Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Phần VIII

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2021/06/bia_nnctobv-3.jpg?w=189&h=300

VIII- THƯ TỪ, TIẾP TẾ, THĂM NUÔI

Theo nội quy của các trại cải tạo thì chúng tôi được phép viết thư về nhà mỗi tháng một lần, được nhận quà gia đình gởi đến theo đường bưu điện ba tháng một lần (gởi quà tối đa 5 kí), và được thăm nuôi ba tháng một lần. 

Nhưng đó chỉ là nguyên tắc. Thực tế là trong thời gian ở tù 4 năm, 7 tháng (kể cả thời gian ở trại Long Thành) tôi chỉ được thăm nuôi tổng cộng bốn lần, tức là nếu tính đều ra thì hơn một năm mới được một lần thăm nuôi (so với chế độ Cải Huấn của ta trước kia, một tuần lễ được thăm nuôi hai lần). Ở Long Thành một năm trời, được thăm nuôi một lần trước khi ra Bắc. Ra Bắc từ cuối năm ’76, mải đến giữa năm ’79 (hai năm rưởi) chúng tôi mới bắt đầu được thăm nuôi.

Khi mới ra Bắc, ba tháng đầu chúng không cho chúng tôi viết thư. Trường hợp chúng tôi thế là còn khá. Có nhiều trại đến sau, bảy tháng chúng mới cho viết thư. Trong suốt năm 1977, dù vài tháng có cho viết thư một lần, chúng cấm chúng tôi không được viết câu gì tỏ ra mình đang ở miền Bắc. Nếu có câu gì tỏ ra có ý nghĩa như thế, thư sẽ bị vứt bỏ. 

 

Rất nhiều thư chúng không gởi đi. Ở nhà, vợ tôi tháng nào cũng có gửi thư cho tôi, nhưng có khi cả năm tôi không nhận được cái nào. Trung bình thì mỗi năm nhận được chừng ba, bốn lần. Thư nhà đến tay mình nhanh nhất là một tháng. Trung bình thì ba, bốn tháng mới nhận được. Có lúc nhận được nhưng là thư viết từ bảy, tám tháng trước. 

Nội dung thư bao giờ cũng được hướng dẫn trước: phải nói là khỏe mạnh, vui vẻ, học tập lao động tốt. Nhưng phần lớn chúng tôi, những năm về sau, chẳng chú ý gì đến những lời hướng dẫn nầy, chúng tôi chỉ viết toàn chuyện gia đình. 

Từ đầu năm 1978, chúng cho chúng tôi tiết lộ địa chỉ trại Cải Tạo Quảng Ninh. Kể từ năm ’79, chúng mới thi hành đúng nội quy là mỗi tháng được viết thư một lần, giới hạn hai trang giấy. 

Về tiếp tế, việc thực hiện cũng tùy giai đọan. 

Năm 1977, chúng cho chúng tôi nhận quà tiếp tế hai lần: một lần vào dịp Tết, một lần vào dịp 2-9 (ngày Quốc Khánh của chúng). Hai lần ấy chúng vào tận Sàigon nhận quà chở ra. Tuy có phổ biến là mỗi người chỉ được nhận 10 ký quà, nhưng chúng tôi nhận được trung bình 30, 40 ký; có vài người nhận được đến 60, 70 ký. 

Sang năm 1978, không giữ bí mật địa chỉ trại nữa, chúng cho chúng tôi nhận bưu phẩm tối đa 5 ký ba tháng một lần. Nhưng suốt năm ’78, chúng tôi chỉ nhận được ba lần quà, thay vì bốn lần, tức là tổng cộng năm đó chúng tôi mỗi người chỉ có 15 ký quà. 

Về thăm nuôi, kể từ năm ’78, chúng tuyên bố là cho phép được thăm nuôi. Tuy nhiên chẳng mấy ai trong số chúng tôi đượcc thăm. Chỉ có vài người có bà con ruột thịt ngoài Bắc, vài người có bà con ở ngoại quốc về (thuộc thành phần ”Việt kiều yêu nước” của chúng) đến thăm cho vài ký quà. Mải đến giữa năm ’79, các cấp chính quyền địa phương trong Nam mới được lệnh cấp giấy phép cho gia đình chúng tôi ra Bắc thăm nuôi……. 

Lần đầu tiên bà con Miền Nam ra thăm, ai cũng kinh hoàng khi nhìn thấy chúng tôi gầy gò ốm yếu, người nào cũng da bọc xương. Năm 1975, khăn gói ra đi “học tập”, ai cũng hồng hào mập mạp, đến giữa năm ’79, vợ gặp chồng có khi chẳng nhận ra được chồng mình. 

Các bà về Sàigòn phổ biến cho nhau tình trạng nầy, cho nên sau đó, bà nào cũng cố bán đồ đạc nhà cửa kiếm ít tiền đi thăm nuôi. 

Ba tháng sau, các bà ra thăm lần thứ hai, ai cũng thấy rõ hiệu quả của các món quà là người nào cũng lên khoảng chục ký. Thực ra thì hãy còn kém lúc ra đi năm ’75 xa lắm, nhưng so với lần thăm nuôi đầu, được thế là quý lắm rồi. Thì ra cũng chỉ có miếng cơm miếng thịt của vợ con ở Miền Nam đem ra mới giúp chúng tôi gượng lại được, nếu chỉ ăn toàn thức ăn của “Bác” và “Đảng” cho thì chắc gục ngã cả rồi. 

Thời gian gặp gỡ thân nhân dài ngắn tùy trường hợp. Thường thì khoảng từ nửa giờ đến hai giờ đồng hồ. May gặp tên cán bộ dễ chịu thì được thăm lâu một chút. Gặp bữa tên cán bộ khó chịu hoặc đang cáu việc gì thì mới nói được vài câu đã bị cúp. Nói chuyện phải nói lớn tiếng, không được dùng tiếng lóng. Lúc nào cũng có cán bộ ngồi nghe kiểm soát. 

Đối với các Tự Quản đội (đội trưởng, đội phó, thư ký đội), ban Thi Đua, và những người lập công báo cáo anh em (mà chúng tôi gọi là làm antenne), thời gian thăm nuôi được ưu đãi hơn; ít nhất là một buổi, có thể được ngồi ăn cơm với nhau, và trong vài trường hợp đặc biệt, có thể được ngủ lại với nhau một đêm nếu là vợ thăm chồng. 

Tôi không dám nói tất cả những người được thăm nuôi suốt đêm với nhau đều là những kẻ làm antenne, vì có thể ở những trại khác việc quy định thời gian thăm nuôi có khác. Nhưng riêng ở phân trại C, trại số 5 Thanh Hóa, tôi đã thấy có một truờng hợp được thăm nuôi đêm, đó là trường hợp một đội trưởng kìm kẹp anh em và báo cáo dữ dội. 

Chế độ Miền Bắc tuyên truyền rằng các trại cải tạo là cốt để cải tạo cho con người trở thành con người tốt để sống trong xã hội chủ nghĩa. Vậy mà trong trại cải tạo, chúng dùng cả nhu cầu sinh lý của con người, dùng cả sự ái ân của vợ chồng người ta để làm mồi bắt người ta báo cáo cho chúng, phục vụ cho chúng. Khi anh em chúng tôi nghe kể lại tên đội trưởng đó đã ngủ với vợ mấy lần trong đêm, chúng tôi thấy thật là kinh tởm . Những tên cán bộ quản giáo đi phổ biến khắp các đội khuyến khích mọi người hãy ”lao động thật tốt, đấu tranh tố giác tích cực” để được hưởng ân huệ của Đảng và Nhà nước cho phép được ngủ với vợ một đêm. Vậy mà cũng có những tên tồi bại trong đám tù đó háo hức lắm khi nghe như thế. Tôi không có ý chê bai, gạt bỏ vấn đề sinh lý. Tôi cũng cho rằng, thực tế là nếu vợ chồng lâu năm mới gặp nhau được như vậy thì cũng chẳng giữ gìn được và cũng chẳng việc gì phải giữ gìn, trừ phi sợ mang bầu. Nhưng vấn đề là chế độ trại giam đã đem việc đó làm một mồi nhử để sai khiến con người. 

Tôi cho rằng cần phải giữ tính cách cao quý đẹp đẽ của sự ân ái vợ chồng, hành động mang lại hạnh phúc tuyệt diệu về vật chất và tinh thần trong tình yêu và đạo đức. Nó không thể bị hạ thấp để trở thành giống sự giao cấu của hai con vật. Trong cái gọi là cải tạo, Cộng sản đã dùng đến những phương pháp đê tiện chỉ có thể hướng con người đến chỗ thấp hèn, đến chỗ phục vụ cho Đảng một cách tồi bại không còn chút tư cách, phải chăng con người mới xã hội chủ nghĩa mà Cộng sản muốn đào tạo chính là con người tồi bại như thế (và như thế, Đảng lại càng tồi bại hơn). Việc ân ái với vợ như vậy đã bị hạ thấp xuống thành việc giải quyết sinh lý trong hoàn cảnh nhục nhã, và chúng tôi thấy thật tội nghiệp cho những bà vợ đi thăm nuôi chồng tự nhiên bị hạ thấp giá trị của mình xuống thành miếng mồi vật chất để cho Đảng sai khiến chồng mình. Đó là thực chất của cái gọi là đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa. Và con người mới xã hội chủ nghĩa mà miền Bắc cố gắng cải tạo để đạt tới, chỉ là thứ con ngưòi thấp hèn chịu bỏ mất tư cách của mình để làm tên nô lệ vô liêm sỉ cho Đảng. 

Từ tháng 10-1979, chúng lại giới hạn mỗi lần thăm nuôi chỉ được cho tối đa 30 ký quà. Mà Cộng sản chẳng bao giờ thèm phổ biến trước. Đùng một cái, ra quy đinh rồi áp dụng luôn. Nhiều bà lo mang quà ra nhiều lại phải mang trở về. Mà đường đi ngoài Bắc đâu có phải dễ dàng như trong Nam. Trại giam nào cũng ở gần núi, cách xa quốc lộ số 1 từ 40, 50 cây số trở lên cả. Có đoạn phải đi đò, có đoạn đi xe bò, xe trâu, có đoạn đi bộ, gánh không nổi quà thì phải thuê người ta gánh. Xã hội Miền Bắc cướp giật tùm lum, nhiều bà đi bị mất tiền bạc, mất quà, mất giấy tờ. 

Anh em chúng tôi sống được là nhờ có gia đình. Mỗi khi được quà thăm nuôi, người nhận quà có thông lệ mời anh em quen biết ăn mừng ngày thăm nuôi. Trong bữa ăn, chúng tôi thường nói với nhau, câu nói tuy là đùa nhưng tâm ý là thật: “Vợ ta sinh ra con ta, nuôi nấng con ta, day dỗ con ta, nuôi luôn cả ta nữa. Vậy ta phải biết ơn người.” 

Tất nhiên, cũng có một số trường hợp vợ bỏ chồng lấy người khác. Cũng có một số anh chồng trước kia vợ lớn vợ bé, bây giờ ở tù, bà nầy né cho bà kia thăm nuôi. Nhưng cũng có anh được 3 bà vợ luân phiên ra thăm nuôi. 

Và cũng có những mối tình rất đẹp. Anh Phan văn Nho sinh viên Cao Học Hành Chánh, vì tham gia Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến nên bị ở tù, gần 5 năm rồi mà người yêu chưa hỏi chưa cưới vẫn một lòng chung thủy. Cuối năm ’79, anh Nho được người yêu đi với mẹ anh ra thăm nuôi. Hôm ấy Nho mặt mày rạng rỡ, tràn ngập hạnh phúc, quên hẳn là mình đang ở tù. 

Ông Phạm Trọng Nhân, tóc đã bạc, còn được bà mẹ già gần 80 tuổi đến thăm (bà cụ ở ngoài Bắc). Sau buổi thăm nuôi, ông Nhân mang gói quà về trại mà không sao cầm được nước mắt. Không có gì cảm động cho bằng lúc nhìn thấy ông Nhân tuổi đã 60, tóc đã bạc mà còn khóc như trẻ thơ khi cầm gói quà của bà cụ già. 

Tháng 7-79 tôi được vợ thăm nuôi. Ra gặp vợ theo phản ứng tự nhiên, tôi ôm hôn vợ. Tên cán bộ đi theo canh chừng mắng tôi ngay là “không văn hóa “. Vợ tôi cự lại: “Thế các ông lãnh tụ Đảng khi gặp nhau cũng ôm hôn thắm thiết thì sao?” Sau buổi thăm nuôi ngắn ngủi, tên cán bộ nầy chửi mắng tôi suốt đoạn đường gần hai cây số từ phòng thăm nuôi về trại. 

Quà thăm nuôi tiếp tế không phải là thứ gì cũng nhận được. Phải theo sự quy định của trại. Mà sự quy định thì mỗi lúc một khác và chẳng cần thông báo trước . Cứ mỗi kỳ soát xét quà lại thấy một quy định mới. Sự cấm đoán chỉ có tăng lên chứ không giảm.. 

Hồi mới đầu, ở Quảng Ninh, không thấy phổ biến cấm đoán thứ gì khó khăn. Cấm chất nổ, cấm vật bén nhọn, cấm rượu, cấm đồ quốc cấm. Những thứ nầy cấm là dĩ nhiên rồi, chúng tôi không có gì thắc mắc. Nhờ vậy mà năm 1977, chúng tôi nhận được một số sách học sinh ngữ, sách châm cứu. Phải nói rằng món quà tinh thần cũng cần thiết không kém gì món quà vật chất. Kỳ nhận quà 2-9- 77, tôi nhận được hai cuốn sách học Anh văn; một cuốn tự điển Ladder và một cuốn Văn phạm. Gia đình không dám gửi sách có những bài học văn chương, vì sợ chúng đọc không hiểu cứ nghi ngờ là có nội dung ca tụng đế quốc. Chỉ có sách tự điển thì có dốt trông vào cũng phải biết đó là cuốn tự điển. 

Năm 1977, chúng tôi nhận quà kỳ Tết Nguyên Đán, cứ tuởng đến 1-5 lễ Lao Động thế nào cũng có một kỳ quà. Nhưng trước ngày 1-5-77, chúng bảo chúng tôi gửi thư xin quà, rồi lờ luôn. Vì thế từ tháng 5 đến tháng 9 chúng tôi chỉ ăn toàn khẩu phần của trại. Đến khi nhận quà, người chúng tôi đã gầy gò, đói khổ lắm rồi. Thế mà trong số quà, tôi mừng nhất và quý nhất là hai cuốn sách Anh văn. Nhu cầu tinh thần vẫn cao dù khi vật chất đang quá thiếu. 

Cuốn tự điển Anh văn là Tự điển Ladder 5.000 chữ. Vốn Anh văn có sẵn của tôi được già nửa số chữ trong tự điển rồi. Tôi định bụng, trong vài năm, cố nhớ cho hết 5,000 chữ nầy. 

Hồi nhỏ tôi nghe nói cụ Huỳnh Thúc Kháng bị Pháp bắt ở tù chỉ đem theo được cuốn tự điển Larousse, và sau thời gian ở tù, cụ đã thuôc hết tự điển đó. Tôi định noi gương cụ Huỳnh, nhưng quả thật, lối học Anh văn bằng tự điển không phải là phương pháp hay, dầu rằng cuốn Ladder đã soạn trong tinh thần giản dị, mỗi chữ đều có câu ví dụ chỉ dẫn cách dùng. Tôi đã cố gắng đọc hết cuốn tự điển nhiều lần nhưng không sao thuộc nổi. Tuy nhiên nó đã giúp ích tôi rất nhiều. Nhờ nó, tôi hiểu chính xác những chữ mà trước kia tôi đã hiểu sai, dùng sai. Và tất nhiên, tôi cũng có nhớ được một số chữ mới. 

Học sinh ngữ trong trại giam của Cộng sản không được thoải mái như Cụ Huỳnh hoc tự điển Larousse trong trại giam của thực dân. Lúc nào chúng tôi cũng hồi hộp sợ bị tịch thu sách. Nhiều người đã bị tịch thu. 

Ai cũng biết rằng trại không muốn cho chúng tôi học như vậy. Chúng chỉ muốn chúng tôi làm lao động khổ sai thật nhiều, và ca tụng Karl-Marx, Lenine mà thôi. Sách vở của chúng tôi về nền văn hóa chung, không phải Mác xít là chúng ghét lăm. 

Anh Phạm văn Nho rất mê sách Anh văn. Hồi ở phân trại B, trại số 5 Thanh Hoá, anh nhịn ba bữa ăn để đổi lấy cuốn British Civilization, sách học Anh văn do nhóm Réunion de Professeurs bên Pháp soạn. Anh nâng niu nó như vàng. Khi sang phân trại A, anh đang học cuốn đó, bất ngờ bị tên cán bộ bắt gặp, tên nầy lấy xem thấy sách ngoại ngữ thì đòi tịch thu. Anh Nho vốn bị bệnh thần kinh, nổi cơn cầm lấy cục đá đập vào đầu mình, mấy anh em ngăn lại kịp. Cũng may nhờ thế mà tên cán bộ trả cuốn sách lại. 

Tai trại số 5 Thanh Hoá, chúng không cho chúng tôi sách học nữa. Anh Nguyễn Đức Dũng, trước là Đại tá Tham Mưu trưởng Thiết Giáp, có lúc làm Tỉnh trưởng Pleiku, bị tịch thu cuốn tự điển gửi theo quà thăm nuôi, tiếc ngẩn ngơ, làm đơn xin không được. 

Rồi trại liên tiếp quy định, cấm nhận muối, cấm ớt, cấm tỏi, cấm bột ngọt, cấm đường hóa học (Saccharine). Những thứ nầy, thực ra chỉ là cán bộ kiếm cớ tịch thu để chúng dùng mà thôi. Chúng đang cần bột ngọt thì tịch thu bột ngọt. Thấy đường Saccharine chỉ bỏ vài viên nhỏ mà ngọt cả ly nước trà, chúng khoái quá và lấy làm lạ lắm. Thế thì kiếm cớ tịch thu, bảo là “các anh dùng thứ nầy hại sức khỏe”. 

Thỉnh thoảng có vài người nhận được quà và thư từ ngoại quốc gởi thẳng về. Quà ngoại quốc gửi về thì thường chỉ vài ký nhưng phẩm chất cao, anh em rất quý. Một lon beurre Bretel, một hộp fromage, một hộp buoillon…quả là những thứ tuyệt hảo trong tại tù Cộng sản, những thứ rất hạn hữu. Nhưng hồi cuối năm ’79, tại phân trại C, chúng tôi có thì thầm với nhau về một lá thư từ Mỹ gửi về. Đó là thư của vợ anh Minh, sĩ quan phi công, mà chúng tôi goi đùa là “Minh giặc lái”. Theo anh em nói thì lá thư nầy bị Ban Giám Thị phân trại C kiểm duyêt, toan giữ lại không phát, nhưng sau được lệnh của Bộ Chỉ huy Trại là phải phát thư ấy, vì Bộ Nội Vu đã kiểm duyệt rồi. Trong thư, vợ anh Minh viết rằng “dù có phải trả cho chúng 5.000 dollars hay nhiều hơn để chuộc anh ra, em cũng trả.” 

Tôi không quen anh Minh vì ở khác đội, không thể phối kiểm được chuyện nầyy có đúng hay không. Và tất nhiên chuyện nầy chỉ đưọc loan truyền trong số những anh em tin cậy nhau mà thôi. Chỉ một câu ngắn ngủi như thế, trong một lá thư, và không biết có đúng sự thực không, nhưng đó vẫn là tia hi vọng cho chúng tôi, những kẻ bị tù đày, bưng bít, cố tìm lấy một tia sáng đâu đó về một ngày mai thoát khỏi ngục tù. Không phải là chúng tôi muốn được chuộc như thế. Chúng tôi chẳng muốn Cộng sản được nhận tiền. Nhưng trong hoàn cảnh tù đày mù mịt, một tin tức như thế chứng tỏ rằng bên ngoài vẫn chưa quên chúng tôi, vẫn còn sắp xếp một giải pháp gì đó cho chúng tôi, hay hơn nữa, cho tình hình Đông Dương. Có lẽ chúng tôi đã tưởng tượng quá nhiều. Nhưng ở trong tù, nếu không thờ ơ, không chán đời, cũng không xum xoe nịnh bợ cán bộ Cộng sản với cái ảo tuởng là nhờ thế chúng cứu xét cho về, thì chỉ có cách trông chờ cho tình hình biến chuyển, và với cách nầy, chúng tôi cũng thường sống trong tưởng tượng rất nhiều. 

Điểm quan trọng mấu chốt trong sự tưởng tượng nầy là nghĩ rằng mọi người bên ngoài chưa quên chúng tôi. Cho nên những người đang sống tự do xin đừng quên những người bà con, đồng chí, hay bạn bè mình đang sống tù đày. Xin đừng quên những người đang sống trong địa ngục. Xin hãy tìm cách tỏ cho họ biết là chúng ta không quên. 

https://baovecovang2012.wordpress.com/2021/06/16


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét