Những gì bọn chúng làm – qua các vụ “bị lộ” gần nhất mà cũng đáng kinh tởm nhất như thuốc ung thư giả hay bộ xét nghiệm Covid-19 giả hiệu – khiến tôi phải nghĩ đến Voltaire, không thể không sử dụng ngôn ngữ cay độc của nhà văn này và rồi, thốt nhiên, lại nghĩ tới Nam Cao.
Đó là một Voltaire khi cho nhân vật Candide lên tiếng bài bác nghề bác sĩ như là thứ nghề chuyên sống bám vào bệnh tật của người khác. Và đó là một Nam Cao với cảnh Chí Phèo ôm Thị Nở ngủ bên bờ sông dưới ánh trăng “như chưa bao giờ được ngủ”. Còn bọn chúng – cái đám ký sinh trùng ăn bám vào bệnh tật không chỉ của một nhúm nhỏ thân chủ mà là của cả một dân tộc – thì lại “ăn” như chưa bao giờ được “ăn”, vơ vét và đục khoét như thể đây là cơ hội cuối cùng, không nhanh, không mạnh tay lên thì sẽ không còn cơ hội nào nữa.
Hẳn nhiên là Voltaire đã tỏ ra cực đoan, một chiều trong nhận xét nói trên. Không cần phải nói đến Albert Schweitzer (1875-1965) – một “danh nhân vĩ đại của cái thế giới buồn thảm này” theo lời của Albert Einstein – thế giới hiện tại vẫn tràn tràn những thầy thuốc đầy lòng bác ái và đức hy sinh. Xa, chúng ta chứng kiến những thầy thuốc từ bỏ cuộc sống đầy tiện nghi ở xã hội Tây phương để xả thân nơi đầu sóng ngọn gió cứu người trong tổ chức Médecins Sans Frontières (MSF), những thầy thuốc không biên cương. Gần, chúng ta chứng kiến những bác sĩ, y tá của chính chúng ta, ngày đêm giam mình trong những biệt khu chống dịch, như những tù nhân.
Bác sĩ Jekyll – một nhân vật của Robert Louis Stevenson – mày mò dùng chính mình để thử nghiệm thứ dược phẩm có thể tách biệt bản tính thiện-ác ngay trong một con người để rồi, như một hậu quả không mong đợi, ban ngày ông là một bác sĩ Jekyll đầy lòng nhân ái nhưng ban đêm thì lại hóa thân thành tên tội phạm Hyde đểu cáng và độc ác để rồi ngôn ngữ Anh giàu có thêm với hình dung từ “Jekyll and Hyde”, như là tính cách hai mặt của một con người. Còn bọn chúng? Rồi đây chúng có thể làm nên điều tương tự để, với ngôn ngữ diễn đạt một cái nghề thôi, có thể xoay trở với hai mặt cao quý và táng tận lương tâm, táng tận đến mức cực kỳ? Càng nghiêng mình ngưỡng mộ trước những thầy thuốc vì người bao nhiêu, chúng ta càng phát tởm và buồn nôn trước bọn thầy thuốc hút máu người này bấy nhiêu. Chúng hút thỏa thuê, ngập ngụa. Chúng hút thản nhiên trên sự đau đớn của chính đồng bào mình, ngay trong những ngày giờ hấp hối. Đọc Les Misérables của Victor Hugo ai cũng lấy làm ghê tởm trước hành trạng của Thénardiers, tên sống bám vào những tử thi nên chiến địa thời chiến rồi tình trạng quẫn bách của người khác trong thời bình, tưởng trên đời này không thể có ai gian ác và đểu cáng hơn. Nhưng bất quá thì Thénardiers chỉ là một gã cùng đinh lâm cảnh đói đầu gối phải bò và việc này có thể hiểu được phần nào. Còn bọn chúng thì lại là những thành phần tinh hoa của xã hội, không phải bò, không phải chật vật cơm gạo nên, nhất định, về mức độ táng tận lương tâm, chúng chỉ có hơn hoặc bằng, không thể thua kém cái tên cùng đinh sống bám vào xác chết.
Vạch mặt những giới chức tham nhũng trên xương máu đồng bào thời trước, báo chí miền Nam thường sử dụng từ “hạm” nhưng bất quá, “hạm nhỏ” hay “hạm lớn”, cũng chỉ là những “hạm” riêng lẻ. Còn chúng nó thì tập hợp thành cả một hạm đội đồ sộ, nhung nhúc trong Bộ Y tế rồi vươn đến nhiều bộ khác, từ Khoa học Công nghệ đến Bộ Công thương, cả Bộ Quốc phòng. Như một hạm đội, chúng phối hợp, chúng “hiệp đồng tác chiến” một cách ăn ý trong mối liên kết dọc của một ngành và liên kết ngang giữa các ngành với nhau theo một chiến lược, chiến thuật lớp lang, bài bản.
Nhìn cái cảnh hợp tác để hút máu nhân dân này thì những ngư dân phập phồng trên biển cả của tổ quốc và những nông dân đang hồi hộp trên đồng ruộng của mình có thể nào không khỏi chạnh lòng? Bao nhiêu thập niên bị dọa nạt, bị bắt cóc, bị tống tiền, bị cướp bóc rồi nhưng đã có một chiến lược bài bản của các cơ quan hữu trách để bảo vệ tài sản và tính mạng của những con người ngày đêm “bám biển” không chỉ để mưu sinh mà còn để khẳng định chủ quyền của tổ quốc? Cũng từng ấy năm tháng trôi qua, đã có một chiến thuật lớp lang nào để bảo vệ năng lực sản xuất của những nông dân đau đáu với câu hỏi “trồng cây gì – nuôi con gì” trước những mồi bẫy lũng đoạn thị trường cực kỳ bài bản của những chuyên gia phá hoại kinh tế ở tận Trung Quốc? Và, như mới nhất, đã có một sự phối hợp ăn ý nào để bảo vệ những công dân trẻ tuổi trước cạm bẫy bắt con tin của những trùm sòng bạc Trung Quốc tại Miên? Luôn luôn, trên đủ mặt, tình trạng của người dân bao giờ cũng là ai có thân kẻ đó lo nên họ chỉ có thể thở dài ao ước. Ao ước rằng nếu những giới chức hữu trách có thể bảo vệ nhân dân bài bản và khôn ngoan, y như cái sự bài bản và khôn ngoan của những nhà chức trách kia khi hút máu nhân dân!
Vấn đề, xem ra, cũng xuất phát từ một lý do để tôi, một lần nữa, lại nghĩ đến Voltaire.
Thời trẻ Voltaire đã trái lời cha, không chịu trở thành một luật sư để rồi về sau, khi đã là một nhà văn nổi tiếng, đặt vào mồm nhân vật Candide nói trên những lời lẽ biện minh cho chọn lựa này, rằng đó là thứ nghề chuyên “sống bám vào xung đột của người khác”. Hẳn nhiên, đó cũng là một nhận xét cực đoan và một chiều bởi đây đó vẫn có những luật gia mà, nói theo một anh bạn của tôi, nếu có cơ hội diện kiến, anh sẵn sàng quỳ lạy để tỏ lòng ngưỡng mộ, thí dụ những luật sư xả thân tranh đấu cho quyền làm người hay quyền tỵ nạn, chẳng hạn. Mà, vạn nhất, nếu nghề luật có sống bám vào xung đột của người khác thì bất quá đó cũng chỉ là xung đột giữa một số người với nhau, tranh chấp quyền lợi hay đùn đẩy trách nhiệm cùng thiệt hại cho nhau. Vấn đề là cái giới sống bám vào xung đột của cả một cộng đồng, cả một xã hội, cả một quốc gia, dân tộc.
Tôi nhớ câu chuyện vui về cuộc tranh luận xét xem nghề nào là nghề có trước, dựa vào Sáng thế ký trong kinh Cựu ước. Một bác sĩ kênh kiệu lập luận rằng khi nặn ra hình hài của Adam và Eva như là thủy tổ của nhân loại, Thượng Đế đã thực hiện công việc của một nhà giải phẫu nên nghề bác sĩ của anh ta phải là nghề đầu tiên trong vũ trụ. Nhưng một kiến trúc sư đứng phắt dậy, hầm hầm rằng trước khi làm một nhà giải phẫu như thế Thượng Đế đã thực hiện công việc của một kiến trúc sư là dựng nên trời đất từ cõi hỗn mang, tăm tối: “Ban Đầu Thượng Đế sáng tạo nên trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm..” Đến đây thì một chính trị gia cười khẩy, nhẹ nhàng: “Nhưng ai mới là người tạo ra cái cõi hỗn mang ấy, ai đã khiến cho đất trống rỗng không có hình dạng, ai đã khiến cho bóng tối bao trùm vực thẳm?”
Đúng là phong cách của một chính trị gia chuyện nghiệp. Không phách lối. Không hầm hầm giận dữ. Chỉ thầm lặng mai phục, chỉ “nhẹ nhàng” lên tiếng khi thời cơ đến, rất là… cơ hội chủ nghĩa, nhưng điều quan trọng nhất lại nằm ở câu hỏi đóng vai lời đáp của ông ta.
Không phải ngẫu nhiên mà tuyệt đại đa số chính trị gia ở các nước Tây phương xuất thân từ giới luật gia. Diễn tả một cách cực đoan theo Voltaire thì nếu nghề luật sống bám sự xung đột trong đám khách hàng thì nghề chính trị lại ăn bám vào những mối xung đột trong một quốc gia cũng như giữa những quốc gia nên hiện tượng này có thể hiểu như một hình thức nâng cao và nối tiếp tay nghề.
Và cũng chính xã hội Tây phương đã hình thành nên những khoa học về thị trường, nơi mà mọi quy luật đều xoay quanh hai yếu tố cung-cầu. Thị trường không có nhu cầu thì không sao, cứ tạo nên một mớ nhu cầu và đó là công việc của nhà quảng cáo. Nhưng nhà quảng cáo chỉ thực sự ăn khách khi người tiêu thụ thực sự mù mờ, mù mờ đến độ không biết mình là ai, mù mờ đến độ không nắm cả việc mình thực sự cần đến cái gì. Trên thị trường thì người tiêu thụ đối mặt với nhà quảng cáo thì, trong chính trường, những công dân đối mặt với những nhà vận động hay những nhà quảng cáo chính trị. Chính trường càng thiếu minh bạch, việc nước, càng chìm trong bóng tối, những công dân càng hoang mang, không nắm được nhu cầu bức thiết của đất nước mình, những quảng cáo chính trị mới tỏ ra đắc dụng.
Nói theo câu chuyện để cười chơi nói trên thì nghề chính trị đúng là cái nghề không chỉ sống bám vào sự mù mờ, hỗn mang tăm tối. Đó còn là cái nghề tạo ra sự hỗn mang để có thể tiếp tục sống bám bằng nghề. Và những hệ thống quảng cáo chính trị phục vụ cho cái thứ nghề này, bên ngoài ngoài các nước Tây phương, chính là những bộ máy tuyên truyền.
Dĩ nhiên, trong tiến trình lịch sử của mình, quốc gia nào cũng phát sinh những xung đột, những mầm mống chia rẽ hay lâm vào tình trạng tối tăm để nảy sinh nhu cầu thay đổi một cách triệt để hay, nói cách khác, là nhu cầu cách mạng. Nhưng khi cách mạng hoàn tất thì công việc của một nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ là phải xóa tan những cách biệt, là san bằng những chia rẽ nhằm tạo nên sự đoàn kết dân tộc để chung tay xây dựng và phát triển đất nước.
Nhất định họ phải làm như thế bởi sự chia rẽ và phân hóa không bao giờ làm một dân tộc mạnh lên. Thiên Chúa giáo, Hồi giáo hay Phật giáo xem mọi con người là bình đẳng nên mới phát triển, mới bành trướng, trở thành quốc giáo của nhiều quốc gia khác nhau. Nhưng Bà La Môn, là một tôn giáo lâu đời nhưng với hệ thống phân chia giai cấp khắc nghiệt chỉ có tác dụng củng cố đặc quyền của thành phần tinh hoa, chỉ có thể đóng khung trong tiểu lục địa Ấn Độ mà, thậm chí, cũng không thể thống nhất nổi tiểu lục địa như một vương quốc độc nhất, mãi đến khi người Anh đến áp đặt ách cai trị vào thế kỷ 19.
Và đó, xem ra, lại là nguồn cơn của mọi điều không may trên đất nước chúng ta. Đất nước vẫn bị phân hóa mà, vô hình trung, nhiều lúc còn bị phân chia như là chuyện để cười. Thỉnh thoảng, qua diễn ngôn trên báo chí, hay qua các quan chức bệ vệ, đất nước lại hiện lên như thể là Thượng Hải của cuối thế kỷ 19 với những thành phần bên trong và bên ngoài… tô giới. Đất nước, qua những diễn ngôn đó, có một “tô giới” riêng cho những thành phần “bên trong”, có thẻ đảng, có chân trong biên chế nhà nước, có sổ hưu cho tương lai; còn lại là những thành phần không được như thế ở “ngoài xã hội”, qua các cách diễn đạt như “những thành phần phức tạp ngoài xã hội”, “anh em xã hội”, v.v. Bị phân biệt đẳng cấp đã đành, người Việt còn bị tối tăm hóa để không nắm được những nhu cầu bức thiết nhất của đất nước, từ cái nhu cầu bình thường cho một môi trường sống lành mạnh đến một như cầu nhức nhối về quyền tự vệ của quốc gia. Họ không được phép mở mồm về mối đe dọa từ kẻ thù truyền kiếp ở phương Bắc mà, thay vào đó, phải bận tâm lo lắng với “thế lực thù địch phản động” như thể một thứ “Ông Ba Bị” mà những bậc cha mẹ dùng để dọa mấy đứa trẻ chưa biết cách mặc quần.
Khi những công dân Việt bị buộc phải “tiêu thụ” những nhu cầu giả tạo mà hệ thống tuyên truyền tạo nên thì, nói theo Voltaire, họ đang bị ăn bám trên đủ phương diện. Bị ăn bám vào bệnh tật. Bị ăn bám vào những xung đột không có thật. Và bị ăn bám vào tình trạng hỗn độn, tối tăm.
Mà bám vào tình trạng tối tăm cũng có nghĩa là bám vào tình trạng ngu dân và đó cũng là lý do khiến cho các nỗ lực cải cách giáo dục không bao giờ thành tựu. Ba hay bốn thập niên qua vẫn vậy và ba hay bốn thập niên sau vẫn vậy, nếu như giống ký sinh trùng kia còn tiếp tục nảy nở, sinh sôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét