Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Đỗ Hoàng Diệu - Cảm ơn đồng chí Ivan. Phần 2. Hết

Trước hết là bức thư thứ hai ông Hồ gửi Stalin ngay từ Mạc tư khoa, ngày 31-10-1952, khi ổng đi Liên Xô bí mật. Hiện giờ cả hai bức thư được lưu trữ tại Phòng lưu trữ Tổng thống Liên bang Nga.

Bức thư thứ hai này được ông Hồ ký tên bằng tiếng Việt, mặc dù cuối bức thư thứ nhất ông lại ký tên bằng chữ Hán (胡志明). Cả hai bức thư đều do một thư ký người Nga viết giúp, ông Hồ ký tên.

Sau khi tôi đăng mấy dòng bàn về bài trả lời phỏng vấn của nhà văn Vũ Thư Hiên, một người bạn FB của tôi đã viết hai cái còm dài nhất lịch sử cõi mạng, dài đến mức máy móc bó tay chịu chết không tải lên được. Tôi xin phép chú đăng đôi còm vĩ đại này lên tường nhà mình như một bài viết và chú đồng ý. 

Cảm ơn đồng chí Ivan, tức ngài Nhieukhekov, tức thầy giáo trung học - phát thanh viên tiếng Nga đã "chào bác cháu ngược" Xuân Bách, tức công tử họ Bùi khét tiếng phố Hàng Ngang. 


***

"Đọc đi đọc lại vài lần stt này của chủ thớt và bài phỏng vấn nhà văn Vũ Thư Hiên, tôi cũng muốn đóng góp vài ý kiến. Chỉ hiềm rằng trình của mình thì hơi lùn, vấn đề lại nhớn, đứng từ góc độ nào cũng chỉ thấy được một phần, cũng như mấy ông thầy bói xem voi mà thôi. Đụng đến vấn đề nhớn thì ắt phải dài dòng, mà càng lòng thòng lại càng vương vít, tức là nó cũng sẽ hơi nhiêu khê, như cái tên cúng cơm của tôi.

Vậy thì tôi cũng cứ hành xử theo cái quyền được “mở miệng” của mình, mà không cố gắng thuyết phục hoặc cưỡng cầu để các bạn đồng ý với tôi. Kệ! Nên nhớ rằng, nó cũng chỉ là một ý kiến của riêng tôi thôi, một trong những ông thầy bói (dẫu rằng cũng có sờ một tí).

Đầu tiên ta hãy tìm cách tiếp cận đã. Tôi thấy học sinh ở Mỹ, ngay từ cấp một, các cháu đã được học, rồi làm bài tập về nhà trong vài năm, chỉ cốt sao phân biệt được đâu là sự thực (facts), đâu là ý kiến (opinions), và sự thực có thể dùng làm chứng cứ, chứ ý kiến thì không. Tôi cũng học cháu tôi được cái cách nhìn này.

Chủ thớt nói hơi vòng vo Tam Quốc, song điểm chính muốn nói là “ông Hồ cũng có trách nhiệm, và chịu trách nhiệm lớn nhất trong cái thảm họa CCRĐ này”.

Ra ngoài một chút, chẳng hạn cái công hàm Phạm Văn Đồng ký năm 1958, thừa nhận lãnh hải của TQ rồi liên quan đến cả Hoàng Sa, Trường Sa của ta. Thử hỏi việc lớn này Bộ Chính trị có bàn bạc rồi quyết định giả nhời như thế nào không? Hay chỉ mình ông Đồng? Nếu Bộ Chính trị có dính líu và cụ Hồ là người đứng đầu thì cụ Hồ có trách nhiệm phần nào không hay vô can? Nếu ông Đồng không đồng ý ký thì có được không? Mấy câu hỏi này dễ, các bạn tự trả lời lấy được. Cuối cùng thì ông Đồng cứ bị cả nước chửi và VN vẫn cứ mất toàn bộ Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Trong chuyện này, ai ai cũng thấy được chữ ký của ô. Đồng mà chẳng ai thấy một dòng nào, hay tài liệu nào có liên quan đến Bộ Anh chị cả (chả ai dại mà thò ra).

Quay lại với chuyện ta đang bàn. Có câu chuyện của nhà văn Vũ Thư Hiên qua bài phỏng vấn, có “Đèn Cù” của Trần Đĩnh, rồi có người nhắc đến Hồi ký Hoàng Tùng và Đoàn Duy Thành. Xin thưa, cái đoạn bác ko đồng ý bắn bà Năm, rồi “ko đánh 1 người đàn bà dù chỉ là một cành hoa hồng”... theo tôi là phịa cả, Có ai thấy người thứ hai nhắc đến câu này ko? Lúc Bác nói thì hẳn có nhiều người chứ đâu phải nói riêng với Hoàng Tùng!? Ta cũng biết rằng, ông Hoàng Tùng là Phó Ban Tuyên giáo TW (thời Tố Hữu), Tổng biên tập báo Nhân Dân, tức là một trong những người lãnh đạo cao nhất trong bộ máy “huyên truyền” của Đảng ta. Để xây dựng hình tượng trong sạch cho lãnh tụ thì việc thêm thắt hay bịa tạc một chút chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện Lê Văn Tám cũng bịa được cơ mà. Nói mãi người ta cũng phải nghe, rồi cũng tưởng thật. Chưa nói việc các nhà sử học hay các nhà nghiên cứu thì đều đã thống nhất rằng, hồi ký cũng chỉ là nguồn thứ cấp, ko thể tin “chăm phần chăm” được.

Vậy thì ta thống nhất, lời ô. Hoàng Tùng nói chỉ là loại “ý kiến”. Tức là chỉ có thể biết vậy thôi, ko có giá trị làm bằng chứng, ko phải sự thực.

Rồi tới Hồi ký ô. Đoàn Duy Thành. Ta đã biết, ô. Thành là Bí thư Tỉnh ủy Hải Phòng, nhưng đó là mãi tới năm 82. Trước đó, loại sư tổ thì có các Bí thơ: ô. Hoàng Hữu Nhân, rồi tới Trần Kiên, Trần Đông, Bùi Quang Tạo, rồi mới tới ô. Thành (2/1982-10/1986). Vậy thì so với Hoàng Tùng, ô. Thành mới là “muỗi”. Tuổi gì mà được nghe chuyện Bác Hồ nói ở Việt Bắc, hay cũng chỉ nghe từ miệng người khác ra? Thế thì đây cũng là một loại “ý kiến”.

Trong “Đèn cù” có nói ô. Hồ đi dự cuộc đấu tố bà Cát Hanh Long, song sau đó tác giả Trần Đĩnh cũng thừa nhận là nghe người ta nói lại. Vậy đây cũng là “ý kiến” thôi, ko phải sự thực.

Trong bài phỏng vấn nhà văn Vũ Thư Hiên, anh đã cho ta biết thêm nhiều chuyện về sinh hoạt của ô. Hồ, chẳng hạn: thích ăn cà muối xổi, tính tiết kiệm, làm việc không ngừng nghỉ, thích hút thuốc lá tây... Đó là facts, là sự thực, bởi chính anh ấy đã chứng kiến, chúng ta tin được. Đấy ko phải là ý kiến... Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn người ta có thể phát biểu những điều họ biết, cùng những ý kiến khác, dựa trên những điều đã biết. Chuyện ấy là tự nhiên, không ai trách được, còn tin hay ko, tin đến đâu là quyền của người đọc. Song tôi thấy, đây là facts về đời tư, về sinh hoạt của cá nhân ô.Hồ, chứ ko liên quan đến chuyện CCRĐ. Việc ai muốn triển khai CCRĐ ngay hay để sau, cũng là một đề tài thú vị, nhưng cũng tốn giấy mực lắm. Một chuyện hay nữa là anh đã cho biết thêm quãng đời hoạt động “dũng cảm” của anh Năm Thận (Đặng Xuân Khu), trốn cách mạng cả năm, lại thích quyền lực, thích hống hách. Đấy cũng là facts, bởi đó là chuyện nhiều người cùng hoạt động đã biết.

Quay lại với chủ đề chính, ta biết các cụ đã bảo “nói có sách, mách có chứng”, ngành công an cũng có câu khẩu hiệu “trọng chứng hơn trọng cung”. Vậy giờ ta đi tìm chứng cớ cái hẵng.

Trước hết là bức thư thứ hai ông Hồ gửi Stalin ngay từ Mạc tư khoa, ngày 31-10-1952, khi ổng đi Liên Xô bí mật. Hiện giờ cả hai bức thư được lưu trữ tại Phòng lưu trữ Tổng thống Liên bang Nga.

Mời các bạn đọc toàn văn:

Thưa đồng chí Stalin kính mến,

Tôi xin gửi tới đồng chí bản dự thảo Cương lĩnh Cải cách ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam. Bản dự thảo Cương lĩnh này do tôi soạn với sự giúp đỡ của các đồng chí Lưu Thiếu Kỳ và Vương Giá Tường. Xin đồng chí xem xét và cho chỉ thị về vấn đề này.

Gửi đồng chí lời chào cộng sản.

Ngày 31 tháng 10 năm 1952 

Hồ Chí Minh

Ghi chú chữ nhỏ bên dưới:

Bản sao đã gửi tới các đ/c Malenkốp, Môlôtốp, Grêgôrian.

_______________

Ghi chú: 

Trong bức thư thứ hai của ông Hồ gửi Stalin, tên của hai người Trung Quốc là Lưu Thiếu Kỳ và Vương Giá Tường.

Лю Шао-ци là phiên âm ra tiếng Nga của Liu Shaoqi (劉少奇).

Ван цзя-сян là phiên âm ra tiếng Nga của Wang Jiaxiang (王稼祥).

Lưu Thiếu Kỳ đã từng là Chủ tịch nước và là nạn nhân của Mao trong thời kỳ CM Văn hóa, thì nhiều người đã biết.

Vương Giá Tường là thành viên nhóm 28 Bôn-sê-vích, do Quốc tế Cộng sản cử về để đấu tranh với đường lối tả khuynh của Lý Lập Tam. Tuy so với Vương Minh, hay Lạc Phủ Trương Văn Thiên, Bác Cổ Tần Bang Hiến thì Vương không có gì nổi trội nhưng cũng thuộc loại “cây đa cây đề” của Đảng CSTQ. Là Đại sứ đầu tiên của nước CHND Trung Hoa tại Liên Xô, sau đó làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ủy viên Trung ương Đảng khóa 8 và khóa 10. 

(nếu bạn nào muốn đọc cả 2 bức thư, xin theo link dưới đây:

https://www.thongluan.blog/.../hai-buc-thu-ho-chi-minh...

hoặc:

http://xuandienhannom.blogspot.com/.../lan-au-cong-bo-2... )

Bức thư thứ hai này được ông Hồ ký tên bằng tiếng Việt, mặc dù cuối bức thư thứ nhất ông lại ký tên bằng chữ Hán (胡志明). Cả hai bức thư đều do một thư ký người Nga viết giúp, ông Hồ ký tên.

Đây là bằng chứng cụ thể nhất, rõ ràng nhất về sự dính líu của ổng với tấn thảm kịch này. Ông là người mang nặng đẻ đau, còn bức thư này là lời thừa nhận trước Stalin, trước cả Mao nữa (bởi có hai bà đỡ người Tầu bên cạnh) rằng tôi là người đã soạn ra nó. Vậy thì chính ông là tác giả của trận bão long trời lở đất này và giờ chỉ còn mỗi việc là chờ khi nào để thực hiện. 

Liệu bạn có nghĩ rằng, việc chọn bà Năm làm nạn nhân đầu tiên là cũng đã có hoạch định từ trước ko? Có cần phải cố vấn Tầu nhắc nhở chuyện hổ đực hổ cái cũng đều dữ cả ko? Nên nhớ rằng, ông Hồ đã từng trải qua và biết rõ những cuộc khủng bố đỏ của Stalin, biết cả tình hình triệt hạ tầng lớp kulak ở Nga và ép nông dân vào các nông trang tập thể, rồi nạn đói ở Ucraina vào những năm 1932-33 khiến hàng triệu người chết. Ông cũng biết rõ tình hình “Thổ địa cải cách” trong các Khu Xô viết Trung ương và địa phương bên Tầu, cách thức tiến hành và các nạn nhân của nó, theo Mao thì có khoảng 2 triệu người bị giết. Vậy khi lập ra Cương lĩnh CCRĐ theo mô hình ở hai nước CS đàn anh ấy, hẳn ông cũng biết nó sẽ diễn tiến ra sao, các nạn nhân của nó và gia đình họ sẽ như thế nào và ông chấp nhận.

Những cải cách này chính là một cuộc đấu tranh giai cấp, tiêu diệt những tầng lớp trên ở nông thôn, chứ chả vì người nông dân tẹo nào. Ngay ở VN cũng vậy. Được chia ruộng, nông dân nghèo chỉ hoan hỷ được hai năm thì cũng bị bắt vào hợp tác hết. Ai chống lại thì bị đi tù. Ruộng đất thành của chung Hợp tác, rồi thành tài sản toàn dân, Đảng quản lý. Xong! Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình!

VN là nước nhỏ, ắt là tổn thất cũng nhỏ hơn hai nước đàn anh kia nhiều. Vậy mà con số cũng lên đến hơn 170 ngàn người bị giết. 

“Thống kê chính thức của nhà nước được đăng trong cuốn “Lịch sử kinh tế Việt Nam” tập hai cho biết là đã có 172.008 người bị quy vào thành phần địa chủ và phú nông, là những người bị xếp vào loại kẻ thù của nhân dân, bị ‘đào tận gốc, trốc tận rễ’ nghĩa là không bị bắn tại chỗ thì cũng bị lãnh án tù rồi chết trong nhà giam.

Con số này có thể không chính xác, nhưng số nạn nhân quyết không thể thấp hơn thế được vì nó được ghi trong “Văn kiện đảng toàn tập” do nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành, và vì nó không nói gì đến những người bị kết án là Quốc Dân đảng thường thì bị bắn ngay tại chỗ. Trong số này, có cả những đảng viên Cộng sản trung kiên, mà trước khi chết vẫn còn hô to khẩu hiệu, đảng Cộng sản muôn năm.” (theo đài RFA)

Trong khi đó ở Miền Nam, theo nhà nghiên cứu Keith W. Taylor, GS Sử học tại Viện ĐH Cornell, trong cuốn “A History of the Vietnamese”, đã cho biết:

“Mặt quan trọng nhất về chính sách nông thôn chính là bộ Luật “Người cày có ruộng”, được xây dựng trên những Luật Cải cách điền địa đã có trước đó, nhưng chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ, do điều kiện chiến tranh và sự yếu kém của chính quyền. Trong những năm 1969 và 1970, các khu vực nông thôn đã có an ninh hơn và cấu trúc hợp hiến của nền Đệ nhị Cộng hòa đã có khả năng giải quyết những vấn đề nông nghiệp một cách hiệu quả. Trong vòng ba năm, số đất được chia lại đã gấp hai lần rưỡi toàn bộ số đất đã chuyển giao trong mười lăm năm trước đó. Con số tối đa ruộng đất mà một người có thể sở hữu đã giảm xuống 85%. Trong khi điền chủ được đền bù, tá điền được chia ruộng hoàn toàn miễn phí, cùng với cố nông không có ruộng đất, cựu chiến binh, gia đình có người chết vì chiến tranh và những người khác nữa. Nông dân vẫn được giữ lại ruộng đất do chính quyền cộng sản đã chia, và tất cả những chủ nhân mới đều được cấp giấy chứng nhận sở hữu đất vĩnh viễn, có nói rõ, cấm không được bán trong vòng 15 năm đầu tiên. Ở một số vùng trước kia do Cộng sản kiểm soát, trước năm 1968, thuế do chính quyền cộng sản đánh vào những người đã được chia ruộng còn cao hơn cả mức tô của tá điền ở những vùng gần đó do Chính phủ kiểm soát. Thuế nông nghiệp dưới thời Đệ nhị Cộng hòa là tương đối nhẹ.” (hết trích)

Quanh ta, các nước Đông Nam Á như Thái Lan và Philippines cũng có cải cách ruộng đất, nhưng họ đâu cần phải giết ai.

Đã chọn một người mẹ, hết lòng ủng hộ CM, lại có hai con đi bộ đội, làm tới Trung đoàn trưởng, để nổ phát súng đầu tiên, hẳn cũng là có kế hoạch cả rồi. Đừng đổ cho cố vấn Tầu mà phải tội “điêu”. 

Bằng cớ dính líu thứ hai, chính là bài báo “Địa chủ ác ghê” của C.B. (Của Bác). Nếu ông bị bất ngờ thì đâu có đến nỗi viết hằn học, chửi bới như thế. Đã viết thế được thì hẳn là cũng đã chuẩn bị bài bản sẵn rồi. Thậm chí, đó còn là một lời kêu gọi, một lời cổ động để tiếp tục thực hiện những điều ác như vậy.

Đã đặt ra kế hoạch, đã biết chuyện sẽ đi đến đâu thì việc chuẩn bị sẵn một con dê tế thần là chuyện cũng nằm trong tính toán. Xưa nay ông Hồ thường “ném đá giấu tay”, chẳng hạn ngay từ 1946, ông đi Pháp nhưng việc ở nhà, triệt hạ các đảng phái khác thì giao lại cho ô. Giáp làm. Chuyện CCRĐ thì đưa Trường Chinh làm, đến khi cần phải sửa sai thì lại đưa Trường Chinh lên bàn thờ, cùng mấy giọt nước mắt. Đưa ô. Bảo Đại đi Côn Minh rồi khi đoàn VN quay về thì bỏ ông ta lại bên Tầu, nhưng lại đổ cho Bảo Đại lấy hết tiền, trốn ở lại (xin đọc Hồi ký “Con rồng Việt Nam)....

Nhưng thôi, tôi chỉ định “còm” một phát mà lại viết hơi dài, xin tạm dừng ở đây. Chờ dịp khác lại bàn tiếp.

Ivan Nhieukhekov"

Đỗ Hoàng Diệu

Để hiểu thêm về "lai lịch" công tử họ Bùi, các bạn đọc bài này. Hóa ra gia đình chú Nhiêu Khê là gia đình tư sản yêu nước nồng nàn. "Đôi lời: Nhân bài của ông Bùi Tín, viết về hai anh em cụ Trịnh Văn Bính và Trịnh văn Bô, xin được giới thiệu lại bài viết về gia đình cụ Trịnh Văn Bô, của tác giả Bùi Xuân Bách. Ông Bùi Xuân Bách chính là cháu nội của cụ Trịnh Thị Thục (chủ hiệu Phúc Đồng), cụ Trịnh Thị Thục là chị cả của hai cụ Bính và Bô

FB Bùi Xuân Bách

19-10-2015

Chuyện chưa kể: Sau khi tiếp quản Thủ Đô năm 1954, ông Trịnh Văn Bô giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội. Ông anh, ông Trịnh Văn Bính là Thứ trưởng Bộ Tài chính từ năm 1945 cho đến khi về hưu, Thứ trưởng phụ trách Tài chính Công nghiệp, và đã từng là Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đầu tiên.

Ông Bô có hai ô tô nhà, nhưng chỉ đi xe đạp đi làm hàng ngày. Đến năm 1957, cuộc Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh bắt đầu. Dù đi theo Kháng chiến suốt cả 9 năm, ông bà cũng phải tham gia học tập cải tạo. Thậm chí sau đó, người ta còn đưa ông Trịnh Văn Bô ra khỏi Đảng. Cũng nên biết rằng ông đã vào Đảng từ năm 1944, do ông Khuất Duy Tiến giới thiệu. Ông Bô thì tính rất hiền, cũng chấp nhận mà không nói gì và họ chuyển ông về làm cán bộ ở Bộ Ngoại thương. Bà Bô thì không chịu. Bà lên gặp hẳn Trưởng ban Tổ chức Lê Đức Thọ. Không rõ bà đã nói gì với ông Sáu Búa (tức Lê Đức Thọ), nhưng sau đó họ đã phục hồi Đảng tịch lại cho ông Bô.

Nếu như ở nông thôn thì câu chuyện có khi đã khác, như trường hợp bà Nguyễn Thị Năm chẳng hạn. Ngay trong họ, chị cả của bà Bô là bà Hoàng Thị Hiến, vợ ông Đặng Hướng. Thời trước Cách mạng, ông làm quan, nhưng có cảm tình với những người chống Pháp, nên cứ bắt được CS là ông tìm cách thả.

Được mời làm Bộ trưởng phụ trách Thanh Nghệ Tĩnh trong chính phủ đầu tiên năm 1945, ông Đặng Hướng cũng đi theo kháng chiến suốt 9 năm. Khi cuộc CCRĐ được phát động, ông bà cũng bị lôi ra đấu tố, song nhờ có lệnh ở TƯ về kịp nên chưa mất mạng, dù đã bị giam. Là con gái Hàng Đào, Bà Hoàng Thị Hiến không chịu nổi sự sỉ nhục, đã uống thuốc độc quyên sinh. Ông Đặng Hướng cũng mất sau đó ít lâu.

Bà Bô đã từng phải nói là: “Việt Minh nó bạc lắm!”

Giờ đây, khi xã hội nói tục đã nhiều, câu này có vẻ nhẹ, nhưng đối với thế hệ các cụ, chuyện nói tục là đã bị cấm ngay từ bé, không bao giờ có một lời nói thô, thì đây lại là câu nặng nhất, Tất nhiên bà nói với các cô chú trong nhà, còn tôi là cháu lớn nhất trong cả hai họ nội ngoại nên chuyện cũng đến tai."

FB Đỗ Hoàng Diệu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét