Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

Ngọc Ánh - Ngày Tháng Buồn Hiu - Phần 3

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjADdwiTzg9sVcxuzpIrJ0tWI8YvWSxj-yRbqMBuzgPQwxiCUfKpS-Pb93LYzBrwV31yuAc-HBm47IRUH0YRKQ9csOm1ptAxr1CtWySpZdV5MhgOdGutH66YyoluPPaChqFxRviKMMAk3A/s640/Ngay+Thang+Buon+Hiu.jpg

Ông già Noel là Mẹ!

Tôi có hai đứa con mà đứa nào cũng mồ côi cha rất sớm. 

Khi thằng con trai đầu lòng được hơn một tuổi thì bất hạnh xảy ra, vợ chồng con cái nhà tôi kéo nhau vào trại giam không hẹn ngày về... Thật ra câu chuyện đáng buồn này nếu nhìn theo góc độ nào đó cũng không có gì bi thảm, bụng làm thì dạ ráng chịu vậy. Bất cứ ai còn có tấm lòng với quê hương đất nước khi nhìn thấy cảnh trái tai gai mắt, áp bức bất công xảy ra trong cái gọi là Xã hội chủ nghĩa mà Cộng sản miền Bắc xâm chiếm và thống trị miền Nam sau ngày 30/4/75 thì cũng làm như chúng tôi thôi, dù sự phản đối được thể hiện bằng cách này hay cách khác. Vợ chồng chúng tôi bị bắt về tội phản động, nhà cửa bị niêm phong và tôi chỉ kịp mang theo mấy gói gạo lứt Bích Chi cùng ít khăn tả cho con.. Ngoài ra tất cã đều mất hết, kể cả tính mạng của chồng tôi.

 

 Nhưng điều tôi ân hận nhất đời là phải đẩy thằng bé vào trong hoàn cảnh khốn khổ này. Đêm Giáng Sinh đầu tiên trong phòng biệt giam tăm tối ở một tỉnh nhỏ xa lạ ngoài Trung, tôi nghe tiếng chuông nhà thờ đổ rất gần, tôi ôm thằng bé đang khóc ngất vì đói sữa mà nát cả lòng “Lạy Chúa con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao...” Tôi thành tâm cầu nguyện theo cái cách riêng của mình để mong Chúa nghe thấy, nhưng chắc Ngài cũng bận rộn với hàng triệu triệu con chiên đang khốn khổ trong cái xã hội loi nhoi ngoài kia cần cứu rỗi hơn, nên bóng tối vẫn phủ trùm quanh đây sự im lặng đáng sợ và tôi lại mơ đến ông già Noel đầy huyền thoại của tuổi thơ” Ước gì ông già Noel là có thật để ông mang đến đây một bình sữa cho thằng bé nhà tôi”

Rồi những năm tháng lạnh lùng trôi qua trong trại giam, chồng tôi bị tử hình sau đó không lâu, con trai tôi qua những cơn sốt nặng không thuốc men, thiếu dinh dưỡng, thoi thóp trong hôn mê kéo dài... Để khi tỉnh dậy thì tay chân co rút và lưỡi líu lại, một bác sĩ tù nào đó nói với tôi về di chứng của bệnh viêm não. Tôi tuyệt vọng tưởng mình có thể giết chết đứa bé và tự tử để thoát khỏi kiếp lưu đày. Nhưng khi nghe tiếng kêu thét đầy hoảng sợ  của con, tôi lại chùn tay bật khóc!.. Gương mặt ngây thơ của nó đáng yêu biết bao nhiêu, tôi phải sống để giữ lời hứa với anh ấy là sẽ nuôi dạy nó nên người, cho dù bây giờ hình hài nó không còn giống như bao đứa trẻ khỏe mạnh bình thường khác, cho dù chúng tôi đang sống trong sự trả thù hèn hạ của bên chiến thắng, nhưng tôi không thể dạy nó lòng căm ghét kẻ đã giết cha nó, không thể dạy nó sự oán hận cái xã hội đã đẩy người dân vào bước đường cùng. Chưa bao giờ tôi kể cho nó nghe về sự thật đáng buồn của gia đình mình. Tôi không muốn tinh thần nó bị tổn thương, chịu đựng một thân thể khiếm khuyết cũng đủ làm đau nó cả đời rồi. 

Nó chỉ là thằng bé tật nguyền lớn lên ngơ ngác giữa núi rừng hiu quạnh, bệnh hoạn èo uột như rong rêu bám vào cái lu mẻ ở xó hè, như bụi cỏ dại mọc trên bờ tường đá quấn đầy kẻm gai sau trại. Cả tuổi thơ buồn thảm của nó chỉ biết có Mẹ thôi, Mẹ là Trời là Đất, là nắng sớm là mưa chiều, là trăng treo ngoài cửa sổ, là tiếng cú kêu thê thiết đêm sương lạnh... Tôi gom hết những yêu thương dành cho nó, tôi cố đem những kiến thức mà tôi có được để mong dạy cho thằng bé quen dần với đoạn đời đầy gian khổ hôm nay, nhưng có lẽ nó quá nhỏ bé để cảm nhận ra cuộc sống bất thường này, nên dễ dàng chấp nhận hiện tại trong sự hồn nhiên đến xót xa. Mỗi ngày đối với nó đều là những trang sách mới toanh với nhiều điều thú vị mà thằng bé ba- bốn tuổi đầu như nó luôn hồ hởi phấn khởi để ..nghe, từ một chiếc lá rơi bên hàng rào hay hòn sỏi lượm ngoài bờ suối trong lúc đi lao động, hoặc lông chim vướng ngoài bụi tre đều là những câu chuyện cổ tích đầy sinh động mà tôi cố gắng tưởng tượng ra để làm quà cho nó. Và dĩ nhiên hình ảnh ông già Noel tuyệt vời không thể thiếu trong tuổi thơ tội nghiệp của nó. 

Bắt đầu từ cánh thiệp Giáng Sinh của ai đó gởi vào trại cho người thân, nhưng bị tên Công an gác cổng ném đi không cho nhận (liên lạc thư từ thăm hỏi đã khó khăn, huống chi loại bưu thiếp xa xỉ của đế quốc) cánh thiệp nhàu nát lem luốc bị gió cuốn vào đống rơm sau nhà kho và tôi cũng vội cuốn nó trong vạt áo mang về. Đêm đó hai mẹ con chun vô mùng đốt đèn lên để ngắm hình ông già Noel có hàm râu dài trắng như tuyết, mặc bộ đồ đỏ chót và sau lưng vác một bao đầy quà. Tôi nói thao thao với thằng bé như thể tôi đã từng gặp ông, từng được ông ôm vào lòng và cho những món quà mà tôi đã viết thư xin ông trước ngày Giáng Sinh hàng năm. Nhưng bây giờ thì khác hơn một chút, ông quá bận rộn nên không thể đến thăm từng đứa trẻ được, chỉ cho quà những bé ngoan nếu nó treo chiếc vớ ngoài cửa sổ trong đêm 24 tháng 12. Trong đống đồ

nhàu nát của hai mẹ con, tôi tìm thấy chiếc vớ len cũ kỷ của nó hồi mới nhập trại, nó có vẻ thất vọng khi thấy chiếc vớ quá nhỏ lại còn bị rách ở dưới gót, món quà có thể bị rớt mất... Tôi đành phải cắt ống tay áo mình ra may cho nó cái túi ba gang như trong truyện ăn khế trả vàng và rù rì với bạn bè chung quanh xin ít kẹo bánh để dành làm quà cho nó. Ông già Noel đã hứa như vậy mà. Đêm đó nó ngủ không yên, lâu lâu lại ngóc đầu nhìn ra cửa sổ trông chờ..

Với tôi thời gian này là những khoảng đời đau buồn nhất mà tôi phải chịu đựng trong cảnh tù đày khốn khổ, nhưng có lẽ là niềm hạnh phúc của cả hai chúng tôi là được sống bên cạnh nhau trong thời gian khá dài, khi mà những túng thiếu đói kém đã trở thành chuyện bình thường trong mỗi ngày qua đi cháo rau hiu hẩm, dù bệnh tật đã đày đoạ thằng bé đến kiệt sức, có lúc tôi tưởng nó bỏ Mẹ theo Ba...

Nhưng ơn Trời! Nó vẫn sống sót đến ngày rời khỏi trại giam. Một tổ chức nhân đạo của quốc tế đã vào trại mang nó đi xa hơn, thoát khỏi gông cùm khắc nghiệt của cái đất nước mà Ba mẹ nó đã chọn ở lại sau những ngày đen tối đó.

Hơn mười năm mòn mỏi tù đày, cuối cùng tôi cũng được thả về sau khi bỏ lại cả khoảng trời thanh xuân tươi trẻ của mình trong trại giam. Ngày về thênh thang đến trống rỗng, tôi không biết mình phải làm gì, sống ra sao trong những ngày tháng tới.. Mọi thứ đều thay đổi, xa lạ khiến tôi như hụt chân chới với, cái cảm giác bơ vơ lạc lõng trong thành phố thay tên lạ lẫm này làm tôi thấy mình cô đơn đến tội nghiệp..

Con bé được sinh ra như một định mệnh trớ trêu, thật lòng tôi không yêu người đàn ông ấy, nhưng tôi phải cám ơn anh ta đã cho tôi một sinh linh bé bỏng này, nó đáng yêu biết bao nhiêu khi làm thay đổi cuộc sống buồn tẻ của tôi.

Được làm Mẹ là một thiên chức cao quý, trong hoàn cảnh này tuy buồn nhưng tôi thấy nguôi ngoai nhiều khi mỗi ngày nhìn nó lớn lên hồn nhiên mạnh mẽ. Tôi cố gắng để trở thành người phụ nữ đảm đang trong vai trò “Ba mẹ là bóng mát, che chở suốt đời con”. Tôi trở lại giảng đường khi con bé vừa vô lớp một, để sau giờ tan ca mệt mỏi, tôi lật sách ra đọc thì con bé cũng ê a tập đánh vần, thế mà ròng rã mấy năm trời hai mẹ con “thi đua lập thành tích”, con bé cứ học sinh giỏi, học sinh xuất sắc đều đều, còn tôi thì rớt dài dài mấy môn lịch sử Đảng... Nhưng không hề gì, học để có chút kiến thức nhỏ nhoi trong cuộc sống bon chen này, còn hơn chấp nhận sự thua thiệt vì dốt nát, tôi vẫn thích tự đứng trên đôi chân của mình, dù mỏi đuối!!

Dĩ nhiên ông già Noel cũng không thể thiếu trong tuổi thơ êm đềm của con bé, khi thì hộp bút chì màu, con búp bê hay cái áo đầm trong lứa tuổi mẫu giáo, lớn lên một chút nó biết viết thư gởi ông già Noel để vòi quà thì tôi “gài độ” thêm mức khen thưởng chăm ngoan cho nó “phấn đấu tiến bộ”. Có năm nó còn vẻ bản đồ chỉ đường cho Ông già Noel qua phát quà cho bạn của nó, vì hỏi ra trong cái xóm lao động nghèo này, không đứa nào biết có Ông già Noel tồn tại trong đời.  Để củng cố niềm tin của nó, tôi lại tốn công gói thêm vài món quà để nửa đêm Noel chờ tụi nhỏ ngủ mà treo lên cây trứng cá trước nhà. Có thấy được vẻ mặt hí hởn của chúng nó khi nhận quà thì mới cảm nhận được sự cần thiết của Ông già Noel đầy huyền thoại trong trí tưởng tuổi thơ, tác động lên việc hình thành nhân cách của trẻ nhỏ, phải ngoan, phải chăm học, phải biết vâng lời cha mẹ thầy cô thì mới có quà. Và con bé tôi đã lớn lên trong niềm tin như vậy, cứ mỗi năm nó lại gởi thư cho Ông già Noel tâm sự vòng vo ở đoạn đầu và xin quà ở đoạn cuối, thỉnh thoảng nó còn chê ông viết chữ khó đọc hơn năm ngoái hay chỉ viết có mấy dòng khi bây giờ nó đã biết đọc rào rào. Và tôi lại cố rèn chữ theo ý nó, viết lưu loát tình cảm hơn ... Cho đến năm nó lên 12 tuổi, một hôm từ trường trở về, nó thủ thỉ với tôi “Tụi bạn con nói không có ông già Noel đâu, là Má mày làm đó, nghĩa là sao Má?”. 

Tôi chợt khựng người  bối rối, thật lòng lúc đầu bịa ra câu chuyện Ông già Noel tôi chỉ muốn con mình vui trong cảnh mẹ góa con côi, nhưng nếu sự dối trá là một điều không thể chấp nhận được đối với trái tim ngây thơ, và niềm tin hồn nhiên của con trẻ, thì có lẽ tôi cũng nên quỳ sám hối về những gì mà tôi đã làm cho các con tôi trong tuổi thơ cô đơn bất hạnh của chúng nó. Tôi ôm con bé vào lòng với niềm xót xa thương cảm “Ông già Noel chỉ có thật khi ai tin vào điều đó, nếu con tin thì ông ấy sẽ yêu thương con, sẽ ở bên cạnh con, cũng như Má vậy thôi, con tin là Má luôn yêu thương con thì Má sẽ giữ mãi tình yêu đó cho con.” 

Thế đấy, chuyện ông già Noel là có thật trong tuổi thơ của tất cả trẻ em trên trái đất này, hàng năm bưu điện khắp nơi vẫn nhận đầy thư gởi cho Ông già Noel, và họ cũng chuyển những gói quà đến các trẻ nhỏ dưới nhiều hình thức khác nhau, để tạo nên mùa Giáng Sinh lung linh sống động, biểu tượng Ông già Noel là hạt giống của niềm tin, của hy vọng, của tình yêu thương không biên giới được chia xẻ ấm áp, là trái tim nhân hậu, là tấm lòng bao la của cha mẹ dành cho các con, cho dù khi chúng nó nhận thức rằng Ông già Noel chỉ là sản phẩm tưởng tượng của người lớn, nhưng cả thế giới không ai cảm thấy thất vọng về niềm tin hoang đường này, thật lòng mà nói, có phải bạn cũng thích được nhận quà trong đêm Giáng Sinh? Dù chỉ là một tấm card mỏng manh hay cái ôm choàng thân tình của bạn bè, người thân. Sự ấm áp có sức lan tỏa kỳ diệu trong cái lạnh giá của cuộc sống hôm nay. Hãy tin như vậy đi.


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhvHw6kkqgduhyphenhyphenwL-BLwiOE7ahkPlSdWjgyVSt36-rZyuotyGU-kkGssOowvEKQbO8OVj-UYjkgZtp2hM8a6j_dnCfYCtCJlWCfBrWdPFYok-9yFOrzGg0Jddilj44dW7GfyN9uQFjDp1c/s640/hai+m%25E1%25BA%25B9+con.jpg

Hình tác giả và con trai Switzerland-2015


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEifW3CpbAwg7dr7kQVWGJa2U_8BH6FalgOY0gc_rI0F1ps08OagtbfcLIk_-O3T0nOHdu15DGSFZVQX0QyADWnPn_FbqkPBF7YZZMVLG8zL4Jq2Q16kpXexnLKuF3CH2Tl7AOW1IoponDc/s640/m%25C3%25A1+con.jpg

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjGsetzMASQRoKxv5yLenJmRkQ-e3zrwWQ0Zu1ZQrWMaoYDkb3Tb0nXoowdl26PNRBOuToqk7rtmfaMAkh8xZJ6zUKm2qK2EPACVVesqJw-p8iJp8H6CVgDn95ok0RPjhymgbKw7o5Lpd4/s640/%25C4%2591%25E1%25BB%2599i+n%25C3%25B3n.jpg

Sàigòn 1998

Nỗi xót xa riêng

Tôi và nó bà con với nhau, nó con nhà cậu, còn tôi nhà cô, hai đứa xuýt xoát vài ba tuổi nên chơi  thân từ nhỏ, mỗi lần nghỉ hè thì nó theo “mợ Năm” về thăm quê, ngang chợ Sóc Trăng, mợ luôn ngủ lại một đêm với tôi lấy cớ đường xa nghỉ mệt, và lần nào vô mùng mợ cũng ôm tôi muốn ngộp thở, tôi nghĩ là mợ thương cháu gái vậy thôi. Sóc Trăng của tôi chẳng có gì để khoe với nó ngoài cảnh đẹp ở “hồ nước ngọt” nên tôi rủ nó lội bộ ra đó đi thơ thẩn rồi về ngang cầu Bon tôi đãi nó ly sâm bổ lượng, lần nào nó cũng ăn lẹ để “lấn” qua nửa ly còn lại của tôi…Rồi hôm sau mợ xin Má tôi dẫn luôn hai đứa vô Xẻo Gừa chơi, vì là “dân chợ” nên bọn tôi thấy cảnh quê cái gì cũng lạ nên thích lắm khi theo mấy đứa hàng xóm lội ruộng bắt cá lia thia đá chơi hay bứt cọng năng ăn cái lõi trắng dòn dòn…

Lâu lâu thì Má tôi dẫn lên Sàigòn thăm bà con, nhà ai cũng nghèo chỉ có cậu Tám làm ăn khấm khá nhờ có cái xe lam chở hàng bông đi bán dạo. Nghỉ hè cậu chở hết cả bầy con cháu ra “Cấp” chơi, khỏi nói là đứa nào cũng náo nức để được giởn sóng biển xanh, đối với bọn tôi thời đó đi Vũng Tàu là một mơ ước xa xỉ. 

Cứ thế mỗi mùa Hè là dịp để bà con gặp nhau, tôi lên Sài gòn nhiều hơn là nó xuống Sóc Trăng, hai đứa đi lang thang từ chợ cá Trần Quốc Toản đến cầu Khánh Hội để chơi với đám con cậu Tám, cậu Mười, nó lớn một chút nên cuối tuần theo cậu năm phụ hồ, để dành tiền bao tôi ăn bò bía ở “hồ con rùa”, ngược lại tôi cũng để dành tiền ăn sáng để mua báo “Tuổi hoa” cho nó coi mệt nghĩ. Hai đứa bàn luận chuyện trời trăng coi mòi tâm đắc lắm, mà lạ, nó luôn tâm phục khẩu phục tôi trên bất cứ vấn đề nào. Có lẽ tuổi tôi hơn nó, học giỏi hơn nó hay vì tôi là người con gái duy nhất biết chia xẻ với nó những tâm tình của thời mới lớn mà nó tin cậy được. Không chắc là tôi “thông thái” gì ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới, nhưng tôi siêng đọc sách và biết lỏm bỏm nhiều chuyện hơn nó. Con gái bao giờ cũng lanh hơn con trai ở lứa tuổi này. 

Tháng 4/75 tôi lên Sàigòn trước khi bãi trường vì bà Ngoại tôi đau nặng… Cả thành phố lúc đó như muốn vở tung qua những bản tin chiến sự hàng ngày, nhưng tôi và nó thì vô tư trước thời cuộc, cái thờ ơ của người ngoài lề khi nghĩ đến chiến tranh đang xảy ra ở đâu đó xa xôi không dính tới phố thị của mình. Thật tình tôi không có khái niệm gì về chủ nghĩa Cộng sản, về sự chiến đấu của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, về cái đúng sai của chế độ mà tôi đang sống. Tôi hoàn toàn mù mịt đến ngu ngốc, thiên đường ngông nghênh của tôi là trường học, bạn bè và những bướm hoa lãng mạn… Tôi sẽ buồn nếu ngày mai mình không đến lớp được nhưng không biết rằng từng giây hiện tại có bao người đã ngã xuống trong cuộc chiến kinh hoàng này để tôi biết xót xa đau đớn…! Ôi, cái tôi vô tâm đáng trách. 

Cả nhà “cậu mợ” tôi bình thản chờ đợi, “Cậu năm” tôi nói “sẽ có Hòa bình, mọi người sẽ no cơm ấm áo”. Tôi và nó đều ngơ ngác nai vàng...


Ngày 28/4/75 Tôi và nó đi vòng vo quanh khu chợ xem người ta “di tản”. Thiên hạ ùn ùn kéo nhau đi đâu không biết, xe cộ ngoài đường hối hả phóng nhanh, tiệm giặt ủi ở đầu hẻm bỗng nhiên liệng ra đường từng xấp quần áo kaki còn thẳng nếp hồ, ai cũng lo lắng khi chứa trong nhà những quân trang quân dụng của lính… Tôi và nó lượm được hai bộ đồ bay, áo dính liền quần với nhiều túi có dây kéo, để dành mặc ngũ ngoài sân gác, trùm kín mít thay mền. Nó cũng thú vị khi ôm về một thùng giấy trắng để dành đóng tập học, còn tôi thì nghĩ đến việc để dành quay roneo mấy cuốn đặc san cho lớp... Vậy đó, tôi quanh quẩn dưới đáy giếng của mình, hồn nhiên như rong rêu, củi mục lềnh bềnh trên nước đọng, ngu ngốc dại khờ.  

Tàn cuộc chiến, hòa bình đâu không thấy, chỉ thấy Sàigòn bỗng chốc hoang vắng tha ma, màu cờ đỏ rợp trời như cỗ áo quan chói chang nhức mắt. Ngoại bớt bệnh và tôi trở về phố nhỏ của mình trong một chuyến xe đêm khoắc khoải. Hình như có cái gì đó vừa tan vở trong tôi, sự thất vọng hoài nghi về một tương lai mịt mờ phía trước, Sóc Trăng của tôi xơ xác như vừa qua cơn bão dữ, Thầy trò đến lớp bằng nỗi ngập ngừng dè dặt trên mỗi bước chân quen, bạn bè nói đến tên một ông Thầy quay súng vào đồng nghiệp kêu gọi đầu hàng và kéo cờ đỏ giữa sân trường sáng ngày 1/5/75 khiến mọi người sửng sờ, chết điếng. Cuộc họp đầu tiên của trường Hoàng Diệu ở rạp hát Nguyễn Văn Kiển  để nghe mấy ông Quân quản nói thánh nói tướng về một thế hệ tuổi trẻ Hồ Chí Minh, nghe mà phát chán. Cả bọn tôi lẻn về khi thầy Tráng đang kêu tên tôi lên phát biểu gì đó như là “hồ hởi phấn khởi cám ơn Đảng mới có ngày hôm nay..” Xin lỗi thầy, em không thể làm con vẹt để nói những lời trâng tráo đó, em chưa thấy “hoà hợp hòa giải” với mấy tên “Kách mệnh” này đâu thầy ơi! Lần đầu tiên tôi cảm nhận ra sự mất mát hụt hẩng của chính mình, tự dưng thấy như chới với.

Nhưng chuyện làm tôi bất ngờ sửng sốt nhất trong cuộc đổi đời này khi biết được tôi và nó là chị em ruột… Má tôi chính là Cô sáu, em của “Cậu Năm” bà không có con gái nên mới xin tôi về nuôi khi còn đỏ hỏn, làm khai sanh cho tôi lấy họ Trần của dượng, “Mợ Năm” nể chồng không dám cãi nên lâu lâu chỉ biết ôm tôi chặt cứng trong mùng và tôi cũng hồn nhiên rúc vào lòng “mợ” tìm hơi ấm cho giấc ngũ thơ ngây. Hèn gì…

Trong khi tôi vùng vằng khóc hết nước mắt chia tay với Ba Má tôi để về Sàigòn “đoàn tụ gia đình” thì nó vui ra mặt lúc đón nhận tin này, nó gọi tôi bằng “chị Tư” đầy thân thiện. Mấy ngày đầu thấy tôi mặt mày ủ ê rầu rỉ tiếc nhớ về Sóc Trăng một thời yên ổn đã mất thì nó lăng xăng lấy xe đạp rủ tôi đi uống sinh tố, chở tôi đi đây đó đở buồn. Khi chạy ngang trường Chu Văn An, nó than với tôi là bạn bè của nó ngày càng vắng, không biết biến đi đâu. Tôi nói như hét “thì lên rừng đi Kinh tế mới hay xuống biển vượt biên chớ đâu”. Không hiểu sao tôi lại bực dọc cau có với nó. Chuyện giải phóng này đâu phải lỗi của nó đâu?

Xã hội mới xếp gia đình tôi vào loại “lớp nghèo thành thị” nghĩa là thành phần nhân dân lao động không dính dáng đến “ngụy quân ngụy quyền” nên cho nó tham gia vào đội đoàn nòng cốt của Phường khóm. Nó đi họp ngày họp đêm về chánh sách mới của Xã hội chủ nghĩa, nó huênh hoang tự hào về lý tưởng, về chủ nghĩa vô thần của Mác Lenin, người ta bơm thuốc trừ sâu vào cái đầu non nớt của nó “nào là thế hệ HCM vinh quang, nào là tổ quốc nằm trong tay của tuổi trẻ v.v và v.v” khiến nó tưởng mình là dũng sĩ khi hăm hở tình nguyện đi “nghĩa vụ quân sự”  đợt đầu tiên. Ngày nó về khoe với tôi là được kết nạp Đoàn, một danh dự cho thanh niên thời này, tôi chỉ cười lặng lẽ khi nhìn con ngựa non háo thắng, không chắc là vẽ vang gì đâu nhóc ơi. Tôi chưa biết gì về Cộng sản nhưng tôi biết từ ngày “giải phóng” đến giờ, miền Nam bỗng trở thành

nghèo đói, nhà nhà đều ăn bo bo, thực phẩm thuốc men cái gì cũng thiếu… Vậy mà no cơm ấm áo cái nỗi gì, Xã hội chủ nghĩa chỉ là viên thuốc độc bọc đường bằng những danh từ hoa mỹ, lừa dối lòng dân thôi. Càng ngày nó như xa dần tôi với bộn bề “công tác”, tôi mơ hồ nhận ra giữa chúng tôi có một khoảng cách vô hình. 

Câu chuyện bùng nổ khi tôi phát hiện ra cục phấn tròn vo trên tay nó “Ở đâu em có cái này?” nó cười khẩy “Em bẻ trong tượng Phật ra”. Tôi hét lên như gặp ác quỷ, “Sao em lại làm việc điên khùng vậy, bà Nội sẽ giận lắm nếu biết em đập bể tượng Phật của bà để làm phấn viết bảng”. Nó nhởn nhơ trả treo: “Phật thánh gì, chỉ là thạch cao thôi mà”. Thế là cuộc tranh luận xảy ra giữa hai đứa về tín ngưởng, về tôn giáo về chủ thuyết vô thần của Cộng sản duy vật. Tôi giận nó từ đó..

Ngày nó lên đường đi bộ đội cũng là ngày tôi rời bỏ gia đình để dấn thân vào nơi nguy hiểm, tham gia trong một tổ chức chính trị. Nếu trước đây Ba và các chị tôi kháng chiến chống Mỹ thì bây giờ đến lượt tôi “chống kháng chiến chống Mỹ”. Tôi viết cho nó lá thư ngắn nhưng đầy xúc cảm “Có thể hai đứa mình sẽ đứng trên hai chiến tuyến đối đầu nhau, nhưng mãi mãi chị vẫn là chị của em nhóc à!” Máu chảy ruột mềm, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ bỏ rơi nó.

Mười hai năm sau tôi trở về xơ xác trong bộ đồ tù rộng thùng thình. Nó đón tôi tươi cười như hồi nào đón tôi mới lên Sàigòn “đoàn tụ gia đình”. Sự mất mát lần này tuy nhỏ hơn lần trước, nhưng làm tôi đau âm ỉ cả đời. Năm 75 tôi mất nước vào tay Cộng Sản, còn bây giờ tôi mất cả thời thanh xuân trong “trại cải tạo” với mức án dài, chồng tôi bị tử hình vì tội “phản động”...

Cho tới hôm nay nhắc lại chuyện buồn này, tôi vẫn không ân hận về sự chọn lựa của mình lúc đó. Trong một cuộc chiến đấu, thua thắng là chuyện bình thường, chỉ có điều đau lòng là đứa con trai duy nhất của chúng tôi, mới một tuổi phải theo mẹ sống đói khổ bệnh tật suốt mấy năm trời trong trại giam, tới khi được một tổ chức quốc tế can thiệp đưa ra khỏi tù thì thằng bé đã bị tật nguyền èo uột vì suy kiệt…

Còn nó bây giờ có vợ đẹp con khôn, cửa nhà êm ấm, việc làm ổn định. Coi như trong cuộc sống, nó đang là người chiến thắng, còn tôi, tôi  có cái tự hào của kẻ chiến bại. Nó bỏ ra một đêm để kể lể cho tôi nghe nhiều điều về nó trong thời gian xa vắng, nhưng tôi thì không, tôi im lặng trước những bất hạnh của mình. Tôi có cái kiêu hãnh riêng tư, tuyệt nhiên không đứa nào đá động tới chuyện cũ, tới bức thư “hai đầu chiến tuyến” ngày trước. Mỗi người đều có mục đích để hướng về phía trước. Nó cũng biết tánh tôi ngang tàng, gai góc, cứ lầm lũi mà đi tới. Miền Nam mười mấy năm qua chắc nó cũng thấm đau khi nhìn ra thực tế của cái gọi là Cộng sản. Quả bóng lý tưởng của nó đang xẹp dần bầu nhiệt huyết. Tuy không nói ra,  nhưng chắc nó hiểu những điều tôi hiểu.

Bước đầu trở về tôi sống tạm nhờ người chị họ xa ở Bình Dương, nhà chị nghèo đông con, ăn uống thiếu thốn, nó gởi tiền cho chị hàng tháng để lo cho tôi có nơi yên ổn. Mỗi ngày tôi cố tìm việc làm, đọc báo thấy gần nhà nó có cần người giúp việc, tôi vội vã đến. Chủ nhà còn rất trẻ, dân Bắc kỳ 75 đanh đá chanh chua, tôi cần tiền nên cũng dẹp tự ái để làm con sen quần quật từ sáng sớm đến tối mịt mới ngã lưng nằm. Nhiều lúc thấy tủi thân nhưng tôi phải tập cho mình lòng kiên nhẫn. Một hôm con nhỏ chủ liệng cái quần lót từ tầng 3 xuống thau đồ tôi đang ngồi giặt rồi cười hăng hắc vì “trúng mục tiêu” khiến tôi nổi giận thật sự. Tôi chửi con chủ te tét rồi xách giỏ đi về, không cần đòi món tiền lương hèn hạ của đứa khốn nạn. Đang đứng đón xe bus trở lại Thủ Đức thì tôi gặp nó đi làm về, nó ngạc nhiên khi thấy tôi lang thang ở đây, nó kéo tôi vào một tiệm gần đó để ăn và gặng hỏi mãi, tôi ấm ức kể cho nó nghe mọi việc. Nó cũng bực bội không kém, đòi tôi chỉ nhà để nó mắng con chủ thêm một trận nữa. Tôi nhìn nó tự dưng thấy nó vẫn y như “thằng nhóc” hồi nào, bênh chị và bảo vệ chị khi ở xóm có đứa nào gây sự. Bây giờ thì khỏi cần nữa rồi nhóc à, “chị Tư” làm đại bàng mà, cả xóm nghe tôi tù mười mấy năm, ai cũng ớn, có người không biết chuyện phán một câu “Con mẹ đó tội gì mà dữ vậy, chắc cũng giết người mới ra nông nổi!”. Nhớ hồi trong trại, cán bộ khai cung gằn giọng chỉ vào mặt tôi “ Giết một người là bị tội tử hình rồi, còn chị thì ghê gớm hơn, chị âm mưu giết cả chế độ, tội chị xử bắn hàng trăm lần cũng chưa đáng”. Tôi nhớ lúc đó mình đã cười phá lên khi nhìn gương mặt “khẩn trương” của hắn “Có thật là tôi nặng tội đến vậy sao?” Thật buồn cười những từ đao to búa lớn của Cộng Sản nghe sợ chết khiếp!

Sau lần đó nó năn nỉ tôi về ở với gia đình nó, nhưng tôi từ chối... Mấy tên công an phường lâu lâu kêu lên trình diện, hỏi han này nọ về lý lịch trích ngang, khiến tôi ngán ngẫm. Ở không được thì đi, mà đi đâu bây giờ? Tôi không có một phân vàng lận lưng thì nói gì đến chuyện tìm đường vượt biển. Thời buổi nhất thân nhì thế này dễ gì tìm một chổ làm ổn định… May nhờ mấy người bạn cũ chỉ giúp, tôi xin vào làm công nhân cho một xưởng gỗ trên Bình Dương, ban ngày làm hai ca, tối về học thêm một khóa hàm thụ, biết thêm chút chữ nghĩa cầu may. Nó mua cho tôi một đống sách vở, ông Thầy cũ cho chiếc xe đạp, bạn bè có đứa đóng dùm tiền học. Tôi ạch đụi chèo thuyền nước ngược mấy năm trời mới lấy được cái bằng “học đại”…

Nhân buổi tiệc liên hoan của trường, tôi đứng lên kể về thành tích “cua rơ xe đạp” của tôi suốt mấy năm qua, từ Bình Dương đạp về Quận Nhất sau giờ tan ca để kịp vào lớp học luyện thi, nhiều hôm trời mưa, xe cán đinh xẹp bánh, tôi lết về nhà cũng đến nửa đêm. Tôi nhìn xuống cuối giảng đường thấy gương mặt nó hân hoan chia xẻ, tôi đâu muốn rủ nó tới đây nhưng nó cũng tới để tự hào về gương vượt khó của “chị Tư”. Tôi biết nó xót thương tôi, nhưng nhóc ơi chuyện nhỏ thôi mà, giải quyết cơm no áo ấm cho dân chúng trong cái Xã hội chủ nghĩa của nhóc mới là chuyện lớn, hãy ngồi vào phòng họp với mấy tay Đảng Ủy để nói thẳng với bọn họ rằng đừng lếu láo mỵ dân nữa, người ta chán cái chế độ đầy sự giả trá bịp bợm này rồi.

Nói thì nói vậy, chớ tôi biết nó cũng chỉ là tên đảng viên quèn trong cái thời buổi bát nháo lưu manh giả danh trí thức, mua bằng cấp giả, bán hàng hóa giả, xài tiền giả, nhơn nghĩa giả… thì mong gì có một tiếng nói trung thực trong cái chung của cả nước, để đánh động lương tri những kẻ bán nước hại dân. Bạn bè của tôi cũng vậy thôi, danh vị đảng viên như cái nhãn dán bên ngoài nồi cơm của những gia đình không có dính líu tới chế độ cũ nên còn chút cơ hội để vươn lên trong cuộc sống bon chen này. Tôi biết nó cũng mang trong lòng đầy ắp nỗi thất vọng, leo lưng cọp dễ gì leo xuống, nó thừa hiểu nghĩa của cụm từ “thanh trừng nội bộ” là thế nào mà, nó chỉ là con mèo nhỏ trong cái hang cọp đầy nguy hiểm, mơ ước bây giờ của nó là tiếp tục học lên cao học, nó muốn ra nước ngoài...

Những năm tháng mòn mỏi khoắc khoải, tôi vẫn chờ đợi cái gì đó xảy ra ở ngày mai, nhưng giống như con đỉa sống dai nhờ hút máu động vật, cái chế độ Cộng sản ác nghiệt hút máu đồng bào này vẫn tồn tại nhởn nhơ mấy chục năm nay, không biết bao giờ mới sụp đổ. Trong khi người dân đen sống dở chết dở trong cái “xã hội ưu liệt” này để làm giàu cho bọn tư bản đỏ phè phởn hưởng vinh hoa phú quý thì cuộc sống của nó, nhân viên kế toán cho một công ty nước ngoài không phải danh giá gì nhưng trong thời buổi người ta thiếu nhiều thứ mà nó đủ ăn đủ mặc, tiền bạc đủ xài là ấm quá rồi. 

Tôi thì trôi nổi lên tận Thủ Đức, dành dụm mua được miếng đất cất nhà, tưởng sống yên thân, ai dè nhằm khu giải tỏa, phường xã bẻ miếng đất ra dọc ra ngang gọi là lộ giới, viện cớ đất mua giấy tay nên khó đền bù, tôi chỉ còn mỗi cái nền trơ trụi vừa đủ cất mái nhà lá che nắng che mưa cho hai mẹ con, (cũng nói thêm là ở tù về tôi bước thêm bước nữa, nhưng bị đạp gai  nên đau quá xin ly dị sau đó vài năm, tôi lời được đứa con gái 3 tuổi thỏ thẻ dễ thương, đối với tôi đó cũng là cách giải quyết hợp lý nhất trong bước đường lênh lênh của mình). 

Cuối cùng thì vận may cũng mỉm cười với tôi khi gặp lại người Thầy cũ sau mấy mươi năm biền biệt, duyên phận gắn bó chúng tôi thành vợ chồng, anh là người đàn ông rộng lượng mà tôi có thể tin cậy để tựa vào vai... Sau ngày cưới, anh ấy quyết định mang hai mẹ con tôi rời khỏi đất nước có quá nhiều bất trắc đau thương này. Quá khứ là điều đáng buồn, tôi cần phải ra đi, cho dù biết mình như đang trốn chạy một sự thật, giống như người lính trận buông súng khi chiến trường còn nồng mùi khói lửa, bỏ lại quê hương còn trăm nỗi nhọc nhằn.

Ngày tôi lên máy bay, nó ra phi trường tiễn đưa bịn rịn, nó vẫn nắm bàn tay tôi thân thiết như dạo nào, tôi thấy lòng rưng rưng thương cảm, có lẽ mình cũng nên quên đi câu chuyện “hai đầu chiến tuyến” của thời chúng tôi còn trẻ, quên đi những hận thù tủi nhục trong giai đoạn tù đày, quên những cái đáng quên và nhớ những điều đáng nhớ trong suốt năm tháng đã qua...

Cánh cửa khép lại, tôi quay lưng đi mà còn thấy dáng nó đứng đó nhìn theo, cái bóng đổ dài gầy guộc cô đơn...

Sau đó vài năm thì nghe tin nó mất vì bệnh ung thư, ngày tang lễ nó tôi không về được cũng bùi ngùi trong bụng, nhưng tôi biết nó luôn quanh quẩn theo tôi, trước kia nó mơ ước được du lịch sang Mỹ cho thỏa lòng thì bây giờ với hồn vía nhẹ tênh, nó sẽ bay được qua đây, không hiểu sao tôi lại hay tin những điều có vẻ như hoang tưởng như vậy, nhưng sự thật  nước Mỹ là thiên đường của nó mà, “American dream” mà lúc sống nó không thể vói tới vì quá muộn.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhkxRGGiJ5M_BHU-msah2riiFwMOqDuYFUnuBUYuLpstd1IRNcmmH2Zs0Z2UkhGYsQTNxFA22ifvFGEw-D6d_CqBgl_AB6hf_c01806_B4wIf3MzMK5H67GZCvXUq_XnnoK9XXDp9PN1kM/s640/c%25E1%25BA%25A3m+%25C6%25A1n.jpg

Câu chuyện đã qua lâu rồi, tôi nghĩ mình sẽ không có đủ can đảm để khơi dậy một vết thương đã liền da theo thời gian, dĩ nhiên nó vẫn còn dấu thẹo đậm nét trong tâm hồn, mãi mãi khó nguôi ngoai, nhưng may cho tôi là biết giác ngộ theo kiểu nhà Phật “Oán thù nên cởi chớ không nên trói”

Gần 40 năm trôi qua, tuổi đời đã già, đã lớn, tôi nghiệm ra rằng chỉ có lòng khoan dung độ lượng mới giúp ta thanh thản trong lòng, và tôi đã tha thứ cho họ, những người Cộng sản trong quá khứ cuộc đời tôi, tha những oan nghiệt mà họ gây ra cho cá nhân tôi, bản án nặng nề đã giết chết anh ấy và hủy hoại cả thời tuổi trẻ của tôi, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi chấp nhận chế độ Cộng sản tồn tại trên quê hương Việt Nam,  sự áp đặt một chủ nghĩa sai lầm của họ đã và đang giết chết cả một dân tộc, với bản tính độc tài tham lam, manh tâm bán nước sau khi tàn phá một nền văn hóa có từ bao đời của cha ông để lại của bọn vô thần Cộng sản là một tội lỗi kinh khiếp mà lịch sử Việt Nam sẽ đời đời nguyền rủa.

Câu chuyện của tôi kể ra chỉ để nguôi ngoai nỗi buồn của một cá nhân trong giai đoạn đầy đau thương của đất nước, nếu so với hàng vạn câu chuyện viết sau ngày 30/4 /75 về những gian nan trên đường tìm tự do mong manh giữa cái sống và cái chết, hay hoàn cảnh đau đớn khốn cùng của kẻ ở lại chịu đựng đòn thù trong các trại giam suốt từ Nam ra Bắc đã không có ngày về, thì nỗi đau của cá nhân tôi chỉ là hạt muối nhỏ không đáng vào đâu trong đại dương mặn đắng của cả dân tộc đang oằn mình dưới ách Cộng sản hôm nay.

Nếu có phải làm lại từ đầu, chắc chắn tôi cũng sẽ chọn con đường cũ để chống kháng chiến chống Mỹ, để cái chết của những người như anh Trần Thắng Tài và bao anh hùng vị quốc vong thân khác đã nằm xuống cho quê hương Việt Nam sẽ không phải là sự hy sinh vô nghĩa. 

Ngày tháng buồn hiu không hẳn là của riêng tôi, nó là nỗi buồn chung của một giai đoạn lịch sử mà chúng ta cần phải nhớ như một kinh nghiệm xương máu. Lịch sử không thể lập lại, chế độ độc tài Đảng trị phải bị diệt vong  thì dân tộc Việt Nam mới có cơ hội đứng thẳng để xây dựng đất nước giàu mạnh tự do.

Khi cuốn sách này được in ra và tới tay mọi  người thân của tôi là cũng nhờ sự khuyến khích của nhiều người, bạn bè Thầy cô trường cũ, thân hữu gần xa quý mến và sự động viên chân tình của nhà tôi, anh Nguyễn văn S., người đã đưa tay cho tôi nắm để tôi dũng cảm bước qua nỗi bất hạnh nửa đời người.

Xin gởi lời cám ơn đến tất cả bạn bè quí mến, cám ơn anh- người bạn đời đến muộn đã giúp tôi nhận ra chân giá trị của cuộc sống này.

Ngọc Ánh 

http://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2017/04


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét