Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Ai phá hoại đường ống dẫn khí đốt ở biển Baltic?

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/09/GettyImages-1242828117.jpg

Một phần thuộc hệ thống đường ống dẫn Nord Stream tại Baltic vừa bị phá hoại, ngay thời điểm mùa Đông đến gần ở châu Âu (ảnh: Stefan Sauer/picture alliance via Getty Images) 

Ngày 27 Tháng Chín, Kremlin cho biết “có kẻ” phá hoại làm hư hỏng mạng đường ống Nord Stream do Nga xây dựng, gây rò rỉ khí đốt ở Biển Baltic. Nhưng có thể chính Nga là thủ phạm!

Tai nạn bí ẩn

Các lãnh đạo châu Âu cũng nghi là do phá hoại và thề sẽ có phản ứng thích đáng. Mạng đường ống, được thiết kế để đưa khí đốt từ Bán đảo Yamal của Tây Siberia đến Đức đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến năng lượng giữa Nga và các khách hàng châu Âu truyền thống liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Nord Stream AG, nhà điều hành mạng lưới, cho biết trước đó ba đường ống ngoài khơi của hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream chịu thiệt hại chưa từng có trong một ngày.


Người phát ngôn Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moscow rất lo ngại về vụ việc và muốn có điều tra nhanh chóng vì “đây là một vấn đề ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của toàn lục địa”. Đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 có công suất chung hàng năm 110 tỷ mét khối khí đốt, chiếm hơn một nửa sản lượng xuất khẩu khí đốt của Nga. Trước đó, Cơ quan Hàng hải Thụy Điển cảnh báo về hai lỗ rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1, ngay sau khi một lỗ rò rỉ khác trên đường ống Nord Stream 2 gần đó được phát hiện khiến Đan Mạch phải hạn chế tàu bè qua lại trong bán kính năm hải lý.

Nord Stream AG chưa thể cho biết khi nào hệ thống đường ống sẽ được khôi phục. Theo công ty, mỗi tuyến của đường ống tốn khoảng 100,000 ống thép tráng bê tông nặng 24 tấn được đặt dưới đáy Biển Baltic. Các đường ống dẫn có đường kính bên trong 1,153 mét và nằm ở độ sâu từ 80-110 mét. Nord Stream 1 dài 1,224 km gồm hai đường ống song song công suất chuyển tải hàng năm là 27.5 tỷ mét khối (bcm) mỗi đường, chạy từ Vyborg, Nga đến điểm cuối ở Lubmin, Đức và bắt đầu cung cấp khí đốt cho Đức từ năm 2011.

Đường ống chỉ còn vận hành khoảng 20% công suất từ Tháng Bảy, 2022 đã bị tạm ngưng vào cuối Tháng Tám và mới đưa vào bảo trì. Nord Stream 2, chạy gần như song song với Nord Stream 1, được xây dựng vào Tháng Chín, 2021 nhưng chưa bao giờ được vận hành do phía Đức từ chối chứng nhận và bị xếp xó hoàn toàn chỉ vài ngày trước khi Moscow đưa quân vào Ukraine (ngày 24 Tháng Hai, 2022).

Ngón tay chỉ về Putin!

Rò rỉ đường ống dẫn khí rất hiếm trên biển nên có thể đây là một sự phá hoại. Nhưng phá hoại bằng cách nào? Với độ sâu chỉ khoảng 70 m, việc bí mật đi vào Biển Baltic bằng tàu ngầm hạt nhân là rất khó thực hiện nếu không nói là không thể. Chỉ có thợ lặn hoạt động bí mật được ở độ nông như thế nhưng bất kỳ tàu nào chở thợ lặn, dù là tàu ngầm hoặc tàu nổi, đều dễ bị phát hiện do mật độ giao thông trong khu vực cao.

Sự pha trộn giữa nước ngọt và nước mặn cũng khiến tàu ngầm khó nổi lâu để thực hiện việc phá hoại. Thợ lặn mang chất nổ đến kích nổ mục tiêu dưới nước là màn mạo hiểm cực kỳ rủi ro. Tuy nhiên, các tàu ngầm của Nga có thể làm tốt việc này nhờ thành thạo sau nhiều thập niên điều tra các tuyến cáp internet dưới biển chạy qua bắc Đại Tây Dương. Lực lượng tàu ngầm của Liên Xô cũ được các chỉ huy hải quân phương Tây đánh giá cao về khả năng vận hành các thiết bị kỹ thuật dưới đáy biển được thiết kế đặc biệt cho Chiến tranh Lạnh.

Tàu ngầm do thám Belgorod của Nga cải tiến từ lớp OSCAR III do GUGI (Main Directorate of Deep Sea Research-Cục Nghiên cứu Biển sâu) điều hành, được cho là rất giỏi gây nhiễu thông tin liên lạc dưới biển. Nếu làm được với cáp, tại sao không làm được với đường ống? Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là liệu Putin có dám mạo hiểm sử dụng lực lượng tàu ngầm vào một công việc nhạy cảm như thế với tất cả hậu quả xảy ra nếu sai sót. Vậy, các phương tiện tự hành dưới nước có thể là thủ phạm hay thiết bị không người lái mang chất nổ? Có thể, nhưng chúng sẽ phải đến từ một con tàu chỉ huy đậu đâu đó. Như đã nói ở trên, khu vực này khá nông và mật độ giao thông cao nên khó che mắt mọi người. Ngoài ra, một thiết bị không người lái dưới nước kích nổ sai vị trí là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Bí ẩn chờ giải đáp

Vì vậy, đây sẽ là một bí ẩn không bao giờ được giải đáp? Có lẽ không! Nếu chúng ta giả sử một loại mìn nào đó đã được sử dụng, thì lượng thuốc nổ không cần quá lớn, vì các đường ống không được bọc thép và chỉ dày vài centimet. Tương tự, vụ nổ sẽ không trực tiếp trên đầu đường ống mà được khuyếch đại dưới nước, và với cùng một lượng điện tích, có thể đạt được hiệu ứng lớn hơn nhiều bên dưới nước so với trên mặt đất.

Các loại mìn biển hiện đại có nhiều dạng. Một số có thể đưa đến một khu vực và được lập trình trước để kích nổ mục tiêu. Lợi ích của việc đặt trước những quả mìn như thế là nó được thực hiện khi cả thế giới mải chú ý đến nơi khác và có thể đặt vài tháng trước khi kích nổ. Một thiết bị đủ nhỏ để đục một lỗ trên ống kim loại mỏng không nhất thiết phải lớn như quả mìn thông thường. Nó có thể được một tàu ngầm lớp Kilo của Nga hay một tàu đánh cá đăng ký ở St Petersburg hoặc du thuyền của một nhà tài phiệt thả xuống vài tháng trước đó.

Có thể có ba thiết bị gây nổ nhỏ, nằm sâu 70 m dưới nước, gần đường ống North Stream khi thế giới đang chú ý đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hoặc những hành động tàn bạo được phanh phui ở Bucha. Chúng có thể nằm đó hàng tháng trời, lắng nghe lệnh âm thanh được lập trình sẵn của một con tàu đang di chuyển gần đó nhưng đủ xa để không bị nghi ngờ. Cũng có thể chúng lắng nghe một tín hiệu do một thiết bị điện tử truyền đi từ một chiếc máy bay bay ngang qua.

Vị trí đường ống bị bể nằm gần hai quốc gia Thuỵ Điển và Đan Mạch. Ai là người chịu trách nhiệm kiểm tra các đường ống Nord Stream nếu có bất kỳ dấu hiệu khác thường? Nếu đúng là do phía Nga, một lần nữa, thực tế chứng minh hạm đội dưới biển của Nga là một lực lượng có khả năng và tiềm năng thế nào.

https://saigonnhonews.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét