Võ Thái Hà tổng hợp
TT Mỹ Joe Biden đến Israel thúc đẩy đà xích lại gần nhau giữa Tel Aviv và Riyad
13/7/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden lên chuyên cơ Air Force One bắt đầu chuyến công du Israel, tại căn cứ không quân Andrews, Maryland, Hoa Kỳ, ngày 12/07/2022. AFP - MANDEL NGAN
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã bắt đầu vòng công du Cận Đông hôm nay 13/07/2022 tại Israel, chặng đầu tiên trong một chuyến thăm sẽ đưa ông qua vùng lãnh thổ Palestine và đặc biệt là Ả Rập Xê Út, được xem chặng quan trọng nhất.
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI tại Israel, chính quyền Nhà nước Do Thái đang trông cậy vào đồng minh Mỹ để khởi động một quan hệ hợp tác với Ả Rập Xê Út, phù hợp với các thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và các nước Ả Rập.
Từ Jerusalem, thông tín viên RFI Sami Boukhelifa phân tích:
“Việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Israel là điều “sẽ không thể xảy ra trong một sớm một chiều”. Một quan chức cấp cao của Israel đã nhận xét một cách thực tế như trên, trước khi nhanh chóng bổ sung: “Tuy nhiên vẫn có những cơ hội mới trong khu vực”.
Trong số này có việc Ả Rập Xê Út và Israel cùng có chung một kẻ thù: Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Nhân vật này giải thích: “Trước đây là tình trạng người Ả Rập chống lại người Do Thái. Ngày nay là những người ôn hòa chống lại những kẻ cực đoan”. Điều đó có nghĩa là: Đã đến lúc hình thành ra một liên minh chiến lược khu vực, một loại hiệp ước quân sự để chống lại Tehran.
Do đó, Nhà nước Do Thái đang trông cậy vào tổng thống Mỹ Joe Biden để thúc đẩy sự hội tụ lợi ích này, với các đồng minh khác của Washington ở Trung Đông.
Cũng theo quan chức Israel kể trên, sau giai đoạn đầu tiên, cần tiến tới việc “mở rộng các pham vi bình thường hóa, bởi vì cơ hội là vô tận… Ý tưởng là tạo ra các mối liên hệ giữa người dân Israel và Ả Rập Xê Út, cùng nhau làm việc, cùng nhau học tập, cùng nhau viết nên một câu chuyện chung”.
Như một biểu tượng của sự xích lại gần nhau đó, ngày thứ Sáu, 15 tháng 7 tới đây, tổng thống Mỹ sẽ bay thẳng từ Israel qua Ả Rập Xê Út. Chuyến bay Tel Aviv-Djdda sẽ là chuyến bay trực tiếp đầu tiên trong lịch sử của hai nước.”
Philippines khẳng định chủ quyền trong ngày kỷ niệm phán quyết về Biển Đông
13/7/2022
Ngoại trưởng Philippines, Enrique Manalo, trái, và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trước cuộc họp song phương ở Bộ Ngoại giao tại Manila ngày 6/7/2022.
Philippines ngày 12/7 tái khẳng định họ có nền tảng pháp lý đối với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp kéo dài, đánh dấu kỷ niệm của một phán quyết trọng tài kết luận yêu sách của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông là vô căn cứ.
Sau khi đối đầu gay gắt với Trung Quốc, Philippines đã thực hiện một bước đi táo bạo vào năm 2013 khi đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague để tìm cách làm rõ các quyền chủ quyền của mình theo luật pháp quốc tế.
Phán quyết năm 2016 của toà có lợi cho Manila và giáng một đòn mạnh vào Bắc Kinh, vốn từ chối công nhận kết quả và cho rằng tuyên bố chủ quyền của họ, dựa trên các bản đồ lịch sử, vẫn có giá trị.
Ngoại trưởng Philippines, Enrique Manalo, ngày 12/7 nhắc lại rằng phán quyết là chung quyết và những tuyên bố của Trung Quốc là vô căn cứ.
Ông nói trong một tuyên bố: “Những phát hiện này không còn nằm trong tầm phủ nhận và bác bỏ nữa, mà mang tính kết luận vì không thể chối cãi.”
“Chúng tôi kiên quyết bác bỏ những nỗ lực phá hoại nó ... thậm chí xóa nó khỏi luật pháp, lịch sử và ký ức tập thể của chúng tôi.”
Một cuộc thăm dò vào tháng trước của Viện Stratbase cho thấy khoảng 90% người dân Philippines muốn chính phủ khẳng định các tuyên bố chủ quyền hàng hải của đất nước và tăng cường khả năng quốc phòng.
Nhưng Philippines đã không thể thực thi phán quyết đó của toà và kể từ đó đã có hàng trăm lần phản đối về điều mà họ gọi là sự xâm phạm và quấy rối của lực lượng tuần duyên Trung Quốc và đội tàu đánh cá khổng lồ của nước này.
Tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng cũng mạnh mẽ nói về sự cần thiết phải tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong các lĩnh vực khác.
Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ, Jose Manuel Romualdez, ngày 12/7 nói đối thoại là cách tiếp cận được ưa chuộng.
“Chúng tôi vẫn lạc quan rằng con đường tốt nhất về phía trước vẫn là ngoại giao”, ông nói trên một diễn đàn hàng hải. “Tuy nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị để ngăn chặn sự gây hấn.”
Trong một tuyên bố đánh dấu ngày toà trọng tài ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói phán quyết đó là chung cuộc và Trung Quốc phải “tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và ngừng các hành vi khiêu khích”.
Nhắm vào Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, nói rằng quan trọng là các vấn đề lãnh thổ nên được xử lý trong khu vực.
“Chúng tôi sẽ phản đối sự đối đầu cả khối và tâm lý Chiến tranh Lạnh”, ông phát biểu tại Malaysia.
Tàu Mỹ đến gần quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc giận dữ
Trung Quốc công khai bày tỏ phản đối sau khi tàu khu trục tên lửa USS Benfold của Mỹ vào ngày 13/7 đã đi vào vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc kiểm soát nhưng Việt Nam tuyên bố có chủ quyền.
Trung úy Nicholas Lingo, người phát ngôn của Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ đặt căn cứ tại Nhật Bản, nói đây là hoạt động "tự do hàng hải" thứ hai ở quần đảo Hoàng Sa trong năm nay.
Thông cáo hải quân Mỹ tuyên bố: "Các yêu sách hàng hải trái pháp luật và sâu rộng ở Biển Đông gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại không bị cản trở, và tự do cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông."
"Theo luật pháp quốc tế ... tàu của tất cả các quốc gia - bao gồm cả tàu chiến của họ - được hưởng quyền đi lại tự do. Việc đơn phương áp đặt bất kỳ yêu cầu ủy quyền hoặc thông báo trước nào về việc đi lại là trái pháp luật."
Hải quân Mỹ cho biết tàu USS Benfold "khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế".
Nhưng một phát ngôn viên của chinh phủ Trung Quốc ngày 13/7 nói hành động của tàu Mỹ đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc khi xâm nhập trái phép vào lãnh hải của Trung Quốc".
Trung Quốc nói hải quân và không quân đã tiến hành "giám sát, cảnh báo và xua đuổi" tàu chiến Mỹ.
"Các sự kiện một lần nữa cho thấy Hoa Kỳ tạo ra rủi ro an ninh ở Biển Đông và hủy diệt hòa bình và ổn định trong khu vực," một người phát ngôn của Trung Quốc nói.
Hải quân Hoa Kỳ lại nói tuyên bố của Trung Quốc là "sai sự thật" và là hành động mới nhất nhằm "xuyên tạc các hoạt động hàng hải hợp pháp của Hoa Kỳ".
Mỹ thách thức
Thông cáo ngày 13/7 của Hạm đội 7 nói:
"Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Vi phạm luật pháp quốc tế, cả ba bên tranh chấp đều yêu cầu phải được phép hoặc thông báo trước, trước khi tàu quân sự hoặc tàu chiến tham gia vào "hành lang vô hại" qua lãnh hải."
"Theo luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật Biển, tàu của tất cả các Quốc gia - kể cả tàu chiến của họ - được hưởng quyền đi lại vô hại qua lãnh hải."
"Việc đơn phương áp đặt bất kỳ yêu cầu ủy quyền hoặc thông báo trước nào để được thông hành vô hại là trái pháp luật."
"Bằng cách tham gia vào việc đi lại vô hại mà không thông báo trước hoặc xin phép bất kỳ bên nào, Hoa Kỳ đã thách thức những hạn chế bất hợp pháp này do CHND Trung Hoa, Đài Loan và Việt Nam áp đặt."
Tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết hoạt động hôm thứ Tư cũng thách thức "đường cơ sở thẳng" - là đường nối các điểm hoặc đảo nhô ra nhất của bờ biển lục địa hoặc đảo.
Ngày 15/5/1996, Trung Quốc đã tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại quần đảo Hoàng Sa, vận dụng theo phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo.
Hoa Kỳ nói họ không công nhận diễn giải năm 1996 của Trung Quốc.
"Luật pháp quốc tế không cho phép các quốc gia lục địa, như CHND Trung Hoa, thiết lập các đường cơ sở xung quanh toàn bộ các nhóm đảo phân tán. Với những đường cơ sở này, CHND Trung Hoa đã cố gắng yêu sách nhiều vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hơn quyền được hưởng theo luật pháp quốc tế ", tuyên bố của Hạm đội 7 nói rõ.
"Khi tiến hành hoạt động này, Hoa Kỳ đã chứng minh rằng những vùng biển này nằm ngoài những gì mà CHND Trung Hoa có thể tuyên bố hợp pháp là lãnh hải của mình, và rằng CHND Trung Hoa đã tuyên bố chủ quyền các đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa là không phù hợp với luật pháp quốc tế."
Trung Quốc đã kiểm soát quần đảo Hoàng Sa sau cuộc đụng độ vũ trang ngày 19/1/1974 với quân đội chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Đảng Cộng sản Việt Nam, cầm quyền tại Việt Nam sau chiến thắng 30/4/1975, tuyên bố quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974.
Trung Quốc gọi Hoàng Sa là quần đảo Tây Sa, khẳng định Trung Quốc có chủ quyền "không thể tranh cãi" tại đây.
Vào tháng Năm năm 2021, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ cũng đã đi qua quần đảo Hoàng Sa.
Người phát ngôn Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, khi đó nói Trung Quốc hối thúc Mỹ "lập tức chấm dứt những hành vi khiêu khích xâm phạm quyền lợi như vậy".
Mỹ sẽ mở thêm nhiều tòa đại sứ ở Thái Bình Dương nhằm đối phó với ảnh hưởng của TQ
Lê Vy
Hoa Kỳ đã tiết lộ chiến lược mới nhằm ưu tiên các quốc gia Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của mình nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã công bố cam kết mới, bao gồm kế hoạch mở thêm tòa đại sứ, trong bài phát biểu trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Đảo Thái Bình Dương tại Fiji vào thứ Tư. Các nhà lãnh đạo khu vực và các nhà ngoại giao đã gặp nhau tại Suva kể từ hôm thứ Hai.
“Chúng tôi nhận ra rằng trong những năm gần đây, các đảo ở Thái Bình Dương có thể đã không nhận được sự quan tâm và hỗ trợ ngoại giao xứng đáng. Vì vậy, hôm nay tôi ở đây để nói trực tiếp với các bạn rằng, chúng tôi sẽ thay đổi điều đó,” bà Harris nói.
Bà Harris thông báo Mỹ sẽ bổ nhiệm một phái viên được chỉ định của Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương để tăng cường hơn nữa nỗ lực ngoại giao của họ trên khắp khu vực, cũng như các tòa đại sứ mới ở Kiribati và Tonga. Ngoài ra, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Quần đảo Solomon đang trong quá trình mở cửa trở lại.
Mỹ đang cùng các chính phủ bao gồm Úc và New Zealand khẩn trương tăng cường quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương khi Trung Quốc chạy đua để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực quan trọng chiến lược này. Hồi tháng 4, Quần đảo Solomon và Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận an ninh, được cho là một thắng lợi ngoại giao lớn đối với Bắc Kinh và là thỏa thuận đầu tiên như vậy ở Thái Bình Dương.
Mặc dù chi tiết cuối cùng của thỏa thuận đó chưa được công khai, nhưng một bản dự thảo bị rò rỉ cho biết nó sẽ cho phép tàu chiến Trung Quốc cập bến tại nơi chỉ cách bờ biển của Australia 2.000 km.
Bà Harris hôm thứ Tư cũng công bố kế hoạch tăng tài trợ lên 60 triệu đô la Mỹ hàng năm cho các dự án ở Thái Bình Dương, bao gồm cơ sở hạ tầng chống chịu khí hậu, chống đánh bắt bất hợp pháp và đầu tư vào bảo tồn biển. Khoản tài trợ mới này phải được Quốc hội Hoa Kỳ phê duyệt trước khi chính thức có hiệu lực.
Nhà Trắng cho biết thỏa thuận mới sẽ nằm trong Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương. Fiji vào tháng 5 đã cùng với Mỹ tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương, trở thành quốc đảo Thái Bình Dương đầu tiên gia nhập.
Trong bài phát biểu của mình, bà Harris cũng tiết lộ kế hoạch thiết lập lại tiền đồn của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ ở Fiji và đưa các tình nguyện viên của Quân đoàn Hòa bình trở lại một số quốc gia.
Bà Harris nói rằng điều quan trọng là các quốc gia quốc tế có thể tự ứng xử “không bị xâm lược hoặc ép buộc”.
Bà nói: “Vào thời điểm khi chúng ta thấy những kẻ xấu tìm cách phá hoại trật tự dựa trên quy tắc, chúng ta phải đoàn kết.”
Mỹ và Úc dựa vào Thái Bình Dương vì kinh tế và an ninh quốc gia, trong khi Trung Quốc mong muốn giành được sự ủng hộ của các quốc đảo để hỗ trợ các mục tiêu ngoại giao của mình trên toàn cầu, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm 8 ngày tới Thái Bình Dương vào tháng 5 để ký kết các thỏa thuận kinh tế với một số quốc gia, bao gồm cả một hiệp ước kinh tế và an ninh trên phạm vi rộng nhưng đã không thành công.
Lê Vy (theo Bloomberg)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm Chủ nhật (10/7) kêu gọi Trung Quốc và các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN gây áp lực lên các nhà cầm quyền của Miến Điện
(còn gọi là Myanmar) để đưa nền dân chủ trở lại, đồng thời phải chịu trách nhiệm về một thỏa thuận hòa bình đã được ký kết với khối này.
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (bên trái) phát biểu trước báo giới sau lễ ký Biên bản ghi nhớ tại Bộ Ngoại giao Thái Lan ở Bangkok, hôm 10/7/2022. (Ảnh: Stefani Reynolds/Pool/AFP/Getty Images)
Ông Blinken nói: “Đó là trách nhiệm của Trung Quốc và vì lợi ích của Trung Quốc khi đưa Miến Điện quay trở lại con đường đã đi”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bangkok trong chuyến công du châu Á, ông Blinken kêu gọi các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) yêu cầu chính phủ Miến Điện chịu trách nhiệm về thỏa thuận hòa bình “đồng thuận 5 điểm”.
Ông Blinken nói: “Sự ủng hộ của khu vực đối với việc chế độ tuân thủ đồng thuận năm điểm do ASEAN phát triển là rất quan trọng. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra”.
Ông nói thêm: “Các quốc gia ASEAN cần quy trách nhiệm cho Bắc Kinh, tiếp tục yêu cầu chấm dứt bạo lực và trả tự do cho các tù nhân”.
Chín thành viên của ASEAN và Thủ hiến Miến Điện Min Aung Hlaing vào tháng 4 năm ngoái đã ký một thỏa thuận bao gồm việc chấm dứt ngay lập tức bạo lực và đối thoại giữa tất cả các bên.
“Không có chuyển động tích cực nào về điều đó”, ông cho hay.
Quân đội Miến Điện đã gia tăng sức ép chống lại quân đội dân tộc thiểu số kể từ cuộc đảo chính năm ngoái và đang vấp phải sự kháng cự trên nhiều mặt trận, bao gồm các nhóm dân quân liên minh với chính phủ bị lật đổ.
Tuần trước, Thái Lan đã có cuộc đụng độ bằng máy bay chiến đấu sau khi một máy bay phản lực của Miến Điện xâm phạm không phận ở phía tây bắc nước này.
Miến Điện có đường biên giới dài 1.500 dặm với Thái Lan, đường biên giới dài nhất với bất kỳ nước láng giềng nào.
Mỹ và Thái Lan hôm Chủ nhật (10/7) đã ký các thỏa thuận nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ vốn đã bền chặt của hai nước khi Washington đẩy mạnh nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng mở rộng của chế độ Trung Quốc ở châu Á. Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (bên trái) phát biểu trước báo giới sau lễ ký Biên bản ghi nhớ tại Bộ Ngoại giao Thái Lan ở Bangkok, hôm 10/7/2022. (Ảnh: Stefani Reynolds/Pool/AFP/Getty Images)
Chuyến thăm của ông Blinken diễn ra một ngày sau khi ông gặp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Indonesia bên lề cuộc họp ngoại trưởng G20.
Ông Vương đã tham gia vào các hoạt động ngoại giao mạnh mẽ trên khắp châu Á trong những tuần gần đây và đã gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha vào ngày 5/7.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Blinken đã hoãn chuyến đi tới Thái Lan, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á, sau khi tạm dừng chuyến công du khu vực khi phát hiện trường hợp COVID-19 trong đoàn báo chí tháp tùng ông.
Sau cuộc gặp với Blinken, ông Prayuth cho biết mối quan hệ giữa hai nước sẽ còn “tiếp tục trên đà phát triển”.
Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành vi ‘khiêu khích’ ở Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố rằng Washington sẽ bảo vệ Philippines nếu lực lượng của họ bị tấn công ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và ngừng “hành vi khiêu khích” trên tuyến đường thủy nhộn nhịp này, theo Reuters. Philippines là đồng minh theo hiệp ước của Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Blinken đưa ra phát biểu trên hôm 11/7, đúng vào dịp 6 năm trước đây phán quyết của một tòa án quốc tế làm vô hiệu các yêu sách sâu rộng của Trung Quốc đối với Biển Đông.
“Chúng tôi tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng vũ trang của Philippines … sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ”, ông Blinken nói trong một tuyên bố, đề cập đến các điều khoản của hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước đồng minh đã có từ năm 1951.
Ông Blinken nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi một lần nữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuân thủ các nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành vi khiêu khích của họ”.
Tuyên bố của phía Mỹ được đưa ra đúng vào ngày Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Indonesia, trong đó, ông Vương nói rằng các quốc gia trong khu vực nên tránh bị các cường quốc toàn cầu sử dụng làm “quân cờ”.
Lam Giang
Nga tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với Myanmar
13/7/2022
Nhà lãnh đạo quân đội Myanmar, Min Aung Hlaing.
Nga và Myanmar sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng sau cuộc họp tại Moscow giữa nhà lãnh đạo quân đội Myanmar, Min Aung Hlaing, và các quan chức quốc phòng hàng đầu của Nga, Bộ Quốc phòng Nga loan báo ngày 12/7.
Bộ cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc họp diễn ra hôm 11/7 và rằng ông Hlaing đang ở Nga trong một chuyến thăm cá nhân.
“Cuộc gặp ... khẳng định sự quyết tâm của hai bên nhằm nhất quán xây dựng quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa quân đội hai nước”, thông cáo viết.
Ông Thomas Andrews, chuyên gia nhân quyền Liên hiệp quốc về Myanmar, hồi tháng 2 nói Nga đã cung cấp cho hội đồng quân nhân Myanmar các máy bay không người lái, hai loại máy bay phản lực chiến đấu và hai loại xe bọc thép, một loại có hệ thống phòng không.
Hỗn loạn đã bao trùm Myanmar kể từ khi một cuộc đảo chính quân sự vào đầu năm 2021 kết thúc một thập niên dân chủ, gây ra các cuộc biểu tình bị quân đội của chính quyền quân sự đàn áp bằng vũ lực sát thương.
Liên hiệp quốc nói các cuộc điều tra của họ cho thấy quân đội đã thực hiện các vụ giết người hàng loạt và tội ác chống nhân loại. Chính quyền quân sự Myanmar nói họ đang tìm cách khôi phục hòa bình và trật tự.
Chuyên gia Liên hiệp quốc về Myanmar cho biết chính quyền sử dụng vũ khí mới của Nga và Trung Quốc chống lại dân thường.
Liên hiệp quốc tố cáo quân đội Myanmar thi hành các vụ tra tấn, giết người hàng loạt, phạm tội ác chiến tranh.
Chuyến đi vô ích của Joe Biden đến Trung Đông
Ngay cả các quan chức Israel cũng thừa nhận rằng họ chỉ là nhân vật bên lề trong chuyến công du này. Hôm thứ Tư, Joe Biden đến thăm Trung Đông lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ. Trong thời gian ở lại Đất Thánh, ông sẽ gặp Thủ tướng mới của Israel, Yair Lapid, cũng như các nhà lãnh đạo Palestine. Nghị trình cũng bao gồm chuyến thăm đến một khu tưởng niệm Thảm sát Holocaust và chuyến tham quan nhà thờ nơi Chúa Jesus được cho là đã chào đời.
Điểm đến thú vị hơn trong chuyến đi là vào thứ Sáu, ở Jeddah. Tổng thống Biden đã từng tránh mặt Muhammad bin Salman, Thái tử Ả Rập Saudi, người bị đảng Dân chủ ghét bỏ vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ và mối quan hệ thân thiết với Donald Trump. Tuy nhiên, trong tình hình giá dầu dao động quanh mức 100 USD/thùng, Biden hy vọng sẽ thuyết phục được người Ả Rập Saudi hỗ trợ thêm. Ông cũng muốn thúc đẩy họ tiến tới bình thường hóa quan hệ với Israel. Nhưng đây có thể là một chuyến đi vô ích: các nhà sản xuất dầu thường có ít năng lực dự phòng, và Ả Rập Saudi cũng chẳng vội vàng gì trong việc mở đại sứ quán ở Tel Aviv (chứ đừng nói đến Jerusalem).
Quên Musk đi: Twitter cần một sự thay đổi
Thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk được quảng cáo là một trong những thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử. Nhưng giờ đây, nó có nguy cơ trở thành một trong những tranh chấp ‘xấu xí’ nhất. Tuần này, Twitter dự kiến sẽ đệ đơn kiện Musk vì đã rút khỏi thỏa thuận trị giá 44 tỷ đô la. Thẩm phán có thể cho phép Musk ra đi chỉ với khoản phạt vào khoảng 1 tỷ đô la. Tuy nhiên, ông cũng có thể ra lệnh buộc người sáng lập Tesla hoàn tất thương vụ với mức giá đã thỏa thuận. Dù người thắng kiện là ai, thì Twitter vẫn có những vấn đề lớn hơn cần cân nhắc.
Trong khi Facebook đã tăng trưởng lên 1,9 tỷ người dùng hàng ngày, Twitter chỉ đạt con số 230 triệu. Những công ty trẻ mới nổi, đặc biệt là TikTok, đã vượt xa nó. Sản phẩm của Twitter cũng rơi vào trạng thái trì trệ và tăng trưởng doanh thu ở mức đáng thất vọng. Dù gần như toàn bộ lợi nhuận của Twitter đến từ quảng cáo, tập đoàn truyền thông này kiểm soát chưa đến 1% chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số trên toàn thế giới. Sở hữu tư nhân từng được xem như thể liều thuốc có thể cứu được Twitter. Nhưng thay vào đó, vụ việc của Musk có thể sẽ chỉ khiến tập đoàn phân tâm khỏi nhiệm vụ cấp bách trước mắt.
Các thành phố ở California cấm các trạm xăng mới khi giá xăng lên tới 6.10 USD/gallon
Giá xăng trên 7.00 USD/gallon được hiển thị tại một trạm xăng Chevron ở Menlo Park, California, hôm 25/05/2022. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)
Ngày càng có nhiều thành phố ở California cấm xây dựng các trạm xăng mới bất chấp những người chỉ trích nói rằng các trạm này là cần thiết cho đại đa số người lái xe và người đi làm.
“Thực ra chúng tôi không biết mình đang làm gì,” nữ ủy viên hội đồng Petaluma D’Lynda Fischer nói với tờ Los Angeles Times hôm thứ Hai (11/07) về một lệnh cấm trên toàn thành phố đối với các trạm xăng mới. “Chúng tôi không biết mình là những người đầu tiên trên thế giới cấm các trạm xăng.”
Kể từ lệnh cấm đó, bốn thành phố khác trong Vùng Vịnh cũng làm như vậy. Các thành phố này bao gồm Rohnert Park, Sebastopol, American Canyon, và Calistoga.
Và một số quan chức dân cử ở Quận Los Angeles đang thúc đẩy việc ngăn cản xây dựng các trạm xăng trong quận, nơi có 13 triệu cư dân.
“Chúng tôi đang chấm dứt hoạt động khoan dầu ở Los Angeles. Chúng tôi đang chuyển sang công trình mới hoàn toàn bằng điện. Và chúng tôi đang xây dựng hướng tới phương tiện giao thông không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thành phố vĩ đại và có sức ảnh hưởng của chúng tôi, nơi đã trưởng thành xung quanh xe hơi, là nơi hoàn hảo để tìm ra cách loại bỏ xe hơi chạy bằng xăng,” ủy viên hội đồng Paul Koretz, một thành viên Đảng Dân Chủ, nói với tờ LA Times.
Trong cuộc phỏng vấn trên, ông Koretz tuyên bố rằng một lệnh cấm sẽ là một bước tiến đối với đề nghị của Thống đốc Gavin Newsom về việc chấm dứt bán các loại xe chạy bằng xăng ở California vào năm 2035.
Ông Koretz nói: “Thống đốc Newsom đã đưa ra mốc thời gian để kết thúc việc bán các loại xe chạy bằng xăng là vào năm 2035, vì thế các trạm xăng là một ngành kinh doanh đang hấp hối.”
Nhưng ông Kevin Slagle, phát ngôn viên của Hiệp hội Dầu mỏ Miền Tây Hoa Kỳ, nói với tờ báo này rằng lệnh cấm đó có thể sẽ gây ra “những hậu quả không mong muốn.” Cấm các trạm xăng sẽ chỉ gây khó khăn hơn cho những tài xế xe hơi sử dụng xe chạy bằng xăng.
Ông nói: “Theo những gì chúng ta đang đối mặt ngày nay — rất nhiều nhu cầu và không có nhiều nguồn cung — nếu quý vị bắt đầu loại bỏ các trạm xăng mới và hiện có, nếu quý vị làm cho một mặt hàng khó tìm hơn, thì điều đó thường có nghĩa là chi phí sẽ cao hơn.”
Giá trung bình mỗi gallon ở California là 6.058 USD tính đến hôm thứ Ba (12/07), theo dữ liệu từ câu lạc bộ xe hơi AAA. Dữ liệu này cho thấy giá xăng trung bình tại quận Mono, nằm ở vùng núi phía đông Sierra Nevada, là 7.11 USD/gallon.
Một cuộc khảo sát gần đây từ Consumer Reports đã hỏi khoảng 8,000 người dân Mỹ, cho thấy 61% nói rằng họ sẽ không tìm cách sở hữu một chiếc xe điện do khâu sạc pin, trong khi 55% số người được hỏi đã viện dẫn về số dặm đường mà một chiếc xe có thể đi được cho mỗi lần sạc.
52% số người được hỏi khác nói rằng chi phí mua và bảo trì một chiếc xe điện là quá đắt đỏ. 46% số người được hỏi cho biết họ chưa nghe thông tin về bất kỳ ưu đãi tài chính nào dành cho các chủ sở hữu xe điện.
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đang ở Biển Đông, sắp thăm Việt Nam
13/7/2022
Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) của Hải quân Hoa Kỳ.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ dự kiến sẽ đến thăm Việt Nam vào cuối tháng 7, một nguồn tin ngoại giao vừa cho VOA biết, trong khi người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết tàu này đang thao dượt tác chiến ở Biển Đông.
Nguồn tin ngoại giao không yêu cầu không nêu tên cho biết rằng hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan sẽ thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam vào cuối tháng 7/2022.
Trước đó, trang tin BenarNews trích từ hai nguồn tin địa phương cho biết tàu sân bay này của Hải quân Mỹ sẽ đến Đà Nẵng trong 5 ngày.
Hôm 13/7, khi được yêu cầu xác nhận chuyến thăm này đến Việt Nam, trung úy Joe Keiley, Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, cho VOA biết rằng: “Để bảo vệ sự an toàn của các thủy thủ của chúng tôi và an ninh của lực lượng, chúng tôi không chia sẻ thông tin chi tiết liên quan đến các hoạt động di chuyển trong tương lai của các tàu Hải quân Hoa Kỳ”.
Tuy nhiên, trung úy Keily dẫn một trang tin quốc phòng (dvidshub.net) cho VOA biết thêm rằng nhóm tàu tấn công do tàu sân bay Ronald Reagan dẫn đầu đang hoạt động ở Biển Đông trong đợt triển khai ngày 13/7/2022.
“Trong khi ở Biển Đông, nhóm tàu tấn công này đang tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, bao gồm các hoạt động bay bằng máy bay cánh cố định và cánh quay, các cuộc tập trận tấn công trên biển và huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị mặt đất và không quân. Hoạt động của tàu sân bay ở Biển Đông là một phần trong các hoạt động thường lệ của Hải quân Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, trang tin cho biết hôm 13/7.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) được đặt theo tên của Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, là một siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz, hoạt động tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản.
Hôm 12/7, tàu CVN-76 kỷ niệm 19 năm ngày tàu được vào biên chế hoạt động giữa lúc Hải quân Hoa Kỳ thực hiện nhiệm vụ “hỗ trợ các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, theo trang Twitter chính thức của tàu.
Được biết tàu này mang theo 90 máy bay, trong đó có nhiều chiếc thuộc loại F/A-18E Super Hornets và những hệ thống tên lửa tinh vi.
Các chuyến thăm trước đó của hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam là tàu sân bay USS Theodore (CVN-71) tới Đà Nẵng vào tháng 3/2020, và tàu USS Carl Vinson (CVN-70) đến vào tháng 3/2018.
Hiện tại, Hải quân Hoa Kỳ có 11 tàu sân bay và trong số này có đến 5 chiếc hoạt động ở Hạm đội Thái Bình Dương.
Liên quan đến hoạt động tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ, hôm 13/7, Hạm đội 7 của Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo báo chí rằng tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Benfold “đang khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Hãng tin Reuters cho biết việc một tàu khu trục của Mỹ đã đi gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông gây phản ứng tức giận từ Bắc Kinh, vốn cho rằng quân đội của họ đã “xua đuổi” con tàu này sau khi nó “xâm nhập lãnh hải trái phép”.
Phu nhân Biden xin lỗi khi ví dân châu Mỹ Latin như ‘bánh taco’
13/7/2022
Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden.
Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden xin lỗi về lời ca ngợi của bà dành cho người châu Mỹ Latin bị chỉ trích khi bà ví von hôm 11/7 rằng họ độc đáo như “những chiếc bánh taco điểm tâm”.
“Đệ nhất phu nhân xin lỗi rằng lời lẽ của bà không ngụ ý ám chỉ gì ngoài sự ngưỡng mộ và tình yêu thuần túy dành cho cộng đồng người châu Mỹ Latin”, phát ngôn viên của bà, Michael LaRosa, nói ngày 12/7.
Hiệp hội Ký giả gốc châu Mỹ Latin Quốc gia vào tối ngày 11/7 nói bà Biden và các phụ tá soạn diễn văn cho bà nên hiểu rõ hơn về sự đa dạng của người châu Mỹ Latin.
Hiệp hội nói: “Chúng tôi không phải là những chiếc bánh taco.”
Phát biểu ở San Antonio tại hội nghị thường niên của UnidosUS ngày 11/7, trước đây được gọi là Hội đồng Quốc gia La Raza, bà Biden đã cố gắng ca ngợi ông Raul Yzaguirre, người Mỹ gốc Mexico, người đã lãnh đạo tổ chức vận động và dân quyền trong 30 năm.
“Ông Raul đã giúp xây dựng tổ chức này với sự hiểu biết rằng sự đa dạng của cộng đồng này, khác biệt như bodegas ở Bronx, đẹp như hoa ở Miami, và độc đáo như món bánh taco điểm tâm ở San Antonio, là sức mạnh của các bạn,” bà Biden nói.
Trên khắp Thành phố New York, các cửa hàng tạp hóa được gọi là bodegas thường do các tiểu thương người Dominica hoặc Puerto Rico điều hành. Bà Biden đã phát âm sai từ này thành “bogotas.”
Những người bảo thủ trên mạng xã hội cũng nhảy vào phản đối, nói rằng sẽ có sự phẫn nộ nếu một đảng viên Cộng hòa nổi tiếng đưa ra nhận xét tương tự.
“Không có gì ngạc nhiên khi người châu Mỹ Latin đang bỏ chạy khỏi Đảng Dân chủ!” dân biểu Mỹ Andy Biggs, một đảng viên Cộng hòa từ Arizona, đã viết trên Twitter.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét