Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út : Thời kỳ « đổi dầu hỏa lấy an ninh » đã qua ?

Hoàng thái tử Mohammed bin Salman tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi dự thượng đỉnh Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh ngày 16/07/2022. AP - Mandel Ngan 

Trong hai ngày 15-16/07/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm Ả Rập Xê Út, và gặp hoàng thái tử Mohamad Ben Salmane. Mục tiêu là nhằm thắt chặt lại mối quan hệ đối tác chiến lược với Riyad trong các lĩnh vực năng lượng và an ninh sau một thời gian dài « ngó lơ ». Nhưng bước « quay ngoắc » này của Mỹ lại được Ả Rập Xê Út và nhiều nước vùng Vịnh đón tiếp một cách thận trọng. 

Đây là chuyến thăm Riyad đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Mỹ sau 18 tháng nhậm chức. Chuyến đi được thực hiện trong khuôn khổ vòng công du Trung Cận Đông và Ả Rập Xê Út là chặng dừng cuối cùng sau khi ghé thăm Israel và vùng lãnh thổ Palestine.

 

Dầu hỏa : Vũ khí bảo đảm an ninh

Mỹ và Ả Rập Xê Út đã có một mối quan hệ đối tác lâu đời từ gần 80 năm qua, được ràng buộc bởi Hiệp ước Quincy nổi tiếng, đúc kết ngày 14/02/1945, nhân cuộc gặp giữa quốc vương Ibn Saoud, người sáng lập vương quốc Ả Rập Xê Út và tổng thống Hoa Kỳ thời bấy giờ là Franklin Roosevelt, trên tuần dương hạm USS Quincy.

Chuyên gia về Trung Đông Anne Gadel, thành viên Đài Quan Sát Bắc Phi và Trung Đông thuộc Quỹ Jean Jaurès, trong một chương trình của France Culture (ngày 04/03/2021) nhắc lại bối cảnh sự việc :

« Hiệp ước được đúc kết năm 1945 bên lề hội nghị Yalta và theo chương trình cuộc họp, các vấn đề của khu vực như Palestine, Liban, Syria cũng như các vấn đề về dầu hỏa dường như đã được đưa ra thảo luận. Người ta nói về một hiệp ước, nhưng có lẽ nên xem đấy như là một hình ảnh biểu tượng. Trên thực tế, đây là cả một chuỗi toàn bộ các cuộc đàm phán và thỏa thuận giữa Ả Rập Xê Út và Hoa Kỳ, kéo dài từ những năm 1930 để đi đến việc ký kết một thỏa thuận quốc phòng hỗ tương. Do vậy, hiệp ước tập hợp toàn bộ các cuộc thương lượng và đồng thuận đã hợp thức hóa một liên minh chiến lược chặt chẽ giữa hai nước mà người ta có thể tóm gọn như sau : Hoa Kỳ bảo đảm an ninh cho Ả Rập Xê Út, đổi lại Mỹ sẽ được cung cấp dầu hỏa giá rẻ và có thể tiếp tục khai thác các nguồn dự trữ dầu hỏa của Ả Rập Xê Út, thông qua tập đoàn Aramco. »

Và thế là nhị thức nổi tiếng « đổi dầu hỏa lấy an ninh » ra đời. Vẫn theo bà Anne Gadel, thỏa ước này là một « tập hợp khách quan các lợi ích vào một thời điểm nhất định ».

Tuy nhiên, quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ với Ả Rập Xê Út không phải lúc nào cũng « sóng yên gió lặng ». Nếu như trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Riyad là một đồng minh tích cực trong cuộc chiến của Mỹ chống chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô, trong cuộc chiến tranh Koweit đánh đuổi Saddam Hussein và các đạo quân của ông, có không ít các sự kiện thách thức mối quan hệ đồng minh này.

Từ cú sốc dầu hỏa năm 1973 tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế phương Tây, vụ khủng bố 11/9/2001 do các phe nhóm cực đoan người Ả Rập Xê Út tiến hành trên lãnh thổ Mỹ, cho đến chính sách giảm dần sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông và vùng Vịnh, cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran dưới thời chính quyền Obama, cũng như việc áp đặt cách thức quản trị dựa theo mô hình của phương Tây, nhất là trong vấn đề nhân quyền, đã gây ra nhiều bất đồng sâu sắc giữa đôi bên.

Nếu như quan hệ giữa hai nước phần nào được cải thiện dưới thời tổng thống Donald Trump, thuộc đảng Cộng Hòa, đảng ưa thích của Riyad, thì mối liên minh này lại xuống cấp trầm trọng ngay khi Joe Biden, thuộc đảng Dân Chủ, lên cầm quyền. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông cam kết hạ cấp mối quan hệ với Riyad do vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi tại tòa lãnh sự Ả Rập Xê Út tại Istanbul mà hoàng thái tử Mohamed Ben Salmane bị quy là kẻ chủ mưu theo như báo cáo được CIA giải mật hồi tháng 2/2021. Washington tuyên bố « điều chỉnh » lại mối quan hệ với Riyad khi cho biết kể từ giờ chỉ xử lý công việc với quốc vương Salman, tuổi cao sức yếu.

Trung Đông : Địa bàn cạnh tranh giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc

Nhưng dịch bệnh Covid-19 kéo dài và những hậu quả các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây nhắm vào Nga do cuộc chiến xâm lược Ukraina đang làm chao đảo thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến các chuỗi cung ứng, khiến giá nhiên liệu và giá sinh hoạt leo thang. Trong bối cảnh này, tổng thống Joe Biden đành phải « bẻ lái », trở lại với chính sách thực dụng của Mỹ tại khu vực. Nhà nghiên cứu Hasni Abidi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về thế giới Ả Rập và Địa Trung Hải ở Geneve, trên kênh truyền hình quốc tế France 24, giải thích lý do sâu xa về chuyến đi này của nguyên thủ Mỹ:

« Chuyến thăm này của ông Biden bị ràng buộc bởi hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất là cuộc chiến tranh tại Ukraina và những hệ quả của cuộc chiến đối với giá cả nhiên liệu. Ả Rập Xê Út là quốc gia duy nhất trong vùng có khả năng tăng sản lượng dầu hỏa và tăng tức thì. Đây là quốc gia duy nhất có thể gây ảnh hưởng lên giá dầu thô và người ta biết là yếu tố này quan trọng không chỉ cho chiến dịch bầu cử giữa kỳ của ông Biden, mà cả cho đảng Dân Chủ trong các cuộc bầu cử tổng thống. 

Yếu tố thứ hai trong chính sách mới của ông chính là thất bại hay hạn chế trong cách tiếp cận của tổng thống Biden với Iran. Người ta thấy rõ là các cuộc đàm phán với Teheran vẫn giậm chân tại chỗ, thật sự rơi vào bế tắc và chính quyền Washington cần đến Riyad trong trường hợp họ muốn thay đổi chiến lược và kềm chế Iran trong vùng. »

Tuy nhiên, theo quan sát của ông Jean-Paul Ghoneim, chuyên gia về các nước vùng Vịnh, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), khi khép lại vòng công du với tuyên bố « Hoa Kỳ không bỏ rơi Trung Đông » và « không để khoảng trống cho Nga, Trung Quốc và Iran lấp vào »tại cuộc họp thượng đỉnh Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh + 3, nguyên thủ quốc gia Mỹ dường như không mấy thuyết phục các nước trong khu vực. Ít có khả năng các nước trong vùng chấp nhận quay trở lại với chính sách « đi theo » Mỹ một cách có hệ thống trong một số vấn đề, như đã diễn ra trong nhiều thập niên qua.

Cuộc chiến Ukraina bùng nổ cho thấy thế giới đang bước vào một chiều kích mới, buộc các cường quốc phương Tây phải xem xét lại chiến lược của mình và phải dựa dẫm vào nhau. Chiến sự tại Ukraina còn làm nổi rõ sự việc, « ngoại trừ Mỹ, châu Âu và vài nước châu Á cũng như Úc, toàn bộ phần còn lại của thế giới đều không lên án Nga hay chỉ đứng ngoài theo dõi sự việc như là một khán giả. »

Đương nhiên, đây chính là một cơ hội vàng để Nga tranh thủ thúc đẩy quân cờ ở các nước vùng Vịnh. Chuyên gia Jean-Paul Ghoneim lưu ý, tận dụng khoảng trống do Mỹ để lại, ngoại trưởng Serguei Lavrov trong tháng 5/2022, đã hai lần đến thăm khu vực trong hy vọng thuyết phục các nước này « thực hiện một chính sách trung lập và nhất là không mở thêm van dầu hỏa để hỗ trợ các nước phương Tây » đang bị bóp nghẹt bởi các chuỗi cấm vận được áp đặt nhắm vào Nga, khiến lạm phát tăng vọt do giá nhiên liệu tăng cao trên thị trường thế giới.

Công thức « đổi dầu hỏa lấy an ninh » đã lỗi thời ?

Về phần mình, Washington cũng muốn tận dụng cuộc chiến Ukraina nhằm tái định hình lại các liên minh khu vực và làm suy yếu tối đa tầm quan trọng của Nga và nhất là đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Mục tiêu này đang được định hình rõ tại châu Âu, nhưng lại trở nên khó khăn hơn ở Trung Đông. Chuyên gia Hasni Abidi từ Geneve nhận định tiếp với France 24 :

« Các nước vùng Vịnh đã thay đổi, đặc biệt là Ả Rập Xê Út. Ngày nay, Riyad không còn sẵn sàng đưa ra các bảo đảm và có các nhượng bộ với Washington, bởi vì Ả Rập Xê Út cũng đã tăng cường các mối quan hệ với Nga và Trung Quốc. Vương quốc Ả Rập này có một nhu cầu rất lớn và chưa bao giờ được đáp ứng. Mỹ vẫn cấm đoán, đình chỉ việc giao nhiều loại vũ khí quan trọng cho Ả Rập Xê Út, đặc biệt là các loại vũ khí cho cuộc chiến tại Yemen. Yếu tố thứ hai là việc khôi phục danh dự cho hoàng thái tử Mohamed Ben Salmane. Đây là điều kiện tiên quyết để Ả Rập Xê Út chấp nhận các đòi hỏi của Mỹ ».

Chuyến đi này của nguyên thủ Mỹ còn làm nổi rõ xu hướng Ả Rập Xê Út, cũng như nhiều nước trong vùng, nay không còn muốn theo lệnh của Mỹ và đánh giá vụ việc tùy theo lợi ích quốc gia. Một tầm nhìn đã được công chúa Reema Bent Bandar, đại sứ Ả Rập Xê Út tại Washington thể hiện rõ ràng, trong một bài ý kiến đăng trên trang mạng Politico. Bà cho rằng « mối quan hệ từng được thiết lập theo tiêu chí lỗi thời và chỉ giới hạn ở mức "đổi dầu lửa lấy an ninh" là đã qua. »

Nhà nữ ngoại giao này nhấn mạnh, « Ả Rập Xê Út ngày nay khác xa với quá khứ, thậm chí chỉ với cách nay 5 năm. Vương quốc này giờ không chỉ là một quốc gia đi đầu thế giới về năng lượng mà còn đi đầu cả về đầu tư và phát triển bền vững. Nhờ vào hàng trăm tỷ đô la đầu tư trong giáo dục, công nghệ, đa dạng hóa nền kinh tế và năng lượng xanh. Ả Rập Xê Út đã đưa ra một chương trình chuyển đổi giải phóng năng lực tiềm tàng to lớn của nam nữ thanh niên trong nước ».

Trong hoàn cảnh này, giới quan sát ở Pháp ghi nhận thêm rằng, ý muốn của Mỹ thành lập một liên minh quân sự giống như khiểu NATO trong khu vực, mà ở đó Israel có thể sẽ nắm giữ một vai trò nòng cốt nhằm kềm chế Iran, cũng khó mà thực hiện.

Tuy các nước vùng Vịnh đều có lập trường cứng rắn với Teheran, các nước này cũng muốn theo đuổi một đường lối đối ngoại riêng với Cộng hòa Hồi giáo này. Điển hình là, một ngày trước cuộc gặp tay đôi giữa tổng thống Mỹ với quốc vương Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Mohamed Bin Zayed, cố vấn ngoại giao có ảnh hưởng nhất Anwar Guergash tuyên bố vương quốc này sẽ không tham gia vào mặt trận chung chống Iran và Abou Dabi sắp tới có khả năng cử đại sứ đến Teheran

Nhà nghiên cứu Didier Billion về Trung Đông trong một bài viết trên trang mạng của IRIS, kết luận : « Nỗi ám ảnh Trung Quốc đương nhiên vẫn là ưu tiên hàng đầu cho các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ, nhưng họ cũng chợt nhận ra rằng Trung Đông cũng là một vế không thể thiếu trong các phương trình địa chính trị và kinh tế quốc tế sắp tới ».

https://www.rfi.fr/vi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét