Hôm 31 tháng 5, 2022, EU cho biết sẽ công bố chính sách mới, cấm vận dầu Nga ở mức độ khắc nghiệt hơn mức tưởng tượng của những người ghét tinh thần đế quốc của Nga nhất. Chúng ta thử xem xét một vài hậu quả mà chính sách này của EU có thể tác động lên kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam.
Chính sách phong tỏa mới của EU đối với Nga
Với chính sách cấm vận mới, tổng lượng dầu Nga xuất khẩu vào EU sẽ giảm 90%.
Cho đến nay, kể cả khi cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine đã kéo dài hơn 100 ngày, các nước EU vẫn phải nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô và 1,2 triệu thùng sản phẩm từ dầu mỗi ngày từ Nga. Nga thu về khoảng 800 ngàn Euro (hơn 1 triệu USD) mỗi ngày từ việc bán dầu cho EU.[1] EU dự kiến sẽ cắt giảm chỉ còn 10% số đó vào cuối năm 2022. Để được Hungary chấp nhận, EU miễn trừ việc nhập khẩu dầu từ Nga qua đường ống.[2]
EU cũng sẽ không cho phép các công ty bảo hiểm châu Âu bán dịch vụ bảo hiểm vận chuyển dầu thô Nga bằng đường biển.[3] Lệnh cấm này rõ ràng nhắm đến khả năng vô hiệu hoá nỗ lực của Nga bán dầu cho châu Á bằng đường biển, bởi lẽ bảo hiểm vận tải dầu mỏ hiện do các công ty châu Âu nắm giữ. Khi không còn bảo hiểm vận tải, các công ty vận tải dầu mỏ đường biển sẽ ngại ngần trong việc vận chuyển dầu thô Nga.
Hoa Kỳ đã cấm nhập khẩu dầu từ Nga từ hồi tháng 2 năm 2022, sau khi cuộc xâm lăng của Nga nổ ra. Đối với châu Âu, khi quyết định ngừng nhập khẩu 90% dầu mỏ từ Nga như vậy, chắc chắn họ đã tính toán khả năng bù đắp nguồn cung dầu mỏ ở châu Âu.
Hậu quả của chính sách cấm vận mới của EU đối với Nga
Cùng với các hậu quả do cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine gây ra từ hơn 3 tháng qua, chính sách mới này của EU có khả năng sẽ dẫn đến một số hệ quả vĩ mô sau.
Giá dầu tăng cao sẽ thúc đẩy lạm phát, vốn đang khá dữ dội ở cả Hoa Kỳ và Châu Âu.
Chuỗi cung ứng toàn cầu càng dễ bị tổn thương hơn.
An ninh lương thực trở thành một vấn đề toàn cầu, làm cho lạm phát thêm trầm trọng.
Các điều kiện tài chính sẽ càng bị thắt chặt hơn.
Các chính sách vĩ mô của các định chế toàn cầu càng trở nên khó đoán trước.
Cuối năm 2022, khi lệnh cấm của EU đi vào hiện thực, nếu châu Âu rơi vào cảnh thiếu hụt dầu, khu vực kinh tế khổng lồ này sẽ tranh giành nguồn dầu của các nước châu Á. Tất nhiên, việc tranh giành nhập khẩu dầu sẽ diễn ra sớm hơn, ngay từ mùa hè 2022, vì các nước sẽ chạy đua để chuẩn bị cho cuối năm.
Kinh tế thế giới sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng kép, vừa do đại dịch gây ra vừa do cuộc chiến của Putin gây ra. Tuy vậy, lệnh cấm của EU tiếp bước Hoa Kỳ cũng phản ánh sự thay đổi của xu hướng ảnh hưởng của dầu mỏ lên kinh tế thế giới.
Giá dầu thô tăng vọt là yếu tố góp phần lớn vào lạm phát trong thập niên 1970s ở Âu Mỹ. Hồi đó, nền kinh tế Hoa Kỳ tiêu thụ hơn một thùng dầu thô trên 1.000 USD tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, đến năm 2015, Hoa Kỳ chỉ còn tiêu thụ khoảng 0,4 thùng trên 1.000 USD của GDP.[4] Như vậy, yếu tố dầu thô đã giảm vai trò trong nền kinh tế Mỹ.
Theo World Bank, tỷ lệ sử dụng năng lượng (số kg dầu tương đương) trên 1.000 USD của GDP (PPP không đổi năm 2017), ở quy mô toàn cầu, đã giảm từ 164,5 kg dầu năm 1990 xuống còn 120 kg dầu năm 2014.[5] Năm 2015, Đức chỉ còn tiêu thụ 74,6 kg dầu cho mỗi 1000 USD của GDP, còn Pháp là 85,2 kg và Anh là 61,4 kg.
Việc phương Tây giảm sự phụ thuộc vào dầu thô sẽ giúp giảm tỷ lệ lạm phát do dầu thô gây ra. Tuy nhiên, không ai dám coi thường tác động của việc giá năng lượng tăng đến nền kinh tế nói chung và đến cuộc sống của mỗi người. Giám đốc điều hành của JPMorgan, Jamie Dimon cho rằng giá dầu có thể tăng lên 175 USD / thùng vào cuối năm nay.[6] Còn Goldman Sachs dự đoán rằng giá dầu sẽ tăng lên 140 USD / thùng trong quý 3 năm nay.[7] Các dự đoán khác nhau về giá dầu vào cuối năm khá chênh lệch nhau (140/175) nhưng cảm nhận chung là giá dầu sẽ tăng vọt. Financial Times dự đoán thế giới sẽ phải gồng mình trước sự tăng giá xăng dầu.[8]
Tình cảnh thiếu hụt năng lượng từ sau mùa đông năm 2022 được giải quyết đến mức độ nào thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trước hết, người ta sẽ quan sát xem một trong những chủ soái của OPEC, Saudi Arabia, có đồng ý tăng sản lượng dầu hay không. Khi kế hoạch cấm dầu của Châu Âu được đưa ra, Tổng thống Biden cũng lên kế hoạch đi thăm Thái tử Salman của Saudi Arabia.[9] Các yêu cầu chính trị trong bang giao quốc tế của Saudi Arabia ở Trung Đông có thể sẽ được thoả mãn. Những kẻ thù của Saudi Arabia như Iran, vốn được dễ thở hơn sau khi Tổng thống Biden cầm quyền, có thể sẽ “gặp nạn”.
Các nhà vận động chính sách sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống Biden chấp nhận thúc đẩy khai thác dầu mỏ trong nước (dầu đá phiến) và tiếp tục dự án đường ống dẫn dầu từ Canada. Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy các nguồn cung dầu khác, kể cả những xứ xung đột với phương Tây về giá trị như Venezuela
Châu Âu sẽ càng tăng cường phát triển các nguồn năng lượng phi hóa thạch, nhưng năng lượng sạch phụ thuộc vào nguồn không ổn định như năng lượng mặt trời, nguồn gió, và khả năng thay thế không đến một sớm một chiều.
Mặt khác, dầu thô và khí đốt là hai câu chuyện có liên quan nhưng khác nhau.
Trong tổng lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu hằng năm, khí đốt của Nga chiếm đến 42%, chỉ tính riêng nhập bằng đường ống.[10]
Sau hơn 3 tháng tính toán kể từ khi cuộc xâm lăng của Putin nổ ra, Châu Âu tất nhiên không quyết định cấm vận Nga khi mà chưa tìm ra nguồn cung thay thế.
Đức tỏ ra lo lắng không phải vì không tìm ra khí đốt thay thế mà vì… thành công quá nhanh trong việc thay thế khí đốt Nga. Họ nhập khẩu khí LNG của Hoa Kỳ bằng những con tàu vận tải khổng lồ. Việc nhập khẩu này đòi hỏi xây dựng những trạm tiếp nhận đắt tiền. Họ “lo lắng” vì những thiết bị đắt tiền này có thể trở nên lãng phí nếu họ chuyển sang năng lượng xanh thành công vào năm 2035 theo kế hoạch.[11] Nói chung, các nhà nghiên cứu chính sách đều nhận thấy kế hoạch loại bỏ dầu khí Nga của châu Âu đã được định hình rõ nét.[12]
Có thể nói các cường quốc Âu Mỹ Nhật sẽ chuẩn bị đủ sức để thoát khủng hoảng đồng thời thoát Nga về mặt năng lượng. Nga với GDP chỉ bằng một nửa bang California của Mỹ, không đủ khả năng áp đặt ý muốn của mình, trừ khi chấp nhận từ bỏ tư duy bá quyền lỗi thời.
Nhưng Việt Nam thì không có nhiều lựa chọn.
Chú thích
[1] What sanctions are being imposed on Russia over Ukraine invasion? (BBC) https://www.bbc.com/news/world-europe-60125659
[2] EU Sets Harshest Russian Sanctions, Targeting Oil and Insurance, The Wall Street Journal, 31-5-2022 https://www.wsj.com/articles/eus-ban-on-russian-oil-adds-stress-to-regions-economies-11653993757
[3] EU Sets Harshest Russian Sanctions, Targeting Oil and Insurance, The Wall Street Journal, 31-5-2022 https://www.wsj.com/articles/eus-ban-on-russian-oil-adds-stress-to-regions-economies-11653993757
[4] Columbia Center on Global Energy Policy. “Oil Intensity: The Curiously Steady Decline of Oil in GDP.”
https://www.energypolicy.columbia.edu/research/report/oil-intensity-curiously-steady-decline-oil-gdp
[5] Energy use (kg of oil equivalent) per $1,000 GDP (constant 2017 PPP)
[6] Jamie Dimon says ‘brace yourself’ for an economic hurricane caused by the Fed and Ukraine war, JUN 1 2022
[7] Goldman Sachs predicts $140 oil as gas prices spike near $5 a gallon, June 7, 2022
https://www.cnn.com/2022/06/07/energy/oil-prices/index.html
[8] The world must brace itself for a further surge in oil prices
https://www.ft.com/content/99cac5d0-bf6e-45ac-8e18-14267dab85f4
[9] Saudi dissidents call Biden’s planned visit to kingdom a betrayal, June 3, 2022
https://www.washingtonpost.com/world/2022/06/03/saudi-biden-mbs-khashoggi/
[10] Can Europe survive painlessly without Russian gas? (Bruegel)
https://www.bruegel.org/2022/01/can-europe-survive-painlessly-without-russian-gas/
[11] Germany doesn’t want to be ‘too successful’ at replacing Russian natural gas because it wants to move away from the fuel in the long run, economy minister said, Jun 7, 2022
[12] LNG revolution: Germany’s plan to wean itself off Russian gas takes shape
https://www.ft.com/content/6c6352c3-cb60-48e5-aa5e-7cf0232
https://usvietnam.uoregon.edu/3401-2/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét