Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Việt Nam thực hiện hay không các khuyến nghị nhân quyền của LHQ?

Hình minh họa

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/Getty Images

Hai nhóm nhân quyền phê phán chính phủ Việt Nam là đã không thực hiện bất kỳ bước khuyến nghị nào của Ủy ban Nhân quyền LHQ để cải thiện nhân quyền, thậm chí còn khiến tình hình tệ hơn. 

Trong một đệ trình chung gửi lên Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đầu tuần này, Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR) cáo buộc rằng Việt Nam đã phớt lờ khuyến nghị liên quan đến ba ưu tiên chính là án tử hình, quyền tự do ngôn luận và những người bảo vệ nhân quyền.

Theo đó, Ủy ban Nhân quyền LHQ từng đưa ra thời hạn để chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin về việc thực hiện các khuyến nghị, ngày 29/3/2021. 

Công ước ICCPR là gì?

 

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Công ước ICCPR) có sự tham gia đông đảo của 173 quốc gia thành viên tính đến ngày 05/4/2021.

Việt Nam gia nhập Công ước ICCPR vào năm 1982.

Việt Nam đã xây dựng, nộp các Báo cáo quốc gia về tình hình thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam lần lượt vào các năm 1989, 2001 và 2017.

Ngày 28/3/2019, Ủy ban Nhân quyền LHQ đã ban hành Bản khuyến nghị về Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ ba tại Việt Nam.

Ngày 22/3/2021, Thủ tướng Việt Nam phê duyệt nội dung, cho phép công bố và nộp Báo cáo giữa kỳ. 

Báo cáo giữa kỳ của Việt Nam đã được đăng tải trên website của Ủy ban Nhân quyền LHQ.

Phê phán của hai nhóm nhân quyền

Báo cáo của chính phủ Việt Nam, được nộp đúng thời hạn, bao gồm rất nhiều kế hoạch, lộ trình, nghiên cứu, hội thảo. 

Nhưng "dường như chỉ nhằm mục đích minh oan cho việc chính phủ [Việt Nam] tuân thủ một khuôn khổ pháp luật hoàn toàn không tương thích với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR)," bản đệ trình của FIDH và VCHR cho hay.

Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (International Federation for Human Rights—viết tắt FIDH) là một liên hiệp tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền, đặt ở Paris, Pháp.

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR), cũng đặt tại Pháp, do ông Võ Văn Ái làm chủ tịch.

Hình minh họa

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/Getty Images

Theo hai tổ chức, kể từ tháng 3/2019, chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp trái ngược với các khuyến nghị.

Do đó, FIDH và VCHR khuyến nghị cho Việt Nam điểm thấp nhất (E) trong bảng đánh giá việc các chính phủ thực hiện ba khuyến nghị ưu tiên.

Trong một diễn tiến khác, hai ngày trước khi có bản đệ trình này, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách đen buôn người, với cáo buộc chính quyền Hà Nội đã giảm các vụ truy tố liên quan đến buôn người vào năm 2021 và không xử lý vụ việc một nhà ngoại giao và nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Saudi bị cáo buộc đồng lõa buôn bán một số công dân của họ.

Gia tăng tử hình 'trong bí mật'?

Việt Nam được khuyến nghị xem xét bãi bỏ án tử hình, sửa Bộ Luật Hình sự để giảm số tội phạm phải chịu án tử hình, và công bố các số liệu chính thức về án tử hình theo giới tính, tuổi, tôn giáo, tội phạm...

Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2019, Việt Nam tiếp tục sử dụng hình phạt tử hình trong điều kiện quy trình pháp lý thiếu tính hệ thống, thiếu minh bạch, và điều kiện nhà tù tồi tệ, theo bản đệ trình của FIDH và VCHR.

Các báo cáo nội bộ của chính phủ cho thấy các bản án tử hình gia tăng.

Cụ thể, trong một báo cáo trước Quốc hội về giai đoạn 1/10/2020 - 31/7/2021, chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng số lượng án tử hình đã "tăng nhanh", lên hơn 34%, với tổng số 440 bản án tử hình khác được áp dụng, so với năm 2019.

Hai tù nhân chính trị nổi tiếng: Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương

Chụp lại hình ảnh, 

Hai tù nhân chính trị nổi tiếng: Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương

Báo cáo cũng tiết lộ rằng các nhà tù cho tử tù hiện quá tải, đặc biệt là ở Cao Bằng, Sơn La, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Tĩnh và Hà Nội, trong khi án được thi hành 'rất chậm trễ'. 

Tổng cộng có sáu tội phạm an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự ViệtNam, được sửa đổi lần cuối vào năm 2015, vẫn bị trừng phạt bằng tử hình, gồm: Phản bội Tổ quốc (Điều 108); Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109, trước đây là Điều 79); Tội gián điệp (Điều 110, trước đây là Điều 80); Bạo loạn (Điều 112); Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113).

FIHD và VCHR nhận định rằng các điều khoản trong luật này thường sử dụng ngôn ngữ mơ hồ và chung chung, khiến những người bất đồng chính kiến có thể bị kết án tử hình chỉ vì có 'ý định' chỉ trích chính phủ hoặc thành lập các phong trào đối lập.

Tử hình bằng thuốc độc

FIHD và VCHR lo ngại sâu sắc về các vụ hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc. 

Việt Nam ban hành Nghị định 43/2020/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 2020.

Các vụ tử hình bằng tiêm thuốc độc thường dùng ba loại thuốc: loại gây bất tỉnh; loại làm tê liệt hệ thống cơ xương; loại khiến ngừng tim.

Theo báo cáo của hai nhóm nhân quyền, các nhân viên an ninh thực hiện tiêm thuốc độc được trả lương gấp ba lần và được nghỉ 10 ngày cho mỗi lần xử tử.

Chính phủ Việt Nam cũng không đưa ra một lệnh tạm hoãn áp dụng hình phạt tử hình, cũng không phê chuẩn Nghị định thư tùy chọn thứ hai của ICCPR, nhằm mục đích bãi bỏ án tử hình. 

Cần lưu ý rằng, vào ngày 16/12/2020, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng trong nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về lệnh tạm hoãn áp dụng hình phạt tử hình.

'Hạn chế hơn nữa' quyền tự do ngôn luận

Kể từ tháng 3/2019, chính phủ Việt Nam không những không điều chỉnh luật hiện hành về quyền tự do ngôn luận phù hợp với ICCPR, mà thậm chí còn thông qua các luật mới hạn chế hơn nữa quyền này, theo bản đệ trình của FIHD và VCHR.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong một cuộc họp tại trụ sở LHQ ở New York năm 2020

Nguồn hình ảnh, EuropaNewswire/Gado

Chụp lại hình ảnh, 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong một cuộc họp tại trụ sở LHQ ở New York năm 2020

Việt Nam đã không thực hiện các bước để đảm bảo một môi trường thuận lợi cho những người bảo vệ quyền nhân quyền và xã hội dân sự, theo bản đệ trình của FIDH và VCHR.

Ngược lại, họ nói chính phủ Việt Nam đã theo đuổi một chiến dịch đàn áp không khoan nhượng, khiến các tổ chức xã hội dân sự và những người bảo vệ nhân quyền bị đe dọa, bị tấn công, bị bắt giữ tùy tiện và bị bỏ tù.

Hình minh họa

Từ tháng 4/2019 - 7/2022, theo hai nhóm này, ít nhất 95 nhà hoạt động, nhà chỉ trích, và những người bảo vệ nhân quyền - trong đó có 17 phụ nữ - đã bị bắt. 113 người bị kết án tù lên đến 15 năm.

Trong diễn tiến được quốc tế quan tâm, gần đây có cáo buộc rằng một số người bảo vệ quyền môi trường lại bị "đàn áp". 

Hai nhóm nhân quyền nhắc đến bốn người bảo vệ quyền môi trường bị bỏ tù gần đây, mặc dù họ không yêu cầu thay đổi chính trị.

Chính phủ Việt Nam cũng bị cáo buộc đã gây trở ngại cho hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, bằng cách ban hành các điều luật không phù hợp với ICCPR. 

Hình minh họa

Nguồn hình ảnh, BRENDAN SMIALOWSKI/ Getty Images

Chính phủ Việt Nam nói về nhân quyền

Theo yêu cầu tại đoạn 59 Bản khuyến nghị, Ủy ban Nhân quyền LHQ yêu cầu Việt Nam nộp báo cáo định kỳ tiếp theo vào ngày 29 tháng 3 năm 2023.

Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản.

Phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân; không hy sinh những mục tiêu về an sinh xã hội, không hy sinh những mục tiêu về môi trường, biến đổi khí hậu để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. 

Chính phủ Việt Nam khẳng định trong nền tư pháp Việt Nam không có "tù nhân lương tâm" vì các bị cáo ở Việt Nam đều được "xét xử công khai, nghiêm minh" tại tòa án. 

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều, trong đó riêng Chương II có 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Việt Nam cũng phê phán chính phủ và truyền thông Hoa Kỳ và phương Tây có những lúc đã "nhân danh tự do để bóp méo sự thật" ở Việt Nam.

https://www.bbc.com/vietnamese


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét