Khi duyệt lại lịch sử chiến tranh thế giới, chúng ta ý thức rằng Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc vào năm 1945 đã đưa đến sự bại trận của phe Trục bao gồm các cường quốc quân sự chính như Đức Quốc Xã, Phát Xít Ý, Phát Xít Nhật và sự chiến thắng của phe Đồng Minh bao gồm các cường quốc chính như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Hoa và Liên Xô.
Liên Hiệp Quốc được khai sinh như một định chế bảo đảm hòa bình thế giới. Tuy nhiên trật tự chính trị mới này là một định chế có nhiều khuyết điểm. Nhất là trong 2 cấu trúc quan trọng nhất của nó: Đó là Đại Hội Đồng và Hội đồng Bảo an LHQ. Trong khi ĐHĐ thể hiện ý chí của tất cả các quốc gia thành viên, thì cơ chế này không có thực quyền. Tất cả quyền lực đều tập trung vào HĐBA. Tuy nhiên ngay cả HĐBA bao gồm đại diện của 15 quốc gia, cũng không có thực quyền. Quyền lực thực sự lại tập trung vào 5 quốc gia ủy viên thường trực của HĐBA bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Hoa và Liên Xô qua quyền phủ quyết tuyệt đối của mỗi quốc gia chiến thắng trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Sự thành lập cơ chế toàn cầu LHQ cũng đánh dấu sự ra đời của một thế giới lưỡng cực, qua sự tương tranh ý thức hệ giữa khối dân chủ dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ và khối Cộng Sản dưới sự lãnh đạo của Liên Bang Sô Viết.
Trật tự thế giới này trải qua nhiều biến chuyển quan trọng như sau:
1. Năm 1949 khi các lực lượng CSTQ dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông chiến thắng tại Hoa Lục và Trung Hoa Dân Quốc, dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch rút ra đảo quốc Đài Loan. Với sự ủng hộ của Hoa kỳ và các cường quốc Anh, Pháp thì Trung Hoa Dân Quốc vẫn giữa ghế ủy viên thường trực HĐBA cho đến năm 1971 thì, dưới áp lực của ĐHĐ/LHQ, phải nhượng ghế này lại cho CSTQ.
2. Bắt đầu ngày 18 tháng 12 năm 1978, Đặng Tiểu Bình chính thức khởi động chính sách cải tổ kinh tế toàn bộ tại TQ. Tuy có một vài trục trặc như biến cố Thiên An Môn năm 1989, nhưng đã biến CSTQ trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì sau Hoa Kỳ sau 4 thập niên.
3. Năm 1991 thì Liên Bang Sô Viết sụp đổ. Tuy nhiên Nga Sô là hậu duệ đã tiếp nhận vị trí ủy viên thường trực tại HĐBA thay thế cho Liên Xô.
Khi duyệt lại các biến cố trên, chúng ta có thể nhận xét rằng, các chính trị gia của thế giới tự do, nhất là Hoa Kỳ, đã sai lầm khi nhận định rằng, một nước Trung Hoa phát triển kinh tế và giàu mạnh, sẽ “tư bản hóa”, “dân chủ hóa”, trở thành một công dân tốt của cộng đồng nhân loại và góp phần bảo vệ hòa bình thế giới. Các chính trị gia Hoa Kỳ và nhất là Tây Âu như Pháp và Đức cũng tin tưởng sai lầm rằng một LB Nga không cộng sản, với nguồn tài nguyên dầu hỏa và khí đốt dồi dào, sẽ trở thành một cộng tác viên tốt cho sự phát triển kinh tế và thịnh vượng chung của Âu Châu.
Những sai lầm thiếu viễn kiến đó đã đưa thế giới đến một bờ vực thẳm vô cùng nguy hiểm trong thế kỷ 21:
1. Tại Âu Châu, một LB Nga Phát Xít dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài Putin ngang nhiên xua quân xâm chiếm Ukraine, một quốc gia thành viên chính thức LHQ, gây những thiệt hại kinh tế toàn cầu, đe dọa an ninh và chủ quyền quốc gia của nhiều quốc gia lân bang khác, cũng như hiểm họa diệt vong với Thế Chiến thứ Ba.
2. Tại Á Châu, sự trỗi dậy vô cùng hiếu chiến của CSTQ, dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài Tập Cận Bình, thể hiện một bản chất Phát Xít tương tự Putin và Hitler, nhất là tham vọng bá quyền tại các vùng biển quốc tế truyền thống như Nhật Bản, Hoa Đông và Biển Đông.
Để đối phó với hiểm họa Phát Xít Nga, thế giới Tự Do đã thành công trong tác động củng cố NATO, tức Khối Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương qua sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển.
Tuy nhiên, để đối phó với Phát Xít Trung Quốc, một đối tượng mạnh hơn LB Nga gấp 10 lần, thì Thế Giới Tự Do đã và sẽ làm gì?
Ngoài những biện pháp cần thiết bổ sung về kinh tế, nằm ngoài phạm vi bài này, những biện pháp về quân sự bao gồm sự thành lập một cấu trúc quân sự gồm Bộ Tứ (QUAD) là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc Đại Lợi. Đây chỉ là một Liên Minh lỏng lẻo nhằm giới hạn tính hung hăng của TQ tại Á Châu – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, mục đích minh thị của Liên Minh chỉ là bảo đảm một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở rộng (A free and open Indo- Pacific).
Đối với một kẻ thù nguy hiểm như CSTQ, thế giới tự do cần một liên minh quân sự tương tự Khối Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương với một điều khoản tương tự điều 5, tức “một sự tấn công vào một thành viên của NATO là một tấn công tất cả các thành viên” (an attack on one member of NATO is an attack on all of its members) và toàn khối sẽ phản ứng. Khối này có thể mang tên Khối Liên Phòng Ấn Độ-Thái Bình Dương, tức Indo-Pacific Treaty Organization, viết tắt là IPTO. Tiềm năng khối này rất lớn bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Canada, các quốc gia Nam Mỹ dọc Thái Bình Dương, Nam Dương, Mã Lai, Singapore, Phi Luật Tân, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan v.v…
Tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á, tức South East Asia Treaty Organization, viết tắt là SEATO, chống Cộng thuở xưa quá giới hạn và không còn hợp thời nữa.
Dĩ nhiên xây dựng một liên minh phòng thủ như thế có nhiều khó khăn. Nhưng, cũng tương tự với Phần lan và Thụy Điển tại Âu Châu, các quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương, một khi ý thức được hiểm họa từ bá quyền TQ, sẽ nhận thức nhu cầu gia nhập.
Như vậy thì vị trí của Việt Nam sẽ ra sao?
Hiện tại trên thực tế có 2 quốc gia Việt Nam: Một Việt Nam theo lòng dân và một Việt Nam theo ý đảng.
Việt Nam theo lòng dân tương tự như Ukraine tại Âu Châu vậy, chắc chắn sẽ gia nhập IPTO.
Việt Nam theo ý đảng tương tự với Belarus tại Âu Châu vậy, chắc chắn sẽ tiếp tục làm chư hầu của CSTQ.
Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam còn bại hoại hơn Lukashenko của Belarus vì Lukashenho chưa bao giờ phát ngôn tương tự như “trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam”.
Sự kiện NATO trong phiên họp thượng đỉnh ngày 29 tháng 6 tại Madrid có mời đại diện của Úc, Nhật Bản, Tân Tây Lan và Nam Hàn, vốn là những quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương, là một chỉ dẫn tích cực quan trọng.
Trách nhiệm của toàn dân Việt trong tương lai là nhanh chóng hoàn tất tiến trình dân chủ hóa, gia nhập vào một liên minh quân sự tương tự IPTO, hiệp lực với thế giới tự do và chặn đứng dã tâm của bá quyền CSTQ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét