín đối với Bộ Tài chính Mỹ trong việc tuân thủ nghiêm túc cam kết, tránh rơi vào tình trạng “thao túng tiền tệ”.

Tuy nhiên, có một vấn đề khác là lần đầu tiên trong nhiều năm cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam lại thâm hụt. Điều này cho thấy rằng có một sức ép là VND phải mất giá khi cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt, cũng như cho thấy cán cân vãng lai của Việt Nam đang rơi vào chu kỳ thâm hụt, chu kỳ này cũng có thể kéo dài.

Cho nên hiện tại Việt Nam đang cố gắng ổn định tỷ giá hối đoái, chủ yếu là để ổn định lạm phát, vì nếu không hàng nhập khẩu đã đắt lên rồi nhân với tỷ giá hối đoái tăng thêm 3-5% nữa thì sẽ là vấn đề rất lớn…”.

Theo các chuyên gia, động thái hút tiền đồng ra khỏi thị trường của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện với mục tiêu chính là giảm lượng tiền trong hệ thống ngân hàng thương mại, từ đó giảm cung tiền và kiểm soát tỷ lệ lạm phát. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền cũng diễn ra trong bối cảnh thanh khoản của các ngân hàng đang dư thừa.

Đáng chú ý, việc kỳ hạn tín phiếu phát hành có xu hướng gia tăng cho thấy cơ quan quản lý tiền tệ đang mạnh tay hơn trong việc giảm khối lượng tiền của hệ thống ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, việc không ấn định lãi suất phát hành mà sử dụng hình thức đấu thầu lãi suất, cho thấy tình trạng dư thừa thanh khoản diễn ra tại nhiều ngân hàng thương mại, dẫn tới các nhà băng này tham gia mua tín phiếu từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất thấp hơn nhiều lãi suất cho vay liên ngân hàng cùng kỳ hạn.

Trên lý thuyết, tỷ lệ lạm phát được tính bằng tốc độ lưu thông tiền tệ nhân với cung tiền và chia cho thu nhập quốc dân thực tế. Như vậy, động thái giảm cung tiền kể trên của Ngân hàng Nhà nước có mục đích chính là để kiểm soát tỷ lệ lạm phát.

“Mỹ lạm phát hiện đã trên 9%, Việt Nam mới 2,44%, lẽ ra chênh lệch này phải tương ứng với chênh lệch của tăng tỷ giá, giá trị của VND phải tăng lên nhưng trái lại trong nước lại đang có hiện tượng thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể.

Như vậy nếu so sánh mặt bằng với Mỹ lẽ ra VND phải tăng giá thêm khoảng 6% nhưng vì chúng ta lại đang có thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể, cho nên nếu Việt Nam cứ kiên quyết giữ tỷ giá ổn định thì phải tốn nhiều dự trữ ngoại tệ để bán ra mà cân bằng. Cho nên phải cho nhích lên một chút với mức tăng vừa phải, nếu không phía Mỹ lại có thể nói Việt Nam thao túng tiền tệ…” – Ông Lê Xuân Nghĩa, nhận xét.

https://vietnamthoibao.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét